Tường treo Thanka trong những ngày lễ tại tu viện Sera

Trung tâm Lhasa có một khách sạn bụi đời. Thế nhưng lại rất đông người nước ngoài ở. Tôi nghĩ chắc cũng như chúng tôi, họ cũng thích cái không khí tự do, rất bụi. Thêm vào đó giá lại rất mềm.

Nó có tên tiếng Anh và tiếng Tạng, nhưng chúng tôi cứ gọi thế. .

Sàn nhà bằng gỗ mộc. Cầu thang cũng bằng gỗ sơ sài. Cửa phòng ăn chỉ là miếng vải, khi đóng chỉ cần cột mấy sợi dây kẽm. Internet không dây miễn phí. Tường đầy những câu viết ngẫu hứng và những hình vẽ nguệch ngoạc của khách. Bàn ghế làm bằng những miếng gỗ còn nguyên vỏ. Dây ngũ sắc treo tòn ten, vải trải bàn hoang dại, chẳng theo qui cách gì. Mấy cái tranh tường vẽ tùy hứng nham nhở dí dỏm và thật buồn cười.
Một cài đàn ghita vứt đấy, bên cạnh là mấy cái toan căng sẵn ai muốn vẽ thì vẽ. Bữa ăn khách tự phục vụ. Muốn ngồi đâu thì ngồi, khúc gỗ hay mấy hòn đá nằm lăn lóc hoặc trên ghế nệm có trải khăn thêu hoa văn xanh đỏ của Tạng.
Nhạc Jazz hoặc các loại nhạc cảm tính đầy ngẫu hứng, được mở vừa phải. Sân thượng có thể nhìn thấy Potala và một vườn hoa rất đẹp.
Mấy cái máy giặt bỏ đấy cho khách tự giặt. Xà phòng giặt đựng trong từng túi nhỏ để tự do ở tủ kính. Mỗi gói 1 tệ. Ai cần tự lấy và tự bỏ tiền vào tủ. Có chỗ cho khách tự nấu lấy mà ăn... Phục vụ là mấy cô gái Tạng duyên dáng rất giỏi tiếng Anh... Khách ngụ toàn là loại quái kiệt. Quần áo tóc tai phóng khoáng, vi tính xách tay, camera và máy chụp hình xịn, ăn uống dễ dãi, lịch sự, tiết kiệm. Đi đứng chẳng cần giờ giấc, chủ nghĩa tự do trên hết, ai làm gì cũng kệ...
Điều quan trọng nhất là món ăn Trung quốc hoặc Tây nên không có mùi trâu Yak.
Tầng trệt có phòng tập thể. Mỗi giường chỉ mất 25 tệ một ngày. Có nhiều du khách muốn du lịch về một nơi xa nhưng chưa đủ chi phí cho chuyến đi. Hoặc muốn giảm bớt gánh nặng chi phí. Họ ngủ tập thể, ăn uống tiết kiệm và viết quảng cáo dán trên tường. Đại loại như:
“ Tớ muốn đi Kailash hành trình 15 ngày. Toàn bộ chi phí đã thỏa thuận là 18.000 tệ. Ai muốn cùng đi để cùng chia xẻ chi phí thì liên hệ: John phòng 315.”
Chúng tôi chọn khách sạn “Bụi Đời” bởi vì ở đây nhân viên phục vụ biết nói tiếng Anh và không có mùi hôi của trâu Yak. Thế nhưng khi ở chúng tôi lại rất khoái tính bụi đời và chủ nghĩa tự do của nó!...
Sáng nay chúng tôi ăn sáng trên sân thượng còn ướt sũng nước mưa. Món ăn là cháo với trứng muối và mạn thầu. Ăn xong chúng tôi dự định sẽ tham quan tu viện Sera, một tu viện nổi tiếng của dòng Ban Thiền Lạt Ma.
Đi bằng xe lôi, tưởng rẻ, ai dè sau này mới biết đắt gấp 3 - 4 lần tắc xi.
Tu viện dựa lưng vào một dãy núi đá hùng vĩ.
Đường vào tu viện lát đá, nhẵn bóng vì vết chân người. Rất đông người tham quan và đi lễ. Các hàng bán sữa trâu và mỡ trâu nằm chen với các hàng bán đồ lưu niệm. Chúng tôi chọn mua một cái tượng Tổ Sư Liên Hoa Sanh làm bằng đất sét, sơn xanh đỏ theo kiểu Tạng. Tượng cỡ bằng nắm tay người lớn, giá chỉ 15 tệ.
Theo dòng người chúng tôi đến cổng tu viện. Dân Tạng đi qua tự nhiên, nhưng chúng tôi là người nước ngoài nên phải mua vé tham quan. Mỗi người 50 tệ.
Chánh điện hoành tráng với 2 cây cột biện kinh phía trước cao ngất trời, phất phới dây cát tường nhiều màu và lông trâu yak. Trên nóc chánh điện là những pháp luân to lớn và các bảo tháp mạ vàng óng ánh. Giữa sân có một hòn đá lớn bằng phẳng như cái bàn, bên cạnh có một cái chày cũng bằng đá để người đi lễ dùng đập và nghiền mỡ trâu hay mỡ thực vật trước khi nấu nó thành nước và đổ vào cái đèn bằng đá khổng lồ trước ban thờ tam bảo.
Hai bên cửa vào chánh điện là những bức thanka vẽ Tứ Đại Thiên Vương và lục đạo luân hồi. Hai cánh cửa gỗ khổng lồ với các vòng bằng đồng có treo lủng lẳng dây cát tường xanh đỏ. Cầu thang dẫn lên tầng 2 nằm ở hai bên hành lang.
 
