Đường nào đấy hả ông Định vị

Chúng tôi ngủ trong một nhà nghỉ nhỏ ở Darchen. Chờ trời sáng sẽ bắt đầu đi vòng quanh Sambala, đi theo vòng Kora tâm linh tối thượng của mật tông thế giới.

Nếu thành công những ngày tiếp theo, chúng tôi sẽ nhận ân điển thiêng liêng và đi thẳng vào khu trung tâm của Sambala, vào trung ương đàn tràng của Ngũ Trí Như Lai. Và như vậy cái đích cuối cùng của chuyến tu học này là đỉnh núi Kailash cao 6.714m quanh năm tuyết phủ trắng xóa, nơi có 3 khối đá khổng lồ màu vàng sậm giống hệt 3 tòa bảo tháp, trời đất tự hiển thị để phụng thờ Đức Đại Sư Cổ Phật Tỳ Lô Giá Na và hóa thân của ngài là Tổ Sư Demchog.
Tuy là những người tu thiền và đã quen thực hành chánh định. Nhưng chúng tôi ai cũng đã đọc tác phẩm: “Trong vòng tay Sambala” của nhà bác học Nga... nên đều háo hức bồn chồn vì mình sắp được trải nghiệm lại những điều vất vả nguy hiểm đến cùng cực và những điều linh thiêng huyền diệu bất tư nghì của tâm linh mà nhà bác học này đã trải qua ở vùng rừng núi linh thiêng này. Và còn hơn thế nữa chúng tôi còn leo lên Kailash nơi được coi là cội nguồn của mọi tâm linh. Nơi mà nhà bác học Nga này khi ấy còn chưa có duyên đến được.
Vì phải đi dài ngày mà còn phải ngủ ngoài trời đến mấy đêm liền, nên thức ăn, lều trại, túi ngủ, nước uống, máy móc... dồn lại thành mấy balô to rất nặng. Phải leo cao, không khí loãng, thiếu oxy trầm trọng, chỉ cử động nhẹ cũng đủ gây mệt, mà đã mệt thì rất khó hồi phục! Bởi vậy nếu không nhờ thổ dân ở đây khuân hộ thì không cách gì có thể đi được.
Trước kia nhà bác học Nga... cũng đã nhờ thổ dân và trâu yak chở đồ cho. Bởi vậy, ngay khi mới tới Darchen, chúng tôi đã cùng Penba bổ đi khắp nơi để tìm thuê thổ dân.
May mắn làm sao, đã có 3 người nhận lời. Đều là thổ dân ở vùng núi cao băng tuyết.
 
. . .
Già Năm chỉ chợp mắt một tí lúc đầu hôm. Cụ Già công phu gần như suốt đêm không ngủ để chuẩn bị trợ điển cho chư huynh.
Gần sáng nghe đồng hồ báo thức, chúng tôi đều bật dậy, ngồi ngay trên giường để luyện công.
Đang diện bích, không cần chống tay xuống giường, toàn thân bỗng quay phắt ra. Cụ già nhìn chư huynh dặn dò:
-          Đây là đợt tu học rất vất vả nguy hiểm mà cũng vô cùng linh thiêng huyền diệu. Ta có một số kinh nghiệm, chư huynh có thể áp dụng để tiến tu có kết quả:
Phải thụ khí, nương điển quang mà đi. Chứ không được đi bằng cơ bắp.
Nhất thiết phải luôn luôn thở đặc trị theo sự tác động của điển quang. Chứ không được cố gắng giữ hơi thở điều hòa. Vì tình huống trên đường đi luôn luôn thay đổi bất ngờ cần phải thích ứng. Thí dụ: Gió lớn, tuyết rơi, trời nắng to, khi thì leo cao, khi thì xuống thấp...v.v...
Không được cầu mong chóng tới đích. Cũng không sợ bị tụt hậu đằng sau. Lúc nào cũng ung dung tự tại tùy theo sức mình mà bước phù hợp với nhịp thở. “Lưu thủy bất tranh tiên” như nước chảy không dành nhau chảy trước.
Không cười nói đùa bỡn vì sẽ thiếu oxy gây mệt.
Mỗi lần nghỉ mệt, thì thụ khí tiến hành xoa bóp day bấm huyệt phần đầu mặt, để tránh chảy mau cam, khô nứt da mặt, chảy nước mũi và nhức đầu do lên quá cao.
Hai tay luôn giữ chặt ấn lệnh của Mẹ Quan Âm, niệm thầm câu dalani mà ta đã dạy, trụ chặt tâm vào câu dalani này để tam mật tương ưng tự hiển thị đại thủ ấn vượt qua các rào cản về tâm linh mà chư Đại Lạt Ma đã đặt ra để bảo vệ đạo tràng.
Còn đây là các đạo bùa. Từng vị huynh, ta sẽ nương điển quang thông công với ơn trên để viết ra. Hãy dùng nó để luyện công nhằm làm quen với Hộ Pháp Thần của bổn môn. Sau đó điển quang sẽ điều khiển chư huynh tự bỏ vào mồm nhai và nuốt đi. Nó sẽ khiến chư huynh tăng cường sức mạnh cơ bắp, nâng cao điển lực và khiến Hộ Pháp chư Thiên chư Thần thường theo sát một bên để bảo vệ an toàn cho chư huynh trong suốt cuộc thám hiểm tu học này.
Nhất thiết khi đi phải có tính Thiền. Nghĩa là luôn tỉnh giác nhận biết toàn diện quá trình tiến tu và di chuyển của mình, cũng như cảnh quan môi trường chung quanh để đồng cảm và rung động nhằm biểu thị bát nhã. Tâm vô sở trụ, nhưng tự biết hết do yên lặng chứng kiến.
Nhất thiết khi đi phải có tính Mật. Nghĩa là luôn thông công cảm nhận được sự điều khiển của năng lượng giác ngộ để nương theo đó mà hành động. Tuyệt đối không được hành động qua phán xét của tâm trí nhị nguyên của đời thường.
Bên ngoài trời tối thui. Bầu trời đêm của Tây Tạng thấp lè tè, tưởng chừng chỉ với tay lên là hốt được vô số vì sao đang lấp lánh. Hoặc dễ dàng thọc tay vọc nước sông Ngân để rửa sạch bụi đường thiên lý.
Trong nhà, cụ Già và chư huynh đang yên lặng tịnh công. Chỉ có gió lạnh gào lên từng hồi trên thảo nguyên mênh mông. Tôi nhìn về phía xa kia, đỉnh kailash tuyết phủ trắng lờ mờ huyền ảo trong ánh sao trời, trông như cái vú khổng lồ của người Mẹ Vũ Trụ đang ngửa lên trời cao lồng lộng gió ngàn.
 
