Cung Potala ở Lasa /thủ đô TâyTạng
Ở Lasa các công ty thường làm việc rất muộn, muộn theo giờ Bắc Kinh mà Tây Tạng đang phải dùng, chứ theo địa lý thì cũng như mọi nơi. Lasa nằm ở vị trí địa lý tương ứng với múi giờ thứ năm (GMT+5), mà phải dùng giờ theo múi giờ thứ 8 cho thống nhất trên toàn lãnh thổ Trung Quốc, nên chênh lệch tới 3 tiếng. Chính vì thế mặt trời mọc lúc 8g30 sáng và mãi 8g45 phút tối mới khuất bóng. Tôi đợi tới 11 g sáng thì công ty du lịch có văn phòng ngay trong khách sạn mới mở cửa. Đợi vậy mà không có kết quả gì, họ từ chối vì tổ chức đi Kailash phải xin tới 4 cái giấy phép, họ không làm được và chỉ tôi tới một địa điểm ở gần Đại Chiêu Tự.

Tôi và Tam Mao đi tới văn phòng của một công ty du lịch khác theo chỉ dẫn của nhân viên nọ, cũng chưa có ai tới làm việc, lại quay về, nghỉ ăn trưa rồi chiều quay lại. Lần này thì gặp một thanh niên với mái tóc cắt ngắn, đeo kính cận.

· Cần thuê xe đi Kailash và Guge Kingdom, khoảng mười lăm ngày.

· Được thôi, nhưng cái khó bây giờ là giấy phép. Giấy phép 600 tệ/người, làm trong khoảng 3 tới 4 ngày. Còn xe và phiên dịch thì để tôi hỏi lại - nhân viên của văn phòng này trả lời tôi bằng tổ hợp các từ Tiếng Anh và tiếng Trung, do tiếng Anh của tôi cũng dở chẳng kém, nên khả năng đoán lại cao, tôi cũng lờ mờ hiểu ra ý nghĩa của câu trả lời.

 

Anh bạn này điện hỏi lái xe. Lái xe đồng ý giá là một vạn tư tệ (khoảng 2000 $), có vẻ tiếc rẻ, anh chàng quay lại nói với tôi “giá này rẻ đấy, mùa này, giá xe thường vạn rưỡi, tới vạn sáu tệ. Nhưng còn phiên dịch, thì dứt khoái phải là 500 tệ/ngày”. Tôi nhẩm tính, vậy là 15 ngày hết tới 7500 tệ. Mà chúng tôi thì đâu cần phiên dịch gì nhiều. Hướng dẫn viên chủ yếu là ngồi xe để kiếm tra xem mình đi đâu, có nói chuyện chính trị, có tiếp xúc với ai không, có mang theo hình Đạt Lai Lạt Ma 14 không, mà bắt chúng tôi trả tới 1000 $, vô lý quá. Tôi không đồng ý, đề nghị anh này hỏi lại giá phiên dịch và bỏ đi chỗ khác tìm tiếp. Anh này cũng có vẻ không cần tôi, dang tay, lắc đầu “tùy đấy, có đồng ý thì cũng chưa chắc làm được giấy phép …”, tôi và Tam Mao ra đến cửa mà còn nói với theo.

 

Chúng tôi tiếp tục đi tới khách sạn Kirey [1], sau khi vào cổng khách sạn, đi khoảng 30 m, bạn sẽ thấy hai văn phòng du lịch ngay trước mặt, một cái bàn tròn để ngoài sân với mấy ông lái xe, hay nhân viên khách sạn đang ngồi đánh mạt chược. Tôi chọn cái bên trái và bước vào. Đúng là một văn phòng du lịch với ba nhân viên mặc đồng phục, ngồi trước máy tính thành một hàng ngang, quay mặt ra cửa và một anh đang đứng nói chuyện với khách phương Tây ở bộ ghế xa lông về chuyến đi hồ Namtso ngày mai. Ngay trên cánh cửa ra vào thì dán một thông báo bằng tiếng Anh trên tờ giấy A4, được viết bằng bút dạ, với ngôn từ rất thân thiện và tự do “tomorrow we have a bus to Namtso lake, for sure,at 7g30”. Hồ Namtso là điểm du lịch nổi tiếng ở TâyTạng, là một trong năm hồ thiêng của vùng đất Phật, và là hồ nước mặn cao nhất thế giới. Giá đi cũng rẻ, chỉ 150 tệ, sáng đi chiều về. Đây là một tour nhỏ, phù hợp cho những khách đang phải đợi giấy phép, hoặc đợi làm quen độ cao, hoặc đợi mua vé vào Potala. Nhưng đợt này thì chúng tôi chỉ nhắm tới Kailash và cũng cần giữ sức. Tôi ngồi ghế băng một lúc, đợi lúc bớt ồn, rồi quay sang hỏi cô nhân viên. Nghe nói tới thuê xe đi Kailash, cô nhân viên đứng dậy, chạy ra ngoài tìm một anh bạn người Tạng, đang ngồi sau mấy quân bài ngoài sân. Z.

