Mưa bão nên tàu Nha Trang Tuy Hòa hoãn lại. Chúng tôi phải đổi vé. Chờ mấy hôm rồi nhà ga mới bán vé lại. Thế nhưng sáng nay khi chúng tôi đến thì tàu Nha Trang Tuy Hòa lại hủy chuyến. Chúng tôi đành phải hợp đồng xe hơi để đi, vì đường bộ nghe nói đã thông xe rồi.
Nha Trang trời hửng nắng, nhưng phía Tuy Hòa trời vẫn còn âm u và mưa lắt rắt. Hai bên đường nước ngập đồng trắng xóa, cây cối trụ điện gảy đổ nghiêng ngã. Rừng phòng hộ ở Đèo Cả bão quật gảy gục tơi bời.
Cách Tuy Hòa độ 10 km thì bị kẹt xe. Xe dài hàng cây số, nghe đâu phía trước đang sửa đường sắp xong rồi.
Nói vậy, nhưng cũng phải chờ hơn 1 tiếng đồng hồ mới đi được. Mưa bay lắt rắt, gió đồng lồng lộng, hơi lạnh. Mấy con cò trắng chập chờn trên biển nước mênh mông phất phơ dăm ba búi cỏ. Lờ mờ qua màn mưa, đỉnh Chóp Chài mây bay gió cuốn và Tháp Nhạn nhỏ xíu đứng cô đơn như đang chờ đang đợi.
Mấy chiếc xe đạp và xe honda len lõi vào hàng xe dài dằng dặc để bán bánh mì, bán cà phê thuốc lá. . .v.v. . .Chúng tôi uống cà phê đứng, ngay tại đầu xe, bên lề đường trong màn mưa bụi lưa thưa.
Cà phê Tuy Hòa ngon thật, thơm, đặc quánh và rất đậm đà. Đối với tôi có lẽ nó ngon hơn rất nhiều, khi uống trong cái lành lạnh của gió đồng ngập nước, vừa ngắm đôi mắt ươn uớt có đuôi và cái miệng cười đỏ chót, nghe tiếng nói ríu rít như chim của cô bán hàng người Bình Định:
- Cô ơi, cô pha làm sao mà cà phê ngon thế, bày cho tụi này được không?
- Híhí. . . en bó thuốc "mơ" vào đé. . . uống "rầu" coi chừng "mơ" cô bén hèng, rầu ở lẹ đe, không re Béc vào Nem đước đe.
Anh bạn tôi ghé tai hỏi nhỏ:
- Cô ấy nói gì thế?
- Em bỏ thuốc mê vào đấy. . . .uống rồi coi chừng mê cô bán hàng, rồi ở lại đây, không ra Bắc vào Nam được đâu.
- Hềhề. . . .
Anh bạn của tôi, hứng chí xuất khẩu thành thi, đọc ngay, tặng người đẹp Bình Định:
Nhớ mai, trúc đến Tuy Hòa
Tổ cha cơn bão làm ra tắt đường
Tắt đường thì mặc tắt đường
Cà phê em bán thiếu đường vẫn "mơ'!
Hềhề. . .
Cô ấy nghe xong cười như nắc nẻ, nhét tiền vào cái túi chút xíu ở đùi, nguýt anh bạn tui với đôi mắt dài có đuôi, rồi lẫn vào dòng xe dài dằng dặc. Chỉ còn nghe tiếng rao của cô ríu rít trong tiếng gió đồng lồng lộng. . . .
Cà phê đây. . .ai cà. . .phê. . . h. . . ô. . . ô. . .ô. . .n. . . !
. . . . . . .
Tuy Hòa/7/11/2009
Ngày mai khai mạc lớp, hôm nay bà con đến thăm Thầy rất đông.
Bà con khóa trước năm 2008, lành và bớt bệnh rất nhiều. Nên nghe tin kỳ này Thầy về mở lớp nâng cao đều vui mừng phấn khởi.
Thầy thăm hỏi bà con về vụ bão lụt vừa rồi, cùng bà con uống Trà, giải đáp thắc mắc của họ về cách tập. Thầy bảo chư huynh thị phạm bài Lượng Công để bà con biết chuẩn bị học cụ.
Nhiều bà con trình bày, việc mình e ngại hiệu lực của phương pháp sẽ kém đi khi thầy thực hiện ý định: Phương pháp KCDS Bùi Long Thành mà không có Thầy Thành. Thầy cười và hứa sẽ đào tạo đội ngũ Huấn Luyện Viên của Câu Lạc Bộ đủ khả năng về chuyên môn để giúp đỡ bà con. . . .
Tiếng cười, tiếng nói, tiếng chào nhau, vui ơi là vui. . . .Bà con tíu tít chuẩn bị học cụ và đồng phục để chiều mai tham dự lớp KCDS Nâng Cao năm 2009 của Câu lạc Bộ KCDS Phú Yên tại nhà Văn Hóa Thành Phố Tuy Hòa.
. . . . . .
