Rong chơi nơi bước ngược
Kinh Pháp Cú nói rằng: Niết bàn là hạnh phúc tối thượng! và: Vô ngã là niết bàn!

Vì vậy muốn đạt đến hạnh phúc tối thượng thì phải đạt đến niết bàn, mà muốn đạt đến niết bàn thì phải thực chứng vô ngã.

Bây giờ hãy thử tìm hiểu sơ về niết bàn, NIẾT BÀN LÀ GÌ?

Dù dùng những từ ngữ hoa mỹ nào đi nữa như: - Hữu dư y niết bàn, - Vô dư y niết bàn, - Vô trụ xứ niết bàn, v.v...và v.v... thì khi nói đến niết bàn chúng ta cũng liên tưởng đến Ta la song thọ, nơi đức Phật Thích Ca, trút hơi thở cuối cùng, bỏ thân tứ đại, từ giã cõi đời này, mà thông thường chúng ta gọi là chết?
Vậy có phải chúng ta hiểu niết bàn đơn thuần là như vậy không?

. . . . .

 

Dường như chúng ta đã tầm thường hóa, thông tục hóa, khi đồng nghĩa hóa NIẾT BÀN với chữ chết?

Đại sư Từ Thông nói rằng, không phải Phật phải đợi đến Ta la song thọ mới niết bàn, mà Phật niết bàn ngay tại cội bồ đề lúc sao mai vừa mọc sau bốn mươi chín ngày thiền định.

Lời nói này có nghĩa gì? Đấy nghĩa là niết bàn là sự giác ngộ hay thành đạo hay chứng đạo.

Dĩ nhiên mỗi danh xưng kèm theo chữ niết bàn đều có ý nghĩa riêng của nó, nhưng chúng ta cứ lờ đi?

Vậy thì chữ NIẾT BÀN có nghĩa chính là gì?
Niết bàn mà tiếng bắc Phạn là nirvana hay nam Phạn là nibbana, trong ấy "ni" có nghĩa là "không" và "vana" hay "bana" có nghĩa là "xiềng xích" và khi ráp lại "nirvana" hay "nibbana" có nghĩa là "không xiềng xích". Tức là niết bàn có nghĩa là không xiềng xích, không trói buộc hay là giải thoát, tự do, tự tại.

Cho nên TAM PHÁP ẤN mà chúng ta thường nghe đến là:
- Khổ - Vô thường - Vô ngã
thì TAM PHÁP ẤN được đề cập đến ở Mai thôn Đạo tràng là:
- Vô thường - Vô ngã - Niết bàn
Điều này đề cao tính lạc quan của Phật giáo, hay mục tiêu của Phật tử là để đạt đến niết bàn hay đạt đạo tức là đạt được "hạnh phúc tối thượng", tức là niết bàn hay "hạnh phúc tối thượng" được thay thế cho "khổ" trong tam pháp ấn mà chúng ta thường nghe đến. Nếu niết bàn là hạnh phúc tối thượng mà niết bàn là chết vậy chẳng lẽ Phật giáo đồ tu theo đạo Phật chờ đến chết mới có hạnh phúc hay sao?

Phật giáo Tây tạng phái đã đưa ra vấn đề này như sau:

"CHÚNG TÔI NGHE NHIỀU NGƯỜI PHƯƠNG TÂY NÓI RẰNG:"ĐIỀU RIÊNG BIỆT ĐẶC TRƯNG NHẤT CỦA PHẬT GIÁO ĐẠI THỪA LÀ THAY VÌ TÌM KIẾM NIẾT BÀN CUỐI CÙNG, NGƯỜI TA TỪ CHỐI HẠNH PHÚC TỐI THƯỢNG NÀY, THAY VÌ VẬY NGƯỜI TA TRỞ THÀNH MỘT VỊ BỒ TÁT, CỐNG HIẾN NĂNG LỰC ĐỂ HỖ TRỢ NHỮNG CHÚNG SINH KHÁC ĐẠT ĐƯỢC GIÁC NGỘ. TRONG VIỆC THỰC HÀNH CỦA LÝ TƯỞNG BỒ TÁT ĐẠO ĐẤY LÀ MỘT CON ĐƯỜNG ƯU VIỆT CAO THƯỢNG KHI MÀ CÓ RẤT ÍT CHÚNG SINH MUỐN ĐỐI DIỆN VỚI LỰA CHỌN NHƯ VẬY.

và trả lời rằng:

Điều kỳ lạ thứ nhất của lời phát biểu này là niết bàn đã được xác quyết như một nơi chốn. Niết bàn là một trạng thái của tâm, trạng thái khi một chúng sinh không bị lừa dối hay không bị ảnh hưởng bởi vòng luân hồi (tự tại với sinh tử luân hồi). Một chúng sinh có thể tồn tại trong trạng thái Niết bàn nhưng vẫn hiện diện trong vòng luân hồi. Vì vậy một vị Bồ tát có thể chứng ngộ Niết bàn nhưng vẫn hiện hữu trong thế gian để lợi lạc cho những chúng sinh khác.

