Ngủ và thức
Chúng tôi đến Bắc Kinh để tham quan Cố Cung, Thiên Đàn, miếu Khổng Tử, phủ Hòa Thân, Ung hòa cung, Điện Ban Thiền Lạt Ma . .v .v. . . . Để rồi sau đó đoàn sẽ lên đường đi Sơn Tây đảnh lễ Phật và du ngoạn ở Ngũ Đài Sơn một thắng cảnh chẳng những nổi tiếng về vẻ đẹp hùng tráng diễm lệ mà còn là nơi thiêng liêng về tâm linh, nơi Bồ Tát Văn Thù hiển tướng và trụ xứ. .

 . .
Bắc Kinh đang vào những ngày xuân nắng đẹp nhưng trời lại khá lạnh và khô hanh. . . .
Nhà cửa khang trang, đường phố to lớn hiện đại. . . .xe buýt hai tầng, xe điện, tàu điện ngầm, xe hơi các loại. . . .và người đi bộ hoặc xe đạp,. . . chẳng thấy một xe gắn máy nào. . . .
Anh hướng dẫn viên của công ty du lịch Bắc Kinh đang liên tục giới thiệu về đền đài lăng tẩm, về các điểm văn hóa nổi tiếng dọc đường xe chúng tôi chạy qua. . . .
Thế nhưng tôi lại bị hấp dẫn bởi hệ thống cây xanh, . . . rất nhiều công viên rợp bóng mát, cỏ non xanh rờn, ngập tràn tiếng chim vành khuyên hót trong vòm lá xanh tươi. . . . 
Chạy dọc theo hai bên đường phố là những cây hoa hòe cổ thụ lá tròn xanh biêng biếc, những cây ngân hạnh lá hình cái quạt mo, hoa đào đang khoe sắc thắm, bạch dương đứng thành thành hàng buồn bã, trụi lá bạc thếch, đang nhú những chồi non hình ngòi bút, những cây tuyết tùng cứng cáp mà yểu điệu, xòe tán thướt tha trong gió lạnh. . . . .những thảm hoa nhiều màu sắc ở những ngã ba ngã tư, những tượng đài đứng lặng im dọc đường đi bộ, trên thảm cỏ hay dưới những gốc cây cổ thụ sần sùi. . . .
Người đi bộ trên vỉa hè đông đúc, ai cũng quần áo lịch sự, vội vội vàng vàng. . . .Lẫn trong những đoàn khách du lịch đi thành từng hàng phía sau một hướng dẫn viên với lá cờ hiệu dương cao ở tay, là những người nông dân từ các tỉnh về thủ đô để kiếm việc làm. . .Họ đi thành từng nhóm với vẻ ủ rũ mệt nhọc. . . .có người ăn cơm nắm bên những tượng đài, . . .có người gối đầu trên giày của mình mà ngủ trên ghế công viên. . . Họ giương mắt nhìn những ông già áo lụa đang đi dạo, tay dắt chó hoặc xách lồng chim vành khuyên bé tẹo trên tay. . . .
Trên từng cao của khách sạn chúng tôi thấy dọc những con đường hiện đại là những dãy nhà cao từng với bảng hiệu và đèn điện đủ màu sáng nhấp nháy đang che cho những khu nhà ổ chuột với những ngõ hẻm hun hút sâu. . .Từ những nơi ấy, tiếng mời chào rao bán lẫn với tiếng ru trẻ thơ nhừa nhựa buồn buồn và những làn khói bếp mỏng tang vẫn đang uốn éo bay lên trong cái lạnh cắt thịt cắt da. . . .
. . . . .
Chúng tôi tham quan cố cung. .. . .
Chẳng có gì đặc biệt, ngoài lầu ngang phủ dọc, hoa văn họa tiết tinh xảo màu mè, các bức phù điêu rồng cọp giương oai múa vuốt, đỉnh trầm, bệ đá, hành lang, sân chầu, . . .nội triều, ngoại triều, tử cấm thành, . . .v.v. . .mục đích biểu thị cho uy quyền của thời phong kiến. . . .
Đứng thành từng dãy dài là những vại đồng to lớn, phía dưới có nơi để đốt lửa:
-  Này Tiêu, đây có phải là những cái vạc để nấu dầu sôi hành hình tội nhân không?
-  Ấy, không phải vậy. Đây là những cái vạc chứa nước để phòng hỏa. . .Còn phía dưới có chỗ đốt lửa là để những hôm trời lạnh nước đóng băng thì đun cho chảy ra. . . .
. . . . .
