- Điều ấy có phi khoa học không?
- Không !
- Vô lý! Vừa khi nãy ông bảo là không biết, sao bây giờ lại biết là không phi khoa học.
- Không biết là không biết cách thức của cái tối thượng rỗng không mà lại hiển thị thành vạn pháp. Còn biết không trái với khoa học vì khoa học tiên tiến về hạt cơ bản và lượng tử đều nhìn nhận như vậy.
- Nếu ông nói: "Vạn pháp duy tâm tạo" Vậy bây giờ ông không làm gì cả chỉ ngồi đây suy nghĩ về một vật xem vật ấy có tự hiện ra không? Hay là ông cầu trời khấn Phật xem vật ấy có tự hiện ra không? Tôi nghĩ các điều ấy đều là hoang tưởng, mà nhất thiết đều phải thông qua con đường lao động?
- Mô Phật! "Vạn pháp" nghĩa là mọi pháp hữu tướng và vô tướng. "Duy tâm tạo" nghĩa là từ tâm tạo thành.
Tâm chỉ có 2 dạng:
1. Ở phạm trù bản thể: Thì tâm là tên gọi cái nguyên nhân đầu tiên của vật chất. Vậy cho nên nói " Vạn pháp duy tâm tạo" là một cách định nghĩa về triết học của cái vật chất tối thượng.
2. Ở phạm trù hiện tượng: Từ "tâm" ở đây không phải chỉ tính thiện ác của con người hay một trạng thái tâm lý nào đấy! Mà là tâm trí nhị nguyên với các định kiến chấp trước chủ quan và thất tình lục dục. Sự vật ở thế giới hiện tượng luôn "như nó đang là" nhưng khi chúng ta cảm nhận qua môi trường tâm trí thì bị phóng thể nghĩa là mất tính khách quan trung thực. Vậy cả câu " Vạn pháp duy tâm tạo" có nghĩa là: Mọi pháp hữu tướng hoặc vô tướng, tuy đang có đấy. Nhưng ta đều không thấy được, bởi chúng ta đang thấy cái giả tướng của nó thông qua "tâm trí".
Thế cho nên cổ đức mới nói: " . . .Thuý trúc hoàng hoa phi ngoại cảnh" nghĩa là trúc xanh, hoa vàng, đâu phải là cảnh bên ngoài! . . . .
- Mô Phật! . . Xin cảm ơn ông về buổi nói chuyện hôm nay.
- A Di Đà Phật! . . . Gàn tôi nói chơi đó mà, ông không biết tôi là Ba Gàn sao.
BA GÀN/8/10/2004