-Chào cụ Tưởng vậy. -Chào chú Ba Gàn.
- Thưa cụ, tôi có đọc một vài cuốn sách nói về con đường làm đệ tử của chân sư. Tôi có cảm nhận rằng khi người đạt đến giác ngộ thì lúc đó mới thực sự trở thành một đệ tử. Có phải vậy không?- Người đã giác ngộ thì không có Thầy mà Thầy nào cũng có! Còn người đang tu tập chỉ có thể trở thành một đệ tử thật sự, khi có lòng kính tín và đồng cảm với minh sư mình. - Có phải tất cả ngạ quỷ, ma sự, chư pháp giới........ đều là các trạng thái rung động có tần số khác nhau không ạ? - Từ "tánh" qua duyên, vạn pháp đều được biểu thị qua các dạng rung động của năng lượng. - Thưa cụ, ý nghĩa của Phật, Pháp, Tăng là gì? - Phật là bản thể. Ở mặt dụng Phật tượng trưng cho trạng thái tự phản ảnh như thật sự vật và tự thích ứng tình huống phi tâm trí. Pháp, ở mặt toàn diện là mọi biểu thị của "Tánh". Trong phạm trù tu tập, Pháp là Kinh, Luật và Luận. Tăng là thí dụ minh hoạ cho trạng thái Phật qua một con người.- Thưa cụ, tôi đã thực hành các pháp đối trị và đạt được hiệu quả rất tốt. Nhưng, có một việc mà tôi không sao đạt được trạng thái này. Đó là công việc giấy tờ ở cơ quan. Tôi làm nghề kế toán nhưng mỗi lần nhìn vào những hồ sơ tài liệu là ma sự lại nổi lên. Chúng gây nhiễu làm tôi không tập trung được. Tôi phải thực hành pháp đối trị như thế nào để làm việc được hiệu quả? - Mô Phật!. . . Làm tốt công việc ấy, để đem lại lợi ích cho mình và mọi người cũng là Phật sự. Xem công việc như một bài tập thiền động để rèn luyện kỹ năng chánh niệm và tỉnh giác. Dùng "cái khó chịu" ấy như một bài tập để rèn luyện tâm tịnh và an lạc. Có sổ theo dõi ghi chép sự tiến bộ của mình hàng ngày khi áp dụng thiền vào cuộc sống.- Cảm ơn cụ. Xin mời cụ dùng trà!- Này chú Ba đây là những câu hỏi quan trọng. Tôi tưởng vậy chứ chưa chắc đã vậy. Chú Ba nên tác bạch với chư tăng và hỏi chư vị thiện tri thức rồi bảo cho tôi biết với.- Mô Phật!
BA GÀN/1.4.2005