(Kỷ niệm trước Mộ Phật ở Câu Thi Na/Ấn Độ/3/2010)
Thế Tôn nhập Niết bàn
Suốt thời gian đức Thế Tôn còn tại thế, Ngài đã vân du khắp vùng đồng bằng của thung lũng sông Hằng, rày đây mai đó khất thực để sống qua ngày và tạm dừng lại nghỉ ngơi suốt ba tháng mùa mưa. Một ngày kia, ông A-Nan đang ngồi thiền bỗng thấy đất rung động. Ông bèn hỏi đức Phật vì duyên cớ gì mà đất động như vậy. Đức Phật dạy rằng trong số các nhân duyên làm cho đất chuyển động, có một nhân duyên là khi đức Như Lai sắp nhập Niết-bàn. Khi ấy tại điện thờ Capala, thành Vaishali (Tỳ-xá-ly), đức Phật đã tuyên bố với Ananda cùng đại chúng Tỳ-kheo ba tháng sau sẽ nhập Niết-bàn tại rừng cây sa-la thuộc thành Kushinagar (Câu-thi-na): "Các Tỳ-kheo, đây là lời Ta nhắn nhủ các ngươi. Các hành là vô thường. Hãy tinh tấn lên để tự giải thoát, không lâu Như Lai sẽ diệt độ. Sau ba tháng bắt đầu từ hôm nay, Như Lai sẽ diệt độ." Tôn giả Ananda đã vội khẩn khoản thỉnh cầu đức Phật lưu lại thế gian: "Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy ở lại cho đến trọn kiếp, Thiện Thệ hãy ở lại cho đến trọn kiếp, vì lợi ích cho chúng sanh, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc cho loài Trời và loài Người." nhưng đức Phật không nhận lời. Thấy ông A-Nan buồn rầu, đức Phật khuyên: "Ông đừng lo buồn nữa, sự vật đều như thế cả. Các pháp hữu vi đều vô thường. Có sinh ắt phải có tử. Có hợp ắt phải có tan". Sau đó, đức Phật sai ông A-Nan thỉnh các vị tỳ-khưu về hội họp, Ngài khuyên tất cả cần giữ giới hạnh thanh tịnh, tu tập ba mươi bẩy phẩm trợ đạo, đi đến giải thoát, và Ngài báo cho mọi người biết Ngài sắp nhập Niết-bàn. Thấy các tỳ-khưu than khóc, Ngài dạy: "Sự vật đều vô thường. Có hội hợp tất có biệt ly. Hãy giữ trọn vẹn các pháp mà ta đã nói thì coi như ta còn ở đời, không khác" rồi Ngài nói kệ rằng :
"Ta muốn bỏ thân này, tấm thân già suy yếu.
Nay xả tuổi thọ rồi, tạm nương mệnh ba tháng
Những pháp ta đã nói là thày của các vị.
Tu tập đừng bỏ quên, chuyên cần và tinh tiến.
Như ta sống khác gì."
Sau đó, đức Phật và đoàn tùy tùng tiếp tục du hành đến thành Tỳ-Da-Ly. Đến thôn Cưu-Bà, Ngài ngồi nghỉ dưới gốc cây. Dân chúng trong thôn kéo đến đỉnh lễ Ngài và khi hay tin Ngài sắp nhập Niết-bàn thì họ than khóc. Ngài bèn an ủi họ và nói pháp cho họ nghe. Tất cả hoan hỉ xin thọ tam quy ngũ giới và thỉnh Phật cùng chúng tăng ngày hôm sau đến hưởng sự cúng dàng của họ.
Đức Phật và các tỳ khưu nghỉ tại khu vườn của ông Thuần-Đà. Sau khi thọ trai do ông Thuần-Đà cúng dàng, đức Phật dạy ông ta rằng: "Chỗ còn lại của thức ăn này, hãy đào đất mà chôn đi, đừng để cho ai ăn nữa." Tối hôm đó, đức Phật đau bụng dữ dội, mất ngủ suốt đêm. Tuy vậy sáng hôm sau Ngài vẫn lên đường đi Câu-Thi-Na. Giữa đường, cơn đau lại nổi lên, Ngài ngồi nghỉ dưới một cội cây và sai ông A-Nan đi kiếm nước cho Ngài uống. Ông A-Nan nói: "Lạch nước gần đây vừa có mấy trăm chiếc xe đi qua nên đục lắm, xin Thế Tôn đợi một chút, tới sông con sẽ múc nước". Đức Phật bảo ông cứ đi. Lạ thay, khi ông A-Nan tới lạch nước thì nước đã trở nên trong vắt! Uống nước xong, đức Phật ngồi nghỉ. Bỗng có một người bộ hành đi tới lễ Phật và dâng hai tấm y vàng. Ông này tên là Phất-Sa-Ca, một đệ tử của đạo sĩ Ka-La-Ma (đó chính là vị đạo sĩ mà khi xưa đức Phật đã gặp). Đức Phật nhận một tấm y và bảo ông Phất-Sa-Ca cúng dàng tấm kia cho ông A-Nan. Ông Phất-Sa-Ca xin làm đệ tử Phật và được Phật nói pháp cho nghe. Dùng thần thông, đức Phật biết ông Thuần-Đà đang thắc mắc về việc sức khỏe của Phật suy sụp là do bữa cơm mà ông đã cúng dàng. Ngài bảo ông A-Nan tìm dịp để nói cho ông ấy biết rằng bữa cơm mà Như Lai nhận trước khi thành đạo và trước khi nhập Niết-Bàn là rất quí. Ai đã dâng hai bữa cơm ấy phải vui lên, chớ nên thắc mắc.