Cà phê em bán thiếu đường vẫn "mơ"/ Bên đường Nha Trang Tuy Hòa / 6/11/2009
Hai bên đường là những cánh đồng ngập nước mênh mông/ 6/11/2009
Đỉnh Chóp Chài mây mù bao phủ /Tuy Hòa/6/11/2009
Học viên khóa trước đến thăm Thầy / TP. Tuy Hòa /7/11/2009
Bà con học viên Tuy Hòa chuẩn bị học cụ cho buổi học đầu tiên vào chiều ngày mai / 8/11/2009
TP. Tuy Hòa/7/11/2009 / Thầy hướng dẫn chư huynh thực hành đối luyện với Lượng Công Cân bằng Nước/
Những mẫu đối thoại ngắn ghi âm được ở trên xe, trong lớp tập, khi uống Trà. . .v.v. . .
. . . .Các bạn tập KCDS rất có hiệu quả, nhiều người đã lành bệnh, có tâm lý tịnh an lạc, yêu đời hơn, lạc quan hơn, cảm nhận được hạnh phúc trong cuộc sống. Tuy nhiên có điểm hạn chế sau nếu được khắc phục thì hiệu quả còn cao hơn nữa:
1. Sau khi đắc khí, giai đoan Tịnh Công còn chưa được các bạn quan tâm đúng mức. Bởi vì khi các bạn ngồi yên lặng không chuyển động, tập trung tư tưởng tại vùng ổ bệnh thì năng lượng sẽ qui tụ về đây. Tại vùng bệnh khi ấy sẽ có cảm giác tê, nóng, nặng, ngứa, ấm. . .v.v. . .tân dịch sẽ thấm vào các túi đĩa đệm bôi trơn các đầu khớp xương, thần kinh nội tiết và gân cơ xương khớp tại chỗ ấy cũng đã được chuẩn bị và đã quen với năng lượng nên khi chuyển sang giai đoạn Động Công sẽ hiệu quả hơn. Ta lấy thí dụ:
Bạn bị đau khớp gối do thoái hóa khớp ấy. Nếu bạn tập thể dục nhiều hoặc tập KCDS bằng Động Công ngay thì khớp đang thoái hóa sẽ thoái hóa nhiều hơn nên bạn càng chuyển động khớp ấy thì khớp lại càng bị đau hơn. Bây giờ khi tập KCDS, trước tiên bạn ngồi lặng yên điều khí đến chỗ đau. Do đắc khí tại nơi ấy nên đầu các khớp xương sẽ được bôi trơn trước, thần kinh gân cơ cũng được chuẩn bị trước nên khi chuyển sang tập Động Công hiệu quả sẽ lớn hơn. Một số người thường tưởng KCDS chỉ là Động Công, thật ra đó là một nhận xét chưa đúng, vì KCDS là Tịnh Động phối hợp.
Còn nếu bạn chỉ ngồi im mà điều khí đến thôi cũng không tốt vì khớp sẽ dể bị vôi hóa, dính khớp, cơ thể sẽ gầy gò ốm yếu vì khiếm vận động, máu và dưỡng khí sẽ không được cung cấp đủ và kịp thời cho cơ thể, nên người tu sinh ốm yếu suy nhược và dể bị bệnh hơn người thường. Đó là chỗ thiếu sót của các pháp tu chỉ ngồi im một chỗ mà không lao động hoặc rèn luyện thể chất.
- Thưa cụ, tại sao khi tiếp khách cụ thường chỉ tươi cười, yên lặng lắng nghe rồi sau đó niệm Phật hiệu mà không nói gì hoặc nói quá ít. Như vậy có làm người khách phiền lòng không?
- Mô Phật, không đâu, vì ai đến cũng muốn thể hiện mình chứ không phải đến để lắng nghe. Nếu họ có nghe thì cũng đã có sở trị kiến từ trước, hợp với họ thì họ ủng hộ, không hợp với họ thì họ chống đối. Vậy thật ra họ đến không phải để nghe mình mà để nghe chính họ đấy chứ. Vậy thì nói làm gì chứ ? Người tu càng nói nhiều càng dể sinh thị phi:
Khẩu khai thần khí tán
Động thiệt thị phi sanh
- Vậy khi tiếp khách thì cụ làm thế nào?
- Ta nghe họ nói, nhưng thật ra yên lặng niệm Phật hiệu và lắng nghe tiếng niệm của mình để các nghiệp chướng thị phi đấu tranh của họ không vào tâm ta được.
- Thế thì cụ đi chỗ khác có hơn không?
- Mô Phật, thường thì ta làm vậy. Nhưng có khi cần, ta ngồi lại yên lặng nghe, để họ có chỗ mà trút mọi nguồn cơn cho vơi bớt bức xúc. Cho nên ta chẳng làm gì mà sau buổi tiếp khách, họ đều thấy thoải mái, vì được dịp nói và xả stress. Nhiều khi ta còn gợi chuyện để họ có dịp tuôn trào. Thế rồi ta giữ tâm không yên lặng mỉm cười để tiêu dung các thị phi buồn khổ sân si ấy đi.
