Chỉ là gì, Quán là gì?
  • Tịnh Công, thân ngồi yên lặng như núi đá gọi là "chỉ".
    Động Công tuy chuyển động nhưng luôn tỉnh giác, đúng với nội dung của nhất niệm, luôn điều hoà trang nghiêm không loạn động nên cũng gọi là "chỉ".
  • Tâm yên lặng không suy nghĩ vẩn vơ là "chỉ". Trụ vào trạng thái tịnh và rỗng không của tâm thức không phan duyên theo vọng niệm nên gọi là "chỉ".
  • Dù Tịnh Công hay Động Công, luôn nhận biết tỉnh giác nên gọi là "quán"
  • Là chứng nhân của chính mình. Đề mục của nhận biết là chính thân tâm mình, từ thô đến tế, từ ngoài vào trong, từ thân vào đến đáy tâm hồn, như : hơi thở, trạng thái của thân, trạng thái động tác, trạng thái tịnh và rỗng không của tâm thức v.v. . . do vậy nên gọi là "quán".
  • Không "chỉ" thì mất "định". Không "quán" thì mất "huệ". Nên "chỉ quán" là yếu lĩnh của Khí Công. Khí Công còn gọi là "thiền động" cũng vì có đặc tính "chỉ quán". Do vậy tập Khí Công cũng chính là "định huệ song tu" vậy !
  • Tập luyện lâu ngày, trụ được ở trung tâm, không ảnh hưởng bởi hiện tượng giới ở ngoại vi. Thấy "cái Một" hợp nhất với "cái Toàn Diện". Khi ấy không "chỉ" mà "chỉ" không "quán" mà "quán".Trôi theo dòng của Đạo gọi là "chỉ quán". Như đứa bé nằm trong bào thai của mẹ. Nó không suy nghĩ gì, không có hơi thở riêng, mẹ nó thở thì nó thở. Không hành động riêng, âm dương tương thôi sinh ra vạn thế. Nó và mẹ nó hợp nhất. Người luyện Khí đạt trạng thái "Thiên Địa Nhân đồng nhất". Do vậy không phải là tập luyện mà yên lặng để trời đất hiển thị qua ta. Như vậy không phải chứng đắc cái gì, mà xả bỏ mọi sự quay về an nghỉ trong bào thai vũ trụ.
  • Vô sự, vô tác, vô tướng là cái rốt ráo của "chỉ quán" vậy !

                                                                                                                               GIÓ 13/09/2003