(Nhận ân điển thiêng liêng của Như Lai tại gốc Bồ Đề nơi ngài chứng ngộ thành Phật)

Hôm tôi đến đây, Bồ Đề Đạo Tràng đầy nắng và gió. Không biết xưa kia khi Như Lai đến đây thì sao. Nhưng trong lòng tôi cứ nghĩ khi ấy chắc nơi đây là một khu rừng rậm rạp xanh tươi chạy dài ra đến tận bờ sông Ni Liên. Chứ không phải là xóm làng phố xá như bây giờ. Nếu không, trong cái ồn ào đầy bụi và đầy cái sự đời như thế này, ngài đã không ngồi dưới cây Bồ Đề kia để vào đại định giác ngộ thành Phật. Trong niềm đồng cảm mênh mông tôi cứ nghĩ cái gì tôi thích thì nhất định khi ấy ngài cũng vậy. Mô Phật, không phải thế thì sao ngài là đức Bổn Sư của tôi. Còn tôi lại là người học trò nhỏ theo tiếng gọi của con tim ngập tràn tình yêu tối thượng, vượt qua bao khó khăn gian khổ từ một đất nước xa xôi lặn lội tìm đến tận nơi nầy.

Bồ Đề Đạo Tràng (Bodhgaya), như một cái thung lũng nhỏ xanh tươi ngập tràn cây xanh và chim chóc thú rừng. Nó nằm lọt thỏm xuống dưới, 3 mặt là nhà cửa phố xá. Mặt phía Nam là một cái hồ lớn. Chắc xưa kia ăn thông với sông Ni Liên. Còn bây giờ, nếu theo con đường trước cổng khu di tích mà đi thì phải mất một cây số mới đến sông Ni Liên. Hôm tôi tò mò đến thăm dòng sông lịch sử, thì thấy sông lớn như sông Hồng ở mình nhưng lòng sông toàn là cát trắng vì là mùa khô.
Đường dẫn vào khu Bồ Đề Đạo Tràng ngập tràn cây xanh cổ thụ và gió. Có cả một cây phượng tím thật lớn nở đầy hoa bên cạnh rất nhiều cây phượng đỏ rực lửa mùa hè. Rất nhiều Bồ Đề cổ thụ, đa và thốt nốt.
Chúng tôi đi dưới tán vòm lá xanh tươi lấp lánh ánh nắng và tiếng chim hót bốn bề, bên cạnh, chung quanh và ngay trên đầu mình.
Rất nhiều chiếc xe ngựa cắm lông công trang trí sặc sỡ chạy lộc cộc trên đó chất đầy tu sĩ hay du khách. Xe hơi rất ít.
Dê kêu be be đi lẫn với những người con gái Ấn duyên dáng mặc Sari gợi cảm, hoặc những người đàn ông mặc Koltar Kotti màu trắng với bộ râu mép uốn cong, mũ chụp trên đầu như cái nồi, râu quai nón xồm xoàm hay râu dài bay phất phơ.
Nhen sóc kêu cộc cộc, chạy tưng tưng trên những thân cây xù xì, dưới gốc là những ông già bụng phệ da đen thui với những cái lò đất tỏa khói thơm phức, đang bán sữa dê và bánh mì kiểu Ấn.
Quạ nhảy tanh tách theo chân người đi, và khỉ núi ngồi trên hàng rào xi măng nhìn người qua lại nhăn mặt khọt khẹt.
Một đám cưới người Ấn đi ngang qua với chiếc máy kéo trang trí dây ngũ sắc sặc sỡ, kéo theo cái rờ-móc lớn và dài, trên ấy đầy người, đang đánh trống thổi kèn và múa hát, ở giữa là chú rể mặc âu phục với cái mũ đội đầu như calô có cắm lông công và viền dây ngũ sắc. Cô dâu ngồi bên cạnh mặc Sari trắng toát, đang cất giọng hát cao vút, theo nhịp trống dồn dập và tiếng vỗ tay bắt nhịp.
Có mấy quán bán hàng lưu niệm nằm chen với mấy ngôi chùa của người Tạng, người Thái, người Yanma, người Trung Quốc, người Nhật. . .v.v. . . người Việt cũng có 3 ngôi chùa nhỏ ở gần Bồ Đề Đạo Tràng.
