1/ Đôi nét về Népal:
Nepal, tên chính thức theo Hiến pháp là Cộng hòa dân chủ liên bang Nepal (trước kia gọi là Vương quốc Nepal ) là một quốc gia nằm kín trong lục địa tại vùng Himalaya ở Nam Á có phần chồng gối với Đông Á, giáp biên giới với Tây Tạng của Trung Quốc ở phía bắc và Ấn Độ ở phía nam, đông và tây. Chỉ trong một diện tích lãnh thổ nhỏ, Nepal lại sở hữu một sự đa dạng địa hình đáng kinh ngạc, từ Terai ẩm ở phía nam tới Himalaya cao ngất ở phía bắc. Nepal có tám trong số mười đỉnh núi cao nhất thế giới, gồm đỉnh Everest, nằm gần biên giới Trung Quốc.
Một góc hoàng cung Nepal
Nước này nổi tiếng về du lịch, dã ngoại, đi bộ đường dài, cắm trại, xe đạp đổ đèo, các vườn quốc gia, những khu rừng, đồng cỏ, đi bè trên sông, câu cá thể thao và nhiều chùa chiền cũng như những địa điểm thờ cúng đẹp đẽ. Kathmandu là thủ đô và thành phố lớn nhất nước. Các thành phố lớn khác gồm Pokhara, Biratnagar, Lalitpur (Patan), Bhaktapur, Birendranagar, Bharatpur, Nepal, Siddhartanagar (Bhairahawa), Birganj (Birgunj), Butwal, Janakpur, Nepalganj (Nepalgunj), Hetauda, Dharan, Damak, Dhangadhi và Mahendranagar. Nguồn gốc cái tên Nepal xuất xứ từ Nepal Bhasa, là ngôn ngữ Newars và xuất hiện bởi thực tế thung lũng Kathmandu từng thường được gọi là Napa, thuật ngữ hiện vẫn được sử dụng bởi người Newars. Một số người cho rằng cái tên cũng có nguồn gốc từ một vị hiền triết thời cổ sống trong vùng.
Sau một lịch sử lâu dài và đa dạng, trong Nepal trở thành một nền quân chủ lập hiến năm 1990. Tuy nhiên, hoàng gia vẫn giữ lại nhiều quyền lực quan trọng. Điều này dẫn tới tình trạng bất ổn ngày càng tăng, cả tại nghị viện và, từ năm 1996, ở nhiều vùng rộng lớn trong nước, nơi chính phủ phải chiến đấu với lực lượng nổi dậy Maoist. Những người Maoists, ly khai với các đảng chính trị lớn, đã tiến hành một cuộc chiến tranh du kích chống lại cả chế độ quân chủ và những đảng chính trị lớn. Họ đã tìm cách lật đổ những định chế phong kiến, gồm cả chế độ quân chủ, và thiết lập một nhà nước Maoist. Việc này đã dẫn tới một cuộc Nội chiến Nepal làm thiệt mạng hơn 15.000 người. Trong nỗ lực dẹp yên cuộc nổi dậy, nhà vua đã đóng cửa nghị viện và sa thải vị thủ tướng được bầu Sher Bahadur Deuba bởi Nghị viện Nepal (Dân chủ) năm 2002 và bắt đầu cai trị qua các thủ tướng do ông trực tiếp chỉ định. Sau đó ông đơn phương tuyên bố tình trạng khẩn cấp đầu năm 2005, và nắm tất cả quyền hành pháp. Sau phong trào dân chủ năm 2006, nhà vua đã đồng ý trao lại quyền lực cho nhân dân và tái lập Hạ viện đã bị giải tán ngày 24 tháng 4 năm 2006. Sử dụng quyền lực mới đạt được, ngày 18 tháng 5 năm 2006, Hạ viện mới tái lập đơn phương thông qua một đề nghị cắt giảm quyền lực của nhà vua và tuyên bố Nepal là một quốc gia thế tục. Tới tháng 9 năm 2006, một hiến pháp quốc gia được sửa đổi toàn bộ đang được dự kiến xuất hiện trong tương lai gần. Tổng thống Nepal đầu tiên, Ram Baran Yadav, đã tuyên thệ vào ngày 23 tháng 7, 2008.
Qua các công cụ thời đồ đá mới được tìm thấy tại thung lũng Kathmandu cho thấy con người đã sống ở vùng Himalaya trong ít nhất chín nghìn năm. Cõ lẽ họ là những người thuộc sắc tộc Tạng-Miến sống đã sống tại Nepal hai nghìn năm trăm năm trước.
Các bộ tộc Ấn-Aryan đã tiến vào thung lũng khoảng năm 1500 TCN. Khoảng năm 1000 TCN, các vương quốc nhỏ và các liên minh dòng họ xuất hiện. Một trong các hoàng tử của liên minh Shakya (Sakas) là Siddhartha Gautama (563-483 TCN), người đã từ bỏ đặc quyền của mình để sống một cuộc đời khổ hạnh và trở thành Phật.
Nepal gần giống hình thang, 800 kilômét (500 mi) chiều dài và 200 kilômét (125 dặm) chiều rộng, với diện tích 147.181 kilômét vuông Nepal thường được chia thành ba vùng địa văn học: vùng Núi, Đồi, và Vùng Terai. Những dải sinh thái học này chạy theo chiều đông tây và bị cắt đôi bởi những hệ thống sông chính của Nepal. Đồng bằng Madhesi giáp biên giới với Ấn Độ là một phần của mép bắc của Những đồng bằng Indo-Hằng. Chúng đã hình thành và được nuôi dưỡng bởi ba dòng sông lớn: sông Kosi, Narayani (Sông Gandak của Ấn Độ), và Karnali. Vùng này có khí hậu nóng và ẩm.
Vùng Đồi (Pahad) tiếp giáp với các dãy núi và có độ cao từ 1.000 tới 4.000 mét. Hai dải núi thấp, Mahabharat Lekh và Shiwalik Range (cũng được gọi là Dải Churia) chiếm ưu thế tại vùng này. Dải đồi gồm Thung lũng Kathmandu, vùng màu mỡ và đô thị hóa nhất nước. Vùng núi là nơi có nhiều điểm cao nhất thế giới. Nơi cao nhất, Đỉnh Everest (Sagarmatha trong tiếng Nepal) ở 8.850 mét nằm ở biên giới với Trung Quốc.
Tình trạng mất rừng là vấn đề chính tại tất cả các vùng, gây xói mòn và xuống cấp hệ sinh thái. Nepal có năm vùng khí hậu, chủ yếu tùy theo độ cao. Các vùng khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới ở dưới độ cao 1.200 mét , vùng ôn hòa 1.200 tới 2.400 mét, vùng lạnh 2.400 tới 3.600 mét, vùng cận cực 3.600 tới 4.400 mét, và vùng cực trên 4.400 mét. Nepal có năm mùa: mùa hè, gió mùa, mùa thu, mùa đông và mùa xuân. Dãy Himalaya ngăn gió lạnh từ Trung Á trong mùa đông và hình thành nên biên giới phía bắc của vùng gió mùa.
Dù Nepal không có biên giới chung với Bangladesh, hai nước này chỉ bị ngăn cách bởi một dải đất hẹp khoảng 21 kilômét, được gọi là Cổ gà. Nhiều nỗ lực đang được tiến hành nhằm biến nơi đây thành một vùng thương mại tự do. Nằm ở Rặng Himalaya Vĩ đại phần phía bắc Nepal, Núi Everest là đỉnh núi cao nhất thế giới. Về kỹ thuật, chỏm đông nam phía Nepal dễ trèo hơn, vì thế đa số người trèo núi tìm cách chinh phục đỉnh Everest từ phía Nepal. Rặng núi Annapurna cũng nằm tại Nepal.
Nông nghiệp là phương tiện mưu sinh của 76% dân số và chiếm khoảng 39% Tổng sản phẩm quốc nội; dịch vụ chiếm 41%, và công nghiệp 22%. Hai phần ba địa hình nhiều đồi núi ở phía bắc đất nước khiến việc xây dựng đường xá và các cơ sở hạ tầng khác gặp nhiều khó khăn và đắt đỏ. Tới năm 2003, chỉ có khoảng 8.500 km đường trải nhựa và một tuyến đường sắt dài 59 km ở phía nam. Hàng không ở tình trạng phát triển cao hơn, với 48 sân bay, mười trong số chúng có đường băng trải nhựa. Có chưa tới một máy điện thoại trên 19 dân; các đường dây viễn thông phát triển không đều chủ yếu tập trung tại các thành phố và thủ phủ quận; điện thoại di động ở tình trạng chấp nhận được tại hầu hết đất nước với số lượng người dùng đang gia tăng và giá cả hợp lý.
Vị trí nằm kín trong lục địa và tình trạng lạc hậu về kỹ thuật cùng cuộc nội chiến kéo dài cũng đã ngăn cản khả năng phát triển toàn bộ nền kinh tế Nepal. Đất nước này nhận được viện trợ nước ngoài từ Ấn Độ, Nhật Bản, Anh Quốc, Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, Trung Quốc, Thụy Sĩ, và các nước vùng Scandinavian. Ngân sách chính phủ khoảng 1.153 tỷ dollar Mỹ, với mức chi tiêu 1.789 tỷ dollar Mỹ (Năm tài chính 05/06). Tỷ lệ lạm phát đã giảm xuống còn 2.9% sau một giai đoạn lạm phát cao trong thập niên 1990. Đồng Rupee Nepal đã được gắn chặt tỷ giá với đồng Rupee Ấn Độ ở mức 1.6 trong nhiều năm. Vì các biện pháp nới lỏng kiểm soát tỷ giá đầu thập niên 1990, thị trường trao đổi ngoại tệ đen đã hoàn toàn biến mất. Một thỏa thuận kinh tế từ lâu đã trở thành xương sống cho mối quan hệ thân thiện với Ấn Độ.