...
Đã 8 giờ hơn mà trời vẫn chưa sáng rõ mặt người.
Chúng tôi bắt đầu lên đường. Mũ rộng vành, giày đi tuyết, kính che mắt, đồ ấm và ba lô sau vai, chúng tôi hướng về phía những dãy núi cao vút đỉnh đầy tuyết trắng, rảo bước.
Nắng dát vàng trên các đỉnh núi xa. Tuyết sáng lấp lánh, các đỉnh núi mờ hơi lạnh và mây trời đang chuyển màu rực rỡ. Ở Tây Tạng núi không có cây, chỉ là núi đá hoặc núi đất với ngổn ngang những phiến đá hình thù kỳ dị. Băng đã tan gần hết, nên cỏ non lên xanh và suối chảy rì rào, trào xuống thảo nguyên thành muôn ngàn dải lụa trắng xóa. Núi màu xanh đậm, thảo nguyên màu xanh lá chuối non và nền trời màu xanh nước biển.
Những vạt nắng vàng như trôi lơ lửng trong cái lạnh đặc sệt, sồn sột và cay cay mùi khói.
Trên những vạt đồi đầy cỏ non với suối lượn quanh, mấy chiếc lều du mục đang nhả khói, loáng thoáng bóng người trong sương mờ. Có tiếng Tạng ngao sủa ông ổng và tiếng hát của người du mục mênh mang hoang dại giữa cảnh vắng lặng đìu hiu. Vô vàn trâu yak như những viên đá đen, vô vàn cừu như những viên đá xám, chúng đang yên lặng gặm cỏ, hình như chẳng chuyển động gì...
Dọc đường chúng tôi đi qua, chẳng có cây gì... chỉ có cỏ và cỏ... bông cỏ nở trắng li ti hay vàng sậm, nằm lẩn với những bụi rậm trông như những đám cây lão tùng nhỏ xíu, đang quằn mình sát đất.
Đi cùng chiều với chúng tôi thỉnh thoảng có những nhóm người hành hương người Tạng, người Ấn, người Trung Quốc, một vài người Âu Mỹ. Nhưng đông hơn cả vẫn là người bản xứ. Họ vừa đi vừa lần chuỗi hạt vừa niệm kinh rầm rầm rì rì. Nam, mũ rộng vành trên đầu, giày vải dưới chân, áo choàng màu đen lót lông cừu, địu con sau lưng bằng một tấm khăn choàng sặc sỡ. Nữ, đội khăn đỏ như máu, giày vải dưới chân, váy áo sặc sỡ, xà tích, vòng đá mang đầy ngực, túi thêu bên hông, che mạng ở mặt và mang thức ăn, đồ ấm sau lưng.
Có đoàn dẫn đầu là một vị lạt ma mặc áo đỏ, tay chống gậy, đầu cạo trọc nhẵn bóng, mang giày ống, trước ngực lủng lẳng một xâu chuỗi hạt thật to. Phía sau là các đệ tử của ngài, nam có nữ có, già có trẻ có, y phục người Tạng, vừa đi vừa quay pháp luân vừa trì kinh niệm chú, dáng vẻ vô cùng thành kính trang nghiêm.
Mấy người Âu Mỹ thì lủng lẳng nào máy chụp hình, nào camera và các thiết bị điện tử.
Trâu Yak chở hàng ở Sambala
 
