Tâm trí
Dưới rặng mai già xù xì, lá non xanh mướt, Ba Gàn đang hành công. . .

Bên suối, Cụ Tưởng Vậy yên lặng uống trà. . .

Bao giờ cũng vậy, ở núi Vân hoàng hôn xuống chậm hơn mọi nơi. . .

Duới thung. . . đồng lúa, hàng tre, bãi dừa và làng xóm đã tối nhờ nhờ. . . mà ở đây, mấy vệt nắng mong manh vẫn còn lưu luyến chưa muốn đi. . .

Dòng sông ánh lên như một dải lụa bạch. . . .Lũ giang cánh xám đã về trò chuyện ồn ào trên ngọn cây. . . .

Gió xuân mát mẻ. . .lộc non vươn khắp nơi. . . .Mùi cửu lý hương nồng nồng cay cay. . . .mùi trầm thoang thoảng. . . .làm hương trà như đậm đà hơn. . . .

Ba Gàn đã tập xong. . . .Hắn cởi áo vắt vai cho mát và thong thả đi về phía cụ già:

-         Xin chào cụ

-         Chào chú Ba

-         Thưa cụ, cụ thấy tôi hành công thế nào, đúng hay sai?

-         Đúng nhưng còn sai.

-         Tại sao lại thế? Đã đúng thì làm sao còn sai được?

-         Đúng, nhưng tính thiêng liêng thì không?

-         Mô Phật. . . xin cụ từ bi nói rõ hơn. . .

-         Không phải ông tập. . . .không phải ngã hành công bằng tâm trí đúng sai. . . .mà hợp nhất với "tánh thiêng" để cơ thể tự nói tự làm. . . Hay nói cách khác động tác phải có hào quang. . . phải nhập thần. . . phải tràn đầy rung động thiêng liêng. . .nó là Phật lực chứ không phải ngã lực!. . .

-         Làm sao để được vậy?

-         Tỉnh giác khi hành công và trong cuộc sống.

-         Làm sao để không quên tỉnh giác.

-         Thanh tịnh thân tâm

-         Làm sao để thanh tịnh thân tâm?

-         Giới.

-         Thưa cụ thì vẫn là đúng sai của tâm trí ?

-         Đúng vậy. . .Nhưng nhờ thế mà toàn bộ quá trình. . .Định. . .Tịnh. . .Tỉnh giác. . .và hợp nhất với tánh thiêng. . . hiển thị.

-         Thưa cụ hợp nhất với tánh thiêng có phải là "Huệ" ?

-         Đúng thế nhưng ông hiểu thế nào là "huệ" ?

-         Đó là cái tự biết của Bát nhã. . là vô sư trí. . . là cái biết tự nhiên không cố gắng. . . .

-         Mô Phật chưa đủ. . .đó chỉ là một mặt của Như Lai. . . Bát nhã không chỉ là cái biết phi tâm trí. . .mà còn là "Cái làm phi tâm trí" nữa. . .

-         Thưa cụ tại sao lại thế?

-         Vì " Vô ngã" thì tri và hành hợp nhất.. . .Không có cái gì gọi là "Cái biết" tồn tại như một thực thể độc lập. Mà cái biết của bát nhã phải luôn hiển thị thông qua một "Dụng" hay biểu thị. . . .Mô Phật không có hành động nói hoặc làm thì không có bát nhã. . . Như không có bình đựng thì không có nước. . . Mô Phật dù nước là một thực thể. . . Nhưng không có bình đựng thì nước không tồn tại. . . .Cũng vậy không có cái gì gọi là "Tri" hoặc "Biết" của bát nhã mà không thông qua biểu thị của hoạt dụng. . . .Ông lại hỏi tại sao à? Vì chỉ trong phạm trù của tâm trí thì cái biết và hành động mới phân hai, bởi có trung gian tâm trí ở giữa. . . .Hềhề!. . . Biết để biết, chỉ có ở chúng sanh. . . .Biết rồi để đấy đắn đo suy nghĩ cân nhắc thiệt hơn theo kinh nghiệm, thì chỉ có ở tâm trí nhị nguyên. . . . .Còn ở thiền "Biết tức Làm". . . .

-         Xin cụ cho một thí dụ?

-         Để một vật trước gương. . .Cái gương lập tức hiện hình vật ấy. . .Ta gọi cái gương có "Huệ". . .Nó là tức khắc. . .Huệ của cái gương là cái hình ảnh hiện ra tức khắc trên gương. . . .Chứ không phải cái gương nhận biết vật được đặt trước mình. . . sau đấy đắn đo suy nghĩ nên hay không nên rồi mới hiển thị. . . .

-         Mô Phật. . . .Trong trường hợp của tôi, làm thế nào để có huệ lực hay hợp nhất được với "Tánh thiêng"?

-         Này chú Ba!. . . Nhận biết được thế nào là hoạt động của cơ bắp và hoạt động của "Khí", cùng trôi theo chiều biến dịch của khí thì gọi là "Khí Công Dưỡng Sinh". . . .Còn nhận biết thế nào là hoạt động của "Khí" và hoạt động của "Tánh thiêng", biến mình thành phương tiện của pháp giới thì gọi là "Thiền động". . . .

. . .

Bóng tối mềm và mượt như nhung. . . .

Cái Na vừa thắp một ngọn nến nhỏ gắn lên bàn đá. . .Cô cũng vừa pha một ấm trà mới. . . .

Cụ già thổi tắt ngọn nến. . .rồi cùng Ba Gàn yên lặng uống trà . . . .

Đom đóm bay lập loè. . . .Trong đám cỏ non ẩm ướt, côn trùng tấu lên bản nhạc không tên. . . .

 

Một già một trẻ cùng yên lặng mỉm cười với niềm vui. . . cũng không tên! . . . .

 

Mây/22/3/2006