Công viên Potala/Tây Tạng
Đúng là làm phật sự thì để Phật làm, qua chuyến đi Tây Tạng lần 2 này tôi lại càng thấy rõ điều đó. Mình cứ tính thêm bớt cái gì vào, y như rằng sau nó lại đâu hoàn đó. Kỳ lạ thật. Chẳng có kế hoạch gì cả. Lúc đầu định đi hai đoàn, đoàn đầu khoảng 5-7 người sang trước, đi Kailash rồi vòng về Lasa đón đoàn hai. Đoàn hai khoảng hai mươi người qua sau khoảng mười hai ngày, nhập cùng đoàn một đi mấy điểm ở trung tâm Tây Tạng và đặc biệt là thăm Thanh Bộc. Mọi thứ đều OK, ai cũng sẵn sàng… . Liên hệ với cty du lịch Trung Quốc để đàm phán giá cả, tạm có giá sơ bộ cho số lượng mình dự tính.

Rồi đoàn hai không hiểu sao, đến ngày cuối cùng, chỉ còn 6-7 người đăng ký. Tự nhiên mọi người lại có rất nhiều lý do để không đi được. Vậy là phải hủy đoàn hai, chỉ đi một đoàn tới Kailash. Có mấy lý do để làm như thế ( gọi là lý do cho hợp lý, chứ sau khi đi về rồi mới biết, đấy đúng chỉ là lý do ..)

  • Thứ nhất là số lượng người đi ít thì giá sẽ rất cao , vì tháng 8, tháng 9 giá cao gấp rưỡi bình thường ( đấy là công ty du lịch báo vậy, sự thật thì đọc tiếp nữa các bạn sẽ rõ)
  • Thứ nhì là để đảm bảo sức khỏe cho Thầy, vì đi đông, Thầy sẽ phải trợ công cho mọi người, sẽ rất mệt
  • Thứ ba, nếu đi hai đoàn, đoàn một sẽ phải đi về đúng hạn. Tới chỗ chưabiết trước mà bảo mình đi về đúng hạn thì cũng sẽ rất khó đảm bảo.

Vậy là chỉ còn phải lo một đoàn, nhưng những ai đi đoàn này, ngoài tôi và Thầy, cho tới lúc đó tôi cũng không biết. Đã gần tới ngày tôi phải ra Hà Nội để chuẩn bị đưa Thầy đi mà vẫn chưa chốt lại được ai đi , ai không. Mọi thứ thay đổi nhanhchóng mặt. Có lần Thầy gọi điện cho tôi, nói tôi điện cho một bạn đồng môn đi cùng, tôi vâng dạ, và làm theo, mặc dù trong đầu thì thấy không ổn chút nào. Nhưng Thầy nói là làm, vì tôi biết, nếu người đó không nên đi, thì chính Thầy sẽ nói tôi làm ngược lại. Qua nhiều lần làm việc cùng Thầy, tôi có kinh nghiệm về chuyện này. Thầy nói gì , thì mình cứ làm theo, nếu có ý kiến riêng, thì làm xong cứ việc trình bày, hoặc suy nghĩ cho kỹ rồi im lặng, vì nếu Thầy không nói mình làm ngược lại, hoặc không bào dừng, thì có nghĩa đó là việc cần làm mà mình chưa đủ thông minh để hiểu, hoặc không cần hiểu. Nhiều khi Thầy sẽ bảo dừng ngay lập tức trước khi nguy hiểm xảy ra, ( à, mà lúc này mà còn nghĩ có nên dừng hay không thì coi chừng), hoặc Thầy sẽ đổi ý. Nói chung là cứ chịu khó quán tâm, thấy cái tôi của mình nó lục xục là ổn.

Theo kế hoạch là thứ tư tôi sẽ ra Hà Nội, thứ sáu khởi hành. Vé đã mua rồi, mà hôm đó là chủ nhật , mọi người còn gọi điện đăng ký đi đoàn một khá đông. Thầy vui vẻ đồng ý, còn động viên và chỉ cách chuẩn bị đi. Tôi cũng mừng, đi đông cũng vui. Nhưng không hiểu sao, cả đêm chủ nhật tôi ngủ không được.. sáng hôm sau thì chỉ còn lại ba Thầy trò: Thầy, Tam Mao và Tôi. Mà kệ nó, đã tới lúc lên đường.

