(Tháp Chaukhandi)
Luyện công tại tháp Chaukhandi/Vườn Lộc Uyển
Trước khi tới Lộc Uyển, một trong 4 thánh tích quan trọng của tứ động tâm. Còn cách xa khoảng nửa dặm, trên con đường chính đến từ thành phố Varanasi. Đầu tiên chúng tôi nhìn thấy ngọn tháp Chaukhandi. Vì biết các vị trí trong vườn Lộc Uyển đều rất đông khách hành hương, không thuận tiện cho việc nhận điển quang gia trì của Như lai để luyện công tu học. Nên trước khi vào vườn Lộc Uyển, Thầy đã hướng dẫn chúng tôi đến đây, leo lên tầng 2 của Tháp Chaukhandi để luyện công.Tháp Chaukhandi là một cái gò lớn làm bằng gạch với một vọng lâu hai tầng hình bát giác xây trên đỉnh gò. Chiều cao của vọng lâu bằng gạch này gồm cả nền đo được 84 feet, và nó không có liên hệ gì với ngọn tháp phía dưới. Nơi cửa phía bắc của vọng lâu, chúng tôi đọc thấy một bia ký ghi chép bằng tiếng Ba Tư cho biết rằng lâu đài này do vua Akbar (1556- 1605) ra lịnh xây cất vào năm 1588 để kỷ niệm ngày thân sinh của ông, vua Humayun đến thăm Lộc Uyển (Sarnath). Vua Humayun (trị vì: 1530 - 1540 và 1555 - 1556) là người đã sáng lập nên triều đại Hồi Giáo Mughul ở Ấn Độ. Phần dưới gò là cái nền của một ngọn tháp (Stùpa) lớn hơn. Các nhà khảo cổ bảo rằng phần chính của ngôi tháp có hình như chiếc trống cao khoảng 300 feet hoàn toàn bị hư hoại. Cái móng hư nát của ngôi tháp gồm có 3 cái nền xây chồng lên nhau. Mỗi lớp nền có hình vuông và cao độ 12 feet. Các khám trên vách tường phía ngoài của những lớp nền này có thể dùng để tôn trí tượng Phật. Người ta đã đào thấy tại đây một pho tượng Phật trong thế Ngài ngồi Chuyển Pháp Luân, được tạc làm vào thời đại Gupta (320 - 510). Công cuộc đào bới cho thấy phần trên của ngọn tháp làm bằng loại gạch cứng chắc nhưng phần dưới cấu tạo bằng những khung gạch có lỗ trống.Các học giả cho rằng ngôi tháp được xây cất vào thời kỳ hậu Kushan (48 - 220) hoặc tiền Gupta (320 - 510) ghi dấu nơi đức Phật sau khi thành đạo đã gặp lại 5 người bạn cũ (ông Kiều Trần Như) trên đường Ngài đi từ Bồ Đề Đạo Tràng (BodhGaya) đến Lộc Uyển. Năm vị này trước kia cùng tu với đức Phật, sau thấy Ngài dùng sữa từ bỏ phép tu khổ hạnh, nên họ đã tách rời Ngài sang đây. Ban đầu mới gặp, quý vị ấy không mấy kính trọng đức Thế Tôn, nhưng khi đến gần thấy Ngài đức tướng trang nghiêm, phong độ oai nghi nên không ai bảo ai, người thì cầm bình bát, người soạn chỗ ngồi, người tìm nước rửa chân cho Phật.Sau khi gặp nhau ở đây, đức Thế Tôn đã hướng dẫn cả 5 vị đến vườn Lộc Uyển gần đó và thuyết cho họ nghe bài pháp đầu tiên. Nhà khảo cổ A. Cunningham năm 1836 có đào một đường từ nền của vọng lâu thông xuống tới đỉnh gò của tháp nhưng không tìm thấy được Xá Lợi của Phật hay pháp khí gì cả. Đứng trên tầng hai của vọng lâu nhìn qua khung cửa trống, có thể thấy toàn diện cảnh vườn Lộc Uyển từ xa rất đẹp.
Trong cái nắng chói chang và tiếng quạ kêu buồn bả. Chúng tôi theo một đường mòn leo lên đỉnh tháp và vào tầng 2 của vọng lâu. Tuy đại bộ phận khách hành hương đều vào vườn Lộc Uyển bên cạnh chứ ít ai vào đây. Nhưng chúng tôi vẫn nhờ người quản lý khu thánh tích đóng cửa vọng lâu lại để tránh bị quấy rầy. Nền vọng lâu quá nhiều bụi bặm, chắc đã lâu không ai quét dọn. Đó đây vương vải nhiều cây nến cháy còn sót lại. Trên bậu cửa sổ một tổ chim đang ấp. Con chim mẹ thò đầu ra khỏi tổ nhìn chúng tôi thân thiện không có vẻ gì sợ hải. Chúng tôi ngồi xếp bằng trên nền vọng lâu đầy bụi. Đốt nến và trầm rồi bắt đầu thông công nhận điển quang gia trì dùng Đại Thủ Ấn học đạo qua tam mật tương ưng. Bên ngoài gió thổi ào ào. Trong tháp ánh sáng lờ mờ. Ánh nến chập chờn. Có tiếng chim non kêu chim chíp. Mùi trầm hương ngan ngát chen với mùi ẩm mốc lạnh lẽo của hàng nghìn năm, toát ra từ những bức tường gạch nung loang lỗ vết thời gian. Chính tại nơi đây hàng nghìn năm trước, đức Thích Ca đã gặp 5 anh em ông Kiều Trần Như lần đầu tiên sau khi thành Phật.
Cái mới và cái cũ đã gặp nhau ở đây!
Bảo thủ và cấp tiến đã gặp nhau ở đây!
Theo lối mòn và độc lập tư duy có kế thừa đã gặp nhau ở đây!
Sự cọ xát, cuộc chiến yên lặng giữa sức sống mới và cái sáo mòn lỗi thời không hiệu lực đã xảy ra ở đây, tại chỗ này, làm rung chuyển tam thiên đại thiên và vũ trụ nhân sinh cho đến tận hôm nay!
Anh em tôn giả Kiều Trần Như đại diện cho quan niệm bảo thủ về đạo học lúc bấy giờ. Đối với họ đức Thích Ca là người không theo đúng truyền thống cũ mà họ đang tôn sùng và cho là duy nhất đúng đắn. Đức Thích Ca đã uống bát cháo sữa, đã bỏ pháp tu khổ hạnh và đã độc lập suy tư tìm chân lý trên cái nền kế thừa truyền thống tu học có từ trước. Đối với họ đức Thích ca là ngoại đạo!
