Khi ấy ngươi vừa nghe như bình thường mà hai tay điển quang tác động tự hiển thị thành khế ấn biến hóa liên miên với kỹ thuật vẽ mantra (linh phù) vào cơ thể hay pháp giới.
Ngươi nên bận áo dài tay để che các kỹ thuật tay ấn ấy, đừng để người khác thấy mà sinh hoài nghi hoặc ngã mạn. Làm như vậy là ngươi học được phần Mật giáo.
Khi Hiển Mật viên thông hay Lý Sự viên dung, thì ngươi vừa có cái biết lý thuyết để đàm đạo thuyết giảng cho người khác mà lại vừa có công năng làm được những điều mình nói phi nỗ lực.
Này Cỏ May, ông phải biết tất cả những gì mình làm được mà không cần cố gắng thì mới lâu bền vĩnh viễn, chứ phải nỗ lực phải cố gắng hết mức mới làm được thì sẽ không liên tục và thường xuyên được.
Ông đừng nghĩ thông công với thầy mình mọi nơi mọi lúc là điều quá khó hoặc không tưởng. Ông đã học qua liệu trình A rồi thì khắc biết lời nói của ta có Phật lực khiến người nghe đắc khí, tự chữa lành bệnh kể cả một số trường hợp là nan y. Ngoài ra khi nghe lời ta nói một số người tự giải tỏa được các ức chế bức xúc và đè nén về tâm lý khiến họ tự nhiên khóc, tự nhiên cười, tự nhiên nói chuyện hay chuyển động. . . . những điều như vậy làm họ chữa lành các trạng thái bị stress hay chấn thương tình cảm hoặc khiếm vận động. . .v.v. . .giúp vào việc tự điều trị lành các rối loạn chức năng hoặc các bệnh về cơ năng mãn tính.
Họ làm được các kết quả tưởng chừng như hoang đường, đấy là nhờ lúc ấy họ đã thông công với ta.
Mô Phật, chẳng phải ông cũng đã từng như vậy sao?
Thế thì ông đừng phân biệt lúc ta lên lớp giảng dạy với lúc bình thường, bởi vì ta thường trú điển quang nên lúc nào cũng vậy.
Mỗi khi đến gần ta ông nên có trạng thái tâm lý như khi học với ta ở liệu trình A vậy, thế thì từng lời nói và hành động của ta sẽ kích hoạt khêu gợi cái bản tánh chân thật của ông sống dậy, làm được như vậy thì gọi là thông công với Thầy mình. Và kết quả là ông sẽ tăng cường khả năng sống và cống hiến. Ông sẽ đa chiều, đa diện, trực giác, ngẫu hứng và tràn đầy rung động sáng tạo.
Ông cũng đã biết, khi học liệu trình A mà thường mở mắt quán sát, bị lôi bởi âm thanh và hình ảnh bên ngoài hay phát tâm nghi ngờ kết quả của phương pháp muốn thụ khí chỉ để tìm hiểu hay coi thử, thì đều rất khó đắc khí, nếu không nói là không thể thông công với Thầy mình, khiến ngồi đấy tuy tai vẫn nghe, đầu óc vẫn tư duy phán xét nhưng chẳng bao giờ thực chứng điều huyền diệu bất tư nghì của Phật lực.
Cũng vậy tuy ở gần ta, nhưng tâm bất tịnh bị lôi bởi nhân duyên và ngoại cảnh, không có niềm tin và kính ái ở Thấy mình, chỉ chăm chăm muốn đến để học thần thông pháp thuật hay đến để thử xem với cái tâm phán xét nghi ngờ thì tuy tai có nghe, mắt có thấy mà như đui như điếc, có biết gì đâu đến sức mạnh của thế giới tâm linh huyền diệu.
Khi các ông đến học liệu trình A để tự chữa, để giúp các ông khỏi lạc tâm thất niệm, ta luôn nhận ân điển thiêng liêng để nói và làm các động tác gọi là phát công. Các ông bị cuốn hút nên tâm luôn trụ chắc vào định hướng ấy, khiến việc thông công xảy ra dễ dàng.
Bây giờ khi học thiền đại thủ ấn lên cao, trong cuộc sống thường nhật ta cũng luôn thường trú điển quang để nói và làm Phật sự. Tuyệt đối không nói và làm việc đời. Điều ấy cũng là để các ông dễ thông công với Thầy mình trong cuộc sống. Được vậy thì môi trường nơi chúng ta cùng cư ngụ và làm Phật sự thật sự biến thành thiền viện vĩ đại và ta là người đang dùng Phật lực nói và làm và các ông là những người đang thông công với thầy mình trong Phật trường của Như Lai.
