Cái nón cời rơi trên đầm sen/ Tranh Ba Gàn
Trăng trên trời không phải Thực
Bóng Trăng dưới nước không phải Hư
Trăng Nón Cời không phải Vọng
Này Cỏ May
Tất cả đều là Huyễn nếu còn tâm trí
>>>>>>>
Khi cô gái cụt chân chơi đàn / Tranh Ba Gàn
Một cô gái ăn mày cụt cả 2 chân đang ngồi ở lề đường. Đường phố vắng người vì heo hút tàn thu. Lá vàng rụng như mưa, ngập đầy con đường đá cổ lặng im. Nét mặt cô gái xinh đẹp, tóc lộng gió, nụ cười yên lặng nở trên môi. Cô chơi đàn và hát tình ca. Tự nhiên ai nấy đều yên lặng và tràn đầy xúc động. Tiếng đàn bay bướm. Giọng ca hồn nhiên thanh thoát. Trên gương mặt kiều diểm kia, chẳng có dấu vết gì của sự đau khổ, cam chịu hay vô cảm vì đã quen với tình trạng tật nguyền của mình. Mọi người vây quanh cô càng lúc càng đông. Đặt tiền vào cái nón lá và vỗ tay tán thưởng.
Ba Gàn cầm một xấp tiền đặt vào cái nón lá của cô gái và nói:
- Thưa cô, xin cô cho nghe bản nhạc mà cô thích nhất. Cô có quyền từ chối yêu cầu hơi quá đáng này. Nhưng dù gì, số tiền này tôi vẫn xin được biếu cho cô.
Cô gái mỉm cười không nói gì. Đặt cây đàn ghita xuống đất, vói tay lấy cây nạng làm đàn. Những ngón tay như ngó sen, làm động tác khảy nhè nhẹ vào sợi dây đàn vô hình căng trên “cây đàn nạng”.Cô gái ngước mặt lên trời cao. Miệng hát mà không phát ra âm thanh nào. Tay đàn mà không phát ra âm thanh nào. Toàn thân cô gái biểu cảm, hợp nhất với âm nhạc cõi lặng yên. Nét mặt cô gái tràn đầy phúc lạc. Cô hát say sưa bài ca không tiếng động. Cô đàn say sưa bản nhạc không âm thanh. Như có một nguồn năng lượng đồng cảm vô hình, âm thầm lan toả ra chung quanh. Mọi người đứng đấy như trời trồng dưới mưa thu, nước mắt lưng tròng.
Ba Gàn lấy một cành sen trắng, yên lặng đặt thêm vào cái nón lá của cô gái rồi bỏ đi. Như người mộng du. Hắn lang thang trong mưa thu suốt cả buổi chiều.
Ông Già Xóm Núi / Tranh Ba Gàn
Hề hề. . . .
Cây si bên bờ vực có rễ phụ um tùm, nên ta cũng có râu.
Mây trắng giăng ngang đầu núi, phất phơ phất phơ, nên tóc ta cũng bạc như tơ.
Da cây cổ thụ kia xù xì nhăn nheo, nhựa chảy ra thơm lừng ngày nắng hạ, nên da ta cũng nhăn nheo nhưng rám nắng và tràn đầy sức sống.
Hòn đá kia rêu phủ xanh rì hoa dại nở li ti, nên ta cũng mặc áo vải thô bạc màu mưa nắng.
Rừng cây kia rễ ăn sâu vào lòng đất mẹ, ngọn cao vút vươn lên trời xanh, nên ta cũng đi vào cái tầm thường, làm nó nở hoa, có hào quang và cất cánh bay về vô tận ý.
Gió hú trên vách đá kia, thác đổ ào ào, suối tuôn róc rách, chim chóc hót líu lo và thú hoang gầm thét ngày đêm, nên giọng nói của ta tự nhiên biến thành hải triều âm và thắng bỉ thế gian âm.
Thiên hạ gọi núi cao và hùng vĩ là Núi Non, nhưng lại gọi ta là "Ông Già"
Vì ta vẫn thường đến rong chơi trong khu rừng nhân thế. Nên thế gian bèn gọi ta là "Ông Già Xóm Núi". . . . .
>>>>>>
Giọt nước từ bi /Tranh Ba Gàn
Trong khu rừng nhân thế. Giọt sương thu rơi nhẹ. Đám hoa trinh nữ rùng mình khép lá lại.
Khi thiên đàng vào thu. Giọt sương từ thượng giới rơi vào tâm hồn em. Con tim em khẻ rùng mình. Hai bàn tay em tự nhiên chấp lại.
Gió núi làm muôn ngàn hạt sương long lanh rơi trên xác lá khô. Tiếng kêu lộp bộp như tiếng cuộc đời gõ nhẹ vào con tim cô đơn của em. Khu rừng rùng mình, lá trúc bay bay.
