(Luyện công tại gốc cây Bồ Đề linh thiêng ở Lâm Tỳ Ni)
Vài nét về Lâm Tỳ Ni :
Để thuận đường xe, chúng tôi sang Népal viếng Lâm Tỳ Ni, nơi đức Phật đản sanh trước, sau đó mới quay về Ấn Độ, đến Vườn Lộc Uyển là nơi đức Phật chuyển pháp luân lần thứ nhất sau.
Trong cái nắng chói chang, biên giới Ấn-Népal đầy bụi mù với đủ loại xe. Phòng làm thủ tục xuất nhập cảnh của Ấn nhỏ xíu và lượm thượm như một cửa hàng bán lẻ tạp hóa. Người chờ quá đông, mà mấy ông bụng phệ râu mép xoăn cứ tà tà. . . .đúng là thiền nơi công sở. May mà lần này có Cty Du lịch lo giùm nên chúng tôi không bị cực như mấy lần trước tự đi bụi. Công an biên phòng hai bên mặc quân phục mang súng dài như sắp có đánh nhau. Quạ kêu quàng quạc bay đầy trời, rồi sà xuống mấy đống rác bên vệ đường kiếm ăn. Một cửa hàng bán sữa chua đông ngẹt khách. Mấy cô gái Hồi Giáo mặc đồ đen che mạng kín mặt chỉ ló 2 con mắt, đi lẫn với phụ nữ Ấn mặc xari xanh đỏ, với vết son giữa trán. Trong đám xe cộ bóp còi inh ỏi và bụi bay mù mịt. Một đoàn Tây ba lô mang vác thật nặng đang qua cửa khẩu, lầm lũi đi về phía Népal chắc là để leo lên đỉnh núi cao nhất thế giới. . . .Nhớ lần trước đi bụi. Tụi này cũng định mò lên đỉnh Hy Mã Lạp Sơn, nhưng tiền qua trạm, tiền camera, máy chụp hình và thuê người dẫn đường quá tốn kém nên đành thôi.
Lâm Tỳ Ni cách biên giới Ấn chưa đầy 30 km, đến nơi mới xế chiều. Nên chúng tôi tranh thủ vào Lâm Tỳ Ni, đảnh lễ, luyện công nơi đức Phật đản sanh và thăm Việt Nam Phật Quốc tự. Lâm-tỳ-ni (Phạn, Pàli : Lumbini - nay là Rumindai), được người Trung Hoa dịch là Hoa quả đẳng thắng diệu sự cụ túc, Lạc thắng viên quang giải thoát xứ, Khả ái, Hoa hương, Đoạn, Diệt, Diêm..., là khu vườn hoa nằm giữa Câu-lợi (Kol啕a) và Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavastu) thuộc Trung Ấn độ, vốn do Hoàng hậu Lâm-tỳ-ni của vua Thiện Giác (Phạn: Suprabudha) thiết lập. Khu vườn này có một thời gian lâu dài bị hoang phế. Mãi đến năm 1896, các nhà khảo cổ khai quật và phát hiện trụ đá của vua A-dục (Asoka) mới biết đây là Thánh địa, nơi đản sanh Đức Thích Tôn. Theo Schumann, thạch trụ do vua A-dục dựng vào năm 245 trước CN, cao 6,5 m. Trên thạch trụ có lời ghi:
"Hai mươi lăm năm sau khi lên ngôi, quốc vương Devànampiya Piyadasi (Thiên Ái Thiện Kiến, tức A-dục) ngự đến đây chiêm bái, vì Đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni, bậc hiền nhân của bộ tộc Thích-Ca, đã đản sanh tại đây. Nhà vua ban lệnh khắc 1 tượng bằng đá (?) và dựng một thạch trụ. Ngài miễn thuế đất ở làng Lumbini và giảm thuế hoa lợi từ theo lệ thường xuống 1/8". (ĐỨC PHẬT LỊCH SỬ, bản dịch của Trần Phương Lan, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 1997, trang 38 - 39.)
Đoạn văn khắc trên trụ đá này có thể được xem là "bản khai sanh" của Thái Tử Tất-Đạt-Đa. Còn một phiến đá có lẽ xuất hiện vào khoảng thế kỷ II TL, được tìm ra ở Lumbini và được lưu trữ tại một ngôi chùa nhỏ địa phương. Phiến đá cho thấy Hoàng hậu Ma-Da sanh Hoàng tử trong lúc đang đứng vịn cành cây Sàla (tên khoa học là Shorea Robusta).
