Chuẩn bị cho Penba quay phim thung lũng Tử Thần

Trời lạnh kinh khủng, chưa quen, nên chúng tôi không tài nào ngủ được! Đụng vào vải lều như đụng vào nước đá! Do thiếu kinh nghiệm, chúng tôi không đem túi ngủ mà chỉ đem võng Trường Sơn. Trải võng dưới lưng, bên trên dùng tấm dù che mưa của nó mà đắp. Mới nhìn ai cũng tưởng đủ ấm. Nhưng khi nằm mới biết không ăn thua gì với nhiệt độ xuống dưới không độ như ở đây.

Ngọ nguậy, rục rịch, trăn trở suốt, chẳng tài nào chợp mắt được. Mọi người bèn ngồi dậy luyện công, cơ thể dần dần ấm lại. Thế nhưng khi nằm xuống bắt đầu thiu thiu, thì đứt khí nên cơ thể lại lạnh, run như cầy sấy. Cứ như vậy trằn trọc suốt cả đêm mà chẳng ai ngủ được.
Da mặt như muốn nứt ra. Môi phồng lên. Mắt đỏ và xốn khó chịu dù đã mang kính đi tuyết. Ai nấy đều húng hắng ho và chảy nước mũi. Không có cảm giác khát nước. Nhưng chúng tôi ai cũng phải cố uống nước, nếu không người gai gai nóng lạnh như sốt rét.
Trong đoàn không ai chảy máu cam. Nhưng lấy khăn ướt ngoáy sâu vào bên trong thì thấy có dính chút đo đỏ!
Không ngủ được mọi người ngồi dậy luyện công. Một vị huynh nhóm bếp lò bằng cồn khô để nấu nước pha trà. Có hơi lửa tưởng ấm. Nhưng lại phải kéo bớt cửa lều ra để tránh khói độc nên gió lùa vào càng lạnh tợn. Uống nước vào thì lại phải đi tiểu ngay không nhịn được.
Tôi kéo cửa lều, cầm đèn Pin bước ra ngoài...
Gió lạnh ào ào, hú lên từng chặp trên thảo nguyên tối nhờ nhờ, bao la và hoang vắng. Tôi bước hơi khập khiễng vì ban ngày đi hơi nhiều và bị lạnh nên toàn thân như đứt rời ra từng khúc. Hơi lạnh quất vào mặt như kim châm. Một con Tạng ngao ngủ ngoài trời, bông tuyết bám đầy người. Thấy tôi đi ngang qua, nó mở mắt nhìn, uốn mình vảy hết tuyết, xong lại rúc đầu vào ngực, co mình như con tôm ngủ tiếp. Một bầy chim gì thật to, đang rúc đầu vào cánh ngủ cạnh lều để tránh gió. Khi tôi đi ngang vô ý chạm phải, một con ngã lăn kềnh. Nó liền đứng dậy, rũ hết tuyết rồi đủng đỉnh đi vào bầy tụm lại, quây đuôi ra chung quanh. Tôi đến gần lấy tay vuốt ve bộ lông bóng mượt ướt đẫm. Chúng chẳng bỏ chạy, chỉ kêu líu ríu trong miệng rồi lại tụm vào nhau mà ngủ.
Chẳng tài nào tiểu được. Cái lạnh chết người thọc vào chổ không có quần áo làm tôi giật thót người. Có ráng mấy cũng không thể tiểu được! Tôi đành soi Pin lộn trở về lều. Nhưng về đến nơi ngồi một lát hơi ấm trong lều lại làm tôi mắc tiểu! Cứ như thế, mấy lần tôi mới tiểu được! Đi xong, da tái nhợt, toàn thân như muốn đông lại thành đá!
...