Giờ thì khó khăn khác, các công ty du lịch từ chối làm thủ tục vào Tây Tạng cho đoàn, vì họ thấy tôi thay đổi xoành xoạch. Đang hai đoàn thành một đoàn, đêm hôm trước một đoàn 3 xe, giờ còn có ba người.

Vậy là cả đoàn không có giấy phép vào Tây Tạng, mà ngày đi thì đã tới, không còn lùi được nữa. Tôi không dám nói với Thầy chuyện này, mà lẳng lặng nghiên cứu, đánh giá tình hình, và quyết định mạo hiểm. Nếu bị kiểm tra đột xuất, đành phải trông cậy vào kỹ năng “đàm phán” mà tôi thu lượm được từ hồi còn lang thang đi đổi ngoại tệ ở Liên Xô cũ.

Thế là ba Thầy trò với đống hành lý khổng lồ lên đường sang Tây Tạng, bắt đầu chuyến thám hiểm mà có lẽ tôi chẳng bao giờ quên trong cuộc đời mình. Đi tới chỗ chưa biết và nguy hiểm, không biết tiếng, không người dẫn đường….

Chúng tôi qua biên giới khoảng 6g chiều, trời mưa như trút, lần trước khi đi cũng mưa thế này. Cho tới khi chúng tôi làm xong thủ tục biên phòng phía Trung Quốc mà trời vẫn còn mưa tầm tã. Mấy Thầy trò đứng đợi khoảng nửa tiếng, mưa vừa ngớt là vác đồ chạy qua, chiều đã muộn, xe đón khách tại cửa khẩu đã về, chúng tôi đành thuê taxi chạy về Bằng Tường. Xe vừa chạy được vài chục mét, nghe bênngoài như có tiếng “ xe của Phi phải không:[1]tôi chợt chạnh lòng, có lẽ một người khách mua vé Bằng Tường, Quảng Châu như chúng tôi mà không có xe đón, đang đi bộ ra ngoài tìm xe, nên đồng ý để lái xe kêu lên đi cùng. Đó là một cô gái còn rất trẻ, mới nhìn không biết là Việt hay Hoa, cô bé vừa lên xe, lại nói tiếng Việt với lái xe, sau đó quay sang Tam Mao nói một tràng tiếng Hoa, Tam Mao quay mặt sang phía tôi, che tay cười hihi “ Ơ, nó cứ tưởng mình người Trung Quốc anh ạ” . Thân con gái mà một mình sang Việt Nam du lịch, kể cũng liều. Nhưng khi gặp Elena trên đường tới chân núi Kailash, với thân hình không được thể thao lắm, mà dám một mình từ Nga qua tận Kailash, đi vào tận trung tâm đàn tràng thì tôi thực sự thán phục mấy người con gái này.. đàn ôngchúng tôi, chắc nhiều cái còn thua họ lắm.

Vào bến xe Bằng Tường, chúng tôi tạm bê đồ vào nhà xe, mới chỉ bê được một nửa, mà mấy anh bạn người Việt đang đợi xe đã tròn mắt ngạc nhiên, “ Mấy ông này chắc tháo nhà mang đi à”. Tam Mao cứ im lặng cười hề hề “ Nó mà thấy cả đống đồ củamình chắc …” . Gửi đồ xong, ba Thầy trò đi ăn tối . Bằng Tường là thành phố giáp biên với Việt Nam nên đồ Việt nhiều, thậm chí có cả nước mắm, có điều thức ăn đã bắt đầu nhiều dầu mỡ. Tôi còn tranh thủ nhờ anh bạn lái xe lam đi mua hộ cái SIM Trung Quốc, cứ đưa tiền vậy thôi, hình như từ hồi theo Thầy học đạo, tôi trở nên tin người nhiều hơn, cũng có thể là do bớt ngại mất tiền chăng.

8g30phút tối giờ Trung Quốc2chúng tôi lên xe đi Quảng Châu, xe hai tầng, giường nằm, ngay cửa xe có sẵn một bịch túi ni lông, ai lên thì tháo giày, dép cho vào đó. Hành lý thì chúng tôi đã nhét cả dưới gầm xe, cũng hết nguyên một khoang của họ. Chỉ mang theo người cái túi nhỏ đựng giấy tờ, hộ chiếu và hai túi máy ảnh, máy quay phim. Ba thầy trò nhờ mua vé sớm nên có chỗ ngay đầu xe và giường bên trên nên cũng khá thuận tiện. Tôi leo lên giường , nhìn quanh, mọi người cũng đang lục tục chuẩn bị chỗ ngủ, Tam Mao lên với Thầy từ trước, thì đã kịp vắt tay lên trán nằm suy tư, chắc lại nghĩ xem có làm được gì thêm cho Thầy không. Tôi nhét cái máy ảnh xuống hộc dưới chân , rồi ngủ lúc nào không hay.

