Hành hương Kailash(5) - Vượt qua đèo Drolma/8/2013

Vân du

Vân du
Bài viết phóng sự dài, nhật ký khí công.

Hành hương Kailash(5) - Vượt qua đèo Drolma/8/2013

  • Comments 4

Rong chơi nơi xứ Phật /Kailash /Tây Tạng/8/2013


Sương mù trên đường thiên lý

 

Hôm nay mây đến quán trà

Rũ gió uống chén quan hà đầy vơi

Hương trà thơm cái sự đời

Thần Tiên có muốn uống chơi thì mời

Hề hề. . . .

 

Hải âu dẫn đường ra hồ Manasarovar /Tây Tạng / 8/2013

 

Hồ Manasarovar

 

Núi ngồi lặng im, núi bảo mây lang thang là trạo cử, là bất tịnh, là tà đạo

Mây lang thang tự do, mây chê núi ngồi im là trụ và chấp, tự mình cột mình làm sao giải thoát ?

Hư không chê núi và mây là nhị nguyên, là còn tâm trí, mãi luẩn quẩn trong 2 cực đối đãi của Tịnh và Động, làm thế nào thực chứng Tánh Không ?

Núi, Mây và Hư Không tranh cải nhau mãi. Ai cũng cho mình là Chánh kẻ khác là Tà. 

Ồn ào mãi, Thượng Đế nghe chừng quá mệt. Bèn chấp thuận yêu cầu của chúng. Ngài cho Núi biết đi biết chạy. Mây chỉ biết đứng im. Hư Không là Ngoan Không.

Thượng Đế làm mãi mới xong

Khi xong. . . tận thế !

 

Gió thổi ào ào. Trời lạnh và khô. Tôi thấy tức ngực khó thở. Da mặt mình bị rát và mũi bị ngứa bên trong. Tôi biết nếu lúc này mà lấy tay ngoáy sẽ bị chảy máu cam. Khi ánh nắng bắt đầu dát vàng những đỉnh núi đá. Chúng tôi bắt đầu lên đường vượt qua đèo Drolma.

 


Sông Lai Chu chảy trước chùa Chuku và Dirapuk

 

Hú. . . .ú. . . . .ú. . . . .

Ta gọi gió, ta gọi mặt trời, ta gọi nắng

Gọi thảo nguyên thầm lặng

Gọi con suối băn khoăn

Ta gọi em, em biết hay chăng?

Hãy cùng nắng

đợi ta trên đỉnh Drolma em nhé.

 


Thiên Sơn và núi thiêng Kailash, nhìn từ đèo Drolma /8/2013

 


Đi thôi, nắng lên rồi

 

Từ chùa Dirapuk qua đèo Drolma phải đi qua một cây cầu nhỏ bắc qua con suối Tuyết. Con suối chảy giữa thảo nguyên, bắt nguồn từ đỉnh Thiên Sơn tận cùng của Thung Lũng Tử Thần

 

Ta đi bên nắng

Nắng lại tung tăng cùng gió

Ta đi giữa biển cỏ

Cỏ nói nho nhỏ:

Ngựa thầy đạp cỏ đau

Ta đi mau qua kẹt đá

Hòn đá há mồm

Ta thấy ruột đá rỗng và không

Ta đi lông bông giữa cuộc đời

Đời hụt hơi lơi bơi giữa dòng sinh tử

Con đường mệt đừ

Đèo Drolma mệt đừ

Còn ta như như

Nên ta cũng mệt đừ như pháp giới.

Hề hề. . .

 

Tia nắng xuyên qua bụi nước hoá thành cầu vồng, làm đất trời bừng lên diễm lệ. Thường tịch quang của Như Lai xuyên qua đám bụi trần chúng con, sẽ hoá thành hào quang trang nghiêm cảnh Phật.

 

Đường đèo Drolma ngoằn ngoèo, hết lên dốc lại xuống dốc, uốn lượn theo sườn núi đá khô cằn và hoang dại. Đường đèo dài khoảng 10km, xuyên qua một vùng núi non hùng vĩ. Không có suối hoặc thác nước ở gần đây. Do vậy phải mang nước uống theo, nếu không thiếu nước sẽ bị kiệt sức .Không có cây xanh, chỉ có cỏ, đá ven đường đi và tuyết trắng trên các đỉnh núi chung quanh. Lên cao không khí loãng nên rất mệt. Ngồi ngựa cũng đở hơn một tí. Nhưng nếu đi ngựa không quen sẽ bị mệt hơn là đi bộ. Núi cao vực sâu, gió mạnh, khí hậu lạnh, thiếu dưỡng khí, lại thường có bão tuyết và mưa bất chợt. Do vậy chỉ trừ dân Tạng thì không sao. Còn đèo Drolma là cơn ác mộng của du khách. Năm nào ở đèo này, đều có khoảng vài chục người bỏ mạng vì tai nạn và vì sốc độ cao.