Bên kia đường có một bảng quảng cáo viết bằng tiếng Việt, mời du khách mua quà lưu niệm. Một em bé Ấn Độ tay cầm mấy cái đĩa hát chạy theo chúng tôi mời chào bằng tiếng Việt:
-        Một trăm rupi một cái CD. . . .
Tôi mỉm cười lòng thấy hãnh diện. Bởi biết người Việt mình tìm đến đây chắc cũng không ít nên tiếng Việt mới được dùng nhiều như vậy.
[#breakpage#]  
Có 2 cổng là cổng phía tây và cổng phía đông. Nhưng cổng phía Tây luôn luôn đóng. Chúng tôi đi vào cổng phía đông.
Phải xuống một dãy bực cấp vì tháp chính của Bồ Đề Đạo Tràng nằm lọt thỏm dưới thấp. Cổng vào như ở trên sườn núi, còn Tháp chính và các điểm Phật tích lại như nằm trên bãi phù sa của con sông Ni Liên.
Nếu nhìn từ cổng phía đông, thì chung quanh khu Bồ Đề Đạo Tràng và trên sườn đồi, là con đường đi nhỏ lát đá hai bên là hai hàng liễu rũ xanh tươi. Phía tay phải trên sườn đồi là một cái tháp nhỏ, theo truyền thuyết thì tuần thứ 4 sau khi chứng ngộ. Đức Bổn Sư đã tới đây ngồi thiền định về vi diệu pháp. Hiện nay tháp chứa rất nhiều kinh điển.
Từ cổng đi xuống theo bực cấp thì gặp một trụ đá do vua A Dục dựng để đánh dấu, tuần thứ 5 sau khi chứng ngộ, Như lai đã thiền định tại đây.
Tháp chính có 4 mặt phẳng cao vút. Trên có các hoa văn thẳng và khỏe đứng trầm mặc trong bóng râm của cây Bồ Đề khổng lồ cành lá rậm rạp vươn lên đến tận trời xanh. Bên trong tháp thờ linh tượng đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Để đánh dấu nơi ngài đã chứng đạo Bồ Đề.
Thật ra nơi ngài đã tọa thiền nhập đại định giác ngộ thành Phật lại nằm ngay phía sau tháp.
Kim Cang tòa nơi ngài đã thiền định, chiến thắng ma quân và giác ngộ thành Phật, nằm phía sau tháp chính và ngay trước gốc cây Bồ Đề lịch sử.
Cây Bồ Đề khổng lồ bây giờ không phải là cây mà xưa kia ngài đã ngồi dưới gốc thiền định thành Phật. Cây ấy đã bị những ông vua và triều đình chống đối Phật giáo sau khi Phật nhập diệt, đào phá bỏ đi, rồi lại được phục hồi lại, rồi lại chặt và đào phá, rồi lại được trồng lại từ một cái cành của cây Bồ Đề tại Tích Lan vốn lấy giống từ cây nầy. Lần sau chót vì cây quá già cỗi nên đã bị gió bão làm cho trốc gốc và Thống Chế Người Anh lúc bây giờ là Cuningham đã cho lấy cành từ nó trồng lại tại y chỗ cũ từ năm 1876.
Nếu từ cổng phía tây đi vào thì gặp một tượng Phật ngồi dưới gốc cây Bồ Đề này. Nhưng đấy không phải là vị trí ngài ngồi, mà ngài ngồi phía sau gốc cây Bồ Đề này mặt hướng về hướng đông, nhìn ra phía dòng sông Ni Liên.
Như vậy chung quanh cây Bồ Đề lịch sử. Mặt phía đông và phía tây bây giờ có tượng Phật, là nơi để lễ lạy và để tụng kinh niệm Phật. Còn mặt phía Nam và phía Bắc là để người hành hương ngồi thiền quay mặt về phía kim cang tòa tưởng tượng như có Như Lai vẫn đang ngồi ở đấy.
Nếu nhìn từ cổng phía đông, thì bên phải tòa tháp chính. Có một cái bục cao trên ấy tạc 19 cái hoa sen đang nở, tượng trưng và đánh dấu những bước chân Như Lai đã đi thiền hành qua lại theo chiều đông tây và ngược lại vào tuần lễ thứ 3 sau khi ngài đã giác ngộ thành Phật.