Theo CUNINGHAM, di tích vườn Lâm-tỳ-ni hiện nay là một khu đất có chiều dài khoảng 30m, chiều rộng khoảng 20m, có ao tắm hình vuông và ngôi nhà bằng gạch, đây là nhà thờ Lỗ-mục-mễ-điệt (?), vách bên trong chánh điện có khắc tượng phu nhân Ma-Da bằng đá, được suy đoán là tác phẩm vào thời đại vương triều Guppta hoặc sau đó.
Schumann, trong phần khảo sát "Nguồn gốc Thái tử Sìddhattha và sự đản sanh của Ngài", có đoạn viết :
" ... Hoàng hậu Màyà đã 40 tuổi, ngay trước thời kỳ lâm sản đã lên đường trở về quê song thân ở Devadaha để sanh con và nhờ mẫu thân Yasodharà bảo dưỡng. Cuộc hành trình bằng xe ngựa hay xe bò cọc cạch lắc lư trên những con đường đất bụi nóng bức khiến cho việc lâm sản xảy ra sớm trước khi về đến Devadaha. Gần làng Lumbini giữa trời không có nhà cửa che chở, chỉ có được tàng cây Sa-la và cũng không có thầy thuốc nào lo việc hộ sản, Hoàng tử ấu nhi Sìddhattha sanh ra đời vào khoảng tháng 5, năm 563 trước CN." ... (ĐỨC PHẬT LỊCH SỬ, bản dịch của Trần Phương Lan, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 1997, trang 38.)
Qua kinh sách Phật giáo. Chúng ta dễ dàng thấy có hai xu hướng rõ rệt: Một xu hướng tổng kết những sự kiện để tạo nên một Phật truyện chân xác của Phật giáo Nguyên thủy. Xu hướng thứ hai là căn cứ trên huyền học để tạo thành Bồ-tát Luận của A-tỳ-đạt-ma trong Phật giáo Phát triển. Nhưng dù có nhiều ý kiến khác nhau như vậy. Việc hoàng hậu Ma Da sanh Thái tử Tất-Đạt-Đa dưới tàng cây Vô-ưu tại vườn Lâm-tỳ-ni là một sự thật lịch sử đã được xác nhận.
Theo KINH ĐẠI BẢN, Bồ-tát ở trong thai mẹ 10 tháng trời mới sanh ra. Mẹ Bồ-tát đứng mà sanh. Khi sanh ra, chư thiên đỡ Ngài trước, sau mới đến loài người. Thân Bồ-tát không đụng đến đất. Có bốn thiên tử đỡ lấy Ngài, đặt Ngài trước bà mẹ và thưa : "Hoàng hậu hãy hoan hỷ, Hoàng hậu sanh một bậc vĩ nhân". Ngài sanh ra thanh tịnh, không bị nhiễm ô bởi nước nhớt hoặc máu mủ nào. Có hai dòng nước từ hư không hiện ra, một lạnh một nóng tắm rửa sạch sẽ cho Bồ-tát và cho bà mẹ. Ngài đứng vững thăng bằng trên hai chân, mặt hướng phía Bắc, một lọng trắng được che trên. Ngài nhìn khắp cả mọi phương rồi thốt lời lớn như con Ngưu vương : "Ta là bậc tối thượng ở trên đời ! Ta là bậc tối tôn ở trên đời. Ta là bậc cao nhất ở trên đời. Nay là đời sống cuối cùng, không còn phải tái sanh ở đời này nữa". Pháp nhĩ là như vậy. (TRƯỜNG BỘ KINH 1, bản dịch của HT. Minh Châu, trang 451, 452, 453).
Vì các kinh đều nói Hoàng hậu MaDa đứng mà sanh, nên Đại chúng bộ cho rằng sanh ở bên hông phải. Các kinh bản Hán dịch như TU HÀNH BẢN KHỞI, PHƯƠNG QUẢNG ĐẠI TRANG NGHIÊM, PHẬT BẢN HẠNH TẬP, TRƯỜNG A-HÀM v.v... đều nói Thái tử "tùng hữu hiếp sanh". Nói chung, Đại chúng bộ chủ trương : Tất cả Bồ-tát khi sanh đều từ hông bên phải của mẹ mà ra. Có lẽ thuyết này là sự bắt nguồn từ thần thoại Rig- Veda. Với việc "Nhân-đà-la trỗ cạnh sườn của mẹ mà ra. . ." (ẤN ĐỘ TRIẾT HỌC TÔN GIÁO SỬ , trang 102).