 

Đá là người ngồi im vô tích sự

Người là đá chuyển động mà vô cảm vô tri

Khi linh hồn ngự trị trong người và đá

Thì đá mới là đá và người mới là "Con người thật"

 

Thảo nguyên mênh mông

không rộng bằng con tim anh đang ngày đêm rung động

Trời trong xanh lồng lộng

không rộng bằng đôi mắt em khung trời thương nhớ

Gió hú bơ vơ

Mặt trời ngẩn ngơ

Anh ngu ngơ đi bên Thượng Đế khù khờ

 

Nếu dùng cái đầu đi tìm Phật

Phật thật chẳng thấy bao giờ

Hãy để con tim ngu ngơ ca lên bài ca không tiếng động

Như Lai sẽ đến từ hư không lồng lộng

với cây đàn đứt dây

Ngài sẽ khảy bản nhạc chơi vơi

Phục sinh cuộc đời bằng giai điệu của tình yêu tối thượng

 

Khi cưởi ngựa ở Kailash bạn nên chú ý những điều sau: Lúc lên và xuống ngựa không được làm quá nhanh hay đột ngột, vì làm như vậy có thể bị choáng. Khi ngựa lên những dốc quá cao bạn phải gập người về phía trước và khi ngựa xuống dốc bạn nên ngửa người ra sau để giữ thăng bằng.  Ngoài ra bạn phải lỏng cơ, buông lỏng cột sống ra, để cơ thể có những chuyển động phù hợp với bước đi của ngựa, thì sẽ không bị mệt và không bị đau lưng. Khi ngựa xuống những cái dốc có độ dốc lớn bạn nên xuống ngựa để tránh tai nạn. Trời mưa đường trơn, tuyệt đối không đi ngựa vì có thể bị rơi xuống vực sâu. Khi ngựa đi qua các kẹt đá. Bạn nên xuống ngựa để tránh những con ngựa chứng sẽ cọ 2 chân bạn vào đá bị thương. Thường chúng là ngựa thồ hoặc ngựa để cày, không được đóng móng. Nên khi cưởi, đừng để chúng đi vào đường đá. Tuyệt đối không được đánh ngựa vì chúng sẽ lồng lên chạy bậy, bạn sẽ bị tai nạn. Khi mướn ngựa, nhớ chọn ngựa đã đóng móng. Vì nếu ngựa không đóng móng, khi đi đường đá nó sẽ bị đau chân, nên thường hay đi men sát miệng vực rất nguy hiểm.

 

- Phật là Phật, Ta là Ta. Ta tu không phải để thành kẻ khác, mà là để hoàn thiện chính mình.

- Nhưng "con người thật" của ông cũng chính là Phật biểu thị qua thể xác ông.

- Nếu vậy, Phật là bản thể tuỳ duyên tự biểu thị, thì Duy Danh làm gì?

 

- Thưa cụ, mình đi theo vòng Kora là đi thuận theo chiều quay của kim đồng hồ. Còn đạo Bon là đi chiều ngược lai. Ngoài ra còn có người bảo ngồi im nhập thiền chẳng cần đi đâu. Vậy theo cụ đi thế nào mới đúng?

- Này Cỏ May, Ông đi thì đi thế nào cũng đúng. Ông ngồi thiền hay ông đi chơi đều luôn luôn đúng, vì chính ông làm. Miển là phù hợp và thích ứng với tình huống. Còn "con người xã hội" của ông làm thì dù đi thuận chiều quay kim đồng hồ, đi ngược lại hay ngồi im không đi đều không đúng. Vì đâu phải ông làm, mà " Cái chợ đời" làm qua thể xác ông mà thôi.

 

Kinh Thi: Cao Sơn ngưỡng chỉ. Cảnh hạnh hành chỉ
(Nghĩa là:Ngửa trông núi cao. Làm theo hạnh lớn).

 

Trời nắng to

Núi đá co ro trong gió lạnh

Cao sơn cảnh hạnh

Uống ly trà ngắm cảnh đành hanh

 

Đường lên đèo Drolma phải qua nhiều cái dốc dựng đứng và đầy đá dăm. Ngựa rất dễ trượt chân. Người nữ và những người yếu nên xuống ngựa leo bộ để khỏi nguy hiểm.