Sau đó đức Phật đi về phía rừng cây sa-la gần thành Câu-Thi-Na. Ông A-Nan sửa soạn chỗ nằm cho đức Phật, giữa hai cây sa-la. Đức Phật nằm nghiêng về phía tay mặt, đầu hướng về phía Bắc, trong thế sư tử tọa. Các vị tỳ khưu ngồi vây quanh đức Phật, tất cả đều biết đức Phật sẽ nhập Niết-bàn vào gần sáng. Lúc đó, không phải là mùa hoa, ấy thế mà các cây sa-la nở hoa trắng xóa, hoa rụng phủ lên áo của đức Phật. Theo lệnh của đức Phật, ông A-Nan đi vào thành Câu-Thi-Na báo tin cho dân chúng biết. Họ đến đông đảo, đức Phật nói pháp cho họ nghe. Trong số những người đó, có một người tu ngoại đạo, quán thông kinh sách, thọ đã 120 tuổi, tên là Tu-Bạt-Đà-La. Ông ta xin yết kiến đức Phật, ông A-Nan không thuận vì đức Phật đang mệt; tuy nhiên đức Phật bảo cứ cho ông ta vào. Ông hỏi một câu, đức Phật đáp, ông đại ngộ, xin xuất gia thành sa-môn. Đức Phật ưng thuận. Như vậy ông Tu-Bạt-Đà-La là người cuối cùng được Phật độ. Ông không nỡ thấy đức Phật nhập Niết-Bàn nên tự ý vào Hỏa quang tam-muội để nhập Niết-Bàn trước Phật (lúc này, các ngài Xá-Lợi-Phất, Mục-Kiền -Liên, La-Hầu-La đều đã viên tịch, còn ngài Ma-Ha Ca-Diếp đang đi hoằng pháp ở xa).
Đức Phật phó chúc: "Đừng thấy Như Lai nhập Niết-bàn mà cho là chánh pháp của Như Lai mất hẳn. Chánh pháp đã được Như lai giảng giải cặn kẽ cho mọi người, Như Lai không dấu diếm gì cả. Các vị đừng đi tìm một chỗ nương tựa bên ngoài nào khác. Mỗi người phải lấy chánh pháp làm nơi nương tựa. Mỗi người phải là một hòn đảo cho chính mình. Tam Bảo có sẵn trong tâm mỗi người, khả năng giác ngộ là Phật, pháp môn tu học là Pháp, duyên hỗ trợ cho tu tập là Tăng. Tam Bảo ở trong mỗi người, đó là nơi nương tựa an ổn nhất. Hãy an trụ trong chính niệm, trong tứ niệm xứ... Hỡi các tỳ khưu, ai còn thắc mắc điều gì về giáo pháp thì đây là lúc nên hỏi".
Nói ba lần như vậy mà không ai lên tiếng. Đức Phật đưa mắt yên lặng nhìn đại chúng rồi nói: "Này các tỳ-khưu, hãy nghe Như Lai nói đây: vạn pháp vô thường, có sinh thì có diệt. Các vị hãy tinh tiến lên để đạt giải thoát".
Nói xong, đức Phật nhắm mắt. Bỗng nhiên đại địa rung động. Hoa sa-la rụng xuống như mưa. Mọi người tự nhiên thấy tâm thần chấn động. Đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni đã nhập Niết-bàn. (theo Kinh Đại Bát-Niết-Bàn).
(Tranh Thế Tôn nhập Niết Bàn)Lễ trà tỳVua và dân chúng, dân làng và người thành thị, từ xa cho đến gần kéo về đỉnh lễ Ngài trong 6 ngày. Ngày thứ 7 nhục thân của Đức Thế Tôn được trang hoàng với những vòng hoa và hộ tống với âm nhạc đến nơi hoả thiêu tại Tu Viện Mukutabandha (tháp Rambhar) trong Kushinagar theo nghi thức tang lễ của một vị Chuyển Luân Thánh vương. Sau lễ hỏa táng, để tránh sự xung đột tranh giành xá-lợi của đức Phật, bộ tộc Malla tại Kushinagar đã đồng ý chia xá-lợi Ngài làm tám phần đều nhau cho tám vị quốc vương trong tám nước xây tháp cúng dường. Bộ tộc Malla cũng xây một bảo tháp tại nơi lễ Trà tỳ của đức Phật để phụng thờ tro than lúc hỏa táng còn lại. Ngôi tháp này hiện nay không còn lại nhiều ngoại trừ một mô gạch lớn chiều cao khoảng chừng 15 mét được bảo quản bên trong một công viên.(Tháp Trà Tỳ ở câu Thi Na/3/2010)Theo Phật-Giáo Đại-Thừa, ngày rằm tháng hai âm-lịch là ngày kỷ-niệm Đức Phật Thích-Ca nhập Niết-Bàn, sau 49 năm trời thuyết pháp độ sinh. Vậy Niết-Bàn là gì?Niết-Bàn là phiên âm chử Phạn NIRVANA, cựu dịch là tịch diệt, diệt độ, bất sinh, an lạc, giải thoát; tân dịch là viên tịch. Tịch diệt có nghĩa là diệt hết cái khổ sinh tử luân hồi. Phật-giáo chia ra có hai thứ Niết-Bàn: Hữu dư y Niết-Bàn và Vô dư y Niết-Bàn:
Nhập Hữu dư y Niết-Bàn là đã đoạn hết cái nhân đưa đến sinh tử luân hồi, nhưng còn dư cái quả khổ sinh tử biến dịch là cái xác thân; nội tâm đã thanh tịnh giải thoát hoàn toàn, không còn triền phược tham sân si, nhưng còn cái thân tứ đại, vẫn phải sống phải ăn uống ngủ nghỉ, phải chịu đau già bệnh chết.
Nhập Vô dư y Niết-Bàn là đoạn được cái nhân sinh tử rồi, nay đoạn nốt cái quả biến dịch, cứu cánh không còn luân hồi nữa, nghĩa là người tu hành hoàn toàn giác ngộ và giải-thoát, lìa bỏ xác phàm, được tự tại vô ngại.
Vài nét về KushinagarNơi đức Phật nhập Niết-bàn, Kushinagar đã trở thành một trong bốn thánh tích thiêng liêng nhất của Phật giáo (Lumbini, Bodhgaya, Sarnath và Kushinagar). Khi hành hương, chiêm bái bốn thánh tích (Tứ động tâm) trên miền đất Phật thiêng liêng, có lẽ Kushinagar là thánh tích để lại trong ta những ấn tượng bùi ngùi và xúc động nhất. Thánh tích Kushinagar tọa lạc tại thành Kushinagar, thuộc tiểu bang Utta Pradhesh, cách ga xe lửa Gorakhpur khoảng 50 km. Nhìn vào bản đồ Ấn Độ, chúng ta có thể xác định vị trí của Kushinagar tọa lạc gần như là trung tâm của những thánh tích khác như: Lumbini (Lâm-tỳ-ni thuộc nước Nepal), Vaishali (Tỳ-xá-li), Sarnath (vườn Lộc-uyển), v.v... Căn cứ theo đường chim bay, Kushinagar cách Lumbini khoảng 100 km, cách Vaishali khoảng 150 km, cách Sarnath khoảng 200 km và cách Bodhgaya khoảng 300 km. Thành Kushinagar, từ thời đức Phật cho đến hàng chục thế kỷ về sau, vẫn là một nơi xa xôi, hẻo lánh, dân cư thưa thớt. Kushinagar không có những vương thành lộng lẫy, những trung tâm thương mại, phố xá phồn hoa như thành Savatthi (Xá-vệ), thành Rajagaha (Vương-xá), thành Baranasi (Ba-la-nại), v.v...