Học giả H. W. Schumann nói : "Hình như sanh con lúc đứng là một phong tục thời ấy" (Sđd, trang 41).
KINH ĐẠI BẢN viết : "Này các Tỳ-kheo, pháp nhĩ là như vậy. Vị Bồ-tát khi sanh ra, Ngài đứng vững, thăng bằng trên hai chân, mặt hướng về phía Bắc, bước đi bảy bước, một lọng trắng được che trên ..." (TRƯỜNG BỘ KINH, Sđd, trang 453).
KINH PHƯƠNG QUẢNG ĐẠI TRANG NGHIÊM 3 (Đại Chánh 3, 553 thượng) ghi : "Lúc bấy giờ Bồ-tát khéo tự tư duy, tùy sức chánh niệm, không nhờ dắt đỡ, liền tự có thể bước đi bảy bước về phía Đông, dưới chân đều nở hoa sen (túc xứ giai sanh liên hoa)".
KINH PHỔ DIỆU 1 (Đại Chánh 3, 494 thượng) ghi : "Lúc bấy giờ Bồ-tát từ hông phải sanh ra, hốt nhiên thấy thân trụ trên hoa sen báu (hốt nhiên kiến thân trụ Bảo liên hoa), bước đi 7 bước trên đất mà diễn nói Phạm âm...".
KINH THÁI TỬ THỤY ỨNG BẢN KHỞI, thượng (Đại Chánh 3, trang 473), KINH TU HÀNH BẢN KHỞI, thượng (Đại Chánh 3, trang 462), KINH TRƯỜNG A-HÀM 1 (Đại Chánh 1, trang 4 - tương đương KINH ĐẠI BẢN Pàli) ... đều không nói đến chi tiết Liên hoa.
THÍCH CA PHỔ được xem như tác phẩm tổng hợp các thuyết trên, dĩ nhiên có nói "lúc bấy giờ dưới cây Vô-ưu cũng sanh 7 cọng hoa sen bằng 7 báu (thất bảo thất hành liên hoa), lớn như bánh xe. Bồ-tát liền đi 7 bước trên hoa sen ấy mà không cần ai nâng dắt" (Đại Chánh 50, trang 16).
Như vậy, bước đi 7 bước là thuyết chung, còn bước trên hoa sen là chi tiết được thêm vào sau này.
Về con số 7, các luận giả sau này cho rằng con số 7 là "con số của huyền học Đông phương". Theo tư tưởng Hoa Nghiêm, toàn thể vũ trụ không ngoài con số 7 : trên, dưới, trong, ngoài, phải, trái và chính giữa. . . . Còn tất cả hình tượng chư Phật, Bồ-tát đều đứng trên hoa sen, vì hoa sen có những tính chất đặc thù mà các loài hoa khác không có.
KINH PHƯƠNG QUẢNG ĐẠI TRANG NGHIÊM 3 (Đại Chánh 3, 55 thượng) ghi : "Tự đi 7 bước về phía Đông ( ... ) nói lời thế này : Ta đạt được tất cả thiện pháp nên vì chúng sanh mà nói. Lại đi 7 bước về phía Nam nói lời thế này : Ta ứng thọ sự cúng dường của cõi trời người. Lại đi 7 bước về phía Tây, nói lời thế này : Ta là bậc tối tôn tối thắng trong thế gian, đây chính là thân sau cùng của ta, dứt tận sanh lão bệnh tử. Lại đi 7 bước về phương Bắc, nói lời thế này : Ta là bậc Vô thượng thượng trong tất cả các loài chúng sanh. Lại đi 7 bước về phương dưới, nói lời thế này : Ta đang hàng phục tất cả quân ma, đối với các khổ cụ hay mãnh hỏa ở địa ngục, ta thi thiết đại pháp môn, mưa đại pháp vũ, khiến cho chúng sanh tận niềm an lạc. Lại đi 7 bước về phương trên, nói lời thế này : Ta đang làm chỗ cho tất cả chúng sanh chiêm ngưỡng".
