1/ Luyện công ở Gành Đá Đĩa/Tuy An/22/11/2009 :
Hôm qua kết thúc thắng lợi lớp KCDS Nâng Cao của Câu Lạc Bộ Phú Yên. Sáng nay chúng tôi đến Gành Đá Đĩa chơi và luyện công ở đấy.
- Thưa thầy sao ở đây gọi là xứ "nẫu" ?
- Dân Bình Định và Phú Yên thường được gọi là dân xứ "nẫu", vì "nẫu" là tiếng nói đặc trưng của họ, (nẫu = người ta). Dân Bình Định và Phú Yên còn có thể loại hát Bài chòi, đó là một thể loại hát dân gian chỉ có ở vùng này. Phú Yên cũng chính là nơi đã phát hiện ra nhiều di sản văn hoá, như bộ trường ca quý giá của các dân tộc thiểu số, bộ đàn đá Tuy An có độ chuẩn về cung bậc thuộc loại chính xác nhất và những chiếc kèn đá có một không hai.
- Thưa thầy Gành Đá Đĩa thuộc địa phương nào?
- Thôn 6, xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, Phú Yên.
- Thưa sao lại gọi là Gành Đá Đĩa?
- Ừ. . .thì Gành là những bờ đá nằm sát bờ sông hay bờ biển. Ở dọc ven biển miền Trung có rất nhiều gành đá, song có lẽ độc đáo và đẹp vào bậc nhất phải kể đến gành Đá Đĩa. Còn sao gọi là Đá Đia thì đi hết con dốc Chỏ Đẻ này, đến gành thì ông sẽ biết
. . . .
Con dốc uốn lượn quanh co. Hai bên đường rừng cây xanh đen, dây leo rậm rạp. Trời mưa bay bay, gió thổi ào ào, sóng đập vào bờ đá ầm ầm, bọt trắng bắn lên tung tóe. Trước mắt chúng tôi bổng hiện ra một kỳ quan của thiên nhiên lồng lộng bên bờ đại dương xanh ngày đêm cồn cào tung bọt trắng. Gành Đá Đĩa đây rồi. . .trời vẫn đang mưa bay bay, hơi lạnh một chút, chụp hình quay phim là khó đây. . . !
Mọi người chạy ùa xuống Gành, tiếng cười tiếng nói, tiếng đùa chọc nhau hòa tiếng sóng đập vào bờ đá ào ào. Nhìn những người trước kia bi bệnh tật dày vò, cuộc sống đấu tranh kèn cựa thị phi vắt kiệt niềm vui, bây giờ cười nói vô tư như trẻ con, ánh mắt long lanh, tóc bay theo gió, thầy cười thật hồn nhiên. Tôi nhớ có lần thầy nói với tôi:
- Trong Tứ Diệu Đế, thì cái thứ nhất là Khổ. Mà khổ vì thiên tại bệnh tật, vì phương tiện sống thì ít, mà con người tự làm khổ nhau thì nhiều. . .
Trong giây phút này đây, tôi thấy mọi sự đều vô nghĩa trước tình người, trước sự giản đơn của cái hạnh phúc đời thường.
. . .
Từ trên cao nhìn xuống, trước mắt chúng tôi trong màn mưa bay bay, Ghềnh Đá Đĩa hiện ra như một "tổ ong khổng lồ". Người ta ước tính có chừng 35.000 cột đá với nhiều hình thù ken đều chằn chằn, rất khít nhau như có bàn tay con người sắp xếp trên diện tích khoảng 1 km2. Trung bình mỗi cột đá cao từ 60 đến 80 cm, tiết diện mỗi cột đá khoảng 20-30 cm.
- Hề hề. . .ông thấy đấy thì biết tại sao người ta gọi là Đá Đĩa rồi chứ gì. Đá ở đây được dựng đứng theo từng cột liền khít nhau, đều tăm tắp. Các cột đá có tiết diện hình lục giác hoặc hình tròn giống như cái đĩa đựng thức ăn. Giữa mỏm núi có một vũng nước ngọt nhỏ nhưng không bao giờ cạn.
- Thưa Thầy ở nước ta có đâu còn có cái Gành Đá Đĩa giống như thế này không?
- Nơi đây có cấu tạo địa tầng gần như "độc nhất vô nhị" ở trong nước cũng như trên thế giới. Ở Anh cũng có Con đường của người khổng lồ, được UNESCO ghi vào danh sách Di Sản Tự Nhiên thế giới năm 1986, có cấu tạo tương tự như Ghềnh Đá Đĩa nhưng quy mô bé hơn.
