Các thánh tích Phật giáo tại Ấn Độ hầu hết đều là phế tích. Khắp nơi là cảnh hoang tàn đổ nát, chỉ còn lại các dấu vết, nền nhà, vài đoạn tường, vài các tháp xiêu vẹo nham nhở. . .v.v. . . .Thời gian tàn phá thì ít nhưng cái chính là vì sự tàn phá hủy diệt của quân Hồi giáo và sự thờ ơ của dân Ấn vốn theo Ấn Giáo trước giáo pháp của Như Lai. Chúng tôi càng đi theo vết chân của Như Lai thì càng gặp cảnh hoang tàn của phế tích. Niềm tin, lòng thành kính và cái buồn cứ đan xen, quyện vào nhau trong suốt cuộc hành trình của những người con của Phật đang tìm về nguồn cội. . . .
Chắc biết như vậy nên ban tổ chức chuyến hành hương này đã đưa việc tham quan chùa hang Anjata vào những ngày sắp kết thúc. Tổ hợp chùa hang Ajanta nằm ở triền núi sông Waghora, cách thành phố Aurangabad 108 km về hướng đông bắc, thuộc bang Maharashtra. Bởi vì chùa hang Anjata là một kiệt tác về nghệ thuật của Phật giáo đã được Unesco công nhận là Di Sản Văn Hóa Thế Giới. Và cũng bởi vì chùa hang Anjata ở giữa núi rừng heo hút nên đã thoát khỏi các cuộc tàn phá của quân Hồi Giáo. Do vậy tham quan Chùa Hang Anjata trước khi kết thúc chuyến hành hương quay về quê nhà Việt Nam sẽ để lại dư vị ngọt ngào trong tâm những người con của của Phật trước di tích hoành tráng diểm lệ tràn đầy tính nghệ thuật và tính thiêng liêng thể hiện thời kỳ vàng son hưng thịnh của Phật giáo tại Ấn Độ.
(Tổ hợp chùa hang Ajanta nằm trong một dãy núi đá hình móng ngựa giữa cao nguyên Deccan /Ấn Độ/3/2010)
Đạo Phật chi phối từ lưu vực sông Hằng, kéo dài đến phía nam cao nguyên Deccan. Nằm ẩn mình trong khu rừng rậm hoang vu của cao nguyên Deccan, hang động Ajanta đã bị lãng quên trong một thời gian dài. Vào năm 1819, một nhóm người Anh đi săn cọp trong khu vực này đã tình cờ phát hiện hệ thống hang động Ajanta. Hang động được bố trí theo dạng hình móng ngựa, khoét sâu vào bên trong vách núi đá thẳng đứng cao 76m. Lưu vực sông Hằng thuộc Đông Bắc Ấn Độ là cái nôi của nhiều tôn giáo quan trọng, đồng thời là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa lâu đời của người Ấn Độ. Vào thế kỷ thứ III TCN, nơi đây được xem là cứ điểm của đạo Phật trước khi được phổ biến khắp Ấn Độ. Những ngôi chùa đá này bắt đầu được đục khắc vào thế kỷ thứ II (tr. TL) và kết thúc vào thế kỷ thứ VII (TL), từ thời kỳ các bộ phái Hinayana Phật giáo thịnh hành ở vùng đất này cho đến thời điểm Phật giáo Đại thừa phát triển, từ thời điểm tượng Phật chưa được phụng thờ cho đến khi yếu tố Mật giáo in dấu lên các pho tượng Phật và những vị Bồ-tát. 900 năm cho 30 hang động lần lượt ra đời, để rồi sau 1200 năm bị vùi lấp trong quên lãng, tình cờ được khám phá và trở thành một di sản thế giới qua công nhận của UNESCO. Các động này do quân đội Anh khám phá năm 1819, khi Ấn Độ là thuộc địa của Anh. Viện Khảo Cổ Ấn Độ tiếp tục khảo cứu và điều tra, xác định được 28 động, và được ghi lại trong các quyển sách của ông James Burgess xuất bản vào năm 1880. Động thứ 29 (15A) được tìm ra vào năm 1956. Các động Ajanta bắt đầu được đào khoét vào núi vào thế kỷ 2 trước Tây Lịch đầu tiên do các tu sĩ thuộc phái Thượng Tọa Bộ (hang số 8, 9, 10, 12, 13, 15A), và cộng đồng Phật giáo tiếp tục xây dựng trong 700 năm cho đến thế kỷ 5 Tây Lịch. Các hang sau nầy có màu sắc của Đại Thừa (các hang số 1, 2, 16, 17, 19, 26), phản ảnh sự chuyển hướng của Phật giáo Ấn Độ. Một số hang còn xây dựng dở dang, chưa hoàn tất.
