Hành hương Kailash (4)- Luyện công ở Thung Lũng Tử Thần

Vân du

Vân du
Bài viết phóng sự dài, nhật ký khí công.

Hành hương Kailash (4)- Luyện công ở Thung Lũng Tử Thần

  • Comments 4

1/ Vài hình ảnh luyện công ở Hồ Mansarovar /Tây Tạng/8/2013:

Thăm Tháp Phật Ca Diếp ở thủ đô Katmandu /Népal/8/2013

 

Vườn Tháp chùa lớn ở thủ đô Katmandu/Népal/8/2013


Ăn cơm trên xe/ Từ Katmandu đi Tây Tạng /8/2013

 

Vực sâu muôn trượng thác buông mình/ Con đường mây trắng/Népal

 

Ruộng bậc thang/Népal

 

Rửa sach bụi trần, trước khi đảnh lễ Phật và luyện công/ Hồ Mansarovar/Tây Tạng/ 8/2013

 

Đảnh lễ Bồ Tát Quan Âm chủ trì hồ thiện Mansarovar /Tây Tạng /8/2013

 

Luyện công ở Hồ Mansarovar /Tây Tạng/8/2013

 

Mớm mồi cho con

 

Anh em bốn biển một nhà. Những người bạn Népal và Tây Tạng /8/2013

>>>>>>>

2/Theo vòng Kora Sambala /Tây Tạng /8/2013:

(Nhất bộ nhất bái)

 

Một mình theo gió lông bông

Đi tìm giọt mộng, giữa đời đục trong

 

Đoạn cuối vòng Kora. Theo truyền thuyết thì phải đi kinh hành theo vòng Kora Sambala 18 vòng mới được vào núi thiêng Kailash. Khi đi thì phải đi thuận chiều kim đồng hồ. Người đi ngược lại là đạo Bon. Khởi đầu là Tháp Hộ Pháp và chùa Chuku. Khi đi hết vòng 53km là quay về trở lại chùa Chuku. Nhưng trên thực tế, khách hành hương phải ở tại thị trấn Darchen, cách chùa khoảng 10km. Cho nên khi quay về cũng là về lại nhà nghỉ của mình ở Darchen. Thường khách hành hương đi hết vòng Kora đã xem là thành công. Hầu hết các đoàn số người đi hết vòng Kora chỉ khoảng 1/3. Số còn lại bị sốc độ cao và tai nạn phải quay về Katmandu hay Lasha. Sau khi quay về Darchen kết thúc vòng Kora. Cả đoàn hạ quyết tâm, ngay sáng hôm sau, theo thầy leo lên núi thiêng Kailash để nhận gia trì lực hành công tại trung ương Mandala Ngũ Trí Như Lai.

 

(Trên đỉnh cô đơn)

Giữa đồi núi chập chùng. Trên đèo thiêng hoang vắng. Ta im lặng. Ngựa cũng không biết nói. Hạnh phúc thật.

 

Đi kinh hành trên thảo nguyên

 

Những đỉnh núi hình Kim Tự Tháp/ Thành Thiên Đế/ Tây Tạng /8/2013

 

Đi theo vòng Kora Sambala /Kailash/8/2013

>>>>>>>

3/ Đi chơi đi:

Đi chơi đi

Đời người sống mấy lăm hơi

Không chơi cũng phí

Tiếc gì công danh. . . hề hề. . .

 

Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ

Người khôn người đến chốn lao xao

Thu đi Kailash, đông đi Tạng

Xuân tắm hồ băng hạ tắm trăng

 

Thầy thường bảo "Lưu thủy bất tranh tiên" nghĩa là nước chảy không dành nhau chảy trước. Đoàn mình đi đông vui như dòng nước chảy về đại dương của Phật. Thế nhưng nhớ lời thầy dạy mình không tất bật. Ai khỏe, ai vội cứ đi trước, còn mình thì cứ từ từ, vì vội thì dù ngồi ngựa cũng sẽ mệt. . .

 

Leo lên chùa Chuku/Tây Tạng/Sambala/8/2013

 

Ngày kia mây đến thăm chùa

Chuku Tây Tạng được mùa tuyết liên

 

Luyện công ở chánh điện chùa ChuKu/Tây Tạng/Kailash/2013

>>>>>>>>>

4/ Đường vào Thung Lũng Tử Thần:

Click here to play this video

>>>>>>>>

5/ Vài hình ghi vội ở Sambala Tây Tạng/8/2013:

(Đường mòn từ Darchen đi chùa Chuku)

Con đường mòn nhỏ xíu

Lang thang trong ngút ngàn mây khói

Đi giữa cỏ và gió

Có con sông lông bông chạy theo,

Mang theo bóng mây

Chở đầy yên lặng.