Nơi đến là cuối chân trời
 
Cháu cũng đi Sambala 
...
Dọc đường đi, tôi thấy các viên đá thường được xếp chồng lên nhau thành những hình thù kỳ dị, vô số các khối đá xếp như vậy, to có nhỏ có nhiều vô kể. Tôi nghĩ nhất định đây không phải là tác phẩm ngẫu hứng của một người hay một nhóm người...  .
Đúng y như vậy, khi cả đoàn ngồi xuống nghỉ mệt, thì Penba lại lấy những viên đá chồng lên nhau. Tôi hỏi thì anh ấy bảo:
-          Trên thảo nguyên mênh mông vắng lặng này. Chẳng những con người mà con vật khi di chuyển cũng thường để lại những dấu vết riêng của mình, để nếu cần thì có thể quay ngược lại không bị lạc. Lâu dần thì thành một thói quen, một tập quán, có khi thành một nghi thức tôn giáo nữa?
-          Anh bảo có thể thành một nghi thức tôn giáo à?
Penba yên lặng không nói gì. Theo tay anh chỉ chúng tôi thấy. Một nhóm người Tạng hành hương đang cùng nhau khuân đá chồng lên tạo thành một cái tháp khá đẹp. Một nhóm khác đi qua thấy vậy lấy dây cát tường chăng qua lại để trang trí. Nhóm thầy trò vị lạt ma áo đỏ nọ vừa đi đến liền nhiễu chung quanh cầu kinh, vị lạt ma vảy nước làm phép. Thế là những người hành hương đều bước đến cụng trán mình vào tháp đá với dáng điệu vô cùng thành kính.
Và mấy người Âu Mỹ kia, vừa đến sau, liền giương máy ảnh, camera chụp hình và quay lia lịa. Một người còn bắt chước dân bản địa bước đến cụng trán vào tháp đá. Nhưng chắc không thấy gì nên bước ra nhún vai lắc đầu với bạn mình đang giương mắt nhìn với dáng vẻ tò mò cực độ.
Penba đưa tay chỉ về phía thung lũng phía trước và bảo:
-          Đấy là Tarboche, những người hành hương thành kính thường làm các tháp đá hoặc đơn giản hơn chỉ chăng dây cát tường với các phiến đá có khắc thần chú Um mani padme hum, thế là đã thành một điểm tâm linh để tỏ lòng tôn kính đức Phật và các vị Tổ.
Làm tháp đá
Men theo bờ bên phải của con sông Lha-Chu, con sông phát nguyên từ Kailash, chúng tôi đến Tarboche. Đây là một thung lũng lớn rất đẹp xưa kia đức Thích Ca Mâu Ni Phật đã có lần đến đây thuyết pháp cho hơn 500 vị bồ tát và la hán. Có một cây cầu nhỏ bắc ngang qua sông Lha-chu dẫn đến tu viện Chuku nằm chênh vênh trên sườn một dãy núi đá cao ngất trời. Cửa chánh điện của tu viện hướng về Kailash đỉnh phủ đầy tuyết trắng toát. Tu viện thờ đức Diệu Quán Sát Trí Bảo Sanh Như Lai và Quân Trà Lợi Kim Cang.
Ngay lối vào thung lũng có một bảo tháp lớn, trên chăng đầy dây cát tường, cũng có nhiều sừng và đầu trâu bò trang trí bằng vải nhiều màu sắc sặc sỡ, ngổn ngang những phiến đá trên khắc đầy kinh tiếng Phạn, tiếng Tạng, tiếng Ấn Độ, nhiều dấu hiệu và linh phù của nhiều tôn giáo lớn trên thế giới, nó như một minh chứng rằng Sambala là cội nguồn của nhiều truyền thống tâm linh thế giới.
Chung quanh bảo tháp, người ta vất ngổn ngang, mũ, giày dép, quần áo cũ và nhiều vật dụng cá nhân khác... nó như dấu hiệu của một sự đoạn tuyệt với quá khứ vô minh, hồi quang phản chiếu, quay ngược tầm nhìn để nhìn lại chính mình trên con đường luân hồi lang thang đã từ vô lượng kiếp!
Phía bên phải bảo tháp, có một dãy núi đá màu vàng sậm, xếp thành nhiều lớp chồng lên nhau rất đẹp, mặt trên rất bằng phẳng, trông như một quảng trường vĩ đại. Đó là nghĩa địa nơi chôn cất thi hài của 84 vị đại Lạt Ma học trò xuất sắc của Tổ Sư Liên Hoa Sanh.
Tarboche còn là nơi Tổ Sư A Tỳ Sa đã đến cư ngụ và dạy đạo tại đây, trước khi được Tạng vương mời về kinh thành Lhasa để chấn hưng Phật đạo. Ngài là vị Tổ quan trọng thứ nhì sau Liên Hoa Sanh ở Tây Tạng. Bởi Liên Hoa sanh là người đã chiến thắng đạo Bon và đưa Phật giáo thành quốc giáo ở đất nước này. Thế nhưng theo thời gian, Phật đạo đã bị suy đồi. Đạo Bon lại có cơ hội phát triển khiến người tu lạc vào thần thông pháp thuật quên mất việc luyện tâm. Và Tổ Sư A Tỳ Sa là người được vua Guge, mời ra để chấn chỉnh và phục hưng Phật đạo. Từ đó Phật giáo lại trở thành quốc giáo và phát triển rực rỡ cho đến ngày nay.
Kinh bùa
 