(Bích họa ở chùa hang Ajanta /Ấn Độ)
Tổ hợp chùa Hang Ajanta nằm trên lưng chừng dãy núi đá hình móng ngựa nhìn xuống một cái vực sâu. Hôm chúng tôi đến nơi đây, cao nguyên Deccan vào mùa khô. Sông Waghora nằm dưới đáy cái vực sâu trước chùa, cạn khô trơ đá sỏi. . . Cây cối rụng lá tiêu điều và ánh nắng chói chang như thiêu như đốt. Nhen sóc, khỉ, quạ, chim chóc, gà rừng lang thang trong khu rừng thưa đầy cọ và cây chà là để kiếm ăn. Trong tiếng gió thổi ào ào qua núi đá và tiếng quạ kêu buồn bả trên non, có tiếng cười, tiếng nói, tiếng trầm trồ thán phục của khách nhàn du. . . . Du khách rất đông, người nước ngoài và người bản xứ, toàn những người đến đây để xem cái hoành tráng của dãy núi đá khổng lồ đã được sức người đục rỗng ruột thành hang, thành chùa, với vô số cột, vô số tượng, vô số tranh tường, vô số phù điêu tinh xảo diễm lệ. Khắp nơi người ta đến đây chỉ để xem, chỉ để trầm trồ, chỉ để du hí. Còn chẳng thấy ai tu, chẳng thấy ai biết là chùa làm để tu chứ không phải để xem chơi. . . .
Mô Phật, khi đến đây, trong tôi cái buồn nơi đất Phật chẳng giảm đi mà lại còn tăng lên!
Than ôi! Giáo pháp Như lai và Phật giáo ngày nay chỉ để làm du lịch kiếm tiền sao?!
Tôi lặng lễ đảnh lễ Như lai và chư Bồ tát, rồi âm thầm đi một mình men theo các hàng cột ngã bóng tối lờ mờ. Tay tôi không sờ vào đá. Nhưng cái lạnh chạy khắp châu thân. Tôi rùng mình khi chợt nhận ra, cái trò biến cái phải tu cái phải học, thành cái chỉ để xem chơi chỉ để mua vui, thì vừa kiếm được khối tiền mà lại được tiếng là hoằng dương chánh giáo. . . .haha. . .ha. . .!
(Cái buồn của đá / Chùa hang Ajanta/Ấn Độ/3/2010)
Từ một dãy núi đá khổng lồ, người ta đã đục đẽo, chạm khắc tạo nên những công trình kiến trúc với tầm vóc kỳ vĩ cùng sự tỉ mỉ, tinh tế trong từng chi tiết. Tất cả có 30 ngôi chùa, ngày nay người ta gọi tên theo số. Từ ngôi chùa I cho đến ngôi chùa XXX. Trong đó ngôi chùa IX và ngôi chùa X là hai công trình được tạo tác sớm nhất, từ thời Vương triều Andra. Hầu hết các ngôi chùa hang khác được xây dựng, tạo tác trong vương triều Phật giáo Gupta, từ thế kỷ IV đến thế kỷ VIII. Vương triều Andra bắt đầu từ năm 28 trước công nguyên, kéo dài 460 năm, là một thời kỳ bình yên với sự phát triển khá mạnh về kỹ nghệ và thương mại, có nhiều thành phố mới được xây dựng, rất hưng thịnh. Những công trình kiến trúc thời kỳ này đã đạt đến đỉnh cao của kỹ nghệ, trong đó tiêu biểu là chùa hang số IX và chùa hang số X. Tất cả các ngôi chùa hang Ajanta đều được tạo tác bằng cách đục khoét sâu vào lòng đá. Mặt ngoài, mỗi ngôi chùa thường có khoảng 20 cột đá đục đẽo liền từ núi đá nguyên thủy, rồi chạm khắc, trang trí công phu. Bước qua hàng hiên là tới đại sảnh, hai bên có hai dãy trai phòng, nơi cư ngụ của các nhà sư. Người ta đục đá tạo tác bàn thờ lớn từ giữa hang đến đáy hang chùa. Do phải cắt đục lòng núi để tạo thành chùa nên người đời mới gọi là chùa hang. Có những ngôi chùa rất lớn như chùa hang XVI, gian hành lễ rộng đến 400m2. Chùa hang I, chùa hang II cũng có những phòng lễ hội rộng mênh mông với những cột lớn được chạm khắc tỉ mỉ và các đường xoi tế nhị. Chân cột vuông, đỉnh cột có vầng tròn áp trần trang trí những tràng hoa lớn công phu. Chùa hang XXVI có các hàng cột vĩ đại đỡ ngạch cửa khổng lồ với những hình chạm trổ tuyệt đẹp.