Buổi sáng Kailash

Đã hơn 8 giờ mà trời vẫn chưa sáng.
Phương đông hừng lên, vàng sậm, tím than, đỏ như máu rồi bỗng thành vàng rực như màu kim thân đức Phật. Đỉnh Kailash trước mặt giờ bị bao phủ bởi hơi nước mù mịt, tán quang dưới ánh mặt trời thành muôn vạn sắc màu lung linh chuyển hóa không ngừng nghỉ.
Sau khi ăn sáng, các bạn thổ dân nhổ trại. Còn chúng tôi leo lên núi vào tu viện Dira Phug để đảnh lễ đức đạo sư A Di Đà Như Lai và hóa thân ngài là Lục Túc Kim Cang.
 
Tu viện Dira Phug
Vừa leo lên núi Già Năm vừa ân cần dặn dò chư huynh:
-    Nếu yếu chỉ của Thiền nơi Bảo Sanh Như Lai là: Diệu Quán Sát Trí. Nghĩa là có cái biết như thị đối với sự vật, trong trạng thái “đang là” của nó. Thì yếu chỉ của thiền nơi đức A Di Đà là: Bình đẳng tánh trí. Nghĩa là không có cái biết qua so sánh phán xét của tâm trí nhị nguyên mà Tâm thức là trạng thái Tâm Không. Do vậy sự sự vật vật đều hiện nguyên hình như chính nó. Cái đó gọi là tự do vì thực chứng “Phi khái niệm”. Này chư huynh, đến đây không có chúng sanh nào đang đảnh lễ Phật A Di Đà. Mà cũng không có Phật nào ngự trong thân chúng sanh. Không có người nào nhận ấn lệnh mà cũng không có cái gì như là Như Lai cấp ấn lệnh. Mọi cái tướng đều mất đi, mà chỉ còn sự đồng nhất ở Tánh. Trong giọt nước chỗ nào cũng là nước. Do vậy mà Bodhi tự hợp nhất với Sattva không kẽ hở.
Đó là”lý”, còn về “sự”, ban đầu chư huynh nhận ân điển thiêng liêng, trụ vào danh hiệu A Di Đà và Lục Túc Kim Cang. Khi đại thủ ấn đã bắt đầu hiển thị. Chư huynh lập tức từ bỏ các danh hiệu Phật này, tự giải phóng tâm thức mình khỏi các phạm trù giả định này. Để ý nghĩ tự đến tự đi, không bị lôi bởi chúng, cũng không đàn áp chúng. Không bám vào ý nghĩ cũng không bám vào trạng thái không ý nghĩ. Mà chứng kiến và nhận biết cả hai. Chư huynh hãy nhớ mình là “Kẻ chứng kiến” chứ không phải Phật, mà cũng không phải là chúng sanh.
Được như vậy Lục Túc kim Cang sẽ hiển thị Đại Thủ Ấn tự vẽ linh phù vào các giác quan của chư huynh, để chúng thu nhận thông tin mà mình vẫn không rời trạng thái: Bình đẳng tánh trí của thiền.
 
