Thời gian !

KHÍ CÔNG DƯỠNG SINH

KHÍ CÔNG DƯỠNG SINH
Diễn đàn thảo luận, nghiên cứu về Khí công và Dưỡng sinh

Thời gian !

  • (Thay mặt bạn Linh Long để post bài viết này ghi lại cảm xúc sau một thời gian làm quen với KCDS.)

    Thời gian!

     “…Hãy yêu nhau đi cho ngày quên tháng…”

            Vừa mới quen E "Khí công", thế mà đã một năm rồi! Nhanh thật! Tự nhiên trong đầu có bao nhiêu ý nghĩ về thời gian. Thời gian là gì, nên hiểu thời gian như thế nào? Thời gian có phải có mặt ở khắp nơi? Thời gian có phải trên chiếc đồng hồ? trên những quyển lịch? Thời gian của người đang yêu thì như thế nào nhỉ? Thế còn của người đang xem phim trong rạp? của người chơi chứng khoán hay bất động sản? Thời gian của người chơi xổ số mong biết kết quả? của người thất nghiệp? của người trong tù? Thời gian với các loài động vật, thực vật? thời gian trên một chuyến bay? Thời gian trên “Thiên đường”? vv…

         Cứ mỗi năm, ta lại thêm một tuổi. Thời gian còn đi học, sao thấy người lớn sướng thật!. Người lớn chẳng sợ cô giáo, người lớn chẳng phải làm bài tập, chẳng phải xin phép ai khi thích ăn bánh, ăn kẹo, khi xem phim hoạt hình… Nhưng khi lớn lên thì người lớn hình như sợ nhiều thứ hơn hẳn, phải làm nhiều thứ hơn hẳn trẻ con. Người lớn sợ những điều bí mật của mình bị lộ, sợ người khác hiểu sai về mình, sợ người khác hiểu đúng về mình, sợ sếp, sợ vợ, sợ con ốm, sợ đưa đón con muộn giờ, sợ đến ngày trả tiền thuê nhà, sợ đến ngày trả tiền ngân hàng, giật mình với cả cô thu tiền điện, tiền điện thoại, tiền ga, tiền nước, tiền truyền hình cáp…và nhiều lúc sợ chính bản thân mình. Nói chung là sợ đủ thứ! Còn người lớn tuổi thì hình như sợ ít thứ đi! Nhưng nỗi sợ lại tăng lên. Người lớn tuổi sợ mình già đi, sợ mình yếu hơn, sợ bệnh tật và sợ nhất là… sang “thế giới bên kia”! Điều này ai mà chẳng sợ? (Hình như có lúc người ta còn sợ cả Sống nữa ấy chứ?) Thế nên, không biết vào giai đoạn nào, trẻ con, người lớn hay người lớn tuổi thì ít sợ nhất nhỉ?

          Khái niệm về thời gian thường được nhắc đến như quá khứ, hiện tại, tương lai. Quá khứ hay được nhắc đến trong các bài hát với các tâm trạng tiếc nuối, buồn đau, chia ly…ít thấy các bài hát nói về hiện tại hay tương lai. Và hình như quá khứ vẫn luôn hiện diện và chi phối trong từng lời nói và hành động của mỗi người? Tương lai thì luôn mang trong nó bao nhiêu hy vọng?. Khi muốn quên đi hiện tại, người ta hay nghĩ tới tương lai? Mà nói gì về tương lai đây?… Còn thời gian trong hiện tại khi ta nghe đi nghe lại một bài hát yêu thích, đọc đi đọc lại một quyển truyện yêu thích, xem đi xem lại một bộ phim yêu thích, khi ta thực sự có mặt trong hiện tại, ta thực sự có mặt trong bài hát, trong quyển truyện thì ta dễ dàng thấy được sự khác nhau giữa đọc truyện với xem truyện và thấy được nhiều thứ nữa mà mình vẫn thường bỏ qua …Có lúc chợt nhận ra, hình như chỉ có thể giao tiếp với mọi thứ ở hiện tại, và thật khó để giao tiếp mọi thứ trong quá khứ và tương lai…Hiện tại là ở đây - bây giờ? Hiện tại chỉ đơn giản vậy thôi sao?