Xe tới Quảng Châu lúc đó đã gần 7 g sáng, chúng tôi xuống bến xe , Ngọc Anh hẹn đón chúng tôi tại bến, chắc vẫn còn đang ngủ nên chưa bốc máy ( lúc gặp tôi có hỏi, hóa ra lúc đó đang ở trong bệnh viện với ba ). Khó khăn vì bất đồng ngôn ngữ bắt đầu thấy rất rõ ràng. Thấy chúng tôi quá nhiều hành lý, một người Trung quốc đẩy xe tới, nói một tràng, tất nhiên là chẳng hiểu gì, tôi ra hiệu hỏi bao nhiêu tiền, anh ta giơ hai ngón tay trỏ chéo nhau, tôi đoán là chữ thập, nghĩa là 10, 10 nhân dân tệ. Để cho chắc, tôi giơ cả mười ngón tay lên, người kia gật đầu, gật đầu. Vậy là đúng. Đồng ý. Lúc ra tới cổng bến xe thì chúng tôi bị chặn lại, nhân viên bảo vệ yêu cầu tôi đưa hành lý vào soi kiểm tra và trả tiền 2 tệ cho mỗi túi. Tôi dứt khoát không chịu, nói một tràng tiếng Anh lẫn tiếng Việt, họ cũng chẳng hiểu tôi nói gì, họ không cho đi, tôi cũng không trả tiền, cũng không đưa đồ vào soi. Đợi một lúc cả hai bên đều chán, thế là tôi kéo xe ngược vào bến, đằng nào thì Ngọc Anh cũng chưa tới, tôi đợi trong bến cũng được, đợi nó đến giải thích cho họ là bọn tôi không phải dân buôn, nên đừng có mà đòi thu phí… Hì hì, đúng là tâm trí ngô nghê.

Một lúc sau, họ cũng kiếm ra một nhân viên biết nói tiếng Anh và chạy lại giải thích cho tôi hiểu, tiền họ thu là tiền thuê cái xe đẩy đó ( nghĩa là tôi không phải trả cho người đẩy xe nữa) , và đúng ra là họ thu 2 tệ/ kiện hàng, nhưng với chúng tôi thì họ chỉ lấy 8 tệ. Tôi bật cười, hóa ra tại mình dở hơi. Anh đẩy xe thì lắc đầu chán nản, chẳng hiểu tôi mắc lỗi gì với anh nữa, nhưng để bù lại, tôi sẽ để anh kêu taxi.

Trong lúc đợi Ngọc Anh tới dẫn về khách sạn gần ga tàu, tôi tranh thủ nhìn cảnh vật xung quanh. Có cảm giác rất rõ về sự khác biệt giữa ở đây và ở nhà, hình như ở đây họ đóng kịch nhiều hơn, mấy nhân viên bảo vệ vật vờ, thỉnh thoảng bất ngờ xoay người như người mẫu rồi đi ngược lại, mấy anh lái taxi rảnh rỗi, túm tụm bàn tán, đang hăng, lại ngồi thụp xuống, làm điệu bộ. Một người trung niên đang rảo bước qua đường, gặp người quen đang đứng đợi xe buýt, thì tiến lại gần, múa vài đường thái cực quyền cực chậm, rồi bất ngờ vận kình, lắc cổ tay, chưởng thẳng vào ngực người bạn, hất hàm ra vẻ ta đã thắng rồi đó, rồi lẳng lặng bỏ đi, y như Lý Liên Kiệt trong vai Trương Quân Bảo.

- Ơ, sao Ngọc Anh giờ vẫn chưa tới nhỉ, hay là mình kêu taxi về thẳng khách sạn . Tam Mao sốt ruột hỏi tôi, vừa nói vừa nhường chỗ cho một người khách đang bê một bộ giường gỗ ra đặt vệ đường chờ taxi. Tôi im lặng, không biết trả lời sao, vì tôi cũng không biết cái khách sạn nó nằm đâu, gọi điện thì Ngọc Anh không trả lời. Chỉ biết nhìn Tam Mao cười trừ, và tiếp tục tìm hiểu cái bến xe Quảng Châu .

