Hềhề. . .!
- Kinh nghiệm lớn nhất trong cuộc đời lang bạt của cụ là gì? - Làm Thợ chớ làm Thầy - Tại sao vậy? - Tại ai cũng tự cho mình giỏi hơn kẻ khác. Khi thấy có người khác hơn mình sẽ đem lòng ganh tị. Do vậy, người kia lập tức sẽ bị cả xã hội công kích.

-    Thế sao vẫn có những người được đám đông gọi là thầy?

-    Tại họ luôn nói đúng theo cái ý muốn ngầm của mọi người, nên được mọi người kính trọng vì tự ái họ được vuốt ve.

-    Làm sao cụ có được cái kinh nghiệm này?

-    Tại vì khi rời thầy ta, ta còn rất trẻ nên lòng đầy nhiệt huyết. Ta bèn lang thang khắp nơi đem pháp môn đã học với ân sư giúp đỡ mọi người. Khi ta nổi tiếng cũng là lúc mọi sự phiền toái kéo đến. Ta phải luôn gặp nguy hiểm vì lòng đố kỵ ganh ghét của đám đông kể cả những người trước đấy đã được ta cứu giúp. Ông biết không, chẳng ai tin lại có kẻ hâm hâm suốt ngày đi giúp thiên hạ mà chẳng lấy công. Ai cũng nghĩ: “Coi chừng đó chỉ là trò lừa bịp, hay chỉ là thủ đoạn lấy lòng thiên hạ để mưu đồ chuyện gì đây...v.v...” Rất nhiều người theo học với ta rồi phối hợp với một số thủ thuật để gây dựng môn phái riêng. Những người này vì muốn nổi tiếng và muốn kiếm tiền qua phương pháp. Cho nên ta vô tình biến thành trở ngại của họ. Họ bèn ra sức chê bai, công kích, vu khống bôi nhọ ta...v.v... Đám đông ganh tị về hùa với họ gây cho ta rất nhiều phiền toái. 

-    Do vậy về sau cụ không hành thiện độ sanh nữa phải không?

-    Không phải vậy, ta vẫn luôn luôn hành bồ tát đạo, nhưng ta đã thay đổi cách sống, chuyển qua làm “Thợ” chứ không dám làm “Thầy” nữa. Từ đó, ta rất thoải mái, luôn được mọi người thương yêu, muốn làm gì thì làm, không có ai theo dõi xét nét, không có đám đông theo học pháp vì danh vì lợi, không có đám đông ganh tị làm các trò ruồi bâu... Hề hề... nay ta thoải mái thật, đúng là Như Lai hộ để ta thoát nạn.

Này Cỏ May, ông biết không làm “Thợ”, ta còn có một cái lợi rất to lớn nhờ đó mà ta thật sự được “giải thoát”.

-    Cái lợi gì mà lớn vậy cụ?

-    Hề hề... ta làm “Thợ” nên sống qua ngày bằng tiền lao động và mồ hôi của mình, không sống dựa vào sự giúp đỡ hay “tấm lòng công đức” của Phật tử hay mạnh thường quân. Nhờ vậy mà ta không lệ thuộc họ. Ta có thể ở nơi chỗ của họ, ăn cơm, nghỉ ngơi thoải mái ở chỗ của họ sòng phẳng, chứ không phải do lòng hảo tâm hay kính trọng tam bảo của đám đông. Trước kia ta giúp đỡ mọi người, nhưng vì giữ hạnh “bất tróc trì kim ngân” nên ta không thu tiền của ai. Thế nhưng những người đứng ra tổ chức cho đám đông tu học thường lợi dụng việc ta làm để kiếm tiền riêng. Xong rồi chúng cho rằng giúp đỡ ta cơm ăn áo mặc để phục vụ chúng sanh là “làm công đức”. Ta do vậy bị lệ thuộc tài chính vào họ nên họ tìm cách gây áp lực với ta để vì lợi riêng.