 

(Quán bên đường)

Bây giờ Kailash đã làm du lịch. nên trên con đường đi theo vòng Kora tâm linh ở Sambala. Thỉnh thoảng tại các chỗ nghỉ. Đều có quán của người Tạng. Bán nước uống, trà, sữa trâu Yik và thức ăn đóng gói . .v v . . . Cũng có vài lon nước uống, vài lon bia. . . Nhưng nói chung nghèo nàn, chẳng có gì. Quán thường kê bàn chung quanh. ở giữa là cái lò đun bằng phân trâu Yak, luôn luôn đỏ lửa. Quán thường là cái lều vải lớn. Nhưng cũng có khi vách trét đất. Trần cũng bằng đất nện kiểu Tạng. Cây dương được sử dụng nhiều trong xây dựng và nôi thất. . .v.v. . .Chủ quán nào khá giả cũng có xe gắn máy Trung Quốc phân khổi lớn để thồ hàng lên núi. Văn minh Âu Tây cũng bắt đầu xâm nhập xứ Phật huyền bí. Thanh niên nam nữ người Tạng đã biết mặc quần bò, áo thun rằn ri chim cò đủ màu. Xài điện thoại di động Trung Quốc. Mở nhạc và lắc lư theo các điệu nhạc kích động Âu Mỹ. Cứ đà này chắc chỉ ít năm sau xứ Phật cũng sẽ được hiện đại hóa. Chắc khi ấy người Tạng tụng kinh bằng tiếng Trung Quốc, nhưng giao dịch thì bằng tiếng Anh. . . . hề hề. . . .

 

(Đường về xứ Phật)

Nếu người nào đủ sức khỏe và không bị sốc độ cao, thì đi bộ theo vòng Kora rất thú vị. 53km chứ mấy.

Cảnh đẹp mê hồn. Hùng vĩ và hoang dại. Núi cao thật cao. Sông sâu thật sâu. Thảo nguyên rộng thật rộng, bao la và mênh mông. Trời lạnh, không khí sạch và mát. Thấy cái gì cũng đẹp hơn, rực rỡ hơn, thắm màu hơn ở những nơi khác.  Bên tai gió hú. Dưới chân suối reo. Trên đầu chim trời quang quác, mây trôi phiêu du. Chợt thấy chuyện đạo chuyện đời tự nhiên bay đi đâu mất. Đứng trên đỉnh đèo này hú chơi một tiếng. . . Gió mang tiếng hú đi, ngân nga tràn ra khắp thế gian. Chư Thiên mang tiếng hú đi, xuyên qua trời xanh đến tận nơi vô cùng vô tận. Chư Thần mang tiếng hú đi, như sợi chỉ nhỏ, xuyên qua đất tối đen, xuyên qua hỏa ngục rừng rực lửa, đến tận nơi vô thủy vô chung, hiệp cùng năng lượng sống. . . .

Haha. . ha . . .ta đi chơi trời đất cũng đi theo. Đời người mấy lăm năm mà hăm hăm hở hở.

Hoa nở là hương đi, hoa chưa tàn hương thơm đã sang bờ giác. . . .

 

Trời thênh thang

Đất thênh thang

Nhét cái thênh thang

không đầy cái lỗ mũi bên đàng thiên lý

 

Chuku. . . Chuku

Núi đỏ cao hơn trời

Chùa nhỏ nằm chơi bên vách đá

Dốc cao lao xao cây tầm ma

Tám năm rồi bây giờ ta trở lại

Giọt mồ hôi ngày đó

Bây giờ vẫn mặn trên môi

Nước sông Lai Chu vẫn trôi dưới cầu Đá

Haha. . . ha. . .

Gió lạnh thơm hương trà

Hóa ra

Phật Trời Thần Thánh vẫn chờ ta

 

Tuyết tan

Nước chảy tràn suối vắng

Núi đá trời nắng to

Quạ kêu giữa ngọ

Bên núi Quan Âm

Bàn chân lặng câm lò dò

Tìm đường vượt qua Không và Có

 

Ta đi trong hoang vu

Rũ sạch mọi ngục tù khái niệm

Chẳng vọng niệm chẳng chánh niệm

Ăn uống ngủ nghỉ hay đi chơi

Làm việc đời hay đi nhậu

Ta chẳng cần tậu cho mình một Thượng Đế để mà theo

Khi ngươi biết ngươi chẳng phải cơ thể nầy

Khi ngươi biết ngươi chẳng phải tâm trí nầy

Khi ngươi biết, ngươi chính là cái thằng cù nhầy đang sử dụng

Thế thì tự do

Thế thì hoạt dụng.

