• Câu hỏi 1: Chỉ giúp tôi cách tập trung tư tưởng triệt để khi tập KCDS để không bị ảnh hưởng bởi âm thanh phát ra của những người tập xung quanh lúc đã đắc khí?
Theo kinh nghiệm có 2 cách:
1. Bế chặt lục căn: là đóng chặt các giác quan như: tai, mắt, mũi, miệng, thân và ý. Đó là các cửa ngõ thu tín hiệu từ môi trường bên ngoài chuyển vào nội tâm làm sóng tâm khởi động.
2. Trụ chắc vào “nhất niệm”: tập trung vào mã khóa, đó là “nhất niệm”. Nó sẽ khống chế tâm thức làm các niệm khác không thể chen vào. Giống như nhấn một cái chai xuống nước bẩn. Muốn nước bẩn không vào chai thì nhét nút chai thật chặt hoặc đựng đầy nước sạch trước
• Tuy nhiên khi học KCDS lên cao, hiểu được lý “Tánh Không”, hành được pháp “vô niệm”. Khi ấy tiếp xúc với niệm mà sóng tâm chẳng khởi, như như tự tại thì chẳng cần “bế”, chẳng cần “trụ”. Niệm đến niệm tự đi như “gió thổi nhà trống”, như “lửa đốt khoảng không”, tâm không trụ tướng thì tướng không ảnh hưởng gì đến tâm. Giống như trăng soi mặt nước mà nước chẳng hề chao động, như bóng trúc quét trên thềm nhà quét mà không lên mảy bụi.

• Câu hỏi 2: Giờ tập KCDS nên tập vào giờ nào? 12 giờ đêm, 12 giờ trưa, 6 giờ tối hay 6 giờ sáng? Theo y học phương Đông, khí huyết trong người có nhiều thay đổi khi tập luyện, vậy những người mới học chưa đủ nội lực, luyện tập có trở ngại gì không?
“Khí” là năng lực sáng tạo tiềm ẩn, là bản thể vũ trụ, là thái cực sinh ra vạn pháp nên sẽ tùy duyên, tùy thuận theo dịch lý để duyên sinh nên luôn luôn khế hợp.
*Ví dụ: Giống như ông mang vật dụng tới xin tôi nước:
- Vật đựng lớn thì ông được nhiều, vật đựng bé thì ông được ít. Dù tôi có cho ông thêm nữa vẫn tràn ra ngoài.
- Vật đựng là bầu thì nước sẽ có hình tròn, vật đựng là ống thì nước sẽ có hình ống. Do vậy tùy cơ địa, bệnh lý , giờ tập, môi trường chung quanh, …các biểu hiện khí công sẽ tự xuất hiện thích hợp nhất nên luôn luôn hiệu quả và an toàn.

• Câu hỏi 3: Hướng tập Đông, Tây, Nam, Bắc có quan hệ ra sao giữa con người và vũ trụ? Hướng tập có quan hệ tốt xấu thế nào để sử dụng thích hợp trong luyện tập?
Khi “đắc khí” cơ thể sẽ tự xoay về hướng thích hợp với các yếu tố như môi trường, bệnh lý, nhiệt độ, ánh sáng, thời tiết, ….Không có hướng cố định vì lúc tập “Khí” sẽ tự điều chỉnh thuận theo dịch lý.

• Câu hỏi 4: Ngồi tập trên ván tốt hơn hay ngồi tập dưới đất tốt hơn?
Ván hay đất không ảnh hưởng gì đến kết quả tập luyện nhưng cách tập đúng phương pháp sẽ gia tăng hiệu quả luyện tập. “ Khí” sẽ tự hành để thích ứng với các tình huống xảy ra trong quá trình tập luyện.

• Câu hỏi 5: Học viên tập đã nhiều ngày mà chưa “đắc khí”, vậy phải tập như thế nào? Phải tập lại từ đầu hay tập theo bài mà lớp đang tập?
Chưa “đắc khí” thì điều quan trọng là phải tập đúng phương pháp để đạt tình trạng “đắc khí”. Nếu là lớp thực nghiệm, tập trung đông người do mức độ tiến hóa trong lớp khác nhau nên hướng dẫn viên buộc phải hướng dẫn chung cho mọi người. Học viên đọc kỹ tài liệu, tự biết đang ở giai đoạn nào của liệu trình nên chỉ sử dụng lời hướng dẫn và các liệu pháp thích hợp với mình mà thôi.