 

Z là người Tạng rất đặc trưng, nói tiếng Anh khá tốt, chúng tôi nhanh chóng thỏa thuận được hợp đồng. Giá thuê xe là 15000 tệ (đã bao gồm chi phí ăn ở, xăng của lái xe), hướng dẫn viên 250tệ/ngày, giấy phép 300 tệ/người và làm trong 3 ngày. Trước lúc tôi định về nhà lấy tiền và hộ chiếu để làm thủ tục thì một nhân viên to béo, người Trung Quốc bước vào nói gì đó với Z. Tôi có cảm giác có gì đó không ổn, đúng như vậy. Z quay sang nói “đồng nghiệp của tôi vừa gọi điện cho bên công an, quân đội và biên phòng, họ nói giấy phép bây giờ phải làm trong 10 ngày, nhanh nhất là 9 ngày làm việc”, mà bây giờ đã là chiều thứ sáu, bắt đầu tính từ thứ hai, vậy là tôi sẽ phải đợi thêm 13 ngày.

 

Không ổn! thứ nhất là đợi quá lâu ở Lasa sẽ sinh chuyện, thứ nhì là chúng tôi sẽ không kịp quay về, vì hạn thị thực chỉ có 30 ngày. Không biết phải làm sao, tôi đề nghị Z nghĩ cách nào đó, thậm chí tôi sẵn sàng trả tới 600 tệ nhưng anh chàng lắc đầu quầy quậy “không được, chỉ cần đúng 300, nhưng phải 9 ngày, tôi không thể giúp gì được”. Chúng tôi đành quay về khách sạn. Vậy là ngày đầu không có kết quả, Tam Mao lo lắngra mặt,

 

Sáng hôm sau, tôi quay lại khách sạn Kirey, tình hình vẫn vậy, Z vẫn lắc đầu quầy quậy, khi tôi hỏi nếu tôi kiếm được chỗ khác làm permit thì có đi được không, anh chàng OK. Vậy là có thêm một phương án nữa, tôi có thể tìm ai đó nhờ làm permit, nhưng là ai? Chỗ gần Đại Chiêu Tự tôi có chạy tới hỏi sau đó, họ vẫn không tìm được người hướng dẫn với giá rẻ hơn, và khi nghe tôi nói chỉ nhờ làm Permit thì họ cũng không chịu. Mà cái chính là bọn tôi không mấy tin tưởng vào công ty này, có gì đó thiếu chuyên nghiệp. Mất thêm ngày thứ hai, chạy đi chạy lại thêm ba bốn chỗ nữa, cũng không có kết quả, tôi về khách sạn liên lạc với công ty du lịch ở Quảng Tây, thông qua quan hệ của họ với Lasa để nhờ làm Permit nhanh hơn. Đến đêm thứ bảy, tôi đồng ý trả cho họ 3000 tệ để làm Permit cho ba thầy trò. Nhưng trớ trêu thay, tới sáng hôm sau, khi tôi hỏi cụ thể hơn, đưa hộ chiếu và tiền cho ai, khi nào, ở đâu, thì anh bạn kia lại nổi máu tham, đòi tôi thêm 750 tệ mới chịu làm. Họ thấy mình cần nên bắt bí chăng, như vậy và cũng không phải như vậy. Tôi cắt ngang cuộc nói chuyện, từ chối làm với anh này một cách rất đột ngột và dứt khoát.

 

Vậy là tới chiều thứ bảy, tình hình vẫn không có gì sáng hơn. Đưa Thầy và Tam Mao đi ăn trưa xong, tôi đi một mình, thuê 1 cái xe lôi để chạy vòng quanh khu trung tâm, không hiểu sao, tôi nghĩ chuyện này không đơn giản là tôi không thuê được, mà có thể là tôi cần phải thuê một chỗ khác chăng, chỉ có điều tôi chưa biết, tôi chưa làm đúng, tôi vẫn cố làm theo ý riêng, theo quan niệm của xã hội, nên nó mới vất vả. Giờ tôi một mình làm lại, để xem cái đúng thực sự là gì. Xe lôi chở tôi tới đầu đường vào Đại Chiêu Tự thì dừng, vì là phố đi bộ nên tôi xuống xe, lang thang vào trong. Tôi đi qua công ty du lịch cũ mà không vào, đi nữa, qua mấy công ty nhỏ, cũng không vào, tôi cứ cắm đầu đi, tự nhiên dừng phắt lại, quay sang phải. Một văn phòng nhỏ, với chiều ngang khoảng 3m, sâu khoảng 5m, bên trên phía người phụ nữ khoảng 45 tuổi đang ngồi sau màn hình máy tính là biển đề “Công ty du lịch FIT”. Trong văn phòng chỉ có hai người. Một đàn ông trung niên với bộ ria mép cong cong vểnh lên, khuôn mặt đặc Tạng, có lẽ là người giúp việc cho người phụ nữ kia. Khi bạn bước vào văn phòng này, thì bên trái bạn là một ghế băng, bên phải là một bộ xa lông giả da. Cuối phòng là một bàn làm việc của Saonam, tên người phụ nữ đó. Trên mặt bàn xa lông, dưới tấm kính là bản đồ các tuyến du lịch chính của Tây Tạng, vẽ bằng bút dạ. Các tuyến du lịch được vẽ thành các đường màu đỏ này, tôi nhìn kỹ, chẳng tuân thủ tỷ lệ chút nào, vẽ ra chủ yếu là cho có cái để trang trí. Trên bức tường bên tay trái, bạn sẽ thấy có nhiều ảnh rất đẹp, chụp tại nhiều điểm du lịch khác nhau của Tây Tạng, sau này khi đi trên đường tới Kailash, Penba, người lái xe của chúng tôi mới nói nhỏ cho tôi biết, chính là do Penba chụp đấy. Không chỉ biết chụp ảnh, Penba còn có thể sử dụng máy quay phim khá tốt, nhờ Penba sau này mà chúng tôi có những đoạn phim rất giá trị ở Kora Kailash.