Phía tay trái có một cái hồ nước lớn. Ở giữa có tượng đức bổn sư được con rắn khổng lồ quấn chung quanh và lấy cái mỏ to lớn của nó che mưa gió cho ngài. Trên bờ gần một cây Bồ Đề to lớn có một cái trụ đá do vua A Dục dựng để đánh đấu sự kiện tuần lễ thứ 5 sau khi Phật chứng ngộ, ngài đã đến ngồi thiền ở đây thì bị mưa to gió lớn. Đức Vua Cha đã hóa hiện ra con rắn thần lớn để đến che mưa gió cho ngài.
Theo truyền thuyết sau khi chứng ngộ tuần lễ đầu tiên ngài ngồi thiền yên lặng. Tuần lễ thứ nhì ngài nhìn cây Bồ Đề không chớp mắt liên tiếp trong một tuần để cảm ơn nó đã che mưa nắng giúp ngài tu thành chánh quả. Tuần lễ thứ ba ngài thiền hành bên phải gốc cây theo chiều đông tây và ngược lại. Tuần lễ tứ 4 sau khi giác gộ, ngài thiền định để quán về vi diệu pháp. Tuần lễ thứ 5 sau khi giác ngộ ngài thiền định phía trước gốc cây đa xa về phía sông Ni Liên. Tuần lễ thứ 6 sau khi giác ngộ, ngài thiền định dưới gốc cây đa ở phía nam cây bồ đề, gặp mưa và được con rắn thần là hóa thân của Vua Cha đến che mưa gió. Tuần thứ 7 ngài gặp lần đầu tiên hai người khách từ Yanma đi ngang, dâng bánh cho ngài và hỏi về đạo pháp.
[#breakpage#]
Người đến thăm khu Bồ Đề Đạo Tràng không đông lắm. Đại bộ phận là khách nước ngoài, dân Ấn rất ít.
Bóng áo đỏ của các Lạt Ma Tây Tạng và Butan bên cạnh bóng áo vàng của tăng Trung Quốc, Việt Nam. . . áo xám của cư sĩ nước ngoài bên cạnh bóng Sari cùng Khotar Kotti của người Ấn. Từng nhóm nhỏ, bóng họ thấp thoáng trong vòm lá xanh tươi. Họ đang yên lặng cầu kinh, đảnh lễ và ngồi thiền định.
Tôi cũng ngồi xuống một bãi cỏ xanh ngắt để thiền định, nhen sóc và chim chóc đến nhảy nhót, đùa bỡn chung quanh. Chúng như chào mừng chúng tôi đã đến nơi nầy.
Ôi! Tại ngôi nhà chung thân thương này, tôi muốn mình buông bỏ hết tất cả. . . bỏ hết. . . bỏ hết. . . chẳng phải chỉ còn lại cái nhận biết tỉnh giác như Già Năm thường dạy. . . mà đối với tôi giờ đây chỉ còn lại một niềm đồng cảm to lớn mênh mông, khiến nước mắt tôi rưng rưng.
Ôi! Mơ hồ trong tiếng chim ca và tiếng gió xào xạc trong vòm cây, tôi nghe tiếng của con tim mình đang đập bồi hồi xao xuyến. Tôi như thấy Như Lai đang ngồi đây bên cạnh tôi, ngay dưới gốc Bồ Đề này. Ngài chẳng phải đang nhập định mà đang nhìn tôi âu yếm, thương cho người học trò nhỏ từ vô lượng kiếp rồi vẫn còn trả nợ chốn nhân gian. . .!
Nắng vàng óng như mật chảy lòn qua những vòm lá xanh tươi, khiến con đường lốm đốm như gấm hoa. Những bãi cỏ xanh ngắt lặng yên. Những bảo tháp rêu phong muôn đời đại định. Những hòn đá già láng bóng vết trần gian. Hương thơm của muôn loài hoa quí ngan ngát. Hương rừng nồng nàn. Trầm hương thầm kín sâu. . . thật sâu. Còn tâm hương của tôi thì ngèn ngẹn và nhoi nhói nơi ngực!
Ôi! Mơ hồ tôi như thấy Như Lai sau 6 năm tu khổ hạnh lòng đầy quyết tâm và niềm tin sắt đá thế mà chẳng được gì. Chẳng phải khi ấy các pháp ngài đang tu cũng đang nổi tiếng nhất thời ấy sao? Chẳng phải ngài cũng đã cực tinh tấn rồi sao? Thế nhưng trước khi ngài giác ngộ thành Phật, ngài đã có cái giác ngộ quyết định, đó là biết mình đang tu sai!. . . Con đường mình đi tuy rất nổi tiếng mà chẳng hề thực chứng, chỉ có cái hào nhoáng và những lời tán dương bên ngoài! Do vậy ngài đã bỏ những thứ phù phiếm khoa trương ấy đến đây, đến bên gốc cây Bồ Đề nầy, với tự lực của mình tiến lên và đã thành công.