• Câu hỏi 6: Các động tác của Án Ma Chân Pháp tác động lên huyệt đạo, kinh mạch của cơ thể để điều trị bệnh theo y lý phương Đông nên hàng ngày, hàng giờ có từng dị ứng nhất định của huyệt “nhân thần”. Để tránh tác hại cho người bệnh, xin cho biết các động tác của Án Ma chân pháp trong KCDS tác động điều chỉnh khí huyết và loại trừ các huyệt “nhân thần” trên cơ thể ra sao?
Không định kiến trước mà hãy thuận theo dịch lý, nghĩa là nương theo tác động của “Khí” mà để cho “Khí” tự hành. Vùng huyệt cần tác động là huyệt trệ khí, mất quân bình âm dương sẽ hút tay ta vào, ta nương theo dó mà thao tác. Các huyệt “nhân thần” không có lực hút mà lại đẩy tay ta ra rất dễ xác định, nếu ta không loạn tâm do định kiến trước.

• Câu hỏi 7: Khi đã “ đắc khí” thì cơ chế của khí công là: “ ý dẫn khí, khí dẫn lực” nghĩa là như thế nào?
Đối với một vấn đề có 2 cách giải quyết:
- Nếu dùng tâm trí nhị nguyên thường là không chính xác hoặc không đúng hoàn toàn bởi sự giới hạn chủ quan của con người
- Còn dụng tâm theo KCDS là tình trạng ngộ nhập, hòa hợp với vấn đề trong thế nhất nguyên, để trực giác siêu thức tự biết tự hành và thuận theo dịch lý – nghĩa là thuận theo các định luật bất biến của vũ trụ, không chủ quan duy ý chí. Đó là “dụng tâm không dụng trí”, còn “dụng khí không dụng lực” là áp dụng của nguyên lý trên vào việc tập luyện KCDS. Nghĩa là con người chủ động trong việc hội nhập với “Khí” – bản thể nội tại của vũ trụ nhưng hệ luận của “Khí” và lực tự xuất hiện theo dịch lý một cách tự nhiên để loại trừ yếu tố chủ quan và định kiến của con người. KCDS gọi cơ chế tâm lý này là cơ chế “chủ động-thụ động” trong tập luyện .
*Ví dụ: Trong quá trình tập luyện KCDS:
- Dùng “mã khóa” là chủ động tự ra lệnh cho bộ não của mình
- Các biểu hiện tâm sinh lý tự xuất hiện, sau đó là do “Khí” tự hành để phù hợp với cơ địa, bệnh lý của từng người là thụ động
Chủ động là để con người làm chủ toàn bộ quá trình luyện tập KCDS. Thụ động là để loại trừ yếu tố chủ quan, nhị nguyên, duy ý chí của con người

• Câu hỏi 8: Trong lúc “đắc khí” có người lơ mơ, nửa tỉnh, nửa mê, mọi hoạt động mà cường độ là do “Khí” dẫn dưới sự tâm niệm và tác động trợ công của Thầy, như vậy là tại sao?
Không ăn sao no? Không đi sao đến được? Ông chưa thực nghiệm hoặc thực nghiệm chưa có kết quả, chỉ nhận xét qua một số biểu hiện nào đấy của KCDS nên chưa chính xác.
- Trái với điều ông tưởng, người tập KCDS làm chủ hoàn toàn quá trình tập luyện của mình. Trí tuệ minh mẫn, luôn luôn ý thức và hiểu rõ mọi quá trình đang diễn ra. Dù là trong giai đoạn thụ động (nương theo “Khí” để hoạt dụng) cũng do chính người tập thực hiện cơ chế chủ động-thụ động, các quá trình xảy ra trong lúc tập luyện đều phải đúng như dự liệu trước, nghĩa là không phải là các hoạt động tự phát mà phải được chỉ định chặt chẽ.
- Vả lại trong quá trình tham gia tập luyện KCDS, người tập là quyết định còn hướng dẫn viên hay các phương tiện khác chỉ là bổ trợ và là chất xúc tác để tiềm năng của học viên hiển lộ ra ngoài (tình trạng đắc khí)