 

Dây cát tường căng qua sông sâu

Hay đây là cây cầu của nắng?

Để gió khỏi băn khoăn

Khi băng qua con sông ngông xứ Phật

 

Cưỡi ngựa rong chơi xứ Phật

Đất là đất, không cần đất hóa lưu ly

Núi là núi, không cần núi hóa kim ngân

Cây là cây, cỏ là cỏ, nước là nước, không cần biến thành thứ khác.

Mỗi thứ, mỗi một sự vật, tự thân nó là giá trị “duy nhất một”, không thể so sánh với bất kỳ cái gì khác.

Ta là ta, ngựa là ngưa.

Vó ngựa nện trên đường nghe rõ mồn một chẳng lẫn vào đâu được.

 

(Trâu Yak thồ hàng vượt đèo Drolma)

Đường mòn vượt qua đèo Drolma thiêng liêng của Mẹ Tara Xanh. Dốc cao vực sâu. Chỉ có ta và đá. Chỉ có quạ và tiếng kêu buồn bã. Chỉ có tuyết trắng lạnh lẽo hoang vu. Chỉ có gió hú trên đỉnh Rìu Nghiệp Lực và bóng mây lang thang trên mặt hồ Đại Bi xanh màu xanh ngọc bích. Trời nắng to. Trâu Yak thở phì phì vừa đi vừa phẩy đuôi trên sa mạc đá. Ta cười hì hì đi phía sau. Vừa đi vừa lặng yên giao cảm. Để cái hoang tàn ngổn ngang, mặn và mênh mang, cay cay, lắc lay con tim ta.

Ha ha. . . ha. . . Trong hoang vu, ta thấy đá đang phập phồng thở.

Mỗi viên đá là một trái tim.

Trong vô vàn con tim đá.

Con tim nào là của khách hành hương đã bỏ mạng trên đỉnh đèo thiêng hoang dã?!

 

Trong nắng vàng mong manh. Chúng tôi đi thành một đoàn dài trên thảo nguyên lộng gió. Hai bên là những dãy núi đá lặng yên, mây vờn quanh đỉnh. Thác đổ từ trên trời xuống vực sâu. Và con sông đang chảy lấp lánh ánh mặt trời. Thảo nguyên xanh tươi, rực rỡ với những đám hoa dại đủ màu đang mỉm cười trong gió lạnh. Mọi người trong đoàn đều đã quen với độ cao và khí hậu lạnh. Nên suốt quảng đường cười nói râm ran. Hên thật là hên. Mấy người Tạng dắt ngựa cho hay. Mới hôm qua đây trời còn mưa lạnh. Mây mù che khuất. Không thể thấy ngọn Kailash, cũng như các dãy núi chung quanh vòng Kora. Thiếu ánh sáng, chụp hình và quay phim rất xấu. Đường trơn, gió lạnh, ngựa thường trợt chân khi qua đèo qua núi, nên không thể đi ngựa được. Rất nhiều đoàn khách nước ngoài cực khổ lặn lội đến đây, đều phải quay về vì mưa mãi chẳng chịu tạnh. Thế mà khi chúng tôi vừa đến Darchen, trời liền hửng nắng. Du khách ít, nên thuê trâu và ngựa dể dàng. Đường lại dể đi nên qua đèo an toàn. Mọi người chụp hình quay phim thoải mái. Hề hề. . . Đúng là trời đãi kẻ khù khờ, hên thật là hên.

 

Hên thật là hên. Khi chúng tôi bắt đầu đi kinh hành theo vòng Kora ở Sambala. Trời đang mưa lạnh, liền chuyển sang nắng ấm.

 

-  Anh cưỡi, nhưng tôi dắt. Khi nào anh biết cưỡi ngựa. Anh mới có thể tự cưỡi. Còn bây giờ, núi cao vực sâu. Nếu để anh tự cưỡi. Có thể anh và ngựa sẽ rơi xuống vực.

Này Cỏ May, cũng vậy khi ông mới tu. Hãy sống trong giới luật của Như Lai. Khi nào ông chứng hạnh bất nhiễm thì mới không giữ giới mà giới nào cũng gồm đủ.