- Thế còn các bệnh nhân hỏi về cách dùng KCDS để tự trị bệnh thì sao?
- Ta lắng nghe và giải thích cặn kẽ cách làm mà không phán xét hay hỏi gì về gia cảnh cùng sinh hoạt đời tư của họ và của bất kỳ ai.
. . . . .
- Sao độ rày con tập rất thường mà lại hay sinh nóng tính hơn trước?
- Thường gây lộn với vợ phải không?
- Đúng rồi sao cụ biết?
- Sau khi quan hệ tình dục phải nghĩ 24 giờ sau mới được luyện công để cơ thể kịp hồi phục. Hề hề. . như nấu nước, nước trong ấm đã hết mà cứ nấu thì sẽ nóng ấm. Ăn chay trường và không dùng các chất gây nghiện. Nếu ăn mặn khi tập thấy cơ thể bắt đầu nóng, mặt nóng, hai tai và mắt nóng thì nên cắt khí ngừng tập. Làm như vậy thì cơ thể sẽ hồng hào khỏe mạnh tâm lúc nào cũng tịnh và an lạc.
- Sao con thấy cụ và chư huynh phát công trị bệnh trực tiếp cho bà con mà vẫn không sao, lúc nào cũng khỏe mạnh hồng hào vui vẽ. Còn con mới thực hành có một lần là đã thấy quá mệt?
- Vì ông muốn bệnh nhân mau lành bệnh?
- Vậy khi cụ phát công cụ không muốn bệnh nhân lành bệnh sao?
- Ta giữ tâm không.
- Thầy nghĩ sao về thiền sư Suzuki ?
- Mô Phật, già không biết
- Thưa, không biết nghĩa là sao ?
- Ta không có ý nghĩ gì về ngài Suzuki cả
- Thầy chưa đọc Suzuki sao?
- Có đọc một số
- Qua đấy thầy chẳng có ý kiến gì sao?
- Vì ta bận việc khác, hơn là xét đoán ngài Suzuki.
- Thưa, bận việc gì ?
- Bận thưởng thức những chỗ hay làm ta rung động
- Thưa thầy thí dụ như chỗ nào?
- Thưa thầy bài thơ đó là của Tô Đông Pha đời Tống, một nhà thơ Trung Quốc. Trong sách Thiền Luận, Suzuki chỉ trích dẫn thôi mà.
- Mô Phật, nó là của ai quan trọng gì chứ. Cứ thấy hay thì thích thôi!. . .hề hề. . . .Bởi vậy nên ta mới nói dù đọc nhiều tác phẩm của Suzuki nhưng ta chả xét đoán được ngài đâu. . . .hềhề. . .
- Thưa thầy, tôi đã có dịp tiếp xúc và chơi thân quen với rất nhiều tu sĩ Phật giáo. Tôi cũng đã nghiên cứu và thực hành nhiều pháp tu khác nhau. Tôi cũng đã đọc rất nhiều tác phẩm về Thiền và các pháp tu khác nhau kể cả Mật Tông và đang tìm cho mình một pháp tu thích hợp nhất. Thầy có ý kiến gì về vấn đề này thì xin cho một lời khuyên ?
- Ông đã qui y chưa?
- Thưa chưa?
- Đã ăn chay, lễ Phật chưa?
- Lễ Phật thì thỉnh thoảng còn ăn chay thì chưa?
- Đã giữ được ngủ giới của nhà Phật chưa?
- Thưa chưa vì còn cuộc sống đời thường nên rất khó thực hiện.
- Mô Phật, nên có gạo trước rồi mới tính đến chuyện nấu cơm thế nào.
Phú Yên có đỉnh Cù Mông
Có hòn Nhạn Tháp, có dòng sông Ba.
Cù Mông thì hơi xa, còn Tháp Nhạn đứng bên dòng sông Ba, thì nằm ngay trong lòng thành phố. Nên trước tiên mọi người lên núi Nhạn dâng hương Bác và liệt sĩ ở Đền Thờ, sau đó tham quan Tháp Nhạn, đảnh lễ Mẹ Thiên Y A Na, Mẹ Địa Mẫu và Mẹ Quan Âm trên đỉnh núi, rồi về chùa Bửu Lâm đảnh lễ Như Lai, Tổ Liểu Quán và tham quan vườn Lâm Tỳ Ni của chùa.