Khi em cầu nguyện. Thiên Khí rung động, địa khí giao hoà, nhân khí tương thông, khiến giọt lệ từ bi rưng rưng trên khoé mắt em. Giọt lệ rơi xuống cuộc đời vô cảm và lặng câm như cát. Cuộc đời khẻ rùng mình, con tim em đặt nơi đầu động tác.
Khi thiên đàng vào thu. Sương thu chạm vào muôn ngàn sợi tơ trời, làm âm nhạc cõi lặng yên ngân nga bài ca không tiếng động.
Khi em ngồi thiền. Yên lặng và heo hút như mùa thu trần thế. Rung động của em chạm vào từng nổi đau thầm kín. Vươn tới tận cội nguồn của sự sống. Vô vi sẽ ngân nga bài ca riêng, ca ngợi tình yêu của con tim em và thượng đế.
Điệu múa của ngựa hoang trên thảo nguyên / Tranh Ba Gàn
Con ngựa thồ kéo xe, hai mắt bị che hai bên, chỉ cho nhìn về một hướng. Trước miệng nó có cột một giỏ cỏ, để nó luôn tự thân vươn mình tới trước. Thế nhưng nó sẽ không bao giờ với tới giỏ cỏ non này. Trên đầu nó cây roi da của người xà ích vun vút chực bổ xuống thân thể nó bất cứ lúc nào. Thế cho nên nó cứ kéo xe chạy mãi về phía trước. Nó chăm chỉ kéo xe mà không bị ảnh hưởng bởi những sự kiện khác. Do có thấy gì đâu ngoài phía trước là hướng cái xe phải kéo đi. Này Cỏ May, Dukha của loài người cũng như vậy. Cái KHỔ của con người cũng giống như thế!
Cái KHỔ của con người là " cái cơ chế" ấy. Chứ không phải cái xe chở thứ gì. Dù là chở vật dụng, chở hành khách, chở kinh sách, chở lời dạy của Thánh Nhân, thì con ngựa thồ cũng KHỔ y như vậy ! Khi chưa thực chứng giác ngộ thì mọi tình huống, mọi phạm trù, mọi việc đều diễn ra theo cái "Cơ Chế "ấy. Cho dù thế gian có sơn lên "cơ chế" màu sơn hạnh phúc thì bản chất cũng không khác mấy. Màu sơn chỉ dùng để lừa những kẻ vô minh chứ không thể thay đổi bản chất sự việc. Này Cỏ May, cho dù là việc ĐỜI hay Việc ĐẠO, nếu là con ngựa thồ thì đều có cái KHỔ của Dukha.
Thế thì tự do của con ngựa hoang trên thảo nguyên bao la là mơ ước của con ngựa thồ. Tự do ấy là "Giải Thoát" (Moska).
Nhưng ngựa hoang không thể phi nước đại giữa phố chợ đông người qua. Tự do chỉ có thể có giữa thảo nguyên bao la mênh mông. Này Cỏ May, cho nên trước khi ông thể nhập Moska khi đắc khí tập Dịch Cân Kinh. Tâm thức ông cần phải "MỘT MÌNH" . Khi ấy tâm thức sẽ phá vỡ mọi phạm trù chật hẹp để trở nên bao la, mênh mông không giới hạn hay ngằn mé.
Con ngựa thồ bị kéo xe quá lâu rồi. Cho nên dù bây giờ mắt nó không bị che, giỏ cỏ treo phía trước không còn, cái xe nặng phía sau không còn, ngọn roi da vun vút trên đầu không còn. Có thể con ngựa vẫn quen tập quán ngựa thồ nên cứ đi thẳng một đường về phía trước. Không thể nhảy múa tự do tự tại giữa đổng cỏ bao la. Bởi vậy, điều quan trọng là "Con Ngựa Thồ" phải thực sự sống lâu ngày giữa thảo nguyên bao la không bị bất kỳ cái gì câu thức gò ép hay kích thích tham dục, thì đến một ngày nào đó, nó mới có thể thật sự tự do khi quên hẳn cái tập quán "Cơ chế" ấy đi. Này Cỏ May, con ngựa thồ cứ thỉnh thoảng mới được đưa đến thảo nguyên sống vài giờ giữa bao la và mênh mông, rồi lại về kéo xe nhiều ngày, cứ lập đi lập lại như vậy thì cái tập quán "Ngựa Thồ" vẫn làm nó không thể thoát khỏi cái KHỔ "Cơ Chế". Cho nên, tu thỉnh thoảng, tru thư giãn, tu theo lợi, tu lúc nhàn rỗi thì cái tập quán "ngựa thồ" làm sao biến mất được !