          Có phải thời gian chỉ là gạch nối giữa hai con số nào đó (1942-2008) hay không? Nếu phải gọi thời gian bằng một cái tên thì có thể gọi là “Duyên” được không nhỉ? Chữ Duyên cũng hợp nhất trong các câu như: “Chó ngáp phải ruồi”, “Chết đuối vớ được cọc”, “Há miệng chờ sung”, “Gãi đúng chỗ ngứa”…

          Có rất nhiều cách hiểu về thời gian. Mỗi người đều có cách hiểu về mọi thứ cũng như về thời gian căn cứ vào những trải nghiệm của riêng mình. Thế nên cái lý nào cũng có chân của nó chăng? Thời gian của con cá trong bể kia thì sao nhỉ? Nó dành cả cuộc đời mình cho sự yên lặng? càng lắng nghe nó càng yên lặng. Thời gian của em bé một tuổi cũng hay! Đói là khóc đòi ăn ngay, thích ngủ là ngủ luôn, không để ý là ngày hay đêm. Thích tè là tè luôn, không cần biết là trên ghế sofa hay trên giường. Người lớn mà cũng chẳng bị thời gian chi phối như vậy thì hay nhỉ? Cứ khát là uống, đói là ăn, quan trọng gì quả trứng có trước hay con gà có trước. Thời gian có thể biến một điều quan trọng trở nên chẳng quan trọng và ngược lại, biến một người quan trọng trở thành bình thường và ngược lại (Điều bình thường có khi lại quan trọng). Quan trọng mà chẳng quan trọng. Quan trọng là ta ít khi bị thời gian điều khiển, chi phối, ta nhiều khi khéo léo sử dụng và làm chủ thời gian. Khi đó là ta sống trong thời gian chứ không phải sống cho thời gian?

          À, thế thì thời gian trên chiếc đồng hồ, trên những quyển lịch có phải là thời gian vật lý?. Còn thời gian chi phối những cảm xúc của ta là thời gian tâm lý? Hay không thể tách rời hai khái niệm này. Thời gian vẫn là nó. Thời gian có phải là khái niệm do con người đặt ra? Nói cách khác, có phải nó là sản phẩm của tâm trí con người? Hình như thời gian không phụ thuộc vào ai nghĩ gì, định nghĩa nó theo cách nào, căn cứ vào điều gì, nó trôi nhanh hay chậm, muộn hay sớm, đúng lúc hay không, nó vẫn như vậy, như trước kia nó đã vậy, bây giờ nó vẫn vậy. Vẫn vậy! Năm hết Tết đến! Và theo quan kiến này, mọi thứ dường như đang diễn ra thật tự nhiên?

          Thời gian đã và sẽ trả lời cho ta mọi câu hỏi nhưng cũng đã và sẽ đặt ra cho ta tất cả các câu hỏi. Mà các câu trả lời thường nằm ở chính những câu hỏi thì phải? nên ta việc gì phải đi tìm cho mất thời gian. Thế thì… thời gian để làm gì nhỉ? Có gì dễ mất như thời gian không? Tại sao thời gian lại được ví là vàng là bạc nhỉ?

          Và sau một năm với bao nhiêu nhanh chậm, buồn vui, sớm muộn, đúng lúc và không đúng lúc… dường như điều đọng lại sau cùng lại là tình cảm giữa con người với nhau. Lúc này đây, khi tình cảm với E "Khí công" ngày càng dâng trào, trong đầu luôn văng vẳng câu hát của Trịnh Công Sơn: “…Hãy yêu nhau đi cho ngày quên tháng…”

     Linh Long

  • Hi

    " Tại sao thời gian lại được ví là vàng là bạc nhỉ...?...

    ...Vì từng phút giây bên nhau xóa nhòa tất cả....kể cả thời gian...

  • Nowhere is mean Now & Here or No where?

    ...