Kushinara được coi như là thủ đô của cộng hoà Malla, một trong những nước cộng hoà thuộc miền bắc Ấn, suốt thế kỷ thứ 6 và thứ 5 BC.
(Hội nhập và toàn cầu hóa ở Câu Thi Na / 3/2010 )Các quan niệm khác nhau về Niết Bàn:
Phật giáo nguyên thủy coi nhập Niết-Bàn là "khôi thân diệt trí" thân tiêu ra tro, trí cũng tận diệt, toàn thể thân mạng của loài hữu tình đều diệt hết, vĩnh viễn không còn dấu tích gì trong pháp giới, không còn trở lại cõi nào nữa. Đó là Niết-Bàn tiêu cực, thụ động, là thế giới chết, là cõi hư vô (Néant). Khi Đức Thích-Ca được 80 tuổi, thân thể đã già suy, người nào đáng độ đã được Phật độ, những gì cần làm đã được Phật làm, lời nào cần dạy đã được Phật dạy; có sinh ra thì có già chết, luật vô thường không sai chạy mảy may; thân Phật tuy là thân kim cang cũng không thoát khỏi luật vô thường chi phối. Với sức toàn năng toàn trí, Phật có thể kéo dài đời sống thêm ít lâu, nhưng Phật không làm vậy để chứng tỏ sự hiệu lực của luật vô thường. Vả lại, việc làm của Ngài đã hoàn mãn, giáo pháp đã rõ ràng đầy đủ, tăng già đã thành lập vững vàng, Ngài muốn các đệ-tử tự thắp đuốc mà đi, đừng ỷ lại vào Ngài nữa. Phật giáo nguyên thủy coi Phật là một hữu tình giống như mọi chúng sinh, chỉ khác là Ngài đã tìm được con đường thoát khổ, Ngài đã thực hành phương pháp diệt khổ và đã được hoàn toàn giác-ngộ và giải thoát. Tuy vậy Phật vẫn phải chịu cảnh già chết một lần cuối cùng, và khi được 80 tuổi, Ngài bỏ thân xác thịt để nhập Niết-Bàn, vĩnh viễn không trở lại cõi này nữa.
Đại Thừa coi Niết-Bàn là tích cực, là sống động, không phải một cõi, một cảnh, một tâm trạng, cũng không phải cái ngoan không, mà chỉ khi nào chứng mới biết Niết-Bàn là gì, chỉ có thể lấy trí mà nhận. Kinh Na Tiên nói rõ:"Người té vào đống lửa cháy mà vượt ra khỏi, người rớt vào huyệt chứa thây chết mà bò lên thoát, người ngã xuống hầm phân dơ mà trèo lên được, người ra khỏi vòng triền phược của tham sân si, của lo sợ sinh, già, bệnh, chết, đó là Niết-Bàn". Chúng sinh sống ở đời giữ được lòng an định, chứng được 4 đức: Thường, Lạc, Ngã, Tịnh, nhận rõ đâu là chân, đâu là giả, thì tuy vẫn còn đi đứng nằm ngồi như mọi người, thật ra đã chứng Niết-Bàn. Đến khi duyên Ta Bà đã mãn, người chứng Niết-Bàn xả nốt cái thân tứ đại như chúng ta vứt bỏ cái áo rách và nhập Vô dư y Niết-Bàn. Nhưng không phải là ở đó an hưởng một mình cảnh sung sướng an nhàn, mà phải hiện hoá muôn thân, hồi nhập Ta Bà và tới các cõi khác để cứu độ chúng sinh.Thiên-Thai Tông cho rằng không có Vô dư y Niết-Bàn thật diệt mà chỉ là việc ngưng vọng về chân, chấm dứt sự biến hóa để trở về với nguồn gốc, chấm dứt mọi hiện tượng để trở về với bản thể. Đức Thích-Ca nhập Niết-Bàn là ngưng sự biến hóa của ứng-thân để trở về cái gốc của chân thân. Đại-Thừa đã siêu-nhân-hóa Đức Phật, không phải là Đức Thích-Ca mới thành Phật sau khi xuất gia tu hành khổ hạnh, ngồi nhập định dưới cội Bồ Đề trong 49 ngày, rồi hoát nhiên ngộ đạo lúc sao mai vừa mọc, sáng sớm ngày mồng 8 tháng 12 âm lịch, mà Ngài đã thành Phật từ lâu trải qua vô lượng vô số kiếp. Ngài đã chứng Pháp-Thân từ xưa và hóa hiện các ứng-thân trong trăm nghìn cõi để cứu-độ muôn loài. Chúng sinh mê muội không thấy rõ sự nhiệm mầu, mà chỉ căn cứ vào sự phân biệt của giác-quan và ý thức, nên tưởng rằng Đức Phật có giáng sinh, xuất gia, thành đạo, rồi có diệt độ, nhập Niết-Bàn. Ngài đã thành Phật từ lâu xa, thọ mạng vô lượng a-tăng-kỳ kiếp, thường còn chẳng mất, nhưng nay chẳng phải thiệt diệt độ mà nói diệt độ. Đó là Đức Như-Lai dùng phương tiện để giáo-hóa chúng sinh nếu Phật ở lâu nơi đời thì người ta dễ sinh lòng ỷ lại, buông lung, nhàm trễ, chẳng sinh ra ý tưởng khó gặp gỡ Như-Lai, tưởng có Như-Lai luôn luôn ở đời, về sau tu cũng còn kịp, dầu gặp khổ não thì đã sẵn có Như-Lai cứu giúp. Muốn cho mọi người sinh ý tưởng khó gặp Phật, ôm lòng luyến mộ khát ngưỡng nơi Phật, nên Đức Như-Lai dầu chẳng diệt mà nói diệt độ.
