- Thế nào là thiền lực?
- Rung động đầy và tràn, nên có tính tự phát và ngẫu hứng.
- Như vậy căn bản của mọi sáng tạo là sự thăng hoa đến cùng cực của rung động. Thế nhưng rung động lại là một cảm thọ và như vậy là phan duyên nên sẽ mất định?
- Này chú Ba!. . .Không phải vậy. Nếu đồng nhất với rung động thì là một cảm thọ gây mất “định”. Nhưng nếu “yên lặng chứng kiến rung động” mà rung động vẫn phát triển thì đó là “hành thâm bát nhã ba la mật đa”
- Thưa cụ, làm sao thế được. Chẳng phải cụ vẫn thường dạy: Như ánh mặt trời làm tiêu tan sương mù, biết rung động thì rung động sẽ mất sao?
- Đúng vậy! Đây là cái khác cơ bản giữa người “tâm trí” và người “tâm không”. Khi còn tâm trí đặc tính của tâm thức là “lưu ảnh”. Còn khi đã đạt tâm không, đặc tính của tâm không là không “lưu ảnh”.
Bởi vậy rung động của người còn tâm trí là một bản năng tự nhiên và thường không thể thăng hoa do tâm đang chứa quá nhiều “niệm” hay “ảnh” khác.
Còn đối với người tâm không, các cảm nhận của giác quan đều được biểu thị tức khắc tức thời nên tâm luôn yên lặng và không thể có bất kỳ rung động nào. Muốn chủ động có các sự rung động để sử dụng trong nghệ thuật hay cuộc sống, người tâm không phải biết kìm giữ không cho sự biểu thị hiển lộ. Gọi là “Bế tinh dưỡng khí tồn thần”.
- Thưa cụ, xin cụ làm ơn nói rõ hơn.
- Này chú Ba!. . .Đối với người tâm không, khi giác quan thu nhận tín hiệu và cơ thể lập tức muốn biểu thị tức thời tức khắc. . . .Người ấy chủ động giữ lại không để sự biểu thị diễn ra. . . .Đấy có thể coi là sự chủ động kìm nén. . . .Trong khi ấy vẫn tiếp tục nhận biết sự rung động này, bởi nếu không duy trì nhận biết thì rung động lập tức biến mất do đặc tính không lưu ảnh của trạng thái tâm không.. . . .
Này chú Ba!. . .Nhận biết rung động và tiếp tục “Tồn thần” như vậy thì rung động ấy được chủ động nuôi dưỡng. Khi nó lớn lên choán đầy tâm thức. . . .nó vẫn tiếp tục lớn lên mãi. . . .thì sẽ có hiện tượng “tràn” do “đầy”. . . .Mà không đơn giản là tràn đầy mà là “Tức nước thì vỡ bờ”. . . .Này chú Ba!. . . .Bờ đây là cái bờ “Tâm không”. . . .tức nước là sức mạnh của “chánh niệm và tỉnh giác”. . . .”đầy” là “đại ngã” và “bung ra” là “ngộ” là “anattta- vô ngã”. . . .
- Thưa cụ vậy thế nào là sáng tạo?
- Này chú Ba!. . .Khi sự nhận biết phát triển đến cùng cực. . . .sự thăng hoa cũng đến cùng cực thì sự bùng nổ hay “ngộ” sẽ nhất định tự xảy ra. . . . .Sức mạnh của sự bùng vỡ là thiền lực. . . .cái ngẫu hứng và dòng chảy tự phát khi rung động thoát khỏi bờ tâm trí là sáng tạo của vô thức. . . .
Này chú Ba!. . .Mọi sáng tạo đều từ vô thức. . . .nếu là do ý thức thì đó chỉ là lối mòn của tư duy!. . . .Lúc ấy cái nhận biết không còn nữa, nó đã chết theo cái “tôi” chỉ còn lại “cái tự biết không nguyên nhân”. . . và khi ấy, người nghệ sĩ tâm linh phải biết buông xuôi để Thượng Đế tự biểu thị qua thân xác của mình!. . . .Ôi!. . .Nó là sự đồng cảm tối thượng. . . . yên lặng cùng cực thành sức mạnh. . . .Bởi là sự bùng vỡ nên nó tức khắc tức thời và đầy sức mạnh ngẫu hứng. . . . .
- Này chú Ba!. . . Nó chính là im lặng sấm sét!. . . . . . .Tranh của chú chỉ có yên lặng mà không có cái sấm sét này nên ta gọi là không có “thiền lực”!. . . .
- Mô Phật!. . .Xin cảm ơn cụ về những điều cụ đã nói.
- Hềhề!. . . .Ta tưởng vậy chứ chưa chắc đã vậy. . . .Chú Ba nên hỏi việc này với các nhà chuyên môn và các thiện tri thức để các ngài ấy phát tâm chỉ dạy cho thì mới được. . . .
Tưởng Vậy/5/1/2007