Đền Thờ Liệt Sĩ ở núi Nhạn rất đẹp, màu trắng nổi bật trên nền đất đỏ và cây xanh, trông như một cánh buồm no gió đang lao ra đại dương. Còn Tháp Nhạn màu hung đỏ cổ kính với Linga -Yoni bằng đá trên đỉnh tháp. Tháp Nhạn cao, to lớn hơn các các Tháp ở cụm Tháp Bà Nha Trang. Khuôn viên Tháp Nhạn khoảng 1.000m2, xung quanh được lát gạch. Tháp được dựng lên từ vào thời chúa Nguyễn Hoàng khoảng từ năm 1578 - 1580. có lẽ cùng thời với Tháp Bà Pô Na Ga ở Nha Trang vì các viên gạch ở Tháp Nhạn và Tháp Bà giống nhau. Tháp Nhạn cao khoảng 15m. Chân tháp hình vuông, mỗi cạnh dài hơn 10m. Điều đặc biệt là các viên gạch xây Tháp rất lớn, không giống như Tháp Chàm ở Phan Rang, có những viên gạch rộng đến hơn 20cm. Cũng giống như phần lớn các Tháp Chăm, hướng chính của Tháp Nhạn là hướng Đông phản ánh vũ trụ quan của Ấn giáo, vì đây là hướng của thần thánh, của sinh sôi nảy nở. Kiến trúc của Tháp Nhạn gồm ba phần theo quan niệm của người Chăm, đó là: trần tục, tâm linh và thần linh. Dưới chân Tháp được gắn ốp đá sa thạch. Trong Tháp có tượng Mẹ Thiên Y A Na là mẹ xứ sở của người Chăm.
Buổi sáng chưa có ai lên núi. Người phụ trách cũng đi đâu vắng. Chung quanh yên lặng như tờ, chỉ có tiếng gió xào xạc nhẹ trong vòm cây và tiếng con quạ kêu cô đơn trên đỉnh tháp. Chúng tôi yên lặng đi chung quanh Tháp để lặng im chiêm ngưỡng kiệt tác của người xưa, chấp tay hướng về phía trong tháp đảnh lễ Mẹ, rồi theo một con dốc đá leo lên đỉnh núi.
Trên đỉnh có tượng Mẹ Quan Âm, tượng Mẹ Địa Mẫu và chư Thiên. Bên hông là trận địa pháo của quân Mỹ còn để lại, với lô cốt hầm ngầm và những đường giao thông hào kiên cố bằng bê tông.
- Này, chỗ kia là Hòa Sơn nơi người ta đã tìm ra lò nung gạch của người Chiêm để làm các viên gạch xây tháp Nhạn, từ chỗ đó lên đây chắc cũng mất vài cây số. Ở nhà tôi cũng có vài viên gạch loại này tôi lát ở cổng ra vào. . .Nó to hơn gạch bình thường và tuy làm đã lâu mà vẫn còn rất chắc . . . .
Theo tay cụ Ca chỉ. Lòng bồi hồi tôi nhìn xuống TP. Tuy Hòa đang nhuộm vàng trong nắng ban mai, nhìn xuống con sông Ba đang lững lờ chảy qua cầu Đà Rằng. Dấu vết của trận bão lụt kinh hoàng vẫn còn với những hàng cột điện xiêu vẹo và những cây đại thụ trốc gốc chưa kịp dọn. Tôi rờ tay vào các hòn gạch đã rêu phong mà như thấy quá khứ tự ngàn xưa vụt quay về trộn lẫn với cái vui cái buồn của ngày hôm nay thành bản đại hòa tấu của đất trời, với tiếng sóng biển rì rào, tiếng con sông Ba gầm réo, tiếng ngựa hí quân reo, tiếng người di dân lập ấp đẵn gỗ làm nhà đào kênh làm ruộng phát rẩy làm nương mở mang bờ cõi, tiếng súng nổ chen tiếng niệm kinh Mẹ rì rì rầm rầm trong gió, tiếng hò reo chen tiếng thở dài như từ dưới đất vọng lên từ ba bên bốn phía đang hội tụ về. . . . . .
Anh về Bình Định thăm cha
Phú Yên thăm mẹ
Khánh Hòa thăm em . . .
Đền Thờ Liệt Sĩ ở Núi Nhạn Tuy Hòa / 11/11/2009
Dâng hương đảnh lễ Bác và các anh hùng liệt sĩ ở Đền Thờ Núi Nhạn / Tuy Hòa/11/11/2009
Trên đỉnh Núi Nhạn /Tuy Hòa/11/11/2009
Thầy và Cụ Ca /Thăm Tháp Nhạn/Tuy Hòa/11/11/2009
Chiến tranh qua lâu rồi mà dấu tích vẫn còn để lại /Hầm ngầm, lô cốt và công sự của Mỹ bên cạnh Tháp Nhạn / Tuy Hòa /11/11/2009
Sờ vào những viên gạch đầy rêu, chợt thấy quá khứ từ ngàn xưa đang ùa về /Thăm Tháp Nhạn Tuy Hòa / 11/11/2009
Giữa quá khứ và tương lai là tình yêu và cuộc sống / Thăm Tháp Nhạn Tuy Hòa/11/11/2009
Sau những ngày bão lụt, sông Ba đang yên lặng chảy qua cầu Đà Rằng/Nhìn từ Tháp Nhạn /Tuy Hòa/11/11/2009
Mời các bạn xem phim:
. . . . . . . . . .
