-        Thưa cụ, tại sao niệm hồng danh A Di Đà Phật thì chỉ được vãng sanh lên cõi Tịnh Độ. Mà không phải là thể nhập cảnh giới rốt ráo của Niết Bàn. Có Phải vì Phật lực của đức A Di Đà yếu hơn các vị Phật khác không?

-        Này ông, không phải vậy. Nếu hành giả trụ vào Phật tướng của đức A Di Đà thì sẽ được vãng sanh về cõi Tịnh Độ. Còn nếu xem đức A Di Đà Phật như là Tánh hay Bản Thể hoặc Tự Tánh Pháp Thân của mình thì công phu niệm hồng danh A Di Đà sẽ khiến hành giả thể nhập niết bàn (nirvana).

-        Thưa cụ, nếu muốn dùng công phu niệm Phật để trực nhập niết bàn, chứ không dừng lại ở vãng sanh tịnh độ thì cách hành trì như thế nào?

-        Này ông, có 4 giai đoạn hành trì:

1/Giai đoạn chánh niệm:

  • Ban đầu thì cột tâm vào câu niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” ở khắp mọi nơi và mọi lúc. Thân Khẩu Ý phải hợp nhất với câu niệm.
  • Niệm niệm liên tục không đứt đoạn để vọng niệm không có chỗ chen vào.
  • Nhận biết tỉnh giác mình đang niệm Phật.
  • Luôn nhận biết tỉnh giác, phát hiện lúc mình quên niệm Phật và vọng niệm đang chen vào. Để lập tức tái lập niệm Nam Mô A Di Đà Phật.

2/ Giai đoạn nhất niệm:

  • Qua một thời gian, do cột chặt Tâm vào danh hiệu Phật. Nên lúc đang hành công, Tâm không khởi “vọng niệm” nữa.
  • Khi ấy trong cuộc sống, không cần niệm hồng danh liên tục. Mà chỉ luôn quán Tâm mình. Khi nào thấy thất tình lục dục khởi lên, thì lập tức niệm và cột chặc tâm vào hồng danh A Di Đà Phật cho đến khi nào, thất tình lục dục tan đi, thì ngưng niệm, tiếp tục quán Tâm.
  • Thực hành như vậy một thời gian, thì sẽ thành phản xạ của tâm linh. Và hồng danh A Di Đà Phật sẽ trở thành pháp đối trị của thất tình lục dục. Nghĩa là cứ mỗi khi tâm mình khởi thất tình lục dục thì tiếng niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” sẽ tự nhiên vang lên trong tâm xua tan vọng niệm đi. Cơ chế như vậy là tự động không cần một chút cố gắng nào.
  • Khi thực chứng trạng thái như vậy thì gọi là “Nhất niệm”.

  3/ Giai đoạn Tâm Không xoá nhất niệm:

  • Khi hành giả đã thực chứng công phu” nhất niệm”, vì có pháp đối trị nên thất tình lục dục cũng ít khởi lên. Do vậy tâm hành giả ngày càng đi dần về trạng thái Tịnh. Cho nên giữa hai thời hồng danh tự vang lên trong tâm sẽ có một khoảng trống không, không có vọng niệm cũng như không có hồng danh.
  • Đến giai đoạn này hành giả luôn nhận biết tỉnh giác tâm mình. Thấy tâm mình đang rỗng không hoặc chỉ có niệm mà không có vọng niệm.
  • Khi vọng niệm khởi lên, hồng danh A Di Đà Phật cũng sẽ tự khởi lên để đối trị. Khi ấy mình nhận biết tâm mình đang niệm hồng danh. Nhưng mình không trụ vào hồng danh mà trụ vào trạng thái “tâm không”.
  • Do mình trụ vào “tâm không” nên hồng danh sẽ tan cùng với vọng niệm và thất tình lục lục đi kèm nó.

   4/ Giai đoạn Chân Không mà Diệu Hữu:

  • Do “nhất niệm” nên hình thành giới tự giữ không cố gắng.
  • Do Giới tốt nên độ Định ngày càng cao. Nhờ vậy tâm ngày càng Tịnh.
  • Sau khi dùng “Tâm Không” để xoá “nhất niệm”. Thì tâm, không còn vọng niệm, cũng không còn hồng danh, mà vẫn luôn tràn đầy “nhận biết không cố gắng”.
  • Khi ấy niềm vui không nguyên nhân sẽ luôn thường trú ở tâm, vì niềm vui ấy là bản chất của tịnh.
  • Vì mình luôn “nhận biết mình đang rỗng không”, nên tuy trong tâm có niệm để làm việc, thế mà “Niệm” không bao giờ biến thành “vọng niệm”.
  • Công phu lâu ngày như vậy sẽ thành “rỗng không mà tràn đầy nhận biết không cố gắng”. Có niệm như người bình thường mà không biến thành “vọng niệm”nên gọi là “như thị”. Đồng thời “niềm vui không nguyên nhân luôn tràn ngập tâm hồn mình”.
  • Như vậy dùng “chánh niệm” để xoá tạp niệm loạn động. Sau đấy dùng “Nhất niệm” để xoá “chánh niệm”. Rồi tiến tới dùng “Tâm Không”để xoá “nhất niệm”. Sau cùng thường trụ trạng thái “nhận biết tâm Không”để “tâm Không” không biến thành “Ngoan Không”, mà thể nhập Tánh hay Chân Không mà Diệu Hữu.

-        Thưa cụ, như vậy không chỉ là hồng danh “ Nam Mô A Di Đà Phật”, mà mình có thể áp dụng phương pháp trên khi niệm bất kỳ danh hiệu Phật nào?

-        Đúng vậy, vì bản thể là duy nhất một.

-        Cảm ơn cụ vì bài pháp hôm nay

-        Này ông, pháp này do thầy ta truyền thụ cho ta. Ta áp dụng thấy rất hiệu quả. Nhưng áp dụng cho người khác thì chưa chắc đã phù hợp. Bởi vậy, ta tưởng vậy chứ chưa chắc đã vậy. Ông hãy tác bạch với chư tăng ni và chư vị thiện tri thức để họ giảng dạy cho thì mới được.

Tưởng Vậy/6/5/2012

Tượng Phật A Di Đà ở một cái chùa dưới chân núi Phú Sĩ Nhật Bản/4/2012

 

Vân du

 

Thiền định