Hành hương Kailash (3)- Luyện công ở chùa Dirapuk /8/2013

Vân du

Vân du
Bài viết phóng sự dài, nhật ký khí công.

Hành hương Kailash (3)- Luyện công ở chùa Dirapuk /8/2013

  • Comments 4

Nụ cười Kailash/8/2013:

- Uống trà thì biết đang uống trà, ăn bánh thì biết đang ăn bánh. Nếu ham nói quên mất, thì tui ăn hết bây giờ

 

- Uống trà hay uống cà phê ? Hay là đạo đời song tu ?. . .

Đừng chần chừ lưỡng lự như tui. Sống hết mình, hợp nhất với sự vật từng khoảnh khắc, thì luôn tức khắc và tức thì.

 

Khi mới sinh ra liền khóc. Sống rồi mới biết đời thiệt tức cười. . . hề hề. . . .

 

Dù làm việc hay nhắm mắt khoanh chân ngồi im. Sông chảy cứ chảy.

Thôi thì trần truồng xuống sông tắm mát. Rồi lên bờ nằm khểnh mà ngủ. Sông chảy cứ chảy.

Còn tớ thì mắc mớ gì chảy theo cho mệt.

 

- Nè, chờ tớ dỡ đuôi lên rồi hảy chụp

 

- Ai cũng bảo, đi Kailash sợ nhất là ăn không được. Còn mình trái lại sợ nhất là không được ăn. . .hề hề. . .

 

Rất dài và rất to. . . .

 

- Xem kìa, các vị nam tu sĩ mặc quần áo đủ màu và vẽ sơn lên mặt ngộ chưa ?

- Nhưng tớ lại thích nhìn tu sĩ Jaina hơn.

 

Tui là Tạng Ngao, nuôi tui hơi tốn kém vì về Việt Nam thì phải có phòng máy lạnh cho tui ở.

 

Tuy mang kính đen, nhưng tui biết đời không phải màu đen. Cũng vậy thực chứng khác xa với cái thấy và cái biết.

 

Tui là Hòn Đá Lăn, tui làm công quả ở đây lâu năm rồi.

Tui đứng chờ đoàn hành hương nào đủ công đức đi ngang qua. Tui sẽ lăn xuống giúp cả xe họ đều nhập niết bàn khỏi cần tu cho mệt.

>>>>>

1/ Luyện công trong thạch động của chùa Dirapuk /Sambala/Tibet/8/2013

-          Thưa cụ, khi hành công đáng lẻ phải tịnh và yên lặng, chứ sao lại chuyển động như thế?

-          Này Cỏ May, mật pháp là bất tư nghì không thể giải thích được, chỉ có thể lỉnh hội qua kinh nghiệm thực hành mà thôi. Tuy nhiên ông có thể tạm hình dung kỹ thuật nhận gia trì lực tu học với vô vi của mật tông đại thừa như thế này:

Cơ thể ta như cái máy vi tính sinh học. Cái máy yên lặng không có biểu hiện gì là khi máy bị hư hay là không hoạt động. Khi cái máy hoạt động nó sẽ biểu thị qua hình ảnh và âm thanh. Có máy vi tính là để dùng học tập, thu nhận thông tin ứng dụng trong cuộc sống. Chứ có máy vi tính mà cứ tắt máy không dùng thì sắm làm gì. Dù cái máy ấy có lau chùi sạch sẽ, để nơi trang trọng, sắp xếp ngăn nắp trật tự với mọi đồ dùng khác. . . .thì cũng có ích gì đâu chứ!?

Còn tâm thức ta như phần mềm ứng dụng của máy. Bản năng sống với các phản xạ tự nhiên như là các file hệ thống.