Một vài nơi tôi đã đi như Bắc Kinh, Lasa, và ở Quảng Châu này mới thấy ga tàu, bến xe của họ có đặt máy soi hành lý. Như ở sân bay nhà mình vậy, hành khách khi vào bến đều phải đặt đồ vào kiểm tra trước khi ra cửa lên xe. Có một anh bảo vệ ngồi ngáp ở đó, theo dõi mọi người, vào thì bắt đặt lên máy, ra thì thôi. Lúc về lại Việt Nam, qua bến này, tôi có bày trò thử, vì anh bảo vệ này ngồi ngả lưng,mắt hướng lên trần nhà , chẳng biết có gì trên đó nữa, nên tôi mới kéo cái xe đẩy, đi giật lùi . Không biết tại tôi may, hay là anh bảo vệ bị ảo giác đánh lừa, mà tôi kéo cái xe to đùng đi qua dễ dàng. Tam Mao đi sau tôi vài mét thì bị anh ta thấy, bắt gỡ hết đồ trên xe đẩy cho qua máy kiểm tra .

Mặt trước của bến xe bao gồm trạm kiểm soát hành lý và cổng bảo vệ ở bên trái, tiếp đó là nhà chờ rồi tới gian bán vé. Bãi để xe ở giữa, đối diện nhà chờ là cổng sau, nơi xe vào bến. Các xe khi tới giờ xuất bến thì đánh xe sát vào nhà chờ, nhân viên soát vé sẽ kiểm tra ngay tại lối ra xe, có khoảng hơn mười cửa ra như vậy từ nhà chờ ra bãi xe. Nói chung họ làm khá hợp lý và rất tiết kiệm diện tích, mấybến xe ở ta hiện giờ chưa được như vậy. Cứ khoảng 15 phút là lại có một chuyến xe tại mỗi cửa ra, có nghĩa là trung bình một phút có một xe rời bến.

[#breakpage#]

Hệthống giao thông của Trung Quốc quá tốt. Đường cao tốc hiện đại và được chăm sóc rất cẩn thận. Một lần khi đang phóng xe ở Tây Tạng, giữa Lhatze và Saga, đường cực kỳ vắng, trong tầm nhìn của chúng tôi không hề thấy có phương tiện giao thông nào cả, vậy mà tôi thấy mấy người công nhân mặc đồ bảo hộ lao động đang quét đường. Không rõ họ tới đó bằng cách nào , rồi ăn ngủ ở đâu giữa cái thảonguyên mênh mông này. Cứ đà này có lẽ chỉ vài năm nữa là có đường nhựa tới tận Darchen. Họ xẻ núi, làm đường bộ, đường tàu nhiều vô kể, đi rồi mới thấy . Nếu bạn đi tàu từ Quảng Châu về hướng Bắc, sẽ đi qua vài chục cái hầm, có cái dài tới… nửa tiếng tàu chạy…. Chắc phải là chuyên gia lớn về giao thông , xây dựng mới đánh giá nổi cái vĩ đại của họ. Với tôi, riêng một chuyện họ rải đá kích thước bằng viên gạch, để bảo vệ tuyến đường sắt Thanh Tạng đã thấy đáng nể. Dọc tuyến đường sắt là những lưới đá, tùy chỗ, độ rộng của lưới có thể lên tới 50 m, kích thước mắt lưới khoảng 1m. “Nhặt đá, rải thành lưới như vậy, công phu thiền hành chắc phải cực kỳ thâm hậu” - Thầy hay đùa với bọn tôi trên chuyến tàu.

Hệ thống đường cao tốc tốt, khiến chất lượng xe du lịch, xe khách của Trung Quốc cũng hơn hẳn Việt Nam, đa số là xe mới đóng , với thiết kế hiện đại và tiện nghi. Mặt trước toàn là kính rất trong, khiến du khách không bị hạn chế tầm nhìn và có thể chụp ảnh xuyên qua kính mà không bị biến màu, chỗ ngồi thì như trên máy bay, có thể điều chỉnh được độ nghiêng. Mỗi chỗ đều có thể điều chỉnh quạt, máy lạnh theo ý của mình.