Còn Thái tử Tất Đạt Đa, đại diện cho người truy tìm chân lý của mọi thời đại, biết kế thừa cái cũ và không bằng lòng với cái mà xã hội đương thời cho là chân lý rốt ráo duy nhất Một. Bởi vì sau một thời gian tự mình kiểm nghiệm thấy không đạt được kết quả như niềm tin của đám đông vẫn hằng tưởng vậy. Cái vĩ đại nhất của ngài là đã chiến thắng được sự lôi kéo của "Quan niệm đám đông". Con người thật trong Thái Tử Tất Đạt Đa đã vươn lên chiến thắng "Con người xã hội"để độc lập tư duy tìm chân lý. Trong khi đám đông cam chịu làm con trâu đi sau cái cày của những bậc Thánh nhân. Thì Thái tử Tất Đạt Đa đã là con người tự do tự đi theo chiều hướng của chính tự thân mình, không ngại những áp lực của xã hội, của đám đông muốn gò mình vào những khuôn mẫu lạc hậu chỉ còn vang bóng một thời!
Mô Phật, dòng chảy của đạo cũng như của đời vẫn luôn chảy mãi có bao giờ ngừng lại đâu. Chính vậy, Như Lai mới bảo mọi sự đều vô thường!. . . .chư Tổ cũng bảo mọi sự đều: "Đang là. . . " Và tại đây, tại Tháp Chaukhandi này, hàng nghìn năm trước đã diễn ra sự kiện "Mới" "Cũ" gặp nhau, cùng tương thôi đối đãi để cuối cùng "cái Mới' cái "Đang là. . ." tất yếu là cái phù hợp với qui luật vận hành của trời đất. Cái đó tượng trưng minh chứng bằng việc 5 anh em tôn giả Kiều Trần Như trước đấy chống lại đức Phật, sau khi gặp lại ngài tại nơi này đã xin xuất gia với ngài và đã chứng quả A La Hán.
Mô Phật, bài học từ nghìn năm qua bây giờ đang sống lại trong tôi.
Kiều Trần Như của bây giờ là gì? Như Lai của bây giờ là gì?
Phải biết cái nào là kế thừa có chọn lọc và cái nào cần phải độc lập suy tư tiến lên tự mình đốt đuốc cho mình đi.
Phật tại Tâm, ngoài Tâm không có Phật!
Vậy, trong tâm mình cũng đang có Kiều Trần Như và cũng đang có Phật. Hãy nhận biết tỉnh giác và hãy để cho Kiều Trần Như của mình xuất gia với vị Phật tại tâm mình nếu không muốn thành con vẹt hay thành người mù sờ con voi chân lý!
Khi buổi tập kết thúc. Mọi người xin với Thầy chú nguyện cho những kỹ vật họ đã mua ở đất Phật để khi về quê hương làm pháp khí tu học và làm quà cho người thân . . .v.v. . . Thầy cười và gật đầu đồng ý.
Mọi người đem ra đặt trước mặt Thầy rất nhiều thứ. Như tượng Phật, tượng Tổ, xâu chuỗi, lá bồ đề, cát sông Ni Liên Thuyền, khăn, pháp luân. . .v.v. . . và nhiều thứ khác nữa, thành một đống to. Trong đó rất nhiều vật phẩm quí giá làm bằng đồng, bằng vàng hay dát vàng, bằng ngọc, mã não hay đá quí. . . .để chen với những vật phẩm khiêm tốn chẳng đáng bao nhiêu tiền. . . .Khác với mọi hôm Thầy không chú nguyện ngay mà bảo:- Này chư huynh, chư huynh hãy nhắm mắt nhận điển quang gia trì và khấn nguyện xin ơn trên Như lai và chư vị A La Hán gia hộ độ trì để chư huynh nhận pháp khí về nhà tu học. Ta sẽ thiết lập Mandala và phụng thỉnh ơn trên. Tư nhiên chư huynh sẽ được năng lượng giác ngộ điều khiển tiến lên nhận một món đồ bất kỳ trong đống kỷ vật này. Mỗi người chỉ được nhận một món mà thôi.- Thưa cụ, thế đồ của con còn lại thì làm sao?- Mọi người ở đây đều được quyền nhận điển quang gia trì thông công lên tự nhận một món. Như vậy người không có tiền cũng có pháp khí, vật đắt tiền hay giá trị khiêm tốn đều bằng nhau, để người nghèo cũng có cơ hội bằng người giàu. Này chư huynh, vấn đề là tính thiêng của pháp khí chứ không trụ tướng. Như vậy có khả năng mình chẳng nhận được vật mình đã bỏ tiền ra mua. Sau khi mọi người dùng điển quang gia trì nhắm mắt tự nhận xong. Số còn lại thì của ai người ấy lên nhận và ta sẽ chú nguyện cho, để về làm quà cho người thân hay bạn bè mình. Ai không tham gia bài tập này thì có quyền lên lấy đồ của mình về ta không ép. Ngoài tính thiêng liêng của điển quang. Đây là bài tập rèn tâm về tính "vô sở hữu" của người hành bồ tát đạo.
Khi mọi người bắt đầu nhắm mắt nhận điển quang gia trì, thì Thầy liền thay đổi vị trí của các vật kỷ niệm nhất là các vật đắt tiền. . . . Khi bài tập chấm dứt. Tôi thấy đại bộ phận không nhận được món quà mà mình đã bỏ tiền ra mua. Nhiều chuyện cười ra nước mắt: Nhiều vị huynh bỏ tiền ra thỉnh một vật quí giá bằng vàng, dát vàng hay đá quí. . . tự nhiên bây giờ chỉ nhận được túi cát sông Ni Liên hay xâu chuỗi hạt rẽ tiền. . . Có người không có vật gì lại tự nhiên nhận được món quà giá trị. . . . Tôi tự nhiên nhận được cái lư đốt trầm bằng đồng rất giá trị, trong khi mình chẳng có vật gì ở đấy cả. Không biết mọi người nghĩ gì. Nhưng sau khi kết thúc bài tập này tôi thấy sắc mặt mọi người có thay đổi. Mọi người cười ra nước mắt, ngỡ ngàng, xầm xì bàn tán mãi không dứt. . .!
Lúc ra khỏi Tháp Chaukhandi sang vườn Lộc Uyển mọi người vẫn chưa hết bàng hoàng chấn động về tác dụng tâm lý và điển quang của phần thực hành này.
Thầy cười và nói với mọi người:
- Này chư huynh ta đã bảo ta là người nguy hiểm. Chư huynh đến tu với ta, ta chẳng hớt tóc chư huynh, ta chẳng sửa để chư huynh có kiểu tóc hợp thời trang mà ta sẽ cắt cái đầu chư huynh đi. Ta nhất định sẽ cắt cái đầu tâm trí của chư huynh!. . . Hề hề. . . Ai chỉ muốn hớt tóc và muốn có bộ tóc hợp thời trang thì hãy tìm đến vị thầy khác. Còn ai không sợ mất đầu thì mới ở lại đây rong chơi với ta. . . hề hề. . . .!