  
Kailash nhìn từ Tarboche
 
Đảnh lễ bảo tháp
...
Giữa thung lũng và ngay chỗ bước qua cầu để leo lên tu viện Chuku, có một cái quán của người Tạng phục vụ khách hành hương.
Quán người Tạng ở đây cái nào cũng là lều bằng vải bạt hay da. Ở giữa có lò đốt phân trâu yak để sưởi ấm và nấu trà. Chung quanh kê ghế cây lót đệm để khách có thể ngồi hoặc nằm nghỉ mệt. Chủ quán là 2 cô gái Tạng khá xinh, mặc y phục truyền thống, mang túi thêu. Lúc nào cũng cười rất tươi và sẵn sàng chụp hình chung với khách nếu có yêu cầu. Quán bán chủ yếu là mì gói và trà pha sữa trâu yak. Còn có cả Cocacola và bia Mỹ.
Phía trong góc quán một cô gái người Tạng đang trét phấn trắng lên mặt mình và cười như nắc nẻ với một người đàn ông Tạng da đen nhẻm, đang bôi keo lên mái tóc bờm xờm của mình.
Tôi giật mình, văn minh của loài người đã đến được cả nơi thâm sơn cùng cốc này sao? Và mọi thứ phải chăng đang từ từ biến đổi?!
Những người bạn thổ dân vứt balô trước cửa lều, bước vào trong uống trà sữa trâu, ăn mì, và trêu chọc cô chủ quán. Còn chúng tôi không nghỉ được lâu vì phải leo lên sườn núi khá cao để vào tu viện Chuku đảnh lễ đức Bảo Sanh Như Lai và Quân Trà Lợi kim Cang.
 
...
Sông Lha-chu ở thượng nguồn chỉ như con suối lớn, nước trào qua các viên đá bám đầy rêu tung bọt trắng xóa. Vừa bước qua chiếc cầu bắc qua sông. Già Năm vừa ôn tồn giải thích cho chư huynh:
-          Này chư huynh, nếu chỉ đi một vòng các tu viện để lễ Phật rồi về, hoặc nếu xem các tu viện này như nhau, đến cái nào trước cũng được, là sai lầm về tâm linh. Thật sự các tu viện và các điểm tâm linh trên vòng Kora của Sambala này, chỉ được tuần tự đi theo chiều kim đồng hồ là chiều thuận với chiều của năng lượng giác ngộ. Nếu trên đường hành hương chư huynh thấy có người đi ngược lại, thì đó là người của đạo Bon. Vì đó là qui định của Tổ sư Milarepa.
Đến một nơi, phải thiền định trực ngộ yếu chỉ thiền của nơi đó với sự giúp đỡ của minh sư tại thế và ân điển thiêng liêng của Như Lai cùng chư Tổ nơi ấy. Đó là về “Lý”. Còn về “Sự”, thì phải thông công với vị Kim Cang trấn giữ nơi ấy, nhận ấn lệnh và linh phù qua vô vi, mới có thể đi đến điểm tiếp theo được. Cứ như vậy, nó như là một cuộc tu học và kiểm tra của tâm linh để thiêng liêng ấn chứng cho chư huynh, chứ không phải đi chơi ngắm cảnh rồi về.
Vòng Kora này có 3 phần:
Phần “Đời” là chúng ta, Phần “Đạo” hay vô vi là Ngũ Trí Như lai và Ngũ Vị Kim Cang, và phần “Trung gian giữa Đạo và Đời” là đức Phật lịch sử Thích Ca Mâu Ni. Gọi là trung gian, vì ngài có thể xác như mọi chúng sanh nhưng bên trong kết hợp với trí tuệ và năng lượng giác ngộ của vô vi. Nên ngài là cầu nối cho chúng sanh với Phật tánh. Bởi vậy, giáo lý của ngài nhằm qui định trạng thái tâm thức và phạm trù hoạt động của cơ thể, để ân điển thiêng liêng có thể biểu thị, thăng hoa và phát triển về hướng tối thượng. Bởi vậy nếu không tuân thủ lời dạy của Ngài, ân điển có thể phát triển sai đi. Còn nếu chỉ bắt chước các tướng của Ngài mà không thể nhập “Tánh” thì chỉ có cái vỏ mà không có cái hồn.
Bởi vậy trước khi chư huynh đảnh lễ đức Bảo Sanh Như Lai và Quân Trà Lợi Kim Cang là các đức Phật vô vi. Phải đảnh lễ đức phật hữu tướng là ngài Thích Ca Mâu Ni, ngồi thiền, kinh hành về các giáo lý: Tứ diệu đế, bát chánh đạo và thập nhị nhân duyên, cùng các giới luật cơ bản. Mô Phật, Chư huynh phải biết đây là khuôn mẫu tâm thức bắt buộc và phạm trù biểu thị bắt buộc của cơ thể trong suốt cuộc hành hương tu học này, nếu chư huynh muốn đợt tu học này có kết quả.
 