 

Một Mình đi vào nơi không biết. Không biết thế mà vẫn an. An ấy là bản chất của định.

Bây giờ chẳng phải Một Mình.

Cũng chẳng phải là hai.

Chẳng phải Thần Linh, chẳng phải phàm phu.

Mà là thiêng liêng hiển thị qua bình thường

Thế thì ai có đó mà an với không an?

Thế thì ai có đó mà Vô Úy với Thí Vô Úy chứ ?!

 

Núi đá là nhà của mây

Mây đến rồi mây đi

Nhưng núi đá vẫn không đi

Vẫn đứng đấy với hư không rỗng lặng

Thực tại nầy là nhà của Ma và Phật

Ma đi Phật đến

Thực tại vẫn nguyên si

Chẳng vô vi chẳng hữu vi

Vẫn diệu hữu cùng trí tri rỗng lặng

 

Ta đi theo bóng mây rong chơi

Ta về khi mưa lạnh bay đầy trời Kailash

 Vốc một nắm tuyết trên đỉnh non thiêng

Trộn với nắng của thảo nguyên yên lặng

Ta nặn thành tượng Phật

Hiền như đất

Tặng cho cõi đời tất bật để làm tin.

 

(Lạt Ma tái sinh?)

Tái sinh xin chớ làm người

Làm Lạt Ma đứng giữa đười nam mô

 

(Kailash nhìn từ chùa Dirapuk)

-          Thưa cụ, ngọn núi tuyết kia có phải là Kailash?

-          Đúng vậy, nó còn gọi là Ngân Sơn hay Tu Di Sơn

-          Thưa cụ, 2 núi 2 bên là gì?

-          Núi bên phải là núi Quan Âm, núi bên trái là núi Đại Thế Chí. Đó là 3 ngọn núi thiêng người tâm linh gọi là Di Đà Tam Sơn, biểu thị của Di Đà Tam Tôn trong Mandala Ngũ Trí Như Lai. Di Đà Tam Sơn đối diện với chùa A Di Đà (Dirapuk) dưới chân đèo Drolma.Thung Lũng Tử Thần nằm kề bên Di Đà Tam Sơn, muốn vào phải đi men theo chân núi Quan Âm. Thung Lũng Tử Thần nằm giữa núi Quan Âm và núi Văn Thù. Phía trong sâu, tận cùng của Thung Lũng Tử Thần là Thiên Sơn đó là núi Gương Lõm quanh năm tuyết phủ do Vua Cha quản lý. Ngọn Thiên Sơn liên thông với ngọn Kailash thành một dãy núi thiêng, năng lượng gia trì rất mạnh. Nếu luyện công ở Thung Lũng Tử Thần rồi, thì hóa thân người hành hương sẽ có ấn lệnh để vượt đèo Drolma của Mẹ Tara Xanh.

 

(Ngồi chơi trên sông băng)

 

- Thưa cụ, vào Thung Lũng Tử Thần mình niệm kinh gì, niệm thần chú gì, để an toàn không nguy hiểm?

- Nghe gió niệm kinh gì thì niệm kinh ấy

- Dạ làm sao nghe được

- Tánh nghe

- Dạ, nếu không nghe được kinh của gió niệm thì làm thế nào?

- Nghe, suối niệm kinh gì thì niệm kinh ấy?

- Dạ làm sao con nghe được

- Ai có đó mà nghe, Cái Nghe nó tự Nghe.

- Dạ, nếu không nghe được kinh của suối, thì làm thế nào?

- Nghe kinh của đất đá niệm, để niệm theo

- Dạ, con bị nghểnh ngảng làm sao nghe được

- Không phải Nghe bằng cái tai máu thịt thì dính dáng gì đến nghểnh ngảng chứ.

- Thưa cụ, pháp giới không có miệng, không có tai thì làm sao niệm kinh được chứ?

- Pháp giới không có miệng, không có tai. Vậy chứ ai luận đạo?

 

Tám năm trước, khi từ Thung Lũng Tử Thần quay ra. Ta đã dẫn 2 người nữa, vượt qua cái sườn đồi xanh xanh trước mặt, để leo lên đèo Drolma. Chứ không quay về chùa Dirapuk. Khi leo được một nửa sườn đồi còn chưa tới đường đèo, thì 2 người kia đã mệt nằm xỉu. Ta phải phát công trợ lực mãi, họ mới la lết đi tiếp được. Rút kinh nghiệm lần ấy. Kỳ này ta đưa mọi người về chùa nghỉ ngơi. Sáng ngày mai mới vượt đèo Drolma thì an toàn hơn.

