Mây đi chơi
. . . . . Thưa Cụ Tưởng Vậy! Con muốn Cụ nghe con kể lại câu chuyện này: Ý là… cách đây cũng lâu lắm rồi (quãng chừng sáu, bảy năm gì đó), Thầy của con cho cả lớp chữa bệnh bằng lá trầu và hoa hồng... Cách này thì tất cả các học viên đi học khí công đều biết, không có gì lạ. Nhưng điều đặc biệt là, mỗi người phải chọn được “học cụ” trong tình trạng đắc khí, thì hiệu quả chữa bệnh mới cao (sau này con mới hiểu, đó là bài học về linh giác) - Nhưng vẫn chưa phải là điều mà con muốn hỏi Cụ.

Kết thúc buổi học, Thầy và trò cùng uống trà, Thầy con nói:

-        Những người khi tìm lá trầu và hoa hồng chữa bệnh, nếu mở mắt ra thì sẽ bị ngứa tại vùng ổ bệnh.

Một số người thưa:

-        Con tìm được lá trầu nhưng không bị ngứa…

 

Ôi! Riêng con…

Con kể không được mạch lạc. Nhưng, buồn cười lắm Cụ ạ, mọi người nhanh lắm, mỗi mình con là không thể nào di chuyển được, chỉ xoay người sang một hướng khác rồi ngồi im. Tiếng của mọi người thao tác chữa bệnh làm con sốt ruột quá, chẳng lẽ mình phải về “tay không” ư? (một ý nghĩ đã khởi lên như vậy). Nên con cứ nghe theo hướng của Thầy nói mà tiến đến… chắc là thương lòng lắm, Thầy đặt mạnh cái đĩa bên cạnh chỗ con ngồi… cầu được ước thấy, cuối cùng, con cũng có được lá trầu để chữa bệnh.

Lúc đó con thật sung sướng (vì Thầy con thay đổi vị trí để “học cụ” liên tục, nếu không giữ tịnh thì không thể nào tìm ra).

Chẳng dám hỏi, nhưng con thấy mình không có hiện tượng như Thầy vừa nói trên…

 

Tiếp sau, một em gái hỏi cách chữa bệnh ngoài da trên vùng mặt, Thầy lại hỏi:

-        Con lấy được cái gì?

-        Con lấy được lá trầu ạ!

-        Có bị ngứa không?

-        Con thưa Thầy, không ạ!

Cả lớp đã cười ầm lên thật sảng khoái sau khi nghe Thầy nói:

-        Nếu thấy ngứa mới khỏi!

Câu chuyện của con thật dài dòng…

Nếu đó chỉ là một kỷ niệm vui thì con cũng không tâm sự với Cụ để làm gì. Con đã mang thắc mắc này đến tận bây giờ, cũng mới chỉ hiểu được đấy là pháp phương tiện của Chư Tổ, nhưng để hiểu hết liễu nghĩa thì thật là khó…

Nay, con nghe người ta nói: Trước khi có công án thiền chỉ là Cơ xảo của Chư Tổ. Câu chuyện con vừa kể, hình như có liên quan gì đó đến vấn đề này, con chưa được rõ.

Con rất mong Cụ giúp cho con giải được những thắc mắc này, và  những điều mà  con thắc mắc đó có phải là nghi tình không?

 

Chi Mai.etc

. . . .

 

Nói nhỏ nhau nghe:

 

1.     Thật ra khi nhắm mắt, tai không nghe tiếng động gì, cái khay đặt lá trầu và hoa hồng thay đổi vị trí liên tục, thì không thể dùng giác quan của thể vật lý để “Biết” được. Do vậy không thể tìm thấy được. Thế mà khi đắc khí và đại thủ ấn hiển thị, nghĩa là ngoài thể vật lý, thể năng lượng và thể linh hồn cũng đang có mặt, thì người thực nghiệm có thể tự tìm đến vị trí cái khay để tự chọn lá trầu hay hoa hồng làm học cụ để tập. Thì người ấy phải có một “Cái biết thuần khiết” hay còn gọi là “Tánh biết” biểu thị. Và khi làm được điều ấy thì chứng tỏ “Thể nhận biết” của thiền cũng đang có mặt.

2.     Thầy ngươi bảo “mở mắt ra khi tìm” thì sẽ bị ngứa ở vùng ổ bệnh. Đó là ngài dùng phương tiện thiện xảo để đánh lừa các ngươi. Thật ra mở mắt khi tìm “lá trầu và hoa hồng” thì sẽ không có hiện tượng ngứa ở vùng ổ bệnh vì người ấy thất niệm nên năm thể không có mặt.  Năm thể ấy là: thể vật lý, thể năng lượng, thể linh hồn, thể nhận biết và thể phúc lạc. Nếu ngươi ở trong trạng thái thiền và “cái biết thuần khiết” khiến ngươi tìm được”học cụ” không qua giác quan của thể xác thì ngươi phải đắc khí ở vùng ổ bệnh do đó tại vùng ấy sẽ có các cảm giác: tê, nóng, nặng, ngứa, da thịt vùng ấy co giật nhẹ. .v v. . . Chứ không phải chỉ có ngứa thôi đâu!

