Sinh hoạt định kỳ của môn sinh Hà Nội ở Tổ Đường Xuân Mai/25/7/2010

KHÍ CÔNG DƯỠNG SINH

KHÍ CÔNG DƯỠNG SINH
Diễn đàn thảo luận, nghiên cứu về Khí công và Dưỡng sinh

Sinh hoạt định kỳ của môn sinh Hà Nội ở Tổ Đường Xuân Mai/25/7/2010

  • Sinh hoạt định kỳ của môn sinh Hà Nội ở Tổ Đường Xuân Mai/25/7/2010

    Mới cách một tháng không dã ngoại về Xuân Mai sinh hoạt, lao động, học tập mà sao chúng tôi ai cũng thấy lâu lắm rồi. Chư huynh chủ trương đưa bà con đi dã ngoại ở nhiều nơi, không cứ Xuân Mai, để có thời khắc được như Thầy “nương gió đời đi chơi muôn nơi”. Nhưng, rốt lại, tôi vẫn thích về Xuân Mai hơn cả, nơi có cảnh sơn, thủy hữu tình, có chư Phật, có chư Tổ che chở hộ trì: khiến thân được khỏe mạnh, lòng được an vui. Niết bàn là đây!...

    Không biết trời thử lòng người, hay dọn đường quang lối sach đón chúng ta về?  Mưa to như trút nước suốt từ 5 giờ sáng. Gần đến giờ xuất phát, anh lái xe gọi điện ái ngại hỏi vị huynh phụ trách: có đi không? Tuy bên ngoài nói cứng “vẫn”, nhung trong lòng huynh ấy chắc không khỏi lo lắng. Nhỡ không có ai? Nhỡ có quá ít người? Chỉ một giờ mưa lớn cũng khiến các ngả đường Hà Nội chìm trong nước.

    Chốt quân số tại hai địa điểm chỉ vắng có ba người: một chị chân đang quá đau, vẫn gắng tham gia nếu trời không mưa, một môn sinh mới chưa quen với tinh thần của thiền môn, cứ nghĩ mưa sẽ nghỉ. Hôm sau cô cứ nuối tiếc mãi. Một anh môn sinh “lười”, cứ nấn ná: Ô tô hay xe máy? Kết cục anh cũng “bươn” về nhà Tổ vào lúc trưa muộn. Gặp chúng tôi ở Nhà Tổ, anh vừa cười vừa nói:

    -  Thiêng là thế! Ở nhà bụng dạ cứ xốn xang, nóng ruột quá, lại vác xe tòng tọc về.

    Một số vị huynh đã về nhà Tổ từ một, hai ngày trước, lo lắng khi biết Hà Nội đang mưa to. Những cuộc gọi điện liên tiếp từ nhà Tổ hỏi thăm khiến chúng tôi trên xe ai nấy đều cảm động. Tôi cảm nhận được tình đồng đạo lớn hơn bao giờ hết.  Được biết Xuân Mai không mưa, đường đi rất tốt, vì mới được làm, khiến chúng tôi thêm phấn chấn.

    Chẳng mấy chốc chúng tôi đến nơi. Người trước, người sau, người cũ, người mới thân thiết chào nhau. Cô Thuần “chào” chúng tôi bằng một nồi cháo to đùng, nấu với đủ các loại đỗ.

    -  Cô ơi, sao cô tâm lý thế? Cháo ngon quá!

    Cô cười hiền từ:

    -  Trời mưa to thế, đi sớm vậy, kịp lúc nào mà ăn.

    Lạ thật! Trời Xuân Mai trong xanh nhưng mát rượi, bởi đêm qua đã mưa rồi. Trận mưa đêm khiến sáng ra mọi thứ sạch bong: các ban thờ ngoài trời, tượng, cây cỏ hoa lá, đường đi, …

    No bụng, chúng tôi khẩn trương quét dọn, thu gom lá cây ngoài vườn. Hôm nay mười tư. Nhà Tổ tổ chức cúng rằm để môn sinh cùng hưởng. Từ ngày Thầy đi hành dạo nơi xa, huynh trưởng vẫn cho tổ chức lễ trong các ngày rằm và mùng 1. Chư huynh yên lặng chia nhau làm Phật sự, y như ngày nào Thầy ở nhà. Chỉ khác trong ngôi nhà sàn vắng bóng Thầy, không có giọng nói sang sảng mà trầm ấm của Thầy kèm tiếng cười hoan hỉ của bà con mỗi khi nghe Thầy nói chuyện …

    Chúng tôi ngồi bên nhau, trong cái ấm áp nghĩa tình để nghe huynh trưởng thông báo việc tập luyện tại các tổ, những vị huynh đau yếu, khó khăn cần thăm hỏi giúp đỡ, việc tu bổ sửa sang, xây dựng nhà Tổ hai nơi trong mùa mưa; …Đặc biệt là những thông tin mới nhất về hành trạng của Thầy và chư huynh trên khắp các nẻo đường đất nước. Không phải ai cũng có điều kiện lên mạng mỗi ngày. Mọi người đều xúc động khi được biết Thầy dù ở xa, bận trăm ngàn công việc, vẫn viết thư thăm hỏi môn sinh Hà Nội, dặn dò động viên bà con chăm chỉ luyện tập rèn sức khỏe và chúc môn sinh có cuộc sống hạnh phúc, an lạc.

