Ta là bướm hay bướm là Ta?
Đạo và quả Có một Thiền sư nói rằng : " Đức Phật nói về hai hạng người, người tầm thường ( phàm nhân ) và người cao sang ( thánh nhân ). Dĩ nhiên ai cũng mong ước trở thành thánh nhân, nhưng nếu chúng ta chỉ mong cầu điều đó trong một tương lai nào đó, ta sẽ không đạt được. Sự khác biệt giữa một thánh nhân và phàm nhân là sự thực chứng về " đạo " và " quả ". Giây khắc đầu tiên khi tâm thức đạt đến trạng thái siêu thế này được gọi là Dự lưu và người chứng nghiệm điều đó được gọi là dự lưu nhân, người nhập dòng suối đưa đến Niết bàn. ...

...Yếu tố phân biệt một thánh nhân với một phàm nhân là sự đoạn diệt ba kiết sử đầu tiên đã trói buộc ta vào luân hồi miên viễn. Ba kiết sử này là: thân kiến, hoài nghi và giới cấm thủ. Người nào chưa phải là bậc Dự lưu thì người ấy vẫn còn bị trói buộc vào ba loại tà kiến và hành động sai lầm vốn đem ta xa rời sự tự do và đưa ta vào trói buộc....

... Lễ nghi và cúng tế tự chúng không phải gây nhiều điều hại, chỉ khi nào ta tin tưởng đó là một phần của con đường đến Niết bàn thì mới có hại. Chúng không cần phải có tính tôn giáo, dù rằng ta thường nghĩ thế. Những hành động như dâng hương hoa trên bàn thờ, quỳ lạy hoắc tham gia vào các cuộc lễ có thể tích tụ phước báo để tái sinh vào các cõi trời. Sự thành tín kính trọng và biết ơn đối với Tam bảo ( Phật, Pháp, Tăng ) mới là điều quan trọng. Nhưng ngay cả lòng tin này cũng không chỉ giới hạn vào các hoạt động tôn giáo. Mọi người đều sống với lễ nghi và cúng tế, cho dù có khi ta không ý thức về chúng. Trong sự tương giao của con người, có những cách thức quy định để giao tiếp với cha mẹ, con cái, vợ chồng. Ta phải xử sự thế nào trong công việc, với bạn bè, với người lạ, ta mong người khác đối đãi như thế nào, tất cả những điều này đều liên kết với những định kiến về sự đúng đắn và thích hợp trong một văn hoá và truyền thống nào đó. Không một điều nào có hàm chứa chân lý, bởi vì chúng chỉ là do tâm tạo ra. Ta càng có nhiều ý kiến ta càng xa rời thực tế. Ta càng tin tưởng vào chúng, ta càng khó gỡ bỏ chúng. Khi ta tưởng ta là một loại người nào đó, ta sẽ có giao tiếp như thế trong mọi tình huống. Điều này xảy ra chẳng những trong phương cách ta chưng hoa trên bàn thờ mà ngay cả trong cách ta thù tiếp người khác, nếu ta làm theo một nghi lễ tiên định nào đó và không theo cách mà tâm rộng mở của ta sai khiến ta....

... Quan kiến ta có về chính ta là kẻ thù độc hại nhất của ta. Mỗi người tạo ra một cá tính, một mặt nạ để mang và ta không muốn thấy những gì phía sau mặt nạ đó. Ta cũng không cho phép người thấy những điều đó. Sau khi đắc tâm Đạo, sự che dấu đó không còn nữa. Cái mặt nạ, sự sợ hãi và xua đuổi hiện ra rõ ràng...

... Tuy nhiên không có gì để chứng đắc, mà tất cả cần phải được xả bỏ. Nếu không làm như thế, chập tâm đạo sẽ không xảy ra và ta tiếp tục sống như trước: bị khổ não hành hạ và ràng buộc, trải qua các sự khen chê, được mất, sang hèn, vui buồn. Các vấn đề thông thường tạo ra bởi cái " ngã " - sẽ lại sinh ra, rồi cứ thế sinh ra mãi. Sự thay đổi thực sự chỉ đến khi nào có được một thay đổi rốt ráo về phương thức ta nhìn về ta. Nếu không, các khó khăn vẫn tồn tại như cũ vì đó là do một người như xưa tạo ra chúng....

