Cỏ May: - Thưa cụ yếu tố cần và đủ để một người tu Thiền Năng Lượng trở thành tự tại vô ngại, rong chơi khắp cõi ta bà, du hí càn khôn là gì? Tưởng Vậy: - Tùy theo kinh nghiệm riêng của từng người đã kinh qua việc ấy. Tuy nhiên đối với ta thì công thức là:
Thường trụ khí + Giới luật của Như Lai + Làm Phật sự độ sanh + Nhận biết tỉnh giác rút kinh nghiệm qua việc làm Phật sự để hoàn thiện Thân Tâm + Đồng cảm với mọi người, chúng sanh và pháp giới để biến thành một nghệ sĩ tâm linh đầy sáng tạo và phúc lạc = Người Rong Chơi
Cỏ May:
- Thưa cụ "Thường Trụ Khí là gì?
Tưởng Vậy:
- Sau khi đắc khí, nếu thân tâm cực Tịnh không phan duyên và luôn nhận biết tỉnh giác thì năng lượng giác ngộ sẽ luôn có đấy mà các biểu hiện vẫn như người bình thường không khác. Nhưng là đầy trí tuệ, sáng tạo và phi khái niệm.
- Giới luật của Như Lai là gì?
Tưởng vậy:
- Đó là những điều Như Lai qui định trong Tạng Luật, các luận của Tổ và các lời giảng của chư Tăng về Luật.
- Thế nào là làm Phật sự độ sanh?
- Khác với các pháp môn khác trong Phật đạo. Người tu Thiền Năng Lượng ít nhiều đều có thần thông Phật lực do ơn trên gia trì. Bởi vậy tùy theo duyên nên đem cái ấy ra để giúp đỡ mọi người nếu họ cần. Làm như vậy là giúp đỡ chúng sanh nhưng cũng được chúng sanh độ lại. Nghĩa là nhờ áp dụng vào thực tiễn cuộc sống, nên đạo lực và đạo hạnh được trui rèn, nhờ vậy thăng hoa chuyển hóa mạnh trên đường giác ngộ. Cũng qua việc làm Phật sự độ sanh mà trạng thái tâm của người tu được phơi bày ra đấy, nhờ vậy mà sư trưởng sẽ dễ nhận biết và có căn cứ để dạy các pháp đối trị.
- Hơn nữa ông cũng biết: "Mật pháp ứng truyền cơ mật nhiệm"
- Nếu không làm thiện độ sanh chỉ chăm chăm học cho được thần thông Phật lực vì cái Tôi của mình thì không thể chứng pháp được. Mà những pháp đã chứng rồi cũng vì vậy mà dần mất linh nghiệm đi!
Dĩ Ngã công đức lực
Như Lai gia trì lực
Cập dĩ pháp giới lực
Phổ cúng dường nhi trụ.
- Thế nào là: "Nhận biết tỉnh giác, rút kinh nghiệm qua việc làm Phật sự để hoàn thiện Thân Tâm"?
- Cái hiểu biết qua kinh sách và lời giảng của chư Tăng chỉ là thuần "Lý". Muốn có cái thực biết thì phải thực chứng về "Sự". Nghĩa là áp dụng các pháp ấy trong cuộc sống đối với bản thân mình và khi dụng pháp ấy độ sanh không sợ là chưa chứng thì không thể độ sanh.
- Biết tới đâu thì giúp mọi người tới đấy. Có Thầy mình đi bên cạnh, nếu có gì sơ suất ngài sẽ chỉ thẳng cho thấy nhờ vậy mà tu sửa dễ dàng. Nếu có đạo hạnh và đạo lực thì tự nhiên quần chúng kính ái tin cậy. Còn nếu thấy chướng ngại nghiệp lực cản phá nhiều thì biết công đức lực và đạo hạnh còn chưa đủ cần phải nghiêm mật tiến tu hơn nữa.
- Mô Phật, bởi vậy đồng bào chính là vị Giám Thiền vĩ đại nhất của người tu Thiền Năng Lượng.
- Thưa cụ. Thế nào là: "Đồng cảm với mọi người, chúng sanh và pháp giới để biến thành một nghệ sĩ tâm linh đầy sáng tạo và phúc lạc" ?
- Nếu ta có cây đuốc đang cháy. Các ông có nhiều cây đuốc chưa cháy. Các ông muốn đến để nhen lửa từ cây đuốc của ta. Giữa cây đuốc đang cháy và cây đuốc chưa cháy còn có khoảng cách. Này Cỏ May, ông nghĩ sao, những cây đuốc của các ông có được cháy lên không?
- Thưa cụ những cây đuốc ấy không thể cháy lên được.