 
Mô Phật. . . lạy Như Lai, chúng con vẫn chưa có cái giác ngộ quyết định ấy. Vẫn còn chấp vào những cái bên ngoài ồn ào hào nhoáng và phô trương, những cái mà mọi ngươi vẫn cho là đúng thế, mà khi thực hành thì vẫn là rỗng tuyếch.
Kính lạy Như Lai, xin ngài gia hộ độ trì để chúng con biết “cái khổ hạnh kiểu mới” bây giờ là những gì, để chúng con từ bỏ nó mà tìm đến ngồi dưới gốc Cây Bồ Đề thật sự của thời đại mới, bắt chước ngài quyết tiến tu cho đến ngày giác ngộ hoàn toàn.
Lạy Như Lai. . . Con đã gặp những người nổi tiếng, những người báo chí ngợi ca, những người quần chúng tán dương. . . con đã tìm và đã gặp. . . và rồi con cũng đã đến đây. . . để thấy rằng chúng con và tất cả những người đang hành hương kia, đang quì lạy thiết tha, đang rì rầm tụng kinh trì chú, đang làm mọi thứ với niềm tin và lòng thành kính vô hạn, với con tim buông xuôi và đồng cảm. . . Nhưng lạy Như Lai trong sâu thẳm con vẫn thấy những thứ ấy chỉ như muôn ngàn con sóng trên mặt đại đương mênh mông. . . chỉ là bọt biển trôi nổi trên bề mặt sâu thăm thẳm vô cùng vô tận của con tim Như Lai. . .
Lạy Như Lai. . . chúng con biết mình vẫn chưa thể lặn xuống đáy của đại dương siêu thức, đến tận cùng bờ mé của con tim đại bi. . . chưa thành nước biển đồng vị mặn giải thoát với đại dương. . . Mô phật. . . Lũ chúng con phải chăng vẫn còn là bọt biển nổi trôi trên nền đại dương của đạo?!
Lạy Như Lai. . . chúng con biết và chúng con chờ cái ngày, rồi đây gió nghiệp trần gian sẽ làm chúng con tan ra. . . nát đi. . . biến mất cái bọt biển phù du. . . để lại trở về là nước đồng là một với pháp tánh. . . là một với Như Lai!
Lạy Như Lai. . . con của người đang đứng đây. Với lời đại nguyện tự mình nhất định sẽ phát hiện ra “Cái khổ hạnh của thời đại mới” là gì để mà từ bỏ nó đi.
Và lạy Như Lai. . . rồi mỗi một người trong chúng con thế nào cũng tìm gặp. . . cũng ngộ, cái gốc cây Bồ Đề của thời đại mới để tìm đến tịnh cư thiền định theo gương của nguời xưa.
[#breakpage#]
Sau khi đảnh lễ ở mặt phía đông và phía tây cây Bồ Đề, thiền định ở phía nam và phía bắc cây Bồ Đề. Đi theo vết chân Như Lai từng kinh hành sau khi chứng ngộ. Chúng tôi đến thông công đảnh lễ Như Lai ở gian mật thất thờ phụng ngài theo phong cách của Mật Tông.
Nơi đây còn thờ cả Hoàng hậu Magia mẹ của đức Phật và Mẹ Tara Xanh. Giữa gian thất là một cái bình tròn bằng đất sét, đặt trên 3 cái que cắm chéo bên trên một cái hoa sen đá, tạc theo hình Linga-Yoni.
Chúng tôi nhận mỗi người một cái khăn lụa trắng để cúng dường Như Lai theo phong cách của người Tạng.
Trong cái thất bằng đá hoang sơ, bóng nến cháy leo lét, mùi trầm hương ngan ngát. Chúng tôi quì xuống nền đá lạnh hai tay dâng cái khăn trắng lên trước ngực, mắt nhìn vào linh tượng của ngài, cái đầu trống không mà con tim thì lại đang ngân nga bài ca không tiếng động. . .!