Nghe lời dạy của Già Năm, khi qua cầu xong. Chúng tôi quì trên thảo nguyên, nhận ân điển thiêng liêng, đảnh lễ đức Thích Ca Mâu Ni Phật, 500 vị bồ tát và la hán cùng 84 vị đại lạt ma.
Xong, chúng tôi ngồi thiền ngay trên cỏ, quán tưởng về các giáo lý: Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo và Thập Nhị Nhân Duyên. Phát nguyện trong suốt cuộc hành hương tu học này sẽ luôn giữ tâm thức và các hoạt động của cơ thể theo các phạm trù mà Như Lai đã qui định.
Gió thảo nguyên lồng lộng, có tiếng quạ kêu quàng quạc trên các khe đá hoang vu, dòng Lha-Chu chảy ào ào như mang theo nó biết bao ý nghĩ đời thường, bao tình cảm nghiệp duyên, bao cảnh đời lầm than, đau khổ... Tâm hồn chúng tôi như được gió thảo nguyên thổi tung đi mọi cát bụi tham dục, mọi sương mờ cảm thọ và mọi hí luận của nhị nguyên.
Ôi, giây phút này đây như dòng Yalung buông mình chảy về bình nguyên rồi ra biển lớn. Chúng tôi cũng buông hết, bỏ hết, xả hết, xuôi dòng ân điển thiêng liêng, từ núi cao ngã mạn, chảy về bình nguyên của chánh định để rồi rớt vào bể Toàn Diện của Phật Tánh mênh mông, trinh nguyên và hoang sơ.  
 
Bên dòng Lhachu
 
...
Hắn ngồi phía sau nhất, tại một nơi khuất nhất, nấp vào sau một hòn đá khổng lồ bên trên có khắc thần chú Um mani Padme Hum. Người hắn yên lặng trong cơn thiền định, thỉnh thoảng cơ thể hắn lại rung rất nhẹ vì ân điển thiêng liêng. Mơ hồ hắn như thấy Như Lai đang ngồi đấy thuyết pháp cho hơn 500 vị bồ tát và la hán. Áo vàng bay phất phới, phạm âm như tiếng suối reo, hương trầm ngan ngát, tự nhiên hắn chứng về nhân duyên giả hợp.
Ôi! Trên thảo nguyên xanh màu cỏ. hắn như thấy Nhóc Con của mình đang nhoẻn miệng cười. Răng khểnh, má lúm đồng tiền, tóc mây bay theo gió. Dáng nàng mờ ảo như có như không. Nàng đáng yêu, thuần hậu và tinh khiết biết chừng nào!
Bỗng cơ thể nàng tự rời ra từng mảnh. Thịt da tan đi mất, chỉ còn lại xương trắng, dòi bọ lúc nhúc, hôi thối nồng nặc. Rồi xương cũng tan đi thành cát bụi theo gió thảo nguyên bay đi muôn nơi chẳng còn gì!
Lát sau vô vàn những hạt bụi của thảo nguyên mênh mông lồng lộng gió, tự nhiên quần tụ lại, đọng lại thành Nhóc Con của hắn, lại nhìn hắn và lại nhoẻn miệng cười tình!...
Ôi! Cứ thế, tụ rồi tan... tan rồi tụ...  mơ hồ chẳng biết thực hay hư!
Hắn dụi mắt, nhưng rồi vẫn thấy thế. Hắn chánh định nhưng rồi vẫn thấy thế.
Hắn thở dài... hắn khóc trong lặng yên!
Nhưng rồi cơ thể hắn bỗng hết trạo cử. Người hắn thiền định lặng yên như đá núi. Trên mặt hắn phảng phất nụ cười.
Bỗng hắn chấp tay, nương ân điển thiêng liêng đảnh lễ đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật cùng chư vị bồ tát và la hán.
Khi hắn xả thiền mở choàng mắt ra. Chung quanh vắng lặng như tờ... Chư huynh đều đã lên núi... Chỉ còn Già Năm đang đứng đấy giám thiền cho hắn.
Cụ Già nhìn hắn mỉm cười:
-          Ta chúc mừng cho con. Nhờ anh linh của Như Lai và chư Thiên con đã chứng về lý và sự của pháp ”Nhân duyên giả hợp” không có tự tánh của Phật đạo. Mô Phật, ta nghĩ nhờ vậy kể từ nay con sẽ hết bị nghiệp duyên theo cản phá đường tu.
Hắn sụp xuống đảnh lễ cụ già.
Khi hắn ngẩng lên thì cụ già đã đi rất xa. Trên lưng chừng núi, hắn thấy thấp thoáng bóng của chư huynh đang leo lên bậc thềm bằng đá của tu viện Chuku.
 