 Nghe lời Già Năm dặn, chúng tôi niệm hồng danh A Di Đà và Lục Túc Kim Cang. Khi cơ thể đã nương điển quang xoay tròn. Hai bàn tay được điển quang rút lên đỉnh đầu đảnh lể thập phương chư Phật. Chúng tôi ngưng niệm, thả lỏng cơ, thở điều hòa, trụ vào trạng thái nhận biết không phán xét. Không trụ vào bất cứ một hình tướng nào hay lệ thuộc một khái niệm nào.
Ân điển thiêng liêng tác động khiến chúng tôi xoay tròn theo lực xoắn lốc đến trước linh tượng của đạo sư A Di Đà và hóa thân ngài là Lục Túc Kim Cang thì ngưng lại và ngồi xuống đất. Khế ấn trên đỉnh đầu tách ra rồi hiển thị tam muội ấn ở thế thiền định. Cơ thể lặng ngắt không chuyển động.
...
Nhìn cơ thể hắn thỉnh thoảng vẫn trạo cử. Cụ già ghé sát tai hắn nhắc nhở:
-    Con đừng chống lại hình bóng và các cảm thọ với nghiệp duyên ấy. Khi con chống lại thì điển quang sẽ hiển thành tướng chống lại nên trạo cử. Còn nếu con buông xuôi theo sắc tướng và cảm thọ. Thì điển quang sẽ hiển thị thành tướng bản năng. Con tránh hai thái cực trên, mà đơn giản chỉ nhận biết tâm mình cả lúc có “niệm” hoặc “không niệm”. Hãy trụ chắc vào trạng thái “nhận biết” thì hết trạo cử mà cũng không hôn trầm.
Con là cái “Người nhận biết” không là “người yêu cô ấy” mà cũng không phải là “người không yêu cô ấy”.
Hắn hành công y như vậy, tâm thức hắn chợt rỗng không như cái Quán Gió ở núi Vân. Không ngăn không che, không mời không cản. Nhóc Con của hắn như gió mùa xuân mang theo hương hoa nồng nàn của thảo nguyên mênh mông. Nàng chợt đến rồi chợt đi thung thăng dạo chơi trong tâm hắn mà hắn vẫn y nhiên vẫn rỗng không tràn đầy nhận biết. Đơn giản hắn thấy nàng chẳng phải nghiệp duyên cản trở đường tu của hắn. Cũng chẳng phải là nguồn hạnh phúc. Nàng như là muôn ngàn sự kiện khác, là đối tượng của nhận biết và chứng kiến. Nàng “Chẳng phải là vấn đề”!
...
Chánh điện lặng ngắt... Chỉ có tiếng người hành hương nhiễu Phật chung quanh niệm kinh rầm rầm rì rì và tiếng pháp luân quay rè rè...
Nhìn chư huynh ân điển sung mãn mà thân tâm đều tịnh, trên môi phảng phất nụ cười. Già Năm vỗ tay ra hiệu để mọi người xả thiền.
Cụ Già nói với chư huynh:
-    Mô Phật, chư huynh đã thấy rồi đấy. Ấn lệnh của cõi tịnh độ là chẳng có ấn lệnh. Mà là trạng thái nhận biết tỉnh giác cùng cực khi có điển quang. Đây là trạng thái HUM của người tu giác. Kể từ nay về sau bất cứ lúc nào chư huynh muốn phụng thỉnh ơn trên ứng điển nhập thân để độ sanh và tu học. Chư huynh nhất thiết phải bắt đầu ở trạng thái này. Nếu bắt đầu bởi tâm chúng sanh mà xin phụng thỉnh sẽ lạc vào tà đạo. Còn nếu y như lời ta nói, rồi phụng thỉnh để thành thể Bodhisattva, thì gọi là tu “thiện thệ” nghĩa là tu UM.
...
 
Từ giã Dira Phug chúng tôi tiến về phía thung lũng Tử Thần. Nơi có Tòa Án lương tâm của Tử Vương Lama và Gương Lõm của Đại Pháp Vương Tử. Theo sự tin tưởng của người Tạng và những điều mà nhà bác học Nga... đã kể lại trong tác phẩm: “Trong vòng tay Sambala” thì những người vào thung lũng Tử Thần này đại bộ phận sẽ gặp nguy hiểm. Bởi năng lượng vũ trụ từ gương lõm của Đại Pháp Vương Tử sẽ làm tâm thức họ tự hiển bày. Những quá khứ buồn vui, những kỷ niệm đau buồn hay hạnh phúc. Những hành vi tội lỗi, nhưng giây phút cống hiến hy sinh...v.v... Như một thước phim. Cả một dòng đời đã qua đều sẽ nhớ lại, thấy lại một cách trung thực. Và Tử Vương Lama sẽ ngự tại lương tâm để phán xét. Nếu người ấy là người xấu hay ác. Năng lượng vũ trụ sẽ thiêu cháy họ hoặc họ sẽ bị những bịnh nan y không chữa được rồi chết. Nếu họ là người tâm trí nhị nguyên thì năng lượng vũ trụ sẽ làm họ già đi rất nhiều so với tuổi thật. Chỉ có người tâm rỗng không, chỉ những người đã chứng “Bình đẳng tánh trí” của đức đạo sư A Di Đà, thì mới không bị gì và có thể tiếp tục đi sâu vào thung lũng Tử Thần giao điển quang thông công tu học và nhận ấn lệnh của các ngài để độ sanh.
Không biết thực hư thế nào. Nhưng hai vị nữ tu người Tạng đi phía trước chúng tôi, chỉ dừng lại trên đường đèo. Bái vọng từ xa về phía thung lũng Tử Thần chứ không vào. Khi chúng tôi gợi ý thì tất cả thổ dân theo đoàn đều lắc đầu nguầy nguậy không chịu đi. Kể cả Penba cũng không chịu vào thung lũng. Anh bảo sẽ giúp chúng tôi bằng cách đặt máy quay phim trên một đồi cao, rồi dùng ống Télé để quay chúng tôi, chứ không chịu cùng vào thung lũng.
Không phải vì háo danh hay tranh cường hiếu thắng mà mạo hiểm. Nhưng vì sự tu học cần thực tiễn, nên chúng tôi đều nhất trí sẽ cùng vào nơi nguy hiểm ấy để nhận ân điển thiêng liêng, thông công, tu học với các Ngài.
 
