Đợi cả tiếng đồng hồ, Penba liên lạc , gọi điện khắp nơi mà không tìm được người Hướng Dẫn Viên mà FIT chỉ định đi cùng chúng tôi. Trời đã sáng, Chúng tôi ngồi đợi trên ghế đá , rồi đi dạo xung quanh , nghịch mấy quả cầu bằng đá đường kính tới 70cm được để hai bên đường, chẳng còn gì để làm, tôi mới chạy lại nói Penba “ nếu không tìm được thì đi luôn, không có hướng dẫn viên cũng được”. Penba gọi điện lại cho Saonam, rồi nói với tôi “Sẽ có hướng dẫn viên tại Shigatze, nhưng người này không biết tiếng Anh đâu nhé?!”. Hay thật , vậy sẽ hướng dẫn bọn tôi bằng thứ tiếng nào đây, hay lại dùng chiêu chỉ tay như tôi …. Tôi nói với Thầy là hướng dẫn viên sẽ có rồi chúng tôi lên xe, khởi hành về hướng Tây. Trong ngày hôm nay chúng tôi cần phải đi hơn 700km , không còn thời gian để đợi nữa.
8g15 phút sáng, chúng tôi ngồi vào xe, đoạn đường từ Lasa đến Shigatze dài 270km, đường rất tốt nhưng bị hạn chế tốc độ tối đa là 70km/g nên cũng phải 12g trưa chúng tôi mới tới được văn phòng của FIT tại Shigatze, thành phố lớn thứ hai của Tây Tạng, là nơi có tu viện Tashilunpo nổi tiếng , thờ phật Adida, cũng là thánh địa của dòng Ban Thiền Lạt Ma. Ở Tây Tạng, ngoài Đạt Lai Lạt Ma, được coi là hóa thân của Quán Âm Bồ Tát, còn có một vị chức sắc tôn giáo nổi tiếng không kém, cũng được tái sinh từ kiếp này sang kiếp khác, là Ban Thiền Lạt Ma. Ban Thiền Lạt Ma được coi là hóa thân của Phật A-di-đà. Xưa kia, các ngài do chênh lệch tuổi tác, nên một vị tái sinh khi còn nhỏ, sẽ được gửi tới vị kia để học đạo. Hiện nay thì Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 đang lưu vong ở Ấn Độ, còn Ban Thiền Lạt Ma thứ … (12), thì sau khi được Đạt Lai Lạt Ma công bố chỗ ngài tái sinh, đã “biến mất” . Cách đây không lâu, chính phủ Trung Quốc còn công bố chính sách, bắt buộc các ngài khi tái sinh phải được sự đồng ý của nhà nước ?! Không hiểu được họ sẽ kiểm soát ra sao?!
Trên đường cao tốc mà chúng tôi đi từ Lasa tới Shigatze, và sau đó từ Shigatze tới Lhatze và ngược lại , công an Trung Quốc kiểm soát tốc độ rất đơn giản, họ lập những trạm kiểm soát hai đầu đoạn đường. Lái xe bắt buộc phải dừng tại điểm kiểm soát. Họ phát cho mỗi lái xe một phiếu, ghi rõ tốc độ tối đa , tùy theo loại xe, và thời điểm ghi phiếu. Tới điểm kiểm soát sau, họ kiểm tra, và so sánh thời gian, từ đó tính ra vận tốc trung bình. Đơn giản vậy thôi , anh có phóng nhanh thì cũng phải chờ đâu đó, nên đa phần lái xe cũng từ từ, giữ đúng tốc độ.