Nhà ga Quảng Châu, Bắc Kinh hay Lasa, theo thiết kế thì không khác gì nhiều so với những nhà ga ở Châu Âu, hay ở Liên Xô cũ. Đều là các nhà ga lớn, có nhiều tuyến đường, nên hành khách sau khi vào cửa, kiếm tra hành lý xong thì phải xác định được đúng phòng chờ của mình. Có thể ở tầng trệt, hoặc phải lên lầu. Gần tới giờ khởi hành, nhân viên nhà ga sẽ mở cửa , mời hành khách ra tàu theo một đường duy nhất , đường ngầm bên dưới, hoặc hành lang bên trên, tùy vào ga và vị trí của tuyến đường.

Vì chúng tôi đi đúng vào tháng tốt nhất để du lịch Tây Tạng nên việc mua vé tàu khá khó khăn. Khi còn ở Việt Nam, người ta đã đòi chúng tôi thêm 400 tệ để mua vé. Nghĩa là một vé giường nằm QuảngChâu – Lasa ở buồng 6 người ( hard sleeper) giá là 950 tệ, thì họ đòi chúng tôithành 1350 tệ. Còn vé tại toa giường mềm ( phòng 4 người), giá gốc 1600 tệ, nay thành 2000 tệ ( tương đương 4 400 000 đồng). Đấy là người ta đòi thế, tôi thì lúc đó không chịu, kiếm chỗ khác nhờ mua hộ, cuối cùng cũng được giá gốc cộng thêm 200 tệ/người. Lần đi ngược từ Lasa về Quảng Châu cũng thế, tôi phải nhờ công ty du lịch mua hộ vé với chi phí 200/vé. Qua chuyện mua vé này mới thấy một điều, các công ty du lịch Trung Quốc phối hợp với nhau chặt chém khách hàng rất tốt. Tôi biết điều này cũng tình cờ khi kế hoạch bị thay đổi đột ngột, chúng tôi cần đổi lại giờ về, thay vì vé ngày 22, tôi muốn về lại Quảng Châu vào ngày16, hoặc 17. Lúc đó, công ty mua vé cho tôi họ nhất định không chịu đổi đúngngày tôi cần và đòi thêm tiền. Tôi bỏ về khách sạn, rồi nói với Thầy lúc đó “ Kệ bọn nó, con không trả thêm , để con tự ra ga đổi vé” . Tự làm rồi mới biết, hệ thống bán vé của họ rất hợp lý, nhân viên bán vé biết nói tiếng Anh , tất cả đều dùng chung hệ thống phần mềm, chẳng hề có chuyện phe vé, lậu vé , rồi làm dịch vụ mua vé như mấy công ty du lịch dọa tôi, cũng chẳng hề có chuyện đầu cơ vé. Tất cả chỉ là do mấy công ty du lịch thấy lượng khách tăng, thì nhân đó kiếm cớ để moi thêm tiền của khách. Theo quy định của nhà ga, mỗi người được mua tới 4 vé. Tôi xếp hàng, nói vài câu tiếng Anh, và chỉ phải trả thêm có 3 tệ để đổi lấy vé từ ngày 22 sang ngày 16 tháng 9. Đúng là phải tự làm rồi mới sáng ra nhiều thứ.

Cuốicùng thì Ngọc Anh cũng tới, anh bạn kéo xe đẩy chạy qua đường kêu giùm taxi 7chỗ, họ nhìn thấy đống đồ của chúng tôi mà phát ngán, lại thêm cái giường gỗ của khách nào để gần bên cạnh. May mà không phải chở cả cái này … Chúng tôi chất đồ lên xe rồi về khách sạn gần ga Quảng Châu. Khách sạn 3 sao, phòng đôi giá 260 tệ/ngày, chất lượng phòng thì thấp hơn nhiều so với cùng mức ở Việt Nam.