 

TueUyen/

. . . . .

 

Cảm ứng từ bài viết trên:

 

Lời bài viết: 

Kinh Pháp Cú nói rằng:
Niết bàn là hạnh phúc tối thượng!
và:
Vô ngã là niết bàn!

 

Tiếng vọng từ hư không:

Thế nào là “Tối thượng”?

Phải chăng nó chỉ về cái hướng xa xăm bất tư nghì, vô lượng vô biên, phi đặc tính và phi nhân cách.

Như vậy hóa ra Kinh Pháp Cú nói mà như không nói, vì Niết bàn là “bất tư nghì”!

Vậy với câu “Niết bàn là hạnh phúc tối thượng” của kinh Pháp Cú.

Kinh không nhằm xác định giới hạn và các đặc tính thuộc phạm trù khái niệm của tâm trí. Mà Kinh cho rằng “Niết bàn” là cái không thể sở đắc! Mà chỉ có thể từ cái hạnh phúc bình dị của chúng sanh tiến. . .tiến mãi. . . về phía vô cùng vô tận. . . về cái hạnh phúc vẫn còn có thể  thăng hoa mãi. . . .mãi. . .!

 

Thế nào là “Vô ngã”?

Hiện tại chúng ta đang còn “Ngã”, đang còn trong giới hạn của tâm trí và khái niệm, nên không thể nào biết “Vô ngã” là gì ?Cho dù chúng ta có “Đọc tụng” kinh Phật, nghe lời giảng của chư vị chứng ngộ, chúng ta cũng sẽ hiểu qua lăng kính của “Ngã”. Nên “Vô ngã” thật sự là “bất tư nghì”. Bởi vậy Kinh Pháp cú nói mà như không nói!

Tuy nhiên Phật giáo là “bất nhị” cho nên “Vô ngã” không phải là “cái “Không Tôi” đối lập với cái “Tôi”. Mà là “Như Lai” vượt ra khỏi phạm trù đối đãi của “Tôi” và “Không Tôi”!

Mô Phật! Nó là phi tâm trí nên không thuộc phạm trù của nhị nguyên luận.

. . . . .

 

Lời bài viết: 

Vì vậy muốn đạt đến hạnh phúc tối thượng thì phải đạt đến niết bàn, mà muốn đạt đến niết bàn thì phải thực chứng vô ngã.

 

Tiếng vọng từ hư không:

Niết bàn là cái bất tư nghì và phi đặc tính làm sao “Đạt” làm sao “Thực chứng”?!

Chỉ có thể tiến mãi. . . tiến mãi. . . . đến vô cùng tận. Chứ làm gì có điểm để dừng để chứng!

Cái mà có thể đạt, có thể chứng, chỉ là bờ mé của niết bàn và vô ngã!

 

. . . . .

 

Lời bài viết: 

Khi nói đến niết bàn chúng ta cũng liên tưởng đến Ta la song thọ, nơi đức Phật Thích Ca, trút hơi thở cuối cùng, bỏ thân tứ đại, từ giả cõi đời này, mà thông thường chúng ta gọi là chết?

 

Tiếng vọng từ hư không:

Không ai nghĩ như vậy cả!!!

 

. . . . .

 

Lời bài viết: 

Lời nói này có nghĩa gì? Đấy nghĩa là niết bàn là sự giác ngộ hay thành đạo hay chứng đạo.

 

Tiếng vọng từ hư không:

Không phải vậy!

Như người kia bi bệnh mù mắt từ nhỏ. Mọi người nói về mặt trời chiếu sáng hắn không tin. May được thầy thuốc chữa cho lành mắt. Khi thấy mặt trời hắn bèn nói: “Do ta mở mắt mặt trời mới xuất hiện”

Cũng vậy không phải “Giác ngộ” là “Niết bàn”!

Giác ngộ là “hành động mở mắt” còn mặt trời “ Niết bàn” là bản thể thì luôn có đấy, như như, bất nhiễm, vô thủy vô chung, chẳng sinh ra mà cũng chẳng mất đi bao giờ!