- Thưa thầy tại sao đá lại sắp thành những chồng đĩa thế này?
- Theo nghiên cứu bước đầu của các nhà địa chất thuộc Đoàn địa chất 703 thì Đá Đĩa là loại đá bazan, được hình thành trong quá trình hoạt động của núi lửa vùng cao nguyên Vân Hòa (Sơn Hòa) cách vị trí gành Đá Đĩa hiện nay khoảng 30km theo đường chim bay. Núi lửa này hoạt động cách nay khoảng gần 200 triệu năm, nham thạch phun từ miệng núi lửa ra sát biển, bất ngờ gặp nước biển lạnh nên lập tức bị đông cứng lại, đồng thời xảy ra hiện tượng ứng lưu, tạo sự rạn nứt toàn bộ khối thạch khổng lồ. Đá bị nứt theo mạch dọc tạo thành những cột thẳng đứng hoặc xiên ngang, đồng thời lại có những đường nứt ngang cắt các cột đá thành nhiều khúc. Gành Đá Đĩa có chiều rộng 50m và trải dài hơn 2.000m. Cạnh gành có một bãi cát hình lưỡi liềm, dài khoảng 3km, cát ở đây trắng, sạch và mịn, là bãi tắm rất tốt. Gành Đá Đĩa nửa nổi nửa chìm trong sóng biển, bọt sóng trong suốt quanh năm, sóng vỗ lên mài giũa cho đá một màu đen huyền, có những chỗ in dấu thời gian hằn xuống lốm đốm như tổ ong.
Giữa trời biển bao la, Gành Đá hùng vĩ, sóng đập ầm ầm như sấm động, mây đùn chân trời, gió gào trên vách núi, chim kêu buồn bả trong màn mưa lưa thưa. Mọi người rung cảm với thiên nhiên nên xin thầy cho được luyện công một lát. Thầy cười và dặn dò chúng tôi. Tiếng thầy âm vang hòa cùng tiếng sóng:
Này chư huynh yếu chỉ luyện công hôm nay như sau:
. . . . .
Mặc cho sóng động ta bà. Rong chơi ta cứ sơn hà ngao du. . . .hềhề. . ./ Luyện công ở Gành Đá Đĩa/Phú Yên/22/11/2009
Tên nào sợ sóng thì . . . de
Ta đùa với sóng, sóng cười ti toe. . . ./Gành Đá Đĩa Phú Yên/22/11/2009
Trông xa như cái tổ ong / Gành Đá Đĩa Phú Yên/22/11/2009
Lên đây với chúng tớ đi. . .lên cao hơn sẽ thấy xa hơn. . . ./Gành Đá Đĩa Phú Yên/22/11/2009
Đầu đội trời chân đạp đỉnh / Đi chơi Gành Đá Đĩa /Phú Yên/22/11/2009
Rong chơi khắp cõi ta bà.
Hỏi nhà ta chỉ Quán Trà hư không . . . .
Hơi quá trưa một tí chúng tôi chia tay Gành Đá Đỉa. Thầy bảo muốn đi dâng hương đảnh lễ Như Lai trước khi chia tay Tuy Hòa đi nơi khác, nên chúng tôi mời thầy đi Chùa Đá Trắng. Sóng biển vẫn đập ào ào vào bờ đá đen thui. Đã hết mưa, trời trong xanh cao vút. Gió đại dương làm rừng cây xào xạc. Khi nảy lúc đùa vui cùng mọi người trên bờ đá thầy có ra câu đối và đề nghị mọi người đối lại cho vui:
Đầu bạc nhìn sóng bạc
Lúc ấy chả ai đối lại được. Khi ngồi trên xe quay về ngang dốc Chó Đẻ, bác Ca đưa cho thầy miếng giấy nhỏ, trên có viết câu đối lại như sau:
Tuổi xanh đội trời xanh
Thầy cười khen. Đối chỉnh và rất hay. Nhưng nếu cụ cho phép thầy sẽ chỉnh lại một chữ trong vế đối của cụ. Cụ Ca và mọi người vỗ tay hoan hô. Thầy cười và đọc:
Tuổi xanh hội trời xanh
Xong thầy giải thích. Khi dùng từ "Đội" thì trời xanh trở thành một gánh nặng quá sức. Nó chứng tỏ cái hào khí của tuổi trẻ. Nhưng lại biến đối tượng thành trách nhiệm phải gánh vác và "tuổi xanh" phải dụng lực nhiều quá. Trong khi thiền là "phi nổ lực" và mình với đối tượng là hợp nhất vì "cái Một" và "cái Toàn Diện" là không chia lìa. Này chư huynh, như giọt nước rớt vào lòng đại dương. Giọt nước mất nó đi nhưng trong đại dương chỗ nào cũng có nó. Tuổi xanh "hội" với trời xanh là tuổi xanh Kiến Tánh và Thể Nhập Tánh.
