UM MANI PADMI HUM!   gọi là Lục Tự Đại Minh Chân Ngôn. Nó có công năng diệt trừ mọi tai nạn, đau khổ, giúp người tu đạt trí tuệ sáng suốt của Phật Thừa, gọi là Đại Minh. Bởi vậy thực hành sáu chữ này thì đạt cái huệ tự nhiên, cái vô phân biệt trí, cái trí tự nhiên biết, thấy như thật, biết như thật để làm như thật. nên gọi là Lục Tự Đại Minh Chân Ngôn. Trong đó Chân Ngôn nghĩa là Đalani. Lục Tự nghĩa là gồm có sáu chữ . Đại Minh nghĩa là sáu chữ này hành công rốt ráo sẽ đưa lại cái biết to lớn, sự sáng suốt to lớn, nghĩa là cái huệ, cái tự nhiên biết, cái phản ảnh như thật của Tâm Bát Nhã Bala Mật Đa (Prajna Paramita).

 

UM MANI PADMI HUM!  là câu thần chú nổi tiếng ở thế giới. Phật tử nào cũng thuộc, môn phái nào cũng trì tụng vì lực bất tư nghì của nó. Nó có công dụng diệt trừ đau khổ. Giúp người tu tập vượt qua Dukkha, đạt giải thoát và cái huệ tự nhiên của nhà Phật. Thần chú này do Đại Bồ Tát Quán Thế  Âm thương xót chúng sanh mà tuyên thuyết trước mặt Như Lai. Vậy phải hiểu thế nào là Quán Thế Âm thì bạn mới biết cách dụng của Quán Thế Âm - 'Um Mani Padmi Hum'.

 

Quán Thế Âm Bồ Tát tượng trưng cho cái nghe ngược về bên trong của bạn. Chẳng những nó có ý nghĩa là Bồ Tát quán sát, lắng nghe âm thanh kêu khổ của thế gian để phát tâm đại từ đại bi cứu khổ chúng sanh. Chẳng những  nó có ý nghĩa thông thường như vậy mà đối với mật tông đại thừa, Quán Thế Âm Bồ Tát còn có ý nghĩa là cách quán sát âm thanh  thế gian để đạt đến Phật Thừa.

 

Cách ấy là thế nào? Bạn quán sát âm thanh với tâm tịnh, để tịnh tiến dần đến điểm lặng yên tột cùng . Theo đấy, âm thanh sẽ có năm dạng mà bạn phải thực hành, quán sát và tu tập luyện công.  Từ  từ  qua kỹ thuật quán sát âm thanh này, bạn sẽ đạt nhĩ  căn viên thông. Như vậy,  đạt Bồ Tát Thừa và  Phật Thừa qua kỹ thuật quán sát âm thanh.

 

Năm dạng âm thanh ấy là gì?  Đầu tiên người mới tu tâm loạn động, vọng niệm là đầu mối của vô minh. Muốn chặt đứt vọng niệm này, người tu phải cột chặt tâm mình vào một giả âm cần thiết. Cột chặt tâm vào một âm thanh giả tạo này để tạo chánh định cho tâm. Thí dụ  bạn trụ tâm chặt vào câu niệm  'Nam Mô A Di Đà Phật', 'Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát' hoặc 'tôi đang nhận khí đây' chẳng hạn. Đó là giả âm, đó là  âm thanh giả tạo chẳng hề có ở thế gian, do bạn tự đặt ra, do tôn giáo đặt ra. Nó là phương tiện cột chặt tâm  lại mà thôi, không để nó phát triển tự phát.   Do trụ  chặt vào câu giả âm này, tâm đứng yên gọi là chánh định.

 

Sau thời gian chánh định. Kỹ thuật quán sát âm thanh  tiến lên bậc thứ nhì đó là tập quán sát thực âm, âm thanh thực tế của cuộc sống. Lúc bấy giờ,  các tiếng động ở thế gian, âm thanh ở thế gian, bạn sử dụng giống như câu niệm Phật, giống như mã khóa. Nó có tác dụng để hành động bạn đáp ứng với tình huống. Thay vì bạn niệm 'Nam Mô A Di Đà Phật' ...  thì nay bạn phải thích ứng với một âm thanh tự nhiên có thật trong xã hội. Bạn quán sát âm thanh này,  trụ tâm vào âm thanh này thì âm thanh này biến thành mã khóa và nó có tác dụng cột chặt tâm bạn để vào định, nên gọi là Quán Thế Âm ở  bậc thực âm.