• Câu hỏi 9: Dưới tác động bổ trợ của Thầy, mặc dù người tập không hề biết “Dịch Cân Kinh” hay “Thất Tinh Quyền” là động tác như thế nào mà vẫn tự tập một cách huyền diệu, đúng bài bản. Vậy do chức năng nào trong cơ thể người tập mà tập bài bản đến thế?
Không phải Thầy điều khiển ông tập “Thất Tinh Quyền” mà “Thất Tinh Quyền” ông đã biết sẵn từ lâu, không phải Thầy điều khiển mọi người tập “Dịch Cân Kinh” mà “Dịch Cân Kinh” mọi người đều biết sẵn. Đó là do duyên sinh bởi các yếu tố khách quan và chủ quan. “Khí” tiềm năng cơ thể, bản thể nội tại của vũ trụ hiển tướng.
*Ví dụ: Quan sát các động tác đặc thù của cháu bé, từ khi mới sinh đến khi lớn, ta thấy:
- Ban đầu cháu tập lẫy (lật) : như con cá
- Tiếp theo cháu học trườn : như con rắn
- Tiếp theo cháu nhẩy xổm: như con ếch
- Tiếp theo cháu bò bốn chân: như thú 4 chân
- Sau cùng cháu tập đi hai chân là động tác của động vật cấp cao là con người. Đây là động tác duy nhất cháu phải được dạy, nếu không cháu không thể tự làm, còn tất cả các động tác trên cháu tự nhiên làm bằng bản năng (không cần ai dạy) – theo đúng thuyết tiến hóa của nhà khoa học Darwin.
Khi “đắc khí” hồi ức xa xưa tái hiện qua bản năng di truyền, bởi vậy “Khí” sẽ hiển lộ bằng muôn vàn động tác tiến hóa khác nhau. Tổ Sư và các Khí Công Sư VN phân loại và tạm chia toàn bộ các động tác KCDS thành 7 phạm trù để tiện việc theo dõi việc học tập và nghiên cứu gọi là “Dịch Cân Kinh” và “Thất Tinh Quyền” ( long, xà, hổ, báo, hầu, hạc và điểu quyền) dùng tên của 7 linh vật đặt tên cho 7 phạm trù này.
Bình thường các động tác này cũng như các biểu hiện tâm sinh lý khác của khí công không xuất hiện do vọng niệm ức chế tiềm năng, cũng giống như mây mù tan thì mặt trời khắc lộ và ánh sáng rực rỡ chiếu rọi muôn nơi.

• Câu hỏi 10: Khi tập đã “đắc khí” rồi, có cần đứng dậy tập không?
Đứng hay không, phụ thuộc vào 2 yếu tố:
- Bệnh lý có cần tập trong tư thế đứng không?
- Nhiều khi cần phải đứng tập nhưng vì cường độ “đắc khí” còn yếu quá, không điều khí đứng lên được. Bởi vậy tự mình xác định vấn đề bằng cách sau: nương theo đà điều khiển của khí công thì làm được. Không nên đốt giai đoạn, nôn nóng đứng dậy hoặc làm bằng chủ quan, định kiến của mình.

• Câu hỏi 11: Tôi tập khí công, “đắc khí” rất tốt nhưng tập Án Ma chân pháp tôi không dùng tay mà dùng chân để điểm huyệt, vậy có nên không?
Thường trong bất kỳ công việc gì, đòi hỏi sự khéo léo và mức độ chính xác cao ta đều phải sử dụng tay chứ không dùng chân. Hơn nữa khi tự thao tác trên cơ thể ta, phạm vi hoạt động của tay rộng hơn chân. Vả lại đối với liệu pháp điểm huyệt, độ chính xác và sự khéo léo có liên quan đến hiệu quả và sự an toàn của con người. Cho nên từ xưa đến nay, từ các Thầy Thuốc cho đến các Khí Công Sư đều dùng tay để thao tác day bấm huyệt với một sự cẩn trọng và dè dặt. Chính vì thế, chúng ta cũng phải làm như vậy.