Kinh Pháp-Hoa đưa ra thí dụ: Xưa có một lương y rất giỏi, chữa bệnh gì cũng hết; các con ông ta cậy có cha tài giỏi nên không gìn giữ, uống phải thuốc độc, phát bệnh khổ sở, xin cha cứu cho. Vị lương y nghiên cứu bệnh, bào chế thuốc hay rồi đưa cho uống; những đứa con nào nghe theo lời dạy của cha, uống thuốc đều được lành bệnh. Vài đứa con khác, vì thuốc độc thâm nhập làm mất bổn tâm, không chịu uống vì cho không ngon. Người cha thương xót nghĩ rằng: lũ này ngu si điên đảo, cầu xin thuốc tốt mà lại không chịu uống. Ta phải dùng phương-tiện khiến chúng nó uống thuốc này. Ông ta bèn bảo các con rằng: "Ta, nay đã già, giờ chết sắp đến; ta để lại thuốc tốt, các con nên uống, chớ lo không hết bệnh". Sau đó ít lâu, vị lương y đi sang nước khác, cho người về bảo các con rằng: "Cha các ngươi đã chết". Các người con nghe cha chết, không chỗ cậy nhờ; tâm bèn tỉnh ngộ, biết thuốc này là lương dược chữa được các bệnh, liền đem ra uống, quả nhiên hết bệnh. Người cha biết các con đều đã lành mạnh, liền trở về cho các con thấy.
Với thí dụ trên, Đại-Thừa chủ trương Đức Phật thường trụ ở đời; nếu người nào tu hành thanh tịnh, tâm được an tịnh thì sẽ thấy những cảnh giới nhiệm mầu mà thân phàm mắt thịt không sao thấy được. Ngài Thiên-Thai Trí-Giả Đại-Sư trì tụng Kinh Pháp-Hoa, lặng lẽ nhập định, thấy hội Linh-Sơn vẫn còn, Đức Phật đang thuyết pháp cho chư Bồ tát, Thanh-Văn và chư Thiên nghe. Kinh Pháp-Hoa còn đưa ra một thí dụ khác, ví Niết-Bàn của Phật Giáo Nguyên Thủy như một hóa thành, nghĩa là một tòa thành do thần thông biến hóa ra không thật có không phải là chỗ an trú vĩnh viễn mà chỉ là nơi tạm nghỉ chân để dưỡng sức trước khi tiếp tục cuộc hành trình khó nhọc mà cứu cánh là quả vị Phật, ngôi Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Niết-Bàn chỉ còn là một phương tiện nghỉ ngơi ở giữa đường dài, chỉ là một kết quả tạm thời bé nhỏ đối với các kết quả to lớn là Phật quả. Niết-Bàn đó không chân thật, rốt ráo chỉ do sức của Như-Lai. Nơi một Phật thừa mà phương tiện nói thành ba. Bổn hoài của Phật là đưa chúng sinh thẳng một đường đến Phật quả, con đường đó chỉ có một, đó là Phật thừa. Nhưng vì chúng sinh tự lực yếu kém, chí nguyện thấp hèn, cao thì sợ, xa thì chán nên bất đắc dĩ Phật phải quyền lập tam thừa, quyền nói Niết-Bàn, để chúng sinh có chỗ nghỉ tạm hưởng an vui chốc lát cho hết mệt, hết sợ, hết chán. Sau đó Phật lại dẫn người tu hành tiếp tục lên đường hành Bồ-Tát đạo, tự giác giác tha, lợi mình lợi người, không phải là những mầm mống hư nát (tiêu ma hoại chủng), không giữ thái độ trầm không thủ tịch, mà lăn xả vào cuộc đời để cứu đời, làm mọi việc lành mà không chán, sống trong bùn mà không hôi, đắm trong sắc mà không ham, không còn chấp hình danh sắc tướng. Quên mình để cứu giúp mọi loài, đó là hình bóng của Bồ Tát Quán-Thế-Âm tầm thanh cứu khổ. Đó là Bồ-Tát Địa-tạng với lời nguyện lớn: Địa ngục vị không, thệ bất thành Phật, Chúng sinh độ tận, phương chứng bồ-đề.
Duy thức tông (zh. 唯識宗, sa. vijñānavādin) thì cho rằng Niết-bàn và luân hồi không khác, mọi hiện tượng đều không tồn tại, không thật có. Đối với tông này thì Niết-bàn xuất hiện khi mọi phân biệt chấm dứt. Duy thức tông cho rằng có hai dạng Niết-bàn: Niết-bàn của A-la-hán, đó là người khi chết chỉ còn Chân như tuyệt đối là tồn tại. Đó là người "đã yên nghỉ". Dạng Niết-bàn đó tuy nhiên không ưu việt bằng Niết-bàn của Phật, là dạng chủ động "dập tắt ngọn lửa đời sống" nhưng cũng chủ động ban phát lòng từ bi. Đây là dạng thống nhất của Chân như với mọi chúng sinh, trong đó mỗi cá nhân vẫn còn tồn tại trong nghĩa quy ước.
Kinh Lăng-già (sa. laṅkāvatārasūtra) ghi lại như sau (bản dịch Đức ngữ của H.W. Schumann, Chân Nguyên dịch Đức-Việt):
Phải nhận biết luân hồi và Niết-bàn không khác biệt nhau. (Laṅkāv 2, p.61). Định nghĩa của bất nhị (zh. 不二, sa. advaya) là gì? Nó có nghĩa là, hình ảnh, dài ngắn, trắng đen xuất phát từ nhị nguyên và không tách rời nhau. Như trường hợp luân hồi và Niết-bàn, tất cả những sự việc này đều bất nhị. Không có Niết-bàn có luân hồi, và không có luân hồi có Niết-bàn. Bởi vì nguyên tất cả những hiện hữu đều không có tự tính, chỉ là ngôn từ của con người. Chúng chỉ là sự tưởng tượng (s.kalpanā) và không tồn tại thật sự. Niết-bàn cũng chỉ là cơn mộng và không có một cái gì có thể nhập niết-bàn bao giờ. (Laṅkāv 2,146, p.88).