Chúng tôi tới Quảng Châu sáng ngày 27 tháng 8, tàu khởi hành chiều ngày 28, nên tôicó thời gian chạy đi mua thêm một số thứ cần thiết cho chuyến đi. Chúng tôi tới khu bán đồ điện tử , máy tính ở gần bến tàu trên sông Châu Giang. Ba anh emlang thang cả buổi , cuối cùng mua được thêm hai máy bộ đàm của Trung Quốc, hiệu“Beast Bright”[3]Tôi thực sự rất ngạc nhiên về chất lượng của nó, từ tuổi thọ của pin nạp, chấtlượng nút bấm, vỏ nhựa, cho đến khoảng cách hoạt động, chất lượng âm thanh. Lúc mua tôi đã thử, cầm lên ngang tầm mắt và thả rơi xuống sàn, chẳng sao cả, vẫn làm việc bình thường, cũng không sứt mẻ gì. Tam Mao nhìn tôi buông máy và nhìn mấy cô bán hàng ôm mặt sợ hãi mỗi lần tôi thả máy xuống đất mà không nhịn được cười. Cậu chàng cứ đứng nhìn cười hihi, khiến mấy cô bé bán hàng chợt nhớ ra là cần pha trà mời uống, lại càng cười nữa.. đúng là “ buồn cười không thể chịu được”. Mỗi cái máy, cả tai nghe kèm theo chỉ có 200 tệ ( 440 000 vnd), khoảng cách làm việc lên tới 2km ( đề là 7km, nhưng tôi chưa thử tới 7km bao giờ, nhưng 2km trong thành phố thì vẫn gọi rất tốt). Đi thêm một hồi, mua thêm được 2 cái SIM cho Thầy và Tam Mao và hai xe đẩy , chúng tôi quay lại khách sạn, nghỉ ngơi và chuẩn bị lên đường.

Khi từ Lasa về lại Quảng Châu, tôi có rảnh hơn và cũng như người việc đã xong nên khá thoải mái, lang thang đi bộ dọc bờ sông Châu Giang vào sáng sớm, đi vào khu vực bán máy ảnh, máy quay phim và chợ đồ cũ của Quảng Châu, và trong khi đi tìm chỗ để vào mạng Internet, cũng thấy được nhiều thứ thú vị. Cuộc sống tại Quảng Châu rất nhộn nhịp, trong các khu thương mại thì kẻ mua người bán sôi động, không thua kém bao nhiêu so với Hồng Kông , hàng hóa thì nhiều vô kể, thường thì mỗi khu tập trung bán một loại hàng, trung mỗi khu vực như vậy, mỗi tòa nhà lại chuyên về một mặt hàng nào đó. Người Trung Quốc hình như rất giỏi quy hoạch thì phải , tôi đã từng kinh ngạc với quy hoạch đô thị ở Thẩm Quyến thế nào, thì bây giờ thêm kinh ngạc về quy hoạch các khu buôn bán , thương mại của họ ở Bắc Kinh và Quảng Châu. Nghe nói họ còn quy hoạch ở tầm vĩ mô , theo vùng kinh tế nữa, mỗi vùng chuyên về một mặt hàng nào đó. Hay thật.

Buổi sáng ở Quảng Châu khá yên bình, trong các công viên, vườn hoa người ta tập thể dục, dưỡng sinh nhiều. Chủ yếu vẫn là thái cực quyền, môn võ và dưỡng sinh truyền thống của Trung Quốc, một số chỗ thấy thêm nhảy hiện đại ( cũng như ở một số công viên tại Hà Nội và Hồ Chí Minh, tôi thì không khoái cái món xập xình này lắm). Như các thành phố lớn khác ở Châu Âu, phương tiện di chuyển chủ yếu của họ là xe buýt và xe ô tô riêng, và do đó họ đi bộ nhiều.

Thứ tôi thích nhất khi lang thang vào khu vực bán đồ điện máy của họ đó là chỗ bán tai nghe nhạc. Đủ thứ , hầu như hãng nào cũng có mặt ở đây. Tôi vào đó mà như không muốn ra, vì tha hồ thỏa mãn cái thú nghe nhạc bằng đồ tốt và lạ. Tại đây bạn có thể tìm thấy những tai nghe chuyên nghiệp cho phòng thu với giá 100 tệ, đúng tôi không viết nhầm, chỉ có một trăm tệ, có điều bạn cần phải biết bạn mua cái gì, và tự đánh giá được chất lượng. Ngoài ra, còn mua được 4 tai nghe Sennheiser MX400 với giá chỉ 40 tệ/cái để về làm quà ( so với Sennheiser MX400, tai nghe xịn cho Ipod của Apple giống như đồ hàng mã vậy). Nếu bạn muốn mua đĩa nhựa LP hoặc đầu quay đĩa, đồ độc thì có lẽ nên ghé qua đây một lần. Ở đất Trung Quốc này đồ gì cũng có thì phải, từ đồ rởm nhất ….. cái chính là phải tự mình đánh giá chất lượng được, nếu không cũng dễ bị mua đắt.

