" ... Chúng ta đã nghe về sự chán chường và lạnh nhạt là những bước trên đường đến giải thoát và tự do. Chúng không thể có ý nghĩa và tác dụng nếu không có một quan kiến về một thực tế hoàn toàn khác biệt, một thực tế không nằm trong sự đa dạng của thế gian. Khi ta ngồi thiền mà bắt đầu suy luận, đó là cám dỗ của sự đa dạng hoá và bành trướng, phóng tâm. Yếu tố Niết bàn là một, không đa dạng. Ta có thể nói nó không hàm chưa những gì ta biết. Cho đến khi thấy được như thế, thế gian tiếp tục đặt tên cho nó, nhưng ta không cần phải tin như thế. Đó là một công tác khó khăn. Ta phải tự cảnh giác luôn, nếu không sẽ bị cám dỗ lôi cuốn. Ta không nên ngạc nhiên khi ta không tìm thấy hạnh phúc, sự đa đoan, đa dạng không thể tạo hạnh phúc, chỉ tạo vọng mống. Chắc chắn là ta có thể chứng nghiệm khoái lạc qua các giác quan. Ta sẽ được nhiều dịp như thế nếu ta tạo nghiệp lành. Thức ăn ngon, phong cảnh đẹp, đối tác dễ thương, âm nhạc du dương, sách hay, nhà cửa thoải mái, không có tật bệnh khó chịu. Nhưng những điều này có mang lại một hạnh phúc toàn bích không ? Nó đã không xảy ra trong quá khứ, tại sao nó sẽ phải xảy ra trong tương lai? Đạo và Quả mang lại hạnh phúc vì chúng không hàm chứa hiện tượng. Tánh không không thay đổi, không trở nên khó chịu mà cũng không thiếu vắng sự bình an, vì không có gì để chao động nó. Khi người ta nghe hoặc đọc về " Niết bàn", người ta nói ngay là: " Làm thế nào mà tôi có thể không mong muốn gì cả?" Khi ta đã thấy mọi cái ta muốn chỉ là để trám đầy sự trống rỗng bên trong và đều bất toại ý, lúc đó là lúc ta không muốn gì cả. Điều này vượt qua sự "không mong cầu " vì giờ đây ta chấp nhận rằng trong thực tế không có gì đáng để sở hữu. Không mong muốn điều gì sẽ giúp ta có thể thực chứng được rằng thật ra không có gì cả - chỉ có một sự yên lặng và an bình.
Trà xanh/
. . . . .
Pha trà theo yêu cầu:
... Chúng ta đã nghe về sự chán chường và lạnh nhạt là những bước trên đường đến giải thoát và tự do.
Chán chường và lạnh nhạt không thể là trạng thái tâm lý khi tu giải thoát nhằm thực chứng tự do tuyệt đối.
Chúng không thể có ý nghĩa và tác dụng nếu không có một quan kiến về một thực tế hoàn toàn khác biệt, một thực tế không nằm trong sự đa dạng của thế gian
Tất cả các “Quan kiến về. . .” đều là sản phẩm của tâm trí nhị nguyên và như vậy khác xa với cái thấy “Như thị” của Phật đạo!
Tất cả hiện tượng đều từ bản thể biểu thị mà thành, cho nên không thể nói có một thực tế mà lại không nằm trong sự đa dạng của thế gian. Phải chăng đã có sự lẫn lộn giữa Tánh và Tướng, giữa bản thể và hiện tượng ?!
Yếu tố Niết bàn là một, không đa dạng. Ta có thể nói nó không hàm chứa những gì ta biết.
Không thể nói ‘Yếu tố Niết bàn” được vì Niết bàn là bản thể, là tánh, nên Toàn Diện và bất khả phân. Vậy từ yếu tố là dùng hoặc dịch không chuẩn!
Không thể nói Niết bàn là Một được, mà phải nói nó là “Bất Nhị” tức Không hai !