Bình đẳng thu nhập trong nhân dân Nepal ở mức trung bình tương đương nhiều nước phát triển và đang phát triển khác: 10% số hộ giàu nhất chiếm 39.1% tài sản quốc gia và 10% số hộ nghèo nhất chỉ chiếm 2.6%. Nguồn nhân lực Nepal khoảng 10 triệu người và đang gặp phải vấn đề thiếu lao động có tay nghề. Nông nghiệp sử dụng 81% nguồn nhân lực, dịch vụ 16% và chế tạo/công nghiệp thủ công 3%. Các sản phẩm nông nghiệp chủ yếu tập trung tại vùng Terrai giáp biên giới với Ấn Độ- gồm gạo, ngô, bột mì, mía, cây lấy rễ, sữa và thịt trâu nước. Các ngành công nghiệp chủ yếu là chế biến sản phẩm nông nghiệp, gồm đay, mía, thuốc lá, và ngũ cốc.
Trên nóc xe
Phong cảnh hùng vĩ và bí ẩn, nền văn hóa đẹp đẽ của Nepal chính là tiềm năng du lịch to lớn, nhưng tăng trưởng trong lĩnh vực này đã gặp trở ngại bởi tình trạng chính trị bất ổn gần đây. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm chiếm gần một nửa số dân cư ở tuổi lao động. Vì thế nhiều người Nepal đã phải tới Ấn Độ tìm việc làm, các quốc gia Vùng Vịnh và Malaysia hiện cũng là những thị trường mới. GDP năm 2005 của Nepal được ước tính chỉ khoảng hơn 39 tỷ dollar (đã tính theo Sức mua tương đương), là nền kinh tế đứng hàng thứ 83 trên thế giới. Thu nhập trên đầu người khoảng 1.402 dollar, xếp hạng 163. Các mặt hàng xuất khẩu của Nepal chủ yếu là thảm, quần áo, đồ da, sản phẩm đay và ngũ cốc, tổng trị giá 822 triệu dollar. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu gồm vàng, máy móc và thiết bị, các sản phẩm dầu mỏ và phân bón, giá trị tổng cộng 2 tỷ dollar.
Ngoại ô thủ đô Kathmandu
Nepal có quan hệ thân thiết với cả hai nước láng giềng là Ấn Độ và Trung Quốc. Theo một hiệp ước được ký kết từ lâu, các công dân Ấn Độ và Nepal có thể đi lại từ nước này sang nước kia không cần hộ chiếu hay visa. Công dân Nepal có thể làm việc tại Ấn Độ mà không gặp hạn chế pháp luật nào. Bên ngoài Châu Á, Nepal có quan hệ đặc biệt thân thiết với Đức, và có mối quan hệ quân sự lịch sử với Anh Quốc qua Lữ đoàn Gurkhas, một đơn vị thiện chiến trong quân đội Anh gồm toàn binh sĩ Nepal. Nepal được chia thành 14 khu vực và 75 quận, được gộp vào 5 vùng phát triển. Mỗi quận do một vị tỉnh trưởng quản lý chịu trách nhiệm duy trì luật pháp và điều phối các hoạt động của quận với các cơ quan và bộ của chính phủ. Nepal có tổng dân số 27.676.547 vào thời điểm tháng 7 năm 2005. Theo cuộc điều tra dân số năm 2001, tín đồ Hindus chiếm 75.6% dân số. Tín đồ Phật giáo chiếm 20%, Hồi giáo 4.2%, Kirant 3.6%, các tôn giáo khác 0.9%.
Những phụ nữ Nepal, Hindu và Latma trong một nữ tu viện
Những khác biệt giữa các tín đồ Hindu giáo và Phật giáo nói chung rất tế nhị và trừu tượng bởi sự hòa trộn giữa những đức tin Hindu và Phật giáo. Cả hai đều có những đền chung và thờ cúng những vị thần chung và nhiều tín đồ Hindu tại Nepal cũng có thể được coi là tín đồ Phật giáo và ngược lại. Tín đồ Phật giáo chủ yếu tập trung tại các vùng phía đông và trung tâm Terrai. Gurkhas xuất xứ từ Nepal. Phật giáo nói chung phổ biến hơn trong các cộng đồng người Newar và Tây Tạng-Nepal. Trong cộng đồng Tây Tạng-Nepal, những tộc người chịu ảnh hưởng mạnh nhất của Hindu giáo là Magar, Sunwar, Limbu và Rai. Ảnh hưởng của Hindu giáo ít hơn trong những cộng đồng Gurung, Bhutia, và Thakali, họ thường mời các nhà sư Phật giáo tới tham gia các lễ hội tôn giáo của mình. Vùng núi phía bắc có dân cư thưa thớt. Đa số dân sống tập trung tại vùng cao nguyên trung tâm dù có một quá trình di cư dân khá mạnh tới vùng vành đai Terrai mầu mỡ trong những năm gần đây. Kathmandu, với dân số 2.000.000 người, là thành phố lớn nhất nước.
Văn hóa Nepal tương đồng với những nền văn hóa lân cận là Tây Tạng và Ấn Độ, về trang phục, ngôn ngữ, và thực phẩm. Một bữa ăn điển hình Nepal là dal-bhat-dal hấp với gạo, rau và các gia vị. Món này được dùng hai lần mỗi ngày, một vào buổi sáng và một vào buổi tối. Giữa hai bữa chính đó là các món ăn nhanh như chiura (gạo giã) và chè. Thịt, trứng và cá được coi là bữa tiệc. Tại vùng núi món ăn chủ lực gồm bột mì, ngô, kê và khoai tây. Các loại đồ uống chế tạo từ kê được gọi là Tongba và các loại rượu chế biến từ ngũ cốc khác rất phổ biến, gồm chhaang và rakshi chưng cất.
Văn học dân gian truyền thống Nepal còn có ảnh hưởng mạnh trong xã hội và các câu chuyện của nó được thể hiện nhiều trong nhảy múa và âm nhạc. Văn hóa của các nhóm sắc tộc khác nhau phong phú theo cách riêng biệt. Văn hóa Newari là văn hóa truyền thống và có bản sắc riêng nhất của Kathmandu. Đa số các lễ hội trong nước xuất phát từ văn hóa Newari. Cộng đồng Newar có những món ẩm thực của riêng mình và người Newar nổi tiếng về các buổi nhảy múa mặt nạ tái hiện câu chuyện về các vị thần và những anh hùng. Âm nhạc chủ yếu dựa trên bộ gõ, thỉnh thoảng có sử dụng sáo hay kèn cổ. Sarangi, một loại nhạc cụ bốn dây cũng thường được sử dụng bởi những người hát rong.
Các phong cách âm nhạc dân gian gồm nhiều loại nhạc pop, tôn giáo và dân gian, cùng nhiều kiểu khác.
Một nhạc sĩ nhạc pop Nepal gần đây là Pradip Neupane, hiện sống gần London. Từ thập niên sáu mươi, nhạc rock Nepal hay nhạc rock, được hát theo kiểu Nepal đã trở nên phổ biến trong giới trẻ. Một thể loại nhạc khác cũng đang nhanh chóng phổ biến là nhạc rap Nepal và reggae Nepal đang phát triển mạnh với ngành công nghiệp âm nhạc. Tại Nepal cũng có nhiều ban nhạc heavy metal. Các thể loại âm nhạc từ Tây Tạng và Ấn Độ có ảnh hưởng mạnh trên âm nhạc truyền thống Nepal. Phụ nữ, thậm chí với cả với nhạc sĩ, dường như ít tham gia trình diễn âm nhạc hơn nam giới, ngoại trừ trong những dịp đặc biệt như các các buổi lễ toàn phụ nữ truyền thống.
Bóng đá là môn thể thao được nhiều người ưa chuộng nhất, tiếp theo là cricket và kabaddi. Liên đoàn Bóng đá Tưởng niệm các Liệt sĩ là giải bóng đá quốc gia.
Vô tuyến truyền hình chỉ bắt đầu xuất hiện tại Nepal trong thập niên 1980. Hiện tại có sáu kênh truyền hình. Cũng có nhiều kênh truyền hình khác, chủ yếu là những kênh từ Ấn Độ, có thể được thu qua chảo vệ tinh, dù tình trạng thiếu điện khiến việc này khá khó khăn. Đài phát thanh được phủ sóng toàn vương quốc. Đa số các cuộc hôn nhân là do sắp đặt, ly dị khá hiếm thấy. Đa thê bị pháp luật ngăn cấm; các bộ tộc khá biệt lập ở phía bắc, như Dolpo có tục đa phu. Nepal có rất nhiều lễ hội truyền thống, như nwaran (lễ rửa tội cho trẻ em), và Pasni, ngày đứa trẻ lần đầu ăn cơm, và bratabandha (lễ ăn năn) và gupha đánh dấu tuổi trưởng thành cho trẻ em. Trong văn hóa Newari, bel bibaha, các bé gái sắp trưởng thành được "gả" cho cho cây bel, để đảm bảo rằng cô bé sẽ trở nên mắn đẻ.
Đa số các ngôi nhà ở vùng nông thôn Nepal được làm bằng khung tre với vách bằng bùn trộn phân bò. Những ngôi nhà đó mát vào mùa hè và ấm vào mùa đông. Những ngôi nhà ở trên cao thường được làm bằng gỗ cây.
2/ Hành hương về Népal / 3/9/2010:
Thế là chúng tôi lại có duyên được theo thầy về miền đất Phật. Lần này là Népal quê hương của đức Thích Ca Mâu Ni Phật.