Nơi thi vị nhất ở Cố Cung chính là Ngự Hoa Viên với những hàng cổ tùng già cỗi mà lá vẫn xanh tươi trong nắng xuân. Lão tùng đứng chen với những hòn đá già kỳ quái.
Tiêu chỉ vào một cây lão tùng to nhất ở Ngự Hoa Viên, thân xù xì uốn lượn, cành lá vươn ra rậm rạp:
-  Đây là cây Cửu Long Bách, cây tùng già và linh thiêng nhất ở đây. Hãy nhìn thân nó mà xem, y như 9 con rồng đang quấn vào nhau vậy. . .Người nào không con, lòng thành khấn nguyện rồi áp tay vào thân cây. Nếu thấy nóng là sẽ sinh trai còn thấy lạnh là sẽ sinh gái. . . .Còn nếu cầu làm ăn, áp tay vào thấy nóng là phát tài, còn thấy lạnh là không được vậy
. . . .
Chúng tôi đến Thiên Đàn, nơi biểu thị cho nền tảng của vương quyền, nơi minh chứng cho nguồn gốc quyền lực của Thiên tử chính là con Trời . . .
Thiên Đàn được thiết kế xây dựng theo hệ thống triết học của Nho giáo và dịch lý. . . .Đường nét đơn giản, khỏe, trang nghiêm và đầy uy lực, cái uy lực tự nhiên thuộc bản chất của trời đất. . .
Theo niềm tin của thời phong kiến thì đây là nơi Thiên Tử tức con của vua Cha trên trời, thông công giao tiếp với người cha tâm linh của mình là Ngọc Hoàng Thượng Đế để thỉnh thị ý kiến của Ngài, nhằm giải quyết các việc của triều chính và của quốc gia dân tộc. . . .
Chẳng những để cầu cho được mùa, cầu mưa, cầu cho quốc thái dân an. . . .mà trước một tình huống khó xử, nhà vua sau khi thông công để có cái cảm nhận thiêng liêng về vấn đề ấy. Ngài sẽ bàn bạc với các cận thần để có chủ định, rồi sau đó mới thiết triều để bàn bạc với bá quan văn võ để đi đến quyết định chung cuộc. . . . .
Thiên Đàn có nhiều lớp tường đá bao quanh với 24 cửa, có cột đèn lồng cao ngất ngưởng, có nơi tế sinh, có các lư trầm khổng lồ, và có Hồi Âm Bích phía sau. . . .
Khi thông công với Vua Cha trên trời, nhà vua phải trai giới, không gần người khác phái, vận lễ phục, lòng thành, đứng tại viên đá Thiên Tâm nằm giữa đàn. . . .Có một con đường lát đá chạy dài ngang qua viên đá Thiên Tâm, chia hai Cố Cung và đến tận Chung Cổ Lầu. . . .
-  Này Tiêu, sao lại có con đường đá này?
-  À, các nhà địa lý xưa đã tính toán con đường đá này là đường chia hai quả địa cầu, tượng trưng cho Trung Đạo nằm giữa âm và dương. . . .
-  Thật không?
-  Thật chứ. . . .Bây giờ nếu đứng vào đây, vào một trong 3 viên đá gần Thiên Tâm nhất và vỗ tay hay nói to thì sẽ có tiếng vọng hồi âm trở lại. . . .
Chúng tôi ai cũng tò mò đứng vào nơi Tiêu chỉ và vỗ tay,. . . .trong gió lạnh lập tức có tiếng vọng lại như tiếng hồi âm từ trên trời. . . .
Hồi Âm Bích phía sau cũng vậy. . . .
Ở giữa là một cái điện lớn, bài trí trang nghiêm, thanh tịnh và đầy uy lực. Tại đây thờ Vua Cha, Mẫu Mẹ, và Thượng Đại Hội Đồng Tối Cao Cơ Mật Viện. . . .
Hai bên là hai điện thờ chư vị Thượng Tiên là các Quan giúp việc cho Vua Cha. . . .
Tại Hồi Âm Bích này, điển quang rất mạnh và thanh khiết. . . .Lẫn trong đám người du lịch đang tranh nhau đứng lên viên đá Thiên Tâm để chụp hình hoặc đang chỉ trỏ vào các linh tượng để bình phẩm. . .Chúng tôi chọn một chỗ khuất, thành kính, lặng yên giao điển với Vua Cha và Mẫu Mẹ. . . .Lòng bồi hồi xúc động, đại thủ ấn hiển thị trên đỉnh đầu, chúng tôi nương theo sức mạnh vô hình vẽ linh phù toàn thân và vào hai lòng bàn tay. . ..