. . . . . .
Thăm Tháp Chaukhandi/ Vườn Lộc Uyển /Ấn Độ /3/2010 :
Trong cái nắng như đổ lửa. Chúng tôi leo lên vọng lâu của tháp Chaukhandi để luyện công /Vườn Lộc Uyển /3/2010:
Nhận điển quang gia trì đảnh lễ Như Lai và chư vị A La Hán /Vọng Lâu tháp Chaukhandi/Vườn Lộc Uyển/3/2010
Luyện công trên vọng lâu của Tháp Chaukhandi /Vườn Lộc Uyển /Ấn Độ/3/2010:
Trao chuỗi bồ đề cho chư huynh /Vọng lâu tháp Chaukhandi/Vườn Lộc Uyển/3/2010 :
Trao khăn ấn lệnh cho chư huynh /Vọng lâu tháp Chaukhandi/Vườn Lộc Uyển /3/2010 :
Dùng Đại Thủ Ấn với Tam Mật tương ưng, chư huynh nhận pháp khí theo lực điều khiển của Mandala /Tháp Chaukhandi/Vườn Lộc Uyển/Ấn Độ/3/2010 :
Nương theo lực điều khiển của Mandala, chư huynh nhận pháp khí phù hợp với pháp tu riêng của từng người /Tháp Chaukhandi/Vườn Lộc Uyển/3/2010:
Hề hề. . .Muốn thực chứng Vô Ngã thì trước tiên phải vô sở hữu. . ./Tháp Chaukhandi/Vườn Lộc Uyển/3/2010
Rời tháp Chaukhandi để sang vườn Lộc Uyển bên cạnh / Ấn Độ/3/2010
Kỷ niệm trước Tháp Chaukhandi /Vườn Lộc Uyển/Ấn Độ/3/2010
Mời các bạn xem phim:
1/ Luyện công ở tháp Hạnh Ngộ (Chaukhandi) /Vườn Lộc Uyển/3/2010
Thap-Hanh-NGo-1-NEN.mp4
2/ Luyện công ở tháp Hạnh Ngộ (Tiếp theo)
Thap-Hanh-Ngo-2-NEN.mp4
Vườn Lộc Uyển /Ấn Độ/3/2010
Vườn Lộc Uyển (Sarnath) là nơi hơn 2.500 năm trước, đức Phật đã thuyết bài Pháp đầu tiên. Tên gọi ngày nay chỉ nơi xưa kia đức Phật sau khi thành Đạo, đã đến thuyết bài Pháp đầu tiên cho năm vị Tỳ kheo, đệ tử xuất gia của Ngài. Kinh sách cũng ghi chép rằng tất cả chư Phật trong quá khứ đều tới đây để Chuyển Pháp Luân. Hiện nay, Sarnath nằm cách xa sáu dặm (miles) đường bộ thị trấn Varanasi hay Benares (Ba La Nại) và một dặm từ nhà ga Sarnath, trong quận Varanasi, thuộc tiểu bang Uttar Pradesh, miền đông bắc Ấn Độ.
. . . . . . .
Tham quan vườn Lộc Uyển một trong Tứ Động Tâm ở đất Phật /3/2010
(Cổng vào Vườn Lộc Uyển/Ấn Độ/3/2010)
Chữ "Sarnath" là tiếng rút gọn của từ "SARANGNATH" (Sarang: Lộc, nai; Nath: vua): vua của loài Nai (Lộc Vương - chỉ đức Phật). Danh từ này không thấy có trong kinh tạng Phật giáo tiếng Pali (Nam tông) cũng như Sanskrit (Bắc tông), mà trái lại kinh Pali thường dùng chữ "ISIPATANA" (Tàu dịch: Chư Thiên Đọa Xứ) hay "MIGADÀYA"; hoặc lắm khi dùng cả hai. Có nhiều truyền thuyết nói về nguồn gốc của các địa danh này. Một vài học giả cho rằng "Isipatana" (Pali) hay "Rishipatana" (Sanskrit) có nghĩa là "Khu vực của các vị Tiên" (The abode of the seers), nhưng theo bộ Mahavastu (Đại sự) của Phật giáo giải thích thì xưa kia tại đây có 500 vị Bích Chi Phật (Pratyeka Buddhas) thường trú tu hành, về sau tất cả đều bay lên hư không nhập Niết Bàn, và thân thể của quý vị Độc giác này rơi xuống đất. Do đó, Isipatana được gọi là "Thành phố, nơi rơi xuống của các Ngài Bích Chi Phật" (City of the fall of the Sages). Theo ngữ nguyên "Isi" có nghĩa là "Tiên, Thánh hiền" (Sage); "Patana" là "Rơi xuống" (Falling). Còn "Migadàya" (Pali) nghĩa là "Lộc Uyển" hay "Vườn Nai" (Miga: Lộc, nai; Dàya: vườn, công viên). Trong sách có ghi chép mẩu chuyện tiền thân "Nigrodha Miga" liên quan đến Phật tích Lộc Uyển này như sau: "Ngày xưa, nguyên tại đây (Migadàya) là khu rừng có nhiều nai. Vua xứ Benares (Ba La Nại) thời ấy hằng ngày đến săn nai để giết thịt. Trong một kiếp tiền thân đức Phật (Bồ Tát) sinh làm Lộc Vương, trông coi cả đàn nai ở đó. Ngày nọ, Bồ Tát Lộc Vương đến yết kiến vua Ba La Nại, đề nghị giải pháp mỗi ngày sẽ có một chú nai tự đến nạp mình để vua làm thịt dùng và khuyên vua nên chấm dứt việc cho săn bắn, sát hại vô ích nhiều nai khác trong khu rừng. Một hôm, đến lượt một con nai có mang phải nạp mình. Không nỡ để nai con trong bụng chết oan, nai mẹ đến khẩn thiết yêu cầu Lộc Vương (Bồ Tát) giúp tìm một con nai khác đi thay thế. Vì lòng từ bi, Lộc Vương đến gặp vua Ba La Nại trình bày sự việc, và mong được giết thịt hôm đó để cứu mạng sống cho nai mẹ. Vô cùng ngạc nhiên, khâm phục trước sự hy sinh cao cả của Lộc Vương, đức vua hối hận và từ ngày ấy không bắt buộc đàn nai mỗi ngày phải đến nạp mình một con như trước kia. Nhà vua cũng để yên cả khu rừng cho loài Lộc ở, sống hạnh phúc an lành không còn sợ ai đến săn bắn, giết hại nữa. Vì thế, khu rừng này được gọi là khu rừng của loài Lộc (Migadàya: Lộc Uyển)". Do đó, chúng ta thường thấy phía dưới những tượng đá, tranh họa diễn tả về sự tích đời sống đức Phật đều có khắc hay vẽ hình hai con nai hai bên, ở giữa là bánh xe Pháp Luân.