 

Tôi lại gần, chào hỏi, và nói nhu cầu cần đi Kailash và Guge, 15 ngày. Mọi việc diễn ra nhanh ngoài sức tưởng tượng. Saonam nói giá là 17000 tệ, đã bao gồm giấy phép cho hai người, tiền xe và hướng dẫn viên. Tôi nói, bọn tôi có ba người. Vậy thì trả thêm 150 tệ (một trăm năm mươi), tôi hỏi làm giấy phép mấy ngày, Saonam trả lời 3 ngày. Vậy là quá tốt, tôi đồng ý ngay và đưa hộ chiếu và 600 tiền cọc. Thế là xong. Mọi việc diễn ra không quá 5 phút.

 

Tôi tung tăng đi về, vừa đi vừa cười, nhìn ai cũng thấy vui, tôi có cảm giác như lúc đó mẹ Quan Âm đứng sau lưng tôi, vừa cười vừa lắc đầu nhìn đứa con ngây ngô, dại dột này, nó đã không biết tịnh tâm lắng nghe mẹ, để vất vả mấy ngày chạy đi chạy lại dưới cái nắng gắt của Tây Tạng, lại còn không biết đường mà đội mũ nữa.

 

Đi về rồi mới biết, không phải tự nhiên mà người đồng nghiệp của Z đột ngột báo là làm Permit mất 10 ngày chứ không phải ba, không phải tự nhiên mà tôi không thích cái công ty gần Đại ChiêuTự, không phải tự nhiên mà sáng nay, Kiệt đột ngột đòi tăng giá để tôi bực mình bỏ đi… rất nhiều cái không “tự nhiên” mà mẹ đã làm để giúp tôi đi đúng hướng. Để chúng tôi đi được vào Kailash đúng những ngày có thời tiết tốt nhất, để chúng tôi có đủ thời gian để làm quen với độ cao trước khi đi Kailash, để chi phí vừa khít với số tiền mà tôi mang đi, để … Nhất là trong lúc đi vòng quanh Kailash, sự hiện diện của bà đã nhiều lần cứu tôi khỏi cái chết, khỏi sự nguy hiểm khó vượt qua.

 

Qua việc này, tôi cũng có thêm một bài học, trong những chuyện thế này, thì nên làm một mình, khi bạn một mình, bạn dễ tịnh lặng và lắng nghe pháp giới, khi bên cạnh bạn là một ai đó, mối quan hệ của bạn với pháp giới sẽ không chặt. Nếu hôm đó tôi đi cùng Tam Mao, rất có thể tôi đã lại bỏ qua cái văn phòng đó, như đã từng bỏ qua nhiều văn phòng khác. Để rồi bà lại dùng cách khác chỉnh tôi đi đúng đường.

 

[#breakpage#]

Tôi về báo với Thầy, Thầy rất vui, nói “thế là tốt rồi, mấy hôm còn lại ở Lasa, con đi mua giấy và bút chì, màu vẽ để Thầy vẽ và đừng có đi chơi nhiều, mỗi ngày chỉ đi dạo một ít cho quen chân”. Tới tối hôm đó thì tôi ốm, do nắng gắt, do thiếu oxy, hay do nhiều suy nghĩ, hoặc là cần phải ốm, không biết nữa, nhưng đầu thì nhức kinh khủng, ngủ không được. Thầy lấy trà thuốc cho tôi uống rồi chỉ cách luyện công trị bệnh. Tới sáng thì đỡ đi nhiều.

 

Vậy là chúng tôi có tới bốn ngày nữa ở Lasa, chờ để đi Kailash. Tôi và Tam Mao thì tranh thủ sáng đi chơi với Thầy, chiều thì đi dạo phố tìm hiểu. Thầy mỗi ngày chỉ đi một vài tiếng, rồi lại về khách sạn viết bài, vẽ tranh. Cũng nhờ tự đi nên tôi biết Lasa nhiều hơn lần trước.