Các bạn thổ dân tiếp tục cõng đồ leo lên đèo Drolma của mẹ Tara màu xanh. Còn chúng tôi thì băng đồi tuột xuống phía thung lũng Tử Thần theo sự chỉ dẫn của thiết bị định vị.
Phía trước mặt, ở phía xa kia là một dãy núi đá cao ngất trời xanh, cong cong như cái gương lõm, băng tuyết phủ trắng xóa, lấp lánh ánh mặt trời, gọi là Gương Lõm của Đại Pháp Vương Tử. Bên phải là núi Quan Âm, bên trái là núi văn Thù đều cao vút cực kỳ hùng vĩ. Còn chúng tôi thì đang đi dưới thung lũng. Trông như lòng một con sông cạn, đầy cát và ngổn ngang đá là đá. Băng đang tan, tạo thành nhiều dòng chảy. Nhiều chỗ nước đóng váng trong như gương, có nơi nhăn nheo như cái bánh đa. Không khí lạnh, trong suốt, thiếu oxy trầm trọng. Chỉ bước đi chầm chậm cũng đủ gây mệt.
Nắng rát da mặt mà trời vẫn khá lạnh. Gió từ thảo nguyên ào ào, cuốn vào thung lũng. Không có chỗ để thoát, nó xoay tròn dưới chân 3 dãy núi đá hùng vĩ là Quan Âm, Văn Thù và Đại Pháp Vương Tử tạo thành con xoáy lốc dữ dội rồi đột ngột cuộn thẳng lên trời xanh, làm cát bụi mịt mù như thiên hôn địa ám.
Băng trên các đỉnh núi đang tan dưới ánh mặt trời mùa thu. Tiếng băng gãy răng rắc, thỉnh thoảng có tiếng nứt khủng khiếp nghe như tiếng súng nổ. Cát vàng sáng óng ánh. Dòng nước chảy rì rào, trào qua khe đá đầy rêu xanh và địa y màu hung hung đỏ, lấp la lấp lánh như bầu trời đầy sao đang nhấp nháy. Hơi nước lạnh phản quang tạo ra cầu vồng muôn màu sắc biến đổi như cảnh bồng lai.
Nhận ân điển thiêng liêng, nhưng trụ chắc vào trạng thái nhận biết tỉnh giác của tâm không. Chúng tôi không dùng lực cơ bắp, không dùng ý chí của ý thức, mà buông xuôi. Nhận biết tỉnh giác sự tác động của điển quang để nương theo đấy cùng trôi về phía thung lũng Tử thần của tử Vương Lama và Đại Pháp Vương Tử linh thiêng.
Đi về phía gương lõm
 