(Vườn Lộc Uyển bây giờ chỉ còn là phế tích /3/2010)
Tháp Dhamek và khu phế tích trong vườn Lộc Uyển /3/2010
Sử sách Ấn Độ ghi chép cho thấy rằng Lộc Uyển, trước thời Đức Phật ra đời (năm 624 trước tây lịch) là một trung tâm phát triển văn hóa. Vương quốc Kashi, Banaras hay Benares (Ba Na Lại) trước kia mà Sarnath (Lộc Uyển) ngày nay bao gồm trong đó, là nơi lui tới gặp gỡ, hành đạo của hầu hết những vị giáo chủ, đạo sư nổi danh của các tôn giáo lớn Ấn Độ (Bà La Môn, Kỳ Na Giáo tức Jainism) bấy giờ. Nơi đây là vùng đất thiêng, thu hút vô số các nhà đạo học uyên bác, những vị Tiên, ẩn sĩ đến thường trú ngày đêm tu khổ hạnh hay thiền định để tìm cho mình con đường giải thoát và giác ngộ.. . . . .(Còn ngày nay Lộc Uyển chỉ còn là phế tích / Ấn Độ/3/2010)Kinh sách chép rằng sau khi chứng Đạo giác ngộ ở Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gaya), đức Phật liền nghĩ tới năm người đạo sĩ, bạn đồng tu với Ngài trước kia là: Kiều Trần Như (Kondanna), Bạc Đề (Bhaddiya), Thập Lịch Ca Diếp (Vappa), Ma Ha Nam (Mahanama) và Ác Bệ (Assaji); và biết họ đang ở Lộc Uyển tại Chư Thiên Đọa Xứ (Isipatana). Ngài liền rời Ưu Lâu Tần Loa (Uruvela), lên đường đi Ba La Nại (Benares). Khi thấy đức Phật từ xa đến, năm vị đạo sĩ tỏ vẻ không mấy kính trọng, nhưng lúc tới gần, với hảo tướng trang nghiêm, oai nghi đức độ của Ngài, tự nhiên cảm hóa họ. Và cuối cùng, năm vị chịu ngồi xuống yên lặng để nghe đức Thế Tôn giảng pháp. Ngay tại chỗ ở vườn Lộc Uyển, nơi mà trước kia chư Phật trong quá khứ cũng đã ngồi để Chuyển Pháp Luân. Ngài ngồi xuống nơi pháp tòa thứ tư; và bắt đầu thuyết bài pháp đầu tiên, kinh "Chuyển Pháp Luân" (Dhammacakkappa-vattana Sutta) đề cập đến Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo.
Sau khi nghe xong, vị lớn tuổi nhất, đức Kiều Trần Như liền phát tâm xuất gia, làm vị Tỳ Kheo (Bhikkhu) đầu tiên và đắc quả Tu Đà Hoàn (quả thứ nhất trong bốn quả thánh). Những ngày sau đó, bốn vị kia cũng xuất gia theo Phật và đều chứng được quả này. Đến khi nghe đức Phật thuyết Kinh Vô Ngã Tướng (Anatta Lakkhana Sutta) đề cập đến pháp Vô Ngã (không có Ta) thì tất cả năm vị đều đắc quả A La Hán, hoàn toàn thanh tịnh giải thoát. Năm vị Tỳ kheo này là những đệ tử xuất gia đắc quả A La Hán đầu tiên của đức Phật. Như vậy, vào lúc ấy trên đời có tất cả năm vị A La Hán. Từ đó, ngôi Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng) được thành hình hiện hữu ở thế gian.
Kỷ niệm tại vườn Lộc Uyển/Ấn Độ /3/2010
(Thầy và đoàn đảnh lễ tại nơi mà 2 năm trước Thầy đã thông công nhận ấn chuyển pháp luân / Vườn Lộc Uyển/3/2010)
Lúc bấy giờ, Yasa (Da Xá), con của một nhà triệu phú ở thành Ba La Nại (Benares) chán cảnh giàu sang phú quý tạm bợ, trốn nhà ra đi hướng về Lộc Uyển. Đến nơi gặp đức Phật. Sau khi nghe đức Phật thuyết pháp, chàng đắc quả Tu Đà Hoàn. Hôm đó là ngày thứ năm, sau khi đức Phật Chuyển Pháp Luân. Thấy vắng con, nhà triệu phú, cha của Da Xá, đi tìm con và gặp Phật. Đức Phật liền giảng pháp cho ông. Nghe xong, ông vui mừng bạch Phật cho ông xin quy y Tam Bảo. Ngài liền chấp nhận. Ông là người thiện nam đầu tiên thọ lễ quy y đầy đủ với 3 ngôi Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng) tại Lộc Uyển. Khi nghe đức Phật thuyết pháp cho cha, Yasa (Da Xá) liền đắc quả A La Hán. Sau khi cha ra về. Da Xá xin đức Phật xuất gia, thọ giới Sa Di và Tỳ Kheo.
Với Đức Da Xá, tổng số các A La Hán lúc bấy giờ tăng lên sáu vị. Hôm sau, đức Phật với sáu đệ tử A La Hán đến nhà ông triệu phú. Mẹ và vợ của Da Xá đến nghe đức Phật thuyết pháp, đắc quả Tu Đà Hoàn và xin thọ lễ quy y Tam Bảo. Hai bà trở thành hai tín nữ, đệ tử tại gia đầu tiên của đức Phật.
Những tuần sau đó, 54 người bạn của đức Da Xá (Yasa) cũng đến thính pháp với đức Phật, xin Ngài xuất gia làm Tỳ kheo và đều đắc quả A La Hán. Trong vòng gần hai tháng, tổng số đệ tử xuất gia theo đức Phật chứng quả A La Hán lên tới 60 vị. Và đây là "Giáo Hội Tăng Già" đầu tiên trong lịch sử nhân loại. Và để giáo pháp được rộng truyền khắp nhân gian, sau khóa nhập hạ an cư đầu tiên kết thúc tại vườn Lộc Uyển trong vùng Chư Thiên Đọa Xứ (Isipatana), đức Phật đã khuyên dạy các đệ tử:
"Này các Tỳ Kheo, hãy ra đi, đem lại sự an lành đến mọi người, hạnh phúc cho tất cả chúng sanh. Vì lòng từ bi, hãy mang lại sự tốt đẹp, lợi ích và hạnh phúc cho Chư Thiên và nhân loại. Mỗi người hãy đi một ngã... Chính Như Lai cũng sẽ đi về hướng Ưu Lâu Tần Loa (Uruvela) để hoằng dương chánh pháp".