Lần trước, chúng tôi đi vào mùa xuân, nước sông Lasa , sau đó là sông Yarlung còn ít và xanh ngọc, vào đợt này, nước dâng cao, tràn rộng ra cả thung lũng, sông mênh mông, nước mênh mông, những cây liễu , cây phong đứng ngập trong nước, in bóng xuống mặt sông thật hiền dịu. Càng xa Lasa, cây cối càng ít dần, núi đồi chỉ còn một màu xanh của cỏ, màu đỏ của đá, màu vàng của những đụn cát, lẫn màu trắng của những chú dê núi, đang chạy từng đàn , từng đàn trên cao tít. Cây ít dần, mặt nước mênh mông lại in bóng trời xanh và những đám mây đủ mọi hình thù. Trời Tây Tạng trong vắt, không khí lại loãng, nên mây ở đây đẹp lắm, đủ mọi hình dạng, nào là hình thỏ, hình chim, hình ngựa, hình người đánh võ, hình những chiếc xe đang đuổi nhau. Tôi ngắm mây Tây Tạng mà không hề chán mắt. Càng xa Lasa, đất trời , cảnh vật như hoang sơ hơn, như dịu dàng hơn và cũng nhiều bí hiểm hơn…Đường tới Shigatze nằm trên vách núi dựng đứng, men sát bờ sông Yarlung, cách mặt nước khoảng 50m. Đoạn đường này, trước kia là chỉ một đường mòn nhỏ, cực kỳ hiểm trở, người ta thường nói, ai đã qua đoạn đường này một lần, thì không bao giờ dám đi trở lại… Đến thời điểm này khi chúng tôi đang băng băng trên đường cao tốc dải nhựa phẳng lỳ, thì nhìn qua bên kia sông, con đường mòn cũ vẫn còn đó, chênh vênh theo sườn núi, chỗ to nhất thì đi vừa cái xe ngựa, chỗ hẹp nhất chỉ đủ cho một người đi bộ. Thế mà xa xưa, người Tây Tạng vẫn hành hương qua lại giữa Lasa và Shigatze để lễ Phật, vừa đi vừa lạy , nằm sát người xuống đất, đúng là lòng tin của họ vào thiêng liêng thật lớn quá.
… Chúng tôi nghỉ ăn trưa ở một nhà hàng Trung Quốc, với món cá hấp rất hợp khẩu vị Tam Mao, cậu chàng cười khì khì vì từ hôm đi mới được một bữa ăn ngon miệng… “Không có bữa đó thì đúng là em chết đấy!” Tam Mao hay nói đùa với tôi như vậy sau này, vừa nói vừa cười bằng ánh mắt, tay thì gãi , đầu thì lắc , miệng thì hihi dễ thương. Trong khi đó thì Penba đi tìm hướng dẫn viên , cái người không biết tiếng Anh đó, mà cũng tìm không ra. Tôi báo với Thầy, Thầy im lặng một chút, rồi nói “cứ đi, con chuẩn bị kỹ rồi phải không”. Tôi “vâng!” rất tự tin và chúng tôi lên xe tiếp tục hành trình.
Vậy là chỉ có 4 người trên xe, Penba và ba thầy trò, rất rộng rãi. Chúng tôi định mua bình Oxy tại Shigatze mà không kịp, cứ thế lên đường, sẽ mua sau vậy. Sau Lhatze thì đường nhựa phẳng lỳ cũng hết, báo hiệu của nó là một trạm kiểm soát đầu tiên. Chúng tôi tới đây vào lúc 16g55 , Penba vào trình Alient Travel Permit. Từ đây trở đi, xe cộ rất ít, vì đa phần các xe đã rẽ về hướng nam, đi về hướng tu viên Sakya, núi Everest và xuống Nepan. Đi cùng chúng tôi bây giờ chỉ còn lác đác những người hành hương về Kailash và Guge, và thỉnh thoảng là những đoàn xe quân sự vài chục, tới vài trăm chiếc. Cảnh vật nhanh chóng đổi khác, đường xóc nảy người, bụi mù , bụi tới mức nếu bạn chỉ cần hé kính là cả xe không thể thở được… và đặc biệt là con đường của bạn sẽ nhiều lần cắt qua những con sông nhỏ, và bạn chỉ có cách là .. gạt cần số cầu phụ và lao thẳng xuống lòng sông…Penba lái xe thật điêu luyện, điều khiển hai cầu chính xác, nhiều lần tôi không hiểu Penba có quá liều không khi phi xe xuống lòng sông, nhỡ … nó ngập xe thì sao…chưa có lần nào như vậy, chứng tỏ Penba rất thạo đường. Phải nói là thạo đường, vì càng đi về phía Tây, càng nhiều đường, vì không có đường nào cả.. trong cả cái trời đất mênh mông này, bạn chạy đâu cũng được, ở đâu cũng có thể là đường. Chúng tôi chạy tới 9g thì trời tối hẳn, đã qua ngã ba , chỗ giao nhau giữa tuyến đường nam mà chúng tôi đi, và tuyến đường bắc , vòng lên hướng bắc, qua Ali, dễ đi hơn nhưng dài hơn khoảng 400km. Thế là chúng tôi đi hầu như một mình, đường cực xấu, Penba lại không bao giờ bật đèn pha , không hiểu anh nhìn đường thế nào, càng đi, tôi càng phục Penba, lái xe suốt …15 tiếng mà không thấy mệt mỏi.