Đi trong thung lũng Tử Thần
Đến rìa thung lũng. Gạt bỏ mọi lo âu vì sự nguy hiểm cận kề. Chúng tôi nương điển quang, xoay người tiến vào thung lũng Tử Thần theo vết chân của Già Năm đi trước. Cụ chẳng đi qua chỗ 2 con chó đá bốn mắt, mà nương lực xoáy của vòng xoắn lốc ở đây, xuyên qua một khe hẹp giữa hai quả đồi cát, men theo rìa thung lũng Tử Thần tiến thẳng về phía Gương Lõm. Chúng tôi giật nẩy người nhưng cũng nhắm mắt đi theo. Khi đến nơi cụ leo hẳn lên gương lõm, chọn một chổ bằng, chung quanh có những đỉnh núi nhỏ phủ đầy băng ngồi xuống. Chúng tôi nương điển quang, đều ngồi chung quanh cụ.
Hơi lạnh bốc lên ngùn ngụt, nhưng chúng tôi đều giữ định.
Giọng cụ già nhỏ, nhưng vang và đanh như mũi kim nhọn xuyên qua tiếng băng gãy, tiếng gió gào và tiếng thở đặc trị của chúng tôi:
-    Này chư huynh, chúng ta đã vượt qua Tòa Án lương tâm của Tử Vương Lama. Vừa nói cụ già vừa đưa tay chỉ hai hòn đá nằm tít ngoài xa chỗ bắt đầu vào thung lũng.
Chúng ta đang ngồi ngay trên gương lõm, nguyên nhân của mọi tai họa và đương nhiên là tránh được hai luồng điển quang tác động ở cạnh sườn. Vừa nói cụ vừa đưa tay chỉ vào núi Quán Âm và núi Văn Thù nằm ở hai bên thung lũng.
Theo trực giác của ta, thì đây chính là chỗ an toàn và thích hợp nhất cho việc thông công nhận ân điển và ấn lệnh của chư vị đại bồ tát là Tử Vương Lama, Bồ tát Quan Âm và Bồ tát Văn Thù. Trước khi phụng thỉnh chư vị ứng điển nhập thân để thành thể Bodhisattva, nhất thiết chư huynh phải thực chứng trạng thái tâm không của A Di Đà, nếu không sẽ bị tai nạn. Tùy theo căn cơ và nghiệp lực chư huynh sẽ được một trong 3 vị bồ tát ấy ứng điển để thành Guru về tâm linh theo dạy đạo và bảo hộ cho chư huynh.
Bây giờ chư huynh hãy hành công đi. Thiêng liêng mới là thầy. Còn ta chỉ là người giám thiền.
...
Chúng tôi thiền định, yên lặng mà tràn đầy nhận biết. Chung quanh băng đang tan. Có thể có một khối băng nào đấy đang nứt ra và lăn xuống chỗ chúng tôi. Có thể bão tuyết thình lình xuất hiện và chôn vùi mọi người ở đây... có thể và có thể... Nhưng mặc kệ mọi thứ có thể. Chúng tôi vẫn ngồi đấy lặng yên như đá núi mỉm cười.
Bỗng cụ Già tiến hành niệm chú, tiếng dalani khàn khàn trầm trầm vang lên trong gió lạnh. Có tiếng khóc thút thít đâu đây, có tiếng thở đặc trị dũng mãnh kèm theo tiếng hét, có người nói tiếng thiên, có người hiển thị Thần quyền, có người hiển thị đại thủ ấn.
Chờ cho mọi người hiển thị ấn lệnh trên luân xa 7 và đảnh lễ thiêng liêng xong. Cụ già mới ra lệnh thu khí về đan điền và cấp tốc rời khỏi nơi nguy hiểm này để còn kịp thì giờ leo qua đèo Drolma trú xứ của mẹ Tara màu xanh.
 