 

(Khăn Hàng Ma)

-          Này Ba Gàn, lần nào ông đi Tây Tạng, cũng đều có khăn Tu La thỉnh ở các nơi linh thiêng mang về. Vậy lần nầy ông có khăn Tu La không, cho mình xin một cái?

-          Không có khăn tu la. Nhưng thỉnh được khăn Hàng Ma. Nhưng sợ ông không dám nhận đấy chứ?

-          Sao lại không dám nhận?

-          Hề hề. . . .Đó là cái khăn lau mặt nhưng dính đầy máu cam của mình. Lúc đang đi hành hương tu học ở Kailash. Mình bị sốc độ cao, chảy máu cam và sốt liên tục. Mối lẫn chảy máu cam nhiều, mình sợ chết, nên thối chí muốn quay lui. Con Ma trong tâm mình không chấp nhận gian khổ. Nó muốn mình chỉ ngồi nơi bình an, thọ dưỡng và tán dóc. Nên từng giây từng phút nó xúi mình bỏ tất cả lập tức quay về. Thế nhưng mỗi lần mình hành công, thì Tâm Bồ Đề kiên cố lại tỏ rõ quyết tâm phải tiếp tục đi. Cuộc chiến đấu trong nội tâm mình ngày nào cũng xuất hiện và lần nào Tâm Bồ Đề cũng chiến thắng. Nên mình mới đi tiếp cùng đoàn. Và nhờ vậy mà mình đã thành công. Cho nên cái khăn dính đầy máu cam này, mình gọi nó là khăn Hàng Ma. Nó dính đầy chất bẩn và máu cam của mình. Mình giữ nó như một kỹ niệm ngày mình tự chiến thắng chính mình. Nếu ông muốn thì mình tặng cho ông.

-          Hề hề. . . .mình cảm ơn. Nhưng mình không nhận đâu. Rồi mình cũng sẽ có cái khăn Hàng Ma của chính mình. Nhưng hy vọng là nó sạch sẽ và không dính máu cam như khăn của ông.

 

Sau khi vượt qua đèo Drolma, luyện công ở Hồ Đại Bi và Rìu Nghiệp Lực. Do không khí loãng và dùng sức quá nhiều, chúng tôi đều quá mệt. Lại gặp cái Dốc Lết dựng đứng, quanh co và trơn trợt rất nguy hiểm. Không thể dùng ngựa, phải đi bộ. Mọi người trong đoàn đều kiệt sức. Tưởng chừng không nhấc chân lên nỗi. Nhờ ý chí kiên định, nhờ may mắn và thiêng liêng gia hộ, chúng tôi mới vượt qua đèo an toàn. Chỉ có một trường hợp, một người do đuối sức trợt chân sắp lao xuống vực. May mà nhân viên cứu hộ đã kịp thời chụp lấy người anh ta và giữ lại. Chúng tôi ai nấy đều hết hồn. Xuống hết dốc là thật sự đã qua được đèo Drolma. Một của ải quan trọng và nguy hiểm trên vòng Kora. Chúng tôi ăn trưa và nghỉ ngơi ở cái quán ngay chân đèo.

Nhớ lại 8 năm trước. Lúc tôi đi Kailash lần đầu tiên. Kailash hoang vu chỉ có núi và thảo nguyên, không có hàng quán gì cả. Toàn phải đi bộ và phải mang ba lô nặng. Chỉ thuê được 2 người Tạng thì phải để họ mang trại và đồ ăn đồ uống. Lúc ấy khi qua đèo Drolma, xuống hết cái dốc nguy hiểm này, thì trời đã xẩm tối. Thầy và một người Tạng đi trước, kiếm chỗ dựng trại ngủ đêm ngoài trời. Chúng tôi dựng trại ngay tại chỗ bây giờ là cái quán. Hai người đi với Thầy, tối mịt mới mò về đến trại. Vừa về đến nơi liền nằm vật ra, lên cơn sốt, nóng li bì, không ăn không uống gì được cả. Thầy phải phát công trợ lực, đến khuya họ mới ngồi dậy được và đòi ăn. Gió thổi ào ào. Trời lạnh kinh khủng, mà cái trại thì quá mỏng manh không ngăn được gió. Nếu chúng tôi ngày ấy không có Khí Công thì đã bỏ mạng ở đèo Drolma rồi.