Không thể nói Niết bàn không đa dạng được vì nó bao gồm cả bản thể và hiện tượng nên nó là Chân Không mà Diệu Hữu. Bởi vậy mọi sự đa dạng và mọi hiện tượng đều thuộc niết bàn! Nên những bậc giác ngộ đã thực chứng Niết Bàn có thể tùy duyên hiển tướng (Bồ tát) mà vẫn không xa rời tánh (Phật).
Không phải “nó không hàm chứa những điều ta biết. . .” mà là: Nó vừa chứa mà lại vừa không chứa. . . Nó là VÔ!
Ta phải tự cảnh giác luôn, nếu không sẽ bị cám dỗ lôi cuốn.
Làm như thế không bị cám dỗ lôi cuốn nhưng lại bị “Cảnh giác” lôi cuốn! Và như vậy là thay xiềng sắt bằng xiềng vàng mà lại muốn tự do ư ?!
Do vậy không phải cái Tôi phải luôn cảnh giác, mà cái cảnh giác tự nó cảnh giác một cách vô ngã!
sự đa đoan, đa dạng không thể tạo hạnh phúc, chỉ tạo vọng mống.
“Sự đa đoan đa dạng. . .” không thể tạo hanh phúc hay làm mất hạnh phúc. Vấn đề là trạng thái tâm của mình trước các sự việc ấy thế nào?!
Không phải “Gió động, không phải phướn động, mà là tâm của ông đang động”!
Nhưng những điều này có mang lại một hạnh phúc toàn bích không ?
Như vậy tu là chỉ cốt nhằm đạt hạnh phúc toàn bích sao? Chê cái hạnh phúc thế gian là ít ỏi là vô thường nên muốn tìm cầu cái hạnh phúc toàn bích và trường cửu sao? Nếu thật như vậy thì chẳng phải Phật đạo vì cũng là một dạng Tham, khác gì chúng sanh vô minh?!
Đạo và Quả mang lại hạnh phúc vì chúng không hàm chứa hiện tượng.
Tất cả mọi sự mọi vật đều biểu thị qua hiện tượng. Bản thể tuy là một thực thể nhưng thực thể ấy không thể tồn tại như là một tự tánh độc lập, mà luôn phải song hành với hiện tượng. Như nước không thể biểu thị nếu không có bình đựng. Phật cũng không thể có nếu không có chúng sanh! Chúng sanh chính là hiện tượng của Phật tánh.
Bởi vậy không thể có một cái gọi là : “Đạo và Quả” tồn tại như một thực thể mà lại không hàm chứa hiện tượng.
Tánh không không thay đổi, không trở nên khó chịu mà cũng không thiếu vắng sự bình an, vì không có gì để chao động nó.
Không nên chấp vào “tịch diệt không không”!
Không có gì có thể chao động nó, nhưng nó lại luôn biểu thị qua hiện tượng không ngừng nghỉ, miên viễn, không đầu không cuối.
Quan niệm cho rằng có một cái “tánh không”, rỗng không, luôn yên lặng và không hàm chứa hiện tượng là đang lạc vào “ngoan không”!. . . . .
Không mong muốn điều gì sẽ giúp ta có thể thực chứng được rằng thật ra không có gì cả - chỉ có một sự yên lặng và an bình.
“Mong muốn” và “không mong muốn” thực ra là 2 cực của tâm trí nhị nguyên. Đều luẩn quẩn trong vòng trói buộc của cái Tôi . Như thay xiềng sắt bằng xiềng vàng để tìm sự yên lặng và an bình.
Như người kia sợ con trai mình ra đường giao du với chúng bạn sinh hư, bèn lấy cái xiềng vàng xích chân người con ấy vào gốc cột ở nhà. Người con ấy không thể hư vì theo chúng bạn đuợc nhưng sẽ chết dần chết mòn vì bị tù túng.
Phải chăng đấy cũng là sự yên lặng và an bình khi “Không mong muốn điều chi” ! ! !
Hai Lúa/10/3/2008