    Thời gian của người chụp ảnh là khoảnh khắc,  bởi khi gặp một cảnh đẹp mong muốn chộp lấy, lưu giữ lại cảnh tượng ấy bằng máy ảnh thì thời gian được tính bằng khoảnh khắc, hihi.

    Thời gian của một bông hoa là ngày, nhưng rực rỡ nhất, tuyệt đẹp nhất cũng chỉ là khoảnh khắc

    Thời gian của tình yêu cũng chỉ được tính bằng khoảnh khắc của sự gặp gỡ hai tâm hồn trong sáng.

    Mỗi khoảnh khắc trôi qua không lặp lại thế thì thời gian có ý nghĩa gì cơ chứ?

    Hay thời gian chỉ là khái niệm tương đối do con người đặt ra?!

  • Có Em ...đẹp quá ...chụp không nỡ...

    Bấm máy...khoái tỉ...cũng đành buông...

  • Buông rồi không nỡ... nên đành chụp...

    Mà hình không thấy... lại đành buông...

    Buông rồi ai tiếc... sao lại chụp...

    Khoảnh khắc tuyệt vời... nỡ... không em!!!

    (Bạn LinhLong nhân trời mưa..cảm hứng quá nên có bài thơ...)

  • (Đến lượt...em nào...Stick out tongue)

    Mưa...buông thiên địa.....tình lai láng.....

    Mắt ...nỡ trong veo.....sóng tràn bờ....

  • Ôi! Ai đang say thế?  

    Sai ai thế?

    Em có tuổi hay em không có tuổi?

    Sóng tràn bờ rồi sóng về đâu?

    Hihi

  • Hỏi làm chi... hỏi để làm chi
    Ai đang say... mà tình lai láng
    Biết làm chi... biết để làm chi
    Lỡ tràn bờ... Mưa buông thiên địa!
     
    Hỏi làm chi... biết để làm chi
    Những khoảng khắc... tuyệt vời bất tận
    Quay đầu là bờ... không ngờ... Biển
    E đây rồi... Ai đã hết say!
    ...
    (Chia sẻ của bạn LinhLong)
  • Barua wrote: "...Sóng tràn bờ rồi sóng về đâu?"

    "Bờ" ở đây bác nói đến nên hiểu thế nào, có phải như ý nghĩa câu: " Quay đầu là bờ..." không?

  • Sóng tràn bờ là câu của bác í chứ! Hì!

  • Câu "Quay đầu là bờ" o phải của em nha...

  • ...Chiều buồn...không ngờ...tràn đầy cảm hứng...

    Tặng bạn Linh Long và mọi người câu chuyện nhỏ:

    Nấu ăn

    "...Nhiều người thường tưởng khai ngộ để được nhàn tản..., sau câu chuyện Thiền này, chúng ta sẽ được làm quen với một dạng khai ngộ để đi nấu ăn và nhờ nấu ăn để giúp người khác khai ngộ sâu xa.
    Tuy được sinh trong một gia đình quý tộc nhưng có lẽ vì sớm mồ côi nên Đạo Nguyên (Dogen) đã nhanh chóng bước vào cuộc sống tăng lữ ở tuổi thiếu niên.