- Cũng vậy giữa người đang hành Bồ Tát Đạo độ sanh và đồng bào mình nếu còn có khoảng cách thì đạo không thể cảm thông được. Ta và người phải hợp nhất không còn kẽ hở. Cái ấy gọi là sự đồng cảm, cái ấy bắt nguồn từ con tim đại bi tràn đầy rung động của tình yêu tối thượng.
Này Cỏ May, khi con tim đại bi mở cửa thì trần cảnh bỗng chốc biến thành nguồn cảm hứng bất tận của nghệ sĩ tâm linh. Và thế là âm nhạc, vũ điệu, võ thuật, hội họa, điêu khắc, sắp đặt, thuyết pháp, trà đạo, thơ ca và muôn ngàn cách thể hiện khác bỗng tự nhiên hiển thị.
- Cái đấy bao giờ cũng luôn có sẵn. Chỉ cần mất mình đi, thì Thượng Đế tự sống dậy... Thượng Đế sẽ mang cái thân xác phàm phu này rong chơi khắp nẻo ta bà để sáng tạo, để vui chơi, để cống hiến, để mang lễ hội đến khắp trần gian này.
- Người như vậy, ta không gọi là người thực chứng, ta không gọi là Bồ tát thị hiện, ta không gọi là Hoạt phật, ta không gọi là Chân nhân, ta không gọi là Con Người Thật. .v . v. . . .
- Ta thích gọi là: NGƯỜI RONG CHƠI!
. . . . .
Này Cỏ May!
Khổ cũng để chơi
Sướng cũng để chơi
Sống cũng để chơi
Tu cũng để chơi
Chơi cũng để chơi
Ngộ cũng để chơi
Giác cũng để chơi
Luân hồi cũng để chơi
Niết bàn cũng để chơi
Mà thành Phật cũng để chơi thôi mà. . . .
Haha. . .ha!
Chơi ơi là chơi
Ta mặc tình rong chơi nơi. . . lơi thơi!
Dù ta đang tưởng vậy
Cái như vậy. . . cứ như vậy như vậy!
Tưởng Vậy/14/9/2008
Lời dặn quan trọng
Mời các bạn nhấn vào nút xem phim để xem đoạn băng ghi hình pháp Niệm Phật Tam Muội của Thiền Năng Lượng.
Chỉ những bạn đã học Thiền Đại Thủ Ấn (Mahamudra) và Tam Mật đã tương ưng thì mới thực hành được. Còn những bạn khác chỉ xem chơi cho vui. Không nên thực hành vì sẽ quá sức có hại.
Biểu hiện của Tam Mật Tương Ưng là khi thông công giao điển quang thì:
1. Thân Mật (Mudra), Khẩu Mật (Dalani), Ý Mật (Mantra) phải hiển thị đồng thời nhuần nhuyễn không rối loạn.
2. Hóa Thân ta thì hiển thị Tam Mật Tương Ưng. Còn Ta là Người Đang Nhận Biết Tỉnh Giác toàn bộ quá trình hành công và tình huống hiện tại.
3. Trước khi thực hành pháp này, phải hành Thiền Tịnh để đạt trạng thái Tâm Không. Nếu khởi Vọng hay Phan duyên theo Tham Dục thì thực hành Mật Tông là nguy hiểm!
4. Nếu tự cao ngã mạn, chấp chặt vào Cái Tôi, muốn hiển thị pháp để khoa trương để lòe đời, để cho người khác biết tài của ta. Thì nhất thiết sẽ lạc vào Thần Đạo!
Khi thực hành thì:
1. Trang ngiêm cơ thể, thanh tịnh tâm
2. Thông công nhận ân điển thiêng liêng gia trì (Bakti)
3. Hiển thị Đại Thủ Ấn (Mahamudra)
4. Đại Thủ Ấn vẽ Mantra vào cơ thể, vào các Chakaras và vào các căn.
5. Hóa thân ta đảnh lễ Như Lai, chư Bồ tát và Hộ Pháp bằng Đại Thủ Ấn.
6. Niệm hồng danh A Di Đà trong trạng thái thông công và tỉnh giác
7. Khi Như Lai ban cho xâu chuỗi Vô Vi thì tự nhiên:
8. Khi thực hành pháp này phải ít nói, ăn chay trường, vô dục, sống chánh định và tỉnh giác.
Qua một thời gian thực này pháp Niệm Phật Tam Muội này cơ thể sẽ lành bệnh, khỏe mạnh, luôn vui vẻ, dễ tính, hiền hậu. Trí tuệ và công năng sẽ phát sinh. Mọi người chung quanh ta, ai cũng nhận thấy như vậy.
Phải nhớ:
Tập mà như chơi, chứ đừng cố công gắng sức.
Ông Già Vui/16/9/2008