Bây giờ nếu ông dùng máy mà không nối mạng internet để tải các phần mềm ứng dụng và tải các thông tin cần thiết để dùng trong học tập và làm việc. Thì cái máy vi tính chẳng khác gì cái máy đánh chữ. Và thông tin ông viết ra chỉ là cái biết hạn hẹp của kiến thức ông mà thôi. Bây giờ nếu cái máy ấy nối mạng, bài viết của ông sẽ được bổ sung và chứng minh bằng rất nhiều tư liệu quí báu tải từ trên mạng xuống. Và khi ông làm các việc về kỹ thuật chẳng hạn làm phim, sửa hình ảnh, làm âm thanh. . .v.v. . . ông có thể tải các phần mềm ứng dụng để tăng khả năng xử lý công việc của mình và sẽ ra sản phẩm hiệu quả hơn là khả năng thực có của ông. Cái đấy gọi là “gia trì lực” và phương thức tải tư liệu từ vô vi gọi là Mật Tông. Và cái mà người ta gọi là thần thông giống như các phần mềm ứng dụng tải từ trên mạng xuống. Nối mạng máy vi tính sinh học của mình với mạng internet của vũ trụ là qua pháp Đại Thủ Ấn (Mahamudra) và khả năng chắc lọc các thông tin hửu ích loại bỏ các thông tin không phù hợp gọi là “Nhận biết tỉnh giác” của Thiền. Máy tính sinh học của hành giả nối mạng được với vô vi của đại vũ trụ là thông qua mạng Wifi tự nhiên của trời đất. Trong đấy các Mandala, các nơi linh thiêng giống như là nơi mà mạng Wifi đủ mạnh để nối mạng làm việc dể dàng.

Này Cỏ May, Sambala và Kailash là Mandala của Ngũ Trí Như Lai. Nó là nơi mà mạng Wifi vũ trụ mạnh nhất, tư liệu tải xuống hoặc đưa lên mạng là rất lớn và rất nhanh. Bởi vậy mà ta phải đem máy tính sinh học của mình đến tận nơi ấy để kết nối với vô vi tải xuống các phần mềm ứng dụng trong tu học và cầu nguyện phát bồ đề tâm, thiện thệ là đưa thông tin lên mạng vũ trụ vậy. . . . hề hề. . . .

Bản năng sống như là các file hệ thống. Cái đấy khi sinh ra thượng đế đã cài sẵn rồi.Giống như khi mua máy tính thì người ta cũng đã cài sẳn các file hệ thống. Nhưng khi sử dụng máy tính. Tuỳ theo nhu cầu mình phải cài thêm các phần mềm ứng dụng khác mới được. Các phần mềm này khi cần dùng thì cài. Nhưng khi hết cần thì có thể loại bỏ ra khỏi máy. Nên gọi pháp là vô sở trụ và không chấp pháp. Khi luyện công là tải các phần mềm ứng dụng và loại bỏ các phần mềm đã không còn cần thiết nữa. Cái đấy gọi là “phụng tỉnh và phụng tống”. Ngoài ra là tải các thông tin để áp dụng trong tu học và cuộc sống.

Này Cỏ May, kinh sách giống như kiến thức trong sách. Còn các thông tin trong gia trì lực giống như kiến thức bao la mênh mông và luôn cập nhật trên mạng internet. Ngày nay nếu một người chỉ biết đọc sách mà không biết sử dụng vi tính và nối mạng để tải tư liệu, thì người ấy tự mình từ bỏ một phương tiện vô cùng hữu ích để học tập, làm việc và gia tăng khả năng trong cuộc sống.

Khi tải các thông tin từ mạng xuống máy tính. Nếu người ấy chưa nghiên cứu học tập, chưa sử dụng các thông tin này. Thì các thông tin ấy tuy đã có trong máy nhưng cũng như là không có, vì không tăng được khả năng ứng dụng. Cũng vậy sau khi nhận năng lượng gia trì và dùng đại thủ ấn để luyện công. Do tam mật tương ưng, khế ấn, thần chú và linh phù xuất hiện. Các thông tin từ đại vũ trụ sẽ tải về tạng thức hành giả. Tuy nhiên khả năng hành giả vẫn chưa tăng tiến hay có gì thay đổi. Phải chờ khi, hành giả ứng dụng các thông tin ấy vào trong cuộc sống và tu học hoặc hành thiện độ sanh thì khả năng mới trở thành diệu dụng. Cho nên đừng tưởng cứ cố gắng luyện công mà chứng các mật pháp. Trái lại luyện công phải đi liền với thực hành áp dụng trong cuộc sống thì mới được. Cái đấy gọi là “Hành Bồ Tát Đạo”.