Thăm chùa Bửu lâm
Chánh điện chùa Bửu Lâm rộng thênh thang. Tượng đức Thích Ca Mâu Ni Phật thờ sát vách, hai bên có hai Bồ Tát Văn Thù và Phổ Hiền. Hai ban tả hữu thờ 2 vị Bồ Tát Địa Tạng Vương và Quán Thế Âm. Phía trước là ban thờ đức đạo sư A Di Đà.
Nhà Tổ nằm ngay phía sau chánh điện thờ Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma ở giữa và các vị Tổ đã trụ trì chùa qua nhiều thời kỳ. Chúng tôi cùng thầy vào chánh điện chùa dâng hương đảnh lễ Phật.
Đang vui chuyện, nhưng từ khi vào chùa lễ Phật xong, Thầy im lặng không nói gì. Tôi tò mò:
- Thưa Thầy, có vấn đề gì sao?
- Chẳng có gì, khi lễ Phật, tự nhiên ta biết độ tịnh của mình còn kém quá mà tuổi đời thì đã lớn. Biết kiếp này có kịp tịnh hóa tâm mình hay không đây.
- Mô Phật.
Một vị cùng đi chỉ vào tượng hai đức Hộ Pháp bày ở chánh điện và hỏi:
- Thưa thầy, sao con thấy ở đây thờ Hộ Pháp khác các nơi khác.
Thầy cười:
- Chỉ khác vị này thôi, chứ ngài kia là Hộ Pháp Vi Đà Thiên Tôn.
- Thưa Thầy con biết, còn vị này con thấy giống ngài Quan Thánh cũng mặt đỏ râu dài, nhưng sao lại không cầm Thanh Long Đao mà lại cầm cái búa?
- Mô Phật, chính là Ngài Quan Thánh. Ông đừng lấy làm lạ. Nhìn tượng ngài Quan Thánh thành Hộ Pháp của Phật, thì biết chùa này là Đại Thừa và chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc.
Chùa Bửu Lâm nằm ở lưng chừng núi. Thích Ca Phật Đài hoành tráng trang nghiệm. Từ thật xa trong thành phố đã có thể thấy tượng đức Bổn Sư màu trắng thật lớn nổi bật trên nền xanh của cây cỏ núi rừng, lồng lộng giữa mây ngàn và gió núi. Vườn Lâm Tỳ Ni sau chùa với những con đường ngoằn ngoèo thấp có cao có, uốn lượn xuyên giữa rừng cây. Ở đây tuy là đang giữa trưa, nhưng gió từ sông thổi về nên mát rượi chẳng thấy nóng, chim chóc ca hót véo von, linh tượng đặt rải rác trong rừng cùng cây xanh núi đá quyện vào nhau cảnh trí vô cùng diễm lệ.
Cùng đi với chúng tôi có cụ Ca Chủ Nhiệm Câu lạc Bộ KCDS Phú Yên. Cụ là lão thành cách mạng và là dân địa phương này nhiều đời nên biết rất nhiều chuyện về quê hương Tuy Hòa.
Mọi người nối đuôi nhau trèo lên bực cấp để lên Thích ca Phật Đài. Tới chỗ quanh có một hòn đá lớn rất đẹp. Cụ Ca dừng lại và bảo với mọi người:
- Thưa thầy, kia là mộ của bà Dũ Ký một đại phú gia của Tuy Hòa thời kháng chiến chống Mỹ. Mộ này hồi ấy gia đình họ nhờ cha tôi làm vì cụ biết nghề và là thầy địa lý. Làm mấy năm mới xong, to và đẹp nhất hồi ấy. Chỗ này thời kỳ chống Mỹ, là cảnh đẹp nổi tiếng của Tuy Hòa. Mộ lại nằm sát chân núi, cây cối um tùm rậm rạp nên là nơi du kích bên mình thường về hoạt động. Hồi đó trên đỉnh Chóp Chài là Mỹ đóng, dưới chân núi là Đại Hàn đóng, thế mà chỗ kia, chỗ có vách đá phẳng lì cao vút ấy, phía dưới có gộp thì lại là chốt của anh em mình. Bọn địch chả làm gì được vì mình được bà con ủng hộ tiếp tế che dấu. Ban đầu chúng còn ra càn nhưng sau rồi nản không dám ra nữa. Do vậy mà hồi ấy, bên mình đã cho người móc nối và cứu cụ Nguyễn Hữu Thọ tại đây.
Luật sư nguyễn Hữu Thọ khi ấy bị địch an trí tại phường 4/ TP. Tuy Hòa bây giờ. Bên mình đã hẹn cụ tai mộ bà Dũ Ký tức là chỗ này đây, để đưa lên chiến khu. Cụ giả vờ lấy xe đạp đi dạo mát qua lại nơi đây nhiều ngày. Bọn địch thấy vậy quen đi không để ý nữa. Một hôm cụ tạt vào mộ bà Dũ Ký, ở đó có anh em mình chờ sẳn đưa cụ lên núi, vượt qua chổ quèn kia để lên chiến khu. Nhờ vậy mà cụ thoát hiểm và đã thành Chủ Tịch của Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Mam Việt Nam.