Nghỉ đêm ở sân bay Bangkok/Thái Lan, sáng hôm sau bay đi Katmandu. Chúng tôi đi chung với các thành viên của dòng Drukpa - Việt Nam nên đoàn lên đến 31 người.
1.Sư cô Huệ Đức họp đoàn VN tại sân bay Bankok- Thái Lan
Nếu sân bay Bangkok /Thái Lan hiện đại bao nhiêu thì sân bay ở thủ đô Katmandhu của Népal vẫn còn rất sơ khai.
Khi chúng tôi đến nơi, trời Népal xám xịt và đầy mưa. Nhà ga như một ngôi trường phổ thông đang xây dang dở, nham nhở, trên một bãi cỏ um tùm. Chúng tôi đẩy xe qua những hành lang ẩm ướt, đầy người đi đón. Trong nhà ga từng đoàn khách dài dằng dặc đang ngao ngán chờ thủ tục nhập cảnh làm quá chậm. Trong nhà chờ, khách ngồi rất đông trên ghế sắt cười nói ồn ào. Có mấy vị Lạt Ma nữ mặc áo choàng màu đỏ sậm, ra sân bay đón đoàn. Mỗi người được quàng một cái khăn bằng lụa trắng dài với câu chúc phúc líu lo như tiếng chim.
Xe len lỏi qua những con đường phố chật hẹp cổ kính. Những dãy nhà xây bằng gạch đỏ không trát. Những cây tùng già và bồ đề râm mát xòe tán dọc đường đi. Xe cộ nối đuôi nhau dưới mưa và thỉnh thoảng lại bị kẹt xe. Trong màn mưa lất phất, rất nhiều khỉ đang lang thang trên hè phố kiếm ăn, nhiều chim quạ đậu trên dây điện kêu quàng quạc. Trẻ em Népal rất dể thương má đỏ hồng mắt sáng lúng liếng đi bên cạnh những người phụ nữ đẹp có chấm đỏ trên trán và hoa tai xâu duyên dáng ở cánh lỗ mũi.
Katmandu, trông vừa giống một thành phố nào đấy của Ấn Độ với những cửa hàng nhỏ xíu nhiều màu sắc lòe loẹt, lại vừa giống Hà Nội những ngày xưa, cổ kính với những con đường lát đá mòn vẹt, những mái nhà rêu phủ xanh rì, những cửa hàng xinh xinh treo chuối xanh và trái cây lủng lẳng, những bước đi nhún nhảy với nụ cười ẩn đằng sau làn tóc mây duyên dáng. Công an giao thông mặc đồ vàng sậm đang đứng chỉ đường và nhân viên an ninh mặc đồ rằn ri mang súng dài đi lại trên hè phố.
2. Trên đường phố Katmandu
3. Một góc Hà Nội nơi xứ người
Trời vẫn đang mưa, khí hậu mát mẽ. Chúng tôi nghĩ ở khách sạn lớn nhất thủ đô Katmandu. Bãi đậu xe của khách sạn chật kín xe hơi, phải rất lâu xe chúng tôi mới len vào được. Nhân viên lễ tân mặc đồng phục mang gươm dài sáng choang giống kiểu châu âu. Sảnh khách sạn treo nhiều tranh sơn dầu rất đẹp. Những người đàn ông Népal bụng phệ râu mép vểnh với những cái cúi đầu lịch sự kiểu cách, đi bên cạnh những người phụ nữ ăn mặc kiểu Ấn đầy màu sắc.
Cả đoàn ăn chay, thức ăn ở đây không ngon cũng không dở, tuy là khách sạn 5 sao nhưng chắc do khẩu vị không hợp. Nhưng chẳng hề chi, tụi này đã mang theo một thùng mì chay to tướng. . . .hề.hề. . .đúng là thời văn hóa mì tôm. . . đi đâu cũng ôm thùng mì to tổ bố. . .hề hề. .
4, Trong khách sạn
.
Buổi chiều chúng tôi tranh thủ đi lễ Phật ở tháp Budha Nath một trong 3 điểm linh thiêng nhất ở thủ đô Katmandu. Xe chúng tôi len lỏi giữa trời mưa, qua những con dốc đá ngoằn ngoèo. Những cửa hàng nhỏ xíu bán rau quả và cá tươi dọc hè phố. Đâu đâu cũng thấy tượng thần đầu voi Ganesh và các tượng thần Hindu khác. Ở Népal đại bộ người dân theo đạo Hindu chỉ có một số rất nhỏ theo đạo Phật. Hề hề. . .Hài hước thật. . . .cũng giống hệt ở Ấn Độ. Đây là quê hương của Phật nhưng người ta vẫn chưa mặn mà với đạo Phật.
3. Đường vào Budha Nath
Cổng vào khu Tháp nhiều màu sắc với hoa văn cổ kính mang dáng dấp Tạng. Cổng tuy to, nhưng nằm lẩn vào giữa những cửa hàng của dân, nên nếu không để ý thì khó thấy. Khu tháp Phật cao ngất, nền vuông tóp tròn trên có cái chóp. Hệt theo khuôn mẫu các Stupa cố của Phật giáo thời nguyên thủy, Phía trên tháp có vẽ cặp mát Phật to trông rất ấn tượng.
Trời vẫn đang mưa lắt rắt. Từng dòng người vẫn đang hối hả đi nhiễu chung quanh tháp Phật. Một anh bạn cùng đi trong đoàn có duyên qua đây nhiều lần bảo với tôi. Đây là Tháp thờ Cổ Phật Ca Diếp, rất linh thiêng, cầu gì được nấy. Chúng tôi cảm ơn anh nhưng yên lặng vì chắc trong chúng tôi chẳng ai cần cầu gì. Mà chỉ là việc tự thể nhập cái yên lặng cùng cực tràn đầy nhận biết của Như Lai.
Mô Phật, chúng con biết, chỉ có yên lặng mới hợp nhất được với yên lặng. Chỉ có an lạc mới hợp nhất được với an lạc. Chí có hư không mới hợp nhất được với hư không. Và chí có thần mới hợp nhất được với cái thần diệu khó nghĩ khó bàn. . . . .
Mô Phật chúng con chẳng cầu gì mà Như lai chắc cũng chẳng có cái gì để cho.
Haha. . .ha. . .Trong màn mưa bụi bay bay. Trên đỉnh cao kia. Cặp mắt Phật như đang âu yếm soi vào tận đáy tâm hồn con và anh linh Như Lai như đang thấm đậm cả người con. Tại sao phải cầu, tại sao phải xin chứ ?!. . . Chúng ta là con và ngài là đáng từ phụ, chúng con về đây ngồi bên cạnh cha già, đi bên cạnh người, cười với người, nắm tay người đi dưới mưa cùng vui ngày sum họp. Nhà ta có gì thì đều là của cha mẹ và con tại sao còn phải cầu phải xin ?!
Chúng tôi đi phía sau thầy, yên lặng lòng tràn ngập cảm xúc bồi hồi không nói được nên lời. Trên nền đá núi lạnh ngắt, ẩm ướt và mòn vẹt bởi biết bao bàn chân hành hương thành kính đã qua đây. Giữa dòng người sùng kính hối hả đi, hối hả niệm kinh, hối hả cầu nguyện. . . Chúng con vẫn đi sau thầy cùng lặng yên, ung dung nhàn hạ, trang nghiêm, nhận biết từng bước đi, nhẹ rất nhẹ. . . .tịnh rất tịnh. . . .giác cực giác. . . .điều hòa trang nghiêm. . . .vì sợ cái mỏng manh chợt tan đi. .. .vì sợ cái tế vi thanh cao chợt hóa ra phàm tục !
Ôi, Chúng con biết Như lai đang ở đấy, bàng bạc, mờ mờ, sâu thẳm hun hút và lặng yên ở khắp mọi nơi. Thế nhưng con vẫn thường về nơi con tim con, chứ chẳng tìm về nơi nào khác. Bởi nơi con tim con vẫn thường có con tim Cha cùng chung nhịp đập.
Ha ha. . .ha. . .con chẳng cầu xin gì, chỉ nắm tay Cha đi dạo quanh khu Tháp này là được rồi. . . .Ô hay, trời mưa con ướt, mà cha cũng đang ướt. . . . Sao cần phải nói chứ?! Sao cần phải đọc tụng nhiều thế chứ?!. . .Sao cần phải quì lạy chứ?! Sao lại phải sợ hải Cha Mẹ mình chứ?! . . .Nhà mình thì mình về sao lại phải cầu xin ?!
Chúng tôi vẫn đi đều đều, lặng yên dưới mưa. Quạ kêu quang quác trong bầu trời sủng nước. Gió thổi lành lạnh và tiếng niệm Phật, tiếng cầu kinh, tiếng quay pháp luân rè rè, tiếng bước chân vội vã, tiếng niệm Phật trong máy trầm trầm. . . .tôi nghe mơ hồ như từ một cõi nào đấy xa lắc xa lơ vọng về nơi trần thế.. . . .Đau khổ và lòng sùng kính. .. .đức tin và chân lý đang cầu tìm. . . .những cái ấy hình như là không cần thiết khi đang ngồi đây, ở nhà mình, bên cạnh Cha Mẹ mình, uống chén trà tỉnh giác, ăn bửa cơm an lạc, cùng cười vui trong sự sum họp đã chờ đợi biết bao nhiêu đời nhiêu kiếp. . . .