...Có chánh niệm trong và ngoài lúc hành thiền là phương cách tu tập để mang lại kết quả. Có nghĩa là giờ nào việc ấy, chú ý qua thân và trong tâm. Khi nghe pháp chỉ chuyên tâm nghe. Khi ngồi thiền chỉ chú tâm vào đề mục hành thiền. Khi trồng cây, chỉ biết trồng cây. Không kiểu cách, không phán đoán. Đó là để cho tâm ý được quen dần trong sự sống từng giây khắc. Làm như thế thì chập tâm Đạo mới xảy ra. Không phải ở một tương lai xa xôi, mà có thể xảy ra ngay trong lúc này và tại nơi đây. Không có lý do gì mà một thiền sinh có đủ trí khôn, khoẻ mạnhvà quyết tâm lại không thể đạt được điều đó với lòng kiên nhẫn và trì chí. ...

... Ni sư AYYA KHEMA - BINH ANSON lược dịch .

 

. . . . .

 

Pha trà mời khách:

 

Đức Phật nói về hai hạng người, người tầm thường ( phàm nhân ) và người cao sang ( thánh nhân )

 

Căn cứ tiêu chuẩn nào để phân thành 2 loại người cao thấp khác nhau như vậy?

Nếu căn cứ vào tiêu chuẩn có sẵn trong tâm thức mình để phán xét so sánh và phân loại, thì đó là tâm trí nhị nguyên của chúng sanh. Nó cũng là tâm thức xã hội hay tâm lý đám đông tại thời điểm có nhận xét ấy.

Còn nếu là bậc giác ngộ thì cái thấy phải là “như thị” không hàm ý phán xét!

Bởi vậy nếu đây thật sự là lời đức Phật nói thì nó chỉ có giá trị như là phương tiện thiện xảo của ngài chứ vấn đề không phải vậy!

Như người kia nhắm mắt thì không thấy gì. Mở mắt thì thấy tất cả, chứ không phải thấy từng phần rồi từ từ mới thấy hết.

Bởi vậy trên con đường truy tìm chân lý, chỉ có 2 trạng thái. Một là Giác Ngộ, hai là Vô Minh. Tất cả những cái thấy như là thấy từng phần, chứng ngộ từng phần đều là cách nói để khuyến tu chứ vấn đề không phải vậy!

Cho nên bậc Dự Lưu và các bậc cao hơn nhưng chưa thành Phật, thật ra cũng còn trong tâm trí, cũng là một dạng vô minh kiểu khác mà thôi!

Cách phân chia như vậy phải chăng để cho người đang cố công tu tập khỏi chán ngán vì tưởng mình cũng đã chứng đắc được cái gì đấy rồi? Chứ vấn đề thì không phải vậy?

. . . . .

 

Dĩ nhiên ai cũng mong ước trở thành thánh nhân,

 

Nhưng mỗi người sẽ có một kiểu thánh nhân khác nhau chứ không phải ai cũng muốn thành thánh nhân theo kiểu người viết muốn!

. . . . .

 

Giây khắc đầu tiên khi tâm thức đạt đến trạng thái siêu thế này được gọi là Dự lưu

 

Không có giây khắc đầu tiên. Vì giữa vô minh và giác ngộ là tức khắc tức thì không có sát na nào. 

. . . . .

 

và người chứng nghiệm điều đó được gọi là dự lưu nhân, người nhập dòng suối đưa đến Niết bàn. 

 

Không có dòng suối nào đưa tới Niết Bàn cả, vì ranh giới chỉ là cực mong manh, là tức khắc, không kẽ hở! !

. . . . .