. . . .
Leo một lát nữa thì tới tượng Tổ Sư Liểu Quán. Tượng Tổ Sư mặc áo đạo và cầm phất trần trông giống một đạo sĩ hơn là một vị Tổ của Phật Giáo.
Đường lên núi quanh co uốn lượn, cây xanh tươi tốt, kỳ hoa dị thảo đua nhau khoe sắc. Nằm giữa thành phố mà như ở một nơi nào xa lắm thanh tịnh yên lặng cảnh trí cực kỳ u tịch. Thầy và chúng tôi hành hương khắp nơi trong rừng. Đảnh lễ ở Thích Ca Phật Đài, đảnh lễ Như Lai, chư Bồ Tát và chư Hộ pháp. Luyện công tại động Mẹ Quan Âm, trước tượng Kim Cang Thần, trước tượng Đức Di Lặc đang ngồi cười an lạc giữa rừng xanh, luyện công ở thạch động của Ngài Thiên Thủ Thiên Nhãn. . . .
Quá trưa chúng tôi mới xuống núi về nhà. Ngang qua một cái cây cổ thụ thật lớn, cụ Ca cho dừng xe, chỉ vào cây và nói :
- Thưa Thầy đây là một trong 3 cây Xộp to nhất ở Tuy Hòa. Nó có từ thời Chiêm Thành lận, hiện giờ chỉ còn cây này. Hai cây kia bị dân làm rẩy đốt chết từ lâu. 3 cây này hình thành một tam giác, chính giữa xưa kia có mộ của người Chiêm. Mười mấy năm trước có người Chiêm về đây đi hỏi các cụ về vị trí 3 cây này để tìm mộ và đào vàng mà gia tộc họ đã chôn từ xưa.
Tượng Đức Bổn Sư lồng lộng giữa mây ngàn và gió núi /Thăm chùa Bửu Lâm /Tuy Hòa/ 11/11/2009
Núi Đá Bia Tuy Hòa:
- Thưa cụ, ở Tuy Hòa này, luyện huyền công tốt nhất là ở đâu?
- Thường phải là nơi cao nhất của khu vực. Ta nghĩ nơi đó là đỉnh Thạch Bi Sơn.
- Thạch Bi Sơn ở đâu vậy cụ?
- Hềhề. . .hỏi cụ Ca thì biết rõ hơn, ông ấy là thổ địa ở đây mà
- Thưa thầy với chư huynh, Thạch Bi Sơn hay Núi Đá Bia nằm trên dãy núi Đèo Cả. Núi cao 706m so với mực nước biển, thuộc huyện Đông Hòa, phía Đông liền với núi Hòn Bà sát biển, chân núi phía Tây là Quốc lộ 1A, phía Bắc liền với núi Đông Sơn, chân núi phía Nam giáp Vũng Rô.
- Sao gọi là Thạch Bi Sơn ?
- À, đó là câu chuyện truyền thuyết về lịch sữ. Nhân dân cho rằng: Sau khi hạ thành Chà Bàn, năm Hồng Đức Thứ 2 (Tân Mão 1471), vua Lê Thánh Tôn cho quân vượt qua Đèo Cù Mông và tiến thẳng đến Đèo Cả, nhà Vua dừng chân tại đây, nhân đó Người cho khắc chữ lên mặt đá làm bia để phân chia ranh giới giữa Đại Việt và ChămPa. Nhớ ơn vua, nhân dân Phú Yên đã lập đền thờ Ngài tại thôn Long Uyên (nay thuộc xã An Dân, huyện Tuy An). Năm 1881 (Tân Tỵ), Tự Đức Thứ 34, Bố Chánh Phú Yên là Đinh Nho Quang có làm câu đối treo ở đền thờ:
"Giang sơn khai thác hà niên, Phụ lão tương truyền Hồng Đức sự
Trở đậu linh hương thử địa, thanh linh trường đối Thạch Bi Cao"
(Non sông mở đất năm nào, Phụ lão truyền nhau công Hồng Đức
Lễ kính hương thơm đất ấy, danh thiêng muôn thuở ngọn Đá Bia)
- Thưa cụ, tại sao ta phải lên đến điểm cao nhất của Thạch Bi Sơn để luyện công?