Và như vậy, ông thấy đấy, trong liệu trình A, ông chỉ tịnh tâm, thông công với Thầy, nương Phật lực hay điển quang thì tự khắc có hành động tự biểu thị và đem lại kết quả về thân bệnh.
Thì nay cũng vậy. Khi học thiền đại thủ ấn. Trong cuộc sống thường nhật, ông cũng phải tịnh tâm đừng để nhân duyên và sắc trần lôi đi, thì tự khắc lúc nào cũng thông công được với Thầy mình. Thế thì cũng như lúc học liệu trình A, nay ông cũng phải tịnh tâm cảm nhận sức điều khiển của năng lượng giác ngộ để làm theo. Thân ông nương theo chiều tác động của điển quang để làm. Còn ông là cái người chứng kiến thì lặng yên quán sát trong tỉnh giác toàn bộ lời nói hành động và trạng thái tâm lý của mình khi thông công và biểu thị trong cuộc sống thường nhật.
Cái trạng thái tỉnh giác chứng kiến chính mình trong cuộc sống như vậy sẽ làm quá trình thông công truyền tâm ấn tự nhiên xảy ra. Biến cái lời nói và hành động tức khắc tức thời đầy Phật lực khi thông công thành cái khả năng thường xuyên của chính mình sau này khi không có điều kiện ở gần để thông công với Thầy của mình.
Này Cỏ May, nếu ông ở gần ta mà chỉ nghe bằng tai, tư duy phán xét bằng tâm trí, thì học thiền đại thủ ấn cũng giống như chỉ tập thể dục mà không đắc khí vậy. Người ấy chỉ khỏe chứ không trị lành được thân bệnh. Cũng vậy ông chỉ thành người tốt chứ không Ngộ (Satori) được.
Trái lại nếu ông biết áp dụng những điều ta vừa nói trên. Thì khi ở gần ta Hiển mật đều tự biểu thị ở nơi ông. Và ông trụ chắc vào trạng thái yên lặng tỉnh giác tự chứng kiến chính mình thì quá trình truyền tâm ấn tự nhiên sẽ xảy ra. Đó là cái chư Tổ thường gọi là: Bất truyền truyền ( Truyền cái không thể truyền) hay là Truyền tâm ấn vậy.
Này Cỏ May, ông có cái duyên lành là được ở gần Thầy mình. Vì như vậy là rất dễ thông công. Giống như lúc nào cũng đang ngồi trước mặt ta để thụ khí trong phòng tập liệu trình A vậy.
Còn chư huynh khác không được cái duyên lành ấy. Ở cách xa Thầy tự tu tập qua băng đài. Giống như người tự tập Khí Công Dưỡng Sinh qua băng đài. Cũng có thể đắc khí và có hiệu quả. Nhưng sẽ hạn chế và không phát huy đầy đủ như khi cùng tập với Thầy mình.
Còn nữa nếu chư huynh ở xa không có dịp ở gần Thầy mà cũng không tập theo băng đài. Chỉ học qua lý thuyết và sách vở, thì cũng như tự học Khí Công qua sách Hội Nhập Con Người Thật. Thỉnh thoảng cũng có người đắc khí. Nhưng tỷ lệ rất ít và hiệu quả cũng rất hạn chế nếu không nói là có thể hiểu sai, tập sai đưa lại hậu quả không tốt.
Này Cỏ May, đấy là bước đầu thực hành thông công với Thầy mình hay Guru của mình. Còn sau này khi ông đã trưởng thành thì có thể ở cách xa Thầy mình mà vẫn thông công với thế giới tâm linh hay thể nhập tánh. Lúc ấy là phép thông công với Deva, Dakini và Hum. Hôm khác khi có dịp ta lại sẽ nói chuyện với ông về các phép thông công ấy
Mô Phật, Ta tưởng vậy chứ chưa chắc đã vậy.
Trên đây chỉ là những kinh nghiệm của riêng ta khi tu thiền Đại Thủ Ấn (Mahamudra) chưa chắc áp dụng được cho mọi người. Ông đã có lòng hỏi, nên ta phải nói thế thôi.
Muốn biết chính xác điều này. Ta khuyên ông nên tác bạch với chư tăng và chư vị thiện tri thức để các ngài ấy phát tâm chỉ dạy cho thì mới được.
Tưởng Vậy/29/2/2008