(Hang số 10 /Chùa Hang Ajanta/Ấn Độ/3/2010)
. . . . . .
- Thưa cụ, làm sao con người có thể làm được những việc phi thường như vậy chứ?
- Năng lượng của tâm linh và sự rung động siêu nhiên đã làm nên những tác phẩm bất hủ này
- Làm sao cụ biết như vậy?
- Hỏi thì biết
- Hỏi ai?
- Đá. . . .
(Hỏi ai? - Đá. . . . .)/ Điêu khắc đá ở chùa hang Ajanta/Ấn Độ/3/2010
Các chùa hang ở Ajanta chứa những bức họa đẹp nhất của nghệ thuật Phật giáo. Dày đặc trên các mái vòm ở các vách chùa hang là những bức tranh màu đặc sắc. Trong 16 ngôi chùa hang có nhiều tranh vẽ bằng màu đỏ, xanh lá cây, xanh lam trên nền đá cẩm thạch, mô tả sinh động những điển tích Phật giáo. Đó là những tác phẩm mỹ thuật vừa lộng lẫy vừa thiêng liêng. Ở 14 chùa hang khác có nhiều bức tranh vẽ các tích Phật cùng nhiều bức tranh mô tả cuộc sống nhiều mặt của người dân Ấn đương thời. Chùa hang XVIII nổi tiếng với bức bích họa lớn vẽ một phụ nữ và một đứa trẻ, gương mặt họ bừng lên khao khát hướng tới sự giải thoát. Đó là vợ và con của Đức Phật. Trong chùa hang XIX, một điêu khắc đá tuyệt diệu, tạc hình Phật đứng, áo cà sa bó thân, gương mặt Đức Phật đẹp một vẻ đẹp lý tưởng, miệng hơi mỉm cười, đôi mắt nhìn xuống. Tóc quăn, tai chảy dài, những biểu hiện quý tướng của Phật giới; Nhưng tất cả trông thân thiện và ấm áp lạ lùng. Bức phù điêu đá này được coi là mẫu mực cổ xưa nhất của dáng tượng Phật đứng. Không chỉ là những tác phẩm điêu khắc đá và bích họa mô tả những điển tích Phật giáo một cách toàn vẹn, to lớn và sâu sắc, mà nó bao gồm cả những bích họa và điêu khắc đá mô tả đời sống xã hội Ấn Độ đương thời. Tư tưởng Phật Giáo hòa quyện một cách tự nhiên giữa thế giới thánh thần và đời sống con người.
- Thưa cụ, cụ có thấy tổ hợp mấy chục cái chùa hang Ajanta này đẹp không?
- Quá đẹp
- Hoành tráng không?
- Quá hoành tráng
- Vậy nếu giả dụ cho cụ ở lại đây tu học cụ có thích không?
- Không
- Tại sao?
- Bên ngoài hang động, tự nhiên đẹp hơn nhiều.
- Sao lạ vậy?
- Một cái chòi tranh trên đầu ngọn thác kia, dưới tán rừng thưa, nhìn xuống dòng sông Waghora. Sự sự vật vậy từng giờ từng phút diễn ra sống động thay đổi từng sát na. Mây bay trên trời, nước chảy dưới khe, con thú chạy nhảy trong rừng, con chim ca hát trên ngọn cây và mọi người đang vui sống, có tiếng cười, có tiếng khóc, có nhịp đời hối hả reo vui. . . hề hề. . . còn ta thì vỗ bụng hát nghêu ngao, thích thì ở, không thích thì đi, không khoái hơn sao. . . .hề hề. . . .