- Để rèn luyện thể lực. Kiểm tra xem sau khi lành bệnh, chư huynh đã phục hồi thể lực chưa. Núi Đá Bia có độ cao 706 m, trên đỉnh mây thường xuyên che lấp khối đá Bia tạo nên cảnh quan hùng vĩ, ấn tượng. "Chiều chiều mây phủ Đá Bia. . ."Đó là vì hơi nước từ biển bị ngọn núi cản lại, tạo thành mây mù. Có lối mòn lên đỉnh dài khoảng 2,2 km. Đường dốc, nhiều bụi cây, nhiều bậc thang. Chư huynh sẽ có dịp áp dụng các kỹ năng của Khí Công về thở, về điều khí, để leo lên đỉnh núi mà không mệt hoặc ít mệt hơn trước. Ngoài ra trên đỉnh cao nhất, đó là nơi giao hòa Địa Khí và Thiên Khí tốt nhất. Khi đến đỉnh núi chư huynh có thể ngắm nhìn toàn cảnh Vũng Rô, Đèo Cả, Biển Hồ (Hoà Xuân Nam); Bãi Bàng, Bãi Gốc (Hoà Tâm). Nhìn về phía bắc, sẽ có được tầm nhìn bao quát đồng bằng Tuy Hòa, núi Chóp Chài nằm giữa thành phố Tuy Hòa và sông Ba. Tầm nhìn của chư huynh không bị giới hạn, tạo được cảm giác con người nhỏ bé trước vũ trụ rộng lớn. Chung quanh mình bao la mênh mông đến vô cùng, trên đỉnh cao vòi vọi chỉ có mây ngàn và gió núi, có cảm giác rời xa nhân thế. Do vậy khi hành công dễ đạt trạng thái Thiên Địa Nhân đồng nhất. Hề hề. . .
Núi Đá Bia hay Thạch Bi Sơn nhìn từ Đèo Cả, trên đỉnh là Hòn Đá Bia . Đây là nơi vua Lê Thánh Tông chia ranh giới giữa Đại Việt và Chămpa / Tuy Hòa/17/11/2009
Cụ Ca nhân dịp thưa với thầy:
- Thưa Thầy vậy chủ nhật này Thầy Trò mình leo lên đỉnh Núi Đá Bia luyện công chơi.
- Được thôi, chư huynh thích thì mình lên đỉnh cao nhất ở đây chơi và luyện công giữa mây trời một ngày cho thỏa.
Một vị huynh khác người Tuy Hòa góp ý:
- Nhưng hổm rày trời mưa suốt. Hay ta chờ tạnh ráo đi thì hay hơn.
- Vậy thì chúng ta đi lễ cụ Lương Văn Chánh rồi hãy leo lên đỉnh Thạch Bi Sơn thông công học đạo. Cụ là Thượng Đẳng Thần được phụng thờ trong tất cả đình làng ở đây như Thành Hoàng. Cụ và Mẹ Thiên Y A Ma, mẹ Xứ Sở của Người Chăm là được sùng kính nhất ở đây. Ta đến đâu thì cũng nên đến đảnh lễ các vị Hộ Pháp Thần ở nơi ấy. Thì tập huyền công mới thuận lợi.
- Thưa Thầy chúng con ở mỉền bắc vào chưa biết gì về cụ Lương Văn Chánh. Thầy có thể nói rõ thêm về cụ được không ạ?
- Hề hề. . .Cụ Lương Văn Chánh là một võ quan nhà Lê và là người có công với sự nghiệp chiêu tập lưu dân khai khẩn, mở mang và phát triển vùng đất Phú Yên. Ông sinh khoảng thập niên 40 của thế kỷ thứ 16. Quê ở làng Tào Sơn, xã Ngọc Lĩnh, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Năm 1578, Lương Văn Chánh đem quân tiến đến Sông Đà Diễn (hay Đà Rằng) đánh chiếm Hồ Thành. Nhờ chiến công đó, ông được thăng Đặc Tiến Phụ Quốc Thượng Tướng quân. Sau đó ông được giao trông coi huyện Tuy Viễn, trấn An Biên (giờ thuộc tỉnh Bình Định). Đến năm 1597, ông Lương Văn Chánh đang là Tri huyện Tuy Viễn, trấn An Biên, nhận sắc lệnh của chúa Nguyễn Hoàng đưa chừng 4.000 lưu dân vào khai khẩn vùng đất phía Nam của Đại Việt từ đèo Cù Mông đến đèo Cả (địa bàn tỉnh Phú Yên ngày nay). Ông cùng lưu dân từng bước khẩn hoang, lập ấp; từng bước tạo nên những làng mạc đầu tiên trên châu thổ sông Đà Diễn, sông Cái. Trên bước hành trình khai hoang lập đất mới Phú Yên, Lương Văn Chánh đã dừng ngựa đóng quân tại Bà Đài trong chặng thứ hai. Vùng Bà Đài vào thời Minh Mệnh được đổi thành Xuân Đài. Từ năm 1611 đến 1899 nơi đây là thủ phủ tỉnh Phú Yên. Nhiều dinh thự, cơ sở tôn giáo được xây dựng. Trong đó, có nhà thờ Mằng Lăng - nhà thờ Thiên Chúa giáo đầu tiên của Phú Yên; cùng nhiều ngôi chùa Phật giáo uy nghiêm, cổ kính, lại thêm đặc sản nổi tiếng:
Rủ lên Đá Trắng ăn xoài
Muốn ăn tương ngọt Thiên Thai thiếu gì.
Nếu như chùa Thiên Thai có tương ngọt thì chùa Đá Trắng có xoài tiến vua. Cùng với lòn bon Quảng Nam, xoài Đá Trắng của Phú Yên trở thành "nhị bảo ngự thiện".