 

Đá cũng buồn vui

Nhưng vô lượng kiếp rồi

đá chỉ lặng thinh

Hôm ta đến

Đá giật mình đứng dậy

 

Đã tới đỉnh đèo Drolma

 

Đỉnh đèo Drolma nằm kế bên một ngọn núi tuyết. Đây là nơi Mẹ Tara Xanh ngự. Nên người hành hương khi lên được tới đỉnh đèo thường quay mặt vào đỉnh núi nầy đảnh lễ Mẹ Tara Xanh và chư Thánh Mẫu

 

Đoàn KCDS đã đến đỉnh đèo Drolma .Lúc ấy gần đúng trưa.Người và ngựa chật kín cả lối đi. Mặt trời đang đứng bóng. Nhưng trời vẫn lạnh và khô. Đỉnh đèo căng đầy dây cát tường đủ màu sắc. Chỉ còn chừa một lối đi nhỏ, nên không đủ chỗ cho khách hành hương đảnh lễ và ngồi thiền luyện công. Mọi người đến nơi đều khoẻ mạnh. Hơi mệt một tí vì thiếu dưỡng khi. Nhưng an toàn và quan trọng là còn đủ sức để nhận gia trì lực của Mẹ TaraXanh luyện công trên đỉnh đèo thiêng.

 

Dây cát tường đủ màu căng kín đỉnh đèo Drolma

>>>>>>>>>>>

 1/ Vượt qua đèo Drolma/Kailash/8/2013

Sau khi luyện công ở Thung Lũng Tử Thần về. Cả đoàn ai cũng phấn khởi, vì làm được một thiện nguyện mà không phải người hành hương nào cũng dám làm và cũng có thể làm được. Cho đến hôm nay, theo như anh hướng dẫn viên du lịch Népal, người đã từng đưa khách đi vòng Kora Sambala này 70 lần rồi. Anh ấy bảo, chưa thấy có đoàn hành hương nào vào Thung Lũng Tử Thần cả. Mặc dù ai cũng tin tưởng và cũng rất muốn vào. Anh cười và bảo, có khi đó là mơ ước của cả một đời người.

Sáng hôm sau trời còn chưa sáng hẳn. Chúng tôi đã lên đường vượt đèo Drolma. Đây là cửa ải quan trọng trên vòng Kora Sambala. Đại bộ phận các đoàn hành hương, đến đây chỉ một số nhỏ qua được đèo đi tiếp. Còn lại đại bộ phận bị sốc độ cao, hay thời tiết không thuận lợi đành phải quay về. Trâu Yak chở đồ nặng đi trước. Phu người Tạng mang ba lô máy móc, dụng cụ. . . .Chúng tôi ngồi ngựa có người dắt, chỉ mang vật dụng tuỳ thân và máy chụp hình, máy quay phim thôi. Những người yếu còn được tư vấn không được mang máy lớn và nặng chỉ mang máy chụp hình du lịch cho nhẹ. Mỗi người dù khoẻ hay yếu đều phải mang theo bình Oxy cá nhân để phòng thân. Không cần leo, chỉ cần ngồi chơi trên đỉnh đèo cao 5.300m cũng đủ bị sốc rồi, vì không khí loảng và vì ảnh hưởng của năng lượng tâm linh.

Click here to play this video

>>>>>>>

Đạo và Đời

 

Người Rong Chơi


Trâu Yak vượt đèo Drolma /8/2013

 

Thành Thiên Đế/ Tây Tạng /8/2013

 

Tượng Người Đọc Sách vẫn ngồi lặng im dưới ngọn Kailash phủ đầy tuyết trắng/ Nhìn từ chùa Chuku/ 8/2013

 

Đi bộ vượt qua đèo Drolma /Kaillash/8/2013

 

Chợt thấy chuyện đạo chuyện đời tự nhiên bay đi đâu mất.

Đứng trên đèo Drolma cất một tiếng hú. . . .Gió mang tiếng hú đi, ngân nga tràn ra khắp thế gian. Chư Thiên mang tiếng hú đi xuyên qua trời xanh đến tận nơi vô cùng vô tận. Chư Thần mang tiếng hú đi như sợi chỉ nhỏ, xuyên qua đất tối đen, xuyên qua hỏa ngục rừng rực lửa, đến tận nơi vô thỷ vô chung hiệp cùng năng lượng sống. . . .

Haha. . ha . . .ta đi chơi trời đất cũng đi theo. Đời người mấy lăm năm mà hăm hăm hở hở. Hoa nở là hương đi, hoa chưa tàn hương thơm đã sang bờ giác. . . .

 

Trời Không

Đất Không

Chân cũng Không

Nhưng cái Chân Không lại đứng tồng ngồng giữa mênh mông.

 

-Thưa cụ, linh tại ngã, bất linh tại ngã. Nhưng Như Lai đã dạy vạn pháp vốn vô ngã. Vậy linh cũng Vô Linh?

- Hề hề. . .Như thế thì điều ông nói cũng Vô Ngôn. Thì hỏi ta làm gì?

