Trên đường hành hương

Sau khi nằm chờ tại Lhasa 4 ngày để xin cho đủ giấy phép đi Kailash. Phải có đủ 4 giấy phép của biên phòng, an ninh quân đội, và một giấy phép của công an tại Darchen. Hôm nay chúng tôi bắt đầu lên xe trực chỉ về hướng tây, hướng của biên giới Kashmir và Népal.

7 giờ sáng đúng hẹn, Penba đã đưa xe tới. Nhưng chờ mãi đến 8 giờ... rồi 8 giờ 30 mà huớng dẫn viên chẳng thấy tới. Cuối cùng chúng tôi được báo cho biết, là chẳng có hướng dẫn viên nào chịu đi vào Kailash cả... Và chúng tôi lại được công ty du lịch Xigátse hứa sẽ giới thiệu một hướng dẫn viên khác khi chúng tôi tới thành phố này.
Thế là chúng tôi lại hăm hở lên đường...
Mùa thu Tây Tạng tuyệt đẹp. Bầu trời xanh lơ trong vắt không một áng mây. Băng trên các đỉnh núi đã tan gần hết, nên các con sông đều tràn trề nước. Đó đây suối chảy rì rào rạo rực trên thảo nguyên cỏ đang lên xanh ngắt tràn trề sự sống.
Con đường lượn theo triền những dãy núi đá cao ngất trời xanh. Dưới kia sông Lhasa dềnh lênh ngập cả những khu rừng thanh liễu lá đang chuyển sang màu vàng tươi, vàng nghệ và màu nâu đỏ.
- Này Penba lá đã chuyển màu vàng rồi mà sao duới gốc chẳng thấy lá rơi?
- Ấy, cuối tháng này, lá sẽ chuyển sang màu đỏ sậm. Khi ấy chúng mới chịu rơi.
Màu xanh của lá non, màu vàng tươi, vàng nghệ, màu nâu sẫm của lá chuyển mùa, màu nước trắng xóa, màu trời xanh lơ, màu núi xanh đậm, tím than, vàng tươi màu đất mới, màu nắng vàng rộm, sương thu nhàn nhạt màu ghi, màu hoa dại phơn phớt vàng, màu hoa cỏ lấm tấm trắng trên cái nền xanh ngút ngàn của thảo nguyên như đại dương mênh mông tràn sóng cỏ... Ôi! Trên cái toan Tây Tạng mùa thu, phải chăng thượng đế đang pha màu sống trên vải?... Các màu ấy nhòe ra, trộn lẫn nhau, tạo ra vô vạn sắc màu đang thực sống và đang chuyển hóa không ngừng nghỉ.
Đang là mùa thu hoạch lúa mạch. Trong gió lạnh cay cay mùi khói. Trên sườn núi và dưới thung lũng, những vạt nương xanh chen lẫn những vạt lớn màu vàng sậm. Trâu yak, bò, ngựa và cừu đang nhẩn nha gặm cỏ. Những người đàn ông Tạng da đen nhẻm, chỉ đỏ quấn quanh đầu, tóc bím thả xuống hai vai, để ria mép, đội mũ rộng vành, áo khoác màu đen rộng thùng thình, chân đi giày ống, đang cầm liềm cắt lúa hay đang đi cày cùng trâu yak với chỉ ngũ sắc cột ở đầu sừng. Những cô gái Tạng đầu đội khăn đỏ, hai má màu mận chín, váy ngũ sắc, đi giày vải, ngực mang đầy xà tích, vòng bạc, hoa tai bằng đá màu, mang kiềng ở cổ chân, vừa cười khanh khách vừa bó lúa hay mang thùng sữa bằng da đi lẫn vào giữa đám bò cái mập ú.
Diều hâu bay lượn trên trời, sáo mỏ đỏ từng bầy chạy theo đường cày để bắt sâu bọ và lũ quạ đen to béo bóng nhẫy đang xúm vào tranh ăn cùng lũ trẻ đầu tóc bù xù, mắt sáng long lanh.
Tại nơi con sông Lhasa bề thế đổ vào dòng Yarlung Tsangpo. Triền núi nhấp nhô những thửa ruộng bậc thang vàng và xanh. Những cái nhà làm bằng đất bùn hình vuông nằm nép mình dưới những gốc thanh liễu già xù xì uốn lượn. Dọc theo đường đi, những cánh đồng hoa cải vàng rực bao bọc những dãy nhà trồng nấm thấp lè tè mái cong cong trên chất đầy phân trâu bò dùng để đun bếp và sưởi ấm.