Ôi, ân điển thiêng liêng như dòng thác tràn vào người qua luân xa 7 và toàn thân. . . Mọi tế bào như mở ra. . . mọi lỗ chân lông như mở ra. . . và năng lượng giác ngộ của Như Lai tràn vào. . . tràn vào. . . ngập tràn, khiến chúng tôi như tan ra. . . hợp nhất với hư không chẳng còn chi. . . chỉ còn con tim cầu đạo đang hiển thị đại thủ ấn trên đỉnh đầu và toàn thân.
Ôi, như người mộng du mà tỉnh giác. Năng lượng thiêng liêng điều kiển chúng tôi xoay người di chuyển lên bệ thờ, quàng khăn vào người Như Lai. . . kiết ấn, vẽ linh phù và làm các nghi thức của mật tông. . .
Mô Phật, chưa bao giờ điển quang lại mạnh đến như vậy. . . chưa bao giờ sự đồng cảm lại mãnh liệt đến như vậy. . . và cũng chưa bao giờ cái cô đơn lại dâng lên ngút ngàn chất ngất đến như vây. . .
 
Lạy Như Lai. . . Không hiểu tại sao từ lúc ấy đến bây giờ con thấy thế gian này chợt hóa thành rỗng không. . . cùng cực rỗng không. . . thực sự chẳng còn ai!. . . Ôi, loài người biến đi đâu cả rồi. . . chỉ còn Như Lai đang yên lặng ngồi đấy và con đang quì đây bên cạnh người. . . một mình. . .tuyệt đối một mình. . . chẳng còn ai. . . thật sự chẳng còn ai!. . .
 
. . . . .
Chúng tôi gặp Pankaj một sinh viên người Ấn trong công viên bên cạnh Bồ Đề Đạo Tràng. May mắn làm sao, anh lại ở tại làng Sujata. Đó là nơi Như Lai sau khi tu khổ hạnh 6 năm đã kiệt sức mà không chứng ngộ được điều gì. Ngài đã quyết định từ bỏ lối tu khổ hạnh, lần mò đi về phía bờ sông Ni Liên và đã đến đấy, một ngôi làng nhỏ bên bờ sông, ngài ngồi dưới gốc một cây đa và đã ngất xỉu tại đây.
Nàng Sujata lúc ấy là người chăn bò ở đây. Vì không có con nàng đã khấn nguyện với thần cây đa này. Nếu nàng sinh con được thì sẽ đến đây cúng tạ  thần cây.
Sau khi đã sinh được con. Nhớ lời hứa với thần linh. Hôm ấy nàng mang sữa đến cúng cho thần cây đa, thì thấy Như Lai đang ngất xỉu tại đây. Nàng đã dâng bát sữa này cho Phật. Ngài đã nhận và thọ thực. Nhờ vậy tăng thêm quyết tâm từ bỏ lối tu khổ hạnh để theo con đường trung đạo.
Chúng tôi theo Pankajvề ngôi làng nhỏ này, để đến chiêm bái điển di tích “Sujata dâng sữa cho Phật”.
Xe ngựa chạy qua các khu phố hẹp đông người, đi khoảng 1 km thì đến cây cầu bắt qua sông Ni Liên. Đi khoảng 500m nữa thì đến một ngôi tháp cổ đã đổ nát. Đây là vị trí nhà của Nàng Sujata. Nhà nàng nhìn ra cánh đồng trồng lúa mì đang vào mùa gặt. Những đống rơm to tướng chất có ngọn, những cây thốt nốt xòe tán lá như cái ô, một cái đồi thấp với những cây cổ thụ vươn cành ngoằn ngoèo trên đấy quấn đầy những dây leo rậm rạp.
Chúng tôi xuống xe ngựa đi bộ băng qua cánh đồng. Bóng tối lờ mờ. Hôm nay có trăng sớm. Gió mát từ sông Ni Liên thổi lên lồng lộng. Tôi ngắt một bông lúa mì màu vàng đầy lông như con sâu róm đưa lên mũi. Mấy cô gái Người Ấn đang cắt lúa dưới ánh trăng thấy vậy cười thật to và đưa tay vẫy:
-        Hello . . .hello
Chúng tôi chấp tay lên trán rồi chào theo lối Ấn.
Nơi nơi ngập tràn ánh trăng. Giữa mấy cây me cổ thụ cành lá rậm rạp là một cây đa thật to. Dưới gốc có một cái bệ đá khắc hình vạn Phật đánh dấu nơi Như lai đã ngất xỉu và đã gặp nàng Sujata dâng sữa.