Khi con ngựa hoang tự do tự tại, nó múa vũ điệu bản năng trên cái nền thảo nguyên bao la không ngằn mé mà không hề có trở ngại gì. Lúc ấy dù mặt trăng có soi sáng hay không cũng không ảnh hưởng gì tới điệu múa của nó. Lúc ấy dù mặt trăng có vở tan thành muôn ngàn mảnh, không "thường chiếu" không"Viên chiếu" không "tịch chiếu" . . .v.v. . .Ngựa hoang vẫn múa vũ điệu của tự do chẳng trở ngại gì ! Này Cỏ May, người thực chứng giải thoát cũng y như vậy.
>>>>>>>>
Cầu nguyện / Tranh Ba Gàn
Thế giới thực không có cầu nguyện. Mọi sự đều là vui chơi trong môi trường đồng cảm. Chẳng có bổn phận hay quyền lực. Chỉ có vai trò tuỳ theo duyên. Con Người hay Thượng Đế đều chỉ là vai trò của công việc, còn bản chất nền là như nhau. Do vậy làm gì có cầu nguyện. Làm gì có xin và được cho. Này Cỏ May, vô ngã thì ai có đó mà cầu nguyện, ai có đó mà ban phước lành?
Cầu nguyện là hệ luận sau khi Ngã đã thất bại, Ngã đã chán chê với mọi nổ lực nên đành buông xuôi. Vực sâu muôn trượng thác buông mình. Nghìn trượng đầu gậy bước thêm bước nữa. Cầu nguyện thực sự chính là buông xuôi! Hiệu quả của cầu nguyện là do "Buông Xuôi"."Buông Xuôi" nên hợp nhất với trời đất và chúng sanh. Hợp nhất với toàn diện, nên có sức mạnh của toàn diện. Do " Buông Xuôi" nên "Hiệp Khí". Do "Buông Xuôi" nên tự cùng trôi với vạn pháp. Do "Buông Xuôi" nên tự co duỗi biến hoá thích nghi với mọi tình huống.
Này cỏ May, cầu nguyện là buông xuôi. Thế cho nên cầu nguyện cũng có nghĩa là phá chấp triệt để. Và "Cầu Nguyện thực" chính là hành động vô ngã. Chỉ có hành động cầu nguyện mà không có người cầu nguyện.
Này Cỏ May, khi ánh bình minh dát vàng rừng núi. Con chim chìa vôi cất tiếng hót gọi bạn tình. Nó là bản năng. Cũng vậy, khi nhận gia trì lực, thông công hợp nhất với thế giới tâm linh. Năng lượng của tình yêu tối thượng làm 2 bàn tay em tự chấp lại, làm đôi môi em tự phát ra lời thì thầm của con tim yêu thương tràn đầy rung cảm. Con người thật của em đang cầu nguyện vô ngã. Bản năng của sự sống thiêng liêng thúc giục con tim em tự nhiên cất tiếng ca. Con tim em gọi người bạn tình tối thượng của nó là thượng đế vô vi phi nhân cách. Này Cỏ May, đó cũng là bản năng. Nhưng là bản năng của con người thật, trinh nguyên, hoang sơ, chưa phóng thể và chưa một lần giả tạo.
Chờ đã bao năm / Tranh Ba Gàn
- Thưa cụ, con chưa tu được. Gánh nặng gia đình nhiều quá. Khi nào lo xong cho các cháu học xong đại học và có việc làm. Các cháu yên bề gia thất, thì con mới rảnh. Khi ấy con sẽ đến lạy cụ xin thọ giáo tu học.
Mấy năm sau, người ấy có đến gặp Ông Già. Nhưng không phải để tu học. Mà để xin giúp đở vì đang bị ung thư gan di căn giai đoạn cuối.
. . . . . . .
- Thưa cụ, con còn trẻ. Mục tiêu bây giờ là có công ăn việc làm ổn định lương cao. Có nhà, có xe, có vợ đẹp, con xinh và có cuộc sống gia đình sung túc. Khi tuổi đã xế chiều. Đã về hưu. Con sẽ đến lạy cụ xin tu học. Chứ bây giờ con rất muốn. Nhưng chưa phải là giai đoạn thích hợp.
Mấy năm sau, người ấy có đến gặp Ông Già. Nhưng không phải để tu học mà để xin làm lễ cầu an. Vì gia đình ngập trong nợ nần, vợ ngoại tình bỏ bê con cái. Còn bản thân mình béo phì nhưng lại bị tiểu đường nặng biến chứng đi đứng khó khăn suốt ngày mất ngủ đau nhức khổ sở.
. . . . . . . .
- Thưa cụ, lâu nay con không đến tập KCDS vì con bận giữ cháu. Ôi thôi! hết cháu nội lại đến cháu ngoại. Suốt ngày bận rộn, một phút cũng không rảnh, còn nói gì đến tịnh tâm để tu học. Con định chờ các cháu khôn lớn rồi sẽ đi tập lại.