Lòng đầy phấn khích, quên mất lời dặn của Già Năm. Hắn hét lên một tiếng lớn vận công dùng hầu quyền chạy lên núi như một con khỉ lớn... Lũ quạ trên vách đá kinh ngạc quay đầu nhìn theo hắn, lũ chim ri trên đồng cỏ cũng thôi đùa bỡn, giương mắt tò mò nhìn theo hắn, mấy người Tạng hành hương cũng ngạc nhiên đưa tay chỉ chỏ về phía hắn.
Haha... ha!... Chỉ có dòng sông Lha-Chu chẳng ngạc nhiên vẫn ầm ào sùi bọt trắng, xuôi về phía chân trời xa. Và hình như gió núi cũng chẳng ngạc nhiên vẫn phần phật trên dây cát tường, ngả nghiêng đùa bỡn trên đầu ngọn cỏ đến tận tít cõi vô cùng.
Ồ! Chắc Như Lai, chư Thiên, Già Năm cùng chư huynh cũng chẳng ngạc nhiên đâu... Hắn biết chắc như vậy nên vừa chạy vừa mỉm cười.
Chẳng mong đến sớm... cũng chẳng sợ muộn! Làm gì có đến và đi!
Hềhề... Hắn biết, hắn tưởng vậy, chứ tánh vẫn như như chẳng bao giờ dời đổi.
 
 
 
Cửa vào tu viện nằm ở bên hông. Mặt trước chỉ là cửa giả. Chúng tôi nghĩ có lẽ để phù hợp với hướng trụ xứ của Đức Bảo Sanh Như Lai là hướng nam.
Cũng như mọi tu viện khác ở Tây Tạng. Đức Phật chính được đặt giữa chánh điện. Chung quanh và sát tường là những vị Phật, Bồ tát, Tổ sư, Thánh mẫu, Dakini và hộ pháp chư Thiên chư Thần phối thờ. Tranh Thanka treo khắp nơi.
Chúng tôi chấp tay trên đỉnh đầu, nhận ân điển thiêng liêng, nương theo chiều tác động của năng lượng giác ngộ, vừa xoay người vừa hiển thị đại thủ ấn vừa vẽ phù vào không trung và lên người. Vị lạt ma trụ trì và các vị hành hương đang có đấy, thấy vậy đều chấp tay hoan hỉ, tay lần chuỗi hạt, miệng đọc thần chú để trợ công.
Như cái đèn cù xoay trước gió, chúng tôi xoay người theo sức mạnh của ân điển thiêng liêng đến trước linh tượng của đức Bảo Sanh Như Lai và Quân Trà Lợi Kim Cang. Điển quang điều khiển chúng tôi đảnh lễ ơn trên, rồi hiển thị ấn lệnh trên đỉnh đầu.
Già Năm đang đứng gần đấy giám thiền cho chúng tôi. Nhìn khế ấn của hắn khác với mọi người. Cụ già nói nhỏ vào tai hắn:
-          Ấn lệnh chỉ là biểu thị của điển quang thông qua một trạng thái tâm thức. Chúng sanh vì tham dục nên có vô lượng vô biên trạng thái tâm. Còn học trò Như Lai do chánh định nên muôn người như một đều chỉ có duy nhất một trạng thái tâm thức do Như Lai và chư Tổ qui định. Con hãy trụ chắc vào danh hiệu của đức Bảo Sanh Như Lai, để ân điển thiêng liêng thông qua tâm chánh định này biểu thị thành ấn lệnh.
Hắn thở ra một hơi dài, rồi hít một hơi thật sâu, xả khế ấn trên đỉnh đầu. Đoạn chấp hai tay trên luân xa 7, nhận ân điển thiêng liêng, trụ chắc vào danh hiệu của đức Bảo Sanh Như Lai. Hai bàn tay hắn từ từ chuyển động, rồi hiển thị khế ấn giống hệt như chư huynh.
Dù cho mọi người không mở mắt nhìn nhau lúc nhận ấn lệnh. Nhưng khế ấn hiển thị trên đỉnh đầu lại giống nhau như in. Già Năm mỉm cười, nói với chư huynh:
-          Ta là A Xà Lê về tâm linh. Ta chứng minh cho chư huynh đã nhận được ấn lệnh của bề trên. Bây giờ chư huynh hãy xả thiền, rồi xuống núi.
....
Tu viện Chuku Phuk
 