Để góp vui. Một vị huynh làm 2 câu thơ và đọc to lên cho mọi người cùng nghe:
Hôm nay gió tới thăm chùa
Dâng hương lễ Phật, gió đùa khói hương.
Thầy nghe xong cười và đọc lại là:
Hôm nay Chùa tới thăm Chùa
Dâng hương lễ Phật, gió đùa Sắc Không
Mọi người nhao nhao hỏi:
- Thưa thầy tại sao nói là Chùa tới thăm Chùa?
Thầy cười rồi nói:
- Hề hề. . .Ta đùa đấy thôi! Nhưng nếu các vị cũng thích đùa thì để ta giải thích:
Này chư huynh:
Đi độ hơn 1 tiếng đồng hồ sau, chúng tôi đến chân núi Bạch Thạch, xã An Dân, huyện Tuy An,. Chùa tọa lạc trên sườn núi. Phải leo lên một cái dốc đá mới đến được chùa.
Nằm cách cách trung tâm thành phố Tuy Hòa khoảng 35km. Chùa nằm trên núi, giữa một vùng toàn đá trắng nên còn gọi là chùa Đá Trắng hay chùa Bạch Thạch. Chùa còn có tên chữ là chùa Từ Quang.
- Thưa Thầy chùa này có từ bao lâu rồi ?
- À. . .Chùa được xây dựng từ năm 1797. Nằm ở độ cao gần 100m so với mặt nước biển. Lưng chùa hướng về phía bắc dựa vào dãy núi Xuân Đài. Mặt trước chùa hướng về phía nam, nhìn ra con sông Cái (sông Ngân Sơn) và sông Nhân Mỹ. Đứng ở sân chùa có thể nhìn bao quát cả một vùng sông, núi xanh biếc tuyệt vời. Chùa có tổng diện tích khoảng 5.000m². Sau chùa là vườn tháp thờ các vị hòa thượng khai sáng và trụ trì. Xung quanh chùa là vườn xoài rất nổi tiếng, đã đi vào thơ ca Phú Yên như là một sản phẩm rất đặc biệt:
Xoài Đá Trắng, Sắn Phường Lụa
Dưới triều nhà Nguyễn, hàng năm đến vụ xoài người ta thu hoạch chuyển về kinh dâng Vua nên xoài Đá Trắng còn có tên là xoài Ngự, xoài tiến.
- Thưa thầy chùa này là di tích lịc sữ cấp quốc gia?
- Đúng vậy, thời phong trào Cần Vương chống pháp, hưởng ứng hịch Cần Vương của vua Hàm Nghi. Sau khi cùng Mai Xuân Thưởng khởi binh chống Tây thất bại và bị địch đàn áp. Võ Trứ người Bình Định đã về cư ngụ tại chùa Đá trắng này và sau đó ông đã cùng Trần Cao Vân qui tụ tăng ni và đồng bào dân tộc thiểu số của Phú Yên khởi binh chống Tây. Thời ấy bọn pháp gọi phong trào ái quốc này là "Giặc Thầy chùa". Trận chiến ác lệt giữa nghĩa quân vũ khí thô sơ với quân xâm lược Pháp đã nổ ra tại Dốc Quít. Nghĩa quân thất bại. Võ Trứ phải trốn lên hang núi La Hiên. Sau ông phải tự ra nộp mạng cho Tây để chúng khỏi đàn áp đẩm máu dân chúng trong vùng. Bọn Tây đã xử chém ông cùng rất đông nghĩa quân.
Chúng tôi dâng hương lễ Phật, lễ chư Tổ ở vườn tháp, rồi đốt hương đứng giữa trời lòng thành đảnh lễ hai vị anh hùng Võ Trứ và Trần Cao Vân cùng vô số liệt sĩ kẻ đạo ngươi đời đã hy sinh vì độc lập tự do của tổ quốc vì hạnh phúc của đồng bào mình.