 Cho nên, theo kinh nghiệm của ta. Sau khi đi Kailash về. Dù chư huynh đã thông công học đạo với vô vi. Nhưng nếu không hành bồ tát đạo thì các khả năng ấy chỉ là tiềm năng chứ không thể hiển thị được.

Mời các bạn xem phim:

Click here to play this video

>>>>>>>>>>

Vài hình ảnh về "Con đường mây trắng"/Népal :




- Nè đi con đường này mình mới biết mình chứng "Tâm vô quái ngại"?

- Sao biết?

- Mình chẳng quái mà cũng chẳng ngại

- Làm sao được dzậy?

- Nhờ lúc đó mình mệt quá bị xỉu nên hổng biết gì hết . . .hề hề. . .

>>>>>>>

2/ Luyện công ở chánh điện chùa Dirapuk /Sambala/Tibet/8/2013

Tuy cái dốc leo lên chùa Dirapuk, thấp hơn chùa Chuku. Nhưng từ nhà nghỉ leo lên chùa cũng khá mệt. Ở độ cao khoảng 5.000m, không thể đi nhanh được. Theo phương vị của mandala Ngũ Trí Như Lai, thì chùa ở vị trí của Bình Đẳng Tánh Trí A Di Đà Phật.

Gió núi thổi ào ào. Nắng chiều vàng nhạt như mật ong chảy chầm chậm trong khu vườn tháp rồi nhạt dần trên thảo nguyên mênh mông. Đỉnh Kailash lấp lánh như được dát vàng trong ánh hoàng hôn. Chúng tôi thụ khí, lỏng cơ tối đa, điều khí ra toàn thân. Nhưng hai chân lại đi bằng thể dục, chậm thật chậm, điều hoà, kết hợp với hơi thở. Đây là một thí dụ sinh động về phương cách thể hiện của KCDS trong giai đoạn mới.

Đi bằng thể dục bình thường như mọi người là để hành động của gia trì lực không có chi khác thường, giống hệt như một người bình thường. Còn năng lượng  hợp nhất với thể xác của mình, là nhằm làm cho cái hành động bình thường ấy, trở nên diệu dụng và thấm đậm Phật lực nhiệm mầu. Không cần tranh luận và chứng minh. Kết quả sẽ là thước đo tính khả thi và tính đại chúng của phương pháp.

Này Cỏ May, từ xưa đến nay. Lúc nào cũng vậy, thời nào cũng thế. Dù ông có đúng cách mấy, dù phương pháp của ông có hiệu quả cách mấy, lợi ích cho mọi người cách mấy đi nữa, mà có hình thức biểu thị khác với quan niệm chung của “tâm lý bầy đoàn”. Thì cái ngã của đám đông sẽ làm hại ông ngay. Thế cho nên “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, nhưng bên trong nước thì vẫn là nước.

Vậy cho nên khi ông tương tác với vô vi để luyện công thì chỉ nên một mình, đừng cho ai biết, đừng cho ai hay. Nếu ông khoe khoang về khả năng của mình hay cứ bô bô chứng minh mình giỏi, chứng minh mình hay, thì nhất định thiên ma sẽ hại ông. Hãy hợp nhất với xã hội không kẽ hở, giả ngu, giả dại, giả tầm thường, thì đường tu của ông trong thời mạt pháp này mới mong có được kết quả.