  
Sera

Chánh điện sáng mờ mờ. Sừng sững những cây cột gỗ to lớn sơn màu đỏ thẫm. Trước ban thờ tam bảo là những dãy bàn thấp lè tè trải vải đỏ. Đây là nơi chư Lạt Ma ngồi thiền, học kinh và nghe pháp. Người tham quan không thể vượt ngang qua các dãy bàn này, mà phải đi men tường theo chiều kim đồng hồ để tuần tự đảnh lễ chư vị Kim Cang Thần, chư vị Dakini, chư Tổ và chư Phật...
Ngồi giữa các linh tượng này là tượng đức Thích Ca khổng lồ với 3 tầng chánh điện vây quanh. Chung quanh tượng Thích Ca là tượng đức Thập Nhất Diện Thiên Thủ Thiên Nhãn và tượng chư đại Bồ Tát cùng chư đại thần linh đang trong trạng thái phối ngẫu tâm linh.
Một vị huynh quay lại nói nhỏ với tôi:
-    Tôi là người biết điêu khắc, nhưng thấy các tượng này rồi, chẳng muốn làm nghề nữa.
-    Tại sao vậy?
-    Tại nó đẹp, có thần, gợi cảm và tràn ngập nét phóng khoáng của trạng thái giải thoát. Người thường không được ơn trên độ không thể làm được như vậy.
Trong ánh sáng lờ mờ chập chờn của những cái đèn bằng đá, trong yên lặng mênh mông của những tấm lòng thành kính, trong cái lạnh lẽo của đá nghìn năm và trong tiếng cầu kinh rầm rầm rì rì đều đều buồn bã. Những pho tượng như đang sống dậy, uốn éo múa may, đang mỉm cười phô diễn nét đẹp tâm linh ở khế ấn và nét đẹp hình thể ở các tư thế vô cùng gợi cảm.
Dù cho khách thập phương khá đông. Chúng tôi cũng chấp tay nhận ân điển thiêng liêng. Hiển thị Đại Thủ Ấn. Rồi nương lực gia trì xoay người men theo các bức tường chánh điện. Đến trước các linh tượng cơ thể tự đảnh lễ. Tại từng nơi chư huynh đều thông công, dùng đại thủ ấn thọ pháp của ơn trên qua kỹ thuật Mantra.
Cầu thang lên các tầng trên tối nhờ nhờ, có bậc bằng đá lạnh ngắt và có tay vịn bằng gỗ nhẵn thín láng bóng vì vết tay người.
Cũng màu đỏ màu vàng chủ đạo, cũng ánh sáng lờ mờ, linh tượng chư đại Thần linh dữ dội đứng lẫn với linh tượng chư vị Dakini và Thánh mẫu, tuyệt đẹp, gợi cảm và tràn ngập năng lượng tâm linh.
Năng lượng tự thông công qua luân xa 7, cơ thể chúng tôi tự xoay tròn, đại thủ ấn tự hiển thị, năng lượng giác ngộ điều chúng tôi tự xoay người đến trước các linh tượng thọ pháp của ơn trên qua tam mật tương ưng, vẽ mantra chung quanh, lên trời và vào toàn thân. Chúng tôi buông xuôi cơ thể trong trạng thái thư giãn cùng cực. Trong Phật trường thiêng liêng, cơ thể chúng tôi như cái máy tự biểu thị qua tác động của năng lượng. Còn chúng tôi thì luôn nhận biết tỉnh giác để thông tâm cùng chư vị thiêng liêng. Già Năm gọi các biểu thị này là truyền tâm ấn. Tâm thông Tâm hay rỗng không hợp nhất với rỗng không và các mã thông tin của đại vũ trụ được truyền trực tiếp vào đại não qua khế ấn và linh phù.
Tại một phòng nhỏ trên tầng 3. Chúng tôi thấy một đoàn người thật dài đang xếp hàng và lần lượt đi qua trước mặt một cái ban thờ. Bên trên có tượng đức Thiên Thủ Thiên Nhãn đặt trong một cái lồng kính chung quanh dán đầy linh phù. Một vị lạt ma mặc áo đỏ đứng đấy, tay cầm một chiếc gậy dài. Một đầu gậy chọc vào linh tượng của Đức Thiên Thủ Thiên Nhãn, đầu kia của gậy dí vào luân xa 6 ở trước trán của người hành hương mỗi khi họ đi ngang qua và cúi đầu xuống để đảnh lễ. Mọi người đi ngang qua thì không thấy có gì. Khi Già Năm và chúng tôi đi qua. Cây gậy của vị lạt ma bỗng rung lên bần bật... ngài bèn kiết ấn và miệng niệm dalani rất lâu để trợ điển... Chúng tôi cũng tự hiển thị đại thủ ấn trên đỉnh đầu. Vị lạt ma nọ mỉm cười chấp tay đảnh lễ, rồi chỉ hướng cho chúng tôi trở ra, trong khi từng đoàn người vẫn tiếp tục tiến vào để nhận ân điển thiêng liêng (Bakti) của Bồ tát...
Bên ngoài trời nắng to, nhưng vẫn lạnh. Tu viện Sera đúng là một tu viện lớn và nổi tiếng của dòng Ban Thiền Lạt Ma. Nhà ngang dãy dọc, trùng trùng điệp điệp, mái tiếp mái, tường tiếp tường, chúng tôi đi khắp nơi để nhận ân điển thiêng liêng đảnh lễ chư vị và thọ pháp bằng tam mật tương ưng và kỹ thuật Đại Thủ Ấn (mahamudra).
Gần đến trưa thì nhận điển, đảnh lễ và thọ pháp cũng vừa xong. Ngước mặt nhìn lên dãy núi đá cao ngất phía sau tu viện, trên ấy còn vô số chùa chiền, am thất, bảo tháp nép mình bên những cây thanh liễu cổ thụ hay những hốc đá bám đầy rêu và địa y.
 