 

Trâu Yak vượt qua sông băng

 

Các cháu bé người Tạng/8/2013

 

Sambala hùng vĩ và nên thơ /Kailash/8/2013

 

Rong chơi Thành Thiên Đế ở Sambala /Tây Tạng/8/2013

 

Rong chơi trên thảo nguyên/ Tây Tạng/8/2013

 

Vách đá chùa Chuku /Kailash

 

Con sông hung dữ dưới chân núi Quan Âm trước chùa Dirapuk/Kailash/8/2013

>>>>>>>>>

2/Vượt đèo Drolma (Tiếp theo)

Gần sáng trời còn tối thui, lạnh kinh khủng. Thầy đã dậy rồi và đi từng phòng hỏi thăm sức khoẻ từng người. Khi thấy ai cũng bình an, khoẻ mạnh, cụ mới an tâm về phòng uống trà. Tổ phục vụ rất nhiệt tình. Sáng nào cũng có nước ấm để mọi người súc miệng đánh răng và rửa mặt. Sau đó là mời mọi người uống trà sáng. Có cả cà phê, ca cao, bánh ngọt và sữa. . .Uống trà xong, nghỉ một chút, mọi người ăn sáng rồi lên đường. Ăn chay, tuy thức ăn kiểu Tạng không hợp khẩu vị. Nhưng có mấy người nữ trong đoàn hướng dẫn nên họ nấu theo khẩu vị Việt Nam ăn cũng tạm được. Nói chung, ăn là nghĩa vụ, không muốn ăn cũng phải ăn để đủ sức lực hành quân.

Leo lên đèo đường dốc đá nhiều, nhưng ngựa có thể đi được. Chứ đường xuống bên kia đèo trơn trợt và dốc đứng, kẹt đá nguy hiểm, rất dễ ngã xuống vực sâu. Nên kế hoạch là đi ngựa lần lên để dưỡng sức còn luyện công trên đỉnh đèo, luyện công ở hồ Đại Bi và Rìu Nghiệp Lực. Luyện công ở độ cao không khí loảng rất mệt, nên nếu không biết cách sẽ không đủ sức. Còn chiều xuống bên kia đèo phải đi bộ để đảm bảo an toàn.

-          Thưa cụ sao mình không ráng đi bộ để chứng tỏ tâm thành với Phật?

-          Này Cỏ May, lần trước chỉ có ta và 2 vị nữa. Ta và 2 vị ấy đều rất khoẻ, nên chúng ta tự mang ba lô đi bộ. Thế mà lần ấy, 2 người kia cũng nhiều lần bị mệt đi không nổi. Ta phải trợ công rất nhiều lần mới hoàn thành được vòng Kora và leo lên Kailash. Lần này đoàn khá đông, có nhiều người nữ, nhiều bênh nhân nặng hoặc nan y vừa mới lành bệnh. Nên chúng ta đi bộ một phần và đi ngựa một phần. Mục đích lần đi này là để luyện công tu học ở những điểm tâm linh và du lịch thưởng thức cảnh quan xứ Phật. Chứ có phải thi đi bộ đâu? Hề hề. . . nếu đi mà mệt quá, ngất xỉu, lo sống còn không được, thì sao còn sức tu học và còn tâm hồn để thưởng thức cảnh quan chứ? Đi hành hương chứ có phải đi hành xác đâu mà phải ráng.

Click here to play this video

>>>>>>>>

Khi ánh nắng vừa dát vàng các đỉnh núi xa. Chúng tôi đã thức dậy. Sân chùa còn tối thui và giá lạnh. Nhưng chúng tôi vẫn ra trời luyện công. Chúng tôi thụ khí và đi kinh hành chung quanh sân. Hai chân đi bằng thể dục điều hoà trang nghiêm thanh tịnh. Nhưng bả vai, hai cánh tay, cột sống và toàn bộ khớp lỏng ra để khí làm rung động nhẹ, nhằm điều hoà khí huyết. Thở đặc trị để chống lại việc thiếu oxy và giữ nụ cười yên lặng trên môi trong trạng thái tràn đầy nhận biết để quân bình tâm lý trước các thử thách của cuộc hành hương. Nhờ sáng nào cũng tập như vậy độ nửa tiếng trước khi ăn sáng. Nên khi đi theo vòng Kora Sambala và leo núi thiêng Kailash, chúng tôi không bị sốc.

 

Đi trong ánh bình minh

 

Vượt qua đèo Drolma/8/2013

 


Kỹ niệm trên đỉnh đèo Drolma /8/2013

 

Vượt qua Dốc Đá trên đèo Drolma. Đây là nơi khách hành hương thường bị tai nạn, vì đã đuối sức qua quảng đường dài, lại gặp dốc dựng đứng trơn tuột. Thiếu oxy trầm trọng, nên đầu óc lơ mơ khiến động tác thiếu chuẩn xác.