Bây giời đoàn khá đông, vượt qua đèo đến quán nghỉ ngơi chỉ mới quá trưa một chút. Bởi vậy chúng tôi lại lên ngựa đi tiếp về chùa ZutrulPuk, để đêm nay đảnh lễ Như Lai và luyện công ở đấy.

>>>>>>>>>

6/ Thung Lũng Tử Thần/Tibet/ 8/2013:

Click here to play this video

>>>>>>>>>>>

7/ Cùng cười chút chơi:

Đi Kailash tự nhiên tui gặp được một người. Người ấy tặng tui mấy câu thơ như sau:

Ở đời sao lắm kẻ ngu

Ở nhà tu hổng muốn

Muốn xách. . . .u về trời

Nghe xong tui không nói gì cười hề hề. . . cảm ơn.

 

Đại Ca Kailash

 

- Tớ có thần thông, chưa ăn đã biết trưa nay ăn gì

- Hề hề. . . .chắc ông đã chứng "Nhậu tận thần thông" rồi.

- Ngày nào cũng xơi món "nhất niệm" này, thì thế nào tụi mình cũng chứng "tâm chánh định"

- Hề hề. .  .nếu cứ thế này, ít bửa nữa chắc tớ chứng "tâm không" quá !

 

Nụ cười Kailash

 

Dzô !

(Nhậu ở Kailash mới oách. Chưa uống đã phê vì độ cao và không khí loãng. Mười thằng nhậu ở đây, chết hết 9, thằng còn lại là dân Tạng. Do vậy tụi này chỉ dám nhậu nước trà với hoa quả . . .hề hề. . . .)

 

Hồn nhiên

 

Chày Kim Cang và con Khỉ

 

Mô Phật

 

(Thổi ốc trừ tà)

Sư phụ bảo là cái võ ốc này chư Lạt Ma lấy từ hồ Mansarovar. Mình cứ thắc mắc mãi, không biết cái ruột ốc sư phụ bỏ đi đâu? Không khéo phí của trời!

>>>>>>>>>>

8/ Thung Lũng Tử Thần (Tiếp theo):

Click here to play this video

>>>>>>>

9/ Đường vào chùa Dirapuk /Kailash/Tây Tạng/2013:


Đường vào chùa Dirapuk /Kailash/Tây tạng/8/2013

 

Khăn tu la /Chùa Dirapuk /Kailash /Tây tạng/82013

 

Vườn Tháp chùa Dirapuk /Kailash/Tây tạng/8/2013

>>>>>>>>

10/ Tiến vào thung lũng Tử Thần /Kailash/Tây Tạng/8/2013:

8 năm trước, Thầy đã có dịp vào thung lũng Tử Thần luyện công, nên biết đường đi. Từ chùa Dirapuk vào chỗ luyện công là một bãi cỏ lớn sát chân Thiên Sơn, tận cùng của thung lũng Tử Thần, đoạn đường khoảng 5km bằng phẳng nên có thể đi ngựa để tiết kiệm sức lực.

 

5km còn lại phải qua suối, gộp đá, gò cao, đường núi cheo leo nguy hiểm. Nên không thể đi ngưa. Vã lại dân Tạng không dám vào Thung Lũng Tử Thần, nên không thể cho ngựa và người dắt ngựa vào được. Thuyết phục mãi thì mới có 5 người cứu hộ Népal và mấy người Tạng mang ba lô máy móc dụng cụ mới cùng vào thung lũng Tử Thần với chúng tôi. Còn ngựa và người dắt ngựa ở lại. Như vậy tổng cọng đoàn 39 người. Gồm chúng tôi 17 người,  5 người cứu hộ và 17 người mang ba lô dụng cụ.

 

Đi bộ từ từ tiến vào Thung Lũng Tử Thần /Kailash/Tây Tạng/8/2013


Đi giữa núi Quan Âm và núi Văn Thù, men theo con suối từ Thiên Sơn (núi Gương Lỏm) chảy ra. Không khí loãng, áp suất ép tim, đường đầy đá, nhiều dốc cao, gộp đá cheo leo và phải vượt suối nước lạnh chảy mạnh nên đi rất vất vả. Nếu không đủ thể lực thì không thể vào thung lũng Tử Thần được.

 

Vượt qua con suối Tuyết

 

Trời nắng to, tuyết ở Thiên Sơn tan ra. Con suối cạn bổng thành hung dữ, tung bọt gầm réo. Lúc vào chúng tôi vượt qua được. Thế nhưng khi về, nước lớn quá không thể lội qua. Nên đành phải men theo bờ núi đá để về chùa rất mệt.