Trong Thiền tông, Niết-bàn cũng không hề tách rời với thế giới này mà chính là sự trực ngộ được thể tính của Tâm, là thể tính của con người, thể tính của Phật. Thực hiện Niết-bàn phải thông qua trí huệ và vì vậy, có khi Niết-bàn được xem là đồng nghĩa với trí huệ bát-nhã. Niết-bàn và trí huệ chỉ là hai mặt của một cái duy nhất. Niết-bàn là trạng thái của một người đã đạt trí huệ bát-nhã, đã đạt tri kiến về Tâm và ngược lại Bát-nhã là trí huệ của một người đã chứng đắc Niết-bàn.
Tháp và chùa Niết Bàn
Đến với thánh tích Kushinagar, ngày nay, chúng ta sẽ được chiêm bái hai nơi thiêng liêng nhất: nơi đức Phật nhập Niết-bàn (gồm tháp Niết-bàn, chùa Niết-bàn...) và nơi diễn ra lễ Trà tỳ kim thân của đức Thế Tôn. Các sử liệu về Kushinagar chưa xác định rõ sau khi đức Phật nhập Niết-bàn, nơi đó có những gì. Ngôi tháp Niết-bàn, chùa Niết-bàn và những phế tích còn lại mà chúng ta thấy ngày nay được các nhà khảo cổ xác định xây dựng từ thời vua Asoka (vua A-Dục, thế kỉ thứ 3 trước Tây lịch) trở về sau. Tháp Niết-bàn (Mahaparinirvana Stupa) to lớn mà chúng ta thấy hiện nay có chiều cao khoảng 45 mét, đường kính khoảng 10 mét. Đấy là một ngôi tháp có màu trắng, xây kín xung quanh, không có cửa ra vào. Tháp được xây trên một nền gạch cao khoảng 2,7 mét; tháp có hình tròn trụ, với mái hình vòm tròn, phía trên vòm tròn ấy được xây một khối hình trụ nhọn dần lên tận đỉnh, hình trụ ấy gồm ba tầng, cao khoảng 5,5 mét.
Nguyên thủy ngôi bảo tháp Niết Bàn, được các nhà khảo cổ cho rằng, nó được xây dựng bởi vua Asoka vào thế kỷ thứ 3 trước Tây lịch. Vua Asoka, sau khi từ bỏ đời sống một bạo chúa hung tàn, ông đã quay về với Phật giáo và dùng chánh pháp để trị dân. Để cho dân chúng toàn cõi Ấn Độ được thấm nhuần công đức, vua Asoka đã thu thập xá-lợi của đức Phật trong tám ngôi tháp của tám vị quốc vương thời xưa, chia đều ra tám vạn bốn ngàn phần và xây tám vạn bốn ngàn ngôi tháp trên toàn cõi Ấn để dân chúng được chiêm bái, cúng dường, tăng trưởng công đức. Bảo tháp Niết-bàn là một trong những ngôi tháp ấy. Tháp Niết-bàn được xây tại thánh tích này để tôn thờ xá-lợi của đức Phật, đồng thời để kỉ niệm nơi đức Phật đã xả bỏ báo thân sanh diệt, an trú vào Niết-bàn bất diệt. Gần mười thế kỷ trôi qua kể từ thời vua Asoka, đến thế kỷ thứ bảy, ngài Huyền Trang đến chiêm bái thánh tích này thì bảo tháp Niết-bàn vẫn còn và ngài đã ghi chép trong cuốn kí sự của mình: "Về phía tây bắc của thành này khoảng ba đến bốn dặm, băng qua dòng sông Ajitavati (A-tỳ-ba-phạt-để), không xa về phía tây của bờ sông này, chúng ta đến một rừng cây Ta-la. Cây Ta-la giống như cây Huk, vỏ cây màu trắng xanh, lá cây lóng lánh và trơn dịu. Chỗ này có bốn cây thật cao, đây là nơi đức Như Lai đã nhập Niết-bàn, tại đây có tinh xá bằng gạch rất lớn. Trong tinh xá này có một tượng đức Phật nhập Niết-bàn, Ngài nằm quay đầu về hướng bắc như đang ngủ. Bên cạnh tinh xá này là bảo tháp do vua Asoka xây dựng, mặc dù đã hư sụp, nhưng cũng còn cao gần 60 mét (200 feet)..."
Vào những thế kỉ 12, 13, các thánh tích Phật giáo bị Hồi giáo đốt phá.Nơi đức Phật Niết-bàn, cũng như bảo tháp Niết-bàn đã bị thiêu rụi và đập phá, trở thành những đống gạch đổ nát, hoang tàn. Thánh tích Kushinagar nói chung và bảo tháp Niết-bàn nói riêng hầu như đã bị lãng quên không người nhắc đến. Gần 600 năm sau, thế kỉ 19, nhà khảo cổ học nổi tiếng người Anh tên là Cunningham, người có công lớn trong cuộc khảo cổ đã phục hồi lại các thánh tích Phật giáo. Ông đã căn cứ vào cuốn Đại Đường Tây Vực Ký của ngài Huyền Trang và tiến hành khảo cổ các thánh tích thiêng liêng của Phật giáo. Dưới sự hỗ trợ đắc lực của người phụ tá của ông, nhà khảo cổ Carllleyle, các di tích nơi đức Phật nhập Niết-bàn gồm các nền tháp, chùa viện, tượng Phật, v.v... đã được phát hiện và bảo vệ cẩn thận. Với sự phát hiện khám phá đầy ý nghĩa ấy, nền tháp Niết-bàn đã được xác định. Đến năm 1927, với sự đồng ý của chính phủ Ấn Độ, cộng đồng Phật tử Myanmar đã phát tâm kiến tạo ngôi tháp Niết-bàn ngay trên nền móng cũ của bảo tháp do vua Asoka xây dựng ngày xưa. Gần 50 năm sau, vào năm 1972, các Phật tử Myanmar lại phát tâm trùng tu bảo tháp này một lần nữa và đấy chính là bảo tháp Niết-bàn hùng vĩ mà chúng ta thấy ngày nay. Tại Tháp Niết Bàn thờ một tượng Phật nằm, dài chừng 6 mét trong tư thế nhập diệt. Tượng được tạc bằng đá đen nhưng bây giờ tượng được lát vàng bởi sự đắp vàng vào tượng của khách hành hương.