Lẻ dĩ nhiên ta không đồng ý cách làm của họ nên thường sau một thời gian chung sống với các “tấm lòng công đức” ấy, ta phải bỏ đi. Đại bộ phận bọn họ phật ý và tìm mọi cách hại ta. Cái ấy gọi là “ăn không được, thì tìm cách đập phá”!

-    Thế bây giờ cụ làm thợ gì?

-    À, ta đắp tượng Phật, tượng Bồ tát, La Hán và chư Tổ, ta vẽ tranh thiền, làm non bộ, làm tam quan và kiến tạo sân vườn, dựng các tác phẩm sắp đặt về thiền...v.v... Hề hề... ta đến các chùa, nhà Tổ, nhà đền, miếu mạo và khu di tích... làm thợ không lấy tiền công, chỉ cần ăn ngủ và phương tiện di chuyển. Ông biết không, nhờ tay nghề ta khá nên ta ở đâu mọi người cũng thích và cần, nhờ vậy ta được mấy bà, mấy cô cho ăn ngon, được chư tăng thương yêu, được Phật tử kính trọng, được học trò theo học không phải vì muốn làm thầy thiên hạ mà vì muốn có một cái nghề để kiếm sống lương thiện...

-    Như vậy là cụ đã làm Phật sự rồi đấy, nhưng còn hành thiện độ sanh và truyền pháp của Như lai thì làm thế nào?

-    À, ta nhân lúc lao động mà nói về sự tích các đức Phật và chư Tổ, về ý nghĩa của tác phẩm, tính thiền vị của nó...v.v... Thiền ngữ, thiền cơ và thiền hành qua lao động mà trở nên sinh động và sắc bén. Nhờ sống trong chùa và gần chư tăng chư thiện tri thức nên học được cách sống chánh định tỉnh giác các nghi thức hành trì, nhưng không bị lôi kéo vào các vụ việc nên trạng thái chứng kiến sẽ tự nhiên thành. Ta cũng có thể nói chuyện hay hỏi ý đạo với chư tăng và trao đổi ý kiến của mình với chư Phật tử khi họ đến xem ta làm việc mà không phải là pháp thoại. Vì ta không hiển tướng tu sĩ nên ta không bị đám đông xét nét về giới hạnh. Ta và những người phụ việc muốn làm bao nhiêu thì làm, muốn nghỉ ngơi tùy thích vì không ai dám ép nghệ nhân làm, bởi sợ mất hứng tác phẩm sẽ xấu đi. Ta đưa kiến thức, ý đạo và sự thực chứng của mình vào các tác phẩm nghệ thuật. Nếu thấy người nào đồng cảm, ta sẽ nhân đấy mà trao dổi về cách tu hành và yếu chỉ của bản môn. Thường khi có người đến học việc ta sẽ quan sát đạo đức, tác phong của họ qua lao động, rồi nhân đó từ từ sẽ giảng giải và cùng họ áp dụng lục độ ba la mật vào công việc và cuộc sống. Hề hề... nói chung ta không cần xây chùa để tu mà dùng chùa thiên hạ, ta không cần truyền giới cho người tu vì họ ở gần và bắt chước chư tăng, không hí luận và hí sự mà thông qua Phật sự để người lao động tự tỏ ngộ vấn đề. Ta không bị một áp lực nào của thế gian vì sống bằng lao động chân chính và được Phật tử thương yêu bảo vệ. Ông biết không trước khi làm một Phật sự ta là thợ cả ta sẽ nói về kỹ thuật phải làm như thế nào. Nhưng ta cũng nói về lịch sử, tính mỹ thuật, tính triết học, tính nhân văn... Ta cũng nói cho các thợ trẻ về khả năng kết hợp sự ngẫu hứng với tính chuyên nghiệp, về đạo đời hợp nhất, về sự thăng hoa của nghệ thuật về hướng tâm linh tối thượng, về tính thực tiễn của thiền không hoang tưởng trong các đề tài rút ra từ cuộc sống đa chiều. Ta nói về Phật tánh ẩn tàng trong mọi sự, về có hành động làm mà không có người làm, về nghệ sĩ tâm linh chỉ là phương tiện của Thượng đế hay về tình yêu tối thượng, về sự tỉnh giác nhưng đầy rung động và ngẫu hứng, tính tức khắc tức thì phi tâm trí của nghệ thuật, tính phi khái niệm và đa chiều của tác phẩm, về luồng chảy tự nhiên không bao giờ dừng của pháp giới nên tác phẩm phải có tính phi thời gian...v.v... Lý sự phải viên dung, tri hành phải hợp nhất, các thợ trẻ tự nhiên trực ngộ qua Phật sự là vì vậy.