 

Trâu Yak thồ hàng vượt đèo Drolma /8/2013

 

Tới sông băng rồi

 

Đoàn môn sinh KCDS theo thầy vượt qua sông băng để về chùa Zutrulpuk /Kailash/8/2013

>>>>>>>>>>>

3/ Luyện công trên đỉnh đèo Drolma /Tây Tạng /8/2013

Nắng nhuộm vàng đỉnh kailash. Còn núi Quan Âm và núi Đại Thế Chỉ vẫn còn tối thui. Trâu Yak và ngựa đã tập trung ở bải cỏ trước chùa. Trong gió lạnh, tiếng cười tiếng nói, tiếng trâu Yak thở phì phì, tiếng lục lạc leng keng, hoà với tiếng suối chảy ào ào qua gộp đá. Hợp thành một âm thành hùng tráng đầy sinh lực. Ngựa, trâu và quần áo người Tạng đủ màu sắc sặc sở. Chúng tôi đi thành một đoàn thật dài theo con đường mòn xuyên qua cái núi đầy đá. Những đỉnh núi tuyết đang tan, chảy thành những dòng suối nhỏ trên vách đá hùng vĩ cao ngất trời xanh. Tạng ngao sủa ông ổng và chồn tuyết thập thò ở những hang đá dọc đường đi. Dây cát tường dăng khắp nơi và khăn tu la phất phơ trong gió lạnh. Những người Tạng bước chầm chậm trên đèo, tay quay pháp luân miệng trì kinh lầm rầm, đầu hơi cuối xuống. Thấy chúng tôi đi ngang qua, họ cười và hét thật to để chào. Các vị đạo Bon đi ngược chiều, áo quần sặc sở, vẩy tay chào chúng tôi. Tôi thấy một khách hành hương người nước ngoài, ngồi nghỉ mệt trên đường đèo, mũi chảy máu cam, miệng thở hồng hộc, cây gậy vất bên cạnh. Tôi đưa cho ông ta bình Oxy của mình. Ông ta mừng như vớ được vàng, thều thào cảm ơn.

Ngựa đi cũng mệt quá. Nên đi vài ba bước lại đứng nghỉ rồi mới đi tiếp. Chúng tôi tranh thủ chụp hình và quay phim. Nhiều chỗ khó đi, ngựa tôi mấy lần trượt chân, may mà không sao. Ngồi ngựa không quen, lên đèo, lưng đau, mệt, khổ và sợ hơn đi bộ. Thế cho nên, một vài người trong đoàn đã xuống đi bộ cho yên thân.

Click here to play this video

>>>>>>>>

Này Cỏ May, tự do và giải thoát, trước tiên hãy tự do khỏi mọi phạm trù của khái niệm. Đừng như hòn đá vô tri kia. Tuy to lớn cứng rắn nhưng lại ngồi im để người đời vẽ khái niệm của họ lên tâm mình.

 


Đường cong tâm linh

 

Núi đứng cứ đứng, sông chảy cứ chảy, hư không rỗng cứ rỗng, ta lông bông chơi cứ lông bông.

Núi đứng im để ta leo lên ngồi ngắm cảnh uống trà chơi.

Sông chảy để ta cởi áo xuống tắm chơi cho mát

Hư không Rỗng để ta múa may Dịch Cân Kinh mà không trở ngại gì

Ta chẳng điên dại gì mà gắn các khái niệm vào sự vật.

Ta tuỳ nghi sử dụng chúng để lông bông rỗng không thoải mái chơi. . . .hề hề. . .

 

- Hạnh phúc thay người sống Một Mình

- Thưa cụ, vậy mình phải lên núi cao, vào rừng sâu hay trốn trong phòng kín không tiếp xúc với ai?

- Này Cỏ May, một mình ý nói bỏ "Cái chợ đời" trong tâm ông đi.

 

Rỗng không, không trụ, không chấp, tuỳ thuận và tuỳ hỷ, thì luôn hoà hợp vui vẻ và an lạc với mọi người và môi trường sống.

 

Dù đang tu hay đang không tu. Dù tu pháp môn nào đi nữa. Nếu con tim yêu thương làm chủ cuộc đời mình thì thân tâm thướng an lạc. Nếu cái đầu tâm trí làm chủ cuộc đời mình, thì luôn đấu tranh va chạm thị phi chẳng có lúc nào hạnh phúc.

 

Thở toàn thân, thụ khí lỏng cơ, quán tưởng hơi thở vô ra qua hàng nghìn hàng vạn lổ chân lông. Hơi thở thật nhỏ, nhẹ, dài và sâu và trong trạng thái đắc khí. Giữ tâm mình rỗng, thân mình rỗng. Hợp nhất động tác đi với hơi thở toàn thân. Sẽ cải thiện đáng kể tình trạng thiếu oxy và sốc độ cao.

 

Thưởng thức cảnh đẹp nhưng đừng để cảnh đẹp lôi. Quán hơi thở nhưng đừng trụ đừng chấp vào hơi thở. Để nó tự nhiên hoạt dụng do tác dụng của năng lượng gia trì.