(Bình minh trên Tháp và Chùa Niết Bàn/Câu Thi Na/3/2010 )Các di tích tại nơi đức Phật nhập Niết-bàn:
Một trong những bảo vật ý nghĩa nhất tại chùa Niết bàn ở Câu Thi Na là tượng đức Phật nhập Niết-bàn. Trong ngôi chùa này, chỉ thờ duy nhất pho tượng này. Đây là một trong những kiệt tác về nghệ thuật tranh tượng Phật giáo vào thời đại Kumargupta (413-455). Một triều đại đã đến đỉnh cao của nghệ thuật sáng tác tranh tượng Phật giáo. Trong triều đại này, nhà điêu khắc Haribhada đã tạc pho tượng từ một khối đá lớn có tên là Chunar. Pho tượng có chiều dài khoảng 6 mét, được đặt trên một bệ đá hình chữ nhật cao khoảng nửa mét và tôn thờ trong chùa Niết-bàn. Tượng nằm nghiêng bên hữu, đầu tượng hướng về phương Bắc và gối lên tay phải, mặt tượng hướng ra cửa chánh Nam, tay trái đặt xuôi trên hông, hai chân song song chồng lên nhau. Pho tượng đã thể hiện đầy đủ các tướng hảo và vẻ đẹp của một đấng Thế Tôn. Một điều đáng buồn là pho tượng đã bị đập gãy làm nhiều phần. Trong lúc khảo cổ khai quật từ đống gạch đổ nát của tháp và chùa Niết-bàn, Cunningham và các cộng sự của mình đã phát hiện pho tượng này vào năm 1876, đoàn khảo cổ của ông cũng phát hiện những bộ hài cốt phủ phục trên pho tượng này; đây rất có thể là những vị Tăng sĩ đã lấy thân mình bảo vệ thánh tượng, không cho những kẻ cuồng tín đập phá tôn tượng. Ngày nay, pho tượng đã được ráp lại và thờ đúng vị trí ngày xưa; dù bị đập gãy nhiều phần, nhưng thánh tượng đã được hồi phục và trở thành một trong những bảo vật thiêng liêng tại thánh tích Kushinagar.
Đến với thánh tích này, ngoài bảo tháp và chùa Niết-bàn trang nghiêm hùng vĩ, chúng ta còn chứng kiến được nhiều di tích khác trong khuôn viên đức Phật nhập Niết-bàn. Xung quanh tháp và chùa Niết Bàn, có nhiều chùa tháp và tự viện được xây dựng từ thời xa xưa. Vào khoảng đầu thế kỉ thứ 5, ngài Pháp Hiển, một vị cao tăng người Trung Hoa đến chiêm bái nơi này, ngài cho biết nơi đây có nhiều ngôi chùa, tháp, tự viện, v.v... Hơn hai thế kỉ sau, thế kỉ thứ VII, ngài Huyền Trang đến chiêm bái thánh tích này, ngài cũng cho biết nơi đây có rất nhiều ngôi bảo tháp như: bảo tháp Niết-bàn, tháp tưởng niệm vị đệ tử cuối cùng của đức Phật, tôn giả Subhada (Tu-bạt-đà-la), vị đệ tử đặc biệt lớn tuổi (120 tuổi) cầu pháp, chứng đắc thánh quả và nhập Niết-bàn chỉ trong một đêm, cùng đêm đức Phật nhập Niết-bàn; tháp tưởng niệm tiền thân của đức Phật từng làm con chim trĩ và con nai để cứu độ chúng sanh; tháp tưởng niệm vị thần Kim cang Vajrapani ngã xuống đất bất tỉnh, khi nghe đức Phật đã nhập Niết-bàn, v.v...
Cách bảo tháp và chùa Niết-bàn khoảng 200 mét về hướng Tây Nam có một nền tháp tên là Matha Kuar, tháp này được xây dựng để thờ tượng Phật Matha Kuar (Hoàng-tử-mất). Theo các sử liệu Phật giáo, tháp này được xây bởi những người thuộc dòng tộc Sakya (Thích-ca) để tôn thờ tượng đức Phật; vì trong tâm của họ, đức Phật lúc nào cũng là vị hoàng tử tài ba, khả kính, nên họ đặt tên cho tháp này là Matha Kuar. Nhìn vào nền tháp chúng ta có thể ước đoán được ngôi tháp ngày xưa ắt hẳn cao lớn và đẹp lắm. Những cây sa-la ngày xưa, lúc đức Phật nhập Niết-bàn và lúc ngài Huyền Trang trông thấy hiện nay không còn nữa. Nhưng ngày nay cũng có một số cây sa-la được trồng trước bảo tháp và chùa Niết-bàn, cũng như một số nơi trong khuôn viên đức Phật nhập Niết-bàn. Với sự quan tâm và bảo vệ của chính phủ Ấn, ngày nay, nơi đức Phật nhập Niết-bàn đã trở thành một hoa viên xinh đẹp, một thánh tích thiêng liêng của người con Phật.