 Chúng tôi ra khỏi thung lũng Tử Thần cũng bằng cách như chúng tôi đã vào.
Khi đã ra khỏi vùng nguy hiểm. Ngồi nghỉ trên đường đèo, chuẩn bị để leo lên đỉnh đèo Drolma. Chúng tôi mới dám hỏi Già năm về những việc kỳ diệu vừa xảy ra
-    Có thật sự chúng tôi đã vào được thung lũng Tử Thần mà không chết hoặc không già?! Và có thật sự chúng tôi đã ngồi ngay trên gương lõm để luyện công?! –Hay là truyền thuyết của người Tạng, những lời đồn đại của người hành hương khắp năm châu và phát biểu của nhà bác học Nga... là không đúng sự thật?!
Cụ Già cười hềhề nhân hậu:
-    Này chư huynh. Ta giao điển quang, dùng trực giác tâm linh mà biết rằng: Trước mặt chúng ta phía xa kia là Gương Lõm của Đại Pháp Vương Tử. Nó là một dãy núi đá có hình cong như cái gương lõm. Do băng tuyết bám đầy, trắng xóa nên độ phản chiếu ánh sáng mặt trời và năng lượng vũ trụ rất dữ dội. Điểm hội tụ của ánh sáng và năng lượng phản chiếu này lại đúng vào đường đi vào thung lũng.
Bên phải là núi Quan Âm. Bên trái là núi Văn Thù. Hai luồng năng lượng của Đại Bi và Trí Huệ cũng cùng chiếu vào đường đi vào thung lũng. Hợp nhất với điểm rơi của gương lõm Đại Pháp Vương Tử. Khiến cửa vào thung lũng như cái rốn của luồng năng lượng vũ trụ xoắn lốc.
Do vậy người đứng ở vị trí trung tâm của vòng xoắn lốc này, tức là ở giữa hai con chó đá bốn mắt, sẽ lập tức đắc khí như là tập Khí Công Dưỡng Sinh hay mật tông. Nhưng vì luồng năng lượng của 3 vị Đại Bồ Tát này là quá lớn, nên nếu tâm không tịnh sẽ bị phản ứng phụ tức thì. Có thể gây điên loạn hay chết người. Nó giống như trạng thái tẩu hỏa nhập ma khi luyện khí công hay tu mật mà tâm không định. 
Cho nên nếu chúng ta cố gắng tiến vào chính diện, chỗ mà mọi người đều đi qua và đều bị tác động xấu của năng lượng thì không cần thiết.
Còn nếu bây giờ, ngay từ rất xa, chúng ta đã tịnh tâm cảm nhận khí cho tốt. Chúng ta đã có thể nương theo những vòng ngoài của lực xoắn lốc, xoay người cùng trôi vào bên trong thung lũng Tử thần, thậm chí sẽ đến sát gương lõm để hành công mà chẳng sao cả. Vì ở các vòng ngoài, năng lượng vũ trụ sẽ rất yếu, nên tác dụng phụ của nó nếu có sẽ là không đáng kể.
Chư huynh phải biết vị trí an toàn nhất bên trong thung lũng Tử Thần chính là gần gương lõm của Đại Pháp Vương Tử. Vì mọi người sợ nó nên không dám vào, bởi vậy mà lọt vào vòng xoáy của năng lượng vì gần chỗ hội tụ của gương. Bây giờ nếu chúng ta ngồi gần gương thì chẳng can hệ gì. Vì gương lõm chỉ nguy hiểm ở điểm hội tụ. Hơn nữa nếu ngồi gần gương lõm để luyện công thì lại tránh được hai luồng năng lượng của núi Quan Âm và núi Văn Thù tác động ở hai bên sườn.
Nếu thung lũng Tử Thần là nơi “Cái Tôi phải chết”, thì đèo Drolma của Mẹ Tara màu xanh là nơi “Con người thật phục sinh”.
Chư huynh nhìn kìa, gương lõm của Đại Pháp Vương Tử một bên dính liền với đèo Drolma của Mẹ Tara màu xanh, một bên dính liền với núi Kailash trú xứ của đức Tỳ Lô Giá Na Phật .Tương trưng cho “Vô ngã” hay cái chết tối hậu của tâm trí là tiền đề để thể nhập Tánh hoặc tùy duyên hiển tướng.