Có nhiều dị bản về câu kệ khi Thái tử vừa sinh ra. Nhưng câu kệ thường được dùng nhất là:
"Thiên thượng thiên hạ
Duy ngã độc tôn
Vô lượng sanh tử
Ư kim tận hỷ".
Theo KINH NIẾT BÀN 23 (bản Bắc), Niết-Bàn có bốn đức Thường, Lạc, Ngã, Tịnh. Giác ngộ được cảnh giới Niết-Bàn này thì vĩnh viễn bất biến, đó gọi là Thường. Cảnh giới ấy không có khổ, chỉ có sự an vui, đó gọi là Lạc. Tự do tự tại, không có mảy may câu thúc, đó gọi là Ngã. Không có sự nhiễm ô của phiền não, đó gọi là Tịnh. Cái ngã ở đây là Chân ngã, khác xa cái ngã chấp trước của phàm phu và Nhị thừa.
Qua đấy, câu kệ trên chúng ta có thể hiểu là : "Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn" là Chân thường, Chân ngã. "Vô lượng sanh tử ư kim tận hỷ" là Chân lạc, Chân tịnh. Bốn câu kệ trên dùng để nói đến bốn đức của Niết bàn Phật quả và đó chính là cái đích của người tu học và là mục đích khiến Như Lai thị hiện đản sanh để hướng dẫn chúng sanh đạt được điều ấy.
Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Tất cả đều có thể giác ngộ thành Phật là một tuyên ngôn tự do vĩ đại nhất của loài người. Con người không nô lệ cho bất cứ một sức mạnh nào và tự mình làm chủ vận mạng mình một cách bình đẳng. Vạn pháp cũng đều bình đẳng như vậy ở Tánh và chỉ khác nhau ở hiện tượng do Tánh khởi dụng mà thành.
Luyện công ở Lâm Tỳ Ni :
Lâm Tỳ Ni cách biên giới Ấn chưa đầy 30 km. Xe đậu ở cổng ngoài, từ đó phải đi bộ khoảng 500m thì mới đến cổng vào khu Lâm Tỳ Ni. Hai bên đường là rừng cây xanh tươi với nhiều chim, khỉ và thú nhỏ. . . , một hồ nước rộng trong vắt có nhiều vịt nước và le le đang bơi lội. Khắp nơi là đầm lầy, thảm cỏ với rất nhiều bướm và nhen sóc. . . .Trẻ em bán hàng lưu niệm rất đông vừa đi theo đoàn vừa niệm Nam Mô A Di Đà Phật vừa mời mua hàng bằng tiếng Việt. Gần sát cổng vào là 2 dẫy hàng quán bán đồ lưu niệm. Rất nhiều tượng Phật đẹp, xâu chuỗi hạt, lá bồ đề trên có thêu hình Phật, nhiều túi đeo, khăn thêu, áo quần rất bắt mắt. Trên tầng 2 nhà bên cạnh cây một tổ ong thật lớn như chiếc chiếu con, đang đu đưa trong gió, phía dưới trẻ con và mọi người sinh hoạt như chẳng có chuyện gì. Rất đông ăn mày và người bán hàng chèo kéo khách hành hương. Nhưng chẳng có ăn cắp và móc túi. Rất đông khách hành hương, đủ mọi quốc tịch. Trung tâm điểm của khu Thánh Tích là cái Đền màu trắng hình vuông trên nóc có khối điêu khắc đồng hình chóp với con mắt Phật kiểu Tây Tạng. Khu Đền nổi bật trên nền các phế tích và thảm cỏ bồn hoa. Trong Đền ấy có phiến đá do vua A Dục đánh đấu nơi Phật đã sinh ra đời. Một hành lang gỗ chạy chung quanh căn phòng dẫn tới một cái cầu gỗ ăn thông ra giữa phòng. Đây là nơi Hoàng Hậu MaDa đã sinh ra thái tử Thái Tử Tất Đạt Đa sau này thành Phật Thích Ca Mâu Ni. Phiến đá vua A Dục đánh dấu nơi đức Phật đản sanh được đặt trong một cái hòm kiếng có đèn điện chiếu sáng. Phía trên là phù điêu Hoàng Hậu MaDa tay vịn cành cây Sàla (tên khoa học là Shorea Robusta) và bên dưới là Thái Tử vừa được sinh ra. Tác phẩm được xem là có từ thời vương triều Guppta. Có 2 cửa ở hai bên hông Đền, trái và phải để vào bên trong.