 

Đại lộ chính của Lasa là đại lộ Bắc Kinh. Điểm du lịch chính của Lasa là cung điện Potala, Đại Chiêu Tự và chợ Bát Giác bao quanh Đại Chiêu Tự. Bạn chỉ cần ghi nhớ vài cái tên như vậy để dễ định hướng trong Lasa. Đại lộ Bắc Kinh rất rộng, có 2 luồng xe mỗi chiều 4 làn, và hai làn cho xe lôi, xe thô sơ. Đại lộ này chạy xuyên từ Đông sang Tây và chạy ngang qua quảng trường Potala. Nếu bạn đứng trên quảng trường, quay mặt về cung điện thì bên tay phải của bạn đại lộ chạy về hướng Đông, là hướng đi về Đại Chiêu Tự, và các tỉnh miền đông. Tay trái của bạn là đi về hướng Tây, qua Shigatze hướng về Kailash.

 

Lần này chúng tôi không vào thăm Potala, thứ nhất là đã vào một lần, thứ nhì là họ mới tăng giá, tới 600 tệ/vé (đầu năm chỉ có 100 tệ), nhưng lại có nhiều thời gian để đi dạo quanh Potala, tại quảng trường và vườn hoa trước mặt cung điện, và đặc biệt là công viên đằng sau Potala. Quảng trường Potala là một công trình kiến trúc đầy… Trung Quốc. Trái lại, công viên Potala thì tuyệt đẹp, với hàng trăm cây liễu cổ thụ với hình dáng đủ loại, nằm đứng, ngồi, nghiêng. Với hai hồ lớn, vườn hoa, sân khấu ngoài trời. Tôi thấy công viên Potala còn đẹp hơn cả Di Hòa Viên ở Bắc Kinh,còn vườn thượng uyển trong Tử Cấm Thành thì hoàn toàn không thể so sánh. Vào công viên Potala bạn lập tức thấy thoải mái, dễ chịu và tự do, phóng khoáng. Còn vào vườn thượng uyển trong tử cấm thành thì ngay cái cảm giác tù túng và quá khuôn mẫu. Diện tích công viên Potala cỡ bằng công viên Thống Nhất của Hà Nội.

 

Mấy ngày ở Lasa mà tôi dạo quanh Potala tới bốn lần, lần đầu đi với Thầy và Tam Mao thăm vườn hoa và quảng trường, rồi định ghé lên thăm tu viện Mật Tông trên núi nằm đối diện với Potala mà không thành, vì đã khá muộn. Lần thứ hai tôi và Tam Mao đi dạo quanh Kora Potala, có điều là đi ngược. Đi nhiễu quanh Potala là một nghi thức tôn giáo phổ biến ở Tây Tạng. Một vòng quanh như vậy được gọi là một Kora. ở Lasa có mấy Kora quan trọng: thứ nhất là Potala Kora, thứ nhì là Jokhang Kora (Đại ChiêuTự), thứ ba Nobulinka Kora (Cung điện mùa hè của Đạt Lai Lạt Ma) và cái lớn hơn cả là Kora quanh Lasa. Mọi người khi đi nhiễu Phật bao giờ cũng đi theo chiều kim đồng hồ, tôi vừa muốn nhiễu Phật, vừa muốn chụp ảnh người đi nhiễu Phật, nên chẳng biết làm sao, đi cùng hướng thì khó chụp, cứ vừa đi vừa quay lại cũng khó, hơn nữa người ta đi cùng mình, thì mình ít thấy cái lạ để chụp. Nên tôi quyết định đi ngược lại, và cái đầu lập tức ngước lên hý luận với ông Phật ở đâu đó trên đỉnh Potala “Phật thì đâu phân biệt phải trái, đúng sai, ai cũng đi theo một chiều buồn chết, để con đi ngược lại, kể chuyện cười Phật nghe, chụp vài cái hình cho Phật xem, chắc khoái hơn”… hihi.

 

Kể đến đây mới nhớ lại, một lần chở Thầy đi chơi ở Nha Trang, mấy bạn đồng môn lớn tuổi mời Thầy lên xe của họ đi chơi, mọi người rất cung kính chắp tay mời Thầy, Thầy cũng chắp tay “Mô Phật, các cô cứ lên, Thầy uống café với mấy anh em rồi lên liền”… Đợi mọi người lùi ra xa rồi, tôi mới quay sang Thầy hỏi đùa “ Thầy đi với bọn con hay đi với mấy cô , Thầy”... Thầy quay sang nhìn mấy anh em tôi cười hiền lành “đi với bọn bay vui hơn, mấy đứa kia nó ít cười”. Lúc sau khi Thầy lên xe của mấy cô, tôi còn gọi với theo trêu “ Thầy có buồn thì bảo xe dừng lại, lũ con chạy lên cười cho vui, hehe” . Còn sư huynh thì có lần bảo tôi “ nhiều khi anh thấy Thầy như một người bạn thân, muốn ôm vai, xoa bụng vài cái” hehe. Xoa bụng thì tôi không dám, chứ ôm vai cười hehe thì đã từng làm. Nhưng lập tức nhận được ngay lời phê bình của mấy bạn đồng môn lớn tuổi: “Hỗn!” hoặc “Mất trang nghiêm”. Sợ lắm.

