1/ Khi thầy yên lặng, thân tâm đều tịnh. Khi trò yên lặng, tràn đầy nhận biết và buông xuôi. Thì thầy chả cần phát công, chả cần nói năng. Thì trò chả cần thụ khí, chả cần cố gắng. Thế mà lớp học vẫn cứ đắc khí. Như ngồi gần lửa thì thấy ấm, ngồi gần đèn thì thấy sáng. Ở gần thầy thì tự nhiên nhận được năng lượng và hiệp khí tự nhiên mà vô tác.

2/ Như vậy nếu người thầy đủ khả năng. Học viên chỉ cần thực hành thiền tịnh vẫn đắc khí chứ không cần tập thiền động hoặc thiền mật. Vì thật ra Hiển Mật viên thông, tịnh động huyền đồng, đạo đời đều là trò chơi có chi mà trụ mà chấp.

3/ Này Cỏ May, như đói ăn khát uống. Như bình minh chim hót, không có ai nó vẫn hót. . .Ông thầy đi dạy là phẩm chất tự nhiên chứ không phải làm thiện, chứ không phải từ bi, chứ không phải để độ đời hay để khai thị cho ai. . .Phẩm chất đầu tiên của người thầy nên là khiêm tốn.

4/ Như Quán Gió, bốn bề là trống. Gió vào rồi gió đi. Chả lôi kéo gió đến, chả đóng cửa ngăn gió đi, bốn phương tám hướng rỗng thông lồng lộng. Lớp KCDS cũng vậy. Đừng sở hữu học trò, cũng đừng theo đuôi đám đông.

5/ Người thầy thế gian chỉ có thể truyền thụ kiến thức và kỹ năng. Nghĩa là dạy ra thợ. Chỉ có thiêng liêng mới tạo ra nghệ sĩ. Người thầy thực sự là người phàm phu nhưng phải có phẩm chất thiêng liêng. Do vậy việc ông học đạo với phần nào của thầy sẽ khiến ông thành người sáng tạo hay dập khuôn.

6/ 
Gió thổi ào ào
Thiên thu rơi vào khoảnh khắc
Đạo lặng ngắt
Đời đông đặc
Hề hề. . .
Buông mắt nhìn trời, đợi đất say