Niết bàn!?
Hồi nhỏ đi đến chùa theo mẹ. Thấy Phật hiền hòa , thân thiện và thật dễ thương. Lớn lên đôi chút, càng thấy thương Phật, đem lòng tìm hiểu đạo pháp.Nhớ mãi và thấy thương hoài cái câu "Ta là phật đã thành và các con là phật sẽ thành "của Đức Bổn sư khi ngài phát biểu với các môn đồ của Ngài và chúng sinh. Sao mà hiền hậu, chơn chất và khiêm nhường đến thế!?

Mình ngỏ ý xuất gia, lên chùa học đạo và tu tập. Mẹ rươm rướm nước mắt bảo: "Con ơi, tu đâu cho bằng tu nhà, thờ cha kính mẹ ấy là đi tu".

Mình biết mẹ không đồng ý, sợ bà buồn lòng nên thôi. Câu nói của mẹ hình như của 1 vị bồ tát nào phát biểu. Mình không nhớ vị bồ tát nào nhưng thấy đơn giản quá mà hay quá, thế là từ đấy mình theo ý của mẹ và tu tập tại nhà.
Sống giữa đời nhiều khó khăn vất vả, theo phụ giúp mẹ làm ăn kiếm sống lam lũ, mới biết bao điều chồng chất lên vai mẹ. Ngày vẫn qua ngày với lắm lúc vui, nhiều lúc buồn!
Những ngày rảnh rang, mang kinh kệ và pháp Phật ra đọc. Thấy có nhiều điều khó hiểu không biết hỏi ai. Mà hỏi thì sợ bị chê là kém kỏi và ngu dốt, nên thôi...
Cứ để bụng vậy, cứ suy nghĩ theo cách của riêng mình rồi đem lòng ghét mấy ông môn đồ, đại đệ tử của Phật.
Bởi vì mình cứ nghĩ Phật hiền hòa, dễ thương khiêm nhường, nói nghe dễ hiểu mà sao mấy ông đại đệ tử diễn dãi, luận bàn, khai thác ra sâu xa bí hiểm vậy?!?

Ví như cái chuyện"Thập bát giới quán "cũng làm mình nản lòng không sao mà ngồi thiền cho được. Mỗi thứ lại có mỗi loại binh đao đặt trị để khống chế nữa chứ!? Làm sao mà mình thành Bồ Tát, thành Phật đây.

Nghĩ đến đây làm mình càng nhớ đến Phật và mình quyết tâm chỉ nghĩ đến Phật thôi.

Suốt bao nhiêu năm, mỗi lần ngồi là mình lại nhìn thấy nụ cười hiền hòa của Phật, đôi mắt lim dim cùng với khuôn mặt hiền hậu ấy. Chỉ có thế thôi và mình đã được hòa nhập vào bản thể của người để đi khắp muôn nơi theo ý muốn của mình...
Mình đã đạt được gì? Đã chứng được gì thì mình xin giấu vì nói ra e không được hay. Có điều nói nhỏ nhau nghe là mình rất khỏe mạnh và không đau ốm gì cả và có thể làm lụng cả ngày mà không biết mệt. Đó là một sự an lạc lớn lao cho bản thân mình, cho anh em trong nhà và cả cho ba mẹ nữa. Mình đã truyền niềm tin yêu, sức khỏe dẻo dai ,bền bỉ và an vui cho gia đình.
Có thể có người cho đó là người có cơ địa tốt, cuộc sống có đầy đủ điều kiện. Nhưng mình biết là không phải vậy, chỉ là do mình kiên trì và bền bỉ tập luyện mà thôi. Công phu mà!!
Sẽ nói nhỏ cho nhau nghe nhiều chuyện nữa. Chào đoàn kết, tin yêu

 

DanhTran/

. . . . .

 

Bình luận bài viết trên:

 

Trong một giờ học văn.

Thầy giáo già có tên là Đại Thừa đang giảng về Truyện Kiều của đại thi hào nước ta là Nguyễn Du.

Ông giáo già trân trọng đọc mấy câu thơ mà cụ Tố Như đã tả Thúy Vân:

. . . .

Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang

Hoa cười ngọc thốt đoan trang

Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da

. . . .

Sau khi đã phân tích tỉ mỉ và hết lòng ca tụng văn tài của nhà đại thi hào trong mấy câu thơ trên. Ông thầy hỏi học sinh ai có ý kiến gì không.

Một cánh tay đưa lên, rồi một người học trò có tên là DanhTran đứng lên phát biểu ý kiến:

 

-        Thưa thầy, sao mà cái ông Nguyễn Du rắc rối thế! Cứ nói giản dị dễ hiểu có hơn không, nói gì mà bóng gió xa xôi khó hiểu thế không biết!

 

     Cái mặt của Thúy Vân tròn thì cứ nói tròn sao lại nói “khuôn trăng”. Nếu thiệt nó tròn vành vạnh như mặt trăng thì khó coi quá!

 

Lông mày Thuý Vân thì cứ nói đại là lông mày, nói "Nét ngài" làm chi cho khó hiểu thế! Đúng là cầu kỳ rắc rối, sâu xa bí hiểm! 

 

 Miệng Thúy vân cười thì cứ nói cười đi, sao lại nói “Hoa cười” rắc rối khó hiểu thế!

 

Tóc mượt thì nói tóc mượt, lại nói “mây thua” khó hiểu quá, rắc rối quá!

 

Còn da trắng thì cứ nói đại là da trắng để ai cũng dể hiểu, sao lại phải cứ cầu kỳ nói "Tuyết nhường” làm gì thế!

 

Thưa thầy, theo ý em thì ông Nguyễn Du khó hiểu, cầu kỳ, không khiêm nhường giản dị như những người nông dân mà em đã thường gặp ở đồng ruộng quê nhà. Thế mà tại sao mọi người đều ca tụng ông ta, thế mới lạ!

 

Em nghĩ chắc mọi người đều điên cả rồi!

 

Bởi vậy, thưa thầy em ghét cái ông Nguyễn Du quá! mà thương những người nông dân giản dị khiêm nhường chân chất ở quê em biết chừng nào!. . .

 

Em tu học đã lâu rồi, đã chứng đắc nhiều điều. Em chỉ không tiện nói ra mà thôi!

 

Nhưng cái chứng trước tiên là em biết cái ông Nguyễn Du mà Thầy và mọi người ca tụng không đáng là đại thi hào chút nào cả!. . . hềhề. . .!

 

Ông giáo già:

-        ! . . . . .

 

Năm Đờn Cò/14/7/2008