Nếu thung lũng Tử thần là nơi kiểm tra xem chư huynh đã thực sự tâm không chưa. Thì đèo Dromma là nơi kiểm tra xem chư huynh thật sự đã được “độ” chưa. Trừ phi là thổ dân người Tạng cơ thể trời sinh tự phù hợp với độ cao, với thời tiết giá lạnh, với sự thiếu Oxy trầm trọng và hàng ngày đã thường xuyên leo núi. Thì đại bộ phận người nước ngoài rất khó vượt qua đèo này. Hàng năm đã có rất nhiều người ngoại quốc mạo hiểm bỏ mạng tại đây là vậy. Nếu bằng lực cơ bắp thì chư huynh là người tu hành có tuổi thể lực kém làm sao có thể vượt qua nổi. Bởi vậy chư huynh hãy nhận ân điển thiêng liêng, kiết ấn lệnh vừa nhận được để phần thiên hộ xác mình đi qua dể dàng an toàn và hiệu quả.
Nhớ khi lên đến đỉnh đèo, chư huynh hãy nhận ân điển và đảnh lễ Mẹ Drolma, tuột xuống phía bên kia đến hồ Đại Bi chư huynh đảnh lễ và thông công với Mẹ Saratvati. Tại nơi ấy có “Rìu nghiệp lực”. Không ai dám nhìn lâu vào “Rìu nghiệp lực” vì sợ trả nghiệp dồn dập sẽ quá sức chịu đựng. Nhưng chư huynh cứ nhìn thẳng vào, quán tưởng nó để tu học. Nếu thật sự chư huynh đã tâm không, thì nghiệp dù có đấy cũng như không. Khác chi gió thổi đồng trống, lửa cháy khoảng không, còn sợ gì chứ.
...
Chúng tôi bắt đầu leo lên đèo Drolma.
Trừ núi Kailash thì đỉnh đèo là điểm cao nhất trong vòng Kora của Sambala. Cao 5680m so với mặt nước biển. Chẳng những quá cao, khiến phải dùng sức nhiều trong tình trạng thiếu oxy. Mà đèo còn quá dài... hết đỉnh này lại tới đỉnh khác... liên miên bất tận mà vẫn chưa tới đỉnh cao nhất... Ai nấy như người mộng du, chỉ còn biết trông cậy vào điển quang và hơi thở đặc trị. Bước đi chầm chậm như phi công vũ trụ đang đi trên cung trăng. Chẳng dám nói, chẳng dám cười... thế mà vẫn mệt... mệt tưởng chừng chết đi được! So với đi Yên Tử hay Fansipan thì cái mệt ở quê nhà thật chẳng bằng 1/100 hay 1/1000 cái mệt ở đây!...
Nắng đã hơi ngả về chiều. Con đường đèo len lỏi qua những gộp đá già. Dọc đường đầy những bãi đá được xếp chồng cao lên để cúng dường Mẹ. Chung quanh là những đỉnh núi cao vút, có cái màu đen, có cái màu nâu đỏ, có cái xám xịt đầy những vết rạn, tuyết còn đọng trắng toát. Đỉnh Kailash như cái vú khổng lồ trắng tinh chẳng nhuốm chút bụi trần. Từ nơi ấy rất nhiều dòng sông đã phát sinh chảy khắp Tây Tạng như những dòng pháp nhũ của Như Lai tưới đẫm ân điển cho miền đất Phật.
Toàn thân rã rời, cơ thể như muốn đứt ra từng khúc, chẳng phải mệt nữa mà là trạng thái muốn ngất, đi chỉ là vô thức như người mộng du.
Như một bầy sên đang leo thật chậm lên núi. Cứ 5 phút một chúng tôi lại phải ngồi vật xuống mà thở hổn hển vì thiếu oxy. Trời lạnh khủng khiếp, gió buốt vào tận óc. Tại những đỉnh cao đều có tháp đá chăng dây cát tường để cúng dường Mẹ. Quần áo, giày dép vứt ngổn ngang để chứng tỏ sự đoạn tuyệt với quá khứ vô minh.
Cuối cùng thì chư huynh cũng đã lên được đỉnh đèo Drolma an toàn. Mọi người đổ vật xuống mà thở... thiếu oxy trầm trọng, mà lại gió lớn nữa chứ. Có vị huynh phải dùng bình oxy để hồi phục.
 