Nơi vào sau tu viện 

Vì không có thì giờ, và phải dưỡng sức để leo lên Kailash, chúng tôi đành từ giã tu viện Sera ở đây. Hẹn thầm một ngày nào đó có duyên lại đến đây. Chúng tôi nhất quyết phải đi đảnh lễ, nhận ân điển của chư vị khẳp cả vùng núi này chẳng còn một nơi nào mà không đến.
Đi giữa những bức tường bằng đá núi, vữa xây còn vết tay người, giữa những lối đi mà cúc vạn thọ, thược dược, hoa hồng, cánh bướm... mọc chen với cỏ dại, giữa những bức tường cao vút đầy những khung cửa sổ nhỏ xíu bên trên có rèm nâu hay đen, thấp thoáng bóng áo đỏ của chư lạt ma, giữa những nụ cười thân thiện, giữa những hàng cây thanh liễu xù xì rợp bóng mát, giữa tiếng chim chim chíp trong vòm lá xanh tươi, giữa tiếng kinh luân quay rè rè, tiếng cầu kinh niệm chú trầm trầm. Chúng tôi thấy như đã về nhà mình, thân thuộc, thoải mái và bình an biết bao!
Kính lạy chư Phật, chư Bồ tát, chư Tổ, chư vị Dakini và Thánh Mẫu. Kính lạy Hộ pháp chư Thiên chư Thần và thánh chúng... Chúng đệ tử xin từ giã các ngài để lên đường đi Sambala, đến mandala của Ngũ Trí Như Lai, tiến vào trung ương đàn tràng, leo lên Kailash để nhận ân điển thiêng liêng, thọ nhận ấn lệnh và mật pháp của đức Đại sư cổ Phật Tỳ Lô Giá Na. Xin chư vị tiếp điển gia hộ độ trì để chuyến đi thành công tốt đẹp.
 
Mây/Ghi chép theo đoàn/4/9/2007