(Chùa Đá Trắng/Tuy Hòa)
Lương Văn Chánh mất ngày 19 tháng 9 năm Tân Hợi (1611) tại thôn Long Phụng, thuộc xã Hòa Trị ngày nay; được nhân dân an táng, lập đền thờ nhớ ơn và suy tôn ông là Thành Hoàng. Sau khi ông mất, năm Chính Hoà thứ mười (1689) chúa Nguyễn truy phong cho cho Lương Văn Chánh tước Bảo quốc chi thần (nghĩa là thần bảo hộ đất nước). Đến năm 1693, ông lại được phong một lần nữa tước Bảo quốc Hộ Dân chi thần (nghĩa là thần bảo hộ đất nước và dân chúng). Sau đó suốt từ 1689 đến 1767, Chúa Nguyễn đã 5 lần gia phong cho Lương Văn Chánh, tước vị cuối cùng ông nhận được là Phù Quân công, Thần Bảo Hộ Dân, Hựu Thuận Phong Công, Tỉnh Tiết. Đến thời Nhà Nguyễn, ông đã được gia phong thêm 6 lần nữa. Tước vị cuối cùng ông được phong là Dục Bảo Trung Hưng Thượng Đẳng Thần.
Thế là ngay sáng ngày hôm sau, chúng tôi cùng Thầy đi dâng hương đảnh lễ ở Lăng và Miếu thờ người anh hùng dân tộc Lương Văn Chánh, bậc Thương Đẳng Thần đã có công hộ quốc an dân khai hoang lập thành tỉnh Phú Yên ngày nay.
Mời các bạn cùng đi với chúng tôi cho vui:
Hay là chúng ta đi lễ cụ Lương văn Chánh trước khi leo lên Núi Đá Bia. . . ./ Uống cà Phê ở Quán Tùng/Tuy Hòa/17/11/2009
Trên đường về thầy chỉ vào núi Chóp Chài ở phía xa xa sau cánh đồng đã gặt xong còn trơ gốc rạ và bảo:
- Kiểu này thì trời đang còn mưa đây
Tôi hỏi:
- Thưa cụ, cụ không xem tivi, không đọc báo sao cụ biết tin về khí tượng?
- À, ta theo kinh nghiệm của bà con ở đây nên nói thế. Bộ ông không thầy Núi Chóp Chài đang đội mũ sao?
Tôi nhìn theo tay cụ chỉ thấy phía trên đỉnh Núi Chóp Chài thấy mây đen phủ kín quây chung quanh đỉnh trông như Núi đang đội mũ thật.
Cụ già cười và bảo:
- Ở đây các cụ bô lão thường xem mây trên đỉnh Núi Đá Bia và Núi Chóp Chài để chờ mưa làm mùa đấy mà. Bà con ta có câu:
Chóp Chài đội mũ
Mây phủ Đá Bia
Ếch nhái kêu lia
Trời mưa như đổ
- Thưa thầy Núi Chóp Chài và Núi Đá Bia, núi nào cao hơn?
- À, Chóp Chài chỉ cao 391m nên thấp hơp Núi Đá Bia nhiều. Nó còn có tên là Nựu Sơn. Núi nằm giữa vùng thiên nhiên tuyệt đẹp. Trên núi có những dấu tích huyền thoại như Trai Thuỷ, tục danh là Hang Dơi, hang này rộng khoảng 5m, chiều sâu hun hút. Trong hang có những tảng đá phẳng lì. Đông, Tây, Nam, Bắc đều có chùa: Hoà Sơn, Minh Sơn, Khánh Sơn, Bảo Lâm được xây dựng trên lưng sườn núi, nhìn xuống có "Liên Trì Dục Nguyệt" (Trăng tắm ao sen) rộng khoảng 1,2 ha.
- Chùa Bảo Lâm hôm trước chúng ta đã đi dâng hương phải không thầy?
- Mô Phật, đúng đấy.
Trên đường về chúng tôi ghé vào dùng cơm ở quán chay Âu Lạc, một quán chay bình dân trên đường về nhà. Thấy mọi người vào ăn chay rất đông, phía trước còn có rất nhiều người đến mua cơm chay để về nhà ăn. Thầy hoan hỉ nói với chúng tôi:
- Mô Phật, thấy bà con ở đây ăn chay nhiều như vậy thì biết công của chư Tổ chư Tăng Ni ở đây lớn biết chừng nào. Ta thấy hổ thẹn vì đã già rồi mà làm Phật sự còn chẳng được là bao.
Chóp Chài đội mũ / Tuy Hòa/17/11/2009
Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4
Lập loè trời chớp Vũng Rô Mây che hòn Yến, gió vô Chóp Chài.
(Hình: Nguồn Internet)
Mua cơm chay về nhà ăn / Quán Chay Âu Lạc /TP.Tuy Hòa/17/11/2009
Hình vui:
Nói và Nghe/ Ông khách thì vẫn đang hăng say thuyết pháp. . . .Còn thầy thì giữ định. . .!/Tuy Hòa/17/11/2009