Đoàn chúng tôi theo cửa bên phải để vào bên trong Đền. Sau đó đi kinh hành yên lặng chung quanh căn phòng rồi vào đảnh lễ Như lai tại nơi Ngài đã đản sanh. Đây là nơi mà 2 năm trước Thầy đã đến đây. Khi vào đến tận nơi đức Phật đản sanh, Thầy đã đảnh lễ, luyện công và đi kinh hành chung quanh căn phòng đến gần 1 tiếng đồng hồ. Thấy thầy hành lễ trang nghiêm thanh tịnh, bảo vệ ở khu đền đã chặn du khách lại cho đến khi Thầy hành lễ luyện công xong mới cho du khách vào tham quan. Nhưng hôm nay Thầy dặn đảnh lễ Phật xong sẽ ra cây gốc Bồ Đề bên hồ Puskarini để luyện công.
Hồ này nằm ở bên trái khu đền có chu vi khoảng 50 thước vuông. Tục truyền rằng: "Hồ nước lịch sử này do 9 con rồng từ trên trời phun nước xuống để tắm gội Thái tử, nay còn đọng lại". Nhà cầm quyền ở đây xây thành một hồ để giữ nước và dân chúng địa phương tin rằng ai tắm tại hồ này thì tật bệnh được tiêu trừ, tội lỗi hết sạch.
Bên kia hồ là cây bồ đề linh thiêng, chung quanh có chăng nhiều dây cát tường đủ màu sắc của người Tạng. Trong hốc cây bồ đề có đặt một phiến đá bên trên có phiến đá hình tròn và dài trên đầu có quấn khăn ấn màu trắng. Có một vị sư già người Népal mặc áo màu vàng sậm, đang làm thủ từ tại gốc cây Bồ Đề này.
Dưới gốc cây bồ đề linh thiêng, tại nơi đức Phật đản sanh. Thầy ngồi phía trước, mọi người ngồi phía sau. Thầy kiết già và ngồi bệt xuống đất, chư huynh cũng đều ngồi xếp bằng xuống đất, thông công, đảnh lễ Như Lai và luyện công.
Gió thổi lồng lộng, cây bồ đề xào xạc, quạ kêu quang quác, hương trầm ngan ngát, tiếng tụng kinh trì chú của người hành hương rầm rầm rì rì, nghe như tiếng vọng từ ngàn xưa vẫn còn âm vang đến tận hôm nay. Điển quang gia trì rất mạnh, đại thủ ấn biến hóa liên miên. Thầy làm lễ dâng khăn và nhận khăn ấn lệnh từ hòn đá thiêng trong hốc cây Bồ Đề. Quay lại phía sau thầy đưa tay ngoắc một vị huynh lên phía trên. Vị huynh ấy quì và đảnh lễ Thầy. Thầy nhận ân điển thiêng liêng gia trì, hiển thị đại thủ ấn rồi quàng khăn ấn lệnh cho vị huynh ấy. Mọi người chấp tay đảnh lễ Phật, tán thán công đức. Vị huynh được quàng khăn, xúc động nước mắt rưng rưng, chấp tay đảnh lễ Thầy, rồi tiến đến sát gốc bồ đề quì lạy đảnh lễ Như Lai.
Vị sư Népal già tiến lại phía thầy và hỏi bằng tiếng Népal. Hướng dẫn viên địa phương nói, vị ấy hỏi Thầy thuộc dòng nào? Thầy mỉm cuời kiết ấn lệnh trên đỉnh đầu. Vị sư già nhìn Thầy gật đầu mỉm cười chấp tay đảnh lễ. Thầy và vị sư già ôm nhau giao hòa điển lực. Sau đấy Thầy chỉ vào xâu chuỗi vị sư đang cầm trên tay ngỏ ý xin thỉnh. Vị sư già lắc đầu không đồng ý. Nhanh như chớp, Thầy dùng cầm nả thủ chộp lấy xâu chuỗi từ tay vị sư nọ. Vị sư già đưa tay lấy lại. Nhưng động tác tránh né của thầy quá nhanh nhẹn nên không thể lấy lại được. Cả hai cùng cười thật to. Thầy bảo một vị huynh trong đoàn gửi tiền lại để vị sư già thỉnh xâu chuỗi khác.