Này Cỏ May, đây là trò chơi đầy thú vị, chơi hoài mà không chán. Rồi đây “con người thật cuả ông” sẽ luôn có dịp quan sát “bản lai diện mục” của mình trong màn kịch đời với đủ mọi loại hương vị. Khi ấy ông sẽ ung dung rong chơi khắp tam thiên đại thiên, rong chơi ngay trong lưới ma và thưởng thức đủ loại mùi vị trong cái chợ đời nơi trần thế.

Mời các bạn xem phim:

Click here to play this video

>>>>>>

Vài bức hình nhớ về Kailash /8/2013:

Về Việt Nam hơn một tuần rồi, mà những kỹ niệm của chuyến hành hương Kailash vừa qua, vẫn còn sống động và tràn đầy cảm xúc trong tôi. Nhớ về Kailash như nhớ một dấu ấn khó phai mờ của cuộc đời mình. Như mưa xuống cỏ non tự lên xanh. Kailash đã như một khúc quanh quan trọng của cuộc đời tôi.  Qua chuyến đi vừa rồi. Những lời giảng dạy của Như Lai tự nhiên trở thành kinh nghiệm sống và nó đã thực sự thay đổi cách nghỉ, cách nhìn, cách sống và cả cách tu học của mình. . . .

Vân ủng trùng sơn, sơn ủng vân. Tôi nhớ những dãy núi trùng điệp quanh năm mây phủ. Nhớ những thảo nguyên mênh mông, chỉ có tiếng suối reo và tiếng gió than dài trong hoang vắng

 

Tôi nhớ những đàn trâu Yak, đàn cừu, yên lặng gặm cỏ bên bờ sông Lai Chu. Cỏ xanh, cừu trắng, trâu Yak đen, nước sông Lai Chu màu xanh ngọc bích và cô gái Tạng chăn trâu cơ thể trong suốt, tóc như mây trời lộng gió. Với tiếng hát cao vút hòa cùng tiếng Tạng Ngao sủa ông ổng, tiếng nước chảy rào rào qua khe đá, tiếng lục lạc ngựa leng keng, tiếng chim ưng quang quác trên trời, tiếng lạt ma thổi ốc Um. . .Um. . .hòa với tiếng gió hú trên các vách đá mồ côi, tạo thành giai điệu đặc trưng, bi hùng lãng mạn, ngân nga mãi trong tâm thức tôi.

 

Ôi! Tôi nhớ biết bao những cánh chim bay trên bầu trời mênh mông lộng gió. Những cánh chim thênh thang mang ước vọng tự do của chúng sanh lầm than khốn khổ ở trần gian nầy, gởi cho Thượng Đế già nua và khó tính.

 

Tôi nhớ những con sông hoang dại, lấp lánh ánh mặt trời, chảy ngẫu hứng qua thảo nguyên buồn thiu. Nhớ những bãi có lấm tấm hoa vàng và nhớ con đường thiên lý men theo bờ vực thẳm kéo dài đến vô cùng vô tận.

 

(Vượt qua đèo Drolma)

Tôi nhớ những đỉnh núi cao ngất trời mà mình đã vượt qua. Tự tôi tôi biết, sức mạnh ấy không phải tự thân. Không phải từ trên trời rơi xuống. Không phải từ đưới đất trào lên. Mà là hợp nhất với mọi người, hợp nhất với môi trường sống, thì tự nhiên, thì phi nổ lực, thì "vô công dụng hạnh tự nhiên thành".

 

(Hồ Đại Bi trên đỉnh Drolma)

Tôi nhớ những thung lũng hoang vu. Những vực sâu muôn trượng. Mà mình và bạn bè đã đi qua. Tôi nhớ những khe nứt chết người giữa trời và đất.  Nơi chỉ có chúng tôi và thiêng liêng. Chỉ có những đỉnh núi nhọn hoắt đầy tuyết trắng. Những hồ nước xanh màu ngọc bích. Những băng, những tuyết, những đá núi và những con dốc dựng đứng rình rập những hiểm nguy. Thiếu oxy nặng nề nên đầu óc lâng lâng. Quạ kêu trên những mỏm đá già và chim ưng chao liệng trên bầu trời đầy mây trắng. Trâu Yak thồ hàng qua đèo tiếng thở phì phì. Và tiếng cười tiếng hát của bạn bè tôi ngày hôm ấy, đã làm sa mạc đá hồi sinh, làm cỏ non lên xanh hơn và con sông hung dữ đột nhiên dừng chảy yên lặng lắng nghe.

