- Chào cụ Tưởng Vậy - Chào chú Ba Gàn - Thưa cụ thế nào là "Y pháp bất y nhân"? - Này chú Ba, không có việc ấy đâu? - Đó chẳng phải là lời dạy của Như Lai và chư Tổ sao? - Đúng vậy, nhưng nay đại bộ phận người tu chưa hiểu, đó chỉ là phương tiện khéo của các ngài, chứ thật sự không có việc ấy? - Tại sao vậy?
- Vì người đã gọi là "Thầy" thì phải chứng thực pháp. Nghĩa là "lý và sự" phải viên thông. Nhiên hậu mới hướng dẫn người khác tu tập được. Bởi vậy, người đã được chúng sanh gọi là "Thầy" nhất thiết chẳng những thuyết giảng được pháp ấy, mà còn có cách sống biểu thị minh họa cho pháp mình đang giảng dạy để đệ tử nhìn vào đấy mà y theo. Nên "Pháp" tức là "Nhân", Thầy chính là "pháp sống". Chứ không thể có việc người Thầy nói một đàng mà cách sống thực tế lại đi ngược điều mình giảng dạy được. Vì như vậy chứng tỏ mình chỉ lý thuyết suông chứ thực tế thì chưa chứng được "Pháp" ấy.
- Thế tại sao chư Tổ lại dạy rằng: "Y pháp bất y nhân"?
- Đó là vì người học đạo còn trụ vào tâm trí và thường ngã mạn. Họ đến chẳng những để học đạo mà còn làm quan tòa phán xét Thầy mình theo các tiêu chuẩn có sẵn trong đầu. Để xem Thầy mình tốt hay xấu? Đạo đức hay không đạo đức? Trí huệ hay không trí huệ? Lẽ dĩ nhiên theo cách hiểu tâm trí của họ.
Và điều ấy làm họ tự chặt mất sợi dây đồng cảm với Thầy mình. Khiến họ sẽ hiểu nhầm lời giảng, bài viết và các thiền cơ của minh sư họ. Cho nên họ sẽ chỉ nhận được các pháp hữu tướng và thường chỉ là phương tiện khéo của thầy họ chứ thực pháp thì cần có con tim đồng cảm mà họ đã tự đánh mất từ lâu rồi!
Vả lại người đã được gọi là "Thầy" thì bao giờ cũng có bí pháp, hay các pháp tối thượng. Trước khi truyền trao các pháp tối thượng ấy, người thầy thường thử thách học trò mình rất khắc nghiệt để thật sự biết rằng người trò đã thực sự phi tâm trí thì mới truyền trao. Đó là vì Như Lai đã dạy trong kinh Pháp Vũ:
"Pháp tối thượng thừa như một cơn mưa lớn, chỉ có lợi cho cây đại thụ. Cỏ và hoa sẽ dập nát."
Bởi vậy mà người Thầy cần phải biết học trò mình là cỏ hay tuy đẹp và có mùi thơm nhưng chỉ là cành hoa yếu đuối chỉ phù hợp với các pháp tiểu thừa. Hay thực sự là một cây đại thụ. Trước khi ngài truyền trao pháp bảo bằng đại pháp vũ nghĩa là cơn mưa lớn của Như Lai.
Mô Phật, nếu người học trò trong cơn thử thách lại đem tâm trí để phán xét các phương tiện khéo hoặc nghịch pháp của Thầy mình giả tướng, thì thế nào cũng bị tâm ngã mạn làm xa đường đạo. Bởi vậy "Y pháp bất y nhân" có nghĩa là người học trò do chưa đủ trí huệ và chưa chứng thiền nên không đủ trình độ để phán xét Thầy mình được, mà phải cứ y theo pháp của ngài dạy nhất tâm tu tập chứ đừng dùng tâm trí để bị các giả tướng lôi đi.
- Thưa cụ như vậy câu "Y pháp bất y nhân" không có nghĩa là dù ông Thầy mình xấu không đủ tư cách và đạo hạnh, nhưng thôi mình chả cần, cứ y theo lời giảng của ổng mà tu tập thì rồi cũng giác ngộ thành Phật, vì là pháp của Phật chứ pháp gì của ông ấy?
- Mô Phật, đúng vậy. Đó là một thái độ ngã mạn và ngu muội. Vì tự mình cắt đi sợi dây tâm linh nối với Phật và chư Thiên. Vì người ấy sẽ nhận được cái bóng điện nhưng không có ánh sáng vì mình đã tự cắt cái dây diện rồi. Mô Phật, nếu chúng sanh có thể tu thẳng với Phật không cần Thầy. Thì Như Lai chỉ bảo qui y nhị bảo là Phật và Pháp chứ đâu có qui y tam bảo là: Phật, Pháp và Tăng.
- Xin cảm ơn cụ.
- Mô Phật, ta tưởng vậy chứ chưa chắc đã vậy. Ông nên tác bạch điều nay với chư tăng và chư thiện tri thức để các ngài ấy phát tâm chỉ dạy cho thì mới thực đúng được.
Tưởng Vậy/30/9/2007
Đời người phải học biết bao nhiêu cho đủ. Ê a mẫu giáo người thầy đầu tiên, rồi tiểu học, trung học, Đại học, Cao học, Tiến sĩ. Ta sẽ gặp và thọ giáo với từng người thầy , có người tâm huyết, có người chỉ hành nghề "dạy học", không có đúng sai khi ta học từng vị thầy khác nhau. Đừng đòi hỏi quá cao về người thầy của mình, và cũng đừng kỳ vọng quá nhiều. Hãy chiêm nghiệm và thủ lễ. Đức Phật Thích Ca đã từng học biết bao vị minh sư, nhưng cuối cùng cũng phải "vượt qua chính mình" để thành chính quả. Với những vị minh sư chân chính và cao cả : Họ chẳng dạy gì cả, bản thân vị minh sư là tấm gương, là phản ánh như thật. Người Thầy nói hay dạy những điều hay, nhưng chưa chắc, bản thân vị thầy đã thực chứng, đừng đòi hỏi vì bản thân người thầy cũng đang trầy trật, khi đối diện với chính mình. Hãy im lặng và chiêm nghiệm.