Mấy năm sau, người ấy có đến gặp Ông Già. Nhưng không phải để tu học mà để xin ông cụ hướng dẫn cho cách tập vì bệnh cũ đang tái phát nặng, cả ngày lẩn đêm đau nhức, ăn không được, mất ngủ triền miên. Đi hết bệnh viện này tới bệnh viện khác vẫn không cải thiện được sức khoẻ là mấy vì cơ thể đã quá bạc nhược lại bị lão hoá nhanh. Trông như một bà già đang chờ chết. Bà bảo, đám cháu nội cháu ngoại của bà bây giờ vì bà bị bệnh nên đều gữi nhà trẻ hết rồi.
- Này Cỏ May, Có thể tu trong mọi lúc, mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh. Dùng ngay công việc của mình trong cuộc sống đời thường làm phương tiện để tu học. Sao lại phải chờ rồi mới tu. Lòng tham con người là vô giới hạn, thế cho nên đã chờ thì sẽ chờ đến vô lượng kiếp sao? Ta không bảo, tu học thì không bị bệnh hay không bị nghiệp. Vì có thân thì có bệnh. Đã luân hồi thì đang chịu nghiệp. Nhưng người tu thì không KHỔ vì bệnh, không KHỔ vì nghiệp. Khi ông còn phân biệt Đạo và Đời, còn chấp tu viện, chấp kinh sách, chấp tượng, chấp ngữ, chấp ăn, chấp mặc, chấp tướng Phật tướng chúng sanh, thì tự nhiên ông sẽ chấp muốn tu phải hội đủ một số điều kiện nào đấy. Ta nói thật với ông, giống như ông đang mang vật nặng trên vai, bây giờ ném đi thế thì cơ thể nhẹ nhàng đi lâu leo cao không còn mệt nữa. Tu học cũng như vậy. Thế thôi! Lúc nào cũng làm được, sao lại phải chờ.
>>>>>>>>>
Đầm sen và hàng rào kẽm gai / Tranh Ba Gàn
- Thưa cụ, ao sen đẹp thế ai lại đem kẽm gai rào chung quanh , thật là vụng tính, làm mất cả cảnh quan đi?
- Này Cỏ May, chung quanh cái ao sen này là đầm khô cỏ cháy. Nên chẳng ai chịu mất tiền đến đây ngắm hoa sen nở. Trái lại bây giờ kinh doanh qua hoa sen như bán hoa ở cửa hàng hay chợ, hái hoa ướp trà bán được khối tiền. Người đến đây thưởng thức vẻ đẹp thanh cao của hoa sen thì ít thậm chí không có, mà kẻ trộm hoa sen về để bán thì nhiều. Nếu không rào thì có thể ao sen này sẽ không còn hoa nào cả.
- Thưa cụ, biết là vậy. Nhưng thấy thương hoa sen quá.
- Này Cỏ May, mình là khách qua đường. Thấy hoa đẹp thì cứ thưởng thức, đừng để cái hàng rào kẽm gai làm mình khó chịu. Cổ nhân đã dạy: “Thấy trúc xin đừng hỏi chủ nhân”, nên ta và ông hãy nhìn sự vật “như thị”, tâm bất sinh. Đừng bị duyên trần làm khởi tâm phán xét.
Những bài học pháp tuyệt vời!
NAM MÔ GURU DEVA DAKINI HUM,...
Đây chính là những bài Pháp trên cả tuyệt vời,...Thế thì còn chờ gì nữa hỡi các Huynh Đệ,....HÃY ĐEM PHÁP THÍ CHO TẤT CẢ MỌI NGƯỜI ĐỀU ĐƯỢC HƯỞNG LỢI LẠC....
Chờ đã bao năm,...chờ mãi, chờ mãi,....Bao giờ cho đến ngày mai?
Có người kia hẹn:"ngày mai nhé,..." Thế rồi ngày mai không bao giờ đến.,.
Chấp Ngữ....Chấp Tướng....Chấp Pháp....Chấp Ngã.....Chấp đủ thứ....
Biết Chấp mà không chấp
Biết không chấp mà lại chấp
Biết mà không biết
Không biết mà biết
Biết trong sát na
Không biết trong sát na
Biết đến khi không biết
Không biết đến khi biết.....Thế rồi Ta tự biết,....
Nam mô A Di Đà Phật!
Có những cảm nhận đến thật nhanh, thật sâu mà chưa lý giải hết được thì sao diễn tả hết được !
Nam mô Hồi Hướng Tạng Bồ Tát Mahatat
...Là A,B,C của a,b,c....
Tu từ hơi thở tu đi...Vậy , có khi nào ngừng tu và có trở ngại nào để không tu !!!