Nam mô A Di Đà Phật

Nam mô Gu- Ru

Con đã đọc cuốn "Mật Tông vấn đáp"  trên mạng. Một niềm rung động sâu sắc tràn ngập trong con. Cuốn sách đã chỉ cho con, con đường sáng mà con hằng tìm kiếm lâu nay. Tuy nhiên, con vẫn còn vài điều phân vân, muốn bạch lên Thầy, mong Thầy giảng thêm cho chúng con. Chúng con xin cảm tạ công đức Thầy.

Hỏi:

  1. Để học tu mật, người tu có nhất thiết phải qua học khí công Dưỡng Sinh không? Con nhờ học KCDS mới được biết Thầy và có thể có cơ duyên được Thầy tiếp tục dạy sâu. Còn những người không học KCDS thì bằng cách nào để tìm được minh sư để học Mật Tông? Vì Mật Tông là hiếm.
  2. Người học tu mật có phải (cần) gặp Thầy dạy để trình bày nguyện vọng tu của mình không? Hay tự nhiên mà được Thầy nhận là học trò, tự nhiên mà được thông công với Thầy?
  3. Nếu không gặp trực tiếp Thầy, người tu thầm phát nguyện lớn và tín tâm tu mật, lặng lẽ hành trì thì Thầy dạy có biết và chứng (nhận học trò) để dạy không?
  4. Ai cũng có thể phạm lỗi trong đời cũng như trong đạo. Trong quá trình tu mật, nếu người tu mắc lỗi ( phạm giới) thì có được Thầy chỉ lỗi cho để sửa và được tha thứ không? Hay bị "rớt" ngay? Và khi đã phạm giới thì có tiếp tục tiến tu được không?
  5. Người tu mật khi đã phát nguyện, nếu chưa có gia đình có phải phát thệ nguyện không lập gia đình không và người đã "trót" có gia đình có phải phát thệ nguyện cắt đứt duyên trần không?
  6. Người tu mật chỉ biết tu với Thầy mình hay có thể đồng tu (chia sẻ) với bạn hữu cùng môn phái?

Thưa Thầy, những câu hỏi con nêu trên có thể không có ý nghĩa gì theo thời gian nhưng hiện chúng là những khúc mắc trong lòng con. Con mong Thầy giảng cho con ạ.

Thư con viết dài dòng và lủng củng lắm ạ! Con xin sám hối!

Học trò kính thư/


Ngón tay của Phật/Sắp đặt/Ba gàn

. . . . . . . . . . . .

(Mô Phật, cuốn "Mật Tông Vấn đáp" không phải do Thầy Bùi Long Thành hay chư huynh viết, mà tác giả là  Ngài Mật Nghiêm. Tuy nhiên nội dung và ý chỉ trong đó rất phù hợp với Khí Công Dưỡng Sinh.)

Đáp:

1/ Nhất thiết phải học qua Khí Công Dưỡng Sinh để có ân điển thiêng liêng gia trì. Nếu không có điển quang thì không thể học Mật. Mọi khế ấn(Mudra) Thần chú(dalani) và linh phù(mantra) nếu làm bằng thể dục là vô tác dụng.

2/Khi có tâm thành và phát nguyện tu học thì Hộ Pháp sẽ dẫn dắt để gặp bổn sư của mình. Khi vừa gặp người ấy, dù trước đó chưa biết mặt cũng tự nhiên xúc động, bật ra tiếng khóc, tự nhiên có lực vô hình điều khiển mình đảnh lễ thầy và tự nhiên trong lòng mình mừng vui vô hạn. Những người như vậy đã là học trò từ tiền kiếp thì không rớt nửa chừng. Còn những người chỉ qua danh tiếng của Thầy mà đến với tâm phán xét và lòng ham pháp thuật thần thông thì thường bị rớt nữa chừng. Do vậy thường ơn trên thông qua thầy sẽ dùng nghịch pháp để làm những người giả tu lộ nguyên hình.

3/Giai đoạn đầu nhất thiết phải qua sự hướng dẫn của bổn sư mình. Vì khi mới nhận ân điển thiêng liêng gia trì, thì điển quang và cơ thể người trò chưa hợp nhất, rất dể xảy ra tai nạn và người trò rất dễ lạc vào Thần đạo.

Người Thầy sẽ nhìn qua lời ăn tiếng nói, hành động cư xử giao tiếp và thích ứng tình huống của người trò để tùy theo đấy mà mà dạy pháp. Như vậy  người trò tu giới và làm Phật sự độ sanh, rèn tâm dưỡng tánh là chính. Còn thần thông, Phật lực là do bổn sư mình ấn chứng cho và nó chỉ là phương tiện thiện xảo giúp mình tu học và độ sanh có hiệu quả hơn mà thôi.