 

Quang cảnh thay đổi. Khí hậu thay đổi. Tâm lý người đi bên cạnh thay đổi. Các tình huống thay đổi. Nhưng thân tâm mình không tháy đổi. Do luôn nhận biết tỉnh giác mình đang thở toàn thân thoải mái, rỗng không, hoạt dụng, tuỳ nghi, không cố gắng..

 

Luôn giữ nụ cười yên lặng trên môi. Nét mặt hoà ái, cử chỉ thân thiện, hơi thở điều hoà. Nhận biết mình đang như vậy. Nếu thấy không được như vậy ,thì nên điều chỉnh. Nếu không, lời nói và hành động của mình sẽ có nguy cơ bị lôi bởi lời nói, hành động và các tình huống của người khác.

 

- Mấy bác ơi, niết bàn chỗ nào làm ơn chỉ dùm ?

- Lên chùa hỏi Phật chỉ cho

 

Trâu Yak ăn cỏ trên thảo nguyên / Tây Tạng/8/2013

 

Núi đá lặng yên. Mây trắng ngủ quên trên trời. Hư không như đông lại. Năng lượng gia trì hợp nhất với ta tế vi như chẳng có chi. Vượt qua ranh giới của Sống và Chết. Ta đi vào biển thường tịch quang, như hư không hợp nhất với cái mầm mong manh của sự sống.

 

Đi theo dòng sông chết đầy đá để đến chùa Dirapuk

 

Đứng ở vị trí này nhìn lên sẽ thấy ngọn Kailash và hệ thống núi chung quanh, giống như một vị Phật đang ngồi thiền. Ngài có đội mũ trùm đầu giống như chư Lạt Ma.

 

Nghỉ mệt trên đỉnh đồi trước khi tuột xuống đốc lết kết thúc hành trình vượt đèo Drolma / Kailash/8/2013

 

Dáng đứng Kailash / Tây Tạng /8/2013

 

Sẻ tuyết giống chim thường gặp trên thảo nguyên Tây Tạng

 

4/ Hồ Đại Bi và Rìu Nghiệp lực /Tây Tạng/8/2013

Lúc la lúc lắc, lộc cộc lộc cộc. Cuối cùng cũng đã đến đỉnh đèo. Chỉ còn một con đường mòn nhỏ xíu là còn chừa lại. Còn toàn bộ đỉnh đèo đều được người ta căng đầy dây cát tường đủ màu xanh đỏ. Gió núi thổi ào ào. Tuyết trắng trên các đỉnh núi đầy mây và tiếng quạ kêu âm vang buồn bã. Tiếng tụng kinh của mấy người Tạng hành hương rền rền lâm thâm nghe như tiếng thì thầm của đất đá từ ngàn năm xưa vang vọng lại.

Tôi thấy hơi tiếc, vì 8 năm trước, đỉnh đèo Drolma chưa căng nhiều dây cát tường màu sắc. Có nhiều chỗ rộng để cho khách hành hương có thể ngồi thiền luyện công, chứ không chỉ là con đường mòn nhỏ xíu như hôm nay. Nhớ hồi ấy chúng tôi đi bộ leo tới đỉnh đèo thì trời đã ngã sang chiều. Đỉnh đèo Drolma đầy đá. Mỗi một hòn đá người hành hương đều khoác một cái áo và đội mũ, quàng khăn tu la, trước mặt có khi còn để một đôi giày hay đôi bao tay. Tất cả đều đã mòn, đã sờn, vì sương gió đường xa. Đó là những vật dụng của người hành hương đã sử dụng để đi đến Drolma. Những vật dụng đã thấm mồ hôi và nước mắt của họ. Những vật dụng đã thấm đậm niềm tin vào thiêng liêng. Họ đã đến đây, không cúng dường Như Lai và Thánh Mẫu bằng tiền bạc hay hương khói vật thực, mà cúng dường mồ hôi, ý chí và tâm bồ đề kiên cố của mình.

Trong bóng hoàng hôn màu tro. Gió lạnh thổi ào ào, quạ kêu buồn bã. Tôi nhớ khi ấy mình đứng giữa đỉnh đèo giống như đứng trong pháp hội với hàng ngàn hàng vạn người ngồi thiền chung quanh mình. Nhận gia trì lực của thiêng liêng, chung quanh lặng ngắt như tờ. Tôi thấy con tim mình ngập tràn trong niềm cảm xúc cô liêu. Những đôi giày rách, những cái mũ đã bạc thếch với thời gian, những cái áo rách vai. . . .v.v. .  . Đẹp quá, thanh tịnh, yên lặng và cảm động quá! Tất cả đều có ghi tên của người hành hương với lời nguyện của mình. Buổi chiều hôm ấy, 8 năm về trước, đã khắc ghi trong tim tôi, ấn tượng sâu sắc với tôi mãi cho đến ngày hôm nay không thể nào quên.