- Trông kìa, tuyết đang rơi
Theo tay Penba chỉ, chúng tôi thấy giữa những đỉnh núi ngập tràn ánh nắng. Có một đỉnh núi bị che lấp bởi những vệt màu đen, trông như những vệt chổi tinh nghịch ai vừa quét lên trời.
- Trời đang nắng mà tuyết lại rơi, kỳ lạ thật
- Ở trên các đỉnh núi cao ấy trời rất lạnh, chứ không như ở đây. Hềhề... chưa lạ đâu lát nữa rồi sẽ thấy...
Lát sau, những vệt chổi tinh nghịch biến mất. Đỉnh núi nhọn hoắt trắng toát nổi bật trên nền trời xanh lơ. Một cái cầu vồng nhiều màu rực rỡ vắt ngang, trông như hào quang của Phật.
Lặng người trước cảnh đẹp hùng tráng và diễm lệ. Lòng bồi hồi chúng tôi thầm nghĩ, chắc Như Lai và Mẹ đang hiển thị nơi ấy để chào đón chúng tôi, chào đón những cánh chim thiên di, chào đón đàn chim Việt đang bay về núi rừng xưa cũ.
Men theo chân những dãy núi đá hùng vĩ cao ngất trời xanh, sông Yarlung Tsangpo như con giao long khổng lồ hung dữ, đang nhe nanh múa vuốt trườn xuống bình nguyên ngập tràn ánh nắng ở tận phía cuối chân trời. Nhà người Tạng thường làm bằng đất bùn, như cái hộp hình vuông. Tại bốn góc có bốn trụ nhỏ nhô cao, bên trên có cắm các cành cây chăng dây cát tường xanh đỏ. Tường đất bao quanh nhà. Cổng nhà trang trí hoa văn nhiều màu, nhiều lớp mái màu nâu đỏ với cửa bằng gỗ có khoen bằng đồng to tướng tết dây ngũ sắc. Mái nhà người Tạng làm bằng đất bùn trộn rơm hay cỏ rất dày. Phía dưới có sà đỡ làm bằng gỗ cây dương liễu.
Giữa phòng khách có một cái lò đốt bằng phân trâu yak. Lò có ống khói vươn lên trên mái. Trong những ngày đông lạnh lẽo, khi gió hú trên thảo nguyên mênh mông và bông tuyết rơi trắng xóa khắp nơi. Thì cái bếp lò phân trâu này như một cái lò suởi thân thương. Vì chủ và khách đều ngồi chung quanh uống trà pha sữa trâu yak. Món uống truyền thống thơm ngon và bổ dưỡng của người Tạng. Trong chuyến hành hương về Kailash kỳ này chúng tôi may mắn đã được uống loại trà sữa trâu này nhiều lần. Ban đầu khó uống vì có mùi rất Tạng. Nhưng dùng quen rồi sẽ thấy thích. Người chủ trà, sau khi hãm trà trong phích. Sẽ đổ sữa trâu vào một cái ống thụt bằng gỗ dương, trông như cái bơm xe đạp. Người ấy cầm cái cán ống thụt kéo lên đẩy xuống nhiều lần phát ra tiếng kêu phoàm phoạp vui tai. Khi toàn bộ sữa trâu đã tan thành nước. Người chủ trà mới rót trà vào ly và đổ thêm sữa trâu yak vào. Sữa tươi của trâu Yak có màu trắng đục hơi ngả vàng. Khi pha vào trà xong phải uống ngay. Nếu chần chừ cái giá lạnh của thảo nguyên băng tuyết sẽ làm ly trà đóng váng trên mặt uống mất ngon.
Chẳng những tại những ngôi nhà thật sự mới có bếp lò phân trâu, mà khi đi du mục ngoài thảo nguyên để chăn trâu, bò, cừu, ngựa...v.v... Người Tạng phải dựng lều bằng vải bạt hay da trâu, thì cái bếp lò đốt bằng phân trâu yak này bao giờ cũng được đặt chính giữa.
Trong những ngày lang thang trên thảo nguyên lộng gió, mỗi khi hoàng hôn về với cái lạnh cắt thịt cắt da, giữa cái vắng lặng mênh mông đến rợn người. Thì những cái ống khói của những túp lều du mục, như là dấu hiệu của sự sống, dấu hiệu của ấm áp tình người... Biết bao lần, nó đã làm những đôi chân mệt mỏi của chúng tôi tăng thêm sức mạnh trên con đường tìm về miền đất Phật.
