- Thưa cụ Tưởng Vậy!. . .Cụ có bảo là người tu tập phải qua 3 giai đoạn: thân, tâm và pháp giới. Vậy khi đã qua 3 bước này thì người đó đã giác ngộ hoàn toàn chưa ạ? Và con đường tiếp theo của người đó là gì?
- Này Cỏ May!. . .Nhận biết thân, thì thân là đối tượng nên không trùng với chủ thể là người nhận biết. Do vậy thực chứng cái biết chân chánh là "Thân này chẳng phải là ta" nhờ thế thoát khỏi các tham dục gây ra ở thân. Đấy là giai đoạn tu. Đối với chư huynh đang hành Bồ Tát đạo. Cái biết là tự nhiên biết phi tâm trí. Khi ấy chủ thể người nhận biết và đối tượng nhận biết trùng với nhau làm một nhờ tâm đại bi và sự đồng cảm sâu sắc. Do vậy chư huynh thường tự hiển thị các biểu hiện đối trị, khiến có thể sử dụng các hoạt động của thân mà không tham dục.
Đối với hai phạm trù tâm và pháp giới thì cũng y như vậy. Ban đầu cuộc sống chánh niệm và tỉnh giác đến cùng cực sẽ khiến người tu tập không dính mắc vào các phạm trù thân tâm và pháp giới. Chẳng những trong lúc thức mà quán tính của sự tinh tấn sẽ diệu dụng cả trong lúc ngủ. Nhờ vậy cuộc sống tràn đầy nhận biết không dính mắc vào tham sân si. Thế nhưng đó chỉ là cái biết tâm trí!. . .
Giai đoạn tiếp theo người tu tập phải dùng thiền định để không dính mắc vào các khái niệm, do vậy mà vượt khỏi phạm trù tâm trí. Còn gọi là vô ngã. Khi ấy chư huynh có thể hoạt dụng trong cả 3 phạm trù thân , tâm và pháp giới mà không hề dính mắc! . . .
Người như vậy, Như Lai bảo: ". . chẳng còn gì để làm nữa! "
Trong ánh sáng của "tự nhiên biết" người ấy yên lặng cùng trôi với pháp giới! . . .
- Cảm ơn cụ! . . .Mời cụ dùng trà! . . .
- Mô Phật!. . .chú đã hỏi thì tôi có lời nói vậy chứ chưa chắc đã là như vậy. Xin chú hỏi các vị thiện tri thức rồi bảo cho tôi biết vớí.
TƯỞNG VẬY31/3/2005