Như vậy, tại vườn Lộc Uyển (Sarnath), đức Phật là vị giáo chủ đầu tiên trên thế giới lập đoàn truyền giáo và gửi các đệ tử xuất gia đã chứng ngộ đi khắp nơi hoằng pháp, lợi ích nhân quần xã hội đúng theo hạnh nguyện của người tu là "Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh".
Ngoài hai kinh Chuyển Pháp Luân và Vô Ngã Tướng nói trên, sử liệu cho thấy Đức Phật còn thuyết tại Lộc Uyển nhiều kinh khác như: Pãnca, Pàsa và Dhammadinna, đặc biệt đức Phật giảng cho cư sĩ Dhammadinna khi ông ta đến yết kiến Ngài (ba kinh này thuộc Tương Ưng Bộ Kinh - Samyutta Nikaya); và các kinh Rathakàra hay Pacetana, Samaya, Katuviya, và Metteyapãnha (thuộc Tăng Nhứt Bộ Kinh - Anguttara Nikaya).
. . . . .
Dưới cái nắng như đổ lửa. Chúng tôi vẫn theo Thầy đi tham quan chiêm bái, đảnh lễ khắp mọi nơi trong vườn Lộc Uyển /3/2010
Những gì mà ngôi chùa chính của klhu Lộc Uyển xưa kia còn sót lại /Vườn Lộc Uyển /3/2010
Theo truyền thuyết Phật giáo, người ta tin rằng ít nhất có hai ngôi chùa lớn (Mahavihara) được thiết lập tại Lộc Uyển vào thời đức Phật còn tại thế. Ngôi chùa đầu tiên không rõ ai xây dựng, nhưng cái thứ hai thì do đạo hữu Nandiya ở xứ Kashi hay Benares (Ba La Nại) kiến tạo. Nhưng tiếc rằng không có một di tích nào của hai ngôi chùa ấy còn tồn tại đến ngày nay. Trong khoảng thời gian suốt 3 thế kỷ sau ngày đức Phật diệt độ. Các học giả cho rằng, có thể chư Tăng lúc bấy giờ, như đạo sĩ các tôn giáo khác đều yên phận sống tu đơn giản trong những tịnh xá lều tranh, lợp bằng cây lá tại Lộc Uyển. Mãi đến giữa thế kỷ thứ ba trước tây lịch, vua A Dục (Asoka) đến đây chiêm bái, Ngài mới bắt đầu cho xây cất chùa tháp và dựng trụ đá v.v...
Vua A Dục khi đến thăm Lộc Uyển, đã cho xây dựng vào năm 250 trước tây lịch một trụ đá, trên chóp có hình tượng bốn con sư tử tại chính nơi xưa kia đức Phật đã ngồi thuyết pháp đầu tiên, độ cho năm vị Tỳ kheo, đệ tử của Ngài. Ngoài ra, vua A Dục còn cho thiết lập tại đây nhiều chùa tháp khác, trong đó có tháp Dhamekh và Dharmarajika để tôn trí thờ Xá Lợi (xương tro) của đức Phật mà di tích của chúng hiện nay vẫn còn tồn tại.
Trong thời gian từ thế kỷ thứ 2 trước tây lịch đến tiền bán thế kỷ thứ 3 sau tây lịch, sinh hoạt Phật giáo tại Lộc Uyển đang còn thịnh đạt. Một số chùa tháp đã được lập nên ở Lộc Uyển dưới triều đại Sunga (185 - 73 trước T.L.). Đến triều đại Kushan (48 - 220) nhiều tượng Phật và Bồ Tát đã được tạc làm ra tại Lộc Uyển. Vào năm thứ 3 dưới triều vua Ca Nị Sắc Ca (Kanishka: 120 - 144), Đại đức Bala ở thị trấn Mathura (nay thuộc tiểu bang Uttar Pradesh, miền đông bắc Ấn) đã thiết trí tại Lộc Uyển một pho tượng Bồ Tát khổng lồ bằng đá đỏ (red sand-stone) rất đẹp. Các Phật tử cũng đã xây dựng nhiều chùa để giúp đỡ chư Tăng thuộc phái Tiểu Thừa Nhứt Thiết Hữu Bộ (Sarvastivada) ở Lộc Uyển thời đó có chỗ thường trú tu học. Vương triều Guptas (320 - 510), là thời đại hoàng kim (Golden Age) của lịch sử Ấn Độ. Tiến bộ vượt bực trong mọi lãnh vực văn hóa, chính trị, nhất là nghệ thuật chạm trỗ, điêu khắc, tạc tượng Phật trên đá. Nhờ đó mà Phật giáo dưới thời Gupta cũng được phát triển mạnh. Mặc dù các vua Guptas phần đông theo đạo Bà La Môn (Brahmanism) nhưng họ không có óc kỳ thị, hẹp hòi và Lộc Uyển bấy giờ đã trở thành một trung tâm nghệ thuật Phật giáo nổi tiếng. Ít nhất có 3 tượng Phật tìm thấy tại đây; và trên đó có ghi khắc ngày các tượng được tạc làm ra vào năm 473 thuộc vương triều Kumara Gupta II (473 - 476) và năm 476 dưới thời vua Buddha Gupta (476-495).
Ngài Pháp Hiển cũng đã đến chiêm bái Lộc Uyển đầu thế kỷ thứ 5 sau tây lịch, đã cho chúng ta biết qua tập ký sự của Ngài, về sinh hoạt Phật giáo tại nơi này bấy giờ như sau: "Tiếp tục đi về hướng tây 12 Yojanas hay do tuần (84 dặm), chúng tôi đến thị trấn Varanasi (Ba La Nại) thuộc vương quốc Kashi. Vượt xa thành phố này hơn 10 lý (gần 4 dặm) về hướng đông bắc, chúng tôi đến một ngôi tịnh xá xây cất ở vườn Lộc Uyển...Đức Phật muốn cứu độ cho đạo sĩ Kiều Trần Như và 4 người bạn của ông ta... Khi Đức Phật tới nơi, 5 người đứng dậy đảnh lễ chào Ngài; xa chỗ này 150 feet (60 paces) về hướng bắc, đức Thế Tôn ngồi với diện nhìn ra hướng đông, và Ngài chuyển bánh xe Pháp đầu tiên, độ cho đệ tử Kiều Trần Như cùng với 4 người bạn khác. Xa hơn nơi đây 50 feet (20 paces) về hướng bắc là chỗ đức Phật phú chúc tương lai đức Di Lặc sẽ thành Phật. Di tích tất cả những nơi này hiện vẫn còn trông thấy. Trong vườn Lộc Uyển có 2 ngôi chùa, và tại cả hai nơi đều có chư Tăng đang ở tu hành..."