4. Thầy cùng đoàn VN nhiễu tháp
Trong cái miếu nhỏ xíu đầy màu sắc, độ hơn mười vị Lạt ma đang tụng kinh với âm nhạc. Tiếng trống, tiếng kèn, tiếng chập chỏa, triếng đàn xen lẩn với tiếng tụng kinh khi cao khi thấp, khi bổng khi trầm. Hương trầm ngan ngát, hoa thơm bày khắp nơi. . . .trời vẫn đang mưa và dòng người thành kính vẫn đang còn đi. . . .vẫn đang còn đi. . . .như vô lượng kiếp rồi họ vẫn đang đi. . . .Chúng tôi bước vào bên trong khu Tháp đi lễ các nơi rồi theo Thầy đến nơi đã hẹn với đoàn để về lại khách sạn.
Này Cỏ May đó chính là :
". . .Thị dĩ thánh nhân cư vô vi chi sự , hành bất ngôn chi giáo, vạn vật tích nhi phất thủy,vi nhi phất thị dã. . ."
(Vì vậy thánh nhân ở chỗ vô vi mà hành sự. Dạy dỗ mà không dùng lời. Để vạn vật sinh hóa mà không can thiệp)
". . . .Uyên hề tự vạn vật chi tông. Tỏa kỳ nhuệ, giải kỳ phân. Hòa kỳ quang, đồng kỳ trần. Trạm hề tự hoặc tồn. . . ."
(Thâm sâu như là chủ tể của vạn vật. Làm lan tỏa ra cái thâm trầm mà không sắc sảo, tháo gỡ sự phân cách. Hòa với cái cao quí. Đồng với cái bình thường cát bụi. Không rõ rệt mà như luôn có mặt. . . .).
Anh bạn đi cùng lại hỏi:
- Ông đã đi được bao nhiêu vòng rồi?
- Hề hề. . .Mình cũng không nhớ nữa.
- Ông không đếm vòng à? Phải 14 vòng mới linh.
- Lúc ấy mình đang bận
- Bận gì?
- Uống trà với Cha
. . . . . .
Luyện công ở Động Liên Hoa Sanh /4 /9/2010
Rừng thông xanh mướt và ẩm ướt. Xe chúng tôi đi giữa sương mù và qua những khúc cua cùi chỏ ác liệt. Dưới kia, qua tán rừng mờ mờ là dòng sông đang chảy ào ào qua những gộp đá già. Mùi nhựa thông thơm lừng bay trong gió núi lành lạnh. Quạ bay thành từng đàn kêu quàng quạc thê lương. Ruộng bậc thang như sóng lượn và những ngôi nhà trên đỉnh núi mù sương. Mây bay la đà và những tia nắng ban mai le lói như hình nan quạt. Ngôi chùa nằm khiêm tốn trên đầu một con dốc dài, ẩn mình sau những cây tùng và cây thông cổ thụ.
Đường lên chùa
Anh bạn đi cùng đoàn nói với tôi:
- Ông biết không, chùa này rất thiêng. Có cái tượng Phật từ trong đá nhô ra. Ban đầu còn lờ mờ nay thì càng ngày càng lộ rõ nổi bật trên nền đá. Hôm trước tụi này chụp hình thì đâu có lồi ra dữ vậy. Nè, chỗ này thì cầu gì được nấy linh lắm.
Chúng tôi yên lặng không nói gì vì bị cuốn hút bởi tiếng tụng kinh niệm chú của chư vị Lạt Ma mặc áo đỏ sậm ngồi thành một hàng dài sát tường. Bên trong chật như nêm. Khách hành hương và người trong đoàn quá đông so với căn phòng bé nhỏ. Đèn mở trâu cháy bập bùng làm bóng đen nhảy múa chập chờn trên nền đá lạnh ngắt. Mùi trầm thơm lừng. Tiếng cầu nguyện rầm rầm rì rì, tiếng trống, tiếng nhạc, hòa trong tiếng quạ kêu và tiếng gió đùa xào xạc ngoài rừng tạo thành một âm thanh kỳ bí khi thực khi hư.
""Khách đông quá!""
Cái tượng được nói trông chỉ như cái phù điêu không được đẹp lắm, nằm trên một phiến đá lớn hơi có màu đỏ chắc là do bột màu của khách hành hương. Cái vòi voi, cái đầu voi và cái bụng phệ, quá rõ để ngài là Ganeshsa một vị phúc Thần của Hindu giáo chứ không phải tượng Phật. Bên cạnh cái tượng như phù điêu ấy, có cái tượng nhỏ xíu. Chúng tôi được hướng dẫn đó là tượng của Lục Độ Mẫu Tara. Nhưng tôi nhìn thì không thể phân biệt với tượng của các vị nữ Thần Ấn giáo. . . .
Bên trên là một cái tượng Phật tạc thật to sơn màu vàng ánh như làm bằng vàng đặt trong một cái tủ kính. Hai bên tượng Phật này an vị rất nhiều tượng Bố Tát và Thánh Mẫu Tara. Mọi người chen nhau thắp đèn, đặt tiền công đức, sì sụp đảnh lễ cầu nguyện . Chư vị Lạt Ma đang trì kinh mà như đang hát, âm thanh trầm bổng, bè thấp bè cao theo điệu nhạc. Mấy vị Lạy Ma trẻ đầu lắc lư theo điệu nhạc và âm hưởng bài kinh thiêng liêng. Mắt họ nhắm lại thần trí đặt hết vào cõi vô cùng. . . .
Chúng tôi nhường cho các đạo hữu dòng Drukpa lễ trước, nên tạt sang bên vào một phòng khác thờ Chư Vị Thánh Mẫu Tara đảnh lễ luyện công. Điển quang thanh và mạnh, trên tường các tranh Thanka nhiều màu sắc chập chờn theo ánh đèn nến trông rất sống động như người thật. Chờ cho chánh điện hết tiếng ồn và mọi người kéo đi hết. Thầy mới đưa chúng tôi sang chánh điện đảnh lễ Như Lai và chư vị Thánh Mẫu, thông công nhận điển quang gia trì thực hành tam mật tương ưng với Đại Thủ Ấn. Nhìn thấy chúng tôi hành lễ trang nghiêm đúng phép. Chư Lạt Ma rất hoan hỉ, họ tụng kinh trì chú miệng mỉm cười và gật đầu chào mỗi khi chúng tôi quay về phía các ngài.
Thầy nắm tay, cụng trán giao điển quang với họ. Họ đều mừng vui chắp tay lễ tạ và cười hoan hỉ. Thầy đưa tay chỉ một bát nước trên bàn thờ Phật chỗ cao nhất. Một vị lạt ma liền đứng dậy thỉnh bát nước đưa cho Thầy. Thầy làm lễ quàng khăn ấn lệnh và thoa nước lên đầu chư huynh, chư tỷ đi trong đoàn, kiết ấn trợ công để chư huynh chư tỷ luyện công tại chánh điện chùa thiêng. Bên ngoài gió thổi ào ào, quạ kêu quàng quạc, thông reo vi vu. Chư Phật, chư Tổ, chư Thánh Mẫu như ẩn hiện chập chờn trên vách đá.
Chư Lạt ma đưa tay mời thầy lên ngồi cùng họ. Thầy kiết già bên cạnh chư Lạt Ma phát công, còn chư Lạt Ma thì trì chú để chư huynh luyện công. Thật là cơ duyên hiếm có. Áo đà hòa với áo nâu đỏ, đại thủ ấn phối hợp cùng nghi quỹ của Kim Cương Thừa. Điển quang hợp nhất với điển quang và con tim hợp nhất với mọi con tim. Hành công độ nửa tiếng, chúng tôi từ giả chư Lạt Ma, rồi theo đường dốc đầy bóng hoa nắng lung linh, leo lên động Tổ Sư Liên Hoa Sanh. Đây là nơi xưa kia Tổ đã từng ngụ và luyện công.
Đường núi quanh co giữa rừng thông cổ thụ. Dây leo chằng chịt và chim chóc, nhen sóc chạy nhảy khắp rừng. Chúng tôi treo dây cát tường để cúng dường Tổ cùng chư vị thiêng liêng rồi vào động đá luyện công với Thầy.
Ánh nắng vàng ươm như mật ong chảy qua các khe, tràn qua các ngách hẹp, rồi rót vào trong động sâu hun hút. Tay tôi sờ vào vách đá già đầy rêu, với những chữ phù kỳ dị và đi lần về phía cuối động. Đấy là nơi an vị ban thờ của Tổ Liên Hoa Sanh. Chúng tôi thắp đèn, đốt hương trầm và trì chú luyện công ở đây thật lâu trong tiếng gió hú và tiếng nhen sóc kêu chộc chộc. . .
Chúng tôi leo mãi. . . .leo mãi. . . .đến nơi có bàn tay Phật và bàn chân Phật. Thầy bảo chúng tôi áp bàn tay của mình vào bàn tay Phật lõm sâu trên vách đá. Thông công nhận điển quang gia trì vào luân xa 7 để luyện công. Đèn cháy chập chờn. Những chữ phù ghi trên vách. Tượng Tổ bằng đá núi an vị ở cuối động đá. Điển quang chạy rần rần, khế ấn hiển thị ở hai tay, hào quang sáng rực trong tâm và diệu hương ngan ngát khắp núi khắp rừng.
Cả đoàn Drukpa đi đâu mất rồi. Chắc họ đã về từ lâu. Trưa rồi còn gì, quá giờ ăn rồi. Chúng tôi yên lặng theo thầy xuyên qua khu rừng âm u ngập đầy gió núi để đi về khách sạn mà lòng vẫn chưa hết cảm xúc đang trào dâng, ngây ngất sảng khoái như vừa được uống một ly rượu Thần Thánh chốn non thiêng.
Vừa tài thí vừa pháp thí
Ăn cơm ở một quán ăn Trung Quốc, về khách sạn nghĩ một lát. Rồi xế chiều lại đi lễ Phật ở chùa Vạn Phật và tham quan kinh thành cổ của người Nepal.