 

Vượt qua những quả đồi đầy đá khá cao, quá mệt, vì không khí loãng, thể lực suy giảm rất nhanh. Phải thở nội lực và điều khí để đi. Người Tạng và Népal là dân ở độ cao đã quen, thế mà vào đây cũng thấy quá mệt, huồng hồ là du khách nước ngoài.

 

Nghỉ mệt dưới chân núi Quan Âm

 


Ngồi chơi bên bờ suối tuyết

 

Theo truyền thuyết và niềm tin của dânTạng, thì qua 2 hòn đá này là ranh giới nguy hiểm của Thung Lũng Tử Thần. Bởi vậy đến đây, Thầy đã một mình đi vào Thung Lũng Tử Thần trước để kiểm tra độ an toàn về năng lượng và tâm linh.

 

Trước mặt là Thiên Sơn (núi Gương Lỏm) của Vua Cha. Bên trái là Núi Văn Thù. Bên phải là núi Quan Âm. Dưới chân là Thung Lũng Tử Thần của Tử Vương Lama.

 

Thiên Sơn của Vua Cha (Đai Phạm Thiên Vương) liên thông với ngọn Kailash của đức Tỳ Lô Giá Na Phật. Cả hệ thống này luôn luôn phủ đầy tuyết trắng, phản chiếu ánh sáng mặt trời, gây nguy hiểm cho người vào thung lũng Tử Thần. May mắn hôm chúng tôi vào tuyết tan hết nên chỉ thấy hơi mệt và rất thú vị. Chả có gì nguy hiểm cả. . . .hề hề. . .8/2013

 

Hề hề. . . .vào đi. . . . chả sao cả. Vào uống trà rồi luyện công chơi./Kailash/Tây Tạng/8/2013

 


Đứng trên Thiên Sơn. Nhìn xuống Thung Lũng Tử Thần để tìm vị trí nơi hội tụ năng lượng mạnh nhất. Đó là nơi giao thoa năng lượng của 3 ngọn núi thiêng: Văn Thù, Quan Âm và Thiên Sơn Kailash. Đó là cái bải cỏ xanh mướt của Thung Lũng sát với chân Núi Vua Cha (Thiên Sơn). Về phong thủy đó là nơi tụ khí của Mandala này.

>>>>>>>>

11/ Một số hình ảnh buổi luyện công ở Thung Lũng Tử Thần /8/2013:

>>>>>>>>>

12/ Uống trà ở Thung Lũng Tử Thần/8/2013:

Hoa dại ở thung lũng Tử Thần

>>>>>>>>>>

13/ Luyện công ở Thung Lũng Tử Thần /Tibet/8/2013:

Click here to play this video

>>>>>>>>>

14/ Ngẫu hứng Kora:

Chỉ có ý chí và sự gia trì mới giúp chúng tôi vượt qua được mọi thử thách và hiểm nguy.

Có đi Kailash, mới thấy con người là nhỏ bé trước thiên nhiên vĩ đại. Sức khỏe và sự khôn ngoan của tâm trí giúp tồn tại được ở những nơi như thế này đã là khó. Còn nói chi đến việc làm chủ trời đất. Quả là ngã mạn. Khi sức tàn lực kiệt mà hiểm nguy chẳng biết lúc nào xảy ra. Mình đành buông xuôi tất cả. Chẳng còn sợ chết, cũng chẳng cầu chứng đắc một điều gì. Thì tự nhiên năng lượng gia trì bổng trở nên dũng mảnh lạ thường. Giúp mình đầy đủ thể lực và tâm lực, để hoàn thành vòng Kora và leo lên Kailash thành công kết quả.

 

Vết bàn chân của Tổ Sư Minarepa

 

Đi men theo hồ Đại Bi để đến chỗ Rìu Nghiệp Lực

 

Cưỡi ngựa rong chơi trên thảo nguyên /Tây tạng /8/2013

 

(Tiến vào Thành Thiên Đế)

 

(Chùa Zutrlpuk, nằm trên một vĩa đá lớn rất hùng vĩ)

Này Cỏ May. Khi luyện công ở chùa Zutrulpuk, ta chợt ngộ ra mấy việc như sau:

