Củ Chi xưa và Diên Lâm hôm nay

KHÍ CÔNG DƯỠNG SINH

KHÍ CÔNG DƯỠNG SINH
Diễn đàn thảo luận, nghiên cứu về Khí công và Dưỡng sinh

Củ Chi xưa và Diên Lâm hôm nay

  • CỦ CHI XƯA VÀ DIÊN LÂM HÔM NAY

              Diên Lâm!  Một cái tên đã trở thành thân thương da diết như là Chùa Suối Ngổ vậy. Nào những bâng khuâng, gắn bó thân quen của non thiêng đại ngàn nay như đã xuôi đọng về với Diên Lâm!

     Vậy mà cũng đã gần tám năm rồi ấy nhỉ?  Tám năm với biết bao kỷ niệm qua đi từ những ngày bắt đầu ấy.

    Ngày ấy nó được gọi là Gò Củ Chi. Nguyên là vì xưa kia nơi đây có một cây củ chi (cây mã tiền) rất lớn bị mưa gió quật ngã sóng xoài xuống, nó đã không chết mà còn vươn ngọn trỗi dậy mạnh mẽ nên dân địa phương gọi là cây củ chi quỳ. Tên gò có lẽ cũng bắt nguồn từ đó.

    Gò chỉ vẻn vẹn có mấy cây me già nua, vài cây xoài cằn cỗi, nhưng quan trọng nhất là có một cái Miếu cổ nhỏ xíu nhìn xuống cánh Đồng Tròn xa tắp trải dài cho đến chân Hòn Dữ. Hai bên sườn là hai khe suối nhỏ như cố vươn dài ra để che chở cho thân gò trơ trụi đó là chân của Hòn Điệp nhoài vươn ra cánh Đồng Tròn bát ngát.

    Đây là vùng đất giao thủy, còn gọi là giao long nên được Thầy chọn để làm nơi sinh hoạt và tu tập lâu dài.

              Sau bốn năm không gặp, chợt nghe tin Thầy về Diên Lâm thế là chúng tôi (bốn anh em trai) chạy xe máy một hơi từ Ban Mê xuống Nha Trang để được gặp Thầy. Vừa đến nơi tôi thoáng sửng sờ vì thấy Thầy trong bộ quần áo lao động dính bết đầy xi măng, lưng áo đầm đìa mồ hôi vì đang đắp cây tùng trong Miếu Mẫu cùng với mấy huynh ở Hà Nội. Chúng tôi cùng nhau lễ Thầy. Thầy cười hề hề và bảo: “ uống trà đi con” rồi đắp nốt chỗ đay đã nhồi xi măng lên cành của cây tùng giả làm dây leo đang bám.

     Nhìn dáng cây tùng dựa vào vách Miếu tôi buột miệng thốt lên: “Ôi! Đẹp quá!” nhưng có hơi phân vân một chút.

    Như hiểu ý_ Thầy mĩm cười rồi nhẹ nhàng đặt ly trà xuống và giải thích: “Nền văn hóa xưa của người Trung Hoa xem cây trúc, cây tùng tượng trưng cho người quân tử luôn đứng thẳng, hiên ngang, nhưng luôn vượt lên trên cao nhìn xuống đã tạo nên giai cấp quân tử và tiểu nhân vậy nên không có hình tượng  dây leo đeo bám. Còn chúng ta là người tu thân vẫn thẳng đứng, hiên ngang nhưng cành của nó sẵn sàng sà xuống thấp để nâng đở những dây leo, để che mát cho cây nhỏ và để sẻ chia kinh nghiệm… Đó gọi là hành thiện độ sanh, là đặc điểm, yêu cầu của tu sĩ mật tông đại thừa”.

              Thế là từ ý định chỉ xuống để thăm Thầy, bốn chúng tôi đã ở lại gần một tháng cho đến ngày Thầy trở về Xuân Mai cúng tất niên.