Không có cây lớn để che bóng mát trong những ngày hè nắng chói chang. Lại phải giữ được độ ấm trong nhà trong những ngày đông lạnh giá. Thì nhà làm bằng đất bùn của người Tạng có lẽ là một chọn lựa hợp lý, vừa rẻ tiền vừa dễ làm, vừa đáp ứng được những yêu cầu trên.
 
 Đến Xigatse, chúng tôi mới thật sự bối rối, vì ở đây cũng chẳng có hướng dẫn viên nào chịu đi với chúng tôi. Có lẽ vì họ biết quá gian khổ và nguy hiểm chăng?
Làm sao đây? Người Tạng ở nơi núi rừng hẻo lánh chỗ chúng tôi đến đều không biết tiếng Anh. Còn chúng tôi đều không biết tiếng Tạng. Chúng tôi cũng không biết đường đi. Cứ tin tưởng vào cuốn sách hướng dẫn du lịch này với cái thiết bị định vị liệu có đi lạc không? Đi lạc thì có nghĩa là sẽ chết đói, chết lạnh trên băng tuyết hoặc các đỉnh núi cao đầy đá nhọn. Chẳng phải mỗi năm đều có 4 hay 5 chục người mạo hiểm đã chết ở đây sao?!
Lo âu, bàn bạc, suy tính, cuối cùng chúng tôi hỏi ý kiến Già Năm.
Cụ già mỉm cười từ tốn:
- Chúng ta là những người học thiền. Vậy hãy tin tưởng vào trí tuệ sáng suốt của chính mình. Chúng ta còn là những người tâm linh. Vậy hãy tin tưởng vào sức mạnh của sự diệu kỳ, vào sự gia hộ độ trì của Như Lai và Thánh Mẫu. Phải có tâm bồ đề kiên cố. Đây là sự thử thách của ơn trên. Nếu chúng ta thối lui thì chuyến đi này đến đây là bị gãy nửa chừng sao? Vả lại ta thấy Penba cũng biết tiếng Anh chút ít mà lại là người Tạng. Nếu chúng ta nhờ anh ấy đi cùng thì cố gắng rồi mọi sự cũng qua thôi. Chúng ta sẽ nhờ anh ấy thông dịch để hỏi đường đi ở thổ dân rồi kết hợp với máy định vị để đi. Ta thấy không có vấn đề gì.
May mắn làm sao, Penba vui vẻ nhận lời.
Thế là chúng tôi kiên quyết tiến về Kailash, tiến về Kora nổi tiếng của Sambala mà chẳng có hướng dẫn viên!
Xe chúng tôi tiến thẳng về hướng tây, mặt trời chiều chiếu thẳng vào cửa kính rất chói mắt. Nhà cửa ít dần rồi chẳng còn gì nữa ngoài thảo nguyên mênh mông, trâu yak, cừu... và những căn lều du mục nhỏ xíu đang nhả khói... Đó đây những cồn cát tiếp nối cồn cát, vàng ươm lấp lánh dưới ánh mặt trời. Những trận bão cát kinh hồn đã thường xuyên di chuyển chúng khắp thảo nguyên mênh mông.
Đến Lhatse, đường nhựa không còn, chỉ có đường đất, bụi mù trời. Con đường chia ra làm hai ngã. Rẽ trái theo hướng Tingri là đi về phía Nepal. Còn chúng tôi đi về ngã rẽ bên phải, phía Ngari, phía đi về biên giới Kasmir. Xe phải thường xuyên dừng lại để trình giấy phép cho các trạm gác quân sự. Không có hướng dẫn viên đi cùng, công ty du lịch chỗ chúng tôi thuê xe bị phạt 1.000 tệ. Chúng tôi hỏi, thì Penba giải thích đại ý. Đây là qui định bắt buộc, vì hướng dẫn viên du lịch, thật sự là nhân viên an ninh của Trung Quốc đi theo để kiểm tra hoạt động của du khách tại vùng biên giới quan trọng này. Dùng dằng hơn 2 tiếng đồng hồ, điện thoại qua, điện thoại lại, may mắn làm sao chúng tôi được họ cho đi!
Đúng là con đường về với mandala của Như Lai có muôn ngàn thử thách!...
Xe lao vun vút, vượt qua sình lầy, vượt qua suối đá, tự vạch đường trong thảo nguyên mà đi... đến đây thì chẳng thấy xe nào đi cùng đường.