(Thác trên núi đá chảy xuống sông Waghora trước mặt chùa hang Ajanta/Ấn Độ/3/2010/)
. . . . .
Có tất cả 30 hang, bao gồm Thánh đường Phật giáo và các khu phụ cận. Các nhà khảo cổ đã đánh dấu các hang theo số thứ tự. Họ phân chia các hang động theo từng thời kỳ xây dựng, gồm hai phần: cụm hang được tạo dựng vào giai đoạn đầu và cụm hang được xây sau này. Hang số 12 được đẽo trong thời kỳ đầu và được gọi là Tăng viện; đây là nơi sinh sống của những thầy tu ngày xưa. Họ sinh hoạt và tu hành trong không gian chật hẹp. Các thầy tu dùng bệ đá làm giường ngủ, họ luôn tuân thủ trong quá trình tu hành khổ hạnh theo cách như thế. Hang số 9 cũng được tạo dựng trong thời kỳ đầu. Khác với hang động dành cho các nhà tu hành, hang số 9 có tên gọi là Tháp viện, là một căn phòng dùng làm nơi cầu nguyện. Tháp viện mang ý nghĩa rất linh thiêng, là nơi tôn thờ thánh tích của Đức Phật. Thời kỳ này hoàn toàn không có sự hiện diện của các tượng Phật. Vì vậy Tháp Phật được xem là một biểu tượng linh thiêng để tôn thờ và phụng sự.
(Tháp Phật ở chùa Hang Ajanta. Đây là thời kỳ chưa có tượng Phật /Ấn Độ /3/2010)
Thời kỳ đầu kéo dài đến khoảng 300 năm. Nhóm hang động thứ hai được tạo dựng vào thế kỷ thứ V, được gọi là thời kỳ sau. Hang số 26 là một điện Phật được xây dựng vào thời kỳ sau với trình độ kỹ thuật cao, các bức tượng chạm khắc đều rất lớn và hầu như tất cả đều còn nguyên vẹn. Trong hang số 26, chúng ta rất dễ dàng bắt gặp những hình ảnh của Phật giáo thuộc phái Mật tông. Khác với các tượng Phật ở Nhật Bản, hình dáng của tượng Phật trong hang là mô hình tượng Phật phổ biến tại rất nhiều nước ở châu Á. Khác với thời kỳ đầu, trong nhóm hang động thứ 2, tượng Phật hiện diện khắp nơi. Có tượng phật ngồi thể hiện rằng đã đạt được sự giác ngộ dưới cội bồ đề, xung quanh là sự cám dỗ của quỷ ma. Trước khi giác ngộ, Đức Phật đã trải qua nhiều giai đoạn tu luyện, tất cả đều được thể hiện qua hàng loạt tác phẩm điêu khắc trong hang. Những hình ảnh Phật giáo sống động trong nhóm hang thứ 2 đã phản ảnh sự hưng thịnh của đạo Phật lúc bấy giờ. Trong các hang động này, hình ảnh của phật Như Lai luôn là tâm điểm chi phối mọi vật xung quanh. Nhờ sự hậu thuẫn của triều đình cùng giới quý tộc và thương nhân lúc bấy giờ nên nghệ thuật Phật giáo Ấn Độ đạt tới trình độ phát triển rực rỡ nhất.
(Chánh điện của một chùa Hang Ajanta, do đục núi đá rồi điêu khắc mà thành /Ấn Độ/3/2010)
Khi mặt trời bắt đầu lặn, tiếng còi vang lên khắp khu chùa hang Ajanta để mời du khách xuống núi. Chúng tôi là những người đi sau cùng. Gió thổi ào ào, nắng chiều nhảy múa trên con đường đá men bờ vực thẳm. Du khách cười nói ồn ào vui vẽ. Còn tôi nhìn mây bay trên đỉnh núi mờ xa, chợt nhớ lời người xưa dặn dò nơi quê nhà:
- Này con, ta dạy con pháp này là để con đi chơi, nương theo đấy mà rong chơi rồi về với Phật.