Hương trầm ngan ngát, tháp cổ rêu phong, gió núi xào xạc trong rừng xoài cổ thụ. Ôi, chẳng đâu như ở nơi này, nơi đạo và đời hợp nhất, nơi quá khứ và hiện tại đang hiển hiện đồng thời. . . .
Trên đường xuống núi để đến chùa Bát Nhã, trong lòng tôi hình ảnh bi hùng của Võ trứ và Trần Cao Vân cùng đòan nghĩa quân đầu trọc áo đà chân đất mà thầy vừa kể vẫn làm tôi bồi hồi xúc động mãi không thôi. . . .
Đường lên chùa Đá Trắng /Phú Yên/22/11/2009
Chúng tôi đến chân đèo Quán Cau, rồi quẹo trái leo một con dốc cao và dài để lên chùa Bát Nhã. Chùa thường đuợc gọi là chùa Tổ hay Sắc tứ Long Sơn Bát Nhã Tự, tọa lạc ở thôn Mỹ Phú, xã An Hiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Chùa xưa kia do Thiền Sư Giác Ngộ, hiệu Tánh Thông khai sơn vào cuối thế kỷ XVIII. Bấy giờ chỉ là một am nhỏ. Tổ Giác Ngộ đã được Vua Minh Mạng triệu về kinh hỏi han việc tu hành, ban hiệu "Tăng Cang", cấp "độ điệp" và ân thưởng tiền bạc để sửa chữa chùa. Ngài viên tịch ở chùa năm 1842. Đệ tử của ngài là những Thiền sư danh tiếng như Bảo Thanh, Bảo Tạng, Bảo Chơn, Bảo Kế, Mật Niệm...
Đường lên chùa rất đẹp, uốn lượn quanh co gữa núi rừng trùng điệp. Từ trên cao thấy Đầm Ô loan như con thiên nga đang thong thả bay. Đầm nước lợ này rộng khoảng 1.200 ha, là thắng cảnh nổi tiếng của địa phương. Phía tây đầm Ô Loan là những quả đồi nhỏ nằm san sát nhau. Phía đông là mả Cao Biền. Dân gian cho rằng trên đường đi ếm hại nhân tài nước Nam, Cao Biền đã bị trời chôn tại đây.
Cao Biền chết tại Đồng Môn
Trên Sơn dưới Thủy, trời chôn Cao Biền
Ô Loan gần như nằm trọn trong đất liền, có món đặc sản là sò huyết, hàu, cua Huỳnh Đế, tôm rằn, tôm bạc, mực, sứa, rau câu, điệp. Giữa đầm có hai tảng đá lớn chồng lên nhau gọi là hòn Chồng.
Sư trụ trì Chùa Bát Nhã hiền hậu từ bi. Ngài ân cần hướng dẫn chúng tôi cách làm tương ngọt, đậu nhận và chao là những món chùa làm rất ngon và rất nổi tiếng.
Đứng ở Vọng Hải Đài trước chùa, có thể phóng tấm mắt nhìn ra thật xa, thấy trời nước mênh mông bát ngát, núi rừng trùng điệp. Trời xanh cao vút lồng lộng, một đàn thiên di đang bay mãi miết về phía chân trời xa. Trong sương khói của buổi hoàng hôn trên Núi Rồng. Mơ hồ tôi chợt thấy mình hóa thành con chim Thiên Di cùng nhập bon với đàn chim kia, đi đi về về giữa niết bàn thênh thang và trần gian mịt mù gió cát:
Long Sơn ơi . . .Long Sơn. . .!
Rồng đứng trên núi Rồng
Rồng ăn lông bông
Rồng ngủ lồng bồng
Rong chơi cà ngông
Rồng đến chùa đồng
Hoát nhiên hóa mênh mông
Rỗng không thông nguồn cội
4/ Luyện công ở Mũi Điện, điểm cực đông của tổ quốc / Phú Yên 23/11/2009
Có tai nạn ở Đèo Cả, nên xe chúng tôi và xe của đoàn Nha Trang đều bị kẹt. Mãi đến 9 giờ hơn chúng tôi mới đến được chân Núi Đá Bia.
- Các chú muốn lên Đá Bia hả, chưa đi được đâu. Bão làm núi lỡ, rừng giang và lồ ô đổ sập che phủ cả đường đi, cây rừng ngã ngỗn ngang lấp hết đường rồi. Mở đường mới đi tránh thì chưa làm ngay được?