-    Thế cụ không có nhà sao?

-    Có chứ nhà ta là tất cả các chùa trên thế gian này, là tất cả nơi nào ta đến và làm Phật sự. Thế cho nên gọi là xuất gia mà không có tướng xuất gia là vậy! Này Cỏ May, ông biết không, ta có một phát hiện thú vị: Xuất gia có phiền toái của người xuất gia, không xuất gia thì có cái phiền toái của người không xuất gia. Chỉ có xuất gia mà không có tướng xuất gia thì mới thật sự tự do. Hềhề... nếu nơi ta đang làm có vấn đề gây phiền toái. Bọn ta sẽ lập tức đến nơi khác. Mà chùa và các điểm tâm linh thường rất đẹp, rất tịnh lại đủ phương tiện sao mình lại không ở chứ. Nếu bây giờ ông đến một nơi xin ở luôn nơi ấy tu hành chưa chắc họ đã nhận . Còn khối rắc rối chẳng những với ban trị sự mà còn với chính quyền...v.v... nhưng ta đến làm thợ thì lại khác. Ai cũng ủng hộ. Nếu nơi nào ân cần tử tế, cơm ngon, phong cảnh hữu tình thì bọn ta ở lâu, còn nếu không thì đi nhanh... Hề hề... ơn trên hộ bọn ta có tay nghề cao lại làm không lấy tiền nên chẳng bao giờ thiếu việc. Ta do vậy mà rất thoải mái, vân du và làm Phật sự khắp mọi nẻo ta bà mà chẳng bao giờ hết thú vị! Cái thoải mái nhất là ta đã thoát khỏi đám đông đố kỵ và đám đông tu học vì muốn làm thầy thiên hạ. Thông qua việc làm Phật sự bọn ta rèn được thể lực và đức hạnh. Dùng giới làm phương tiện mà không nô lệ giới vì sĩ diện. Làm ra sản phẩm cho xã hội, mà không ngồi đấy ăn bám và suốt ngày đấu tranh hí luận.

-    Này Cỏ May, ông hỏi ta nhiều như vậy chứng tỏ ông đang quan tâm vấn đề này. Hay là ông cũng muốn đi làm Phật sự với ta để thơ văn ông viết có tính thực tiễn mà phi khái niệm và phi thời gian, chứ không có mùi không tưởng, thương mây khóc gió...

Chắc ông biết, Phật tánh ẩn tàng trong mọi sự, không phải đi tìm đề tài mà đề tài ngay truớc mặt, ở chung quanh ta và ở ngay bản thân mình. Có một tâm hồn đẹp thì thấy cái gì cũng đẹp, còn tâm hồn chưa đẹp mà đi tìm cái đẹp thì khác nào mò trăng đáy nước!

Chưa thông công với cái đẹp thật sự thì tác phẩm chỉ là biểu thị của cái Tôi mà thôi!

Sao, ông có thích ngao du cùng ta chăng? Phật sự là phương tiện để con của thượng đế đi chơi đấy mà!

 

Tưởng Vậy/26/10/2007