- Chào Cụ Tưởng Vậy - Chào chú Ba Gàn.
- Thưa cụ, nếu chỉ được nói một câu về phương pháp Khí Công Dưỡng Sinh thì cụ sẽ nói gì?- Nhận biết để "cùng trôi".- Tại sao lại thế?- Khi "Người nhận biết" và "Đối tượng được nhận biết" chưa là "Một", chưa hợp nhất được về mặt năng lượng, thì vẫn còn thấy cái tướng chuyển dịch của năng lượng. Khi ấy người hành công yên lặng cảm nhận sự chuyển dịch của năng lượng để cùng trôi theo chiều chuyển động ấy thì gọi là "Thuận Thiên" hay "Thuận dịch lý". Do vậy mà khế hợp trời đất, thích ứng được mọi tình huống!. . . Đối tượng của "Nhận biết" là gì thì năng lượng sẽ tác động đến phạm trù ấy và sẽ gây ra sự thăng hoa chuyển hoá về hướng giác ngộ. Nghĩa là phạm trù ấy không còn bị ép buộc vận hành theo cái muốn riêng của tâm trí mà sẽ thuận tự nhiên cùng vận hành với trời đất!. . .Bởi thế nên gọi là giải thoát, nên gọi là tự do!. . . .- Thưa cụ tại sao có vấn đề năng lượng ở đây?- Này chú Ba!. . . Nhận biết là "Thể", năng lượng là "Dụng". Nhận biết thật sự là trạng thái Bát Nhã phi tâm trí. Về mặt "Thể" thì cái biết ấy phi nỗ lực, tức thời, trực tiếp, không khởi từ sở tri cũ. Đó chẳng phải là trạng thái người nhận biết và đối tượng nhận biết trùng với nhau là gì? Ông biết đấy, vạn pháp khác nhau ở tướng mà đồng nhất ở mặt năng lượng. Thế cho nên trong thực tế trạng thái Bát Nhã chỉ xảy ra khi năng lượng "cái Một" hợp nhất với năng lượng của "cái Toàn diện".- Thưa cụ đối tượng của "Nhận biết" là gì?- Mô Phật!. . .Do "chỉ" mà được định, do "quán" mà sinh huệ. Khi "Tâm trí" đã đầy nhận biết, qua một "duyên" thường là thiền ngữ hay thiền cơ nếu đang tu tập với một minh sư, cái "Nhận biết" sẽ tràn ra khỏi tâm trí để có cái "biết" trực tiếp của Bát Nhã. Bởi ra khỏi phạm trù của tâm trí nên gọi là "Vô ngã". Này chú Ba!. . . con đường thăng hoa để cái "Nhận biết tâm trí" chuyển hoá thành Bát Nhã theo Khí Công Dưỡng Sinh phải qua ba cột mốc để nhìn lại "chính mình", ba đối tượng của nhận biết, từ thấp đến cao, từ thô đến vi tế. Đó là: Thân, tâm và pháp giới. Tại 3 phạm trù ấy đều xảy ra sự thăng hoa chuyển hoá của hiện tượng "Cùng trôi". Và hành giả chẳng phải tu tập mà là lặng yên nhận biết chiều chuyển động của năng lượng, nhận biết dịch lý, cảm nhận sự biến hoá của cái "Tồn tại" để buông xuôi cùng trời đất. Thế thì ra khỏi cái tâm trí!. . .Thế thì nghìn trượng đầu gậy bước thêm một bước nữa để buông xuôi mà lọt vào "Tự tánh pháp thân". Lúc ấy hai mực nước đã bằng nhau!. . . Lúc ấy không còn áp lực cao thấp! . . .Lúc ấy không còn đó đây! . . .Này chú Ba!. . . Lúc ấy năng lượng sẽ lặng yên!. . . Dịch lý sẽ ngừng bặt!. . . . Trời đất chẳng còn vận hành!. . . .Phật và chúng sanh đồng tan trong bể "Giác"! . . . .Nam Mô Viên mãn Báo Thân Lô Xá Na Phật!Nam mô Tự Tánh Pháp Thân TỲ Lô Giá Na Phật!
XUÂN MAI /18/3/2005