 

(Nằm chơi trên sông băng)

Tôi nhớ những con sông băng mà mình đã vượt qua. Kinh ngạc trước vẽ đẹp hùng vĩ của trời đất. Tôi như biến thành trẻ thơ, ngây ngô, hồn nhiên, tự do khỏi mọi ràng buộc và giả tạo. Tự nhiên tôi nằm lăn xuống mặt băng chơi đùa và nghỉ ngơi thoải mái. Hề hề. . .chắc kiếp trước mình là gấu tuyết ?!. . .Trời nắng to, các đỉnh núi chung quanh tuyết đều đã tan. Hồ ao nước tràn đầy. Sông băng cũng đang tan ra từ từ dưới ánh mặt trời. Tiếng băng nứt răng rắc, tiếng nước nhỏ tí tách và hơi lạnh làm tôi quên hết mệt nhọc sau khi vượt đèo Drolma cao 5.600m.  Chợt nhớ câu thơ cổ: “Xuân thủy mãn tứ trạch”nghĩa là “nước xuân tràn 4 phương”. Khi xuân về nắng ấm xuất hiện. Băng giá trên các đỉnh núi tuyết sẽ bắt đầu tan. Khiến cho hồ ao nước tràn đầy. Ngụ ý đường đạo không cần cố gắng. Như nước mùa xuân tự nhiên tràn ra 4 phương mà chẳng cần dụng công gì.

 

Tôi nhớ hình ảnh đinh Kailash quanh năm tuyết phủ. Mây vờn gió hú. Bàn thờ tâm linh của thế giới. Nơi chúng tôi đã đến, đã luyện công. Và đã trở về an toàn. Nơi mà nhiều khi là mơ ước của cả một đời người tu tập.

 

(Đường vào Thung Lũng Tử Thần)

Tôi nhớ những gian lao nguy hiểm mà mình và bạn bè đã vượt qua. Nhiều khi tưởng là trong giấc mơ. Không nghĩ là mình có thể làm được như vậy

 

Tôi nhớ lúc mình tự chiến thắng chính mình. Vượt qua nổi sợ của cái chết. Theo thầy tiến vào Thung Lũng Tử Thần để lyện công tu học.

 

Tôi nhớ hình ảnh đoàn người lãng du ngồi trên mình ngựa đi trong ánh hoàng hôn màu tím. Nhớ tiếng hát hiền như đất, mênh mang như lúc trời đất gặp nhau. Nhớ nụ cười chân chất của những người dân quê xứ Phật. Nhớ ánh mắt có đuôi long lanh. Nhớ tiếng nói ríu rít như tiếng chim sẽ tuyết họp đàn bên bờ suối đá. Nhớ những buổi bình minh lạnh thật lạnh. Chúng tôi lên đường. Mây núi mờ mịt. Trời đất mờ mờ ảo ảo như thực như hư. Ôi! Nhớ biết bao tiếng nhạc ngựa leng keng và tiếng vó ngựa xôn xao trên con đường hư ảo.

 

Tôi nhớ những con đường mòn xuyên qua sa mạc đá mà tôi đã đi qua. Khô cằn, hoang vu. Chỉ có tiếng gió đùa, tiếng quạ kêu buồn bả và tiếng đập rộn ràng của com tim tôi. Con tim háo hức, đang đi tìm chân lý, trong cái thế giới đã quá thừa chân lý.

