- Thưa cụ, trong kinh Viên Giác đức Phật nói: " Nếu chúng sanh thời mạt pháp, muốn cầu thiện trị thức, phải tìm người có chánh kiến, xa lìa nhị thừa, tâm chẳng chấp tướng và không còn tác, chỉ, nhậm, diệt. Vậy thế nào là bốn bệnh tác, chỉ, nhậm, diệt ?
- Tác là làm, chỉ là dừng, nhậm là mặc kệ, diệt là tiêu trừ. . . .Này Cỏ May, tu thành Phật có nghĩa là phát hiện cái Phật tánh đã có sẳn nơi tự thân mỗi chúng sanh. Tức hiện cái bản tánh với năng lực đầy đủ đã có sẳn ấy, chứ không phải do "tác" mà thành. Tương tự, chỉ, nhậm và diệt cũng đều y như thế. Tất cả vốn đã sẵn, nên tác, chỉ, nhậm, diệt đều là bệnh. Hành giả nếu chấp tướng hay không chấp tướng đều là do vọng tưởng. Nên phải lìa hết, kể cả chấp hay chẳng chấp.
- Thưa cụ, nếu nói đức Phật không có nhập niết bàn, là bất sanh bất diệt, thì tại sao ngài lại còn sanh ra nữa?
-Này Cỏ May, niết bàn là bản thể. Nên không thể thêm gì vào được và cũng không thể bớt gì ra được. Do vậy, không có việc xuất nhập niết bàn.
Như Lai và mọi chúng sanh do có Phật tánh nên đều đang ở trong niết bàn. Chúng sanh vô minh nên không biết đấy thôi.
Vì bản thể phải luôn biểu thị qua hiện tượng. Nên niết bàn hiển thị ra tướng chúng sanh và tướng Phật. Do có tướng nên phải thành, trụ, hoại, diệt, kể cả tướng Phật.
Này Cỏ May, sau khi đã kiến Tánh thì bồ đề viên mãn qui vô sở đắc. Nếu còn sở đắc tức niết bàn của nguyên thuỷ.
Kinh Lăng Già nói: "Chẳng có Phật Niết bàn, chẳng có Niết bàn Phật".
Niết Bàn là đối với sanh tử. Sanh tử đã chẳng có, làm sao có niết bàn? Cũng như nói"phiền não tức bồ đề", do có phiền não mới có bồ đề. Phiền não sạch làm sao có bồ đề. Cũng vậy, người kiến tánh rồi thì ngộ đồng như chưa ngộ.
- Thưa cụ, địa ngục ở tại thế gian hay ở cảnh giới nào khác?
- Vạn pháp do thức biến. Tâm còn không có huống hồ vạn pháp do tâm tạo.
- Thưa cụ, vậy là không có tâm?
- Có Tâm hoặc Không Có Tâm đều là trò chơi 2 cực của tâm trí. Các pháp vốn thành trụ hoại diệt hay vô thường vì không có ngã. Nhưng bản thể, cái luôn biểu thị thành các pháp lại như như thường hằng bất sinh bất diệt. Cho nên nói các pháp là bất nhị vượt khỏi phạm trù có và không của nhị nguyên.