Lớp Khí Công Dưỡng Sinh do thầy Thành phát công trực tiếp để trị bệnh cho đồng bào tại nhà Văn Hóa Thành Phố Nam Định/16/7/2008
Sáng sớm, pha một ấm trà, rót ra hai chén sứ nhỏ, một chén mời Bồ Đề Đạt Ma tổ sư, một chén để trước mặt. Thắp hai nén nhang trầm, khói trầm thanh mảnh, ẩn hiển, thay hình biến dạng trầm miên.

Ngước nhìn ra ngoài sân, gió thổi nhè nhẹ, lá cây rung rinh, rung rinh…Tiếng động của mấy người chuẩn bị bán hàng buổi sáng cũng khi vang lên, khi lặng đi, lách cách, lục cục… Mọi thứ đang thay đổi, cả cái tư tưởng trong đầu ta cũng thay đổi liên tục đó thôi… Có tướng thì thành trụ hoại diệt…

Ta có cảm giác, nếu thay đổi mà tự nhiên như thế, như gió thổi, mây bay thì không gượng gạo, chẳng khiên cưỡng, không ai phản đối, chẳng đau đầu…

Giá như mà mọi thứ đều được tự nhiên như thế. Giá như mà nhân viên tự đề nghị thay đổi mức lương, giá như mà phòng ban tự tổ chức lại, giá như mà cán bộ đó tự xin nghỉ việc, giá như mà người tài tự tới … giá như mà lạm phát tự giảm…

Sao trong công việc ở một công ty lại không có mấy cái tự nhiên đó. Để lãnh đạo công ty phải có những quyết định, đôi khi thật khó khăn, thật căng thẳng.

Sao trong xã hội lại không có cái tự nhiên đó. Để chính phủ phải ra nghị quyết, chính sách, cũng chỉ để thay đổi.

Chợt thoáng lên một ý, nếu chẳng tự nhiên được, thì học tự nhiên, học theo cách thay đổi của tự nhiên. Mà cách thay đổi của tự nhiên thì có thể học qua Kinh Dịch.

Ta mở cuốn Kinh Dịch, lật ra hai quẻ nói về thời, và cụ thể hơn, về các thời trong sự thay đổi. Là quẻ thuần Càn, và quẻ Cách.

Ta nhấp một ngụm trà vừa pha, cảm nhận hương trà đang lan xa, thấy trà đang đi dần vào trong, chát, hơi hơi đắng, rồi ngòn ngọt. Ta khẽ chẹp một cái , rồi nhớ lần nghe Thầy nói chuyện về cải cách. “ Con hãy bắt đầu từ cái đinh vít, đừng gắng làm toàn diện, khi cái đinh vít được thay đổi thì cả hệ thống sẽ tự có nhu cầu phải thay đổi”

Ta nhớ Thầy kể chuyện về cây Bon-Sai. “Con đừng sợ sai, cây Bon-Sai nó đẹp vì nó không thẳng, con cứ làm, nó hơi nghiêng một chút rồi chỉnh lại…cong cong, uốn uốn vậy mà lại đẹp” rồi hai Thầy trò cười hề hề .

Ta nhớ lại một tư tưởng của Duy thức  “ Đường thẳng chỉ có trong tâm trí”. Không có đường thẳng tới thành công.

Ta nhớ Lão Tử chép miệng bảo “ trị dân như nấu cá bé”. Động chút mà cũng thò tay vào ngoáy thì nó nát bét.

Ta nhớ quẻ Tiểu Quá nhắc việc nhỏ thì phải cố gắng làm mới thành công. Mà việc lớn nào mà không bao gồm nhiều việc nhỏ cơ chứ.

Ta nhớ quẻ Đại Quá nói việc lớn thì phải ung dung, nhàn tản thì mới làm được. Cải cách lớn cần một kế sách hay, cần tâm tịnh và huy động , gắn kết tập thể, toàn dân, hơn là cắm cúi, cặm cụi ngày đêm, làm cho nó có vì phải làm.

Ta nhớ trong Nam Hoa Kinh của Trang Tử, người thợ mổ bò lóc thịt con bò chỉ trong vài khoảnh khắc, tới nỗi chín năm dùng con dao đó mổ bò mà con dao không cùn. Tạm gọi là thuận theo cái đang đổi mà đưa con dao cải cách đi cùng chiều chướng ngại. Nương chướng ngại mà lách đi.

Và ta hiểu, viết cái gì đó về cải cách là vô nghĩa, ấy vậy mà cái viết nó cứ viết, gió thổi ngoài kia làm rung ngọn bút trong này.

Trong những cái mà ta đã nhớ lại, có một điểm chung: đó là cải cách chỉ nhằm một mục đích là làm lợi cho mọi người, đừng vì bản thân mình mà cải cách. Rộng thì lợi cho chúng sanh , lợi lạc cho nhân dân trong một nước, hẹp thì làm lợi cho cả tập thể. Ta tạm gọi đó là mục đích của cải cách. Nếu ta chỉ vì không thích người đó mà thay đổi thì chẳng thành, nếu ta chỉ về cái danh vọng của mình mà có quyết sách, thì chẳng thành. Đấy là cái ta cảm thấy là quan trọng nhất. Cái mà ta luôn giữ trong tâm trong quá trình thực hành cải cách.