Ông già gác cửa khu du lịch Hoàng Long vừa đưa tay chỉ lên đỉnh núi đầy mây vừa lắc đầu ngao ngán.
Nhìn ánh mắt quyết tâm của chúng tôi, ông ta nói thêm:
- Các chú biết không, to khỏe như các chú cũng không đi nổi đâu. Không khéo còn bị lạc trong rừng nguy hiểm nửa. Hướng Dẫn Viên Du Lịch của Cty nhà, đi mãi rồi mà hôm qua tìm cách lên đỉnh, đường đi bị lấp họ đi vòng thế nào đều bị lạc phải gọi điện thoại để dưới này lên cứu đưa về đấy.
Chúng tôi nhờ thuê người phát dọn đưa đi, họ đều không dám:
- Này nhé, nếu bình thường thì đi lên đỉnh Đá Bia phải hơn 2 tiếng. Đoàn các chú có nhiều nữ chắc là phải lâu hơn. Nếu bây giờ vừa đi vừa phát dọn, thì phải hơn 3 tiếng mới tới đỉnh. Như vậy vừa lên vừa xuống mất hơn 6 tiếng. mà bây giờ đã 9 giờ rồi làm sao xuống kịp. Rừng bị bão rất khó đi, trơn trợt, cây rừng ngã đè lên nhau nếu đi ban đêm là vô cùng nguy hiểm. . . .
Chúng tôi hỏi ý kiến thầy:
- Chẳng lẽ bây giờ đi về sao ? nhất là đoàn Nha Trang lặn lội từ xa đến đây, tốn tiền xe cộ. . .
Thầy cười và bảo với mọi người:
- Nếu không lên Đá Bia được thì chúng ta đi Mũi Điện luyện công cũng rất hay. Nếu Đá Bia là đỉnh cao nhất của Tuy Hòa, thì Mũi Điện lại là nơi cực đông của tổ quốc, nơi đón ánh bình minh đầu tiên. Đây cũng là điểm trên đất liền gần hải phận quốc tế nhất của nước ta. Ngoài ra ở Mũi Điện còn có Bải Môn, cảnh trí đẹp tuyệt vời, nước biển trong vắt, có đồi cát di động, có bải biển sạch trắng tinh, lại rất ít du khách thường là không có ai, nên luyện công ở đây rất phù hợp.
Bác Ca tiếp lời thầy:
- Từ Đèo Cả này xe chúng ta chỉ đi một tí, rẻ trái là vào đường mới Phước Tân - Bãi Ngà chạy dọc bờ biển nối liền TP Tuy Hòa - Vũng Rô đã được hình thành, với chiều dài chưa đầy 30 km và mất khoảng 20 phút là đã có thể ngắm sóng, hóng gió và luyện công ở đây rồi.
Nghe vậy mọi người hoan hô ầm ỉ. Mấy khuôn mặt bí xị giờ lại tươi như hoa, cười nói huyên thuyên, vui ơi là vui. . .
Con đường quanh co như một dãi lụa đẹp vắt trên sườn non, uốn lượn theo bờ đại dương xanh. Cảnh trí đẹp như tranh vẽ. Ngang qua một lủng hẹp, biển lấn sâu vào hốc núi. Cụ Ca bảo xe ngừng lại rồi dẫn đoàn xuống tham quan Vũng Rô, một địa danh lịch sử với bến tàu không số chuyển tải vũ khí, nhân lực cho miền Nam thời kháng chiến chống Mỹ. Hiện tại vẫn còn nguyên một xác tàu không số do ta tự đánh chìm khi bị lộ, có thể nhìn thấy bằng mắt thường khi biển êm.
Bải Môn đây rồi, còn kia là Mũi Điện như một ngón tay khổng lồ của Trường Sơn đang thọc ra khuấy động biển Đông.
Chúng tôi xuống xe, theo thầy men theo một con suối nhỏ nước trong vắt để ra biển. Bên kia con suối là Mũi Điện với cây với đá, với tháp Hải Đăng thon thon cao vút. Bên này con suối là cồn cát di động, mỗi khi gió biển thổi vào, cát bay rào rào như mưa. Phía trước nơi con suối hợp nhất với đại dương là Bải Môn với cát trắng tinh, nước trong xanh, trong vắt thấy tận đáy.