3.     Một số người thưa:

-         Tìm được lá trầu nhưng không bị ngứa.

Tưởng nói như vậy là chứng tỏ mình không mở mắt mà vẫn tìm được. Nhưng thật ra điều ấy chứng tỏ người ấy mở mắt khi tìm nên thất niệm mới không đắc khí tại vùng ổ bệnh. Và ngươi cũng vậy, tuy không mở mắt, nhưng ngươi đã dùng tai để lắng nghe tiếng Thầy ngươi đặt cái khay ở đâu để lần đến nên cũng bị thất niệm như họ, nên ngươi cũng tìm được lá trầu mà không bị ngứa!. . .

4.     Sự việc tưởng vậy chứ không phải vậy. Thầy ngươi đã dùng “cơ xảo” để các ngươi có một thí dụ sinh động minh họa về “cái biết thuần khiết” hay “tánh biết”. Chứ các ngươi không nên trụ vào pháp thuật ấy thì sẽ bị lạc vào thần thông, không đúng chánh giáo của Như Lai.

 

Đến đây ta tưởng cũng nên nói thêm, thế nào là “cái biết thuần khiết”:

-        Thường thì khi ngươi biết thì phải biết về một cái gì, về một vấn đề gì. . . Nếu không có một nguyên nhân thì sẽ không có việc biết. Và thông tin về đối tượng của “biết” thì ngươi thu nhận qua giác quan.

-        Bây giờ “cái biết thuần khiết” là tự thân “cái biết” cứ biết mà chẳng cần có đối tượng để biết, chẳng cần có nguyên nhân để biết. Cái biết như vậy là thuần khiết vì không lệ thuộc bên ngoài nó.

-         Đây là yếu chỉ của bát nhã thế nhưng rất khó hiểu nếu không có thí dụ để minh họa. và bài tập thiền sáu năm về trước thầy ngươi đã dùng không phải là “cơ xảo” mà chính là một “thiền cơ” để các ngươi phá nghi về “Tánh biết tự biết”.

 

     Này Nhóc sao ngươi không hỏi ta:

-         Đưa vấn đề “tánh biết” ra để làm gì? Sao không chỉ tụng kinh niệm Phật làm lành lánh dữ, giữ giới là đủ, cần chi phải bàn những điều cao siêu như vậy có phi thực tiễn không?

    Tuy thế nhưng ta cũng nói cho ngươi hay:

-         Tu mục đích không chỉ thành người tốt, mà còn phải thực chứng giác ngộ nữa. Đối với Thiền nghĩa là ngươi phải biết:

      Tôi là ai?

      Cái người đang nhận biết này là ai? 

Thế thì khi ngươi đang nhận biết. Người nhận biết nhất định không phải là đối tượng đang nhận biết. Vì giữa người đang nhận biết và đối tượng bị nhận biết nhất định phải có khoảng cách, phải không trùng nhau thì mới nhận biết được.

Thế thì ngươi hãy biến tất cả thành đối tượng của sự nhận biết: Thân và tâm thức này, pháp giới chung quanh, Phật Trời, Thần Thánh, Thần tượng. . .v.v. . . tất cả mọi thứ có hình dạng và đặc tính. Ngươi nhận biết được các đối tượng này, thế thì người đang nhận biết hay "con người thật" của ngươi đều không phải tất cả những thứ này. . . .

Cuối cùng tất cả đều bị loại trừ, chỉ cái người đang nhận biết còn lại mà không có đối tượng nào có đấy để làm căn cứ cho sự “Biết”. Mô Phật đấy là "cái biết thuần túy” hay “tánh biêt tự biết”.

Này Nhóc, cái còn lại sau khi bỏ đi mọi sự. Nó chính là ngươi, cái con người thật, hay là cái người đang nhận biết.

 

Mô Phật, quá trình tìm lại chính mình là như vậy. . .như vậy. . .!

Bài tập thiền sáu năm về trước chỉ là một thí dụ minh họa để phá nghi về “tánh biết tự biết” để các ngươi khỏi nghi ngờ là đi tìm một cái không hiện hữu!

 

Mô Phật, ta tưởng vậy chứ chưa chắc đã vậy. Nếu ngươi muốn biết rõ sao không tham vấn ở chỗ Thầy ngươi.

 

Tưởng Vậy/2/4/2008