Tới 23g25 thì chúng tôi tới trạm kiểm soát quân sự tại Saga. Trời tối đen và yên ả, có một xe của đoàn thám hiểm Nga, vài xe của những người hành hương Ấn độ và Tây Tạng cũng đang chờ. Đã quá muộn, trong trạm chỉ còn ba anh lính trẻ, và một anh đứng canh barier . Không biết vì họ đã quá mệt, hay trong số những người đứng đó có vấn đề gì với giấy tờ, mà thủ tục làm rất chậm. Penba vào trình hơn nửa tiếng mới được xét đến. Chúng tôi ngồi lên xe, đợi kiểm tra hộ chiếu rồi vào Saga. Cảnh này làm tôi nhớ đến những ngày qua lại thường xuyên giữa Kiev và Chisinau với những trạm kiểm soát quân sự , với những chiếc BTR và những anh lính áo rằn ri, đầu quấn khăn, tay ôm súng , miệng sẵn sàng xin thuốc lá tại vùng tranh chấp giữa Moldova và Khu tự trị Pridnevstrovie thuộc Liên Xô cũ.
Tìm được khách sạn thì cũng đã quá nửa đêm. Ở Saga chỉ có một khách sạn duy nhất, tương đối lịch sự ( nghĩa là có nhà tắm, nhà vệ sinh trong phòng), còn lại thì chỉ là các nhà trọ, với khu vệ sinh chung, mà nhà vệ sinh chung ở Tây Tạng thì đúng là tệ nhất thế giới … tôi chưa đi hết thế giới, nhưng đoán là chắc không nơi đâu tệ hơn thế nữa …
Đêm đầu tiên ngủ ở độ cao tới 4500m so với mặt nước biển, cao hơn Lasa tới 1000m, thật không dễ dàng, dù rất mệt vì đã ngồi xe, xóc , bụi suốt 15 tiếng, mà tôi trằn trọc tới cả tiếng đồng hồ. Thầy và Tam Mao với sức khỏe tuyệt vời đã ngủ từ khi nào, còn tôi thì nằm đếm sao qua ô cửa sổ… Ngày và đêm đầu tiên trên hành trình về với tổ sư qua đi nhanh chóng. Chúng tôi đã đi 710km trong 16 tiếng , qua điểm cao nhất là 5089m tại vị trí cách Saga 40km về hướng Tây. Ngày mai còn hứa hẹn nhiều điều bất ngờ, từ Saga trở đi, Tây Tạng huyền bí và hoang sơ sẽ ôm bạn vào lòng, bạn sẽ thở nó, ăn nó, uống nó như nó vẫn vậy hàng trăm triệu năm…nền văn minh vật chất của loài người chỉ vừa tới Saga….
… Trong cái yên lặng một mình của màn đêm, trong cái cảnh thiếu dưỡng khí đã trở nên quen thuộc, tự nhiên những kỷ niệm về chuyến đi Tây Tạng lần đầu , cách đây bốn tháng lại ập về với tôi lúc nào chẳng rõ
….