 

“Tìm bằng tim, chứ hai mắt thì mù” [3], Thầy cũng đã nói trong một bài pháp “ …và trái tim rung động là cửa ngõ vào linh hồn ngươi đó”. Trang nghiêm là cần thiết, kính trọng là cần thiết, nhưng theo tôi, nó chỉ như gia vị trong đồ ăn. Còn cái thực giúp cho mình no vẫn là cơm. Một học trò với trái tim đồng cảm với Thầy mình sẽ tự biết khi nào có thể giỡn chơi với Thầy như con đùa với cha, khi nào cần im lặng, trái tim sẽ mách bảo ngươi nên im lặng, khi nào cần trang nghiêm, nó cũng mách bảo bạn. Mọi sự cố gắng làm đúng bằng tâm trí đều kéo theo cái mặt trái của nó. Tôi có cảm giác như vậy. Và có lần, sau khi đọc câu “ tìm bằng tim chứ hai mắt thì mù” trong Hoàng Tử Bé, trong cái rung động bao la, tôi đã làm bài thơ có đoạn như thế này

 

 

Một ngày đến

Chẳng còn lại chi

Chẳng đam mê, chẳng gì hy vọng

Chẳng có niềm tin, chẳng có con đường

Và con tim bừng lên rạng rỡ

“Tìm bằng tim, chứ hai mắt thìmù”

Tim rung động và ngọn đèn cháy sáng

Kẻ đi tìm loạng choạng bước trong say

Dang hai tay ôm cả địa cầu này

Và những giọt nước mắt

cứ rơi hoài rơi mãi

[#breakpage#]

Tôi đi ngược lại đoàn người hành hương phía bên phải cung điện Potala để vào công viên.

Trước cổng công viên là một bãi đậu xe lớn ở bên phải, bạn đi qua cổng và lọt vào một không gian hoàn toàn khác với ở quảng trường Potala cách đó vài trăm mét. Nơi đây đầy hoa, lá và nước, và chim hót líu lo, trên mặt hồ thì từng đàn vịt trời bơi tung tăng. Những cây liễu già đủ hình xỏa những cành lá của mình xuống mặt nước. Khói dương liễu thơm lừng từ những trụ lớn quanh miếu Long Vương giữa hồ. Tôi tới đây vào mùa thu, lá vàng, lá đỏ. Mặt hồ phẳng lặng, thỉnh thoảng mới gợn lên những đợt sóng tròn lan dài theo sau những đôi vịt trời. Thong thả đi dạo quanh hồ, ngắm nhìn những người hành hương đang đi ngược lại, vừa đi vừa quay kinh luân và niệm câu chú “Um Mani Padme Hum”, họ đi rất nhanh, hình như không ai để ý tới kẻ đang đi ngược chiều với họ. “Um Mani Padme Hum”. Bạn có thể gặp Lục tự đại minh chân ngôn ở khắp nơi trên đất Tây Tạng, từ miệng những người hành hương, trên những bức tường xung quanh điện Potala này, trên những kinh luân lớn đang quay tròn bởi những người hành hương đi nhiễu Phật quanh các tu viện. Trên những tảng đá bên đường, dưới lòng sông, lòng suối. Và nếu bạn lặng im, trong đồng cảm, bạn sẽ như thấy Lục Tự Đại Minh Chân Ngôn ở trong trái tim những người con của mẹ Quan Âm trên xứ này. Tôi vừa đi, vừa như thấy không khí ở đây lấp lánh những chữ Um Ma Ni Padme Hum. Hàng triệu, hàng triệu, vô lượng vô biên những câu thần chú đang chao lượn trong đất trời Tây Tạng, như những cơn mưa sa, nó như thấm vào bạn, vào tôi… Cái sức mạnh tâm linh vĩ đại, vô hình này đang lan ra, tràn ra khắp nơi trên quả địa cầu, ngược chiều với dòng văn minh đang đổ về Tây Tạng… Cái sức mạnh đó đã khiến tôi đang ở đây, cùng Thầy và người bạn đồng môn đầy ý chí và nghị lực. Cái sức mạnh đó là động lực, khiến một người phụ nữ Tây Tạng, không biết từ vùng xa xôi nào, vừa đi nhiễu Phật, vừa cầm một bình dầu để bôi trơn từng kinh luân, có hàng ngàn kinh luân như thế quanh cái điện Potala này, để pháp luân còn quay mãi không dừng, để tiếng Um Mani Padme Hum còn mãi mãi trên vùng đất thiêng. Cái sức mạnh đó khiến những người dân Tây Tạng đi từ những vùng xa xôi nhất, cách Lasa hàng nghìn km, ngày ngày vẫn đổ về Potala để lễ mẹ Quan Âm. Đi bộ, cứ ba bước thì lễ một lần bằng cách nằm xoài người trên mặt đất. Cái sức mạnh đó đã nâng bước chân chúng tôi trong bốn ngày đêm hầu như không ăn, không ngủ ở Kora Kailash... vượt qua thung lũng tử thần… rồi đèo Drolma ở độ cao 5640m, trận của Hàng Tam Thế Kim Cang, đẹp mê hồn, nhưng chỉ sảy chân là rơi xuống vực thẳm…

 