Hề hề. . .Chắc Thượng Đế đang thở dài và hơi thở thổi qua cao nguyên đá nầy, tạo thành con đường mòn mà tôi đang đi qua.

Tôi biết tôi đang chơi trong trò chơi của Thượng Đế. Nhưng tôi chưa biết Thượng Đế là đạo diễn hay ngài cũng đang sắm một vai trong vỡ tuồng dở ẹc này.

Tôi đi Kailash cũng là để khám phá ra điều bí mật này.

Bây giờ khi đi qua cao nguyên đá nầy. Thì tôi đã biết. Nhưng ngu gì nói ra. Chờ thằng nào nó mời mình nhậu, thì mình sẽ ghé tai nói nhỏ cho nó nghe. . . .hề hề. . .

 

(Leo lên chùa Chuku)

Tôi nhớ khi cọ xát với thực tiển sinh động và khắc nghiệt. Nhiều cái tôi tưởng là, tôi nghỉ là, tôi thấy là, rơi rụng trước sự trần trụi của môi trường kailash. Được tu học trong cái bất an và buông xuôi. Tự nhiên tôi thấy trong lòng mình thanh thản. Mọi sự cố gắng đều biến mất. Tôi lặng yên nhìn cái bình dị, cái tự nhiên và chân chất phơi bày nơi tự thân tôi và mọi người cũng như xã hội.

 

Tôi nhớ những ngày đi bộ vượt đèo vượt núi trên con đường thiên lý. Bên cạnh tôi con sông LaiChu đang xuôi về phía thung xa. Con sông nào rồi cũng ra tới biển.

-         Cụ ơi, sông nào rồi cũng ra tới biển. Còn mình đi thì chứng nào mới tới nơi Phật ngự.

-         Này Cỏ May, như những dòng hải lưu, quanh năm chảy mà có bao giờ ra khỏi đại dương. Chúng sanh chưa bao giờ rời khỏi Phật.

 

(Rong chơi ở Thung Lũng Tử Thần/8/2013)

Tôi nhớ hôm đi vào Thung Lũng Tử Thần. Nơi từ xưa đến nay, chả ai dám vào vì sợ chết. Chúng tôi đã theo cụ vào Thung Lũng Tử Thần luyện công, ăn cơm trưa, uống trà và vui chơi ở đấy. Rồi về chùa Dirapuk. Cụ già bảo mọi người:

-          Từ nay ta bỏ tên Thung Lũng Tử Thần mà đặt tên khác cho thung lũng

-          Thưa cụ, tên gì ạ?

-          Thung Lũng Bình Yên.

Này Cỏ May, chúng ta kính trọng truyền thuyết. Nhưng chúng ta sống bằng thực tiển chứ không phải sống bằng truyền thuyết. Mọi điều người ta nói về tâm linh và tôn giáo nhất thiết đều phải được kiểm tra lại bằng chính kinh nghiệm của người tu học, chứ không phải cứ nhắm mắt tin bừa.

 

Tôi nhớ trên con đường hành hương Kailash thú vị nhưng cũng đầy gian nan. Có lần tôi đã hỏi cụ già:

- Thưa cụ, sao cực khổ và phải liên tục giải quyết nhiều tình huống bất ngờ. Thế mà lúc nào cụ cũng cười vui được ?

- Này Cỏ May, đừng nhìn khuyết điểm của nhau để khỏi sinh tâm phán xét. Mà hãy cùng nhìn về một hướng, thì sẽ nhận ra ai cũng có điều thú vị, ai cũng dể thương.Cuộc sống nhờ vậy mà thấm đậm tình người và nụ cười sẽ không bao giờ tắt trên môi.

 

( Ta nay ở trọ trần gian)

Này Cỏ May, ta và ông cũng như mọi người đều đang “ở trọ ở trần gian”.

Thế sao ông không nghỉ ngơi, tắm rửa, thư giản, nghe nhạc, ăn cơm, uống trà và chơi đùa cùng bạn bè?