 

Người nào chưa phải là bậc Dự lưu thì người ấy vẫn còn bị trói buộc vào ba loại tà kiến và hành động sai lầm vốn đem ta xa rời sự tự do và đưa ta vào trói buộc....

 

Bậc Dự Lưu cũng chưa thật sự được tự do và vẫn còn trói buộc vì chưa thành Phật!

. . . . .

 

... Lễ nghi và cúng tế tự chúng không phải gây nhiều điều hại, chỉ khi nào ta tin tưởng đó là một phần của con đường đến Niết bàn thì mới có hại. Chúng không cần phải có tính tôn giáo, dù rằng ta thường nghĩ thế. Những hành động như dâng hương hoa trên bàn thờ, quỳ lạy hoặc tham gia vào các cuộc lễ có thể tích tụ phước báo để tái sinh vào các cõi trời.

 

Không cứ gì lễ nghi và tế tự mà mọi hành động tu tập khác nếu làm bằng Ngã thì đều gây ra nghiệp và chịu luân hồi.

. . . . .

 

Sự thành tín kính trọng và biết ơn đối với Tam bảo ( Phật, Pháp, Tăng) mới là điều quan trọng.

 

Vô ngã mới là quan trọng, vì ngay cả những sự thành tín và kính trọng này nếu làm bằng tâm trí nhị nguyên thì vẫn gây ra nghiệp và chịu luân hồi.

. . . . .

 

Không một điều nào có hàm chứa chân lý, bởi vì chúng chỉ là do tâm tạo ra.

 

Ngay tôn giáo cũng đều do tâm tạo ra, và mọi tôn giáo cũng chỉ là phương tiện để người tu tự đi tự thăng hoa về hướng giác ngộ, chứ không một tôn giáo nào hàm chứa chân lý cả. Vì chân lý là vô giới hạn vô biên, vô tướng, không thể nắm bắt. . . và ta chỉ có thể tiến mãi về phía chân lý chứ không bao giờ tới một đích cố định nào cả. Ngay Phật giáo cũng là như vậy!
. . . . .

 

ta là kẻ thù độc hại nhất của ta

 

Ta không thể là kẻ thù độc hại nhất của chính ta được. Vì cái Ta thật sự là bản thể bất nhiễm, không thể thêm gì được vào không thể bớt gì được ra, nên không có một cái gì có thể tác động nó được.

Nhận định cho rằng thân và tâm thức này là kẻ thù của chính ta chỉ là một vọng tưởng của tâm trí.

. . . . .

Sau khi đắc tâm Đạo, sự che dấu đó không còn nữa.

Cái Tâm đạo mà có thể đắc thì nhất thiết phải thuộc sinh diệt pháp. Không phải pháp rốt ráo. Và như thế nó là một kiểu tâm trí vô minh kiểu khác mà thôi!

. . . . .

 

...Có chánh niệm trong và ngoài lúc hành thiền là phương cách tu tập để mang lại kết quả. Có nghĩa là giờ nào việc ấy, chú ý qua thân và trong tâm. Khi nghe pháp chỉ chuyên tâm nghe. Khi ngồi thiền chỉ chú tâm vào đề mục hành thiền. Khi trồng cây, chỉ biết trồng cây. Không kiểu cách, không phán đoán. Đó là để cho tâm ý được quen dần trong sự sống từng giây khắc. Làm như thế thì chập tâm Đạo mới xảy ra.

 

Không phải như vậy!

Mà phải là:

...Nhận biết tỉnh giác trong và ngoài lúc hành thiền là phương cách tu tập để mang lại kết quả. Có nghĩa là giờ nào việc ấy, luôn nhận biết thân tâm. Khi nghe pháp thì nhận biết mình đang nghe. Khi ngồi thiền thì nhận biết mình đang chú tâm vào đề mục hành thiền. Khi trồng cây, thì nhận biết mình đang trồng cây. Không kiểu cách, không phán đoán. Đó là để cho tâm ý được quen dần trong sự sống từng giây khắc. Làm như thế thì chập tâm Đạo mới xảy ra.

 

Hai Lúa/8/3/2008