Bóng tối mơ hồ luẩn quất chung quanh. Từng đàn hươu chân cao nghệu đang nhẩn nha gặm cỏ, xe chúng tôi đi sát một bên chúng cũng không thèm bỏ chạy. Một con đại bàng khổng lồ màu xám đen từ trên trời vụt xà xuống, đôi chân đầy vuốt nhọn như muốn chộp lấy xe chúng tôi nhấc bổng lên trời. Mấy con thỏ lông xám chạy qua chạy lại trước đầu xe như để đùa bỡn với những vị khách từ phương xa vừa mới đến... Chồn... vô vàn chồn hoang, lông vàng mập ú, thập thò trước cửa hang hay từng bầy đang rượt nhau trên thảo nguyên ngập tràn sương chiều lạnh giá.
Khi xe chúng tôi còn cách Darchen vài chục cây số, thì gió lạnh bắt đầu rít lên trên thảo nguyên. Bóng tối lợn cợn như sờ thấy được. Trên các vũng nước đọng trên thảo nguyên, mặt nước bắt đầu đóng váng như bánh đa. Theo sự hướng dẫn của thiết bị định vị chúng tôi đã tới hồ thiêng Manasarovar.
Đây là hồ nước ngọt cao nhất thế giới. Nó nằm ở độ cao 4588 m so với mặt nước biển. Nó là hồ Thiện và đối với Mật Tông Tây Tạng và thế giới, thì đây là trú xứ của Thánh mẫu Phamog người phối ngẫu tâm linh của Tổ Sư Demchokg trú xứ ở Kailash, trung ương đàn tràng của madala Ngũ Trí Như Lai, và là hóa thân của đức Đại Sư Cổ phật Tỳ Lô Giá Na, giáo chủ mật tông toàn thế giới. Do vậy hồ này là hồ Thiện.
Còn có một hồ nước ngọt nữa nhỏ hơn và thấp hơn tên là Rakshas Tal, tức hồ của Quỉ, là hồ Ác. Giữa hai hồ có một lạch nước nhỏ thông với nhau.
Cả hai hồ Manasarovar và Rakshas Tal đều nằm dưới chân rặng núi Gurla Mandata quanh năm đầy tuyết phủ. Và nước ở hai hồ này là do băng tan từ Gurla Mandata và Kailash tạo nên.
Hồ Manasarovar nổi tiếng về sự linh thiêng. Theo truyền thuyết, nếu tắm ở hồ này sẽ được mẹ Phamog độ. Do vậy lành bệnh, cắt đứt mọi nghiệp duyên, thân và tâm đều đầy ân điển thiêng liêng gia trì nên thực chứng các pháp của Mẹ và Dakini. Do vậy hàng năm khách hành hương từ Ấn Độ, Tây Tạng, Népal, Butan và các nước Âu Mỹ kéo đến khá đông. Họ cắm trại quanh hồ... để cầu nguyện, tụng kinh, đi thiền hành và tắm... Có 7 tu viện lớn của mật tông Tây Tạng ở chung quanh và một số nhà nghỉ nhỏ để phục vụ cho khách hành hương.
 
Thế nhưng Penba không đưa chúng tôi xuống hồ mà đưa vào một nhà nghỉ. Chúng tôi hỏi thì anh giải thích:
- Tôi là dân bản địa tôi biết, bây giờ thời tiết giá lạnh này chỉ có thể lấy nước hồ lên hâm nóng rồi tắm như mọi người hành hương vẫn thường làm. Chứ xuống tắm dưới hồ có mà chết.
Già Năm không nói gì, chỉ tay ra hiệu cho Penba đưa xe xuống sát nước và quay lại nói với hắn đang ngồi yên lặng ở phía sau:
- Con cần tắm để Mẹ độ tiêu trừ nghiệp duyên đang quấy rối đường tu.
- Nhưng thưa cụ, trời đang quá lạnh. Công lực con chưa đủ, có thể gặp nguy hiểm.
- Mô Phật, do vậy chỉ có con xuống tắm trước, rồi sau đó ta sẽ tùy theo tình hình mà để cho chư huynh tắm hay để sang bữa khác ít lạnh hơn. Mô Phật, đây là ấn lệnh của Mẹ Quan Âm, con hãy kiết ấn lệnh này để trình diện mẹ Phamog và chư Thiên ở đây. Giữ điển, dùng công phu nhiệt tâm linh của bổn môn để xuống hồ tắm. Nếu con lạc tâm để thất tình lục dục lôi kéo, có thể bị chết lạnh dưới hồ. Con không thấy nước đang đóng váng sao? Nếu tâm con chí thành sẽ được mẹ Phamog và chư Thiên ở đây điều khiển mọi động tác khi ở dưới nước lạnh. À quên, ơn trên bảo con phải mang tất và mặc quần dài khi xuống nước. Nếu không cây mục dưới bùn sẽ làm con bị thương. Sao, con dám xuống hồ tắm không? Đây là cơ hội để con tiến tu có kết quả?