Chỉ vào bức tường đá rêu phong, Tiêu bảo:
-  Này, nếu hướng vào bức tường bao chung quanh nơi thờ Vua Cha và Mẫu Mẹ mà nói to lên, thì dù đi thật xa, áp tai vào tường vẫn nghe được tiếng. . . .
-  Bởi thế nên gọi là Hồi Âm Bích?
-  Đúng vậy. . . .
 . . . . . .
Chúng tôi đến chùa của các ban Thiền Lạt Ma. . . .
Chẳng có gì khác với các chùa hay tu viện ở Tây Tạng. Cái khác ở đây là phong cách phồn thực, nét đẹp thể hình, tính phối ngẫu tâm linh, tính  động, tính ngẫu hứng tự phát của các linh tượng và bích họa Tây Tạng đã được các nghệ nhân bậc thầy của Trung Quốc nâng cao bằng tính bác học, tính thực tiển và sự tinh tế điêu luyện trong từng nét chạm nét vẽ. . . .
Tu viện thật sự như một bảo tàng khổng lồ về nghệ thuật tâm linh của Phật giáo. . . .
Chùa trước chùa sau, nhà ngang nhà dọc, mái ngói tiếp mái ngói, trùng trùng điệp điệp, cổng rồi lại cống, hành lang, sân đá, lư trầm khổng lồ, gác chuông cao vút, lầu tháp nguy nga tráng lệ. . . .Ôi!. . .Nơi nầy giống như một cung điện của giáo quyền thời phong kiến. . . .Thật chẳng hổ danh là nơi tu hành của các bậc đế vương. . . .
. . .. .
Cung của Hòa Thân đây rồi. . . .
Khác với cung điện lăng tẩm của vua và khác cả cái đẹp trang nghiêm cứng ngắc của các tu viện hay cung điện khác. . . .Nơi đây là sự kết hợp nhuần nhuyễn tài tình giữa nhà cửa cung điện với cây, đá, hồ nước và giả sơn. . . .có cả hang động, thư pháp, tranh vẽ, nhà hát kinh kịch, tượng mỹ thuật, đồ gốm, đồ cổ và vô vàn các tác phẩm nghệ thuật tinh xảo đặc sắc khác. . . .
Tất cả cái đẹp, cái phong nhã của sự hưởng thụ thời phong kiến hình như đều được thể hiện ở đây đầy đủ và hoàn hảo. . . .
Ôi!. . .Chẳng bàn đến công và tội!. . .Thì Hòa Thân thật đúng là một tay chơi có hạng thời phong kiến!
 . . . . .
Đoàn đến miếu Khổng Tử. . . .Nơi nầy đang đóng cửa để trùng tu. . . .
Đảnh lễ trước bức tượng của ngài tạc bằng đá trắng nằm giữa một vườn lão tùng trên 700 năm. . . .
Chúng tôi ngồi nghỉ bên gốc của một cây tùng to lớn nhất. . . .Trong cái yên lặng thiêng liêng, có tiếng gió mùa xuân đang thì thầm trong vòm lá xanh tươi. . . .
Hồn người xưa như đang hiện về. . . .Tôi như mơ màng nghe thấy tiếng đọc sách, ngâm thơ, tiếng giảng đạo khi thực khi hư phảng phất trong tiếng ồn ào của phố chợ thị phi. . . .
Ôi!. . .Chân lý thì bao giờ vẫn vậy, chỉ có cái vật chất tầm thường thì mới chìm nổi theo cuộc bể dâu! . . . .
Trong cái vắng lặng của buổi hoàng hôn nơi đất khách.Tôi biết rồi đây trên vạn nẻo đường đời, tiếng thì thầm của các anh linh trong gió lạnh hôm nay, chắc sẽ còn theo tôi mãi mãi!. . . . .
Ôi!. . .Lát nữa đây chúng tôi sẽ lên tàu đi Sơn Tây đến Ngũ Đài Sơn để lễ Phật và đức Văn Thù Bồ Tát. . . .Biết bao giờ mới có dịp trở lại nơi nầy!. . . .
Xin kính chào đức đại Thánh Khổng Tử và chư vị hiền triết. . . . . .Xin chào lão tùng già nua. . . .Chào cái thành bại thịnh suy. . . .Chào cái khen chê tầm thường. . . .và chào cái thiên lý muôn đời vẫn vậy!. . . .

Mây/ Ghi chép theo đoàn/1/5/2007