Mệt quá. . . .nghỉ một chút thôi!
Người ta nói Phanxipan là nóc nhà Đông Dương. Nhưng đối với chúng tôi thì nó thân thiện hơn nhiều. Chúng tôi thấy đỉnh Phanxipan như một ông già hiền từ mà trang nghiêm. Ông cụ đứng uy nghi, với chòm râu bạc phất phơ trước gió. Chúng tôi muốn hôn lên chòm râu bạc ấy. Nhưng kiễng chân, kiễng nữa, kiễng mãi... mà vẫn chưa tới. Vậy là phải bay lên mới được!

Chúng tôi muốn hôn lên chòm râu bạc ấy. Nhưng kiễng chân, kiễng nữa, kiễng mãi... mà vẫn chưa tới. Vậy là phải bay lên mới được!
Thế là chúng tôi đi Phanxipan. Hăm hở và tràn đầy phấn khích.
Trước khi đi, già Năm giao nhiệm vụ mỗi người phải viết một bài về Phanxipan sau chuyến đi.
Trên đường chúng tôi thu thập tài liệu để viết bài.
Tôi muốn viết về rừng cây ở Phanxipan. Dưới hai nghìn mét là rừng nhiệt đới, có sồi, thông reo, pơmu,... Trên hai nghìn mét là vương quốc của trúc, càng lên cao càng nhiều trúc lùn. Cây cổ thụ có nhiều loại, với những lẵng hoa lan lủng lẳng đủ kiểu: tím, vàng, trắng,.... Hoa nhiều, hoa trúc anh đào, hoa đỗ quyên, hồng bạch,.... Nhưng trên hai nghìn sáu trăm mét thì hoa ít hẳn, nhường chỗ cho địa y, rêu nấm,... Rêu trên đá, trên thân cây,... Còn đất dưới chân thì cứ như bùn nhão nhoẹt, nhiều chỗ dẫm vào bọt cứ nổi ùng ục,....
..............
Tôi sẽ kể về các hình ảnh của đoàn chúng tôi: hăm hở trong mưa, lúc lao vun vút, lúc nghỉ ngơi khề khà với chai nước và mấy quả đào, mận Sapa, rồi lại tiếp tục bám trúc, đu người lao đi như khỉ vậy. Áo mưa rách tướp. Người ướt sũng. Vài người có biểu hiện bị tím môi, tái nhợt do cái lạnh âm thầm ngấm vào xương thịt liền được nhắc nhở khẩn cấp vận công tập kim cang thủ hay nhiệt tâm linh. Có người thiếu khí hỗn loạn nhịp thở liền thổ nạp khí công để phục hồi,....
................
Tôi sẽ kể về nỗi niềm hân hoan khi mọi người lên đến đỉnh 3143 m. Có người ngẹn ngào không cầm được nước mắt. Hãy để nước mắt tuôn trào! Hãy ôm hôn Cụ già, hãy hôn lên chòm râu bạc.... Đỉnh cao cho ta cảm giác không trọng lượng, rũ hết những ưu phiền, toan tính tủn mủn hàng ngày,.... Có tiếng gào, tiếng hét do nỗi lòng trỗi dậy. Có tiếng hát hùng tráng, tiếng khóc do sung sướng, tiếng cười như trẻ thơ.... Tự do!.........
.................
Chúng tôi có nhiều điều để kể về những sinh hoạt giữa núi rừng. Ngọn lửa bập bùng. Những người thổ dân H’Mông cặm cụi giúp đoàn trong việc nấu nướng, hơ sấy quần áo, giày dép,.... Có người khe khẽ hát, có người kể chuyện tiếu lâm,... quanh ngọn lửa hồng.
Chuyện kể rằng, có chàng người da trắng lạc vào một bộ tộc người thiểu số. Chàng yêu một cô gái bộ tộc. Nhưng cô gái cũng đã có người yêu là một chàng trong bộ tộc đó. Việc khó xử xảy ra. Cụ già trưởng bộ tộc bèn quyết định lập phiên tòa xét xử: cho hai chàng cùng chịu nhịn ăn để thử sức và xem ai sẽ thắng được thử thách khắc nghiệt này. Hai chàng đói bị trói vào hai cây cột, trước mặt là đồ ăn. Một ngày trôi qua. Rồi hai ngày,... Một hôm, chàng da trắng không thể chịu được nữa, liền ngoạm một món ăn trước mặt. Rồi ngấu nghiến ăn hết món nọ đến món kia,....
Trưởng tộc bèn quyết định trao cô gái cho chàng da trắng trước sự ngỡ ngàng của mọi người. Cụ phán, vì chàng này yếu đuối, cần có người đàn bà ở cùng để giúp vượt qua các thử thách của cuộc đời.....
Ôi, con người đơn sơ của bộ lạc mới cao thượng và sáng suốt làm sao!...
Những người H’Mông đi cùng chúng tôi cũng vậy. Họ nói tiếng Kinh còn chưa sõi, nhưng tấm lòng nhiệt thành, trung thực của họ thì không thể bị nhầm.
................
Rồi chuyện ngủ trong những chiếc túi như con sâu rừng. Tiếng ngáy hòa âm có thể còn hay hơn bản giao hưởng của nhạc sỹ vườn nào đó....
Rồi chuyện rửa nhầm chân bên bờ suối. Lạnh thế, cóng hết cả, còn biết chân ai với chân ai.....
................
Khi xuống núi chúng tôi trú tại Khách sạn Bamboo. Tiếng Anh có nghĩa là Cây tre. Chả là ở Thị trấn Sapa có rất nhiều du khách ngoại quốc nên tiếng Anh bao giờ cũng đi kèm tiếng Việt, thậm chí trẻ con H’Mông nói tiếng Anh còn thõi hơn nói tiếng Việt.
Tôi đang suy tư, vì sao khách sạn này có tên là Bamboo thì cô bạn xách ngay một Cụ già- gốc tre vào. Cụ già- gốc tre này có giá khoảng 100.000đ. Đủ cả râu ria, nụ cười hả hê hỷ xả,.... và tóc nữa, bằng rễ tre. Có lẽ Bamboo là vậy.
Bỗng tôi thoáng giật mình. Phía sau có một cụ già chẳng khác là bao so với Cụ già-rễ tre, chỉ có điều đây là cụ già thật, đi lại đàng hoàng, trong tay cầm chiếc vòng tai. Dường như chẳng để ý đến những gì lặt vặt, cụ lần lượt đi hỏi các giang hồ khách hầu ai đó có thể cho cụ biết chủ nhân của chiếc vòng tai hiện đang ở đâu?
Cô tiếp tân đến bên tôi cho biết, đã bao năm nay, vào mùa du lịch cụ thường xuất hiện nơi đây để mong tìm lại được người yêu cũ của mình qua chiếc vòng tai ấy.
Tội nghiệp, đã hơn nửa thế kỷ trôi qua!
Tôi sững sờ!
Ngọn núi này... Mảnh đất này... Còn chứa đựng biết bao bí ẩn, bao nỗi lòng, bao điều huyền diệu?....
Tôi quyết định không viết về Phanxipan nữa.
Tôi còn phải đến đây lần nữa, lần nữa,... để tìm hiểu về ngọn núi, mảnh đất, con người,... mới dám đặt bút viết về Phanxipan hiên ngang huyền bí này....

25/6/2007

Hihumi