Sao ông cứ lo trang hoàng cho căn phòng của khách sạn thế?

Sao ông cứ lo thiệt hơn thị phi với người ở phòng bên thế?

Nè, “khách trọ trần gian” thì cứ sống hết mình trong hiện tại, đừng để 8 cơn gió độc làm tâm hồn ông sóng dậy.

 

(Thung lũng Tử Thần/8/2013)

Cuộc đời như mây trôi trên đỉnh Tử Sơn. Có đấy mất đấy, thay hình đổi dạng biến hóa liên miên.

Còn ta ngồi lặng im trên thảo nguyên của Thung Lũng Tử Thần. Chung quanh ta hoa vàng nở rộ. Suối hát chim ca.

Này Cỏ May, nếu luật vô thường là đúng, thì luân hồi cũng vô thường. Nên ngay lúc nầy đây, lặng im và rỗng không lồng lộng thì không động chạm gì đến luân hồi.

 

(Tìm về nguồn cội)

Ta đi ngược dòng chảy của sông LaiChu. Sông chảy ra đại dương. Còn ta tìm đường quay về nguồn cội.

Như người đàn ông kia vô tình quen cô gái đẹp ở một bửa tiệc. Để tránh ồn ào và khỏi bị người khác làm phiền. Người ấy mời cô gái ra ngoài vườn, tìm nơi lịch sự, mát mẽ và thích hợp để 2 người chuyện trò tâm sự.

Ông hỏi ta tại sao lặn lội đến Kailash này ư?

Hề hề. . . .Ta cũng vậy. Không phải Thượng Đế gọi ta đến Kailash để truyền trao mật pháp. Mà ngài là “người yêu tối thượng” của ta. Ta vô tình quen người yêu tối thượng nầy trong bửa tiệc trần gian ồn ào giả dối. Nay muốn tâm sự riêng tư, ta phải mời ngài đến tận Kailash xa xôi và hoang vắng nầy.

>>>>>>>

4/ Ngài Lạt Ma trụ trì chùa Dirapuk tiếp đoàn / 8/2013:

Này Cỏ May, khi giao tiếp người khác, ông hãy học hạnh lắng nghe. Đừng ham nói, đừng ham trình bày cái hay cái đúng cái biết của mình. Mà hãy yên lặng lắng nghe người đối diện. Mỉm cười giữ định. Tùy hỷ với họ. Nếu họ nói có khác ý mình. Cũng đừng vội đốp chát phản bác ngay. Mà phải tùy thời tùy lúc mới nhẹ nhàng góp ý. Nếu khi đó họ vì ngã làm căng, thì mình mỉm cười xin lổi, rồi yên lặng bỏ đi. Tuyệt đối đừng vì cái tôi của mình mà gây mất đoàn kết, gây ra hí luận và thị phi.

Đi hành hương Kailash, ông sẽ gặp nhiều người. Mỗi người có tôn giáo riêng của mình. Ngay trong Phật giáo cũng có nhiều trường phái nhiều lối tu. Ai cũng cho pháp môn mình là hay nhất, thầy mình là giỏi nhất, điều mình biết là chánh giáo. . .v.v. . . Ông nên áp dụng hạnh lắng nghe, thì sẽ học được nhiều điều hay và thêm được nhiều bạn mới.

Mời các bạn xem phim:

Click here to play this video

Click here to play this video

(Còn tiếp: Hành hương Kailash (4)- Luyện công ở Thung Lũng Tử Thần)

  • Nam mô Như Ý Tạng Bồ Tat Mahatat

  • Oh! My God ,  ....... Đến Thượng đế cũng phải cười.

  • NAM MÔ GURU DEVA DAKINI HUM

    Bạch Thầy, vị Thầy JIDAM là vị Thầy tại tâm của mỗi hành giả,...Thế nhưng, làm thế nào để luôn kết nối với vị Thầy của chính mình ạ,...Xin Thầy chỉ giáo cho chúng con,...