Nhà hàng Trung Quốc khá hấp dẫn
Mời các bạn xem phim:
1/ Luyện công ở chùa Liên Hoa Sanh (nhấn vào đây để xem trong thư viện)
2/ Nhận khăn ấn lệnh ở chánh điện chùa Liên Hoa Sanh (nhấn vào đây để xem trong thư viện)
3/ Luyện công trên núi Liên Hoa Sanh(nhấn vào đây để xem trong thư viện)
>>>>>>>>
Thăm chùa Vạn Phật
Qua một con phố cổ kinh sang trọng. Chúng tôi đến chùa Vạn Phật. Cổng chùa bé xíu nằm lẩn với bao cửa hàng cửa hiệu khác. Hai bên đường san sát những cửa hàng bán đồ lưu niệm tâm linh.
Cổng chùa vạn Phật
Tiếng là chùa, thật ra là cái Tháp lớn, chung quanh có mấy cái tháp con. Tháp lớn nhiều tầng cổ kính với phù điêu bằng gốm nung rất tinh xảo. Phù điêu và tượng trang trí cùng hoa văn của tháp cổ kể lại các truyện sử thi của Ấn Giáo. Phía trước chùa cổ có một cái hoa sen bằng đá bên trên có cái chày kim cang bằng đồng nằm ngang. Trong lòng tháp đá chật hẹp, an vị một tượng Phật thật lớn màu vàng với con mắt Tạng buồn thiu. Đèn nến cháy bập bùng, hương trầm ngan ngát. Khách hành hương khấn vái cầu nguyện rầm rầm rì rì. Quạ kêu quang quác và tiếng quay pháp luân rè rè. Chúng tôi đi sau thầy nhiễu quanh Tháp Phật, yên lặng để thông công với Như lai và chư vị thiêng liêng. Rất nhiều khách hành hương đi kinh hành vội vã và thường chạm vào người tôi, nên tôi đành phải xuống cái rảnh nước chạy chung quanh tháp để đi kinh hành. Hơi ẩm ướt một chút nhưng được yên thân hợp nhất với cái thần của cõi vô cùng. Tôi đi thật nhẹ nhàng sợ làm đau những phiến đá lót đường đã mòn vẹt bởi thời gian. Tôi lặng yên thương cho ngôi Chùa Cổ và chư Thần Linh đã quá mệt mỏi và già nua trước biết bao tiếng ồn tiếng động và trước biết bao cái quì lạy cầu xin. Ngày lại ngày, những người đàn bà đỏm đáng khỏe mẽ, quần áo son phấn và đồ trang sức. Những người đàn ông bụng phê ra sức nói liên tục để khoe cái hiểu biết của mình. Những chàng thanh niên xum xoe bên bạn gái và những con người chân chất với lòng thành cùng đi chung với nhau trên con đường đá cổ.
Tháp chùa vạn Phật
Thầy lễ tại chùa vạn Phật
Tôi biết trong cái xô bồ có cái cốt lõi lặng yên. Và trong cái hổn tạp có sự vận hành theo trật tự của thiêng liêng. Thế cho nên chúng tôi cung kính đảnh lễ tất cả, lòng rỗng không tìm về nơi con tim của sự sự vật vật với nụ cười yên lặng trên môi và cái chấp tay chào thân thiện.
Cùng đoàn VN chụp ảnh lưu niệm tại chùa Vạn Phật
Nắng chiều vương trên đỉnh tháp. Mọi người vội vàng kéo nhau đi tham quan hoàng cung cổ của Népal. Còn mình tôi đứng nán lại, để nhìn ngôi chùa linh thiêng mệt mỏi chìm dần trong bóng hoàng hôn màu huyết dụ. Những ông Phật, những chim Thần Garuda, những Bồ Tát và Ma Quỉ bằng đất sét nung yên lặng nhìn tôi. Có tiếng con chim gì kêu cô đơn trên đỉnh tháp. Lòng bồi hồi xúc động, tôi nói thầm với các ngài, rồi nhờ cơn gió chiều đưa đến tận cõi vô cùng:
- Thôi, mệt mỏi rồi thì đi chơi đi. Đằng nào thì cũng có ai thấy các ngài đâu mà ngại. Họ chỉ chăm chăm vào cục đất sét đấy chứ. . . .hề hề. . . .
. . . . .
Thăm Hoàng cung cổ của Népal:
Như một triển lãm ngoài trời. Hoàng cung cổ của Népal cổ kính với lầu các, với đền thờ, nhà cửa. Kiến trúc ở đây nhiều mái, nhiều cột, nhiều hoa văn phù điêu trang trí theo các truyện sử thi Ấn Giáo, với Thần Hanoma, với các cô tiên Apsara và với các vị Thần linh Hindu trên đỉnh các trụ đá cao vút.
Về thăm hoàng cung
Nắng chiều vàng ươm trên các mái nhà rêu phủ xanh rì. Những tà áo lụa phất phơ và những ánh mắt có đuôi. Những cháu bé được cha mẹ nó đặt lên mình các con sư tử đá đang cười toe toét. Những ông già với chấm đỏ trên trán, đang ngồi hút thuốc và tâm sự với bạn bè trên nền đá lạnh ngắt. Quán cà phê cổ thấp thoáng bóng người qua các ô cửa sổ đầy dây leo và hoa tím rủ xuống lòng thòng, phất phơ trong gió chiều lành lạnh.
Một anh bạn chỉ tay về phía khoảng giữa hai ngôi đền và nói:
- Đấy đàng xa kia là đỉnh Everest đấy. Hôm nào trời quang mây tạnh thì thấy rõ hơn.
Đi dạo loanh quanh, chúng tôi đến một cái giếng cổ bằng đá nơi có rất nhiều vòi nước làm theo hình đầu rồng đang phun nước suốt ngày đêm. Rất nhiều người Népal đến lấy nước thiêng về dùng và rửa mặt mũi chân tay ở đây. Anh hướng dẫn viên du lịch nói với tôi:
- Này, nước này thiêng lắm đấy, từ Hy Mã lạp Sơn chảy về nên rất sạch và lành.
Chúng tôi ai cũng đến rửa tay chân nhưng không ai uống thử cả:
- Hề hề. . .nhở đau bụng thì hết đi chơi.
Hoàng cung cổ, đẹp và lạ xem hoài không biết chán. Quạ và chim sáo rất nhiều. bay thành từng đàn và sà xuống đất đi kiếm ăn bên cạnh du khách. Chúng đến tắm cả vào cái hồ nước có vòi phun. Chúng tôi đi bên cạnh thầy, nhìn thiên hạ phố phường, trong lòng vô sự. Ta Bà như một trường học lớn đầy sinh động. Thần lực huyền diệu của Như Lai đã tạo nhân duyên đưa chúng tôi đi khắp nơi để học hỏi, tự rèn luyện và áp dụng giáo pháp vào thực tiễn sinh động của đời thường.
- Này Nhóc, trong từng sự việc phải xuyên qua hiện tượng vô thường. Thấy và cảm nhận cho được cái tinh túy huyền diệu đầy thú vị ẩn tàng bên trong. Muốn thế thì phải để cái Tâm đi dần vào thế yên lặng cùng cực mà tràn đầy nhận biết. Không bao giờ được để cho cái xô bồ hổn tạp của Đời và của Đạo lôi mình đi.
Rời Hoàng Cung cổ, chúng tôi vào tham quan một cửa hàng bán tượng thờ và đồ mỹ thuật rất lớn. Rất nhiều tượng đồng tượng đá. . .v.v. . .làm theo phong cách Tạng. Có cả tượng phối ngẫu, tượng các vị thần dữ tợn với vòng đâu lâu trên cổ và chĩa ba ở tay. Tượng Phật với vòng lửa cháy rực đỏ quanh người và tượng Bồ Tát Nữ khỏa thân . . . .v.v. . . .Mọi người trong đoàn chen nhau chọn lựa và mua bán. . . .
Một người đi trong đoàn hỏi Ba Gàn:
- Sao không chọn một pho mang về Việt Nam để thờ. Mốt tâm linh bây giờ là có một ông Thầy ngoại, treo tranh Thanka và tượng Tạng, bộ ông không biết sao?
- Hề hề. . .tôi cũng thích. Nhưng ở nhà có tượng Phật do Hòa Thượng chú nguyện và an vị cho rồi. Nên không dám thỉnh vì không biết để ở đâu bây giờ.
- Vậy ông chọn hộ tôi một pho di
- Mỗi người ý thích khác nhau tôi đâu dám. Mình kính ái vị nào thì thờ vị ấy chứ các ngài thì vô hình vô tướng, tướng tuỳ tâm chúng sanh biểu thị.
- Nếu ông chọn cho ông thì ông chọn pho nào ở đây?
- Ở đây mình chẳng thích pho nào. Mình thích tượng Như Lai ở tư thế thật tịnh, yên lặng mỉm cười đầy từ bi, mà ở đây thì không có. . . .hề hề. . . .Các tượng ở đây theo phong cách Kim Cương Thừa. Nó như một sự giải tỏa Stress về tâm linh để sau đó chuyển hóa tâm thức về hướng giác ngộ chứ không phải bắt chước tu theo các tướng trạng: Giận dữ, tình dục, thần thông, chiến đấu. . .v.v. . .của các ngài đâu. . . .hề hề. . .