Tháp Trà Tỳ(Angrachaya Stupa)Tại khuôn viên diễn ra lễ trà tỳ của đức Phật có một ngôi tháp thật lớn, hình dạng đặc biệt trông giống như một ngôi mộ cổ vĩ đại. Tháp có chiều cao khoảng hơn 8 mét, đường kính của tháp đến 34 mét. Niên đại của ngôi tháp chưa được xác định chính xác. Theo kinh Đại bát-niết-bàn thì, nguyên thủy của ngôi bảo tháp này được bộ tộc Malla gom tất cả tro than sau lễ trà tỳ của đức Phật lại và xây một ngôi bảo tháp to lớn trên phần tro than ấy để tôn thờ, lễ bái, cúng dường. Qua các thế kỉ về sau, rất có thể ngôi bảo tháp được xây dựng thêm cho cao và lớn hơn; cũng có thể trải qua thời gian ngôi bảo tháp bị đập phá bởi con người, hay sự bào mòn và tàn phá của thời gian làm cho ngôi tháp trở nên thấp và nhỏ đi. Ngài Huyền Trang khi đến chiêm bái thánh tích này có đề cập đến ngôi bảo tháp và các di vật, nhưng Ngài không có mô tả về hình dáng và niên đại của ngôi tháp: "Về phía Bắc của thành này, sau khi băng qua dòng sông Ajitavati (A-tỳ-ba-phạt-để), và đi khoảng hơn 300 bước có một bảo tháp. Đây là nơi trà tỳ kim thân của đức Như Lai. Đất chỗ này trộn lẫn giữa đất và than, có màu vàng đen. Bất cứ người nào với lòng chí thành nguyện cầu và tìm ở đây, chắc chắn sẽ tìm thấy một vài xá-lợi của đức Như Lai." Xung quanh bảo tháp trà tỳ có nhiều tháp nhỏ và nền móng các tháp, tinh xá, tự viện... Hầu hết các tháp và tinh xá này được xây dựng từ thế kỉ thứ nhất trở về sau. Toàn bộ khu vực này được trồng những thảm cỏ xanh, cây cối và hoa kiểng rất đẹp.Viện bảo tàng KushinagarVới những công trình khảo cổ và khai quật tại thánh tích Kushinagar từ những năm đầu thế kỉ 19 đến nửa đầu thế kỉ 20, các nhà khảo cổ đã phát hiện rất nhiều di tích, cổ vật như: các tranh tượng Phật, Bồ-tát, các khí cụ, mẫu vật bằng đồng, đá, đất, v.v... có những di vật cách đây hơn 2000 năm. Với những di vật đầy ý nghĩa lịch sử và giá trị tôn giáo ấy, chính phủ Ấn đã xây một viện bảo tàng để bảo vệ. Đây là một trong những viện bảo tàng lớn của tiểu bang này.Tứ Động Tâm của Phật giáo nói chung hay thánh tích Kushinagar nói riêng đã thật sự chuyển mình thức dậy sau giấc ngủ ngàn thu. Ngày nay, Tứ Động Tâm đang chào đón những người con Phật khắp nơi trên thế giới trở về chiêm bái, tu tập. Đó là một trong những phước duyên tối thượng để tăng trưởng phước đức ngay giữa cuộc đời ác trược đầy biến động này.. . . . .Trước sân khách sạn tại Câu Thi Na/ Ấn Độ/3/2010
Ai uống cà phê Ấn Độ thì nhào dzô . .hề hề. . ./Câu Thi Na/3//2010
Tham quan đảnh lễ, luyện công ở Tháp và chùa Đại Bát Niết Bàn / Câu Thi Na/Ấn Độ/3/2010
Chùa và Tháp Niết Bàn. Trong chùa có tượng Phật nhập Niết bàn. Trong tháp có xá lợi Phật/ Câu Thi Na/3/2010
Đoàn KCDS Việt Nam đang thông công đảnh lễ và luyện công trước tượng Phật nhập niết bàn tại chùa Niết Bàn/Ấn Độ. Đây là nơi xưa kia Phật đã bỏ nhục thân để nhập Vô dư y Niết Bàn/Câu Thi Na/3/2010
Chư huynh xúc động khi đảnh lễ Như Lai/ Chùa Niết Bàn Câu Thi Na/Ấn Độ/3/2010
Giống như người Cha ôm con vào lòng. Qua Đại Thủ Ấn, tự nhiên linh tượng của Phật phát sinh lực hút kéo chư huynh áp luân xa 6 vào gan bàn chân của ngài để nhận năng lượng gia trì/ Chùa Niết Bàn/Câu Thi Na/3/2010:
Thỉnh y đang đắp ở linh tượng Như Lai mang về Việt Nam/Chùa Niết Bàn/Câu Thi Na/Ấn Độ/3/2010
Rời Tháp và Chùa Niết Bàn. Thầy và chư huynh sang đền Mathakuar cách đây độ 100m là nơi Như Lai đã thuyết giảng bài kinh cuối cùng/Câu Thi Na/Ấn Độ/3/2010
. . . . . .
Đảnh lễ Như Lai ở chùa Niết Bàn /Câu Thi Na. Nơi như lai đã nhập niết bàn/3/2010
Chúng tôi yên lặng đi thành một hàng dài vào khu Tháp Niết bàn.
Trời vừa rạng sáng.
Sương đêm còn đọng trên thảm cỏ xanh.
Hai bên đường, hàng cây Asoka đứng lặng im rủ lá.
Trên nền trời ửng hồng Tháp Niết bàn màu trắng, tinh khiết và tang tóc.
Gió như ngừng thổi.
Chim như ngừng ca hát.
Đất trời như lặng yên hé một con đường nhỏ lờ mờ, dẫn tới một vùng ánh sáng trắng chứa chan, trong như ngọc. Nơi đó có Như Lai đang nằm ngủ bình an trong Chùa Niết Bàn.
Như một dòng sông nhỏ đang lặng im chảy vòng quanh. Chúng tôi lặng im chấp tay thành kính đi chung quanh ngài mà nước mắt rưng rưng.
Sông chảy cứ chảy, người ngủ cứ ngủ, giấc ngủ bình an mà tỉnh giác.
Gương mặt ngài trẻ thơ. Mỉm cười yên lặng.
Dáng ngài nằm khoan thai. Xuôi tay an nhàn.
Tôi đang khóc thầm.
Còn ngài thì chắc lại đang mỉm cuời chế riểu.
Giáo lý ngài dạy quá rõ ràng. Nhưng ai còn cần kia chứ ?!
Khi cái đầu có đấy thì con tim đội nón ra đi!
Phút giây này, con chỉ muốn hóa thành đứa trẻ ngây thơ hồn nhiên, ngồi trong lòng Như Lai để khóc và kể lại những chuyện của mình trong những tháng ngày qua nơi trần thế.
Con chẳng muốn ngài dạy đạo. Con chẳng muốn học, chẳng muốn tu mà không có Như Lai chỉ có giáo lý của ngài.
Giáo lý là cái gì kia chứ ?! Bản thân Như Lai mới là điều quan trọng.
Đối với con, ngài là Cha và dù ngài có không là Phật con vẫn kính yêu.
Đứa con yêu Cha nó không phải vì cha nó là người nổi tiếng, quyền cao chức trọng, uyên bác hay thậm chí giác ngộ. Mà vì người đó là Cha, còn nó là Con!
Con và Như Lai cũng y như vậy !
Bỏ hết mọi thứ khác. Đứa Con nối nghiệp Cha mình, lang thang khắp nẽo trần gian để độ sanh. Đơn giản vì Cha mình bảo vậy!
Đi lâu thì nhớ nhà. Về nhà, thì để con tim mình vui mừng nhảy nhót.
Không phải lý luận mà tâm sự.