Nghỉ trên đỉnh đèo Dromma
 Đứng trên đỉnh đèo thiêng lồng lộng gió muôn phương. Nhìn mây trời lang thang không định hướng, tướng trạng thay đổi đến vô cùng. Đang cùng chư huynh đảnh lễ. Hắn chợt ngộ ra một điều. Tánh thì chỉ có Một mà Phật hữu tướng và phương tiện thiện xảo thì thay đổi vô lượng vô biên để tùy tâm chúng sanh. Nếu tâm chúng sanh rỗng không thì tự nhiên đồng với Phật. Thế là hắn nhận ân điển thiêng liêng, thông công, hiển thị đại thủ ấn vẽ linh phù toàn thân. Rồi trước con mắt ngạc nhiên của lũ quạ đen đang đậu trên các mõm đá và lũ diều hâu đang lượn trên trời cao. Hắn hú lên một tiếng lớn, dùng hầu quyền xoay người chạy xuống phía bên kia đèo.
Già Năm mỉm cười gọi theo:
-    Đêm nay chúng ta lại cắm trại ở chân đèo.
Bóng hắn thấp thoáng tít tận đằng xa, mà tiếng đáp “Mô Phật” như vẫn còn vang vọng trong gió ngàn.
...
Lưng chừng phía bên kia đèo, là hồ Đại Bi - Gari Kund, nơi mẹ Sarattvati thường hiển thị đến tắm. Giống như một trái tim xanh giữa khô cằn sỏi đá. Hồ Đại Bi tuyệt đẹp, màu nước xanh thẫm, trong vắt, chắc là băng tuyết các đỉnh núi chung quanh tan ra, tụ lại mà thành. Phía bên kia hồ là chiếc “rìu nghiệp lực” đang bổ xuống, với cán là đường sống của dãy núi đá cao tít trời xanh và lưỡi rìu là vách núi dựng đứng hình thang ngay cạnh hồ.
Chúng tôi dừng lại, nhận điển, thông công với Mẹ Saratvati, nhận ấn lệnh và vẽ phù vào toàn thân.
Đoạn giữ tâm không, chúng tôi nhìn thẳng vào “cái rìu nghiệp lực” một lúc thật lâu, rồi nhắm mắt thiền định.
Sau buổi hành thiền giữa chốn linh thiêng, chư huynh ngộ ra một điều. Cái rìu nghiệp lực dù có chặt hay không, nghiệp lực cũng chẳng ảnh hưởng gì đến người tu. Bởi người tu chẳng phải là “ngã”, mà nghiệp lực lại là sản phẩm của “ngã”. Và “trả nghiệp” chỉ có thể xảy ra với những gì liên quan tới “ngã”. Thế mà “ngã” lại không có tự tánh. Bởi vậy đó chỉ là những huyễn tướng và huyễn cảnh. Nếu người tu biết mình chẳng “có ngã” và không “chấp ngã” thì nghiêp lực tự tiêu tan. Như thức dậy thì tự nhiên hết đau trong mơ vậy.
 
Chiếc rìu nghiệp lực
...
Gần tối, chúng tôi hoàn toàn vượt qua đèo Drolma.
Xuống dưới chân núi, chúng tôi cắm trại để ngủ qua đêm, ăn tối và luyện công chuẩn bị cho cuộc hành trình ngày mai. Đi về phía trú xứ của Bất Không Thành Tựu Như Lai và Bất Động Tôn Kim Cang, nếu còn đủ sức sẽ đến địa huyệt của Tổ sư Milarepa, vượt qua Hàng Tam Thế Kim Cang trận để vào đảnh lễ đức Đại Viên Cảnh Trí A Súc Phật là vị thầy tối thượng về Bát Nhã Ba La Mật Đa của Phật đạo. 
Còn bây giờ thì mời bạn vào lều cùng chúng tôi uống chén trà gừng và ăn mì gói... hềhề...!
 
(Còn nữa)
Mây/Ghi chép theo đoàn/20/9/2007

>>>>>>>>>>>>>>>>>>>

Mời các bạn xem phim