1/ Chùa Vạn Phật và Hoàng Cung cổ của Népal / 9/2010 (nhấn vào đây để xem trong thư viện)
>>>>>>
Lễ cầu trường thọ ở núi A Di Đà/6/9/2010
Được biết Đấng Tôn Quí đang bị ốm, thể lực suy yếu. Sợ ngài chuyển thế, nên các đệ tử dòng tuyền thừa của Ngài đã xin tổ chức lễ cầu nguyện để Ngài hết bệnh và trường thọ. Còn chúng tôi có nguyện về miền đất Phật Népal, nơi quê hương của đức Thích Ca Mâu Ni Phật để tham quan các nơi, giao lưu học hỏi và thông công học đạo tại các nơi Phật tích. Do vậy đã đi chung đoàn với các đạo hữu dòng truyền thừa của Ngài đến núi A Di Đà ở thủ đô Kathmandu. Nơi có thánh địa của dòng Kim Cương Thừa Drukpa ở Népal.
Nhiều cái lạ và quá nhiều cái thú vị.
Đường lên núi A Di Đà quanh co gấp khúc. Bùn đất nhão nhẹt, Lá mục ngập lối đi. Suối tuôn róc rách. Không khí ẩm ướt. Sương mù bao phủ khắp nơi. Tùng và thông pơmu xanh tươi. Ruộng bậc thang lấp lánh ánh mặt trời và những vạt nương màu vàng sậm nằm chen những khu đồi san sát như bát úp. Dê trèo trên dốc đá, trâu bò gặm cỏ dưới thung xanh và tiếng cười trong vắt hồn nhiên bên giếng nước. Phía dưới kia, thấp thoáng qua làn mây là đà lãng đãng là thủ đô Kathmandu với nhà cửa phố xá bé tí bé tẹo như đồ chơi của trẻ con.
Cổng chùa to lớn đầy màu sắc kiểu Tạng với tượng 5 vị Phật ngồi trên nóc và cái cửa sắt khổng lồ đóng mở bằng điện. Chung quanh chùa là hàng rào sắt, phía trên có kẽm gai bùng nhùng và bên trong là trạm gác của nhân viên bảo vệ mặc đồng phục. Một con Tạng ngao to lớn cổ có bờm như sư tử đang giương mắt quan sát khách ra vào khu nhà ở của đức Ngài Tôn Quí. Lạt Ma nam nữ mặc áo tu màu nâu đỏ, đầu đội mũ đỏ như chim chào mào đi lại khắp nơi, ai nấy nét mặt thanh tú, lịch sự và khiêm tốn với nụ cười hiền hậu luôn nở trên môi.
Chùa rất to lớn và hiện đại, có bãi đỗ xe, có quán cà phê internet, có nhà bếp với hệ thống bếp ga hiện đại. Chánh điện có gắn Camera theo dõi. Từ thấp lên cao có các hoa viên với tượng Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni ở thấp nhất. Leo lên trên một chút là tượng Bồ Tát Quan Âm Tứ Thủ. Lên cao nhất là tượng Tổ của dòng truyền thừa đời thứ nhất, tượng to nhất và lớn nhất ở đây. Phía trên cùng là tượng đức A Di Đà nhỏ hơn. Trong cái hầm phía dưới tượng ngài A Di Đà là nơi cất giữ xá lợi của chư Tổ dòng truyền thừa.
Chúng tôi choáng ngợp trong biển màu sắc và những dòng thác âm thanh pha trộn quấn quít nhau. Thánh địa như một sân khấu tâm linh lớn, hoành tráng, thiết kế hiện đại và có nhờ người Âu Mỹ làm công tác quản lý. Toàn bộ những cái này được làm tăng thêm tính linh thiêng bất tư nghì bởi những truyền thuyết tâm linh, với những xá lợi, những câu chuyện truyền kỳ hấp dẫn xưa có, nay có, lại có cái vừa mới xảy ra đây thôi. Do những người sùng kính vừa xuýt xoa vừa kể lại, đã khiến tôi như lạc vào một thế giới ảo của một cung trời nào đấy ở ngay tại trần thế này đây.
Màu sắc chói lọi, quá nhiều màu sắc tranh nhau biểu thị. Đường nét biền ngẫu đối xứng, quá nhiều đường nét, đường nét nào cũng tranh nhau biểu thị. Người quá đông, người nào cũng đang cố biểu thị. Chánh điện chùa A Di Đà nằm trên đỉnh núi đầy mây, trong những ngày diễn ra lễ cầu cho Đấng Tôn Quí trường thọ. Từ sáng đến tối mịt, ngày nào cũng ngập tràn âm thanh. Tiếng tụng kinh tập thể của các nữ tu trầm trầm đều đều buồn buồn theo một điệu nhạc tâm linh như đang hát. Tiếng trống rầm rập, tiếng chập chõa inh tai, tiếng kèn the thé kéo dài lê thê, tiếng lục lạc và trống rung bập bùng. . .bập bùng. . Đấng Tôn Quí ngồi trên một cái ngai trang hoàng rực rỡ. Ngài đội mũ xanh, mặc áo gấm hoa, phía ngoài choàng áo vàng. Phía sau Ngài là tượng Tổ Sư Liên Hoa Sanh to lớn uy nghi. Mỗi khi Ngài đi thì có lọng vàng che, Hai bên có hai hàng Lạt ma thổi kèn ò e. Phía trước có một Lạt ma cầm một cuộn lụa trắng mở lở dở đi giật lùi, với vị Lạt ma khác cầm cái lư trầm đưa qua đưa lại khói tỏa nghi ngút. Ngài ngồi trên một cái sân khấu cao, với Lạt ma người địa phương và các vị tăng ni người Việt theo dòng truyền thừa ngồi hai bên. Còn phật tử thì ngồi phía dưới và phía sau các vị nữ tu, có nhiệm vụ tụng kinh, đánh trống, thổi kèn, đánh chập chõa và rung trống rung.
Trong tiếng nhạc khi thì dồn dập, đục, bóng tối và âm u, khi thì lanh canh cao vút, lấp lánh, nứt rạn và đổ vỡ. Dàn đồng ca của khoảng 200 nữ tu như một lời cầu xin tha thiết, đại diện cho chúng sang đang quì mọp trước Đấng Tôn Quí. Còn Ngài thì thỉnh thoảng đáp trả bằng một giọng trầm trầm như là lời của Thượng Đế trả lời chúng sanh vọng xuống từ hư không cao vời vợi.. .
Thượng Đế chưa ưng thuận thì chúng sanh lại cầu xin. . . .Thượng Đế trả lời, nhưng chúng sanh chưa ưng cái bụng thì lại cầu xin. . . .lại quì lạy. . .lại thiết tha. . . .Thượng đế chấp thuận thì tán dương xưng tụng tán thán công đức ngài vô lượng vô biên. Ôi, con người và Thượng Đế. . . .Phật và Chúng Sanh. . . .trao đổi chuyện trò với nhau qua dàn nhạc tâm linh và những điệu hát phát xuất từ lòng sùng kính thiết tha. . . .Ha ha. . .ha. . .Con người bất lực trước hoàn cảnh. . . .thế thì con người phải cầu xin thượng đế thương tình, phải vậy chăng?. . .Phải vậy chăng?! . . .Tôi cũng không biết nữa. . . .Không biết nữa. . .?!
Chợt nhớ câu nói của cụ già Xóm Núi ngày nào ở quê nhà:
- Này bạn, bạn hãy cho tôi biết Thượng Đế của bạn, để tôi xin đảnh lễ ngài.
Bất giác tôi cũng chấp tay cầu nguyện và đảnh lễ như mọi người ở quanh tôi vẫn đang sì sụp lạy và cầu xin không biết chán. . . .không biết chán. . . .
Giữa chánh điện, có một cái trống khổng lồ có vẽ hình 2 con rồng đang giương nanh múa vuốt ở hai mặt trống. Trần chánh điện cao vút, trang trí hình rồng phượng và các họa tiết theo lối Tạng. Những hàng cột to lớn đắp rồng quấn chung quanh. Và dọc theo tường có ốp tủ kính với vô số tượng Tổ Liên Hoa Sanh sơn màu vàng chóe. Nói chung toàn bộ chánh điện trông như một cung vua và đức Ngài ngồi trên ngai giống hệt như một vị vua thật sự. Còn thần dân là các đệ tử đang quì cung kinh úp mặt xuống đất chẳng dám nhìn thẳng vào mặt rồng. Đúng là giáo quyền chẳng khác chi thế quyền. Cho nên ở Tây Tạng, Népal hay Bhutan và một số nước khác, giáo quyền biến thành thế quyền. Còn ở một số nước khác thế quyền lại đươc tăng cường uy lực và tính qui phục của thần dân bằng giáo quyền.
Nhìn dòng người dài dằng dặc, quì gối, cúi gầm mặt xuống đất, chấp tay cung kính lết từng chút một đến, để các ngài ban phúc bằng cách quàng khăn và đặt tay lên đầu. Còn đệ tử thì ai nấy đều cúi mặt cung kính cúng dường cho ngài. Tôi mới thấy hết tất cả sức mạnh của một Thượng Đế Hữu Nhân Cách.
Phẩm vật cúng dường cao như núi, quì lạy . . . .quì lạy. . . .và quì lạy. Cầu xin. . . .cầu xin. . . .và cầu xin. . . lòng thành. . . .lòng thành và lòng thành. . . . đức tin. . . .đức tin và đức tin tuyệt đối. . . .Người nào cũng mang một cái huy hiệu có hình đức Ngài trên ngực. Tôi cũng đã gặp nhiều người tu mật khác theo các giáo phái của người Tạng ai cũng mang huy hiệu có hình của sư phụ mình ở cổ và ngực, xem như một vật thiêng có khả năng gia hộ độ trì cho mình và có thể là để khỏi lẫn lộn với tín đồ của các giáo phái khác.