Thánh địa này được phát triển rực rỡ dưới thời các vua đầu tiên của vương triều Gupta cho mãi tới khi quân Hung Nô (Hunas) từ Trung Á (Central Asia) sang xâm lăng Ấn Độ khoảng giữa thế kỷ thứ 5 sau tây lịch.
Ngài Huyền Trang danh Tăng Trung Hoa thứ hai sang Ấn Độ đến viếng Lộc Uyển khoảng năm 638 sau tây lịch và qua cuốn "Tây Du Ký" (Si Yu Ki), đã cho chúng ta biết khá nhiều về hoạt động Phật giáo tại thánh tích này vào thời đó như sau: "...Đi 500 lý (hơn 166 dặm) qua khu rừng lớn, chúng tôi đến vương quốc Benares (Ba La Nại)... Trong xứ có khoảng 30 ngôi chùa (Sangharama) và 3.000 Tăng Sĩ, nghiên cứu Tiểu thừa theo Chánh Lượng Bộ (Sammitiya)... Cách xa về hướng đông bắc của sông Varana khoảng 10 lý (hơn 3 dặm), chúng tôi đến ngôi chùa ở vườn Lộc Uyển... Tại đây có 1.500 Tăng sĩ đang tu học giáo lý Tiểu Thừa, theo phái Chánh Lượng Bộ...Về hướng tây nam của chùa này thấy có một ngọn tháp bằng đá do vua A Dục truyền dựng nên. Mặc dù nền tháp bị hư hoại, nhưng bức tường tháp cao khoảng 100 feet hay hơn nữa đang còn... Cách đó không xa là một ngọn tháp. Đây là di tích nơi đạo sĩ Kiều Trần Như và các bạn ông thấy Đức Bồ Tát từ bỏ phép tu khổ hạnh, đã tách rời Ngài tới chỗ này để chuyên tu thiền định. "Cạnh đấy là một ngọn tháp ghi dấu nơi 500 vị Bích Chi Phật đã cùng một lượt nhập Niết Bàn. Còn 3 ngôi tháp khác nữa là nơi ghi dấu chỗ ngồi và đi kinh hành của 3 vị Phật đời quá khứ. Cạnh đó là một ngọn tháp, chỗ đức Phật phú chúc cho Bồ Tát Di Lặc (Maitreya) tương lai sẽ thành Phật... Không xa ở đây về hướng nam là di tích nơi 4 vị cổ Phật đã đi kinh hành. Con đường có chiều dài 125 feet và những bực cấp cao 7 feet. Nó được xây bằng đá xanh xếp chồng lên nhau. Trên đó tôn trí một tượng Phật trong tư thế đi kinh hành... Tại vườn Lộc Uyển có hàng trăm ngôi chùa (viharas) và tháp (stupas). "Về hướng tây của vườn Lộc Uyển là một ao nước có chu vi 450 feet, nơi xưa kia đức Phật thường rửa bình bát khất thực của Ngài. Về phía bắc chỗ này là hồ nước có chu vi 375 feet, đức Như Lai thường đến giặt y áo. "Bên cạnh đầm nước, nơi đức Phật giặt y áo là một tấm đá vuông, trên đó còn thấy dấu vết chiếc áo cà sa của Ngài. ..."
Đến thời vua Gahadvala cai trị xứ Ba La Nại (Benares) bị quân Hồi giáo, dưới quyền chỉ huy của Đại tướng Muhammad Ghori xâm lăng đánh bại, giết chết năm 1194. Từ ngày ấy, vương quốc Ba La Nại bị chiếm đóng, đặt dưới quyền cai trị của các vua Hồi Giáo, và Lộc Uyển cũng cùng chung số phận. Nhiều chư Tăng tại đây đã bị quân Hồi Giáo sát hại hoặc phải chạy trốn đi nơi khác, với vô số chùa tháp, tượng Phật bị đập phá, thiêu hủy và triệt hạ. Sau đó, Lộc Uyển dần dần trở thành nơi hoang vắng, chìm sâu vào quên lãng của thế nhân mãi đến thế kỷ thứ 18. Năm 1794, nhân khi ông Jagat Singh, bộ trưởng của vua Chet Singh ở Benares (Ba La Nại) thiếu vật liệu xây cất ngôi chợ ở Jagatganj nên đã cho người đến triệt hạ lấy gạch và đá ở ngọn tháp Dharmarajika do vua A Dục (Asoka) dựng nên xưa kia tại Lộc Uyển chở về dùng. Trong khi đào bới sâu xuống 27 feet nhân viên đã tìm thấy một cái hộp bằng đá (hiện giữ tại Viện Bảo Tàng Ấn Độ ở Calcutta), bên trong có một hộp cẩm thạch chứa đựng các hạt trai bị hư, những chiếc lá bằng vàng, đồ nữ trang và một ít tro cốt mà các nhà khảo cổ tin rằng đó là Xá lợi của đức Phật. Rất tiếc vì theo Ấn Giáo, không biết dùng làm gì, ông Jagat Singh đã làm lễ thả Xá lợi này xuống sông Hằng (Gange) khiến Phật tử chúng ta bị mất một bảo vật quý giá. Kết quả cuộc khám phá này đã được ông Jonathan Duncan (1756 - 1811), công sứ người Anh tại Ba La Nại (Commissioner of Benares) lúc bấy giờ cho ấn hành một bài tường thuật đăng trong tạp chí "Asiatic Researches" (Nghiên cứu Á Châu) vào năm 1798, khiến quần chúng bắt đầu quan tâm đến Lộc Uyển.
Sau đấy nhiều nhà nghiên cứu và khảo cổ đã tiến hành khám phá Lộc Uyển. Nhưng các công cuộc khám phá nói trên vào trước năm 1890 chỉ khiến cho một số học giả Ấn Độ và ngoại quốc biết đến Lộc Uyển, còn phần đông dân chúng và Phật tử khắp nơi ít ai chú ý tới thánh tích này. Phải đợi khi cố Đại đức Anagarika Dharmapala đến chiêm bái Lộc Uyển vào năm 1891 mới có một công cuộc chấn hưng Phật giáo thật sự tại đây. Đại Đức đã kiến tạo được ngôi chùa lịch sử Mulagandhakuti, nhiều trường học cho dân địa phương, mở nhà thương thí v.v... Chính do những thành quả đó của Ngài đã thức tỉnh các Phật tử, cũng như chính quyền trung ương Ấn Độ từ ngày ấy cho đến nay, đã tích cực tham gia giúp đỡ phát triển, chỉnh trang vườn Lộc Uyển, nhằm phục hồi phần nào thời kỳ vàng son hưng thịnh của Phật giáo ngày xưa cũng như biến nơi đây thành một trung tâm du lịch hành hương cho du khách và các Phật tử khắp nơi trên thế giới.