Chúng tôi sẽ luyện công ngay tại nơi con suối từ Trường Sơn chay ra hợp nước với biển cả mênh mông. Cảnh trí hùng vĩ và nên thơ. Mây bay trên đầu, sóng đập dưới chân, gió biển hát trên rừng cây và cát chạy chung quanh. . . .Haha. . .đây là nơi tổ quốc vươn ra xa nhất trên mặt đại đương mênh mông. Đây là nơi Việt Nam đón nhận ánh bình minh đầu tiên sau mỗi đêm dài. Haha. . .ha. . .thì nay, đây cũng là nơi đầu tiên con người hợp nhất với trời với đất trong thế Thiên Địa Nhân đồng nhất. . .
Mũi Điện còn có tên gọi là Mũi Đại Lãnh; Mũi Kê Gà; Cap Varella. Năm 1836, vua Minh Mạng đã cho thể hiện hình tượng núi Đại Lãnh vào tuyên đỉnh - một trong 9 chiếc đỉnh đồng đặt tại Thế Miếu trong đại nội kinh thành Huế. Năm 1890 người Pháp đã cho xây dựng ngọn hải đăng tại Mũi Đại Lãnh với mục đích định hướng cho tàu thuyền hoạt động trên biển và vào vịnh Vũng Rô. Trải qua chiến tranh, ngọn hải đăng bị đổ nát và được xây dựng, hoạt động trở lại năm 1995. Đây là 1 trong 8 ngọn hải đăng có trên 100 tuổi trong tổng số 79 ngọn hải đăng đang hoạt động tại Việt Nam, và là ngọn hải đăng gần hải phận quốc tế nhất.
Chúng tôi đi theo một con dốc dài, hai bên đường là hai hàng dương xanh thướt tha. Gió biển lồng lộng, dương reo vi vu, chúng tôi vừa cười đùa vừa leo lên dốc. Nhà Hải Đăng kia rồi. . . .
Cuối cùng cũng đã đến nơi / tại Nhà Hải Đăng Mũi Điện/ (Mũi Đai Lảnh)/23/11/2009
- Thưa thầy, trên đầu là trời , dưới chân là đất, trước mặt là đại dương, sau lưng là núi rừng, còn người tập đứng ở giữa. Vậy khi nội khí giao hòa khí bản nhiên có phải là Ngủ Hành Khí Lực?
- Này Cỏ May, Ngủ Hành Khí Lực là nói sự hợp nhất của 5 thành phần khi luyện công ?
- Thưa thầy, 5 yếu tố ấy là gì?
- Này chư huynh, không nên đứng đây mà không có mặt ở đây.
- Thưa thầy nếu con luôn nhận biết tỉnh giác Thân Tâm mình thì gọi là có mặt ở đây ngay lúc này?
- Đúng đấy Cỏ May. Nhưng Thân Tâm là nói chung chung. Về thực hành thì phải cụ thể, không thể mơ hồ được. Khi Nhận Biết thì phải nhận biết 5 Thể, phải có mặt 5 Thể ấy đồng thời, thì gọi là đang có mặt ở đây ngay tại lúc này đây. 5 Thể ấy là:
1. Thể vật lý: Toàn thân phải luôn thư giãn, động tác thật chậm, thật nhẹ, không trọng lượng và luôn điều hòa. Hơi thở phải luôn nhỏ nhẹ, chậm, dài sâu và không rối loạn.
2. Thể Khí: Khí trường phải mát, điều hòa ổn định, thông suốt.
3. Thể linh hồn: Dùng phép thông công hợp nhất nội khí với Khí Bản Nhiên qua kỹ thuật Đại Thủ Ấn để thành Thể Bodhísattva (hóa thân).
4. Thể Nhận biết: Biết mình đang luôn trong trạng thái nhận biết, nếu phát hiện thất niệm vô thức thì phải lập tức tái lập nhận biết tỉnh giác.
5. Thể an lạc: Nhận biết niềm vui không nguyên nhân luôn thường trực ở Thân và Tâm mình.
Này Cỏ May, Nhận biết 5 Thể ấy, biết nó đang biểu thị đồng thời lúc hành công, gọi là hợp nhất 5 luồng điển lực. Đó chính là Ngủ Hành Khí Lực vậy.
Hôm nay tại Mũi Điện này, ta hy vọng ông và chư huynh hợp nhất được 5 luồng Chân Khí bằng khả năng nhận biết của Thiền.
Khi ấy thì công lực sẽ tăng cao, huệ lực sẽ tự khai mở và sẽ thực chứng an lạc Thiền.