 

. . . . .

 

Lời bài viết: 

Tức là niết bàn có nghĩa là không xiềng xích, không trói buộc hay là giải thoát, tự do, tự tại.

 

Tiếng vọng từ hư không:

Không nên “chấp ngữ”!

Không nên chấp vào từ nguyên của Niết Bàn để định nghĩa Niết Bàn là gì!

Ngôn ngữ chỉ là “ngón tay chỉ, chứ không phải mặt trăng”!

Như người kia bị gai đâm vào chân nên : “Khổ”. Bây giờ người ấy “y pháp” để nhổ gai ra, nhờ vậy mà hết đau, nhờ vậy mà hết khổ, nhờ vậy mà giải thoát khỏi cái khổ gai đâm. Nhưng đấy chỉ là cái “giải thoát” đối lập với “khổ”! Thuộc về tâm trí nhị nguyên của chúng sanh không phải của bậc chứng ngộ.

Còn “Niết bàn” như là người chưa hề bị gai đâm nên không có cái cảm giác “giải thoát”!

Lúc mới nhổ gai khỏi bàn chân, người ấy “giải thoát” và rất sung sướng! Nhưng sau đấy một thời gian dài. Người ấy quên mất cái sung sướng khi nhổ gai ra, quên mất “giải thoát”, người ấy tự nhiên như chưa hề bị gai đâm, người ấy bình thường, thì khi ấy mới là “niết bàn”!

 

. . . . .

 

Lời bài viết: 

Cho nên TAM PHÁP ẤN mà chúng ta thường nghe đến là: Khổ - Vô thường - Vô ngã

 

Tiếng vọng từ hư không:

Đây là con đường của Tiểu Thừa, khi nhìn sự việc ở hiện tượng (tướng).  

Còn:  Thường – Lạc – Ngã – Tịnh

Lại là con đường của đại thừa, khi nhìn sự việc ở bản thể (Tánh).

 

Thật ra 2 quan điểm này không hề mâu thuẫn hoặc trái ngược nhau mà trái lại còn bổ túc cho nhau để có cái nhìn toàn diện. Đều là những con đường đi về phía chân lý.

 

Tam pháp ấn cải biên của đạo tràng Mai Thôn: Vô thường – Vô ngã – Niết Bàn

Là đi từ hiện tượng xuyên tới bản thể.

 

Thật ra cũng chẳng có gì mới!

Là ngón tay chỉ trăng, thì thay tay mập hay tay ốm, tay da đen hoặc tay da trắng thì cũng chẳng quan trọng gì!

Quan trọng là phải chỉ đúng mặt trăng chứ không phải cái bóng dưới nước mà mình tưởng là mặt trăng!

. . . . .

 

Lời bài viết: 

Niết bàn là một trạng thái của tâm, trạng thái khi một chúng sinh không bị lừa dối hay không bị ảnh hưởng bởi vòng luân hồi (tự tại với sinh tử luân hồi)

 

Tiếng vọng từ hư không:

Khi nói “Niết bàn là một trạng thái của tâm. . .” thì là “tâm” nào?

Tâm là tâm lý hay tâm là bản thể?!

Nếu tâm là tâm lý, thì tâm lý có giới hạn làm sao chứa cái vô giới hạn là “Niết bàn”!

Nếu tâm là bản thể, thì chính Niết Bàn là Tâm chứ không phải là “trạng thái của Tâm”!

 

Nói “Niết bàn là một trạng thái. . . . thì phải xem lại?!

Như nước sạch chỉ có một dạng. Còn nước bẩn thì mới có nhiều dạng.

Niết Bàn là Niết bàn. . . và không phải là Trạng Thái!

Trạng thái chỉ có khi so sánh với các trạng thái khác! Mà Niết bàn thì phi đặc tính làm gì có trạng thái khác mà so sánh?!

. . . . .

 

Hềhề. . .!

Đây là những lời tán dóc cho vui lúc uống trà. Chứ hơi đâu mà bàn việc tào lao cho mệt:

 

Ta cũng vì ham vui mà tới đây!

Uống trà đi!

Uống xong rồi đi chơi

Làm cũng chơi

Tu cũng chơi

Ăn cũng chơi

Uống cũng chơi

Ngủ nghỉ cũng chơi

Chơi cũng chơi

Không chơi cũng chơi

Nếu nhỡ có thành Phật thì cũng để chơi thôi mà!

Haha. . .ha!

Ta đi đây!

 

Bảy Xị/25/7/2008