Sau vài lần đi Trung Quốc, mặc dù không để tâm mua hàng, nhưng tôi cũng học được một số bài học kinh nghiệm, thứ nhất là đồ rởm nhiều , nhất là ở những khu dành cho khách du lịch, thứ nhì là giá mà họ nói, nếu bạn không biết giá trước, thì cứ trả xuống 10 lần (mười lần), chứ không phải chỉ hai, ba lần như ở Việt Nam mình. Cái giá bạn mua được đâu đó cỡ 1/7 , 1/ 8 cái giá ban đầu. Ngay ở Lasa cũng thế. Chẳng có gì phải xấu hổ khi trả giá thấp, không mua thì thôi mà … Mấy anh bạn chuyên buôn hàng cả công ten nơ chắc sẽ cười tôi lắm khi nghe chuyện này, vì giá mà mấy anh bạn này mua được chỉ bằng một phần năm mươi ( 1/50) giá bán lẻ ở khu thương mại. Thế mới biết, có nhiều giá trị mà ông bà ta để lại, như “tốt gỗ, hơn tốt nước sơn” có lẽ đang mất dần chỗ đứng …bây giờ hầu như “gỗ” chẳng có giá trị bao nhiêu nữa, tiền mua hàng chủ yếu bây giờ để trả cho “sơn”. Cũng có thể nói ngược lại, là đồng tiền bây giờ chẳng có giá trị gì… Tùy quan điểm.

Trong khi chúng tôi lang thang mua đồ thì Thầy viết bài, trước khi lên tàu đi Lasa,T hầy đã kịp gửi một bài lên mạng, sức làm việc của Thầy thật khó tưởng tượng. Ăn trưa xong, chúng tôi chất đồ lên 2 cái xe đẩy mới mua, đi bộ ra ga tàu…

Tam Mao lần đầu ra nước ngoài, lần đầu bị soi đồ nên có hơi lúng túng khi vào ga QuảngChâu, có một bà Tầu béo ngồi canh máy, Tam Mao đã để cả xe đẩy vào máy cho đi qua mà người không qua được, cứ bị bà béo gạt lại, Tam Mao không hiểu, quay lại, rồi đi vào, lại bị gạt lại , vài lần như thế, mà chắc tại bà béo quá nên lười giơ tay lên chỉ, hoặc nghĩ nói là đủ rồi. Hóa ra là còn cái ba lô nhỏ sau lưng. Cậu chàng cúi mặt gãi đầu cười hihi rồi chạy vọt lên thang cuốn vào phòng đợi.

Tàu chạy đúng giờ, xuất phát rất êm , hầu như không có tiếng động và không bị cảm giác giật toa khi đầu máy bắt đầu kéo, sau này tôi có thử vào toalet mở cửa kính thông gió bên trên để kiểm tra xem tàu chạy êm thế này là do cách âm tốt ,hay là tại đường ray không có những chỗ nối với khoảng cách nhỏ giữa các thanh ray. Vẫn có tiếng cành cạnh, cành cạnh quen thuộc, vậy là toa tàu của họ cách âm quá tốt.

Lần này chúng tôi mua được vé ở toa mềm, chỉ có ba Thầy trò trong một buồng bốn giường nên khá thoải mái và quan trọng là đủ chỗ để đồ. Balo, lều, túi ngủ, va ly thức ăn chúng tôi để cả lên cái giường thứ tư nên bớt lỉnh kỉnh đi nhiều. Cũng vì chỉ có 2 tầng nên Thầy ở tầng trên có thể ngồi thẳng lưng, viết bài. Ổ cắm điện thì có ngay trong buồng nên tha hồ dùng máy tính và nạp pin. Màn hình LCD đầu giường chỉ phát 4 kênh, mà không phải lúc nào cũng có. Oxy thì chỉ khi tàu vào cao nguyên Thanh Tạng họ mới bắt đầu xả ra.

Thầy làm việc trên tàu liên tục, 3 ngày và 2 đêm trên tàu Thầy đã kịp viết một truyện ngắn về “hắn và nhóc con của hắn”, tôi thì trên tàu xe không thể đọc hay làm việc trên máy tính được, một lúc là chóng mặt , nên thời gian trên tàu chủ yếu là ăn, ngủ và chụp ảnh.