    Chúng tôi theo huynh trưởng đi lễ Phật, lễ Tổ  trang nghiêm và thành kính. Một cụ ông tuổi đã ngót 90, là môn sinh mới, lần đầu về nhà tổ Xuân Mai thủ thỉ nói với tôi khi tôi chìa tay đỡ cụ:

    -  Con gắng tham gia giữ gìn nhà Tổ,… giữ gìn nhà Tổ…

    Không đáp lại, mắt tôi nhòa lệ.

    Sau bữa cơm trưa trong yên lặng, chúng tôi có một khoảng thời gian ngắn nghỉ, để sau đó tiếp tục cho buổi học chiều. Nhưng có ai nghỉ đâu. Bà con, cô bác, anh chị em râm ran từng nhóm trò chuyện tâm tình, trao đổi việc tu học. Thời gian thật là quý hiếm. 14.30 chúng tôi cùng nhau tập bài dưỡng sinh Yoga mà Thầy truyền dạy năm ngoái tại cung VHHNVX. Đó là chín động tác được Thầy rút gọn từ bài Nhất Nguyên Quyền cho phù hợp với thời gian, hoàn cảnh của môn sinh ở nhà. Chúng tôi nghiêm túc, tập luyện say mê và chỉ chịu kết thúc khi bóng hoàng hôn giục giã.  Cô Thuần chờ sẵn phát cho mỗi người một gói lộc mang về. Đó là những chùm nhãn trồng ở nhà Tổ, hôm nay được hái dâng chư phật. Tôi miên man:… Đạo – Đời, Đời – Đạo. . . .Xe ô tô nổ máy. Ngoái trông lại qua lớp kính hậu, tôi thấy rõ bóng cô Thuần và vài vị huynh đang âu yếm giơ tay vẫy chào.

    Chào nhé, chào Tổ Đường Xuân Mai. Hẹn sớm ngày trở lại…

    25/07/2010

    Thưa Thầy, chư huynh cùng các bạn đồng tu.

    Trên đây là những dòng viết vội, ghi lại cảm xúc chân thành đang thành sóng trào dâng trong con trong suốt cuộc dã ngoại về Tổ Xuân Mai sinh hoạt, học tập. Trong khi viết, con không tránh khỏi việc mắc lỗi văn phạm. Mong Thầy và chư huynh sửa lỗi giùm con. Con cảm tạ rất nhiều Thầy, chư huynh cùng môn sinh các thế hệ đã dày công xây dựng nhà Tổ ở mỗi địa phương để môn sinh các nơi đó đời đời kiếp kiếp có nơi chỗ tu học, rèn thân tâm khỏe mạnh, an lạc.
    Con.

    . . . . .

     Cắt cỏ, làm vườn / Nhà Tổ Xuân Mai /25/7/2010

                                 Chọn

    Nhà Tổ Xuân Mai /Hoa tươi dâng Phật /25/7/2010


    Về ngôi nhà Tâm / Nhà Tổ Xuân Mai /25/7/2010


    Lễ Phật / Núi Ngũ Trí Như Lai/ Nhà Tổ Xuân Mai-Hà Nội /25/7/2010

  • Email: anhthien@ymail.com
    Nickyahoo: AnhThien234
  • Cám ơn Bonghoatruc nhiều nghe. Bạn đã nói hộ, nói hết cảm xúc không những cho mình mà còn cho rất rất nhiều môn sinh Hà Nội nữa. Mình hơi ghen tị với bạn đó nghe. Sướng nhất là viết ra được những điều mình nghĩ và cảm nhận. Ai bảo mình ít văn chương chữ nghĩa, muốn cũng không được. Chỉ tiếc là ảnh đoàn mình chụp còn ít quá, chưa thể hiện hết được những hoạt động bổ ích, lý thú của chúng mình sinh hoạt hôm đó. Nhất định lần sau mình sẽ đề nghị các huynh lưu lại nhiều hình hơn nữa và sẽ cố gắng viết bài đăng gửi.
    Chào thân ái!