    Mấy năm đầu Ngài học giáo lý Thiên Thai. Đến năm 15 tuổi, Ngài nghi vấn tại sao ai cũng có bản tính Bồ Đề mà chư Phật phải phát tâm và tu trì mới giác ngộ. Mối nghi không được giải toả, Ngài rời núi Tỷ Duệ (Hieiji) đến đầu môn với thiền sư Vinh Tây (Eisai: 1141 - 1215), người đã du nhập phái thiền Lâm Tế Trung Hoa vào Nhật từ năm 1191 và đang tạo lập các thiền viện tại Kyoto và Kamakura. Vinh Tây đáp rằng: “Phật chẳng hề động niệm, chỉ có hạng mê mờ mới khởi tâm”. Đạo Nguyên có phần tâm đắc nên ở lại tu tập với Vinh Tây, và sau đó khi Vinh Tây tịch, Ngài tiếp tục tu với đẹ tử nối pháp là thiền sư Minh Toàn (Myozen). Tám năm sau Ngài được Minh Toàn ấn chứng, nhưng lòng khao khát ngưỡng giải thoát vẫn mãnh liệt khiến ngài sang Trung Hoa vào năm 1224. Ngài đi tham vấn khắp nơi cuối cùng đến núi Thiên Đồng cầu đạo với Thiền sư Như Tịnh, tổ tông Tào Động đời thứ 15 (1138-163), được truyền thừa như sau: Động Sơn Lương Giới - Tào Sơn Bổn Tịch - ... Lương Sơn Duyên Quán - Thái Dương Cảnh Huyền - Đầu Tử Nghĩa Thanh - Phù Dung Đạo Giai - Tử Thuần Đơn Hà - Chân Yết Thanh Liễu - Hoàng Tri Chánh Giác - Thiên Đồng Như Tịnh.

    Một hôm trong thời toạ thiền, có một thiền sinh ngồi kế bên Đạo Nguyên ngủ gục, Như Tịnh giám thiền bắt gặp bèn la lớn: “Toạ thiền là buông bỏ thân tâm, sao ngươi lại ngủ !”. Xong Như Tịnh đánh mạnh thiền bảng vào người khiến anh ta phải tuột xuống bồ đoàn. Nghe thế Đạo Nguyên hoát nhiên tỉnh ngộ và được thầy ấn chứng. Sau đó Đạo Nguyên tiếp tục hành thiền hai năm rồi rời Trung Quốc trở về Nhật Bản năm 1228, khai sáng tông Tào Động tại chùa Vĩnh Bình (Eiheiji) nay thuộc tỉnh Fukui. Đạo Nguyên đã kể lại rằng: “Tôi học với Thiền sư Như Tịnh và nhận ra rằng mũi dọc mày ngang. Tôi ra đi tay không và trở về tay không... Sáng sáng mặt trời vẫn mọc phương Đông và tối tối mặt trăng vẫn lặn hướng Tây”.

    Bước đầu hành trình vào Trung Quốc, Đạo Nguyên cặp bến tại Thượng Hải trên một thuyền buôn nấm. Tối ngủ trên thuyền, sáng Ngài dạo khắp bến cảng xem xét sinh hoạt. Lúc bấy giờ nền thương mại giữa Hoa và Nhật rất thịnh vượng. Nấm nhập từ Nhật được tiêu thụ rất mạnh một phần do các thiền viện. Và tại đây Đạo Nguyên đã gặp một nhà sư đến mua nấm. Sư vốn là điển toạ (tri khố) của một thiền viện. Đạo Nguyên nài nỉ sư xin được hầu chuyện. Ngài hỏi sư:

    - Thầy mua nấm về làm gì?

    - Nấu ăn ngày mai cho tăng chúng.

    - Khi nào Thầy phải trở về?

    - Sau cơm trưa, vì đường còn xa, hơn 30 dặm.

    - Ồ! Xa quá! Thầy nên nghỉ lại đêm nay, xin thầy ngủ trong phòng và giảng pháp cho con.

    - Không thể được. Chiều nay ta phải kho nấm để sáng mai chư Tăng dùng bữa.

    - Các thầy trẻ khác sẽ làm việc của Thầy. Đâu có gì quan trọng lắm nếu thầy vắng mặt!

    - Chú học tăng trẻ! Chú không hiểu nổi. Trách nhiệm điển toạ được truyền thừa từ xưa đến nay chẳng khác gì truyền pháp. Việc nấu ăn có tầm quan trọng và giá trị sâu xa, một nhiệm vụ đã có từ thời chư Phật theo dòng chư tổ kế thừa nay truyền đến ta. Bổn phận này không thể giao cho người khác cũng không đổi chác với ai được. Trách nhiệm ta rất nặng nề, ta không thể ngủ lại đây đêm nay.