Chụp ảnh từ trên tàu rất thú vị, vì cảnh vật thay đổi liên tục. Nếu tự đi thì chẳng thể có điều kiện đi xa như thế. Từ Quảng Châu tới Lasa, hầu như chỗ nào cũng đẹp. Mình chỉ việc ngồi và bấm máy, quá sướng. Để chụp được ảnh trên tàu, hay xe đang đi nhanh, bạn cần chuyển máy sang chế độ chụp ảnh thể thao, hoặc chuyển sang chế độ ưu tiên tốc độ , với thời gian mở ống kính tối đa là 1/800s. ( các máy ảnh tự động thường chụp với thời gian mở ống kính là 1/125-250s, nên ảnh chụp bị nhòe, không nét). Nếu trời đủ sáng, tốt nhất là để tốc độ khoảng 1/1200s . Một nhược điểm nữa khi chụp ảnh trên tàu là kính có thể bị bẩn do mưa, bụi, và không được hoàn toàn trong suốt, nên ảnh hơi bị biến màu. Sau khi chuyển các ảnh vào máy tính, bạn có thể chỉnh lại nhiệt độ màu một chút rồi áp dụng cho tất cả các ảnh chụp được là ổn. Tôi vẫn thường làm thế, chỉ khoảng 5 phút là tất cả các ảnh trên tàu đều thấy như bình thường.

Trong thời gian trên tàu, có chuyện đáng ghi nhớ nhất, và làm chúng tôi hân hoan, phấn chấn nhất , là khi Thầy chợt nhớ ra, Kailash chính là nhà Tổ, nhà của Tổ Sư Thiên Địa Lôi. Lúc đó, tôi đang kể cho Thầy nghe những thông tin mà mình thu lượm được từ Internet của các đoàn thám hiểm trước đó. Tới đoạn núi Kailash là trú xứ của ngài Demchog, hình tượng của ngài với cái vòng đầu lâu quanh cổ, chân đạp lên hai người , với người phối ngẫu tâm linh , mẹ Phamog trước ngực, tay cầm lưỡi tầm sét… tôi đang kể tới đây thì Thầy nói “ dừng lại! Thầy nhớ ra rồi” … vậy là chúng tôi đang hành hương, đang phiêu lưu về với ngôi nhà của tổ sư ở địa cầu này…

May là chúng tôi không bị kiểm tra Permit vào Tây Tạng trong suốt 3 ngày trên tàu.Thoát . Cuối cùng thì ba thầy trò cũng tới được Lasa vào 10g tối ngày 30/8. Lầnnày thì không có ai đón, chúng tôi tự kêu taxi về khách sạn gần trung tâm[4]Ngọc Anh đã đặt trước cho chúng tôi 3 đêm ở đây, thứ năm, thứ sáu, và thứ bảy. Giá một phòng ba giường là 120 tệ/đêm. Mặc dù đã rất cẩn thận nhưng tôi và Tam Mao cũng được một phen vất vả khi chuyển đống đồ đạc lên tầng ba. Thiếu Oxy, mỗi bậc thang đều nhắc cho mình về tầm quan trọng của O – See!

Tôi sẽ kể thêm về cái khách sạn này và một số khách sạn tương tự khác ở Tây Tạng và Trung Quốc, giờ thì ba thầy trò thay nhau đi tắm sau ba ngày trên tàu, rồi đingủ để chuẩn bị cho ngày mai. Tôi dự kiến sáng mai bắt đầu tìm công ty du lịch để thỏa thuận thuê xe đi Kailash.

(Còn Tiếp)

Cỏ Gừng/3/9/2008

[1]Phi là tên người bán vé xe Bằng Tường - QuảngChâu ở Hà Nội. Tel: 091 570 5625, giá vé 200 tệ/người.

[2]Bắc Kinh nằm ở múi giờ thứ 8 ( GMT + 8 ), nếu ở Hà Nội là 6g tối thì lúc đó tại Bắc Kinh là 7g tối.

[3]Room B3-07 Jin Hai Ying Electronic Square;Dong Hu Xi Si Ma Road, Guangzhou.

    Tel+86-13662446636, mail yt0595@163.com , web:www.yt0595.com

.