Tôi chợt thấy mình thật khỏe khoắn, người tràn đầy sinh lực, không rõ là cái năng lượng của Lục tự đại minh chân ngôn - Um Mani Padme Hum đã tràn vào tôi, hay do ở công viên này thật nhiều dưỡng khí. Đúng là trước đó tôi rất mệt, vừa ốm dậy, nhưng sau khi từ công viên ra thì thật khỏe, lại có thể đi bộ rất nhanh. Tôi cứ bước, về tới khách sạn lúc nào …

 

Ở Lasa tôi thấy có khoảng 3-4 khách sạn như thế này. Giá tương đối rẻ, thấp nhất là 20 tệ/người, cao nhất là 180 tệ/phòng đôi. Sạch sẽ, kể cả khu vệ sinh chung, là một điều hiếm có ở đất Tây Tạng. Đội ngũ nhân viên quản lý trẻ, nói tiếng Anh rất tốt, phát âm chuẩn và rất đúng mực. Phòng chúng tôi ở tầng ba, không có thang máy, mỗi lần lênxuống cũng khá mệt. Khách sạn nằm cách Potala khoảng 2 km về phía Đông, gần sát đại lộ Bắc Kinh, và cách Đại Chiêu Tự khoảng 1 km. Đối diện, phía bên kia đường có một siêu thị lớn, phía bên phải là một trung tâm mua sắm hiện đại. Rất thuận tiện cho chúng tôi.

 

Cũng như mấy khách sạn bình dân khác, ở đây không có đại sảnh sang trọng, nhưng phòng tiếp tân có cái đẹp riêng của nó. Đối diện của ra vào là quầy tiếp tân với hai cô gái Tạng luôn thường trực để ghi sổ và phát chìa khóa, thu tiền. Bên tay phải cửa ra vào là một tấm gương lớn, choán hết tường cho tới quầy tiếp tân. Bên trái là một bộ salon cho khách ngồi chờ. Hai bức tường còn lại thì đầy những dòng chữ kỷ niệm của những người khách đã từng ở đây, ai đó còn viết cả lên trần nhà. Chủ yếu là tiếng Trung, có cả tiếng Hàn, tiếng Nhật. Ánh sáng không đủ, và tôi cũng chẳng hiểu nội dung, chỉ thấy dễ thương qua những trái tim vẽ vội, qua những bức ảnh dán kèm. Những dòng chữ này còn lan ra sau, lên cầu thang, đến cửa từng phòng. Ai đó vẽ cả tuyến đường du lịch, ai đó nhắn nhủ người mình yêu, ai đó thốt lên những lời đầy cảm xúc “ Tôi đã thực hiện được ước mơ suốt đời mình. Tôi đã có mặt ở Tây Tạng!!!”, ai đó chỉ đơn giản ghi tên mình “Lesha, from Russia with love”. Những dòng chữ này khiến bạn phấn chấn và đồng cảm, khiến bạn gần gũi hơn với những khách du lịch ba lô nặng trĩu như mình.

 

Nhận chìa khóa phòng xong, bạn vòng ra bên trái quầy tiếp tân, qua một sân nhỏ, vốn là cái giếng trời giữa khu nhà hình chữ nhật, vừa là sân, vừa là chỗ bán đồ lưu niệm. Ở sát tường, giữa hai cầu thang bộ dẫn lên các phòng, là một tủ kính nhỏ, để các gói bột giặt và bình gas cá nhân. Bạn có thể tự mở tủ, bỏ tiền và lấy đồ trong đó, mỗi thứ 1 tệ, chẳng ai quan tâm bạn lấy mà có bỏ tiền không, nhiều hay ít. Tam Mao vẫn thường lấy tiền lẻ bỏ vào đó và vác đồ lên 4 cái máy giặt ở sân thượng. Tây, ta, tàu, tu sĩ hay người thường thì cũng như nhau cả, tự giặt, tự sấy, tự phơi, tự là ủi. Rẻ tiền và tự do.

 

Trên tầng thượng còn có một quán café nhỏ và đặc biệt, ở đây bạn có thể ngồi đung đưa trên mấy cái ghế làm chỉmbằng một thanh gỗ được treo hai đầu, hoặc ngồi Internet ở ba cái máy kê sát quầy bar. Hoặc đi sâu vào bên trong, vào một góc nhỏ với bộ salon nệm mềm, với những bức Poster quảng cáo phim dán đầy tường. Bạn có thể cầm cây đàn ghi ta lên và hát, hoặc đệm đàn cho ai đó. Bạn có thể lôi cái thùng giấy chứa đầy đĩa DVD và bật máy chiếu lên để xem phim. Nhưng nhớ đừng ngồi lên cái ghế nệm của chú Tạng ngao của chủ quán… chú đi đâu đó, nhưng có thể quay vào chỗ bất cứ lúc nào, hừ, hãy liệu chừng đó. Muốn biết ghế nào của chú hả, dễ lắm, đầy lông trên nệm, để ý một chút là thấy liền.

