1.Nếu xem việc dùng người khác như phương tiện là vô đạo đức, vì đi ngược với nền tảng của bản chất tự do. Thì việc sùng tín người khác cũng như vậy, vì làm mất tự do của bản thân mình.

2.Ngay cả việc khi bạn biến mình thành phương tiện và người kia thành mục đích của cuộc sống. Bạn không đòi hỏi bất cứ điều gì từ người kia. Điều ấy cũng không phải là đạo đức nếu cái tôi của bạn làm. Đó chỉ là một kiểu Dục được xã hội tôn vinh. Bạn chỉ thật sự đạo đức khi vô ngã. Từ bi thật sự chỉ có khi vô ngã.

3.Bạn chỉ nhận được những gì bạn đã cho đi (Aes dhammo sanantano). Bạn muốn được yêu vậy hãy tự hỏi mình đã thật sự dâng hiến tình yêu của mình cho người ấy chưa? Bạn muốn được mọi người thương yêu kính trọng, vậy hãy tự hỏi mình đã đối xử với mọi người chung quanh như thế nào, có thương yêu kính trọng họ hay không? Bạn sẽ không nhận được bất cứ cái gì mà bạn đã không cho đi.

4.Dục sẽ chuyển hóa thành tình yêu, sau đó thành từ bi và cuối cùng là vô ngã. Đừng cố diệt dục vì không thể và không có nguyên liệu để chuyển hóa rác thành phân hữu cơ làm mùa màng bội thu. Chuyển hóa tâm thức là một bậc thang, đừng trụ tại bất cứ bậc thang nào: Dục, tình yêu hay từ bi. . .Vì các nấc thang là để đi chứ không phải để ở.

5.Thiền là không tập trung, không phân chia giữa trong và ngoài. Thế cho nên giai đoạn đầu tiên khi tập KCDS, bạn dùng phương tiện thiện xảo quán tưởng năng lượng qua luân xa 7 hiệp nhất với thể xác trong tịnh lạc và tỉnh giác. Nhưng khi bạn đã tịnh hóa thân tâm một thời gian thì không cần quán tưởng năng lượng vào cơ thể nữa. Bạn chỉ cần tịnh và buông xuôi, thế thì năng lượng sẽ tự hợp nhất với thể xác mà không có bất kỳ biểu thị nào, kể cả chuyển động bằng năng lượng. Hoặc cơ thể sẽ tự chuyển động bằng năng lượng để thích ứng tình huống. Hình thức chuyển động không khác động tác bình thường.

6.Nhận biết về cái đó mà không cần tập trung tư tưởng về nó. Buông xuôi mà cơ thể vẫn tự thích ứng. Rỗng, không lưu ảnh vào tâm thức. Tâm thức sạch và hoạt dụng do không bị vấy bẩn bởi quá khứ và lôi kéo bởi tương lai. Bạn hãy VÔ và thiêng liêng sẽ TÁC thông qua cơ thể bạn. Bạn chẳng làm gì, chỉ nghỉ ngơi và chứng kiến mọi sự.

7.Bạn không cần nhận biết người khác rồi phán xét họ. Hãy nhận biết các dấu hiệu của cơ thể mình. Ngoài 5 giác quan, cơ thể bạn sau khi hiệp khí sẽ trở thành linh thiêng hơn. Trường năng lượng của nó sẽ tương tác với sự vật chung quanh và biểu thị thành các động tác. Các động tác nầy chẳng phải thần thông, nó đơn giản là chỉ dẫn của cơ thể. Nếu bạn tịnh tâm luôn nhận biết cơ thể và tâm lý mình thì rồi bạn từ từ sẽ liên hệ được các chỉ dẫn của khí khi tương tác với sự vật. Và bạn có thể sử dụng chúng kèm theo thông tin của 5 giác quan mình. Nó không phải là trực giác, nó là dấu hiệu của cơ thể. Cơ thể bạn là vị thầy vĩ đại luôn khách quan và chính xác.

8.Con người là một phần của thiên nhiên. Sức khỏe thể chất của con người sẽ bị tổn thương khi xa rời thiên nhiên. Con người là một phần của xã hội và toàn thể. Sức khỏe tâm thần của con người sẽ kém đi khi xa rời cuộc sống thực ở thế gian nầy. Con người trước tiên là bản năng, nếu không vì quyền tự do của người khác do luật pháp hạn chế. Sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần của con người sẽ bị tổn thương khi cố tự tiêu diệt bản năng của mình.

9.Pháp thiền động mà ông đang học với ta, ta may mắn gặp được nó, ngẫu hứng gặp nó. . .Ta chẳng cần và cũng chẳng thể biết hết nó, vì cuộc sống nầy luôn là bí ẩn. Thế nhưng ta đã có cuộc đời hạnh phúc khi sống với nó. Bởi vậy ông hãy sống với nó chứ đừng cố sở đắc nó. Nó phi logic thì làm sao lấy được chứ. Làm sao biết được cái bí ẩn chứ. Biết được bao nhiêu thì đẹp bấy nhiêu, nhưng không thể thấu triệt được. Hề hề. . .Ta còn không thể, thì ông là học trò ta sao lại có thể?

10. Kinh nghiệm trong giang hồ:
- Đừng cãi lý với kẻ say
- Đừng bắt tay với kẻ xấu
- Đừng chiến đấu với kẻ liều
- Đừng nói nhiều với người tu