Lần đó cả đoàn chúng tôi tới Lhasa trong một cảm giác thật khó tả.. Đây rồi ư, thành phố của chư thiên đây rồi ư, Potala kia rồi … hoàng hôn đang trùm xuống chúng tôi… như những đứa trẻ con lâu ngày mới gặp mẹ, mừng rỡ khôn tả. Lạnh là thế, thiếu không khí là thế, mà tôi vẫn chạy tung tăng, trong một cái áo khoác ấm và cái quần lửng. Chắc vì quá vui mừng mà tôi đã quên hết những cảnh báo trước đó. Ngay cả khi đã về tới khách sạn, dù đã được nhắc nhiều lần là đừng tự mang đồ lên phòng, phải để nhân viên khách sạn họ mang dùm cho, vậy mà tôi cứ xách ba lô, túi … nhảy hai bậc thang một lên lầu ba. Về sau mới biết, đã có một người Hàn Quốc đột tử chỉ vì xách valy lên như thế… Không khí quá loãng, người mới tới không quen, thiếu dưỡng khí, không thể phục hồi kịp. Lúc đó quả thật tôi không sao cả, rất khỏe mạnh, rất vui vẻ.. nhưng cái gì phải tới thì nó tới… tôi đã bỏ qua những lời dặn dò và tới ngày hôm sau, khi cả đoàn đang dạo ở phố Bát Giác sau khi đã ghé thăm Đại Chiêu Tự thì tôi thấy người rất khó chịu, đi như không vững. Đợi lúc cả đoàn lên nhà hàng chờ ăn tối, tôi tìm một chỗ vắng trên sân thượng, ngồi luyện công mà không sao hồi phục được. Lại tụt xuống nhà hàng, ngồi nhìn mọi người ăn cơm, rồi xem mấy tiết mục múa, hát của người Tạng. Tôi mệt quá, biết là ngồi không làm gì là gục ngay, nên lại nâng cái camera lên vai tranh thủ quay mấy cảnh biểu diễn…Sao mà lâu thế … đợi mãi, đợi mãi thì cũng tới lúc về. Tôi gắng hết sức về tới cửa phòng, chỉ kịp cho cái chìa khóa vào ổ, mở cửa cho Thầy, rồi quỵ xuống hành lang. Ngồi bệt đó một lúc rồi tôi cũng lết vào phòng, lên giường và lần đầu tiên trong đời, tôi mới rơi vào cảm giác như thế. Toàn thân cực kỳ khó chịu, đầu óc quay điên cuồng, đủ thứ ý nghĩ, diễn ra với tốc độ cực nhanh, và cực kỳ rõ ràng. Thường khi bạn mệt mỏi, bạn như mê đi, còn ở đây lại khác, mệt nhưng rất rõ ràng và căng thẳng…chẳng làm gì được. Trong khi đầu óc thì tràn đầy những tư tưởng , ý nghĩ kỳ dị thì cơ thể cứ yếu dần, yếu dần… Tới độ ba giờ sáng thì tôi bắt đầu cảm thấy cái lạnh ngấm dần vào da thịt, nó như làn sóng, ngấm từng chỗ, lan vào sâu một chút, rồi lại lùi ra một chút, cứ thế khoảng tới 4 giờ sáng thì nó ngấm vào toàn thân, chân tôi lạnh dần, người tôi lạnh dần…chợt thoáng ý nghĩ, à hóa ra chết là thế này đây… à, cái cảm giác bị lạnh xâm chiếm từ từ là đây…, có cảm giác tôi sẽ nằm gục cả tuần mê man bất tỉnh….. Mà mai cả đoàn còn đi tiếp, tôi không thể nằm gục ở nhà được… Dùng hết sức lực cuối cùng, tôi ngồi bật dậy, niệm thầm trong đầu “ Mẹ ( Quan Âm) chữa cho con , mai con không đi được thì ảnh hưởng tới Thầy và cả đoàn”, thế là đại thủ ấn hiển thị trên đỉnh đầu và vẽ linh phù vào cơ thể. Cũng là lần đầu tiên tôi thấy nó linh diệu và cụ thể tới thế, linh phù đi tới đâu thì cái lạnh lùi ra ngoài tới đó, tôi thấy rõ, rõ lắm, thấy mọi thứ không đơn thuần chỉ là cảm giác, mà như vật sờ được, thấy được, thấy các ngón tay đang vẽ linh phù, thấy cái lạnh rút ra ngoài… cứ thế khoảng 15 phút thì người tôi ấm trở lại.. tôi nằm xuống và ngủ thiếp đi được tới sáng. Lúc mở mắt ra thì tôi đã khỏe lại gần như bình thường, lại ngồi dậy, đi đôi dép giấy cho đỡ lạnh chân, luyện dịch cân kinh một lúc rồi ra ngoài hành lang, trò chuyện với mọi người… Thầy biết tôi gục ngã đêm hôm đó, và đã dùng thần lực của mình tiếp sức để tôi vượt qua cơn hiểm nghèo chỉ trong vài tiếng đồng hồ.
Tôi nhớ lại cái cảm giác khác lạ của buổi sáng hôm đó, miệng mỉm cười và từ từ đi vào giấc ngủ.. ngày mai lại lên đường, còn một ngày đêm nữa chúng tôi sẽ tới Kailash, đường từ đây trở đi sẽ rất khó khăn và có lẽ nhiều thú vị.. kệ nó.. ngoài trời đầy sao, gần lắm, gần lắm….
(Còn tiếp)
Cỏ Gừng/