  1. Ông hãy nói ông yếu nhất thế thì khỏi phải gồng mình chứng tỏ lúc nào mình cũng mạnh hơn người khác.
  2. Ông hãy nói mình mới tập sửa hạnh cho tốt, chưa biết gì về đạo. Thế thì khỏi phải gồng mình chứng tỏ lúc nào mình cũng thông cũng hiểu hơn người khác
  3. Khi có ý đạo muốn chia xẻ cùng người tri kỷ mà có người khác ở cùng. Ông hãy dùng lời lẽ mộc mạc giản dị, nói ý chứ đừng nói cụ thể, để người kia khỏi vì việc của ông khởi tâm hơn thua hí luận và hí sự.
  4. Khi không có người tri âm tri kỷ. Nếu có người hỏi đạo. Thì ông hãy trả lời là “Không biết”. Và đóng vai người học đạo hỏi người ấy về việc tu học để người ấy có dịp ba hoa khoác lác. Hoặc là người ấy có dịp thể hiện cái tôi của mình. Có như vậy thì ông mới ung dung nhàn hạ với trò chơi của mình, khỏi bị bọn thiên ma hảm hại. Nếu người đối diện có hạnh khiêm cung, thì lâu ngày gần gủi, ông mới  dùng cái bình thường để biểu thị cái phi thường.
  5. Này Cỏ May, đó là nói về đạo mà như không nói. Tu mà tướng như phàm phu thì phàm phu mới không làm hại người tu.
  6. Hãy tự chê mình trước, hãy tự cười cợt cái xấu, cái còn giới hạn của mình trước. Thế thì kẻ xấu nhân thế mới thỏa mãn tự ái, mới để ông còn có cơ hội sửa sai tu tâm dưỡng tánh.
  7. Đối với Tướng và Pháp thì cả hai đều phải VÔ. Thì tu mà như không tu, dụng pháp mà như bình thường. Này Cỏ May, nhân quả đời nay, chánh tà không phải xử ở tòa án mà sẽ xử trên giường bệnh. Ông hãy tự giữ mình cho khéo.

 

(Cây Tầm Ma)

Trên hình, một người trong đoàn được nhân viên cứu hộ dìu để tuột xuống cái dốc. Để lấy thế, người ấy phải tựa một tay vào một đám cây lá màu xanh. Sau khi qua suối rồi. Tay người ấy liền đau nhức không chịu nổi. Nhìn bàn tay thì thấy có nhiều vết đỏ nhỏ như bị gai đâm. Thế nhưng cái lá này và cả bụi cây đều không có gai. Hỏi ra mới biết đấy là cây tầm ma. Lá nó có lông rất nhỏ có chất độc. Khi chạm phải. những cái lông nhỏ tí này sẽ truyền chất độc vào cơ thể. Khiến nạn nhân bị nhiểm độc rất đau nhức. Muốn hết đau phải vùi tay xuống tuyết hay xuống nước thật lạnh. Khi nào tay đỏ ửng lên thì sẽ hết đau. Còn nếu không làm vậy, thì nhức buốt suốt mấy ngày mới khỏi.

 

Ta cưỡi ngựa vào chơi nơi “không biết”. Ngựa ta đi phía trước, Tạng Ngao chạy phía sau. Mây bay theo trên đầu. Núi đá chấp tay hầu tả hữu. Hề hề. . . .niết bàn đẹp xem hoài cũng chán. Trần gian ngổn ngang mới thấy cũng hay hay. Nghe gió tụng kinh làm thinh. Nghe sông chảy xập xình chuông mõ. Lấy tiếng trâu Yak rống trên đèo thay cho tiếng đại hồng chung nơi chánh điện. Thảo nguyên mênh mông lặng câm, lắng nghe tiếng thánh chúng đang thì thầm bài tâm kinh của gió và cỏ. Tiếng băng tan như tiếng Phật đăng đàn thuyết pháp. Ôi! Con tim ta chợt nghe tiếng trời tan, đất vỡ , khi cái ngu ngơ hợp nhất với khù khờ.

>>>>>>>

15/ Ăn cơm, uống trà ở Thung Lũng Tử Thần /8/2013:

Click here to play this video

>>>>>>

 

(Còn tiếp: Hành hương Kailash(5) - Vượt qua đèo Drolma/8/2013)

  • NAM MÔ GURU DEVA DAKINI HUM,.....

  • Nam mô Du hí Thần thông tạng Bồ Tát Mahatat

    .       ...Đời lựa khách mời

          Trời lựa khách đời...

           Phật quang phổ chiếu

          Tâm Kinh không lời....

  • Nam Mô A Di  Đà Phật .

    Con tim rỗng không của cu Tý đang say say , lắc lư ,lắc lư........" Vậy chứ ai luận đạo ? ".  Ha ha ! ........