Chỉ khi nào người trò trả hết nghiệp nơi chổ của Thầy, thì hành đạo mới hanh thông, còn nếu không thì khi ra đời sẽ gặp nhiều chướng ngại khó vượt qua. Thường Thầy sẽ tạo ra nghịch pháp để học trò trả nghiệp. Và đây là giai đoan học trò nếu không đủ đạo tâm sẽ bị rớt.

Sau này khi đã là vị huynh lớn đầy đủ đạo hạnh và vượt qua thử thách của đời và của đạo, thì người ấy mới được phép thông công học với thầy từ xa. Trước đấy đã được Thầy ấn chứng cho công năng thông công với thầy học cách không được, nếu không sẽ là hoang tưởng và học cách không như vậy khi chưa đủ độ tịnh của tâm rất dễ lạc vào tà đạo, cuối cùng sinh ngã mạn và rời khỏi bổn môn.

Nếu có người tu thầm phát nguyện lớn và tín tâm tu mật, lặng lẽ hành trì thì các bậc tu chứng lúc hành công sẽ phát hiên ra trong tâm linh và sẽ âm thầm gia trì lực để họ tu học chứ không nhận làm học trò vì nhận học trò thì phải kiểm tra giới hạnh và tạo ra các nghịch pháp để thử thách họ vượt qua.

Nếu người tu mật được điển quang bổn sư mình gia trì thì tự nhiên khế ấn sẽ vẽ linh phù vào huyệt Lao Cung ở hai gan bàn tay và Dũng Tuyền ở hai gan bàn chân của mình.

4/Khi phạm lổi nặng như xúc phạm chư Tổ và bổn sư mình, mượn đạo tạo đời làm mất uy tín của bổn môn, thì Hộ pháp sẽ đuổi, khiến họ không thể tiếp tục sinh hoạt trong đạo tràng được nữa dù thầy có thương không nói gì cũng vậy. Khi đã rời bổn môn họ vẫn còn điển quang để bảo vệ sức khỏe của mình. Nhưng không học lên cao được. Nếu họ lại tiếp tục lợi dụng điển quang để làm bậy, sẽ bị phạt rất nặng.

Còn trong tu tập phạm các lỗi khác, thì sám hối tu sửa và làm Phật sự để chuộc lổi, chứ không bị rớt.

Thường mọi lổi nặng bắt nguồn từ việc người tu Mật, lẩn lộn Thầy mình với thể xác của Thầy, lẩn lộn mình với thể xác của mình. Khi ấy chư vị Thần Linh và Hộ Pháp sẽ dùng thể xác bên ngoài để hiển thị nghịch pháp, nhằm đo lường xem người học đạo có bị phan duyên theo các trần cảnh không. . . hề hề. . .Đây là lúc người chưa đủ đạo tâm sẽ bị rớt.

5/ Người tu Mật không buộc phải không có gia đình.

Tuy nhiên nếu còn quan hệ tình dục thì sẽ không lên bậc thượng thừa được.

Nếu trường trai, ly dục, giữ giới nghiêm mật, thì sẽ tiến lên Phật thừa, còn nếu không, thì tùy theo đấy thuộc Thánh Đạo hay Thần đạo mà thôi.

Nếu vị sư trưởng giới hạnh ngày càng cao thì phong trào của ông ấy sẽ ngày càng phát triển rất lớn rất vĩ đại, làm ít mà hiệu quả nhiều, văn tài và Phật lực của vị ấy sẽ ngày càng cao hơn, có tính độc đáo và sáng tạo, không sáo mòn kiểu tâm trí. Khi ấy dù kẻ tiểu nhân và Thiên Ma có ra sức phá hoại, thì pháp môn và phong trào của ngài ấy nhờ chư Phật sở hộ niệm vẫn cứ phát triển rất mạnh.

Nếu vị sư trưởng ấy phạm giới thì phong trào của ông ấy sẽ co lại và dần dần bị tiêu diệt đi.

6/Người tu Mật chẳng những tu học với bổn sư mình mà còn có thể giao lưu học tập với bạn đồng tu. Tuy nhiên các khế ấn, linh phù và dalani thì không được tự ý trao truyền cho  người khác. Nếu không, vì chưa đủ đạo lực các vị Hộ Pháp Thần sẽ phạt.

Mô Phật

Tớ là Cu Tý ở gần Ông Mập thì nghe ổng nói vậy. Nhưng có nghe nhầm chổ nào không thì hổng biết nữa. . . .khi nào gặp Ông Mập thì hỏi ổng, Bửa nay ổng đi chơi rồi chưa về. . .hề hề.

Cu Tý/ Nghe lóm Ông Mập nói rồi ghi lại, coi chừng đừng tin là thiệt. .  .hềhề. . .