Click here to play this video

>>>>>>>

Một số hình ảnh đoàn KCDS đi về chùa Dirapuk :

Mây vờn non thiêng

 

Một mình dạo chơi trên đồi

 

Đường về chùa đi giữa thung lũng, men theo dòng sông Lai Chu và giữa 2 dãy núi đá hùng vĩ.

 

Chùa Dirapuk và vườn tháp

 

Vị Lạt Ma trụ trì chùa Dirapuk thổi ốc triệu thỉnh Hộ pháp Chư Thiên chư Thần gia hộ cho đoàn

 

Ngọn Kailash nhìn từ vườn tháp chùa Dirapuk

 

Một khách hành hương kiệt sức đang lê từng bước chân lên đèo Drolma /Kailash/2013

>>>>>>

Một số hình ảnh đoàn KCDS vượt đèo Drolma /8/2013:

 

5/ Luyện công ở Hồ Đại và Rìu Nghiệp Lực /Kailash/8/2013

Từ đỉnh đèo Drolma lộng gió. Muốn qua đèo phải xuống cái dốc đất trơn tuột. Ai nấy đều mệt đứ đừ. Chẳng phải do đi, mà do thiếu dưỡng khí và áp suất ép tim. Tôi thấy ngạt thở và người ngây ngấy sốt. Một vài người trong đoàn phải dùng bình oxy. Trong cái nắng vàng hoe như mật ong rừng. Nhiều người đạo Bon đi hành hương ngược chiều với chúng tôi. Vừa đi vừa niệm Phật hoặc hát các bài đạo ca, âm vang cao vút, rộng và sâu thăm thẳm. Chúng tôi bước chầm chậm theo con đường mòn đầy kẹt đá. Con đường men theo hồ đại bi nước xanh màu ngọc bích. Để đến đỉnh đồi nằm sát chân núi. Trên đỉnh núi có khối đá màu vàng hình cái rìu, gọi là “Rìu nghiệp lực”. Theo niềm tin tâm linh đã lâu đời. Nước hồ Đại Bi có công năng tiêu tai trừ bệnh và năng lượng gia trì của Rìu Nghiệp lực có công năng phá trừ nghiệp chướng, cứu khổ cứu nạn cho chúng sanh.

Trời rét căm căm. Quạ và chim ưng bay trên trời đầy mây trắng. Tuyết đang tan dần trên các đỉnh núi đá. Chúng tôi đi phía sau. Trâu Yak thồ hàng đi phía trước. Tiếng trâu đi thình thịch, tiếng lục lạc leng keng, tiếng thở phì phì và tiếng sỏi đá lăn rào rào trên con đường mòn tràn đầy nắng và gió. Cụ già đi thong thả, thanh nhàn, vừa cười vừa đưa tay chỉ về phía trước:

-          Kia là nơi chúng ta sẽ đến và luyện công. Cái đồi ấy là nơi tụ khí mạnh nhất ở đèo Drolma này. Vì là nơi giao hòa năng lượng của Rìu Nghiệp Lực trên đỉnh núi và hồ Đại Bi dưới chân núi. 8 năm trước ta đã đến đây và đã tìm ra nơi luyện công nầy.

