1.Còn lâu ta mới có được tâm từ bi của người tu.
Thế, nhưng ta vốn là người hào sảng. 
Có nhành gai cào vào chân. Ta tặc lưỡi gỡ nhành gai ném đi, lòng chẳng chút bực bội. 
Vừa đi vừa hát, ta sống vui với đời. 
Kệ mẹ Ma Quỉ. Tha cho nó, hơi đâu diệt trừ cho mệt. 
Ta đi theo bước chân bồ tát. Thánh Thần, Ma Quỉ, bạn ta và những người sẽ là bạn của ta vui cười đi chung quanh, vừa đi vừa đánh trống thổi kèn. 
Hề hề. . .Thế mới vui! Thế mới khoái!

2.Hề hề. . .
Ta khả ta phi thường ta.
Ta còn không biết thật sự mình là ai, sao người khác lại biết được chứ. Thế thì nó nói cái gì kệ mẹ nó, có liên quan gì đến mình mà mừng vui giận hờn chứ.

3.“ Vô danh thiên địa chi thủy”. Không tên là gốc của trời đất. Thế cho nên mọi pháp môn chỉ là bản gần đúng với thật ý của tác giả. Việc cãi nhau đúng sai về diệu pháp của Thánh Hiền quả là chuyện mù sờ voi. Nó là việc của cảm nhận chứ không phải của tâm trí phán xét.

4.“ Cố thường vô dục dĩ quan kỳ diệu”. Cho nên thường không có dục thì thấy điều kỳ diệu của mình.
“Thường hữu dục dĩ quan kỳ kiếu”. Thường có dục thì chỉ thấy cái giới hạn của mình. Bởi vậy chớ thuyết giảng cho người khác về điều tối thượng khi mình còn tham dục. Mà chỉ nói về công dụng của các pháp hữu hạn.

5.“ Thị dĩ thánh nhân xử vô vi chi sự, hành bất ngôn chi giáo”. Thánh nhân dùng vô vi mà xử sự, dùng vô ngôn mà dạy dỗ.
Bởi vậy khi đã hiệp khí, vấn đề quan trọng là hợp nhất thể xác với năng lượng và để linh giác trời đất thông qua cơ thể mình mà xử sự. Gọi là vô vi làm còn mình thì buông xuôi và vô tác. Bởi vậy khi dạy đạo cũng là linh giác của trời đất mượn xác mà hành sự, nên gọi là vô ngôn chứ không phải là ngậm miệng không nói.

6.Nói và làm mà vẫn thường yên lặng. Để trời đất thông qua mình mà hành động gọi là thuận thiên. Thế gian gọi là cho mượn xác. Còn ta gọi là linh giác vô vi.
Làm mà không cậy công. Vì thật sự vô vi làm đâu phải mình làm.
Công thành mà không chấp không lưu luyến. Vì đâu phải ngã làm nên không có ngã chấp.
Vì không lưu luyến nên không mất.
Hề hề. . . Như nước giếng múc cạn rồi lại đầy, lưu luyến bám víu làm gì chớ.

7.“ Vi vô vi tắc vô bất trị”. Làm theo phép vô vi thì tự nhiên sẽ thích ứng mọi tình huống, tự nhiên có giải pháp cho mọi việc.

8.“ Tỏa kỳ nhuệ” Hãy làm lụt sự bén nhọn của mình đi. Đừng cố gắng chứng tỏ mình hay mình giỏi hơn kẻ khác.
“Giải kỳ phân”. Hãy tháo gỡ mọi rối rắm. Chứ đừng sa vào thị phi chuốc thêm rối rắm làm cuộc sống mất vui đi.
“Hòa kỳ quang”Hãy hòa cái ánh sáng nhỏ bé của mình vào hào quang chung của cuộc đời nầy. Đừng có tham vọng làm ngọn đèn soi đường dẫn lối cho người khác.
“ Đồng kỳ trần” Hãy sống chan hòa cùng bụi bặm của thế gian. Sống giản dị hòa hợp với mọi người. Đừng nghĩ mình có một ít giáo lý với một tí công năng mà đã biến thành người đặc biệt hơn người khác.
Người thật sự giỏi là người chẳng những có khả năng trong thực tiển mà còn có khả năng dấu cái hay cái giỏi của mình đi, yên lặng hành động không cường điệu về khả năng của mình.

9.“Thiên địa chi gian, kỳ do thác thược hồ”. Khoảng trời đất giống như cái ống bễ lò rèn. Đây là UM rỗng không không có gì. 
“Hư nhi bất khuất, động nhi dũ xuất”. Trống không mà không hao kiệt, càng động hơi càng tuôn ra. Lúc bắt đầu hiệp khí thì rỗng yên lặng. Sau đấy do nhất niệm mà từ rỗng không hiển thị thành năng lượng và biến hóa ra vô lượng vô biên các tướng trạng. Đây là UM từ rỗng không hóa thành vạn pháp. Hay Chân Không hóa thành Diệu Hữu. Đây cũng là nguyên lý vô vi vô tác, tùy duyên hiển tướng, không chấp tướng không chấp pháp của Khí Công Dưỡng Sinh.

10.“Đa ngôn số cùng, bất như thủ trung”. Nói nhiều cũng chẳng hết, thà giữ lấy Trung. Cảm nhận và sống hạnh phúc với Đạo chứ không thể bàn về, nói về và hiểu được bằng tâm trí hay kiến thức.
Hề hề. . .
Nhất ngôn khả dĩ đại ngộ
Bán cú khả dĩ thông huyền
. . .
Một lời đủ giác ngộ
Nửa câu đủ thấu huyền

Thật ra cũng chẳng cần đến một lời hay nửa câu. Chẳng qua chỉ là cái duyên bất kỳ phi nội dung và phi logic để cái tù mù yên lặng hóa hiện thành vi diệu pháp.