Hề hề. . . .từ đó tôi đã thành người rong chơi. Sự sự việc việc trôi qua kẻ ngón tay mà cái thú vị của cuộc chơi thì chẳng bao giờ mất được. . . . .
Hề hề. . . thế thì ngay giây phút này đây, cái buồn cái vui nơi Chùa Hang Ajanta, xin trả lại cho núi đá, trả lại cho dòng sông, trả lại cho gió chiều lồng lộng. . . .rồi thong dong tâm về với Phật.
Dưới chân núi đá / Tham quan chùa Hang Ajanta /Ấn Độ/ 3/2010
- Này con, ta dạy con pháp này là để đi chơi, nương theo đấy mà rong chơi rồi về với Phật, đừng tham đạo mà cũng chẳng tham đời . . . .hề hề. . ./Ấn Độ/3/2010
Qua cổng
Bắt đầu leo lên núi đá /Chùa hang Ajanta/Ấn Độ/3/2010
- Thầy ơi, trước đây Thầy đã du lịch đến Ajanta lần nào chưa?
- Chưa
- Sao Thầy không đi?
- Không thể
_ Thầy không có tiền phải không?
- Không phải
- Vậy tại sao không thể?
- Ta vẫn ở đây chưa từng đi đâu thì làm gì có đến
- !. . . . .
- Haha. . . .ha. . .!
Kỷ niệm ở Chùa Hang Ajanta /Ấn Độ/3/2010
Tổ hợp chùa hang Ajanta được đục thẳng vào khối đá nguyên thủy thành phòng ốc, bệ thờ, cột, với điêu khắc đá và bích họa hùng vĩ tuyệt đẹp/Ấn Độ/3/2010
900 năm tạo tác. 1.200 bị lảng quên. Khi ta đến, Ajanta chợt giật mình sống dậy/ Ấn Độ/3/2010
Từ khối đá nguyên người ta đục thành chùa với hoa văn họa tiết và điêu khắc /Chùa hang Ajanta/Ấn Độ/3/2010
Thường phía trước là một hàng cột chống mái. Bên trong ở giữa là chánh điện với 2 hàng cột, 2 bên tả hửu là 2 dãy phòng của tu sĩ và cuối hang là bàn thờ hay Tháp Phật /Chùa hang Ajanta/Ấn Độ/3/2010
Chánh điện một chùa Hang Ajanta với Tháp Phật ở cuối hang và 2 hàng cột hai bên / Ấn Độ/3/2010
Tượng Phật thuyết pháp tạc theo phong cách Mật Tông ở chùa hang Ajanta/Ấn Độ/3/2010
Ở chùa hang Ajanta rất nhiều phiến đá có khắc chữ bùa theo phong cách Mật Tông /Ấn Độ/3/2010
Rất nhiều bức bích họa ở chùa hang Ajanta có tính phồn thực theo phong cách Mật Tông /Ấn Độ /3/2010
Bức bích họa vợ và con của Phật ở chùa hang Ajanta /Ấn Độ/3/2010
Rất nhiều hang, hang nào cũng đẹp, đi cả ngày cũng không hết /Chùa hang Ajanta/3/2010
Cây cầu bắc ngang qua sông Waghora trước tổ hợp chùa hang Ajanta /Ấn Độ/3/2010
Kỷ niệm trước Tháp Phật ở chánh điện chùa hang Ajanta /Ấn Độ /3/2010
Con về từ xứ xa
Cha già đi chơi vắng
Trong nắng con tìm trăng
Boăn khoăn đá thở dài
Một nghìn năm trước ta cười
Bây giờ quay lại trận cười chưa xong
Đục trong mặc cuộc thịnh suy
Tìm người tri kỷ, Phật đi chưa về!
Một nghìn năm trước thiền quỳBây giờ đứng dậy tiếc chi đá mònXuống núi/ Tham quan chùa hang Ajanta /3/2010
Trên đường về khách sạn /Ajanta/3/2010
Mời các bạn xem phim:
Tham quan chùa hang Ajanta /Ấn Độ /3/2010
Ajanta-1-NEN.mp4
Tham quan chùa hang Ajanta (Tiếp theo)
(tiếp theo: Tây Du Ký 2010 - Luyện công ở Hang Ellora - Rong chơi MumBai - Trên đường thiên lý / Ấn Độ/ 5/2010)