Tháp Dhamek
Khi chúng tôi đến Lộc uyển chỉ còn là phế tích với các nền móng bằng gạch đỏ còn lại nằm trơ dưới cái nắng chói chang. Công trình còn lại duy nhất là tháp Dhamek. Theo các nhà khảo cổ, đây là một kiến trúc vĩ đại và huy hoàng nhất của thời Phật giáo xa xưa được duy trì đến ngày nay tương đối còn nguyên vẹn so với những di tích khác tại Lộc Uyển. Dhamek có gốc tiếng Sanskrit là "Dharmeksha" có nghĩa là "Tưởng nghĩ Giáo Pháp. Có người cho rằng tên chính của ngôi tháp là "Dhamak" phát xuất từ chữ Phạn "Dharmachakra" (bánh xe Pháp) và sau này nó biến thành "Dhamekh". Dhamekh là ngôi tháp hình trụ có đường kính 93 feet ở nền tháp và cao 128 feet hoặc 143 feet gồm cả móng tháp. Tháp gồm có hai phần: phần dưới của tháp có hình chiếc trống tròn làm bằng đá cao 36 feet 9 inches, một phần đã bị hư hoại và được viện khảo cổ Ấn Độ sau này sửa chữa lại. Phần tháp phía trên chiếc trống là một khối gạch hình trụ, và được xây ngoài mặt một lớp với những tấm đá mà qua nhiều thời kỳ chúng đã bị dân chúng gỡ lấy đi. Theo nhà khảo cổ A. Cunningham, ngôi tháp này có thể do vua A Dục dựng nên vào thế kỷ thứ 3 trước tây lịch để ghi dấu nơi đức Phật đã Chuyển Pháp Luân đầu tiên, bởi lẽ nghiên cứu cái nền ở dưới tháp hiện nay, ông ta thấy nó được xây bằng loại gạch lớn đúc vào thời vua A Dục (273 - 232 trước tây lịch). Nhưng có thuyết cho rằng ngôi tháp được kiến tạo vào thời đại Gupta (320 - 510) để ghi nhớ chỗ xưa kia đức Phật đã phú chúc cho đức Bồ Tát Di Lặc tương lai sẽ thành Phật. Từ nền lên khoảng giữa vòng quanh trên tường bên ngoài tháp có 8 khám thờ tượng trưng cho Bát Chánh Đạo, và nơi mỗi khám (ngoại trừ khám phía nam) có tôn trí một tượng Phật trong thế Ngài ngồi Chuyển Pháp Luân. Chúng tôi thấy trên tường quanh tháp khoảng ở giữa các khám này, được trang trí chạm khắc với các đường hình học, xoắn ốc, những hình người, thú vật, hoa lá kỳ lạ và chữ vạn vẽ theo chiều kiểu song song với hình hoa sen v.v...phản ảnh nghệ thuật Phật giáo của thời Gupta (thế kỷ thứ 5 và 6 sau tây lịch).
Ông A. Cunningham đã khoan một đường từ đỉnh thông xuống nền tháp nhưng không tìm thấy Xá Lợi của Phật, ngoại trừ ở chiều sâu 3 feet từ đỉnh tháp, ông phát hiện được một tài liệu Phật giáo viết bằng tiếng Brahmi (cổ ngữ Ấn Độ) khắc trên một phiến đá thuộc thế kỷ thứ 6 và 7 sau tây lịch. Rất tiếc một số phiến đá chạm khắc mỹ thuật gắn trên tháp đã bị dân chúng các làng lân cận đến gỡ lấy ra mang về dùng và sau này viện khảo cổ đã phải lấp lại bằng những tấm đá thường để duy trì ngôi tháp tránh khỏi tình trạng đổ nát.
Tham quan đảnh lễ, kinh hành, cầu nguyện ở Tháp Dhamek, nơi Như Lai đã chuyển pháp luân lần thứ nhất với 5 anh em ngài Kiều Trần Như /Vườn Lộc Uyển/3/2010
Hoa văn trên tháp Dhamek, với các lổ hổng để an vị tượng Phật /Vườn Lộc Uyển /3/2010
Kinh Hành chung quanh tháp Dhamek /Vườn Lộc Uyển/Ấn Độ /3/2010
TRỤ ĐÁ VUA A DỤC (ASOKAN PILLAR)Trụ đá do vua A Dục (Asoka: 273 - 232 trước tây lịch) truyền dựng nên khi Ngài đến chiêm bái Lộc Uyển (Sarnath) khoảng năm 250 trước T. L., để ghi dấu chính tại nơi đây đức Phật xưa kia đã giảng kinh "Chuyển Pháp Luân" (Dhamma Cakkapavattana Sutta), thuyết bài pháp đầu tiên cho 5 vị tỳ kheo ngày trước cùng tu khổ hạnh với Ngài. Cũng giống như các trụ đá A Dục khác hiện còn thấy tại nhiều nơi ở Ấn Độ, trụ đá này được cắt từ một khối đá nguyên, có màu xanh nhạt lá cây lấy tại Chunar, trong quận Mizzapur, cách 20 dặm về hướng nam thành phố Ba La Nại (Benares).. . . . . (Đoàn KCDS tham quan trụ đá vua A Dục ở vườn Lộc Uyển/3/2010)Trụ đá đã gảy làm nhiều khúc. Được bảo vệ bằng mái che và rào thép /Vườn Lộc Uyển /3/2010Trụ đá do nhà khảo cổ Oertel phát hiện năm 1904 - 1905. Phần trên và một vài đoạn của trụ đá tìm thấy nằm cạnh bức tường phía tây ngôi chùa chính (Main Temple). Phần còn lại của trụ đá hiện cao khoảng 17 feet nhưng căn cứ vào những đoạn gãy đã tìm thấy, các học giả cho rằng trụ đá nguyên gốc có thể cao đến 50 feet (có sách nói 20 feet) với tượng hình 4 con sư tử trên chóp (hiện để ở Viện Bảo Tàng Lộc Uyển) cao 7 feet và một bánh xe Pháp bằng đá đặt phía trên tượng con sư tử có đường kính 2 feet 9 inches. Toàn trụ đá được đánh bóng trơn láng trông như cẩm thạch. Phần dưới trụ đá trên mặt hơi nhám, cao 7 feet 6 inches, được chôn dưới nền đất. Để bảo trì trụ đá khỏi hư, người ta đã xây trên đó một nhà tạ nhỏ bằng đá với mái bằng và bao bọc xung quanh bởi một hàng rào sắt. Trụ đá có đường kính ở dưới chân 2 feet 6 inches (có sách nói 2 feet 4 inches) và trên đỉnh 1 feet 10 inches, được dựng trên một phiến đá phẳng lớn có chiều dài 8 feet, rộng 6 feet và dày 1 feet 6 inches. Trên mặt phía tây trụ đá có khắc sắc chỉ (Edict) của vua A Dục bằng tiếng Brahmi (cổ ngữ Ấn Độ) gồm 11 hàng chữ và hai hàng đầu đã bị hư hoại khi trụ đá gãy ngã, những dòng chữ khác còn lại rất rõ ràng. Nội dung sắc chỉ này ghi chép lời khuyến cáo của vua A Dục, nhắc nhở chư Tăng Ni không nên có hành động ly gián, phá hoại Giáo Hội, đại ý như sau:
" Đức Thế Tôn đã dạy rằng: Giáo Hội Tăng Ni không được chia rẽ. Nếu có vị Tỳ kheo nào phá hoại Giáo Hội, vị ấy phải mặc đại y và an cư một nơi thanh tịnh để thành tâm sám hối. Chỉ thị này cần được phổ biến khắp nơi cho Giáo Hội Tăng và Ni chúng được biết. Hoàng đế ban rằng một chỉ thị như thế đã được chạm khắc ở chỗ công cộng, chỉ thị ấy phải được triệt để thi hành". Và dưới đây là sắc chỉ thứ hai:
"Vào mỗi ngày Rằm hay mồng Một, hàng Phật tử tại gia nên đến dự họp kiểm thảo để sách tấn nhau trong việc tu hành. Vào những ngày vía Phật, các quan chức phải đến dự lễ để tăng thêm niềm tin tưởng về đạo đức. Các cấp quận, huyện, xã dù xa xôi thế nào, cũng phải truyền bá rộng chỉ thị này theo đúng tinh thần của nó để dân chúng tuân theo".