     Vào những ngày đó vợ chồng huynh Quốc, Thủy mới bắt đầu cho trồng những cây đại thụ, rồi tre, trúc. Thân gò như một thung lũng được viền quanh bởi núi đồi nên ban ngày trời luôn oi bức, ngột ngạt dưới cái nắng chói chan, gay gắt, may mắn lắm mới có một ngọn gió lạc đường dạo qua như để động viên, khích lệ mọi người.

    Chư huynh ngày ngày vác đá làm đường, phụ Thầy dựng non bộ, làm mỹ thuật… Toàn những việc nặng nhọc, vất vả nhưng ai nấy cũng đều rất vui vẻ, phấn khích.

    Ngày cứ như dài thêm ra vì thường làm đến tối mịt, phải hơn 8 giờ tối Thầy trò mới quây quần dưới ngọn đèn dầu leo lét bên những mâm cơm đạm bạc mà nước nấu ăn cũng phải đi xin trong làng cách đấy chừng 3 cây số.

    Và rồi chư huynh Nha Trang lần lượt kéo về tham gia ngày một đông dần, đông dần. Có những ngày cuối tuần phải đến 40- 50 người cùng về tham gia, không khí rôm rả và nhộn nhịp hẳn lên.

    Nhìn quanh _chỗ này xe cẩu đang dựng trồng những cây đại thụ hàng trăm năm tuổi _chỗ kia xe ủi đang san lấp mặt bằng_ còn dưới Miếu Mẫu xe múc đang hì hục đào hồ_ rồi xe chở gạch, cát, cây cảnh vào ra liên tục cứ như là một công trường đang gấp rút thi công cho hoàn thành kế hoạch.

              Vì đặc điểm của Thầy là làm rất nhanh, một mình Thầy đắp mà 3, 4 huynh đệ chúng tôi phụ nhồi đay hụt hơi mới kịp, chư huynh thường gọi đùa là: “Thầy làm còn nhanh hơn điện”.

    Sức làm việc cứ ào ào như gấp đôi, gấp ba bình thường nên gò củ chi đã thay đổi từng ngày sau mỗi đợt Thầy về xây dựng.

    May mắn của chúng tôi là DakLak chỉ cách Nha Trang có 200 cây số nên mỗi lần Thầy về Diên Lâm để làm phật sự là chư huynh BMT kéo nhau cùng theo về phụ họa.

              Rồi qua lao động cực nhọc, vất vả, từ ăn uống, sinh hoạt đều thiếu thốn, nhưng được ở bên Thầy, làm việc và học hỏi với Thầy chư huynh đã chững chạc, trưởng thành lên rất nhiều.

              Nếu xưa kia chư huynh trưởng thành từ Suối Ngổ _ thì ngày nay nơi ấy sẽ lại là Diên Lâm!

    Gò củ chi nay đã biến đổi hoàn toàn. Diên Lâm ngày nay bề thế, khang trang có đủ chỗ ăn, ở, có nơi để uống trà, nghe nhạc, sinh hoạt và tu tập.

              Đã rất nhiều, rất nhiều sự góp sức để có được Diên Lâm hôm nay, song ngoài công sức to lớn của Thầy Cô ra thì công đức, nỗ lực chính vẫn là thuộc về vợ chồng huynh Thiện Quốc và Diệu Thủy.

    Đó là những đại hạnh, những tấm gương đáng để huynh đệ chúng ta ngưỡng mộ, trân trọng hôm nay và đến mãi về sau.

    Thiện Bình  11/2012

     

     _ Diên Lâm ngày nay bề thế, khang trang có đủ chỗ ăn, ở

     

     _ Có nơi để uống trà, nghe nhạc

     

     _ Có đường để thiền hành,  dạo mát

     

     _ Có nơi để sinh hoạt 

     

     _ Và tu tập...

     

  •  Nam Mô A Di Đà Phật .

    Thiện Quốc và Diệu Thủy  gởi lời  cảm ơn  đến Thầy cô , các  huynh , tỷ  đã  làm  nên mái nhà  chung ngày  hôm  nay  và  là  ước mơ  của    tất  cả  chúng ta .

  •                              Nam mô Đại Hạnh Tạng Bồ Tát Mahatat