Có người nói với tôi. Một vị vua làm vua đấy là do ngài có long mệnh được Vua trên trời giao nhiệm vụ chăn dắt thần dân. Cũng vậy, một vị Thượng Sư ngồi trên ngai cũng là do Phật truyền thừa cho đến tận bây giờ không đứt đoạn bằng cách tái sinh. Mô Phật, với lòng thành kính, cho đến tận bây giờ, tôi vẫn nhất tâm cố tin là như vậy. . . .như vậy!
Hai buổi tụng kinh cầu nguyện. Xế chiều có thời thuyết pháp. Buổi trưa ăn cơm ở chùa. Giữa giờ hành lễ có ngưng 5 đến 10 phút để uống trà giải lao. Ai dự khóa lễ đều có thẻ ra vào để bảo vệ kiểm tra.
Ngày đầu là lễ tức tai tức trừ chướng ngại nghiệp lực. Ngày thứ nhì là lễ tăng ích tức tăng phước đức, và ngày thứ ba là lễ cầu trường thọ. Buổi chiều tối ngày đầu tiên có múa thiêng với các nử lạt ma mặc áo kiểu thần linh trên đầu có gắn cái đầu lâu giả nhỏ xíu vừa nhảy vừa múa theo điệu nhạc với tiết tấu mạnh như nhạc rock. Đức Ngài đi trước với lọng vàng che, kèn thổi ò e, nhang trầm nghi ngút, hai hàng lạt ma vừa đi vừa múa. Đoàn đi đến một cái sân gạch lớn có đống lửa cháy phừng phực, nhạc trỗi dồn dập, Nhân Thần nhảy theo điệu nhạc, dở chân cao thay phiên và uốn éo múa thiêng. Buổi lễ nhập thần thiêng liêng đầy màu sắc. Kèn thổi inh tai, trống đập thùng thùng, chập chõa giật giật và đám đông quì lạy hay chấp tay cung kính. . . .trông giống như một buổi lên đồng ở Việt Nam.
Hoàng hôn đang hấp hối trên các đỉnh núi phia sau và phía xa kia. Mây trắng giăng giăng, rừng thông gió hú buồn thiu, từng đoàn chim bay về Tổ. Núi rừng dần dần ngập chìm trong bóng tối mông lung. Đức Ngài đang ngồi đấy, còn hóa thân Thần linh đang nhảy múa theo điệu nhạc âm u. Lửa cháy bập bùng in hình những bóng đen kỳ dị trên sân. Gió thổi phần phật, tiếng trì chú rầm rầm rì rì như từ một cõi vô hình nào đấy đang vọng về. Giây phút này đây, thực và hư đang lẫn lộn. Con người và thần linh đang lẫn lộn.
Cô đơn lạc lõng trong cái biển âm thanh kỳ bí và những điệu nhảy mang hình dạng của cõi bên kia. Tôi thấy rờn rợn nên niệm hồng danh A Di Đà rồi lẻn ra bên ngoài, lui về một nơi thật xa cho đến khi mọi tiếng động nhỏ dần. . . .nhỏ dần. . . rồi không còn gì nữa . . . .chỉ còn cái lặng yên với tiếng thì thầm của rừng đêm. Thở hắt ra một hơi thật dài rồi ngồi xuống đất. Tôi buông xuôi toàn bộ thân tâm trong cái lặng yên của núi rừng, thư giãn để thật sự được nghỉ ngơi đôi chút.
Gió núi lành lạnh, thông reo vi vu, côn trùng tỉ tê khúc nhạc đồng quê.Tôi thấy nhẹ hẳn người. Thật sự chưa bao giờ tôi được sảng khoái như lúc này. Đúng là được các ngài ở đây gia trì tôi mới được vậy. Nếu không có cái biển âm thanh ngồn ngộn ấy, làm sao tôi biết được cái lặng yên cốt lỏi của sự sống. Nếu không có cái biển màu sắc chói lọi ấy, làm sao tôi thấy được cái vô tướng mà tướng nào cũng biểu thị được. Nếu không chứng kiến biết bao tấm lòng sùng kính đến vô hạn với đức tin tuyệt đối giao phó Thân và Tâm mình cho Đấng Toàn Năng, thì làm sao hoát nhiên trực ngộ "cái tự Nhiên Biết" không cố gắng bản chất của sự sống.
Mô Phật, tôi đứng lên đi về phía đám đông, phía của tiếng động và của mọi biểu thị tâm linh sùng tín, . . . Tôi nhìn. . ..Tôi thấy. . .Tôi nghe. . . .Nhưng bây giờ thì khác. . . .Tôi sung sướng cảm nhận cái lặng yên giữa muôn ngàn tiếng động. . . .Tôi hạnh phúc khi cảm nhận được cái không màu vô tướng nằm giữa dòng chảy của muôn ngàn biểu thị tâm linh. . . . .
Mời các bạn xem phim
1. (nhấn vào đây để xem trong thư viện)
2. (nhấn vào đây để xem trong thư viện)
3/ Lễ Pija cầu Pháp Vương trường thọ /Khathmandu/Népall (nhấn vào đây để xem trong thư viện)
Rong chơi nơi tháp Swoyamibhunath
(ảnh ý niệm của Miisha Gordin-Ảnh chỉ có tính minh họa)
Âm nhạc ức chế và màu sắc chói lọi kéo dài suốt ngày, làm não người nghe lọt vào trạng thái tâm linh, nghĩa là các biểu thị của nhân xám dưới võ não. Thế rồi những lời phán truyền đã khiến mọi biểu thị tâm linh được định hướng. Và một vết hằn trong não đã được hình thành. Để mãi mãi về sau qui định phạm trù của mọi hoạt động trong đời sống thường nhật. Điều ấy thoạt trông giống như một sự tự nhiên.
Tháp Swoyamibhunath sắp được an vị Phật nằm trên một quả đồi cao với rừng dây cát tường đủ màu sắc đang phần phật tung bay trong gió lạnh. Giống như mọi tháp khác. Từ sát đất lên cao dần là nền vuông, rồi đến quả cầu tròn và mắt Phật với tóp nhọn màu vàng chóe, vươn lên kiêu hãnh, đâm toạt bầu trời đầy mây trắng.
Tầng sát đất, ở 4 hướng an vị 4 vị Phật. Tầng trên đỉnh tháp ở giữa, vừa mới trùng tu. Chắc là sẽ an vị tượng thứ 5 để thành Ngũ Trí Như Lai Mandala. Chung quanh có rất nhiều Tháp khác nhỏ hơn cùng một kiểu, cái màu trắng. cái màu đen. Nối liền 4 vị Phật an vị ở tầng thấp nhất là các dãy pháp luân bằng đồng được Phật tử và khách hành hương quay rè rè suốt ngày.
Sau khi lễ Phật ở tháp, cúng dường và đi kinh hành nhiễu quanh tháp một vòng. Cụ già và chúng tôi vội đi ra phía ngoài, dạo quanh các khu bán hàng mỹ thuật tâm linh, để tránh tiếng ồn ào, tránh tiếng nhạc rầm rập đang vang động cả một vùng núi non.
Một vị huynh nhờ cụ chọn hộ một tượng Phật để mang đi Mỹ. Cụ già thỉnh một bảo tháp bằng đồng tượng trưng cho đức Tỳ Lô Giá Na và tặng nó cho vị huynh ấy để làm pháp khí tu tập. Sau khi bao sái tượng bằng nước thơm. Vị huynh ấy quì xuống đất ngay tại cửa tiệm. Cụ già thông công nhận ấn lệnh, trì chú, vẽ phù và ban nó cho vị huynh. Vị huynh ấy cũng dùng thể hóa thân nhận linh tượng từ tay cụ già.
Thấy vậy, tự nhiên người bán hàng thỉnh cụ già xoa đầu ban phúc và làm phép cho vợ và cho mình. Cụ già cười hề hề. . dùng đại thủ ấn với tam mật tương ưng một tay đặt trên Bách Hội của họ, tay kia kiết ấn, vào định và làm phép thông công cho họ. Cụ chọn mua một tượng Phúc Thần Ganesh trong cửa tiệm, chú nguyện rồi tặng lại cho cửa hàng:
- Hề hề. . . .Cửa hàng này sẽ được thiêng liêng gia hộ buôn may bán đắt. Khi ấy phải trích ra 1/3 số tiền lời kiếm được để cho người nghèo khổ quanh đây. Nếu làm vậy nó sẽ ngày càng nhiều lời. Còn nếu không làm vậy thì Phúc Thần sẽ không hộ.
Tự nhiên chủ các cửa tiệm bán hàng mỹ thuật tâm linh ở khu thánh địa này đều nhờ cụ già, xoa đầu làm phép, cầu nguyện cho họ và gia đình. Tại mỗi nơi ấy, cụ già đều chú nguyện và tặng linh tượng Phúc Thần cho họ. Cụ già cười hề hề. . . .bà con Népal chấp tay đãnh lễ mỉm cười hoan hỉ và hứa với cụ già sẽ làm từ thiện theo lời dặn của cụ.
Bà con Népal gọi cụ già là : Ông Thầy Hạnh Phúc (Happiness Guru). Chúng tôi rong chơi đến đâu, ở đó liền có tiếng cười vui, có những cái chấp tay đảnh lễ cung kính, có những nụ cười thân ái và những cử chỉ thân thiện phát xuất từ con tim đồng cảm.
Một người bán chim phóng sanh gánh một gánh chim, nhốt trong nhiều cái lồng. Thấy cụ già đi ngang qua, liền cất tiếng mời chào. Cụ già mua một lồng đầy chim manh manh, chú nguyện, rồi thả chúng ra. Bầy chim lập tức xòe cánh lao về phía bầu trời cao rộng đầy mây, rồi rạp xuống khu rừng kế bên. Còn cụ già thì cười hề hề. . .nhìn theo cho đến khi chúng mất tăm trong khu rừng cây rậm rạp xanh tươi.