Ngoài ra, chúng tôi thấy trên trụ đá A Dục còn ghi hai bản khắc khác thuộc các thời kỳ sau đó. Một bản được khắc vào thời đại Kushan (48 - 220) liên quan đến ngài Mã Minh (Asvaghosa) và nhà cầm quyền ở Kausambi, thủ đô vương quốc Vamsa thời xưa (tức làng Kosam ngày nay, cách 30 dặm phía tây thị trấn Allahabad, tiểu bang Ultar Pradesh, miền đông bắc Ân). Bản khắc kia do các vị Tăng phái Sammitiya (Chánh Lượng Bộ) thực hiện khoảng năm 300 sau tây lịch, trước triều đại Gupta (320 - 510).
Trong tập "Tây Du Ký" Ngài Huyền Trang khi đến thăm Lộc Uyển, có chép về trụ đá A Dục này như sau :
"...Phía trước ngôi tháp là trụ đá A Dục cao khoảng 70 feet. Đá rất trong như ngọc thạch. Trụ đá ấy chói sáng và long lanh. Những ai thỉnh thoảng đến đây tâm thành lễ bái, tùy theo lời cầu nguyện của họ, sẽ thấy những hình ảnh tốt hay xấu ứng hiện. Đây chính là nơi đức Như Lai (Tathagata) sau khi chứng đạo, đã đến chuyển bánh xe Pháp đầu tiên".
Nhằm mục đích làm tăng vẻ đẹp, duy trì khung cảnh thiên nhiên của vườn Lộc Uyển thời Phật còn tại thế có rất nhiều nai sinh sống; và để ghi nhớ theo truyền thuyết, đức Phật trong một kiếp xa xưa đã tái sanh nơi đây làm vua của loài Nai (Lộc vương) nên vào năm 1956, nhân kỷ niệm đại lễ Phật Đản năm 2.500, chính phủ Ấn Độ đã thiết lập tại đây một vườn nai rộng 10 mẫu tây với 60 chú nai được thả nuôi trong đó; và quanh bốn phía có hàng rào. Hiện vườn nai này là nơi hàng ngày thu hút rất đông du khách hành hương đến xem.
Hồ sen gần vườn nai cũng là cảnh trí hấp dẫn nhiều du khách thập phương nhất là vào mùa hè sen nở khắp hồ thơm ngát. Để tránh tình trạng khô nước trong hồ vào những tháng nắng hạn, chính quyền địa phương đã thiết bị một hệ thống bơm nước khiến hồ quanh năm bốn mùa lúc nào cũng đầy nước.
Ngài Huyền Trang khi đến chiêm bái Lộc Uyển vào thế kỷ thứ 7 sau T.L. đã viết trong tập ký sự " Tây Du Ký" của Ngài về hồ nước này như sau:
" Về hướng tây của vườn Lộc Uyển chúng tôi thấy một hồ nước trong có chu vi dài 500 feet, nơi đức Phật thường ra đây tắm".
( Vì du lịch các Thánh tích Phật giáo ngày càng đông khách. Nên người Ấn đang tiến hành tu tạo sửa chữa ở vườn Lộc Uyển/3/2010)
Nghỉ ngơi ở chân Tháp Dhamek gặp một gia đinh người Ấn hành hương về Lộc Uyển / 3/2010
Gia đình người Ấn muốn cháu bé chụp hình chung với Thầy /Vườn Lộc Uyển /3/2010
San sẻ cho nhau/ Vườn Lộc Uyển/3/2010
Khỉ và rắn biểu diễn để xin tiền / Vườn lộc uyển /Ấn Độ / 3/2010
. . . .
Luyện công ở Tháp Xá Lợi, kinh hành ở tháp Dhamek /Vườn Lộc Uyển /Ấn Độ / 3/2010
Thap-Dhamek.mp4
Trong cửa hàng tơ lụa /Ấn Độ/3/2010
Áo quần thì rất đắc, nhưng khăn quàng cổ bằng lụa thì rất rẽ và đẹp nên chị em mua nhiều đề về Việt Nam làm quà /Ấn Độ/3/2010
Đi tàu lửa Ấn Độ /3/2010:
Tàu lửa Ấn Độ củ hơn tàu ở nước mình. Nhưng khoang rộng hơn, chạy êm hơn. Đã đến ga. Nhà ga có một cầu vượt trên không rất dài để ra tàu
Hành lý nhiều nên đoàn không thể tự mang vác hết được. Phải thuê thêm cửu vạn ở ga thôi
Cửu vạn ở ga mặc áo đỏ và rất chuyên nghiệp/Ấn Độ/3/2010
Hành lý của ai thì người ấy đi theo cửu vạn qua cầu vượt trên không để ra tàu / Ấn Độ/3/2010
Đi trên cầu vượt ra tàu
Đồng cỏ nhìn qua cửa sổ tàu /Tàu lửa Ấn Độ/3/2010
(tiếp theo: Tây Du Ký 2010 - Tham quan chùa hang Ajanta)