Trong tiếng bồ đề xào xạc, tiếng chim ríu rít trên đầm lầy quanh Lâm Tỳ Ni. Trong bóng chiều đỏ ối mặt hồ Puskarini. Thầy đảnh lễ vị sư già rồi đưa mọi người ra phía sau đền để tham quan trụ đá vua A Dục.
Trên đường sang Việt Nam Phật Quốc tự, ngôi chùa đầu tiên mở đầu cho việc xây dựng của 22 ngôi chùa các nước khác tại chung quanh khu thánh tích này. Một vị huynh hỏi Thầy:
- Thưa Thầy sao Thầy lại lấy xâu chuỗi của vị sư già nọ ?
- Ta chỉ đùa thôi mà. Hề hề. . .bỏ vợ, bỏ con, bỏ gia đình của cải, bỏ hết sự nghiệp để xuất gia, thế mà nay xâu chuỗi chẳng chịu bỏ. . . .
. . . . .
Trên đường thiên lý sang Népal. Dừng chân ăn trưa ở quán bên đường với thức ăn hộp mang từ khách sạn/Ấn Độ/3/2010
Cổng vào khu thánh tích Lâm Tỳ Ni. Nơi đức Phật đản sanh/Népal/3/2010Từ cổng vào đến khu Thánh tích Lâm Tỳ Ni phải đi bộ khoảng 500m/Népall/3/2010Lâm Tỳ Ni ở giữa khu đầm lầy, rừng thưa và hồ nước/Népal/3/2010Đã đến khu bán hàng lưu niệm trước khi vào Thánh tích Lâm Tỳ Ni/NéPal/3/2010Tổ ong khổng lồ đóng trên vách ngôi nhà ở khu bán hàng lưu niệm/Lâm Tỳ Ni/Népall/3/2010Bắt đầu vào khu thánh tích Lâm Tỳ Ni. Nơi Hoàng Hậu Mada đã sinh Thái Tử Tất Đạt Đa ở đây/ Népall/3/2010Nơi đức Phật đản sanh nằm trong ngôi Đền màu trắng hình vuông xây theo kiểu Tạng/Népal/3/2010Trên nóc Đền có khối điêu khắc đồng với con măt Phật kiểu Tạng/Lâm Tỳ Ni/Népal/3/2010Vào Đền đảnh lễ Như Lai và Hoàng Hậu Mada/Lâm Tỳ Ni/Népall/3/2010Vào Đền theo hành lang gỗ đi chung quanh, tham quan nơi Hoàng hậu Mada đã sinh ra Thái Tử Tất Đật Đa sau này thành Phật Thích Ca Mâu Ni /Népall/3/2010Tại chót đầu cầu gỗ này là nơi Hoàng Hậu Mada đã sinh ra Thái Tử Tất Đật Đa, sau này thành Phật Thích Ca Mâu Ni/Lâm Tỳ Ni/Népall/3/2010Tại nơi ấy có đặt một cái hòm kiếng, bên trong có hòn đá do vua A Dục đặt để đánh dấu nơi đức Phật đã được sinh ra/Lâm Tỳ Ni/Népal/3/2010Tham quan trụ đá Vua A Dục trồng để đánh dấu nơi đức Phật đản sanh/Lâm Tỳ Ni/Népal/3/2010Hàng chữ vua A Dục cho khắc trên trụ đá được ghi lại trên tấm đồng này. Đây có thể xem như "giấy khai sanh của đức Phật" / Lâm Tỳ Ni/3/2010Thầy dẫn mọi người qua cây Bồ Đề linh thiêng để luyện công/Lâm Tỳ Ni/Népall/3/2010Cây Bồ Đề linh thiêng và hồ Puskarini , nơi chín con rồng hiện ra phun nước để tắm cho Thái Tử và Hoàng Hậu Mada. Nước đọng lại thành hồ này/Lâm Tỳ Ni/Népall/3/2010Bên hồ thiêng Puskarini /Lâm Tỳ Ni/Népall/3/2010Cây Bồ Đề linh thiêng ở khu Thánh tích này/ Lâm Tỳ Ni/Népall/3/2010Trong hốc cây Bồ Đề linh thiêng có hòn đá quấn khăn ấn lệnh/ Thầy đã thỉnh chiếc khăn này và quàng cho một vị huynh tại nơi đức Phật đã sinh ra đời/Lâm Tỳ Ni/népall/3/2010Luyện công tại gốc cây Bồ Đề linh thiêng bên bờ hồ Puskarini ở Lâm Tỳ Ni nơi xưa kia đức Phật đản sanh/Népal/3/2010
Chung quanh cây bồ đề linh thiêng có rất nhiều Phật tử tụng kinh, nhiều tu sĩ đang ngồi thiền hoặc đi kinh hành chung quanh. Còn chúng tôi thì thông công nhận điển quang gia trì thực hành đại thủ ấn với tam mật tương ưng. /Lâm Tỳ Ni/3/2010.