- Thưa cụ con quyết tâm, đã nhận ấn lệnh của Vô Ngại Đại Bi Tâm con nào có rụt rè e ngại.
- Mô phật.
Thế là hắn mở cửa xe, tự đi ra hồ. Ở trần, mặc quần dài, chân mang tất. Hắn thụ khí và kiết ấn lệnh trên đỉnh đầu.
Gió lạnh rít lên từng cơn. Mặt hồ thiêng đen ngòm... Penba và chúng tôi đều đứng trên bờ kéo cao cổ áo để chống lạnh. Nhìn hắn đi dần xuống hồ lòng đầy lo lắng.
Đột nhiên hắn hét lên một tiếng thật to. Hai tay kiết ấn lệnh vẽ phù liên tục lên trời chung quanh và lên người...
Penba quay lại phía chúng tôi giọng lạc đi:
- Chết rồi chỗ này bị lún. Bùn sẽ lôi hắn xuống địa ngục mất.
Đúng vậy, hắn bước đến đâu. Người hắn lập tức bị lún sâu xuống... Nhưng nước vẫn chỉ xăm xắp không đủ tắm. Do vậy mà hắn liên tục vận công hét lớn, rút chân lên và đi tiếp ra càng ngày càng xa.
Kìa, hắn đã ngồi bệt xuống và tắm. Nước lạnh bắn tung tóe khắp nơi. Tiếng kim cang thủ hắn đập vào người, tiếng thở đặc trị phì phì và tiếng hắn hét lên từng chặp dũng mãnh. Trong gió đêm vang lên như một bản hùng ca của lòng quyết tâm sắt đá.
Lát sau! Hắn hét lên một tiếng lớn, xoay người vận công đi trở lại bờ. Ấn lệnh ở tay... bước hắn đi chậm dần... chậm dần, yếu dần, rồi ngã trên bờ hồ lạnh giá...
Già Năm một tay kiết ấn. Một tay vẽ linh phù vào hắn, rồi hét thật lớn để át tiếng gió gào:
- Đảnh lễ mẹ Phamog
Hắn như choàng tỉnh, bật dậy quì gối đảnh lễ về phía hồ thiêng.
Cụ già lại quát lên:
- Dùng ấn lệnh vẽ bùa vào ngực và tim, rồi đi về phía xe.
Như người lên đồng, hắn bỗng chồm dậy, gầm lên. Một tay kiết ấn lệnh của mẹ Quan Âm chỉ lên trời, tay kia dùng ấn lệnh vẽ bùa vào ngực và tim. Hắn bước đi chuệnh choạng rồi vững chắc dần. Cuối cùng hắn bước được vào xe.
Chư huynh vội đóng cửa xe lại, lấy đồ ấm trùm cho hắn. Hắn vẫn như người mộng du. Hai tay nắm chặt tay ấn, miệng thở đặc trị phì phì.
Bỗng hắn gạt phắt đồ ấm ra, người ở trần, hai tay tự kiết đại thủ ấn rất lạ, miệng đọc dalani bằng tiếng thiên.
Già Năm cười và bảo:
- Mô Phật, thế là xong. Con đã được Thánh Mẫu ban ấn lệnh để thông công với người mà tu tập, ta chúc mừng cho con. Bây giờ con hãy giữ chặt ấn lệnh này thì cơ thể sẽ tự ấm dần lên...
.......
Nhìn cảnh tượng kỳ dị vừa xảy ra, chẳng những Penba há hốc mồm kinh dị mà chúng tôi cũng thấy như vừa trải qua một giấc mơ thú vị ở một cõi thiêng liêng nào đấy chẳng phải cõi của loài người.
Chư huynh đều quì trên bờ hướng về phía hồ thiêng đảnh lễ và cầu nguyện.
Già Năm cười và bảo:
- Ta chỉ là người giám thiền. Thánh mẫu và chư Thiên mới là người dạy. Hôm nay quá lạnh chư huynh không nên tắm. Để hôm đi Kailash quay về nếu trời nắng ấm, thì sẽ thực hành pháp môn này cũng không muộn.
Mây/Ghi chép theo đoàn/16/9/2007

1237854221Tam-Ho.mp4