Trời nắng thì tuyết tan, trời lạnh thì tuyết đông thành băng giá. Thế gian lạnh lẽo và hoang vu quá. Gió vô cảm thổi vù vù, cuộc đời đã đóng thành băng vĩnh cữu. Đỉnh đèo Drolma, gió lạnh thổi ào ào. Con tim nhân loại bổng trào lên niềm đau thân phận. Hồ Đại Bi nghìn vạn năm qua đã đón biết bao bước chân lận đận, mà nước mắt xót thương chưa tận vẫn còn đầy. Rìu Nghiệp Lực thần uy trên đỉnh non thiêng, chém nghiệp lực, chém. . . .chém mãi, mà chúng sanh vẫn chưa thành giải thoát. Hôm nay đây, chúng con nghìn vạn dăm sơn khê đồng về xứ Phật. Ngồi tại nơi linh thiêng nầy. Bên cạnh Rìu Nghiệp Lực và Hồ Đại Bi. Nhận năng lực gia trì. Vì hạnh phúc thật sự của con người, mỉm cười, tam mật tương ưng, tưng bừng chào đón Phật, tưng bừng chào đón chư Bồ Tát, Thánh Mẫu và Hộ Pháp. Giây phút nầy đây, giây phút buông xuôi trong lòng thực tại. Con tim con điều khiển thể xác con. Con tim con điều khiển tâm trí con. Con tim con điều khiển lời nói và động tác của con. Con tim con mở cửa tâm hồn. Mở toang cuộc đời con. Để đón ánh sáng. Đón sức mạnh. Đón tình thương và trí huệ từ thiêng liêng, từ cái thực tại bất tư nghì. Ôi! thiêng liêng cao vút, sâu thăm thẳm và mênh mông lồng lộng. Dù chỉ là hạt bụi bé xíu, vẫn không bám được vào cái rỗng không mà đồng diệu hữu nầy. Trong cái im lặng mênh mông tràn đầy nhận biết. Trong cái nhạy cảm tế vi sẳn sàng đáp ứng và phản ảnh Chúng tôi nhận gia trì lực. Tam mật tương ưng. Dùng pháp Đại Thủ Ấn học đạo trực tiếp với vô vi. Có tiếng khóc âm thầm lặng lẽ. Có những dòng nước mắt khi hóa thân hợp nhất với bản lai diện mục của mình. Khi đứa bé mới sinh ra đời. Tay chân cơ thể nó luôn luôn cử động, cử động vô thức để sinh tồn. Cũng vậy khi “con người thật” vừa mới sinh ra, nó cũng tự nhiên chuyển động, chuyển động siêu thức, chẳng ý thức cũng chẳng vô thức. Chuyển động tự nhiên để hóa thân hoạt dụng được trong thế giới hiện tượng của trần gian. Khi đứa bé sinh ra, nó khóc chào đời. Khi con người thật thức dậy. Con người phàm phu chết đi. Cái gì đấy sống động chân thật vừa mới sinh ra thì ngay người lớn cũng tự nhiên bật khóc. Ha ha. . . .ha. . . không phải cái cười của lý trí khi tưởng mình hoát nhiên đốn ngộ. Mà là cái khóc bản năng của “con người thật” khi sinh ra trong thể xác phàm phu.

Click here to play this video

>>>>>>>>

Một số hình ảnh luyện công ở Hồ Đại Bi và Rìu Nghiệp Lực / Kailash /8/2013:

Dân Tạng và khách hành hương dán những tờ giấy bạc vào hòn đá này, để khấn nguyện cầu tài cầu lộc/ Kailash /82013

 

Nhận năng lượng gia trì, đảnh lễ Như Lai, chư Thánh Mẫu và luyện công trên đỉnh đèo Drolma/ 8/2013

 

Cúng dường khăn Tu La trên đỉnh đèo Drolma / Kailash /8/2013

 

Đường xuống bên kia đèo có nhiều dốc cao, nhiều kẹt đá, lại kề bên vực sâu, rất nguy hiểm. Không thể đi ngựa được. Chúng tôi đi bộ đến Hồ Đại Bi và Rìu Nghiệp Lực để luyện công. Đây là vị trí rất quan trọng về tâm linh trên đỉnh đèo Drolma vì năng lượng gia trì rất mạnh và rất linh thiêng.

 

Hồ Đại Bi / Kailash /82013

 

Rìu Nghiệp Lực

 


Từ đỉnh đèo Drolma muốn xuống lấy nước ở Hồ Đại Bi, phải tuột xuống một cái vực sâu đầy đá dăm. Dân Tạng tin rằng nước Hồ Đại Bi có công năng tiêu tai trừ bệnh.

 

Luyện công trên đỉnh đèo Drolma, tại một đỉnh cao, nằm giữa Hồ Đại Bi và Rìu Nghiệp lực / Kailash /8/2013

 


Trên đỉnh đèo Drolma /Kailash /8/2013

 

Sau khi luyện công ở đỉnh đèo Drolma, Hồ Đại Bi và Rìu Nghiệp Lực. Chúng tôi tiếp tục đi bộ vượt qua sông băng để về chùa Zutrulpuk /8/2013

 

Chúng tôi đi bộ và trâu Yak thồ hàng vượt sông băng về chùa Zutrulpuk / Kailash /8/2013

[Hành hương Kailash (6)- Vượt sông băng- Luyện công ở chùa Zutrulpuk]

  • Ha ha. . . .ha. . . không phải cái cười của lý trí khi tưởng mình hoát nhiên đốn ngộ. Mà là cái khóc bản năng của “con người thật” khi sinh ra trong thể xác phàm phu.

  • ...không phải....mà là..."...nghe nghìn giọt lệ...rớt xuống thành...hồ nước...long lanh"...

  • Kính lể vô Tận Ý Bồ tát Mahatat

                       Kính lể Công đức lâm Bồ tat Mahatat

                       Kính lể Guru

    ...Đã cho chúng con hiểu thế nào là ngoan không...

    Cám ơn Huynh Đồngtròn đã nhắc lại lời thầy..."Không phải cái cười của lý trí khi tưởng mình hoát nhiên đốn ngộ Mà là cái khóc bản năng của  "con người thật" khi sinh ra trong thể xác phàm phu.