• Câu hỏi 12: Khi tập bài “khí công trong giấc ngủ” thì tôi ngủ không được. Khi ngủ được rồi thì lát sau tay tôi lại xoa bóp khắp người làm ngủ không được. Như vậy là tôi tập đúng hay sai?
Như vậy là ông tập chưa thành công liệu pháp này. Tập khí công trong giấc ngủ là một Bí Pháp mà chỉ có KCDS mới thực hiện được. Nó bao gồm các yếu tố sau:
- Người tập vẫn ngủ tốt, không hề hay biết các chuyển động của mình
- Cơ thể chuyển động chậm, nhẹ để học khí công hay điều khí tự trị bệnh
- Chuyển động trong tư thế nằm ngủ, chứ không đứng hay ngồi mà di chuyển
- Khi thức dậy rất thoải mái và cảm thấy sung sức
Liệu pháp “khí công trong giấc ngủ” với mục đích tiết kiệm thời gian, tận dụng cơ chế ngủ để luyện tập, tăng cường sức khỏe hoặc tự điều trị bệnh. Liệu pháp này thường dùng để điều trị các rối loạn chức năng như:
- Mất ngủ kéo dài
- Rối loạn tiêu hóa
- Suy nhược thần kinh
- Rối loạn nội tiết
- Các bệnh về tâm căn hay tâm thể
• Phương pháp thực hành như sau:
- Sau khi tắm rửa sạch sẽ, thay quần áo rộng, vải mềm
- Chọn nơi tập thoáng mát, yên tĩnh và tập trong phòng đóng chặt cửa. Không tập trên sân thượng hay ban công để tránh tai nạn
- Tập ở tư thế nằm trên giường hoặc trên sàn. Có thể dùng màn (mùng) để chống muỗi, không nằm nệm để khí huyết dễ lưu thông
- Không gối đầu cao hoặc nằm gối thấp đối với những người có bệnh huyết áp cao, tim mạch, hô hấp,…
- Nằm riêng một mình, không nằm hai người tránh đụng chạm, “đứt khí” nửa chừng
- Nằm ngay thẳng ở tư thế nằm ngửa, 2 tay xuôi theo thân người, lòng bàn tay ngửa và hướng lên trời
- “Thụ khí” vào huyệt Ấn Đường, thư giãn toàn thân, thở điều hòa bằng mũi, khi bắt đầu “đắc khí” thì dùng mã khóa: “Tôi xin tập khí công trong giấc ngủ”
- Giấc ngủ phải đến trước, sau đó các động tác ngoại động rất chậm, rất nhẹ sẽ xuất hiện sau
- Nếu tập mà vẫn còn thức, hoặc động tác quá mạnh, quá nhanh là sai. Phải ngừng và thụ khí làm lại từ đầu, để quá trình xảy ra đúng như dự liệu. Nếu tập mà mất ngủ thì không nên tập nữa vì có hại cho sức khỏe

• Câu hỏi 13: Tôi đã học “Nhân Điện” rồi mới học môn khí công này. Vậy 2 môn này có giống nhau không?
Tôi chưa nghiên cứu kỹ về “Nhân Điện” nên không đủ cơ sở để có ý kiến về vấn đề này. Bởi vậy khi phối hợp 2 môn này hậu quả như thế nào là việc cần nghiên cứu lâu dài và nghiêm túc. Vả lại cũng không nên tập quá nhiều phương pháp, vì sẽ không đủ thời gian, sức khỏe và không chuyên sâu được. nên chọn phương pháp thích hợp nhất đối với mình và kiên trì, chuyên sâu mới có lợi cho bản thân

• Câu hỏi 14: Tôi bị hiện tượng co cơ. Khi nằm thì bị tê, khi “đắc khí” thì người, tay chân co rút không cử động được, không làm chủ được các động tác vì bị cứng cơ. Vậy phải làm gì để tập có kết quả?
Hiện tượng này là do khi tập học viên tự ý gia thêm lực của mình vào, không tuân thủ nguyên tắc “thân tâm hợp nhất, khí lực song hành” làm cho cường độ “đắc khí” quá lớn, động tác mạnh và nhanh, thiếu chính xác. Chẳng những hiệu quả kém mà còn xuất nhiều mồ hôi, mất nước gây rối loạn điện giải, tăng trương lực cơ quá sức sinh ra co cơ (chuột rút). Hoặc người thực nghiệm vốn thiếu can-xi hay rối loạn hấp thụ can-xi, khi tập khí công cũng có một xác xuất bị co cơ.
Trong cả hai trường hợp, người thực nghiệm nên thụ khí ít lại, điều khí chậm rãi, từ tốn, tránh vận động nhiều và quá mạnh
*Biện pháp khắc phục:
- Cho uống nước đường pha một chút muối hoặc uống dung dịch Oresol trước khi vào tập
- Nếu tình huống xảy ra trong buổi thực nghiệm thì:
+ Cắt khí, ngừng tập
+ Cho uống nước đường pha một chút muối hay dung dịch Oresol
+ Dùng khí công thực hiện các thao tác Án Ma và day bấm huyệt theo các phương huyệt có ghi trong tài liệu dành riêng cho hướng dẫn viên
+ Nhờ y, bác sĩ cho dùng thuốc đặc trị tùy theo tình trạng nặng hay nhẹ lúc ấy[u:7e6eaa2437][/u:7e6eaa2437]