Nghi thức dâng khăn và nhận khăn ấn lệnh ở cây Bồ Đề nơi đức Phật đản sanh/Lâm Tỳ Ni/3/2010
Quàng khăn ấn lệnh cho một vị huynh tại nơi đức Phật đản sanh /Lâm Tỳ Ni/Népall/3/2010 :
Kỷ niệm ở Lâm Tỳ Ni / Népal / 3/2010
Rời khu thánh tích Lâm Tỳ Ni. Thầy đưa chúng tôi đến lễ Phật ở Viêt Nam Phật Quốc Tự/ Népal/3/2010
Mời các bạn xem phim:
Luyen-Cong-Lam-Ty-Ni--CT.mp4
Trao-khan-an-lenh-ct.mp4
Tham quan lễ Phật ở Việt Nam Phật Quốc Tự:
Chúng tôi lên xe đi xuyên qua khu rừng thưa để đến Việt Nam Phật Quốc Tự. Chùa làm khá lớn nhưng không sắc sảo. Phần đá cuội to ốp vào tường cố ý làm cho tự nhiên lại làm cho phản cảm. Các tượng sư tử, hổ, khỉ. . .v.v. . .làm không giống mấy. Giữa hồ sen có một cái chùa làm theo mẫu chùa Một Cột ở Hà Nội. Nhưng làm kích thước lớn quá và lại làm bằng bê tông nên hơi thô. Một cái cầu bê tông làm theo hình nước Việt Nam bắc qua hồ trước chùa. Khi đi trên ấy tôi thấy ngài ngại làm sao, giống như đạp tổ quốc thiêng liêng dưới chân mình vậy! Chúng tôi leo lên một bực cấp khá cao vào chánh điện đảnh lễ Phật. Xong đi dạo chung quanh. Ấn tượng nhất là các cặp hồng hạc nuôi ở các hồ nước quanh chùa. Khi thấy chúng tôi nhìn. Chúng liền cất tiếng kêu rất uy vũ rồi xòe cánh múa trong ánh hoàng hôn màu huyết dụ.
Gió chiều lồng lộng. Một đàn cò trắng duỗi chân bay về phía chân trời xa. Một bụi trúc phù đổng. Một con chó vàng vẩy đuôi mừng khách. Một vại tương đặt ngoài trời. Mấy luống rau xanh. Mấy cây cau có dâu trầu quấn. Một chú tiểu người Việt. Những câu niệm Phật bằng tiếng Việt với tiếng chuông chùa ngân ngay trên quê hương của Phật. Nơi xứ xa, tôi thấy thật ấm lòng, thầm cảm ơn thầy Huyền Diệu đã có lòng với đạo pháp và dân tộc.
. . . . . . .
Đảnh lễ Phật ở chánh điện chùa Việt Nam Phật Quốc Tự/Lâm Tỳ Ni/Népal/3/2010
Hồng hạc và chư huynh/Việt Nam Phật Quốc Tự/Lâm Tỳ Ni/Népal/3/2010
Coi chừng Hạc cắn. . ./ Việt Nam Phật Quốc Tự/Népal/3/2010
Cảnh quang ở Việt Nam Phật Quốc Tự/Népal/3/2010 :
Hạc thật kiếm ăn bên hạc giả ở ao sen /Việt Nam Phật Quốc Tự /Lâm Tỳ Ni / Népal/3/2010
Kỷ niệm ở Việt Nam Phật Quốc Tự / Lâm Tỳ Ni / Népal/3/2010
Hoàng hôn trên Việt Nam Phật Quốc Tự / Lâm Tỳ Ni / 3/2010
VNQT-nen.mp4
(tiếp theo: Tây Du Ký 2010 - Thăm chùa Kiều Đàm Di tại Vaishali - Luyện công ở Tháp Xá Lợi Phật - Tham quan sông Hằng)