Chuku Phug và núi Kailash
Trời đã ngả về chiều, gió lạnh bắt đầu hú lên trên thảo nguyên bao la. Các đỉnh núi đá như chồm ra, muốn đổ ập xuống lúc nào không ai biết. Chúng tôi lại men theo bờ bên phải của dòng Lha-Chu, theo sự hướng dẫn của thiết bị định vị, yên lặng tiến về phía tu viện Dira-Phug, trú xứ của đức A Di Đà Phật và Lục Túc Kim Cang trong mandala này.
Càng đi độ cao lại càng tăng dần lên. Hiện đã cao gần 5.000m so với mặt nước biển. Do vậy mà thiếu dưỡng khí trầm trọng. Nên dù đã đi rất đúng với kỹ thuật của thiền động, chư huynh vẫn thấy rất mệt, nhất là đối với những người có tuổi. Mọi người tay giữ chặt ấn lệnh của đức Bảo Sanh Như Lai, nương ân điển thiêng liêng bước đi từng bước một rất khó khăn. Cứ đi khoảng 10 phút lại phải ngồi nghỉ luyện công hồi phục công năng.
Có lẽ, đoàn người hành hương đại bộ phận, chỉ đến Tarboche, nên chẳng thấy ai đi cùng chúng tôi nữa.
Chỉ còn tiếng thở đặc trị phì phì, tiếng bước chân chậm rãi đều đều, vang lên trong cái vắng lặng của buổi hoàng hôn trên chót vót mây trời và băng tuyết.
Qua một cái đèo nhỏ, khung cảnh như bừng mở ra trước mắt. Chúng tôi như đang đi trong lòng một con sông cạn đầy cát và đá sỏi. Hai bên là hai dãy núi đá màu đất sét nung đỏ thẫm. Trông giống như vô vàn kim tự tháp với các bực thềm lên xuống tiện rất sắc nét. Các “núi kim tự tháp” này rất tinh xảo trông như có bàn tay can thiệp của con người chứ không thể tự nhiên lại giống nhau hàng loạt được. Cái lớn cái nhỏ, nằm liền nhau. Có nhiều cái quây quần thành một cụm, trông như một thành phố của nhà trời.
Một vị huynh ghé vào tai tôi nói trong tiếng thở hổn hển:
-          Đây là Thành Thiên Đế hay là hệ thống Kim Tự Tháp do người thiêng liêng tạo tác mà nhà bác học Nga... đã nói trong tác phẩm “Trong vòng tay Sambala”. Còn kia là cái mà ông ta gọi là máy phóng lade bằng đá để người Thiên Đế tiện núi và khoét các cửa động của kim tự tháp. Chẳng phải ở các “núi kim tự tháp” kia đều có các cửa, vuông thành sắc cạnh, không thể nói là do xâm thực được.
Theo tay chỉ của vị huynh ấy. Chúng tôi thấy một quả núi hình thù kỳ dị. Nó là quả núi duy nhất ở đây không có hình Kim Tự Tháp.
-          Ah, rất giống đầu của một vị Thiên đang le lưỡi để chế nhạo người đời đã đến đây sao còn tham dục.
-          Mô Phật, theo tôi nghĩ, đều là những cảm nhận thông qua lăng kính của tâm trí mình. Nhà bác học Nga vì là nhà khoa học nên thấy nó là máy phóng lade. Còn huynh là tu sĩ nên thấy nó là đầu một vị Thiên!
Từ phía trước bỗng có tiếng niệm Phật hiệu của Già Năm. Chư huynh lập tức ngừng tranh luận, giữ định và tiếp tục đi trong yên lặng.
Đối diện với máy phóng lade bằng đá là hành loạt “núi Kim Tự tháp” với các cửa vào hình vuông được tiện rất sắc nét. Trong đó có một “Núi Kim Tự Tháp” lớn nhất, hoành tráng nhất và đẹp nhất. Nó là núi đá granite màu nâu sẫm, đứng sừng sững, đỉnh chọc thủng trời xanh. Mây trắng bay phất phơ quấn quít chung quanh. Thiết bị định vị báo, nó cao 5.655m, và là Lăng Mộ của Tổ sư Liên Hoa Sanh.
Phía bên phải lăng mộ, có một cái thác nhỏ, chảy từ đỉnh núi xuống. Trông như cái khăn ấn lệnh màu trắng của Tổ sư đang phất phơ trong gió lạnh. Phía bên trái lăng mộ, có một “núi Kim Tự Tháp” thấp hơn, băng tuyết chưa tan hết, còn bám đầy theo các khe nứt. Trông như một tháp đá khổng lồ của dân hành hương đang quấn khăn trắng để cúng dường Tổ sư theo như tục lệ của người Tạng.
Chúng tôi đặt Balô xuống. Quì gối chấp tay trên đỉnh đầu, thông công, nhận ân điển thiêng liêng, hiển thị đại thủ ấn và đảnh lễ Tổ sư. Lòng bùi ngùi xúc động, tôi như nghe tiếng Tổ sư vẫn còn vang vọng trong gió ngàn lồng lộng trên thảo nguyên bao la.
Trời đã ngã sang chiều. Gió càng ngày càng lớn, như thổi xuyên qua não làm đau buốt cả gáy và đầu. Chúng tôi phải liên tục xoa bóp, nhưng chỉ giảm được một tí rồi đâu lại vào đấy.
Lạnh và khô. Mũi ngứa ngáy khó chịu bên trong, nhưng không ai dám thọc ngón tay vào vì sợ chảy máu cam. Hai tai lùng bùng. Da mặt căng rát khó chịu, dù chúng tôi đã thoa thuốc mỡ và kem chống nắng.  Hai môi khô rộp và nứt nẻ, nên chẳng ai dám nói chuyện hoặc cười đùa. Hai chân mỏi nhừ, bước đi như người mộng du. Cái mệt như thấm từng thớ thịt làn da và vào từng tế bào. Cơ thể phát nhiệt để chống lạnh, nên ai cũng thấy gai người như muốn sốt.
 