 

Đồ uống ở đây từ 5 tới 10 tệ. Tôi hay lên đó ngồi, vừa có thể sử dụng Internet miễn phí với mã WIFI là “hello”, bạn có thể trả 10 tệ để có cũng cái mã đó. Đó là tự giác. Gọi một ly trà xanh, cười đùa vài câu với cô chủ quán, đã từng đi du lịch Việt Nam, thế là bạn có thể tha hồ đổ thêm nước sôi vào ly trà và ngồi cả đêm trên đó, chat chit, viết bài, lướt web và ngắm những người bạn trẻ dễ thương, đầy tự tin và phóng khoáng từ cách ăn mặc, đi đứng, nói năng, giao tiếp. Bạn có thể gặp ở đây anh chàng kiến trúc sư với cái quần loe từ thời nào, với mái tóc bồng bềnh và bộ râu cố tình không cạo, bạn có thể gặp cô phóng viên người Hà Lan đang tường thuật trực tiếp chuyến đi của mình về quê hương qua Skype. Bạn có thể gặp một sinh viên Trung Quốc đang nói chuyện với người bạn Mỹ của mình về âm nhạc và hội họa bằngmột thứ tiếng Anh rất chuẩn. Bạn cũng có thể thấy một anh chàng Do Thái đang ngồi im trong góc, mặt ánh lên từ màn hình máy laptop trước mặt. Đôi mắt vốn sáng của người Do Thái càng long lanh hơn trong bóng đêm.

 

Trên sân thượng, ngoài khu để máy giặt và quán café nhỏ này, còn có một nhà ăn, để phục vụ ăn sáng miễn phí. Thức ăn có Tây, Tàu đủ cả, nhưng... rất khó ăn.

 

Ăn uống đúng là một vấn đề không đơn giản với chúng tôi. Thức ăn của Tây Tạng thì khó ăn, do có mùi dầu cải và mùi thịt trâu yak. Đồ Trung Quốc thì dễ ăn hơn, nhưng cũng chỉ được vài bữa là chán vì không hợp khẩu vị. Chúng tôi đã thử nhiều chỗ khác nhau xung quanh khách sạn, nhưng không ổn. Nhìn Thầy và Tam Mao ăn càng bữa càng ít dần, tôi rất lo ngại, còn những bốn ngày ở Lasa, và hai ngày đi đường, tình hình ăn uống cứ thế này thì sẽ không đủ sức đi. Nhiều bữa Thầy còn bỏ không ăn, tôi bèn lang thang đi tìm chỗ ăn nào có thể nấu theo yêu cầu của mình được. Cuối cùng thì cũng tìm ra, không xa khách sạn là mấy. Ngay trên đại lộ Bắc Kinh, trên vỉa hè có bốn cửa hàng liền nhau, bán đồ nướng và cơm, mỳ. Được cái là thức ăn để ngay mặt kính nên tôi có thể chỉ được. Chỉ con cá, và dùng tay ra hiệu nướng, chỉ các loại rau, dùng tay ra hiệu thả vào nồi, đổ nước, luộc… Dùng tay mãi cũng quen, cuối cùng chúng tôi cũng có một chỗ ăn tạm được. Cá nướng hoặc tôm nướng, canh thịt gà hoặc canh tôm, rau luộc các loại, cơm rang Dương Châu hoặc cơm chiên chứng. Và dứt khoát là không có dầu hạt cải và ớt bột… Hai thứ đó có mùi không thể ăn được. Hôm nào muốn thay đổi khẩu vị thì tôi vào siêu thị, mua thức ăn ở đó, rẻ như ở nhà, mà chẳng thiếu gì cả, cũng mùng tơi, rau đay, cá tươi, cá ướp lạnh, gà thịt, trứng, hoa quả. Mua rồi mang ra cho đầu bếp làm, họ nấu cả bữa với thức ăn của mình cũng chỉ lấy 20 tệ. Vậy là giải quyết được chuyện ăn ở. Nếu bạn thích tự nấu, thì bạn có thể mua thức ăn ở đây rồi mang về khách sạn. Nhưng nhớ mang theo một ít gia vị từ Việt Nam, đặc biệt là nước mắm và dầu rán. Các thứ khác thì ở đây đủ cả.

 

Ba Thầy trò ở Lasa vậy là tổngcộng 7 ngày, 8 đêm. Đủ thời gian để chúng tôi làm quen với độ cao, và cũng là thời gian mà chúng tôi học được những bài học lớn, và được kiểm tra trước khi bước vào vòng quan trọng nhất. Thâm nhập đạo tràng Kailash và học đạo với tổ sư.

 

