Cây thốt nốt trên đồng ruộng Campuchia
Ngày 30.7.2007 Tôi đang trên chuyến xe Mai Linh từ SG đi Siêmriep, tôi và trái bưởi (người bạn đồng môn thân thương của tôi) sẽ dừng lại nghỉ đêm tại phnompenh, sáng sớm tiếp tục đến Siêmriệp, đất nước Chùa Tháp, Đền Ăngkor, nơi Thầy và đồng môn chúng tôi hành lễ vua Cha.

Đây là chuyến đi đầu tiên của tôi kể từ sau thứ 7 ngày 7 tháng 7 năm 2007, tôi được diện kiến Thầy tại Tổ Đường Nha Trang. Tôi bỏ lại nhiều thứ của đời thường, làm việc, học hành, gia đình, xã hội, những lo toan thường nhật, những trăn trở cuộc sống, bắt đầu chuyến đi với đầu óc nhẹ nhàng và trái tim đang đập những cung bậc khoan thai.

Thành Phố dần rời xa, những cánh đồng Việt Nam dần khuất, trước mặt tôi là cửa khẩu Mộc Bài, tôi làm thủ tục, …   và rồi những ngôi nhà, cảnh vật, dòng chữ Campuchia, người dân địa phương có nước da ngăm đen, biết cả tiếng Việt; đang trước tôi, gần, thật gần, cảm xúc thật, rất thật, thế là tôi đã đang ở đất Campuchia!

Hai bên đường đi, ruộng lúa, hàng cây, rặng tre, trúc sau cơn mưa đón ráng chiều thật hiền hòa, mát con mắt, nhẹ lòng người. Cảnh vật cũng lúa, cũng tre trúc nhưng nhìn vào người ta dễ dàng nhận ra nó thuộc sở hữu Campuchia bởi do cái kiểu người dân xây nhà, cất Chùa Chiền. Nhà thông thường đôn cọc cao 2,3thước, có lẽ là tránh mùa nước nổi và thú hoang, tôi cũng không chắc. Người Campuchia thích màu vàng, cái vàng  Chùa Tháp, có lẽ do đạo Phật phổ biến và màu vàng đồng thời là màu của sự thịnh vượng, chính vì vậy mà tôi có thể thấy màu vàng hiện diện trên hầu hết các kiến trúc từ đơn sơ nhất đến cầu kỳ nhất, trên các xe chở hàng hóa, giao thông công cộng đặc trưng Khơme, và dĩ nhiên, Đền Đài, Chùa Chiền cũng đậm sắc vàng, không phải vàng đất, không vàng choé, mà là màu vàng đặc sệt Khơme.

Đời sống dân miền biên giới vẫn còn nghèo lắm, đa số vẫn nhà tranh vách lá, thi thoảng 1 vài ngôi bằng tôn, họa hoằn lắm mới có 1 ngôi gạnh xây. Dù vậy nhưng Chùa, Đền thì luôn có 1 bề thế và uy nghi nhất định, họa tiết, hoa văn mang đầy sức mạnh tâm linh khiến người ta phải chiêm ngưỡng với lòng thành kính cao độ. Đất nước chùa tháp, đạo giáo nhà Phật hiện diện ngay trong trường học, tượng thần được đặt ngay vị trí trân trọng ở sân trường. Bước chân ra khỏi nhà, quay sang phải, sang trái, nhìn trước, nhìn sau, nơi đâu người ta cũng dễ dàng thấy Đền, Chùa. Tôi chắp tay cầu mong cho Bề Trên độ phước lành cho người dân nơi đây. 

Xứ này nông dân vẫn cày cùng con trâu, hình ảnh mà khó còn thấy nơi đâu trên thế giới. 1 nền nông nghiệp nghèo nàn, con trâu đi trước, cái cày theo sau. Lòng tôi lắng đọng, nhớ về Việt Nam 20 năm trước, khi tôi còn là 1 cô nhóc tì, Sài Gòn nhiều nơi mênh mông ruộng lúa, dân Sài Gòn xắn quần đến qua gối, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Bây giờ thì Sài Gòn thay đổi nhiều lắm, dân Campuchia xem Việt Nam như người anh Cả, trao đổi văn hoá, học tập, tu nghiệp tại Sài Gòn. 

Àh! Trái bưởi đã tỉnh giấc và chỉ trỏ ngoài xe khen lấy khen để hàng thốt nốt xanh rì, thẳng tắp. Xe vừa chạy qua ngôi chợ, nói chợ cho sang chứ thật ra là nơi bán hàng chồm hổm cho người dân địa phương mua vội chút thức ăn cho bữa cơm chiều. Giấc này trời đã chiều hẳn, xa xa màn sương lan rộng, những cụm thốt nốt chụm lại từng chụm trên cánh đồng dưới sương chiều đẹp bình dị mà mê hoặc lòng người. Tôi nhìn như muốn khắc hình ảnh ấy vào bộ nhớ đang háo hức đói khát thiên nhiên của mình. Qua khỏi cánh đồng thốt nốt là 1 đầm sen xanh mướt, sen nở đầy khoe màu như muốn níu chân kẻ nghiền hoa như tôi. Hết đồng thốt nốt này đến đồng thốt nốt khác, hết đầm sen này đến đầm sen khác, cây cỏ ướt đẫm nước mưa, căng tràn sức sống thiên thiên. Phong cảnh mộc mạc mà lại ẩn sâu sức mạnh đến mức cuốn phăng đi tất cả, tất cả ưu phiền, gút mắc trong lòng mỗi con người, cho dù chỉ là trong khoảnh khắc, cũng là niềm hạnh phúc. Mà hạnh phúc là Ngọc trong đá, là mật trong hoa.

Tôi cảm giác rất hài lòng cho quyết định đi siemriep bằng đường bộ của mình. Còn bây giờ tôi quyết định ngưng viết để chiêm ngưỡng cho thỏa lòng trước cảnh đẹp thiên nhiên bình dị này. Hẹn lần viết sau.

 

Hoa Dại