Thứ nhì, ta nhớ, cải cách cũng tùy thời, nó cũng trải qua những giai đoạn thế này:

1.     Giai đoạn một, ta mới thoáng có ý định cải cách. Dịch khuyên ta mới chỉ có ý định thì đừng vội làm, cứ để đó, cho ý định chín đã. Ta tịnh tâm quán sát, nếu việc cải cách là thực sự cần thiết, những băn khoăn sẽ được vượt qua, ta sẽ tự tin rằng việc cần phải thay đổi là có thật, ta chuyển sang thời kỳ hai. Ở giai đoạn một này, nếu ta nóng vội thực hiện cải cách ngay thì sẽ hỏng việc.

2.     Giai đoạn hai, khi ta đã thấy việc cải cách là thực sự cần làm, Dịch khuyên ta nên đi kiếm đại nhân mà hỏi, đó có thể là một cuốn sách, một bài báo, đó là thể là một chuyên gia giàu kinh nghiệm, đó có thể là một bậc đạo sư. Đó có thể chính là một nhân viên trong bộ phận mà ta định thay đổi. Khi ở thời này, nếu ta không hỏi, không học, không chuẩn bị kỹ càng thì việc cải cách sẽ thất bại. Nếu ta làm được như Dịch khuyên, thì sẽ tới thời ba.

3.     Giai đoạn ba là ta thực hiện hành động cải cách, ta ban bố các quyết định, ta thực hiện thay đổi. Dịch khuyên ở giai đoạn này cân nhắc kỹ nội dung của cải cách, sau khi cân nhắc kỹ rồi, ta ban bố quyết định và phải cần mẫn, chăm chỉ, mọi sự thay đổi đều tạo thêm việc phải để ý, ta phải làm việc ngày đêm, cần cố gắng nhiều hơn thường ngày. Nếu ở giai đoạn này, ta thiếu cân nhắc, nóng vội ra quyết định thì hỏng việc. Ta không chu đáo, theo dõi kỹ càng việc cải cách thực hiện thế nào, việc cũng hỏng. Ta không dồn sức lực cho việc cải cách, cũng hỏng. Làm như Dịch khuyên, ta sẽ tới giai đoạn bốn.

4.     Thời này là lúc hiểm nguy , việc cải cách rất dễ thất bại nếu trong ba thời trước ta làm không đúng được theo những gì tự nhiên nó thế theo Dịch Lý. Ta thiếu những đồng vốn cuối cùng để thực hiện cải cách. Đối tượng của cải cách phản ứng quyết liệt, nhất là khi cái tôi của nó bị động chạm quá nhiều. Nếu ta hiểu đó là ngoại cảnh tất yếu, một thời tất yếu của việc cải cách, và ta làm theo lời khuyên của Dịch, cứ vững tâm, mình làm vì mọi người, cứ động viên mọi người cùng thay đổi với mình thì sẽ thành công. Đây là lúc tuyệt đối không hối hận, không bỏ nửa chừng. Đây là lúc phải kiên định thực hiện cho hết công cuộc cải cách. Còn một bước, hãy gắng sức nhảy qua cái vực đang chờ sẵn. Hãy làm cái việc tưởng như không thể làm. Thế thì tới hào năm, tới thời năm

5.     Cải cách thành công, những gì mà ta mong muốn vì mọi người đã hiện ra, một niềm an lạc và hạnh phúc bao la của những con tim đồng cảm. Hãy im lặng lắng nghe tự nhiên, nó nói: Đừng quá vui mừng, hãy tiếp tục học hỏi, hãy hạ mình xuống, hỡi bậc quân vương, hãy thân dân, hãy tiếp cận với thực tế. Hãy coi mỗi người dân là Thầy mình, hãy coi mỗi nhân viên là một vị thiện tri thức , đang chỉ bảo cho mình. Nếu làm được như thế, thì kết quả của việc cải cách sẽ được duy trì bền lâu.

6.     Việc gì cũng tới thời kết của nó. Việc cải cách cũng vậy. Mọi việc dường như đã xong, trong thâm tâm ta biết, đa số đang vui mừng , một số ít thì bên ngoài vui, bên trong đắn đo, suy tính. Vẫn rớt lại vài chuyện chưa thật ổn, vẫn rớt lại vài kẻ ý này, lời nọ, tâm chống đối vẫn còn. Dịch khuyên ta, đừng cố. Thầy nói đùa “này con, kệ nó, uống trà đi”

Trà vẫn còn nóng ấm, cây nhang thì đã không còn, chỉ còn mùi hương trầm vẫn lan tỏa đâu đây. Mùi hương của hư không, thông trời, thông đất, thông mênh mông. Mùi hương của lòng từ bi từ một người Thầy. Mùi hương của cái tự nhiên biết, tự nhiên làm. Mùi hương của cái ta nơi người học trò đang được chuyển hóa, mùi hương của tri kiến đang được rũ bỏ. Mùi hương của sự đồng cảm, của rung động bao la…

“…

Chẳng đi,

chẳng đứng,

chẳng ngồi,

cùng trôi…”

 

Trần Duy Tưởng/