Ngay cái đêm chủ nhật, sau khi tôi vừa lo xong giấy tờ và hợp đồng thuê xe, thì chuyện không vui đã ập đến. Cả đêm đó không hiểu sao tôi không ngủ được, tới 1g đêm thì ngồi dậy, viết một bài ngắn về Công Viên Potala, viết xong, định nằm xuống ngủ tiếp mà cũng không ngủ được. Tôi vào mạng và kiểm tra trang web. Đúng là có chuyện. Một vị huynh ở nhà vừa đưa bài lên mạng. Tôi biết huynh ấy đang gặp khó khăn lớn, gặp chướng ngại lớn mà chưa thể vượt qua. Tôi viết một bài trả lời, với hy vọng phần nào trợ duyên cho anh. Viết xong, đưa bài lên xong, mà nằm vẫn không ngủ được. Con đường về với bản thể của chúng tôi còn quá nhiều gian nan thử thách. Dù đã thường quán tâm mình, tìm hiểu, nghiên cứu giáo lý của Như Lai và chư Tổ, dù đã gần Thầy nhiều, mà mỗi lần được thử thách thế này, lại thấy mình vẫn sẵn sàng để “rớt”. Chẳng biết đến lượt mình thì liệu sẽ ra sao, có qua nổi không. Vẫn biết rằng Thầy và chư Tổ bao giờ cũng rộng vòng tay, nhưng mình lúc đó có ngoảnh mặt đi không, cái sự sân hận của mình có đốt cháy hết tâm gan không, cái lòng tham của mình có làm tối mù tâm trí không. Tôi nằm mà chẳng thể ngủ được. Nhớ lại một lần trong bài viết Thầy có nói “Đường Đạo gồm nhiều bậc thang... Mỗi nấc thang là một thử thách về Thân và Tâm... Mỗi lần vượt qua một nấc thang thì đạo hạnh và công năng sẽ tự tăng tiến. Để vượt qua, con phải dùng chánh niệm và tỉnh giác... dùng Bồ Đề tâm kiên cố... và dùng nhẫn nhục ba la mật... ”. Tôi tự cầu mong cho mình và những người bạn đồng môn, khi bị thử thách thì nhớ và thực hành được ba điều Thầy dặn… Thầy đang ngủ ở giường bên, hơi thở đều đều, Thầy đang có đây…

 

Tôi thiếp đi một lát thì trời sáng, lúc tỉnh dậy thì Thầy đã ngồi đó từ lúc nào, đang viết bài. Thầy quay sang tôi nói “Thầy đã bỏ bài của con và nó đi rồi, con trả lời thế có thể gây hiểu lầm thêm, để Thầy trực tiếp viết thư cho huynh đó, những chuyện như thế này thì phải viết thật cụ thể, rõ ràng” và Thầy đọc một đoạn ngắn trong thư Thầy viết cho mấy vị huynh.

 

Hai đứa chúng tôi ngồi im, chẳng dám làm gì, nói gì lúc đó. Với chúng tôi, trong những chuyến đi theo Thầy như thế này thì thử thách sẽ tới từ mọi phía, đây mới chỉ là những nốt nhạc dạo đầu của bản giao hưởng vĩ đại, có tên là “Nghịch Pháp”.

 

Một ngày lặng lẽ trôi, sáng hôm đó, tôi và Tam Mao đi mua giấy, bút, mực và màu để Thầy vẽ. Thầy vẽ bức tranh “Ngựa Hoang” rồi nói tôi làm thơ họa, mấy hôm còn lại cũng như vậy, Thầy vẽ, tôi làm thơ họa. Chiều hôm cuối cùng ở Lasa, tôi vừa làm thơ, vừa trả lời mấy việc mà mọi người ở nhà hỏi qua chat. Làm thơ xong, đưa cho Thầy, bị Thầy la “Thơ gì mà dở ẹc, vừa làm vừa chat thì gì mà không dở”. Mình làm gì Thầy cũng biết, tôi tắt wifi trên máy và ngồi làm lại. Làm thơ lại khó thật, cái ý cũ thì dùngkhông được, cái mới thì nó còn đi chơi ở đâu, chưa thèm tới. Tôi xoay người, co chân lên giường, ngồi thiền một lúc thì tịnh lại, và thơ tới liền. Lạ thật! Tôi gõ nhanh vào máy tính rồi gửi qua email cho Thầy.

 

Ngồi cách Thầy có 3 bước mà gửi email! Thầy đang im lặng viết bài, tôi khoác cái áo gió, nhè nhẹ ra ngoài, lang thang …

 

Ở văn phòng của FIT, Saonam và Penba đang đợi. Vừa nhìn thấy Penba tôi lập tức có cảm tình liền, và không hiểu sao, một ý nghĩ vang lên trong đầu “đây là người mà mẹ Quan Âm cử tới giúp đỡ chúng tôi”. Tôi cười, ôm vai Penba, lắc vài cái. Penba cũng cười, giơ ngón tay cái lên, “Good! Good!”. Nụ cười đầy thân thiện từ ánh mắt, cửa sổ tâm hồn.

 

Giấy phép của chúng tôi đã đủ. Tôi thanh toán số tiền còn lại và gửi tiền mua vé tàu về Quảng Châu, nhờ Saonam mua hộ, rồi ngồi xuống salon cạnh Penba, thống nhất lại lịch trình. Sáng mai, chúng tôi sẽ xuất phát lúc 7g sáng.

 

(Còn tiếp)

 

Cỏ Gừng/

 

[1]  Kirey Hotel , 105 Dekyi Shar Lam,Tel:632-63-42.

[3]  “ Tìm bằng tim chứ hai mắt thì mù” là câu nói của Hoàng Tử Bé với người phi công trước khi chia tay trong chuyện ngắn cùng tên Hoàng Tử Bé (Petit Prime) của nhà văn, phi công đại tài Saint - Exupéry. Do Bùi Giáng dịch sang tiếng Việt.