Không phải nghi thức, mà là hành động của con tim.
Không phải hiểu biết mà là biểu hiện của tình thương.
Ai cần biết lúc đó phải nói thế nào? Phải làm thế nào cơ chứ ?
Ai cần biết đúng sai, phải trái cơ chứ ?
Khi con tim yêu thương sống dậy, mọi cái giả tạo khác liền biến mất.
Ha ha. . .ha. . .
Chỉ còn Con và Cha. . . . chỉ còn Con và Cha. . . .với nụ cười và nước mắt !
. . . . .Mời các bạn xem phim:Luyen-cong-o-chua-Niet-Ban.mp4
. . . . .
Luyện công ở Tháp Trà Tỳ/Câu Thi Na/3/2010
Mudra để nhận điển quang gia trì ở Tháp Trà Tỳ/Câu Thi Na
Thầy và chư huynh đi vào Tháp Trà Tỳ/Câu Thi Na/3/2010
Tháp Trà Tỳ nơi chứa tro hỏa táng của Phật . Xác Phật đã được thiêu ở đây/Câu Thi Na/3/2010
Thầy và chư huynh luyện công ở Tháp Trà Tỳ/Câu Thi Na/3/2010
Kỷ niệm trước Tháp Trà Tỳ của Phật/Câu Thi Na / Ấn Độ/3/2010
Mời các bạn xem phim:Luyện công ở Tháp Trà Tỳ (nơi hỏa thiêu và chứa tro đức Phật) /Câu Thi Na/3/2010
Luyen-cong-Thap-Tra-Ty.mp4
Nơi Phật thuyết bài kinh cuối cùng:
Khoảng chừng 366 mét từ Tháp Niết Bàn là một điện thờ Mathakuar xây dựng trên nơi mà Đức Phật thuyết bài pháp sau cùng. Ở đây có một tượng Phật bằng đá đen trong tư thế bắt ấn được xây dựng vào thế kỷ thứ 5 AD. Hiện nay xung quanh khu vực tháp Niết Bàn có nhiều chùa và tháp được xây dựng như chùa Srilanka, Chùa Nhật bản. Chùa cổ nhất tại Kushinagar là chùa Miến điện Chandramani kế đến là chùa Trung quốc với tượng Phật bằng đá cẩm thạch. Ngoài ra còn có trung tâm thiền của Srilanka, Nhật bản và bảo tàng khảo cổ học của Kushinagar.
Mẹ con người ăn xin ở cửa Đền/Đền Mathakuar/3/2010
(Điện thờ Mathakuar, nơi mà Đức Phật thuyết bài pháp sau cùng/ Câu Thi Na/3/2010)
Tượng Phật trong đền Mathakuar./3/2010
Chư huynh luyện công tại đền Mathakuar. Nơi Phật thuyết bài pháp sau cùng / Câu Thi Na/3/2010
Kỷ niệm trước cửa Đền Mathakuar. Nơi Phật thuyết bài pháp sau cùng / Câu Thi Na/3/2010
Lúc ra thì gặp đoàn Phật tử Thái Lan đang vào Đền. Quả thật các nơi Thánh Tích đều rất đông người. Thế mà đoàn vẫn luyện công được ở tất cả mọi nơi. Đúng là nhờ ơn trên Như Lai và chư Tổ gia hộ thì mới được như vậy / Câu Thi Na / 3/2010
Phật thuyết Bài Kinh Cuối Cùng
- Thế nào Cỏ May, ông nghĩ sao về "Bài kinh cuối cùng" của Phật tại Câu Thi Na?
- Thưa cụ, do có chuyển Pháp Luân lần thứ nhất, nên phải có thuyết bài kinh cuối cùng. Đó là nhị nguyện của pháp tướng.
- Này Cỏ May, ông nghỉ sao. Như Lai có nhập Niết bàn ở Câu Thi Na không?
- Thưa cụ, Thái Tử Tất Đạt Đa thì quả có vậy. Còn Như Lai chính là Niết Bàn, nên chẳng xuất cũng chẳng nhập.
- Như vậy Thái Tử Tất Đạt Đa và Như Lai khác nhau sao?
- Thưa cụ, không khác mà cũng không giống. Trong giọt nước chổ nào cũng là nước. Nhưng Tánh nước thì không có hình dạng cố định, tướng trạng nào cũng biểu thị được.
- Này Cỏ May, cái ấy liên tục biểu thị và không bao giờ ngừng, nên gọi là: "Đang Là. . ."
- Thưa cụ, Phật Tánh thì bao trùm trời đất chổ nào cũng có, như như tự tại. Thế sao cụ còn tìm đến Tứ Động Tâm này làm gì?
- Hề hề. . . .do Phật Tánh luôn bao trùm trời đất chổ nào cũng có, như như tự tại nên ta cũng vậy.
- Thưa cụ, niết bàn A La Hán có khác Niết bàn của Phật?
- Này Cỏ May, trạng thái của người vừa thoát khổ khác với trạng thái hạnh phúc của người bình thường không khổ.
- Thưa cụ, xin cụ nói rõ hơn về vấn đề này.
- Này Cỏ May, như người kia bị gai đâm vào chân đau đớn khổ sở. Có người làm phúc chỉ cho cách lấy gai ra. Khi lấy gai ra khỏi bàn chân người ấy hết đau đớn vì bị gai đâm. Ta gọi là " Niết bàn của thoát khổ", hay là giải thoát. Bây giờ 3 hay 5 tháng sau. Vết thương chổ gai đâm đã lành. Người ấy trở về trạng thái bình thường và đã quên mất việc bị gai đâm vào chân. Người ấy không còn cái vui sướng vì thoát nạn gai đâm. Nhưng người ấy có cái hạnh phúc của người bình thường không bị gai đâm. Người ấy có niềm vui trong lao động, có niềm phúc lạc trong cuộc sống ở mọi nơi mọi lúc. . .v.v. . .chứ không phải chỉ là niềm vui thoát gai đâm. Cái đấy ta ví như Phật quả hay "Niết bàn của Phật".
Mời các bạn xem phim:
Luyen-cong-noi-Phat-giang-BK-sau-cug.mp4
(tiếp theo: Tây Du Ký 2010 - Tham quan, đảnh lễ, luyện công ở Lâm Tỳ Ni - Chùa Việt Nam Phật Quốc Tự / Népal /3/2010)