Có một cái miếu nhỏ bên cạnh cây đa này, bên trong có thờ tượng ngài Thích Ca khổ hạnh và nàng Sujata đang dâng sữa, bên cạnh là một vị thiên nữ chấp tay quì gối đang hầu Phật và một con bò cái đang nằm.
Trong niềm thành kính và thương cảm xót xa, chúng tôi đảnh lễ Như Lai. Đảnh lễ nàng Sujata. . . đảnh lễ cái khổ hạnh đã giúp ngài quay về trung đạo. . . đảnh lễ cái nhân duyên Sujata và bát sữa:
-        Lạy Như Lai, xin ngài hãy gia hộ độ trì để chúng đệ tử biết những gì là “Khổ hạnh theo kiểu mới”mà chúng đệ tử đang chấp. . . để chúng đệ tử từ bỏ và đi đúng con đường trung đạo mà ngài đã vạch ra. Lạy nàng Sujata xưa kia nàng đã dâng sữa cho Như Lai. . . thì nay hãy hóa hiện ra nhiều Suajata của thời đại mới dâng bát sữa thiện duyên giúp cho những người con của Phật đi đúng con đường trung đạo của thời văn minh hiện đại này.
Dưới ánh trăng mơ màng theo tay chỉ của Pankajchúng tôi thấy dòng Anoma như một dải lụa bạch:
-        Kia là sông Anoma, khi đức Phật thọ bát sữa xong. Ngài đến bờ sông ấy ném cái bát xuống dòng sông và khấn nguyện: "Nếu tôi từ bỏ lối tu khổ hạnh là đúng, thì xin thần linh làm cái bát này trôi ngược lên trên". Cái bát liền trôi ngược dòng nước.
Nhìn dòng Anoma, con sông mà khi đức Phật từ bỏ kinh thành cha mẹ vợ con để đi tu, đã cùng con ngựa Kiền Trắc và người hầu Xa Nặc bay qua. Đến bờ bên này ngài đã quì xuống cắt tóc nguyện tu cho đến ngày giác ngộ hoàn toàn. Cũng con sông này ngài đã ném cái bát xuống và thề sẽ theo con đường trung đạo. . . Ôi, Anoma con sông huyền thoại. . . con sông thiêng. . . con sông thề. . . con sông của lòng quyết tâm cầu đạo Bồ Đề.
Lạy Như Lai. . . nay có cơ duyên đứng trước con sông thiêng này. . . Đệ tử cũng thành tâm phát nguyện theo một câu kinh mà hàng ngày mình vẫn thường tụng niệm: Chúng sanh vô lượng thệ nguyện độ, Phật pháp vô biên thệ nguyện học, Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.
Ôi, Phật đạo mới khiêm tốn làm sao! Sát bên cạnh, ngôi miếu nhỏ thờ ngài và nàng Sujata và kế bên gốc  cây đa nơi ngài đã gặp nàng là ngôi đền thờ thần Siva cực lớn với các tháp nhọn hoắt chỉa lên trời.
 
Chúng tôi quay về mà lòng vẫn còn lưu luyến và tràn đầy cảm xúc. Chung quanh tôi là cánh đồng lúa mì bát ngát rì rào. Sau lưng tôi là dòng Anoma như một dải lụa vẫn đang ngày đêm xuôi ra đại dương. Phía xa kia mờ mờ trong ánh trăng là ngọn núi hùng vĩ, nơi ngài đã ròng rã khổ hạnh 6 năm liền trong động đá hoang sơ. Trước mặt tôi đây là dòng Niliên xưa kia đã biết bao lần ngài và chư A La Hán vẫn xuống tắm, giờ là mùa khô cát trắng mênh mông. Và chỗ kia trên bờ Ni liên nơi có ánh điện sáng kia là Bồ Đề Đạo Tràng, nơi ngài đã chứng ngộ thành Phật dưới gốc Bồ Đề. Còn chúng tôi đang đi đây, đi trong ánh trăng tràn trề, như đang đi trong huyền thoại từ một cõi xa lắc xa lơ nào đấy chợt hiện về.
 
Ôi, mơ hồ trong tiếng gió hát rì rào trên cánh đồng lúa mì mênh mông, có tiếng vạc kêu sương buồn buồn xa vắng. Tôi như thấy Như lai đang đi phía trước, đang dẫn đầu đoàn người. Còn chúng tôi đang yên lặng đi phía sau, theo ngài mà cùng vân du khắp cõi ta bà.
 
( Còn tiếp)
 
Mây/ Ghi chép theo đoàn/20/4/2008