    - Thầy đã già, dung mạo trang nghiêm, đôi mắt chiếu ngời trí tuệ, sao lại đi nấu bếp? Con nghĩ thầy chỉ có việc học kinh và toạ thiền! Nhưng sao thầy phải lặn lội xa xôi thế này chỉ để mua nấm?

    - Học tăng trẻ ơi! Chú không nắm được diệu nghĩa của ngôn cú, yếu chỉ của văn tự. Chú còn cách đạo rất xa. Chiều rồi, ta phải về chùa.

    Đạo Nguyên chấn động khôn tả về lời lẽ của vị sư già. Ngài đã kể lại rằng: “Tôi bàng hoàng, choáng váng khá lâu và cảm thấy hổ thẹn”.

    Thiền sư bảo tiếp:

    - Câu hỏi của chú tự nãy giờ chỉ là lời lẽ suông, là tử ngữ. Nếu chú muốn có được hoạt ngữ, chú phải thấu hiểu ý nghĩa và giá trị của một “đạo nhân”.

    Tuy thiền sư trả lời đơn giản, Đạo Nguyên không hội ngay, nhưng ngài vẫn cảm nghiệm chân lý trong đó, vì thế Ngài không muốn từ giã thiền sư. Hôm sau Đạo Nguyên quyết định lên núi tìm thầy, đầu óc quay cuồng về việc chấp tác trong chùa, giữa lao động trí óc với lao động chân tay. Những gì ngài chấp chặt bấy lâu nay cho là đúng phút chốc đảo lộn tất cả. Làm việc đối với người tu thiền lý đáng chỉ có hành lễ, tụng kinh, toạ thiền; nhưng một thiền sư già lại cất công lặn lội xa xôi chỉ để mua nấm về nấu ăn thì quả thật vượt mức hiểu biết của Đạo Nguyên.

    Đạo Nguyên đến chùa Keitokuji vào giữa tháng 7, ngài dự tuần nhiếp tâm mùa hạ. Cuối tuần nhiếp tâm, vị sư già về quê. Lúc từ giã, Đạo Nguyên xin tham vấn sư lần cuối:

    - Ngôn ngữ là gì?

    - Một, hai, ba, bốn, năm.

    - Học đạo là gì?

    - Đạo ở khắp mọi nơi.

    Giản dị biết bao! Và Đạo Nguyên bừng ngộ. Sau này về Nhật, Đạo Nguyên đã viết: “Tôi hiểu thật sự và tận cùng TU là gì, tất cả nhờ lời khai thị của vị thiền sư già. Trước đây tôi cứ tưởng ngôn ngữ văn tự và kinh điển ở ngoài tâm. Tôi lại nghĩ: Toạ thiền và học kinh là hai việc khác nhau. TU và làm những việc thường ngày không dính dáng gì với nhau. Tôi đã cho rằng, chỉ có toạ thiền và cố gắng gìn giữ tác phong oai nghi của một nhà tu mới là tu. Nhưng vị sư già đã vén cho tôi thấy những việc đó chưa hẳn là phận sự của chính mình. Nếu nhận ra thì mọi việc đều quy về đạo, giữa lý và sự, giữa toạ thiền và trí tuệ thì không phân hai...”

    ...và lời dạy thiết tha nhất của Ngài là:

    Học thiền ...là ...gặp mình

    Gặp mình ...rồi... quên mình

    Quên mình ...trong...Phật tánh,

    ...là hội ...ngộ...bổn tâm...

     

    (Tham khảo tài liệu của Kaside và Deshimaru)

  • …phút giây này …vô tận…

    …hoa nở …có một lần…

    …gió…sương …trong nắng sớm…

    …ta mãi…cùng nhau thôi…

  • Lắng nghe .... khoảnh khắc này!

    Không còn thời gian

    Không gian là vô tận

    Hoa nở, hoa tàn, hoa lại nở

    Chờ cho trăng rụng, hương đầy nón

    Ngắm trong nắng sớm

    Tiếng hoa rơi!

  • Xuân

    Cỏ tựa như... da

    Cả trời trong... mắt

    Gió ...như hơi thở

    Nắng...trong tim...

     

    (Cho em)