Nghỉ dưới chân núi Kim Tự Tháp 
 
Một trong các số núi Kim Tự tháp
 
Đi ngang máy phóng Lade bằng đá
 
Lăng mộ tổ sư Liên Hoa Sanh
 
Dấu chân Tổ sư Miralepa
Bóng tối chập chờn nhảy múa quanh đây. Nước bắt đầu đóng váng trên mặt. Cái lạnh như từ trong xương lạnh ra. Dù chúng tôi đã mặc rất nhiều đồ ấm.
Cuối cùng thì mọi người cũng đã đến được Dira-Phug, trú xứ của đức A Di Đà Phật và hóa thân của Ngài là Lục Túc Kim Cang, trong Mandala của Ngũ Trí Như Lai ở Sambala.
Nhưng nhìn tu viện vắt vẻo trên sườn núi đá cao ngất trời xanh. Mọi người lắc đầu ngao ngán. Bởi chẳng ai còn đủ sức để leo lên tận chỗ ấy ngay bây giờ.
Bởi vậy mọi người nhất trí, sẽ cắm trại, nghỉ ngơi, ăn cơm, ngủ và luyện công hồi phục công năng, rồi sáng mai trước khi đi vào thung lũng Tử Thần và vượt đèo Dromma của Mẹ Tara xanh, sẽ leo lên tu viện đảnh lễ và nhận ấn lệnh của đức Vô Lượng Thọ A Di Đà Như Lai.
-          Này Penba, hay là ta cắm trại chỗ bải cỏ gần bờ sông Yalung đi. Chỗ ấy đẹp và thơ mộng quá.
Penba lắc đầu quầy quậy, nói bằng tiếng Anh lẫn tiếng Tạng. Chúng tôi hiểu là, ý anh nói không thể được vì vị trí ấy ban đêm rất lạnh, nước có thể đóng băng. Có gió lùa rất mạnh. Ngủ ở đấy không an toàn.
 
...
Trại đã cắm xong. Mọi người cởi giày nằm vật xuống. Cơ thể như muốn rớt ra từng khúc. Mệt rã rời. Thiếu oxy, mà trời lại đang lạnh và gió lớn, nên có mấy người phải dùng bình oxy để thở. Có người nóng hầm hập như phát sốt. Đại bộ phận mọi người đều không nuốt trôi gói mì đổ nước sôi. Ai cũng bảo để ngủ tí rồi dậy sẽ ăn.
Lát sau trong lều chỗ nào cũng vang lên tiếng ngáy.
 
...
Tôi vén cửa lều bước ra ngoài trời... Bầu trời đầy sao lấp lánh. Dòng sông Ngân như chảy ngay đỉnh đầu. Trước tôi mặt Kailash hùng vĩ và linh thiêng, trắng toát như sát liền bên cạnh. Đối diện nó, tu viện Dira-Phug nhỏ xíu như cái tổ đại bàng trên vách núi cheo leo.
Còn ở giữa là trại chúng tôi, mong manh như hạt bụi trần được cơn gió đại bi thổi dạt về đây, về dưới chân các ngài, về trên cao nguyên lồng lộng gió ngàn, về bên dòng Lha-Chu ngày đêm ào ào tung bọt trắng, về ngủ bình an trong đàn tràng của Ngũ Trí Như Lai.
 
Mây/ Ghi chép theo đoàn/18/9/2007
 
>>>>>>>>>>>>>>>>>>>
Mời các bạn xem phim
Taboche
Thành Thiên Đế