 

Theo thời gian tu tập, bạn tiến lên quán sát âm thanh vi tế hơn gọi là diệu âm. Thế nào là diệu âm?  Diệu âm có nghĩa là không phải nghe âm thanh bằng lỗ tai, mà nó là cái hiểu biết qua sự nghe, gọi là nhĩ thức. Bạn nghe một âm thanh não bạn vận động, tư duy tạo ra một ý niệm về âm thanh này gọi là cái biết của sự nghe, gọi là nhĩ thức. Nếu thực sự bạn tu đến mức độ này thì sáu căn bạn sẽ hợp nhất. Chẳng những nghe bằng tai mà bạn còn nghe bằng mắt, nghe bằng mũi, nghe bằng lưỡi, nghe qua xúc giác của đụng chạm sờ mó. Chẳng những bạn nghe bằng tai mà ý nghĩ trong đầu bạn cũng là một dạng âm thanh. Bởi vì lục căn tiếp xúc với lục trần sinh ra lục thức. Nếu không trụ vào các căn mà trụ vào cái biết của căn khi đối diện với lục trần thì  nhĩ thức cũng như các thức khác.  Cái biết sau khi nghe cũng như cái biết sau khi thấy, không khác gì nhau. Bởi vậy gọi là  quán sát âm thanh ở thể diệu âm. Dù tai bị điếc đi, bạn vẫn nghe bằng các giác quan khác như thường.

 

Qua quá trình tu tập, nếu đã thực chứng diệu âm bạn tiến lên quán sát âm thanh của Đalani nghĩa là âm thanh không nội dung.  Đalani hay thần chú của Chư Phật là âm thanh không nội dung, gọi là âm thanh vô ngã. Bạn nhập vào biển âm thanh này, âm thanh chỉ là tác nhân, khiến năng lượng giác ngộ (bodhi) hiển thị thành Phật lực, khiến trí tuệ  phát triển thành tự nhiên trí.

 

Giai đoạn chót nghĩa là âm thanh thứ  năm, dạng âm thanh tối thượng, nếu thực chứng sẽ đạt Bát Nhã Ba La Mật Đa, đó là âm thanh cõi lặng yên, âm thanh không tiếng động. Làm sao quán sát âm thanh không tiếng động (?), âm thanh cõi lặng yên là gì (?).  Đó là ý nghĩ trong đầu, đó là cảnh biến diệt của nội tâm, bạn là chứng nhân cho trạng thái vận động của não bộ. Tâm không có ý niệm không có âm thanh nào thì  biết nó không có âm thanh nào, âm thanh nào khởi lên có đặc tính của âm thanh ấy. Một ý nghĩ sân hận khởi lên, nghe được âm thanh sân hận này. Một ý nghĩ tham dục khởi lên, nghe được âm thanh tham dục này. Bạn nhận biết, chứng kiến trạng thái biến dịch của tâm qua kỹ thuật lắng nghe âm thanh của tâm thức mình. Âm thanh này không có tiếng động mà như có tiếng động , người ngoài chẳng biết, tai chẳng nghe được. Nó là sự cảm nhận, gọi là âm thanh cõi lặng yên. Tâm thức bạn chính là pháp giới này, âm thanh của tâm chính là âm thanh kêu khổ của thế gian. Bạn nghe được âm thanh của tâm thì tượng trưng cho Bồ Tát Quán Thế Âm nghe tiếng kêu khổ của thế gian này. Bởi vậy, niệm danh hiệu của Bồ Tát mà không quán tâm mình,  chờ thần lực của Bồ Tát gia trì mà âm thanh tâm mình khởi lên,  mình không thấy, mình không biết, mình chẳng chứng kiến nó, mình chẳng phải là học trò của Quán Thế Âm, làm sao nhận được sự gia trì. Nếu niệm Quán Thế Âm mà không biết lắng nghe âm thanh cõi lặng yên thì chính là sự mê tín.

 

Vậy muốn giác ngộ thành Phật, nhất thiết từng giờ từng phút trụ vào trạng thái nhận biết tỉnh giác, quán sát âm thanh cõi lặng yên.   Nghĩa là thấy biết các ý nghĩ của mình.