- Thưa cụ, có phải vì có người mua chim phóng sanh, nên có người bắt chim để bán?!
- Ta thì không suy nghĩ sâu xa như vậy. Đơn giản, ta thấy chúng khổ thì phát tâm cứu chúng thôi. .. .hề hề. . .
Đèn nến cháy lập lòe thành từng vạt lớn trên mặt đất ẩm ướt và ngay trước các tượng Phật, Bồ Tát hay Thánh Thần. Đằng kia nơi hành lễ, phẩm vật cúng dường cao như núi, nhang trầm, đèn đuốc đốt sáng choang. Đám đông tăng có, tục có, đang trì kinh niệm chú trong tiếng nhạc inh tai, tiếng kèn phì phò, tiếng chập chõa keng keng, tiếng trống rầm rập, tiếng chuông leng keng, hòa với tiếng gió thổi phần phật, tiếng khỉ dành ăn kêu chí chóe, tiếng quạ kêu thê lương trên đỉnh các ngọn tháp ngập tràn màu nắng vàng tươi. Gạo và hoa được khách hành hương vung vãi khắp nới để cúng dường và tạo phước đức. Chim sáo sà xuống tranh với người ăn mày già yếu đang dùng bàn tay của mình vuốt trên mặt đất lép nhép nước, để gom thành một nhúm gạo đầy bùn. Người ấy vừa xua đuổi chim vừa nhón nhúm gạo đầy bùn đất ấy vào lòng bàn tay kia, xong mang nó đến một vòi nước rửa sạch sẽ rồi bỏ vào một cái bát con. Trước mặt tôi, một người mặt áo tràng màu xám vừa niệm Um mani padme hum vừa quát người ăn xin đứng bên cạnh đang mè nheo. Thỉnh thoảng người mặt áo tràng màu xám lại nhón tay bốc từng nắm cơm trong cái bát con cầm ở tay, nhét vào miệng của vị Thần bằng đá núi. Vị Thần đá không ăn được, nên cơm đầy ứ miệng. Người ấy liền đảnh lễ ngài rồi bưng bát cơm đi sang tượng khác. Lập tức mấy con chim sẽ bâu vào mặt tượng đá, mổ cơm trong miệng ngài để ăn. Khi thấy lũ khỉ chuyền đến, bầy chim bay tán loạn. Nhưng mấy con khỉ chưa kịp ăn, thì một người ăn mày già chạy đến. Ông ta đuổi chim đi rồi gở cục cơm trong miệng ông Thần ra, ngồi bệt xuống mặt đất lép nhép đưa vào miệng nhai lấy nhai để. Nắng vẫn vàng tươi, tiếng tụng kính trì chú vẫn cao giọng, tiếng nhạc tâm linh vẫn đang ngự trị và trấn áp, tượng Phật tượng Thánh Thần vẫn đang mỉm cười trong yên lặng. Và dòng đời vô thường vẫn đang trôi không bao giờ ngừng lại.
Khu đồi này có vô số tượng đá đứng ngoài trời trong cái biển người đang tụ tập về đây để dự lễ, để quì lạy và cầu xin. Người ta vừa đi nhiễu tháp vừa trì kinh tụng chú. Bồ câu và khỉ rất nhiều . Chúng có mặt khắp nơi để ăn cắp thực phẩm cúng dường và nhặt gạo rơi. Ăn mày nhiều vô số, trẻ con có, người lớn có, người già có, bế con nhỏ hay tàn tật ngồi la liệt ở các bực cấp lên xuống và chạy lẽo đẽo theo sau khách để mè nheo xin tiền. Dây cát tường giăng mắc khắp nơi và khói đốt cỏ thơm ở các chậu đất nung bay mù mịt.
Hôm nay trời nắng nhẹ, sáo sậu và quạ đen đậu đầy trên những cây lão tùng và trắc bá diệp cao vút. Chúng kêu quàng quạc và nói chuyện ồn ào. Gió mát lồng lộng, mây trắng bay lang thang qua đỉnh núi, quấn quít những mái cong ám khói và những đỉnh tháp nhọn hoắt vàng chóe lấp lánh ánh mặt trời. Khỉ đuôi dài kêu chí chóe, nhăn răng cười và chìa tay xin đồ ăn với khách. Chúng địu con lang thang khắp nơi, đi chen với khách hành hương, ngồi trên vai những ông Thần dữ tợn đang trợn mắt nhe nanh hay chui vào nằm ngủ trong lòng những vị Bồ Tát bằng đá núi xanh rì, loang lỗ vết thời gian. Bồ câu bay rợp trời, chui vào các ban thờ để ăn gạo và cơm nếp của hành hương đang bày cúng.
Chúng tôi theo sau cụ già đảnh lễ chư Phật và chư Bồ Tát. Rồi vội vàng đi ra, dạo quanh khu đồi và các cửa hàng bán đồ mỹ thuật để tránh đám đông ồn ào với tiếng kèn, tiếng trống, tiếng chập chõa, tiếng chuông rung, tiếng trì kinh niệm chú vang động cả một vùng núi thiêng.
Ăn mày bám theo hàng đoàn. Cụ già cho một người, thì lập tức cả đám đông liền bâu vào níu kéo xin tiền:
- Ối cụ ơi, cụ mà cho thì họ sẽ bâu vào làm khó cụ đấy
- Tụi này kinh lắm, đi tránh đi, hơi nào cụ làm thế
- Cụ mà làm phúc thì phải tội đấy
Rất nhiều khách hành hương truyền kinh nghiệm. Nhưng cụ già cứ cười hề hề. . .thân mật nắm 2 tay 2 cháu bé người Népal, vừa đi vừa niệm Phật vừa tươi cười chào những người lam lũ đang nằm trên hè phố, hay ngủ trong kẹt các ngôi tháp tráng lệ. Ai xin cụ cũng cho. Cụ nắm tay họ thân mật. Chỗ này, cụ cung kính cúng dường trong bình bát của một tu sĩ Phật giáo mặc áo vàng, bước sang chỗ kia cụ lại cúng dường cho một tu sĩ Hindu tay cầm đinh ba với mặt bôi vôi trắng và chấm bột màu đỏ như máu trên trán. Một người đàn bà Népal chân đất, bế một đứa bé da đen sì, đầu trần trong nắng bước đến chìa tay xin tiền. Mấy người Việt Nam đang đi kinh hành thấy vậy liền kêu thật to:
- Cụ ơi, người này xin đi xin lại đã 3 hay 4 lần rồi cụ đừng cho nữa. . .!
Móc túi lấy tiền cho. Nhưng không còn nữa. . .cụ già cười hề hề. . .đưa túi cho cả bọn ăn mày thò tay vào kiểm tra. Cả bọn cười như nắc nẻ khi thấy ông cụ chẳng còn một xu dính túi. Một người ăn mày chỉ chai nước lọc cụ đang cầm trên tay. Cụ liền cho nốt chai nước lọc rồi cười hì hì. . .
Cụ già cười hề hề. . . .cụng đầu hôn đứa bé và chọc nó cười. . . .Bổng cụ chìa tay xin người ăn mày. Cả bọn ban đầu ngạc nhiên sau thấy vậy cùng cười phá lên vô cùng thú vị. Người ăn xin ấy, liền đảnh lễ cụ, rồi móc túi lấy ra mấy đồng xu lẻ được gói trong nhiều lớp giấy ni lông, hai tay cúng dường cụ. Cụ già niệm Phật hiệu, nhận từ tay người ăn mày này mấy đồng xu. Lấy ra một đồng cúng Phật, một đồng cho cháu bé người ấy đang bế, một đồng cho chính người ấy, rồi còn lại cho hết mấy người ăn mày tàn tật đang la lết bây giờ mới theo đến kip. Cả bọn ăn mày và khách hành hương cùng người qua đường cảm động, đứng im lìm. Vài người ứa nước mắt. . . .Cụ già vẫn cười hề hề nắm tay 2 đứa bé ăn mày, cùng chúng tôi rong chơi trên đỉnh đồi thiêng. Đằng kia tiếng nhạc, tiếng tụng kinh niệm Phật vẫn đang đều đều trong gió núi.
Du khách đang đi kinh hành thấy vậy, liền cho tiền cụ. Cụ cười hề hề. . .lập tức cho một người ăn xin nào đấy, cả bọn hò reo, vui mừng. . . .Cứ thế. . .cứ thế. . . . chúng tôi theo sau cụ già đi chơi khắp nơi trên khu đồi thiêng tràn ngập mùi nhựa thông thơm lừng trong nắng. Cụ già vừa cười hề hề. . .vừa nhận tiền cúng dường vừa bố thí cho những người ăn xin đang đi theo cụ rất đông. . ..Dưới nắng mai, một đoàn ăn xin và các cháu bé nghèo khổ cùng người tàn tật đi theo sau chúng tôi, vui cười hớn hở. . . Ông già cười hề hề. . .niềm vui lan sang chúng tôi và những người chung quanh.
Ánh nắng như reo vui, gió núi như cười tươi hơn. Quạ, sáo sậu, khỉ, bồ câu, chó và trẻ con, ăn mày cùng chúng tôi họp thành đoàn dài đi dạo khắp khu đồi thiêng, cười cười nói nói thật là vui.. . . . Ai gặp chúng tôi cũng mỉm cười và cúi đầu chào thân thiện: Việt Nam. . . .Việt nam. . . .Việt Nam. . .
. . . .
1/Rong chơi nơi Tháp Swoyamibhunath /Népall/9/2010 (nhấn vào đây để xem trong thư viện)
2/ Dạo phố Nê Pan (nhấn vào đây để xem trong thư viện)