 

 Để giúp cho sự chứng kiến này, để giúp cho trạng thái Quán Thế Âm, để giúp kiểm tra chứng kiến điều chỉnh tâm mình bằng kỹ thuật Quán Thế Âm.  Bồ tát Quán Thế Âm đã tuyên thuyết thần chú  'UM MANI PADMI HUM'. Công năng của nó giúp bạn cực kỳ sáng suốt, luôn luôn nghe được âm thanh cõi lặng yên nghĩa là luôn luôn biết được sự biến diệt trong não bộ , sự vận động của tâm và tham dục khởi lên trong tâm mình, Bạn không biết làm sao sửa,  không biết làm sao tu, không biết thì nhất thiết không thể giác ngộ. Phật Thừa là cái biết tối thượng. Quán Thế Âm là con đường đến cái biết này. Thần chú 'UM MANI PADMI HUM' có công năng giúp bạn đạt được sự việc ấy.

 

Thần chú là bất tư nghì không giải thích được. Qua thực chứng, mỗi người có cái biết riêng, kinh nghiệm riêng khi hành trì. Đây không phải ý nghĩa của thần chú mà là cái biết của Chư Tổ  và cái biết riêng của các Vị  tu  chứng truyền thừa lại.

 

UM nghĩa là gì (?), UM nghĩa là âm thanh mở luân xa bảy ở đỉnh đầu gọi là Sahasrara hoặc là nê hoàn cung. Nó là luân xa chót khi nội khí thăng hoa vượt qua hệ thống luân xa. Nó là cửa ngõ để nội điển bạn giao hòa với điển quang Chư Phật, Chư Bồ Tát. UM tượng trưng cho bản thể, tượng trưng cho cái một, tượng trưng cho Phật tánh ở thể dụng . Um là   cái bản thể hiện thị thành vạn pháp. MANI nghĩa là hạt ngọc môni châu, nghĩa là tinh khí thần hợp nhất mà phát ra ánh sáng, còn gọi là 'tam miệu tam bồ đề', còn gọi là 'samadhi'(đại định). PADMI nghĩa là hoa sen. HUM nghĩa là quay về, tịch diệt, lặng tắt.

 

Như vậy, UMMANI PADMI HUM  như bức tranh vẽ lại khung cảnh  giữa hoa sen có hạt ngọc môni châu sáng lấp lánh, tỏa hào quang. Sau đó lặng ngắt đi mọi sự trở về trống rỗng (Sunnya).

 

Tại sao có hiện tượng này ? Khi bạn tu pháp Quán Thế Âm vào định, độ định sâu dần. Trước khi vào đại định, trong sự  lặng yên của tâm thức bạn bỗng vang lên âm thanh UM! . . .UM! . . .UM! . . . . . .  như tiếng sấm rền, từ màn tối tăm của tâm thức ánh sáng bỗng bừng lên bằng vô lượng vô biên các hạt sáng lập lánh gọi là hạt Bindu, hạt vi trần, hạt điển  quang. Các hạt sáng này quay tít, sau đó co lại giống như hình hoa sen, ở giữa tâm của nó có vùng rất sáng giống như hạt ngọc môni châu. Toàn thể quang cảnh này xảy ra ở tâm khi bạn vào đại định. Sau đó quang cảnh này bỗng tắt đi, bạn rơi vào trạng thái hẫng hụt gọi là trống rỗng không còn gì cả, Bạn nhập vào Samadhi, bất tư nghì không thể nói lại được.

 

Như vậy, 'UM MANI PADMI HUM' là quang cảnh ở tâm trước khi  đạt thể tâm không của nhà  Phật.

 

Tâm không là gì ? Giống như  cái gương  phản chiếu như thị mọi sự. Khi đối diện với sự việc gì thì bạn biết như thật. Cái biết này không maya, cái biết này không huyền ảo, cái biết này không méo mó khi qua tâm phóng chiếu nhị nguyên. Khi đạt tâm không thì không có môi trường nhị nguyên nữa nên bạn sẽ thấy như thật. Trước khi đạt trạng thái này thì 'UM MANI PADMI HUM' xảy ra trong cơn thiền định của bạn.

 

Khi chưa đạt tâm không, độ định còn kém bạn trì âm thanh này nghiã là làm định lý đảo để nhằm đạt trạng thái HUM tiếp cận tâm không, nghĩa là với trạng thái tịnh hành công với thần chú này,  qua thời gian tu tập nhất thiết sẽ đi vào Samadhi của Chư Phật và đạt trạng thái prajna (bát nhã). Khi ấy, tâm bạn không phóng chiếu sự vật nữa mà thấy như thật, biết như thật nên  sẽ làm như thật. Như vậy gọi là Nirvana, gọi là Niết Bàn vì thuận tự nhiên.

- Huệ Khải - 

http://www.buddhismtoday.com/viet/thien/luctuchanngon.htm